LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT THÁI BÌNH
Ngày: 16/11/2021
Lịch sử hình thành và phát triển của Hội Văn Học Nghệ Thuật Thái Bình

 Thái Bình là vùng địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước và cách mạng, đặc biệt là có nền văn hoá, nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc. Năm 1930, khi Đảng Cộng sản Việt Nam được ra đời, đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, truyền thống văn hóa, văn hiến của vùng đất, con người quê hương Thái Bình đã được phát huy, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp cách mạng. Trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp đầy gian khổ, hy sinh các đồng chí cách mạng kiên trung của tỉnh như: đồng chí Nguyễn Văn Năng, đồng chí Trần Cung, đồng chí Nguyễn Danh Đới, đồng chí Bùi Hữu Diên, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh... đã sáng tác các bài thơ ca cách mạng để tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân đấu tranh chống thực dân Pháp, động viên tinh thần đấu tranh bất khuất của các chiến sỹ cộng sản trước kẻ thù. Sau Cách mạng tháng Tám, đặc biệt sau khi Hội Văn hóa Cứu quốc, được mở rộng và đổi tên thành Hội Văn hóa Việt Nam được thành lập, phong trào văn nghệ quần chúng cả nước có điều kiện phát triển mạnh mẽ, rộng khắp với tinh thần "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi". Ở Thái Bình, giai đoạn này xuất hiện một số cây bút, sáng tác thơ ca phục vụ 2 cuộc kháng chiến, tiêu biểu như: Nhà báo liệt sĩ Nguyễn Hữu Bản, các tác giả Phạm Nắng Hồng, Giang Đức Tuệ, Bùi Thọ Ty, Phạm Lê Văn, Huyền Thanh, Chu Văn, Phạm Tường Hạnh, Bút Ngữ, Nguyễn Văn Hoa, Trần Hoằng, Lê Nhữ Tiếp, Hồng Dương, Nguyễn Tiến Đoàn, Vũ Đình Ngạn... Cùng với thơ ca, các tác giả còn xuất bản truyện, ký, trên các trang văn nghệ của các tờ báo, tạp chí ở Trung ương có sự xuất hiện của nhiều cây bút người Thái Bình. Các tác phẩm văn học nghệ thuật ra đời trong thời kỳ này đã ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, cổ vũ phong trào đấu tranh cách mạng và phục vụ kháng chiến.

Trong giai đoạn này, dưới sự quản lý, tổ chức thực hiện của Ty Văn hóa (nay là sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch) các phong trào văn hóa, văn nghệ, thông tin tuyên truyền cổ động ở các địa phương được quan tâm phát triển; các nghệ sĩ, diễn viên của tỉnh hăng hái tham gia vào phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”... ngày đêm hòa mình vào công tác tuyên truyền đường lối của Đảng, phục vụ kháng chiến, cổ vũ, động viên, khích lệ tinh thần chiến đấu, lao động của nhân dân. Một lực lượng sáng tác, hoạt động văn học nghệ thuật chuyên và không chuyên thuộc các chuyên ngành văn học, nhiếp ảnh, mỹ thuật, âm nhạc, sưu tầm văn nghệ dân gian và hoạt động biểu diễn được hình thành và phát triển. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Ban Vận động thành lập Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Bình đã được hình thành gồm 20 thành viên do đồng chí Đào Ngọc Chế - Phó Chủ tịch Uỷ ban Hành chính tỉnh làm Trưởng Ban, thực hiện nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết, xây dựng và phát triển các lực lượng hoạt động văn nghệ chuyên nghiệp và nghiệp dư. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, ngày 07-12-1970, Ủy ban Hành chính tỉnh Thái Bình đã ban hành Nghị quyết số 08- NQ/UB về việc thành lập Hội Văn nghệ Thái Bình. Một trong những hội được thành lập sớm nhất miền Bắc.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trải qua các thời kỳ cách mạng, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình đã phát huy tinh thần đoàn kết, lao động sáng tạo, dùng ngòi bút, tác phẩm và trái tim nồng nàn yêu nước làm vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng - văn hóa. Khắc ghi lời dạy của Hồ Chủ tịch: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”, đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà đã miệt mài bám sát thực tế sinh động của cuộc sống để sáng tạo nghệ thuật. Nhiều tác phẩm văn học của các tác giả, những nhà văn, nhà thơ với dạt dào cảm xúc đã đi vào lòng những người yêu văn học trong và ngoài tỉnh. Những kịch bản sân khấu cùng với những vai diễn... gắn liền với tên tuổi của nhiều nghệ sĩ đã đến với nhiều triệu lượt khán giả, thính giả trong, ngoài tỉnh và nước ngoài. Nhiều tác phẩm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Âm nhạc, Kiến trúc, Phát thanh, truyền hình của Hội viên đã đạt được những giải thưởng cao trong các cuộc thi, các kỳ liên hoan, triển lãm trong tỉnh, trong khu vực và cấp quốc gia. Với tinh thần trách nhiệm bảo tồn giá trị văn hóa của dân tộc, của quê hương, các nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian đã nỗ lực sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn, dịch thuật để cho ra mắt những tác phẩm, công trình công phu, đậm chất dân gian của vùng đất, con người Thái Bình. Ở mỗi một chuyên ngành khác nhau, các hội viên của Hội đã đều bám sát thực tiễn, cố gắng đem hết khả năng, lòng say mê, nhiệt huyết trong sáng tạo nghệ thuật. Đã có biết bao tác phẩm kết tinh đẹp đẽ cuộc sống, chiến đấu, lao động vô cùng lớn lao qua các thời kỳ lịch sử của tỉnh, của đất nước, trở thành kho lưu giữ tinh thần vô giá cho muôn đời sau. Đó là những tác phẩm phản ánh chân thực, xúc động ý chí quyết tâm của cả dân tộc để đạt được khát vọng độc lập, tự do; là những tác phẩm khắc họa sâu sắc những tấm gương sáng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, họ vừa bình thường vừa phi thường, vừa giản dị mà rất cao cả; hiền hậu, đằm thắm mà kiên cường bất khuất.

