Chúng tôi quen biết anh từ hơn 50 năm
trước. Ngày ấy kỹ sư Lưu Minh Hiệu từ
tuyến lửa Trường Sơn chuyển ngành
về Thái Bình, làm Trưởng ty giao thông, làm
Bí thư huyện Hưng Hà rồi làm lãnh đạo tỉnh.
Còn tôi là phóng viên quân đội, cũng từ chiến
trường ra chuyển ngành về Báo Thái Bình.
Qua công việc tiếp xúc, giao lưu, chúng tôi có
cơ duyên được gần gũi anh và yêu quý gắn bó
với anh cho đến tận hôm nay.
Chúng tôi quen biết anh từ hơn 50 năm trước. Ngày ấy kỹ sư Lưu Minh Hiệu từ tuyến lửa Trường Sơn chuyển ngành về Thái Bình, làm Trưởng ty giao thông, làm Bí thư huyện Hưng Hà rồi làm lãnh đạo tỉnh. Còn tôi là phóng viên quân đội, cũng từ chiến trường ra chuyển ngành về Báo Thái Bình. Qua công việc tiếp xúc, giao lưu, chúng tôi có cơ duyên được gần gũi anh và yêu quý gắn bó với anh cho đến tận hôm nay. Anh Lưu Minh Hiệu có dáng người cao, to, nghiêm trang bệ vệ. Anh có đôi mắt đã ở bậc cao niên vẫn tinh tường, sáng đẹp, khuôn mặt bầu, da dẻ hồng tươi, vẻ nhân hậu. Dáng đi chậm chạp nhưng chắc chắn, khoan thai. Được lắng nghe những người bạn cảm nhận về kỹ sư Lưu Minh Hiệu khá nhiều điều, có những điều ấn tượng sâu sắc. Nổi bật ở anh là phong cách làm việc năng nổ, quyết đoán, luôn sáng tạo, mạnh mẽ. Đã nói là làm, làm đến cùng, đầy trách nhiệm, được mọi người tin yêu, quý trọng. Nhiều người nhớ anh là nhớ những việc làm, những dấu ấn của anh để lại. Từ ngày đi mở đường ở đường Trường Sơn cho đến khi về công tác tại Thái Bình, và những năm sau này, mỗi chặng đường anh đi, mỗi công việc anh phụ trách đều còn lưu dấu những kỷ niệm đẹp khó phai mờ. Tuổi thơ của Lưu Minh Hiệu gian khổ vô cùng. Sống để vượt qua, để tồn tại trên cõi đời, Lưu Minh Hiệu lớn lên trong một bi kịch. Đến bây giờ hồi nhớ lại, anh vẫn không tưởng tượng tuổi thơ của anh lại rơi vào hoàn cảnh cùng cực như thế. Mới hơn một tuổi đã phải sống cô đơn, không được bố, không được mẹ chăm sóc. Bố anh là ông Lưu Hồng Phúc đi hoạt động cách mạng, đổi tên là Lưu Văn Cán vào Nam bộ hoạt động ở Cao su Phú Riềng. Phát hiện có một số cán bộ hoạt động ở đây 22 năm 1942 bọn Pháp vây lùng bắt ông đưa ông đi giam tại nhà lao Côn Đảo. Ở quê hương ông, bọn lính Ngụy xộc đến nhà đốt phá gia đình ông và loan tin: “Tên cộng sản Lưu Văn Cán (tức Lưu Hồng Phúc) đã bị giết chết tại nhà tù. Biết tin cha bị giết chết, người mẹ của Lưu Minh Hiệu đi tái giá, anh phải đi ở cùng ông bác là Lưu Văn Lợi. Từ đó Hiệu phải sống vật vờ dựa vào gia đình người bác khi còn thơ dại. Nhà bác Lưu Văn Lợi nghèo túng, nên còn bé, vừa đi học Hiệu vừa phải làm lụng đủ mọi việc, chăn trâu, cắt cỏ, cuốc đất, trồng lúa. Mười hai năm sau, năm 1954 khi đó Lưu Minh Hiệu vừa tròn 14 tuổi. Một hôm đang cuốc đất ngoài đồng thì nhận được tin từ một ông già chạy ra tận nơi Hiệu đang cuốc đất gọi to: - Hiệu ơi, về nhà mau, bố cháu còn sống, bố cháu đã về rồi. Hiệu nghe, người bàng hoàng, sửng sốt