TRĂNG RẰM CỦA CHÚNG MÌNH
Ngày: 26/10/2023
ió thổi làm rặng bạch đàn trên đồi cứ đu đưa những cành lá mềm mại theo chiều gió và khe khẽ ngân lên những tiếng vi vút trong không gian xanh trong. Tiếng đàn gà nhà bác Mách bên cạnh đang lục tục kéo nhau về chuồng, tác lên từng hồi te tái làm Nam giật mình tỉnh giấc.

TRĂNG RẰM CỦA CHÚNG MÌNH

                                                                                  Truyện ngắn PHẠM VÂN ANH

Gió thổi làm rặng bạch đàn trên đồi cứ đu đưa những cành lá mềm mại theo chiều gió và khe khẽ ngân lên những tiếng vi vút trong không gian xanh trong. Tiếng đàn gà nhà bác Mách bên cạnh đang lục tục kéo nhau về chuồng, tác lên từng hồi te tái làm Nam giật mình tỉnh giấc. Nhìn quanh vẫn chưa thấy ông bà về, Nam vươn vai vặn mình vài cái cho tỉnh táo rồi vội vào nhà đong gạo nấu cơm. Mặt trời còn chưa thu những sợi nắng cuối cùng trong chiếc áo choàng ánh sáng của mình, vậy mà mảnh trăng thượng tuần đã vẽ một nét màu ngà thật mong manh trên nền trời. Cây hồng sau vườn cũng đã bắt đầu chín ửng, gọi lũ chim láu táu ham ăn về đậu xao xác cả rặng bạch đàn. Vừa nhặt rau, cậu vừa nhẩm đếm xem còn bao nhiêu ngày nữa là đến Tết trung thu. Chẳng là Nam đã hẹn với An rằng Tết trung thu năm nay hai đứa nhất định phải gặp mặt, trước lúc cả hai đứa cùng bước vào năm học mới. Bố mẹ bạn An ở mãi tận vùng mỏ đã gọi điện lên mời ông bà và Nam xuống đó chơi một chuyến nhân dịp hè và ông bà cũng đã nhận lời. Tối qua, ông lại bảo với Nam là đã hỏi thăm được chú lái xe khách liên tỉnh từ huyện nhà đến tận Quảng Ninh, ông đã sắp xếp để nhờ chú đưa Nam đi. Chán thật! Nguyên do là tại con ỉn sề vừa đẻ những mười hai con làm ông bà thêm bấn, phải ở nhà lo cám bã và chăm lũ lợn con kẻo chúng bị ngộp hơi mà chết. Nam thấy cần phải viết thư báo cho An biết chuyện này ngay. Nghĩ đến đấy, Nam vội vàng bê rổ rau đi rửa rồi vào gầy bếp. Nam và An quen nhau qua mục "Góc sáng tạo" của báo Thiếu niên Tiền phong hồi năm ngoái. Khi ấy, cả hai đứa đều tham gia thi ý tưởng về chủ đề "Em yêu môi trường quê em". 20 Chả hiểu thế nào mà một đứa ở đồng rừng, một đứa ở ven biển lại có cùng một ý tưởng là thả bèo trên các ao hồ bị ô nhiễm. Bèo sẽ lọc được nhiều cặn bẩn trong nước, tạo một bề mặt xanh để bảo vệ cho các loài thủy sinh sống trong ao không bị chết vì nắng nóng. Còn nữa, bèo còn được ủ làm phân xanh để bón cho cây trồng rất tốt. Dạo ấy, mỗi đứa được tặng phần thưởng là một cuốn sách "Một nghìn lẻ một điều kỳ thú của thiên nhiên" và một năm đọc báo miễn phí. Sướng quá, Nam đã cầm cuốn sách chạy khoe khắp năm nóc nhà trên xóm đồi này. Rồi vào năm học mới, cậu cũng quên béng niềm tự hào ấy cho đến khi nhận được lá thư có đóng dấu bưu điện mãi tận Quảng Ninh. Đó là thư của An. Đọc thư, Nam mới biết cậu bạn chưa từng gặp mặt ở cách xa gần năm trăm cây số cũng bằng tuổi mình và cũng đang học lớp 7A. Thư đi thư lại, loáng cái mà đã gần một năm rồi. Hai đứa