TÔI VIẾT THEO LỜI BÁC DẠY
Ngày: 12/04/2022
Tôi vốn ham thích văn chương, từ nhỏ đã cùng anh bạn Minh Long, mon men đến lĩnh vực này. Mới học cấp I mà chúng tôi đã khát đọc sách văn học lắm. Ngày ấy, sách còn hiếm. Nhiều đêm đã khuya, chúng tôi vẫn xách đèn chai, lặn lội trên con đường làng nơi vùng chiêm trũng, tìm đến những “bồ” sách, thường lặng lẽ ẩn mình trong thôn xóm, khẩn khoản mượn về đọc.

TÔI VIẾT THEO LỜI BÁC DẠY

                                                                                                        NGUYỄN VĂN THỤC

Tôi vốn ham thích văn chương, từ nhỏ đã cùng anh bạn Minh Long, mon men đến lĩnh vực này. Mới học cấp I mà chúng tôi đã khát đọc sách văn học lắm. Ngày ấy, sách còn hiếm. Nhiều đêm đã khuya, chúng tôi vẫn xách đèn chai, lặn lội trên con đường làng nơi vùng chiêm trũng, tìm đến những “bồ” sách, thường lặng lẽ ẩn mình trong thôn xóm, khẩn khoản mượn về đọc. Rất may, chúng tôi phát hiện ra ông Cát lò rèn ở chợ Lụ có nhiều sách cổ. Quả thật, trong chiếc tủ nhỏ của ông, chứa đầy: "Tây du ký; Tam quốc diễn nghĩa; Thủy hử; Chinh Đông chinh Tây; Hồng Lâu mộng, Thép đã tôi thế đấy; Ruồi trâu; Sông Đông êm đềm",... làm chúng tôi sướng lịm cả người. Nhưng ngày ấy, mượn được sách đâu có dễ. Thuê tiền, nhưng cũng chỉ từng người, chủ mới cho thuê. Còn chúng tôi, chỉ có tay không, cứ đứng ngây mà xuýt xoa, gãi đầu, gãi tai thèm khát. Thấy dáng bộ thiểu não ấy, ông thương tình bèn cho mượn, chẳng lấy đồng xu nào! Chao ôi là sung sướng! Chúng tôi nghiến ngấu những tập sách đó. Quên sao được những năm 1957 - 1958 ấy, lần đầu tiên tôi được đọc Tam quốc diễn nghĩa 13 tập. Trên đường tới trường, khoảng mười cây số cuốc bộ, vừa đi vừa đọc sách. Thỉnh thoảng bước hẫng đánh thịch một cái, mới lại liếc mắt xuống đường. Có lẽ vì vậy, mà cái máu văn chương đã thấm vào hồn chúng tôi. Mới học lớp 5, hai đứa đã bắt chước cái giọng văn đậm chất Tây Nguyên, vừa lạ lẫm, vừa cuốn hút trong “Đất nước đứng lên” của nhà văn Nguyên Ngọc, mà đè giấy bút ra, nhằm viết “tiểu thuyết”! Thật là nực cười, nhưng cũng thực đáng trân trọng. Vì từ đấy, tôi đã thực sự có mơ ước viết được văn chương, và xác định cho mình: phải viết văn chương. Cái mộng ấy trong tôi, lên cấp III càng lớn dần. Vào đời, tôi chọn ngành giáo dục, là nghĩ rằng: Cái nghề thanh nhàn, rảnh rang này, sẽ giúp tôi có thời giờ trau dồi tay bút. Nào ngờ, công việc ngập đầu, tối ngày chẳng hết (không hiểu dạy học ngày ấy sao nó khốc liệt thế?!) Thành ra cái mộng văn chương đành phải xếp lại! Mãi tới khi sắp nghỉ hưu, tôi mới có dịp đánh thức khát vọng của mình. Bây giờ mới thực sự tập trung vào việc viết, Ban đầu thơ, thường là mấy câu lục bát. Văn, thường là những bản tin lặt vặt ở địa phương, những mẩu chuyện người thực, việc thực thường ngày...viết xong, gửi cho các báo, thấp thỏm mong chờ hy vọng... Nhưng chẳng có hồi âm! Giữa lúc đang chán nản, thì may sao, gặp được anh bạn cũ, làm ở tờ báo Lai Châu về phép. Nghe tôi than thở, anh vỗ vai cười: - Ô! Đừng nản. Có chí thì nên. Tớ biết cậu sẽ viết được văn thơ. Có điều, phải chịu học. Thế đã có sách để học chưa? Tôi hết sức ngạc nhiên: 10 VNTB 02(259) - 2022 TRAO ĐỔI - NGHIÊN CỨU - LÝ LUẬN - Có cả sách dạy viết văn, thơ à? - Có chứ! Nếu cậu cần, tớ sẽ tặng. - Trời! Lại còn phải hỏi. Tớ đang khốn khổ vì thiếu nó đây. Anh mở ca táp, rút ngay tờ báo, có in bài: Cách viết của Bác Hồ (Bài giảng của Bác tại lớp chính đảng Trung ương ngày 17/8/1953). Tôi sung sướng như vớ được vàng, ngày đêm nghiền ngẫm, rồi cẩn trọng thể nghiệm từng vấn đề Bác nói trong bài viết của mình. Trước hết, khi sắp đặt bút viết, theo lời Bác: phải xác định rõ mục đích: Viết cái gì? Viết cho ai? Viết để làm gì? Nên tôi thường chọn những vấn đề thực tế, gắn với cuộc sống mà đề cập, với cách diễn đạt sao cho người có trình độ cao, trung bình hoặc chưa cao, đều hiểu được ý mình. Từ đó, truyền tới họ mục đích nào đó. Có thế, văn chương mới có giá trị. Người viết mới không phí công (Bác gọi là vô ích). Người xưa nói: “Văn dĩ tải đạo” mà. Như vậy có nghĩa: văn chương không phải là thứ đồ chơi, trang sức xa xỉ, mà nó phải thực sự phục vụ cuộc sống con người. Về cách viết, Bác nói: “Trước hết là cần phải tránh lỗi viết rau muống... Đọc khúc giữa, quên khúc đầu. Đọc khúc cuối, quên khúc giữa!...” Bên cạnh, còn thêm bệnh thích dùng chữ nghĩa, theo kiểu đao to búa lớn, để gây tiếng xủng xoảng trong văn, mà xem ra chẳng có nghĩa ngọn gì. Lại thêm cách diễn đạt ngô nghê, nửa Tây nửa ta, khiến người đọc như lạc vào rừng rậm! Trước đây, tôi cũng đã chớm mắc bệnh dùng từ và cách viết dài để có nhiều trang. Đến khi được đọc “Cách viết” của Bác mới tỉnh người ra. Bệnh viết dài thì hơi khó chữa. Bởi cứ tưởng viết dài là nói được nhiều vấn đề, là “nhấn mạnh” được điều muốn nói. Khốn nỗi: người viết thì tư duy hình sin. Người đọc lại hiểu theo đường thẳng. Nên viết dài mà lằng nhằng như bè muống trôi sông, thì đúng là vô tích sự. Lê Nin cũng từng nói: “Xin lỗi các đồng chí: hôm nay không có thời gian viết ngắn, nên tôi phải viết dài! ” Một lần tôi tới thăm nhà văn kỳ cựu lão thành Bút Ngữ ở Thái Bình. Ông lục cho xem vài trang “nháp” văn của ông. Cả tờ A4 kín mít chữ, dập xóa dọc ngang. Ông bảo: “Cả trang này, mình chỉ lọc, dùng được có vài ba dòng đấy thôi!” Thảo nào mà đọc văn ông cứ chắc nịch, câu nào cũng mẩy như cua gạch vậy. Từ đó, tôi tập cách rút gọn văn thơ của mình theo cách “rút ngắn” của Bác Hồ, khi Bác mới viết cho báo Nhân đạo của Pháp. Quả thực viết ngắn khó hơn, công phu hơn, nhưng khi đọc lại, thấy ấn tượng hơn, sáng rõ hơn nhiều. Tự thấy cách viết của mình còn ấu trĩ lắm, nhưng cũng phải nói: tôi