và rất vui. Người ta bảo bố bị giặc Pháp giết chết, nay không chết, còn sống trở về. Lúc ấy Hiệu không hình dung ra bố thế nào. Vì khi bố ra đi hoạt động Hiệu còn bé tý, mới hơn một tuổi. Khi ở đồng chạy về nhà mọi người chỉ bố cháu đấy. Thế là hai bố con lao vào ôm chặt lấy nhau cùng khóc. Khóc cho vơi nỗi lòng, khóc thương nhớ một thời mất bố, gia đình phải chia ly, cửa nhà tan nát. Sau giờ phút hồi hộp, sung sướng bố con gặp nhau, ông Lưu Hồng Phúc vẻ cảm kích bày tỏ cùng mọi người.- Tôi bị giặc Pháp bắt đưa đi tù ngoài Côn Đảo, bị chúng tra tấn đánh đập hơn 10 năm trời. Nhờ có cách mạng thành công, chúng tôi được trao trả tù binh, được trở về. Ông Lưu Hồng Phúc xúc động nói tiếp:- Tôi không ngờ còn có ngày hôm nay, còn được gặp lại con trai của mình. Xin cảm ơn bà con anh em trong họ. Xin cảm ơn bác Lợi đã nuôi dạy cháu thay tôi. Tôi còn được gặp lại cháu là nhờ bác, nhờ bà con làng xóm… Năm 1965 sau khi tốt nghiệp Đại học Bách Khoa với tấm bằng kỹ sư loại khá, lại thuộc diện gia đình có công với cách mạng, bố đi tù đày, Lưu Minh Hiệu được chọn trong số 5 kỹ sư trẻ vào chi viện đi mở đường Trường Sơn phục vụ sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Lần đầu tiên trong cuộc đời được đi làm nhiệm vụ vào tuyến lửa, mở đường Trường Sơn, Lưu Minh Hiệu coi như một niềm vinh hạnh, một trách nhiệm của tuổi trẻ. Anh chưa lường hết con đường phía trước sẽ ra sao. Đạn bom bủa vây, máy bay địch bắn phá, cuộc đời anh và đồng đội của anh sẽ ra sao. Khi đó chẳng có khó khăn nào cản trở được các anh. Năm chàng kỹ sư hăm hở lên đường làm nhiệm vụ. Không ngờ chiến tranh ác liệt quá. Thử thách đầu tiên ập đến. Đoàn mới hành quân vào đến Đèo Ngang thì máy bay Mỹ lao xuống bắn phá, dội bom vào giữa đội hình. Địch thả bom phá, bom bi xuống vùng đèo, chặn đường hành quân của bộ đội ta. Chớp lửa từ những trái bom nổ, khói bom mù trời trùm kín Lưu Minh Hiệu và đồng đội của anh. Người hy sinh, người bị thương, máu chảy, xương tan thịt nát nằm ngổn ngang. Lưu Minh Hiệu bị thương do bom bi, nằm gục bên xác những người bạn. Bốn kỹ sư trẻ đi cùng Lưu Minh Hiệu đã hy sinh, chỉ còn một mình Lưu Minh Hiệu sống sót và bị thương. Một thử thách lớn đến với anh, thử thách bằng xương máu và chết chóc. Sau trận bom tang thương đó, mọi người khuyên Lưu Minh Hiệu ra miền Bắc điều trị. Anh xin ở lại bởi anh nghĩ vào làm nhiệm vụ mở đường rất cần cán bộ kỹ thuật, có 4 người bạn kỹ sư đã hy sinh. Thời điểm đó chỉ còn một mình anh là kỹ sư cầu đường nên anh quyết tâm đề đạt nguyện vọng xin ở lại mở đường Trường sơn. Sau khi điều trị lành vết thương Lưu Minh Hiệu tiếp tục hành quân vào nhận nhiệm vụ tại binh trạm 14 thuộc đoàn 559. Binh trạm 14 làm nhiệm vụ mở đường, bảo đảm giao thông tuyến đường từ Quảng Bình vào sông Bến Hải. Phối hợp cùng binh trạm 16 mở đường và bảo đảm giao thông cho 4 con đường chiến lược quan trọng. Đó là đường 12, đường 15, đường 10 và đường 16. Đây là những tuyến đường huyết mạch cho bộ đội hành quân vào Nam và chuyên chở vũ khí lương thảo, quân trang, quân dụng cung cấp cho chiến trường. Binh trạm 14 khi đó chỉ duy nhất có Lưu Minh Hiệu là kỹ sư. Kỹ sư Lưu Minh Hiệu nhiều năm gắn bó với các tuyến đường thuộc binh trạm 14 và 16 trong bối cảnh khốc liệt của đạn bom. Nhắc đến bến phà Xuân Sơn huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình, một trọng điểm bị đánh bom liên tục, kỹ sư Lưu Minh Hiệu bồi hồi nhớ lại, anh cho biết:- Bến phà Xuân Sơn nhiều chuyến chở bộ đội qua sông và chở hàng hóa vào chiến trường bị máy bay Mỹ đánh phá thiệt hại rất nặng. Chúng tôi nhận định nếu không sơ tán bến phà đi nơi khác thì chúng ta sẽ bị thiệt hại lớn. Địch sẽ chặn bến phà, bắn phá suốt ngày và đêm. Binh trạm 14 chúng tôi đã nghiên cứu, khảo sát mở con đường sông Son vào động Phong Nha, để khi có máy bay bắn phá sẽ di chuyển, dấu phà vào trong động tránh bom. Vừa chịu trách nhiệm thi công kỹ thuật tôi vừa trực tiếp cùng anh em đánh mìn, mở tuyến đường này. Đánh mìn bên sườn núi để tạo đường cho xe qua. Thi công mở cửa hang động cho phà ra vào tránh bom. Khi hoàn thành đoạn đường từ bến phà Xuân Sơn vào động Phong Nha đã hạn chế rất nhiều về tổn thất khi máy bay Mỹ oanh tạc… Suy ngẫm, hồi nhớ lại những tháng năm gian khổ đã qua, kỹ sư Lưu Minh Hiệu tâm sự tiếp: Một đoạn đường khai mở vô cùng gian khó. Thi công trong bối cảnh tiếng máy bay địch gầm rít, lẫn trong tiếng mìn nổ phá đá, tiếng bom bắn phá ầm ầm. Nếu không có quyết tâm cao, không vì sự chi viện khẩn cấp cho chiến trường thì khó có thể hoàn thành được. Khu vực hang động Phong Nha gần nơi bến phà ẩn náu, có một tảng đá lớn màu trắng xanh. Trên vách tảng đá anh em binh trạm khắc tên người kỹ sư duy nhất mở đường với dòng chữ nghiêng trân trọng: “Kỹ sư Lưu Minh Hiệu – binh trạm 14”. Mở con đường từ bến phà Xuân Sơn vào động Phong Nha là một kỳ tích. Tuy đoạn đường không dài, nhưng làm một mét đường vô cùng khó khăn. Phải dùng mìn, phải đục đá bên vách núi dựng đứng, tạo ra mặt đường hườm vào trong núi đá để xe đi vào cửa động dễ dàng. Sau khi hoàn thành xuất sắc con đường chiến lược từ Xuân Sơn về Động Phong Nha, kỹ sư Lưu Minh Hiệu được cấp trên tin tưởng và đặt nhiều hy vọng ở anh. Sau đó Lưu Minh Hiệu được điều lên công tác tại ban xây dựng 67, Cục giao thông tiền phương, thuộc Bộ giao thông Vận tải, tiếp tục bảo đảm giao thông và mở đường Trường Sơn. Cuộc chiến tranh ngày càng khốc liệt. Để chặn các con đường vận tải chi viện cho chiến trường, máy bay Mỹ liên tục oanh tạc, bắn phá đánh các mục tiêu trên tuyến đường. Trong thời gian này kỹ sư Lưu Minh Hiệu được điều làm Trưởng phòng kỹ thuật Ban xây dựng 67 và là kỹ sư duy nhất trên tuyến đường Trường Sơn thời điểm đó. Lưu Minh Hiệu và cán bộ, nhân viên Ban xây dựng 67, nhiệm vụ ngày càng nặng nề. Phải làm việc, thi công các tuyến đường dưới tầm đạn bom bắn phá. Sự hy sinh và thương tích trong khi làm nhiệm vụ diễn ra thường xuyên. Nhưng với ý chí quyết tâm cao, công việc mở đường vẫn không ngừng nghỉ. Nhiều tuyến đường chiến lược xuyên rừng, vượt qua núi, vượt qua sông suối lần lượt được ra đời. Đảm nhiệm vai trò Trưởng phòng kỹ thuật trong việc mở đường, kỹ sư Lưu Minh Hiệu đã dồn hết tâm trí, tham gia với vai trò chỉ đạo, giám sát kỹ thuật trong quá trình thiết kế và thi công. Trong quãng thời gian làm việc ở Ban xây dựng 67 Cục giao thông tiền phương, với Lưu Minh Hiệu anh không bao giờ có thể quên. Cả ba tuyến đường trực tiếp tham gia thi công với anh là 3 thời khắc lịch sử, thời khắc giữa sự sống và cái chết. Lưu Minh Hiệu trực tiếp tham gia mở con đường 10 đi từ Áng Sơn tỉnh quảng Bình đến biên giới Việt Nam Campuchia dài gần 100km. Những năm sau đó mở tiếp 24 con đường 16 từ Quảng Bình đến cây số 65 của đường Trường Sơn giáp Campuchia. Tiếp theo kỹ sư Lưu Minh Hiệu tiếp tục tham gia mở tuyến đường nối từ đường 16, đường 18, đường 10 chạy sang biên giới Campuchia. Đào đất, đục đá, phá mìn, mở được một km đường trên dải Trường Sơn là vô cùng gian khổ. Vất vả bằng sức lao động, có khi phải đổi bằng máu xương, vậy mà Lưu Minh Hiệu cùng cán bộ nhân viên Ban xây dựng 67 Cục giao thông tiền phương, đã tham gia mở hàng 100km đường Trường Sơn, tổn thất máu xương và công sức lớn biết nhường nào. Là kỹ sư duy nhất, là Trưởng phòng kỹ thuật sự đóng góp của Lưu Minh Hiệu là vô giá. Mỗi mét đường, mỗi đoạn cầu qua sông, qua núi, trí tuệ, mồ hôi, công sức của anh còn thấm đẫm mặt đường cho đến hôm nay. Dẫu làm việc vất vả, gửi mình cho số phận, sống chết trên tuyến đường Trường Sơn, song khi ấy trong tâm khảm kỹ sư Lưu Minh Hiệu rất tự tin. Ngắm nhìn thành quả những con đường do anh và đồng đội Ban xây dựng 67 khai mở, từng đoàn xe qua, từng đoàn quân nối nhau đi trên con đường ấy hướng vào chiến trường, lòng anh càng bồi hồi xúc động. Nhìn đoàn quân đi, biết công sức của mình đang góp phần nâng bước những đoàn quân ra trận. Để những con đường ấy ra đời, nhiều đồng đội của anh đã phải xương tan thịt nát. Những ngày cuối cùng thi công nối đường 16, đường 18 và đường 10 vào khoảng giữa tháng 10 năm 1972, khi gần kết thúc, máy bay Mỹ phát hiện mục tiêu lao xuống bắn phá dữ dội tại khu vực đoạn đường 10, làm nhiều anh em đồng đội, bị thương hy sinh. Lưu Minh Hiệu bị loạt bom nổ gần, bị sức ép bom vật ngã, bất tỉnh. Sau khi đi điều trị, cuối năm 1972 từ Trường Sơn Lưu Minh Hiệu được chuyển ra miền Bắc điều dưỡng và sau đó được Bộ Giao thông vận tải thực hiện chính sách làm thủ tục cho ông chuyển ngành về công tác tại quê hương tỉnh Thái Bình. Từ dấu chân nơi Trường sơn trở về quê hương là dấu ấn của một thời Lưu Minh Hiệu.) Từ một kỹ sư có tài năng, có nhiều cống hiến, trải qua thử thách ở chiến trường, tham