thỏa thuận sẽ không gửi ảnh cho nhau và định rằng, ngày ra số báo công bố những bạn nhỏ được nhận giải thưởng cuộc thi "Em yêu môi trường quê em" sẽ là ngày hai đứa gặp mặt nhau ở quê An. Thỏa thuận rồi, Nam tra lịch mới biết hôm đó trùng đúng vào ngày mười tư âm lịch. Những năm trước, ông làm cho Nam một chiếc đèn ông sao thật to để cùng đám bạn tập trung chơi Trung thu ở sân trường. Cả lớp nhà đứa nào cũng nghèo, đồ góp cỗ chỉ là những thứ hoa quả hái trong vườn nhà. Phá cỗ xong, cả lũ kéo nhau rước đèn đi đến từng nhà, hát ỏm tỏi cho đến khi người lớn phải gào lên gọi về đi ngủ chúng mới chịu giải tán. Trăng rằm miền trung du quê Nam sáng lắm, cứ rười rượi chan mật óng xuống những tán lá vườn đồi, như thể góp thêm vào niềm vui thơ trẻ. Trung thu năm nay mình sẽ cùng trông VNTB 05(268) - 2023 TRUYỆN THIẾU NHI trăng ở nhà An. Nam chưa bao giờ được đi biển nên không biết trăng rằm ở biển có sáng hơn trăng quê mình không nữa. Nam đã hứa với bọn bạn cùng lớp là sẽ nhặt thật nhiều vỏ ốc về làm quà cho chúng nó. Chỉ hơi tiếc là ông bà bận không đi được. Nam vừa hậm hụi viết thư, vừa lầm rầm: "Chỉ tại con nái sề…" Bố mẹ Nam mất khi cậu đang học lớp năm. Nghe ông bà kể lại, hôm ấy, bố mẹ chở nhau đi coi thi từ dưới huyện về thành phố thì gặp tai nạn. Ông bà nội, ông bà ngoại thương con, xót cháu đều muốn đón Nam về nuôi. Cậu đắn đo mãi rồi quyết định về với ông bà nội. Ông bà già rồi, chả có ai đỡ đần cả khu trang trại rộng gần nửa quả đồi Dộc, Nam không muốn ông bà buồn. ở được dăm ngày thì chán, Nam vốn quen với cuộc sống ồn ào và nhiều trò chơi hiện đại ở thành phố, về vùng trung du đồng dộc này, ông bà thường lên đồi đến chiều muộn mới về nên nhà quạnh vắng, đám bạn học cùng thì lam lũ, đứa nào cũng có cả đống việc giúp cha mẹ, chả có rảnh lúc nào mà chơi nhởn với cu cậu. Tủi thân quá, cậu chui vào bồ sắn khô ngồi khóc. Đấy là chuyện năm nảo năm nào, chứ giờ thì Nam thành thổ địa rồi. Những lần lên đồi cùng ông, cậu học được bao nhiêu điều hay. Vạt đồi hoang đang hồi sinh dưới đôi tay lao động của con người. Đất cằn được rải một lớp phân xanh ủ từ bèo hoa dâu qua một vụ để đất làm màu, sang vụ sau mới bón phân hóa học và cắm chồi sắn. Vào vụ, cả xóm đồi từ người già đến trẻ con lên đồi nhổ sắn đến tối mịt mới về. Sắn được thái mỏng, phơi khô nỏ rồi bán cho thương lái thu mua về chế biến tinh bột. Suốt cả tháng phơi sắn, mặt đất toàn một màu trắng và không gian sánh đặc mùi hăng hắc của củ sắn chảy nhựa. Người lúc nào cũng lảo đảo như say sắn, buồn cười lắm. Đi nhiều, hỏi nhiều thành quen, giờ Nam đã có thể đi từ mé đồi này sang mé đồi kia mà không bị lạc, cứ lần theo vạt sắn mà đi. Cậu quen mặt từng thứ rau mọc dại có thể hái về cho bà nấu canh, mộc nhĩ và nấm mỡ thường mọc ở chỗ những cây mục sát rìa suối. Nhưng thích nhất là lúc được đi cùng anh Thắng vào sâu trong rừng tìm cây thuốc cho ông. Anh Thắng biết nhiều chuyện lắm, đi cả ngày không chán. Sáng chủ nhật hàng tuần, anh Thắng nghỉ làm ở nhà, Nam đeo chiếc giỏ ông đan bằng lạt cây dùng quanh bụng rồi sang nhà tìm anh. Tiếng là hàng xóm nhưng nhà anh Thắng ở trên lưng chừng đồi, đi một hơi mới đến. Từ đó, phải đi một đỗi phải dài đến hàng tiếng  đồng hồ mới vào đến rừng trong. Mệt lắm, nhưng cứ nghĩ đến việc giúp ông có thêm cây thuốc bán cho những hiệu thuốc Nam ở dưới thành phố là Nam lại dấn bước. Trong rừng nhiều dây leo rậm rịt rất khó đi. Bù lại, ở đó có nhiều khu vực mọc cây hà thủ ô và cây khúc khắc. Nam làm đúng theo lời ông dặn, khi gặp cây, chỉ được đào hai phần ba số củ, phần còn lại phải để nó nuôi cây mà tiếp tục bò lan ra xung quanh mà đâm củ mới, vụ sau quay lại mới có củ mà đào. Ông bảo luật rừng là thế, người đi sau nếu thấy củ đã bị cắt mất hai phần thì phải vùi lại mà đi tìm chỗ khác. Thú nhất là lúc nghỉ, hai anh em nằm khểnh trên thảm lá mục, nghe chim hót. Những chú họa mi thường chỉ đi một mình, tiếng hót lúc nào cũng da diết như hót bằng gan ruột. Chim cu thì chỉ có mỗi điệu "cúc cù cu cu…" bình thản. Chỉ có đám sáo mỏ vàng là lúc nào cũng ênh oang, hễ chúng kéo về là y rằng váng cả góc rừng. Anh Thắng cho Nam một con sáo mới ra ràng, lại còn đan cho cả lồng nữa. Nam nuôi sáo bằng chuối, dạy nó gọi "Ông ơi; Bà ơi; Nam ơi; Anh Thắng ơi" và cả "An ơi" nữa. Con sáo nói sõi đến mức có lúc nó gọi "Nam ơi", cậu đang từ vườn sau tưởng nhà có khách vội ù té chạy lên. Mà nó ranh đáng nể cơ. Mỗi khi có đông đủ cả nhà ngồi hóng gió ngoài hiên, nó thẽ thọt gọi "Nam ơi, An ơi…" Nếu cậu lại gần huýt sáo nựng nó là lập tức nó véo von: "Nam ơi, An ơi… cho sáo quả chuối đi…" làm cả nhà cười no bụng. Nam định sẽ tặng con sáo này cho An, không hiểu sao, mỗi lần nghe nó líu lo gọi tên cậu bạn chưa từng gặp mặt, Nam cứ thấy âm thanh phát ra từ cái tên ấy sao mà đáng yêu quá đỗi. Cậu mong được gặp bạn từng ngày, vì cậu có rất nhiều điều hay chưa nói được qua thư. Nếu có thời gian, hai đứa sẽ thử sáng chế ra con dao có gắn động cơ tự động thái sắn. Nếu thành công thì bà và các cô bác nông dân trồng sắn ở quê Nam đỡ khổ. Đấy là Nam mơ ước thế, chứ để làm được con dao ấy thì chắc còn phải học nhiều lắm. Rồi cũng đến lúc phải lên đường. Ông bà cho vào ba lô của Nam bao nhiêu thứ quà. Gạo nếp nương cho mẹ An, củ khúc khắc sấy khô để ngân rượu bổ cho bố An và một túi hàng rõ to cho bé Thúy, em gái An. Còn Nam, cậu đã có con sáo biết nói rất hay rồi, phen này nhất định đám bạn của An ở dưới đấy sẽ ngạc nhiên lắm đây. Bố An đón Nam ở bến xe. Chắc bác ấy vừa ở hầm lò ra, chưa kịp tắm rửa nên mặt còn đen bóng bụi than. Ngồi sau xe, Nam thấy bác ấy thật khác bố ngày xưa. Bác ấy to khỏe trong bộ xanh áo bảo hộ lao động, nước da nâu bóng, còn bố Nam thì lúc nào cũng mặc áo trắng và xách theo cái cặp da den đầy giáo án khi lên lớp. Nghĩ đến bố, Nam chợt thấy chạnh lòng, bất giác, cậu vùi mặt vào tấm lưng vững chãi, vòng đôi tay bé nhỏ của mình ôm lấy bác. Hai bác cháu về đến nhà thì trời đã xâm xẩm tối. Vừa dựng xe trước hiên nhà, bố An đã gọi to: “Cả nhà ra đón khách quý nào”. Bác vừa dứt lời, từ trong nhà chạy ra một cậu bé trạc tuổi Nam, vóc người mảnh khảnh. Hai đứa đứng nhìn nhau một lúc rồi An mới cất tiếng: “Chào cậu”. Nam đứng ngẩn một hồi chẳng biết nói gì, miệng cứ như bị ai đó giữ chặt. Bao nhiêu điều dự định sẽ nói khi gặp An bay biến đâu mất, Nam ngượng ngịu đưa chiếc lồng chim cho An, lúng búng: “Tớ tặng cậu”. Con chim tinh ranh thấy mình bị đưa sang tay người lạ, mổ lách chách vào nan lồng, véo von: “Nam ơi, An ơi, cho sáo quả chuối đi”. Ngày hôm sau, khi người lớn vừa ra đến ngõ thì lũ trẻ trong xóm thợ lò đã tụ tập ở rặng phi lao cuối xóm. Mấy đứa bạn của An cứ thích mê con sáo. Chúng treo nó trên cành cây và chọc ghẹo, dạy nó tập nói. Sáo ta chưa bao giờ được chơi với đông trẻ con đến thế, cái mỏ vàng hườm cứ chốc chốc lại huýt lên vài tiếng. Khi bọn trẻ dạy sáo gọi tên chúng, sáo nghiêng nghiêng cái đầu nghe chừng suy nghĩ điều gì lung lắm. Cái dáng đi bệ vệ trên thanh gạc bắc ngang lồng như  thể bọn trẻ con đang xúm xít bốn xung quanh kia dưới mắt sáo đều là chả hiểu biết gì. Lẽ nào sáo ta lại dễ gọi tên chúng như thế chứ. Nghĩ chán. Sáo ưỡn ngực nói một câu thật rõ ràng, dứt khoát: “Cho sáo quả chuối đi” khiến cả bọn phục lăn con sáo tinh khôn, đứa nào cũng nhắn nhe gạ Nam lần tới xuống mang cho mỗi đứa một con. Chơi với sáo chán, buổi chiều cả bọn rủ nhau ra biển mò ốc. Lần đầu tiên nhìn thấy biển, dẫu chỉ là bãi sau nhiều ghềnh đá, rác rến nhưng Nam thấy đẹp vô cùng. Phía xa, những hòn đảo nhô lên trên biển bạc như những giọt mực lam tím mà ông trời đã tô vẽ cho bức tranh thủy mặc. Những con sóng đuổi nhau xô vào bãi, tạo thành những dòng nước nhỏ chạy thành vòng rộng trên cát. Khi nước rút, những con vật giống như lũ cáy ở quê Nam, chỉ khác là chúng có màu đỏ chạy rào rào, để lại trên cát những vòng hoa nhiều hình thù do hàng trăm viên cát được se tròn tạo nên. An bảo, bọn chúng là còng gió, có nơi còn gọi chúng là dã tràng. Chúng cứ se cát cả đời như vậy mà không ngừng nghỉ. Rồi cả những con cá bò trên cát bằng hai vây thật lạ mắt, đám sò lông mở miệng ra đớp sóng rồi ngậm tịt lại. Phía ngoài xa, đàn hải âu chấp chới sát đầu song bạc tìm cá, chúng cất lên những tiếng kêu trầm đục làm náo động cả vùng bãi. Trước mắt Nam, biển đang bày ra nột bức tranh của sự sống với hàng trăm sinh vật nhỏ bé của biển làm cậu thích thú quá đỗi, cứ đứng ngây ra mãi đến khi An giục mới vội vàng xách giỏ chạy theo bạn. Hai đứa vừa đi dọc triền cát, vừa lúi húi tìm ốc. An giảng cho Nam biết bao nhiêu thứ kỳ lạ. Ở quê Nam chỉ có rặt một thứ ốc rạ, nghĩa là loại ốc thường sống bám vào thân rạ sau vụ gặt mà sinh sôi nảy nở. Còn lúc này, trong chiếc giỏ đeo bên hông của Nam có cơ man nào là ốc. An chỉ cho bạn cách bắt và cách phân biệt bọn chúng với nhau. Ốc biển thường ở lẫn với bùn cát, khi nước to ốc bò đi