có một ưu điểm. Đó là từ khi chưa đọc “Cách viết"? của Bác, tôi đã ít nhiều thực hiện được. Ấy là sau khi viết mỗi bài, tôi rất chú trọng khâu sửa sang. Tôi cho phần vừa viết chỉ là phác thảo, thô mộc. Sửa sang mới là “bào trơn, đóng bén”. Tôi thường đọc đi, đọc lại nhiều lần. Để dăm bẩy ngày cho nó “ngẫm” rồi đọc tiếp. Lúc ấy, nó mới “gọt sửa”. Sửa chữa kỹ rồi đem cho bạn bè đọc hộ. Xóm tôi có bác thợ cày Nguyễn Nhân, rất sính thơ ca. Tôi thường đem bài mới viết nhờ xem giúp, thí dụ: bài thơ tôi viết về cha: “Thần Nông cày ở trên trời Cha tôi suốt đời cày ở đồng sâu!” VNTB 02(259) - 2022 11 TRAO ĐỔI - NGHIÊN CỨU - LÝ LUẬN Đọc qua, bác kêu lên: Sao không thay chữ “ở” ở câu sau bằng chữ “dưới” chẳng hạn, vừa khỏi trùng lặp, vừa có tính “đối” nhau? Tôi mới sửng sốt nhận ra: như thế, sẽ làm cho câu thơ được nâng bổng lên nhiều. Thì ra quần chúng, bạn đọc là như vậy. Người cầm bút chớ có coi thường chữ nghĩa, văn chương, không nên xem thường bạn đọc. Viết văn là công việc nặng nhọc, phải có tư liệu, vốn sống, tri thức, tâm huyết và quyết tâm cao. Bác còn khuyên: “phải có chí và chớ giấu dốt”. Bác đúng là lương y của văn chương, của giới văn sĩ nước nhà. Không ít lần cầm bút, tôi vấp phải vấn đề quá khó, thí dụ: bài phóng sự điều tra đầu tiên (bài ấy đến nay, vẫn phải giấu tên bài và tên tác giả). Bởi vấn đề mà tôi đề cập rất gay cấn và vô cùng nguy hiểm. Nhiều người định viết nhưng lại thôi! Khi lấy tài liệu, tôi phải làm y như một trinh sát, lọt vào bốt địch điều tra tình hình, chuẩn bị cho một trận đánh. Trước khó khăn, đã đôi lúc tôi do dự. Nhưng nhớ tới lời Bác Hồ: “Không có việc gì khó/ chỉ sợ lòng không bền...”. Nhất là viết văn phải: “có chí”. Tôi đã vượt qua được mọi trở ngại. Bài phóng sự ấy thành công. Được tuần báo Văn Nghệ của Hội nhà văn Việt Nam đăng kín một trang. Cùng với bài bút ký “Đường đã mở”, được Đài tiếng nói Việt Nam phát sóng ở chương trình Văn nghệ và nhiều bút ký đăng trên báo Nhân dân, báo Thái Bình, tôi đã được Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình mở cửa đón vào. Dù còn rất nhỏ bé, nhưng đến nay tôi đã thực hiện được ước mơ từ nhỏ của mình là được cầm bút viết văn để phục vụ cuộc sống, góp phần làm cho xã hội ngày tốt đẹp hơn. Tôi rất mừng và nghĩ rằng: được như vậy là sự cố gắng của bản thân để tiếp thu sự giúp sức của nhiều yếu tố, như sự góp ý của anh em, bạn bè; sự tận tình chỉ bảo của những người đi trước... Đặc biệt và lớn nhất là tôi may mắn được biết để ra sức làm theo lời Bác Hồ dạy về cách viết của Người. Đọc nhiều văn Bác, tôi lại thấm thêm phong cách viết văn đặc biệt của Bác: ngắn gọn, hàm súc, bình dị mà cao sang, dễ hiểu, dễ nhớ và đầy sức thuyết phục. Bác Hồ còn là vĩ nhân của lĩnh vực văn chương. Những người cầm bút chân chính, không bao giờ quên lời Bác dạy. 

NGUYỄN VĂN THỤC