gia mở đường Trường Sơn suốt từ năm 1965 đến năm 1972. Lãnh đạo tỉnh Thái Bình ngày đó rất trân trọng tiếp nhận kỹ sư Lưu Minh Hiệu. Về Thái Bình được 5 ngày Lưu Minh Hiệu được đề bạt làm Trưởng ty giao thông. Ngày đầu anh tập trung nghiên cứu, tìm hiểu chung về tình hình kinh tế xã hội của tỉnh, nhất là về lĩnh vực giao thông. Giữ vai trò làm Trưởng ty giao thông, trong lúc Thái Bình có cây cầu Bo trên sông Trà Lý bị máy bay Mỹ đánh bom sập một nhịp, không đi lại được. Người và xe cộ từ thị xã Thái Bình đi các huyện Đông Hưng, Thái Thụy, Hưng Hà đều phải qua phà rất khó khăn. Kỹ sư Lưu Minh Hiệu nhớ lại một hôm ông Nguyễn Ngọc Trìu khi đó là Bí thư tỉnh ủy trực tiếp mời anh sang phòng bí thư làm việc. Bí thư Nguyễn Ngọc Trìu nói về tình hình giao thông ở Thái Bình. Ông nói ưu thế và khó khăn về đường xá, cầu cống, phương tiện giao thông đi lại. Tâm sự với Lưu Minh Hiệu, người mới nhận chức Trưởng ty. Với lời lẽ chân tình, cởi mở, nhưng trong thâm tâm Lưu Minh Hiệu hiểu đó chính là đồng chí Bí thư đang giao nhiệm vụ và đặt niềm tin ở anh. Cuối cùng Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Trìu bảo:- Cả tỉnh hiện có mình Hiệu là kỹ sư giao thông. Tỉnh hiện có cây cầu Bo trên sông Trà Lý bị bom đánh sập. Kinh phí làm lại cầu hiện tại tỉnh rất khó khăn. Hiệu xem có cách nào bắc lại nhịp cầu bị sập, làm càng nhanh càng tốt. Rồi Bí thư Nguyễn Ngọc Trìu mời Trưởng ty Lưu Minh Hiệu cùng đi ra cầu Bo quan sát thực tế. Đứng bên này mố cầu, thả tầm mắt sang bên kia dòng sông Trà Lý. Nhìn cánh tay người Bí thư chỉ đoạn cầu bị bom đánh sập, bên dưới là dòng nước sa đỏ đang cuồn cuộn chảy qua, trong lòng Lưu Minh Hiệu rạo rực bao cảm xúc với sự cảm động dâng trào. Đồng chí Bí thư bận mải bao công việc vẫn lo cho nhịp cầu. Anh nhận ra sự sâu sát, quan tâm của người Bí thư Tỉnh ủy và nhận thấy trách nhiệm của mình với cây cầu, trách nhiệm của người đứng đầu ngành giao thông của tỉnh. Những ngày sau đó hình ảnh cây cầu bo sập đổ, khoảng trống trên dòng sông Trà qua các mố cầu luôn ám ảnh Lưu Minh Hiệu. Hình ảnh người Bí thư Tỉnh ủy đứng bên mố cầu nhìn dòng sông chảy xiết như giục giã thôi thúc anh. Đêm ngày suy nghĩ, trăn trở phải làm sao đây bắc lại cây cầu trong điều kiện trăm thứ khó khăn. Không thể không làm. Không thể thoái thác là do khó khăn. Vừa huy động phần nội lực, Lưu Minh Hiệu vừa tranh thủ lên Bộ giao thông báo cáo, xin hỗ trợ giúp đỡ. Nhờ uy tín những năm công tác mở đường Trường Sơn, khi anh đặt vấn đề, lãnh đạo Bộ tạo mọi điều kiện hỗ trợ giúp Thái Bình khôi phục cây cầu Bo bị bom đánh sập. Đề xuất của kỹ sư Lưu Minh Hiệu là xin Bộ cấp cho hệ thống dầm thép. Bộ đồng ý và cho hai con phà chở bộ dầm thép về tận chân cầu Bo. Trưởng ty Lưu Minh Hiệu trực tiếp chỉ đạo thi công, cho hai con phà chở dầm vào vị trí hai bên mố cầu bị sập, kê kính thật chuẩn vị trí rồi chờ nước triều lên. Khi dòng sông Trà Lý nước triều lên, các dầm thép được nhanh chóng luồn vào hai bên trụ cầu. Có hệ thống dầm thép bác qua, công việc kỹ thuật tiếp theo được từng bước hoàn thiện. Cây cầu Bo được hoàn thành trước sự chứng kiến, mừng vui của nhiều cán bộ, nhân dân trong tỉnh.- Bí Thư Nguyễn Ngọc Trìu vốn rất tin và quý mến tài năng của Lưu Minh Hiệu. Sau đó tỉnh ra Quyết định điều Lưu Minh Hiệu, tỉnh ủy viên, Trưởng ty giao thông về làm Bí thư huyện Hưng Hà. Đây là một vùng quê chủ yếu thuần nông. Một số địa phương có nghề dệt thủ công truyền thống. Đất đai đồng ruộng màu mỡ, nhưng do làm ăn tập thể nên đời sống nhân dân đa phần nghèo khó. Có nơi làm không đủ ăn. Bí thư Lưu Minh Hiệu dành nhiều thời gian đi cơ sở, xuống các xã, gặp lãnh đạo địa phương, gặp bà con xã viên, tìm hiểu, nghiên cứu và đã phát hiện nguyên nhân nhiều vấn đề bất cập, phi lý nhất là mô hình hợp tác xã nông nghiệp. Người dân làm công ăn điểm, công điểm tính hàng ngàn, hàng vạn, nhưng miếng cơm, hạt thóc người nông dân không được là bao. Thấy được cảnh “cha chung không ai khóc” vì thế năng suất cây trồng rất thấp. Qua khảo sát, Bí thư Lưu Minh Hiệu phát hiện những chủ trương trước đó quá trì trệ. Hưng Hà là một vùng đất có bề dày lịch sử, đất phát nghiệp của nhà Trần, ruộng đất vốn phì nhiêu, do làm ăn tập thể cứ ngày càng lụn bại. Không thể duy trì mãi cảnh này được. Mặc dù khi đó, làm ăn theo mô hình Hợp tác xã là do chủ trương của cấp trên, có sự chỉ đạo duy trì đã nhiều năm. Không mấy ai có gan để xóa bỏ nó. Lúc này một số người lãnh đạo địa phương muốn phá bỏ mô hình Hợp tác xã như Bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc ở Vĩnh Phúc, Bí thư tỉnh ủy Đoàn Duy Thành ở Hải Phòng, muốn xóa bỏ ngay cũng không được, các địa phương này âm thầm lặng lẽ làm theo cách gọi là “khoán chui” cho nông dân. Trong thời gian này Bí thư Huyện ủy huyện Hưng Hà cũng lặng lẽ làm. Một thời gian sau đó, thấy hiệu quả, đã thực hiện theo hình thức giải tán Hợp tác xã, giao ruộng đất cho nông dân. Ban đầu để giữ yên chuyện “phá rào” Hưng Hà chỉ đạo: Hợp tác xã làm chủ 3 khâu: Đất, nước và giống. Người nông dân làm chủ 5 khâu. Sau đó thực hiện mô hình khoán chui, khoán gọn. Hợp tác xã chỉ còn là cái bóng, cái cớ để tồn tại, còn tất cả đều do người nông dân chủ quản, rồi nộp sản phẩm cho Hợp tác xã. Quả nhiên làm theo cách khoán gọn, khoán chui năng suất lúa và hoa màu tăng vọt, có nơi tăng gấp hai, ba lần khi làm hợp tác xã. Đời sống nông dân ngày càng nâng cao. Khi huyện tổng kết Chủ tịch nước Võ Chí Công và Bí thư Trung ương Vũ Oanh về dự hoan nghênh cách làm của Hưng Hà. Một số cách làm của Vĩnh Phúc, Hải Phòng và Hưng Hà đã tác động tích cực để Trung ương chỉ đạo khoản 10 và sau đó thực hiện chính sách khoán 100 cho nông dân. Sau hai năm với trách nhiệm là Bí thư Huyện ủy, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nổi bật là sự kiện Hưng Hà trở thành điển hình trong việc thí điểm chia ruộng khoán cho nông dân. Là một trong những điển hình để Trung ương ra đời chính sách khoán sản phẩm trong nông nghiệp. Với thành tích đạt được, Ban Thường vụ tỉnh ủy Thái Bình đã rút Bí thư Lưu Minh Hiệu lên tỉnh và đề bạt anh làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, phụ trách kinh tế. Sau đó Lưu Minh Hiệu được bầu là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Là một cán bộ lãnh đạo còn rất trẻ, có tài năng, có học vị. Ngày đó lãnh đạo tỉnh có học vị kỹ sư là rất hiếm. Lợi thế giúp anh luôn phát huy để làm việc có hiệu quả. Dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ, của Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Phó Chủ tịch tỉnh Lưu Minh Hiệu đã làm được nhiều việc tốt, được phân công, góp phần đưa Thái Bình ngày càng phát triển đi lên. Dấu ấn còn lại trong anh và trong tâm tưởng những người được chứng kiến thời ấy, hôm nay vẫn còn in đậm trong trí nhớ. Như việc Phó Chủ tịch Lưu Minh Hiệu đập, dỡ bỏ sân bê tông thị xã Thái Bình để xây dựng nhà Bảo tàng tỉnh, xây dựng Khu tượng đài đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và xây dựng mở rộng con đường phố Lê Lợi giữa trung tâm thị xã. Khi đó có người cho rằng không cần thiết phải làm đường Lê Lợi to như thế. Con đường ông Hiệu mở có khác nào mặt sân bóng đá giữa lòng thị xã, lãng phí, không cần phải làm đường to như thế. Thực tiễn hơn nửa thế kỷ trôi qua, hôm nay cả ba công trình: Nhà bảo tàng, khu tượng đài và đường Lê Lợi vẫn tồn tại. Ai ai cũng cảm thấy một vẻ đẹp hài hòa, vừa phải, trang nghiêm và lịch sự. Ba công trình này đã tôn thêm vẻ đẹp bề thế của thành phố Thái Bình. Các thế hệ lãnh đạo sau và nhân dân đánh giá cao về tầm nhìn chiến lược và ý nghĩa thiết thực tầm nhìn của những người lớp trước. Nhờ vào uy tín và năng lực, Phó Chủ tịch Lưu Minh Hiệu thường xuyên xin được Trung ương cấp vốn, làm được nhiều công trình khác như mở tuyến đường từ thị xã Thái Bình đi Tân Đệ. Nâng cấp và mở tuyến đường từ thị xã đi Kiến Xương, Tiền Hải xuống biển Đồng Châu. Mở rộng tuyến đường 10, đường đi Thụy Anh, đường đi cảng Diêm Điền, tỉnh lộ 218.v.v… Những công trình, những tuyến đường xây dựng thời Lưu Minh Hiệu làm Phó Chủ tịch tỉnh, dẫu năm tháng đã qua đi, vẫn còn lại những giá trị mang tầm chiến lược, góp phần thiết thực cho quá trình phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của Thái Bình những thập niên sau này. Những năm cuối cùng đảm nhiệm chức danh Phó Chủ tịch tỉnh, có một kỷ niệm, dẫu là một kỷ niệm buồn, nhưng lại chính là sự đáng giá, sòng phẳng, công bằng, khách quan về Phó chủ tịch Lưu Minh Hiệu sau sự kiện anh được phân công phụ trách làm đê Xuân Hải. Ngày ấy có người đố kỵ, muốn xóa bỏ công lao để cản bước tiến của anh trong tương lai, đã đưa tin không đúng về bản chất của sự kiện vỡ đê. Chúng tôi được dự giao