TRĂN TRỞ
Ngày: 18/08/2023
Tuổi con rồng, lại đứng đầu hàng can, mệnh hoả (Giáp Thìn). Rồng này thật năng động, bản lĩnh, sẽ bay cao, bay xa không biết chừng ! Đó là nói theo lý số về bà Vũ Thị Thà - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xuất Nhập Khẩu Thăng Long ở Thái Bình. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo khó, với bảy anh chị em, có bố là thương binh, mẹ quanh năm tần tảo với ruộng đồng, thân cò lăn lội…

TRĂN TRỞ

(Tác phẩm đoạt giải C thể loại truyện ngắn, bút ký)

VŨ DUY YÊN

Tuổi con rồng, lại đứng đầu hàng can, mệnh hoả (Giáp Thìn). Rồng này thật năng động, bản lĩnh, sẽ bay cao, bay xa không biết chừng ! Đó là nói theo lý số về bà Vũ Thị Thà - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xuất Nhập Khẩu Thăng Long ở Thái Bình. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo khó, với bảy anh chị em, có bố là thương binh, mẹ quanh năm tần tảo với ruộng đồng, thân cò lăn lội… Hơn ai hết, Vũ Thị Thà thấu hiểu nỗi bần hàn, vất vả của gia đình, quê hương, bao đời quanh năm lam lũ. Được thừa hưởng ý chí kiên cường của cha, tính cần cù, đôn hậu, thuỷ chung của mẹ; lại lớn lên trên quê hương Quỳnh Giao, Quỳnh Phụ, nơi có truyền thống cách mạng bền bỉ, kiên cường. Vũ Thị Thà đã sớm có ý thức vươn lên thoát khỏi đói nghèo, làm giàu cho gia đình, quê hương, đất nước. Với ý thức đó, khi chưa đầy mười tám tuổi, chị đã mạnh dạn bỏ làng lên Thị xã Thái Bình mưu sinh, lập nghiệp. Được vào làm ở xí nghiệp Thảm thêu xuất, nhập khẩu Thị xã, chỉ sau sáu tháng, chị đã trở thành thợ có tay nghề giỏi nhất xưởng; rồi được bầu làm Bí Thư Chi đoàn của xí nghiệp và Uỷ viên Ban chấp hành Thị Đoàn Thị xã Thái Bình, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam khi vừa tròn mười chín tuổi. Năm 1989, khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới, như một luồng gió mát thổi vào tâm hồn chị, thôi thúc chị đứng ra kinh doanh, lập nghiệp. Thế rồi chị đi tìm hiểu thị trường mạnh dạn vay vốn, lập ra xí nghiệp sản xuất thảm đay xuất khẩu sang Liên Xô, lấy tên là xí nghiệp Quang Trung - Người anh hùng bất khả chiến bại, cái tên doanh nghiệp khởi đầu ấy thật ý nghĩa làm sao! Nó báo hiệu sự thành công, ăn ra làm nên của xí nghiệp sau này và tạo ra công ăn, việc làm cho 50 lao động. Năm 1991, Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu sụp đổ, thị trường xuất khẩu thảm đay của chị cũng theo đó mà tan dần. Xí nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản. Song với bản lĩnh năng động, kiên cường, Vũ Thị Thà đã vững tay chèo lái, xí nghiệp vẫn trụ vững với việc chuyển sang sản xuất mặt hàng dệt - may xuất khẩu. Vì thế, năm 1997, xí nghiệp đổi tên thành xí nghiệp Dệt - May xuất khẩu Thăng Long, với số lao động tăng lên đến 200 người. Nhờ tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ, năm 2002, Công ty thành lập thêm xí nghiệp may xuất khẩu Hoàng Anh tại thị trấn Quỳnh Côi và năm 2006 lại xây dựng thêm xí nghiệp may xuất khẩu Việt Long ở thị trấn An Bài. Với hai xí nghiệp này, chị đã tạo ra công ăn việc làm cho gần một nghìn bà con ở quê hương; đặt nền móng cho ngành may mặc trở thành ngành trọng điểm của vùng quê lúa; giúp người nông dân trở thành công nhân có tay nghề cao, có mức thu nhập ổn định; mang đến diện mạo mới cho nền công nghiệp của huyện Quỳnh Phụ quê hương. Sau khi có 3 nhà máy, bà Thà Nghĩ: không thể chỉ chuyên có mặt hàng đó! Phải tiến lên đa dạng hoá ngành nghề sản xuất, kinh doanh: xây dựng, đầu tư phát triển các dự án bất động sản, thương mại, dịch vụ, vận tải hành khách…v.v. Rồi từ một công ty tư nhân, vươn lên trở thành một tập đoàn đa ngành hàng đầu của tỉnh, của quốc gia. Theo dự án đó, năm 2008, công ty bắt đầu chuyển đổi mô hình thành “Công ty Xuất - Nhập khẩu Thăng Long”. Năm 2009, Công ty tiến sang lĩnh vực thi công công trình hạ tầng kỹ thuật. Tiêu biểu cho lĩnh vực mới này là năm 2013, Công ty trúng thầu thi công công trình trọng điểm Đê Biển số 6. Đây là một công trình mà việc thi công hết sức khó khăn: phải làm theo nước thuỷ triều lên, xuống. Ác nỗi thuỷ triều xuống thường vào ban đêm, nên việc tiến hành gặp nhiều trở ngại, gian nan. Song với quyết tâm không để chậm tiến độ. Bà Thà đã ngày đêm cùng đội ngũ kỹ sư, cán bộ, người lao động, không quản ngại khó khăn, gian khổ, say sưa làm việc ngày đêm. Nhờ đó công trình đã hoàn thành trước thời hạn, đảm bảo chất lượng cao. Công ty trở thành nhà thầu đứng đầu trong số 24 nhà thầu của toàn tuyến công trình; được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về thăm, tặng quà và UBND tỉnh tặng Bằng khen. Thành công này làm cho công ty có thêm kinh nghiệm, thêm niềm tin vào năng lực của mình cho những công trình mới. Năm 2015, công ty là nhà đầu tư dự án thi công đại lộ Kỳ Đồng, kéo dài đoạn từ đường Trần Thủ Độ đến Quốc lộ 10. Tuyến đường này đã mở ra cơ hội thông thương kinh tế cửa ngõ phía Tây Bắc của thành phố Thái Bình, góp phần đưa thành phố trở thành đô thị loại II . Năm 2006, Công ty phát triển dự án Thái Bình Dragon City, tọa lạc hai bên đại lộ Kỳ Đồng. Dự án này là một khu đô thị phức hợp, được xem là dấu mốc lịch sử, đánh dấu sự phát triển đột phá của công ty trong chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển. Nhờ đó, nó đưa công ty chính thức gia nhập thị trường bất động sản của cả nước. Năm 2007, công ty lại tiếp tục mở rộng kinh doanh sang một lĩnh vực mới đó là: lĩnh vực xăng - dầu (Dragon Petrol) và khách sạn lưu trú. Năm 2018, công ty hợp tác với VinFast, triển khai đại lý 3S xe máy điện VinFast đầu tiên tại Thái Bình. Cũng trong năm này, công ty xây dựng nhà máy thứ ba Dragontextiles I tại xã Bắc Hải huyện Tiền Hải. Sản phẩm của nhà máy đã tạo nên thương hiệu Dragon Textiles về may mặc xuất khẩu, được đưa sang các thị trường khó tính như Mỹ và Châu Âu, được khách hàng ở đây đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Năm 2020, Công ty sát nhập Công ty cổ phần xe khách Thái Bình - một công ty vận tải hành khách lâu năm của tỉnh (40 năm) trở thành thành viên của Công ty. Ngay sau khi tiếp quản, công ty đã đầu tư mua hàng loạt xe chở khách, xe taxi đời mới và cho ra mắt thương hiệu 17 Plus, chuyên tuyến chất lượng cao đi các tỉnh trong nước. Năm 2021, Công ty hoàn thành xây dựng dự án Dragon Homes eco City. Đây là dự án khu đô thị sinh thái phức hợp đẳng cấp bậc nhất tại Thái Bình. Nó tạo nên điểm nhấn mới cho diện mạo của một thành phố văn minh, hiện đại. Cũng trong năm này, công ty còn đồng loạt triển khai nhiều dự án như: dự án nhà ở xã hội tại xã Vũ Phúc thuộc thành phố Thái Bình, Dự án khu đô thị tiểu khu 21 Bắc Giang - Lào Cai, đưa thương hiệu Dragon Homes trở thành thương hiệu bất động sản hàng đầu cả nước. Ngày 17/7/2021,Công ty trách nhiệm Hữu hạn DRAGONTETILES 2 được thành lập với việc xây dựng nhà máy sợi công nghệ cao Dragon Tetiles 2, giai đoạn I trên diện tích 9,5ha tại xã Quỳnh Trang, huyện Quỳnh Phụ. Nhà máy sẽ được trang bị dây chuyền sản xuất hiện đại nhập khẩu từ các nước: Đức, Nhật bản, Hàn Quốc, Thuỵ Sĩ. Tổng mức đầu tư giai đoạn I gần 1000 tỉ đồng, dự kiến công suất 7.800 tấn sợi/năm, doanh thu khoảng 680 tỉ/năm, tạo ra công ăn việc làm cho 250 lao động. Nhà máy sẽ đi vào sản xuất trong quý II năm 2023. Đi đôi với việc mở rộng sản xuất kinh doanh công nghiệp, lĩnh vực hạ tầng cơ sở, công ty vẫn tiếp tục hoạt động mạnh với việc trúng thầu thi công chính đường vành đai phía Nam Thái Bình và đầu năm 2022, được đón Thủ tướng Phạm Minh Chính về dự lễ khởi công công trình trọng điểm này của tỉnh. Bên cạnh đó, Công ty còn có Trung tâm đào tạo nghề, chuyên dạy nghề may thời trang, cung cấp lao động có chất lượng cao, xúc tiến giới thiệu việc làm cho các công ty trong nước và xuất khẩu nước ngoài. Sau hơn 30 năm xây dựng và phát triển, Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất - Nhập khẩu Thăng Long đã xây dựng cho mình được thương hiệu có uy tín trên các lĩnh vực: Sản xuất công nghiệp, Bất động sản, Xây dựng - Dịch vụ - Thương mại. Các thương hiệu này luôn chiếm thị phần lớn trong và ngoài tỉnh; đưa sản phẩm và dịch vụ của công ty chiếm lĩnh thị trường, tạo dựng nên thương hiệu không thể thay thế, tạo niềm tin với khách hàng sử dụng. Qua khảo sát ý kiến đánh giá của người tiêu dùng thì hầu hết đều đánh giá các sản phẩm, dịch vụ của công ty đạt mức thang điểm 100. Điều này tạo thêm động lực cho bà Thà càng quyết tâm hơn nữa để tiếp tục nghiên cứu, đưa ra thị trường những sản phẩm có chất lượng hơn, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Cùng với việc lo toan hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, bà Thà còn luôn chú ý đến các hoạt động từ thiện, coi đó là trách nhiệm với cộng đồng, là xây dựng nét đẹp văn hoá cho doanh nghiệp. Từ quan điểm đó, hàng năm công ty bà đã trích ra hàng chục tỉ đồng để góp phần xoá đói, giảm nghèo, ủng hộ đồng bào những vùng bị thiên tai bão, lũ, giúp đỡ những trẻ mồ côi, người khuyết tật, già yếu, cô đơn không nơi nương tựa, những người có công với nước …v.v. Đặc biệt bà đã nhận đỡ đầu 3 trẻ mồ côi, chăm lo các cháu cho đến khi trưởng thành, có công ăn, việc làm. Với vai trò là Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình, bà Thà đã cùng Hiệp hội vận động góp gần 10.000 suất quà hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, lực lượng tuyến đầu chống Covid-19. Tổng số tiền hỗ trợ chống dịch là 30,5 tỉ đồng. Hàng năm mỗi dịp tết đến, xuân về, bà Thà lại cùng các doanh nghiệp ủng hộ trên 30.000 suất quà và khoảng 10 tỉ đồng tiền mặt, tặng các gia đình chính sách, gia đình khó khăn, trẻ mồ côi …v.v Chung sức cùng Chính quyền các địa phương chăm lo cái tết cho nhân dân để không ai bị bỏ lại phía sau . Với những đóng góp từ thiện trên, nhiều năm, bà Thà đã được Hội Chữ Thập Đỏ Trung ương và UBND các tỉnh Thái Bình, tỉnh Hà Tĩnh tặng Bằng khen. Mặc dù bận mải với biết bao công việc của công ty, song với gia đình, bà Thà vẫn làm tròn trách nhiệm của người con, người vợ, người mẹ, người bà. Khi cha mẹ đôi bên còn sống, dù bận mải đến mấy, bà vẫn cố gắng sắp xếp công việc, mỗi tháng về thăm các cụ một lần với những đồng quà, tấm bánh mà các cụ ưa thích, để tỏ lòng biết ơn công sinh thành, dưỡng dục vợ chồng bà nên người, khiến cha mẹ đôi bên rất hài lòng. Với chồng, tuy là một người thành đạt ngoài xã hội, song về nhà, bà vẫn giữ lễ nghi truyền thống của người phụ nữ Việt Nam: thương yêu, tôn trọng, phục tùng chồng. Với các con, bà quan tâm dạy dỗ, rèn luyện cho chúng thành đạt, nên người, nối được nghiệp mẹ. Bà có hai con trai: Con lớn là Nguyễn Trường Thăng, sinh năm 1987, hiện là Phó Tổng Giám đốc, phụ trách nhân sự, tài chính - kế toán, đầu tư dự án. Con thứ hai là Nguyễn Vũ Hoàng Long, sinh năm 1995, hiện là Giám đốc nhà máy sợ cao cấp Trải qua hơn 30 năm, với vai trò là người sáng lập, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất - Nhập khẩu Thăng Long, bà Vũ Thị Thà đã vững tay chèo lái, đưa Công ty vượt qua biết bao khó khăn gian khổ, có lúc tưởng bên bờ vực phá sản. Song với tâm huyết, thường xuyên trăn trở cho sự phát triển của công ty, cùng bản lĩnh và nghị lực, ý chí kiên cường, bà đã đưa Công ty liên tục phát triển. Từ một công ty tư nhân chỉ có 50 lao động lúc ban đầu thành lập, với một mặt hàng đơn giản là thảm đay xuất khẩu; đến nay, công ty đã trở thành một tập đoàn đa ngành, có vốn Điều lệ hơn 2000 tỉ đồng, doanh thu hàng năm 436 tỉ đồng, với 2200 công nhân, thu nhập bình quân mỗi người 8,5 triệu đồng một tháng. Thật là những con số biết nói đáng khâm phục. Đi đôi với việc lãnh đạo doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, bà Thà còn tích cực đóng góp cho các vấn đề an sinh xã hội của quê hương và đất nước. Với biết bao thành tích đó, bà đã được tặng thưởng Huân chương Lao Động hạng ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của UBND tỉnh Thái Bình; được vinh dự là đại biểu tham dự Đại hội Thi đua Yêu nước Toàn quốc lần thứ X, Đại hội Đại biểu Phụ nữ Toàn quốc lần thứ XIII; được UBND và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Bình đề nghị trao giải thưởng “Phụ nữ Việt Nam”, Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022”. Từ những thành công của 30 năm lãnh đạo, quản lý công ty, bà Thà rút ra 3 vấn đề quan trọng, lấy làm phương châm lãnh đạo, quản lý cho mình là: Uy tín làm tài sản, kỷ cương làm sức mạnh, nguồn lực con người là trung tâm của sự phát triển” Đây quả là bài học vô cùng quý giá. Nó là kết quả của quá trình tâm huyết, trăn trở, chiêm nghiệm suốt mấy chục năm trời mới có thể rút ra được. Bà Thà giải thích:- "Uy tín" của doanh nghiệp dựa trên sản phẩm hàng hoá của doanh nghiệp làm ra. Sản phẩm đó phải đảm bảo ba yêu cầu: + Trước hết phải tốt: tức có giá trị sử dụng lâu bền, phải có trách nhiệm về sản phẩm của mình với người tiêu dùng theo một thời hạn, chế độ bảo hành hợp lý. + Thứ hai là sản phẩm phải đẹp theo thị hiếu thẩm mỹ của số đông, hiện đại. + Thứ ba giá cả sản phẩm phải rẻ hơn giá cả của sản phẩm cùng loại của các doanh nghiệp khác một chút. Làm tốt ba yêu cầu trên, doanh nghiệp sẽ bán được nhiều hàng, sẽ có được sự tín nhiệm, mến phục của mọi người. Sự tín nhiệm đó càng rộng rãi, đông đảo thì doanh nghiệp càng chiếm lĩnh, mở rộng được thị trường, càng trở nên giàu có. Như vậy uy tín chẳng phải là tài sản đó sao? Thứ hai “Kỷ cương là sứ mạnh"của doanh nghiệp, nghĩa là doanh nghiệp phải xây dựng cho mình có một chế độ lao động, sinh hoạt, vui chơi hợp lý, khoa học. Chế độ đó phải trở thành phép tắc, thành nền nếp. thành thói quen của mọi người. Làm được như vậy, mọi người sẽ cảm thấy công việc lao động, sinh hoạt hàng ngày trở nên bình thường, thoải mái và tự giác. Guồng máy sản xuất sẽ trở nên trơn tru, hiệu quả, chất lượng sản phẩm luôn được đảm bảo. Cái đó chẳng phải làm nên sức mạnh của doanh nghiệp đó sao? Phương châm thứ ba :”Nguồn lực con người là trung tâm của sự phát triển”. Với quan điểm nhân văn, con người luôn được coi là mục tiêu, đồng thời cũng là chủ thể, là động lực cho moi sự phát triển. Vì vậy: muốn cho doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, bền vững thì mọi hoạt động của doanh nghiệp phải hướng vào con người, vì con người. Con người ở đây được hiểu là con người trong doanh nghiệp và ngoài doanh nghiệp (người tiêu dùng). Với người lao động trong doanh nghiệp thì mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh phải nhằm vào nâng cao thu nhập cho người lao động. Xuất phát từ mục đích này sẽ khiến họ tích cực, tự giác lao động sáng tạo, với năng suất cao, chất lượng tốt. Với người tiêu dùng phải đi sâu, đi sát tìm hiểu nguyện vọng, sở thích, nhu cầu của họ như thế nào mà sản xuất ra các mặt hàng phù hợp với họ về số lượng, chất lượng, giá thành, kiểu dáng… Đáp ứng được các yêu cầu đó thì quan hệ cung - cầu sẽ cân bằng. Sản phẩm làm ra đến đâu, sẽ tiêu thụ hết đến đó. Doanh nghiệp sẽ phát triển mạnh mẽ, đời sống người lao động trong xí nghiệp sẽ ngày một nâng cao. Sự giải thích về ba vấn đề trên trong phương châm lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp của bà Thà khiến tôi càng hiểu thêm, cảm phục bà: một người phụ nữ luôn trăn trở, đau đáu vì cuộc sống của mọi người, của quê hương, đất nước. Phải chiêm nghiệm, suy nghĩ rất lung, trong thời gian dài mới có thể rút ra những vấn đề cốt lõi đó làm phương châm lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp cho mình. Ba phương châm đó rất cơ bản, cô đọng, mang tính lý luận, khái quát cao, nên nó có tính ứng dụng thực tiễn phổ biến, rộng rãi. Vũ Thị Thá thật xứng đáng là người Phụ nữ Việt Nam kiểu mới thời @ 4.0. 32

VŨ DUY YÊN