ăn, khi nước rút thì chúng ẩn mình trong cát hoặc các hốc đá ẩm thấp. Có loại to bằng cả cái ấm tích pha trà xanh của bà, gọi là ốc tù và, ốc loa. Có loại nhỏ ti gọi là ốc kim. Ngon thượng hạng thì phải nói đến cái anh ốc hương, ốc mỡ. Ốc hương vỏ mịn màu hồng, trên điểm những chấm nâu nhạt. Ốc đĩa thì tròn xoe như quả sim, vỏ có nhiều khía chạy song song màu xanh nhạt. Ốc gai thì khỏi phải tả, đúng như cái tên người ta gọi nó, thân mình tủa biết bao nhiêu là gai… Phải biết nhận mặt họ hàng nhà ốc loại nào ra loại ấy thì mới không bị nhầm, nhặt về cả mớ ốc lẫn lộn thì khó bán được lắm. Lại còn khéo mà nhầm bắt phải bọn ốc ở nhờ thì còn vô dụng hơn. Ấy là lũ tôm cật càng hoặc bọn còng nhát đế chui vào vỏ ốc trống để ẩn thân, nên chúng còn được gọi là ốc mượn hồn… Cứ vừa đi dọc bãi vừa rủ rỉ, hai đứa đã đi đến tận ghềnh. Ông An bảo trên ghềnh có cái hang to lắm, chỉ sợ cậu không trèo được. Nam hăng hái khoe mình ở vùng đồi, có ngọn đồi nào quanh nhà mà Nam chưa trèo lên đâu. Thế là kéo nhau lên. Ngay cửa hang, Nam đọc được dòng chữ viết bằng sơn, nét ngay ngắn: “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ”. Qua câu chuyện An kể, Nam thấy hay quá. Ở trên quê Nam cũng có chiến công các cô du kích bắn rơi máy bay Mỹ. Còn trong chiếc hang sâu hun hút đang tỏa hơi chiều này, đã có hàng trăm quả thủy lôi được bộ đội ta vớt lên, nghiên cứu cách rà phá và giải mã để lấy ra hàng chục tấn thuốc nổ để đánh địch. Tiếng sóng biển vỗ ầm ập phía ngoài ghềnh dội lại làm Nam và An cứ tưởng như trong hang còn vang tiếng búa, tiếng kìm của các chú bộ đội hải quân đang làm nhiệm vụ. Đang say sưa với những nhũ đá óng ánh sắc màu, hai đứa chợt nghe tiếng bọn bạn xóm thợ lò ý ới gọi ngoài bãi. Chiều đang dần xuống, mặt trời còn đỏ lửa mé rặng phi lao mà phía biển, trăng đã lên một vành tròn màu ngà. Leo xuống ghềnh, cả bọn nhìn nhau cười no bụng vì đứa nào đứa nấy đều nhem nhuốc, giỏ ốc bên hông trĩu nặng. Thường ngày, những giỏ ốc này sẽ được đổ dồn lại để phân ra từng loại rồi cân bán cho khách du VNTB 05(268) - 2023 23 TRUYỆN THIẾU NHI lịch hoặc các bà hàng. Tiền bán ốc sẽ chia đều cho cả bọn. Nhưng hôm nay ngoại lệ. Hôm nay là trung thu, xóm lại có khách quý từ xa về nên ốc sẽ là món đặc sản thết khách lúc trông trăng. Giờ thì cả bọn phải về tắm rửa và nấu cơm tối. Hẹn đúng 7h có mặt ngoài bãi để bày cỗ. Y hẹn, khi trăng rằm tỏa ánh vàng khắp bãi thì bọn trẻ đã lao xao đứng ngồi trên ghềnh Ông. Đứa nào cũng dắt theo em nên quân số đông hơn gấp ba hồi chiều. Cỗ trông trăng dáng chừng khá to, đủ cả bưởi bòng, bánh nướng, bánh dẻo và cả chục hồng mà ông đã gói cho Nam mang đi nữa. Nhưng oách nhất là chiếc nồi to tướng được đổ đầy ốc và lá bưởi được đặt trên ba ông đầu rau bắc bằng đá cuội đang bốc hơi nghi ngút. Đó là công của thằng Dũng còng gió. Nó là đứa có tài bắt ốc và luộc ốc giỏi nhất bọn. An bảo nhiều khi luộc ốc ở biển, dù có gió cỡ nào nó cũng gầy được lửa. Lúc này, trăng đã ở trên đầu. Nước biển sóng sánh như một chiếc thấu nấu nước đồng khổng lồ mà Nam thường thấy ở lò đúc đồng nhà cụ Bái xóm dưới. Đặc sánh và vàng rười rượi. Gió lộng nên không thắp được đèn ông sao. An ôm khẩu trống ếch đi đầu hàng đánh ỏm tỏi. Cả bọn rồng rắn đi theo chơi trò thả đỉa ba ba. Dũng “còng gió” châm bó đuốc lớn mà nó chuẩn bị từ nhà, kéo cả bọn vào hang thủy lôi. Dưới ánh lửa, bóng cả bọn hắt lên tường hang thành nhiều hình kỳ quặc. An hét to vào hang “quyết tâm đánh thắng Mỹ” . Ngay lập tức, trong hang vọng ra tiếng đáp trả “Quyết tâm đánh thắng Mỹ” lan tỏa như thể có cả chục người cũng nhất loạt trả lời. Cả bọn bảo nhau đồng thanh hô vang lần nữa. Tiếng đáp trả lúc này dường như đông hơn gấp bội, không khí trong hang ùa ra làm bó đuốc trên tay Dũng lắt ngúm. Bóng tối ập xuống khiến cả bọn kéo nhau chạy thục mạng, vừa chạy vừa kêu la dọa nhau. Để mặc cho đám bạn xì xụp ăn ốc, An kéo Nam ra phía sau ghềnh. Mai Nam phải về rồi nên đêm nay, hai đứa muốn ngồi riêng với nhau một lát. Nam dặn An hàng ngày phải cho sáo ăn chuối và cào cào, rồi phải thường xuyên múc nước cho sáo tắm. Nó mà không được tắm sẽ chết đấy. An gật đầu nhè nhẹ rồi đưa cho bạn một chiếc túi vải đựng đầy vỏ ốc, bảo, đây là quà của xóm dưới này tặng các bạn xóm trên ấy, mỗi khi nhớ biển, cậu hãy áp vỏ ốc vào tai sẽ nghe thấy tiếng sóng rì rầm và cả tiếng bọn tớ chào cậu nữa. Đây là sáng kiến của Dũng còng gió. Cái thằng trông ngông ngáo tợn tạo mà lại rất tình cảm. Nam nhặt một con ốc trong túi soi lên dưới trăng, con ốc hoa vỏ trắng ngà thật duyên dáng. Áp vào tai, Nam thấy mình tràn ngập những lời yêu thương của tình bạn và của biển xanh thăm thẳm. Nam hỏi, sau này lớn lên cậu muốn làm gì. An đưa tay chỉ ra xa, nơi có những con tàu đang đỗ ngoài vịnh, bảo mình sẽ thành lính hải quân. Mình bơi siêu lắm nên nhất định sẽ thi vào trường hải quân ở mãi tận trong Nam ấy, sẽ đi đến nhiều nơi, còn cậu. Nam nhìn theo tay An chỉ, thấy biển khơi thật hấp dẫn, trả lời khật khừ, nếu được đi biển cùng cậu thì còn gì bằng, lúc ấy hai đứa cùng học một khoa, ra trường sẽ cùng làm nhiệm vụ trên một con tàu thì chả ai bắt nạt được mình. Nhưng mà khó quá cậu ạ. Ông bà mình già rồi, mình không đi xa được.Với lại, mình cũng yêu vùng đồi quê mình lắm. Mình sẽ học ngành thủy lợi, rồi mình sẽ khơi dòng đem nước về vùng đồi khô khát ấy để không còn đồi hoang, rừng trọc nữa. An quay lại nhìn bạn, mắt long lanh nước, bảo, cậu nghĩ thế cũng đúng. Không gì bằng việc đóng góp công sức cho quê hương mình, bố mình thường dạy mình thế. Sắp vào năm học mới rồi, cậu và mình cùng thi đua nhé. Sau này, cậu sẽ làm cho rừng thêm xanh, còn mình sẽ giữ cho biển mãi bình yên và nhiều tôm cá. Nam nắm chặt tay bạn, rồi cả hai cùng nằm xuống đá, ngửa mặt nhìn ông trăng đang hoan hỉ tỏa ánh vàng soi sáng cho lũ trẻ đùa chơi râm ran bãi vắng. Ông trăng sẽ chứng giám cho tình bạn của chúng cháu, ông nhé!