ban được nghe Chủ tịch tỉnh Đặng Trịnh đánh giá khách quan về việc này. Ông nói đại ý:- Việc đắp đê Xuân Hải là chủ trương của tỉnh là việc làm mang ý nghĩa lịch sử nối tiếp cha ông ta về việc quai đê, lấn biển. Con đê có sự đóng góp quan trọng của đảng bộ và nhân dân các địa phương trong tỉnh. Mới đắp được một phần thân đê chưa cao hơn mặt nước thì chẳng may bị sóng cuốn trôi. Trải qua trăm năm mới có một con triều cường như thế. Tất nhiên có trách nhiệm của tỉnh, của những người được phân công phụ trách. Chúng ta không thể đổ lỗi cho người này, người nọ. Đã là thiên nhiên tàn phá, con người làm sao chống cự nổi. Trung Ương và Bộ nông nghiệp về xem xét cùng đồng nhất quan điểm đánh giá như vậy. Rồi sau đó Phó Chủ tịch Lưu Minh Hiệu được Trung ương điều lên công tác tại Hà Nội. Thời kỳ đầu chuyển lên công tác tại Hà Nội, ông Lưu Minh Hiệu được phân công làm Vụ Trưởng vụ Hợp tác Quốc tế đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Giao thông vận tải. Sau đó ông được cử làm Tổng thư ký – Phó Ban chỉ đạo chương trình 135. Chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào các dân tộc miền núi, biên giới, hải đảo. Những năm tháng này công việc mới lạ, ông Lưu Minh Hiệu vượt qua mọi gian khó, tập trung cao độ vào công việc được chính phủ giao phó. Ông dành thời gian đi nhiều, đi khảo sát từ các vùng núi cao, vùng biên giới nơi có đồng bào dân tộc sinh sống. Đi tới các vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo để xem xét, nắm bắt tình hình đưa vào nội dung hoạt động của chương trình 135. Sau khi tổng hợp nghiên cứu, Lưu Minh Hiệu trực tiếp viết nội dung chương trình 135 đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nhờ nỗ lực trong công việc, luôn cải tiến sáng tạo trong chỉ đạo thực hiện, chương trình 135 là một chương trình hoạt động có hiệu ứng xã hội cao, đem lại nhiều lợi ích và chính sách thiết thực cho đồng bào các dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, được các địa phương hưởng ứng, ủng hộ, được chính phủ luôn động viên khen thưởng. Trong thành tích chung đó có sự đóng góp quan trọng của Tổng thư ký – Phó Ban chỉ đạo Lưu Minh Hiệu. Từ Ban chỉ đạo chương trình 135 đến tuổi nghỉ, ông Lưu Minh Hiệu nghỉ chế độ tại đây. Với những thành tích xuất sắc đạt được trong những năm mở đường Trường Sơn và những năm công tác sau này, ông Lưu Minh Hiệu được Đảng, Nhà nước và Quân đội tặng thưởng nhiều huân huy chương cùng các phần thưởng cao quý khác. Nhờ uy tín trong hoạt động, Hội đồng hương tỉnh Thái Bình tại Hà Nội đã cử ông là Phó Chủ tịch Hội, thời kỳ do nguyên phó Thủ tướng Nguyễn Ngọc Trìu làm chủ tịch. Ở cương vị nào từ anh kỹ sư Trường Sơn đến Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình – Tổng thư ký phó ban chỉ đạo chương trình 135 của Chính phủ, ông Lưu Minh Hiệu luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao./.
Minh Chuyên