Đó là những tác phẩm đem đến những triết lý nghệ thuật sâu sắc, tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác, sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong một bộ phận nhân dân để từ đó giúp con người nhận ra ý nghĩa của cuộc sống để sống có ý nghĩa hơn. Từ 20 thành viên ban đầu của Ban Vận động thành lập Hội đến nay qua 10 kỳ Đại hội, Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình có trên 300 hội viên, trong đó có 123 hội viên đã được kết nạp vào các hội chuyên ngành Trung ương. Tổ chức Hội có bước phát triển, trưởng thành, gồm có 8 chi hội chuyên ngành, Văn phòng Hội và Tạp chí Văn nghệ Thái Bình. Phát huy vai trò là mái nhà chung, là nơi đoàn kết, tập hợp các hội viên, trong những năm qua, Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình đã không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động; thường xuyên tổ chức các trại sáng tác, các chuyến đi thực tế, hội thảo, tọa đàm; tổ chức phát động hàng ngàn đợt sáng tác theo các chủ đề khác nhau; mở rộng giao lưu, hợp tác với các tỉnh trong khu vực để trao đổi, học tập kinh nghiệm. Chú trọng thực hiện việc xét hỗ trợ cho các tác phẩm theo quy chế của trung ương và của tỉnh. Công tác kết nạp hội viên được quan tâm, các hoạt động thăm hỏi, động viên hội viên có hoàn cảnh khó khăn, khi ốm đau, hiếu hỷ được Ban Chấp hành Hội và các chi hội thực hiện thường xuyên, kịp thời đã tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa Hội và hội viên. Công tác xây dựng tổ chức Hội, thực hiện Điều lệ, các quy chế trong tổ chức, hoạt động của Hội được chú trọng; cơ quan văn phòng Hội và bộ phận Tạp chí Văn nghệ Thái Bình đã phát huy vai trò trong hoạt động của Hội. Tạp chí Văn nghệ Thái Bình đã có sự tìm tòi, đổi mới, nâng cao nội dung, hình thức; đã giới thiệu, công bố nhiều tác phẩm mới của văn nghệ sĩ và cộng tác viên trong, ngoài tỉnh đến với độc giả, góp phần không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.

Các tác phẩm văn học nghệ thuật của Hội viên sáng tác đã góp phần khơi dậy và phát huy mạnh mẽ sức mạnh nội sinh của những truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước và cách mạng của quê hương, những phẩm chất, cốt cách tốt đẹp của vùng đất, con người Thái Bình, góp phần vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh, góp phần xây dựng văn hóa, con người Thái Bình phát triển toàn diện. Ghi nhận những đóng góp của Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình và hội viên, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2000) và nhiều bằng khen của các bộ, ngành trung ương, UBND tỉnh Thái Bình cho Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình. Đã có gần 300 tác phẩm VHNT của hội viên được giải thưởng từ các cuộc thi sáng tác và triển lãm trong nước và khu vực, 20 giải thưởng quốc tế; trên 200 lượt tác giả được UBND tỉnh trao tặng giải thưởng Văn học nghệ thuật mang tên Nhà bác học Lê Quý Đôn và hàng trăm huy chương Vàng, Bạc... qua các kỳ liên hoan, hội diễn...8 nghệ sĩ được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND, 28 nghệ sĩ được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT; 181 hội viên được tặng Huy chương vì sự nghiệp VHNT Việt Nam và Kỷ niệm chương vì sự nghiệp VHNT Việt Nam. Những phần thưởng cao quý và niềm vinh dự lớn lao đó mãi mãi là niềm tự hào, là nguồn lực tinh thần to lớn cổ vũ các thế hệ hội viên Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình phát huy tốt nhất sứ mệnh cao quý của văn học nghệ thuật và trách nhiệm, nghĩa vụ công dân của văn nghệ sĩ, đồng hành cùng quê hương, đất nước, dân tộc, nhân dân; nối nhịp cầu giữa cuộc sống và nghệ thuật, giữa lý tưởng của người nghệ sĩ và người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa để qua đó khơi dậy lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần tự hào dân tộc sâu sắc, hun đúc nên bản lĩnh, khí phách, tâm hồn con người Thái Bình, góp phần xây dựng tỉnh Thái Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh.