TỈNH THÁI BÌNH THEO CÁCH TIẾP CẬN CỦA MỘT HỌC GIẢ PHÁP VÀO NHỮNG NĂM ĐẦU THẾ KỶ XX
Ngày: 12/04/2022
Vào năm 1935, một học giả người Pháp từng làm việc tại tòa công sứ Thái Bình dưới thời công sứ Bari làm Thủ hiến (1929 - 1933) đã viết tác phẩm Chú thích về tỉnh Thái Bình (Notice sur la procinse de Thai Binh) dưới dạng sách địa chí gồm 11 chương. Đây là một trong những tác phẩm đầu tiên của người phương Tây khảo cứu khá toàn diện về các lĩnh vực kinh tế, xã hội của tỉnh Thái Bình từ thời tiền sử đến những năm 1930 - 1933

TỈNH THÁI BÌNH THEO CÁCH TIẾP CẬN CỦA MỘT HỌC GIẢ PHÁP VÀO NHỮNG NĂM ĐẦU THẾ KỶ XX

                                                                                                                                NGUYỄN THANH

Vào năm 1935, một học giả người Pháp từng làm việc tại tòa công sứ Thái Bình dưới thời công sứ Bari làm Thủ hiến (1929 - 1933) đã viết tác phẩm Chú thích về tỉnh Thái Bình (Notice sur la procinse de Thai Binh) dưới dạng sách địa chí gồm 11 chương. Đây là một trong những tác phẩm đầu tiên của người phương Tây khảo cứu khá toàn diện về các lĩnh vực kinh tế, xã hội của tỉnh Thái Bình từ thời tiền sử đến những năm 1930 - 1933. Mặc dù dưới cách nhìn nhận, đánh giá của một học giả thực dân nhưng có khá nhiều tư liệu trong cuốn sách này rất đáng trân trọng, đáng để tham khảo khi cần tìm hiểu về Thái Bình về các phương diện: tự nhiên, dân cư, lịch sử, văn hóa, kinh tế... Trong lời nói đầu (chương I), trình bày khái quát về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của tỉnh Thái Bình, tác giả viết: "Tỉnh Thái Bình, tên gọi theo Hán Việt có nghĩa là "yên ổn hoàn toàn", có 1 triệu dân, là một trong những tỉnh lớn nhất và quan trọng nhất của Bắc Kỳ, đó là một điểm không ai chối cãi được". Chương II với tiêu đề "Từ thời kỳ nguồn gốc cho đến lúc người Pháp đến" tác giả đã đưa ra một nhận xét khá lý thú: "Xứ sở của yên lặng và tịch mịch, thích hợp với trầm tư và nghiên cứu, Thái Bình đã từng sản sinh và đào tạo nên để rồi ném họ vào cuộc tranh đấu, những vị sỹ phu uyên bác hoặc đầy tham vọng, những người này đã từng có khi nắm trong tay vận mệnh của nước An Nam". Điều mà tác giả sách Chú thích về tỉnh Thái Bình nhận định là người Thái Bình "đã từng có khi nắm trong tay vận mệnh của nước An Nam", hẳn là muốn ám chỉ về những con người Thái Bình thời Trần. Bởi vì, khi lược khảo về lịch sử Thái Bình "từ thời kỳ nguồn gốc cho đến lúc người Pháp đến", tác giả đã dành một dung lượng khá dày dặn để viết về đất và người Thái Bình với sự nghiệp nhà Trần. Khi lược khảo về lịch sử Việt Nam từ thời Hùng Vương trở về sau, tác giả đã điểm đến một số sự kiện trong lịch sử Thái Bình ở từng thời kỳ. Ví dụ: dưới thời Hai Bà Trưng có viết về lai lịch và hành trạng của bà chúa Tiên La. Từ sau khi nhà Tiền Lý sụp đổ (năm 602) đến khi Ngô Quyền xưng vương (năm 939) "có hai nhà Nho người Thái Bình tham dự cuộc thi ở Bắc Kinh trúng tuyển và được phong làm quan". Rất tiếc là tác giả không nêu rõ họ tên của hai nhà nho này và họ đã làm quan ở chức gì tại Trung Quốc thuở ấy. Vì là lược khảo về các thời kỳ lịch sử nên tác giả sách Chú thích về tỉnh Thái Bình chỉ viết giản đơn về một sự kiện nào đó có liên quan đến lịch sử tỉnh Thái Bình ở mỗi thời đại. Về Thái Bình với sự nghiệp thời Trần tác giả viết: "Triều đại hiển hách của nhà Trần, với những vị vua quê quán ở Thái Bình, là một trong những trang sử oanh liệt nhất của nước An Nam. Trần Thủ Độ có lẽ sinh ra ở Đặng Xá, huyện Hưng Nhân (khi thành lập tỉnh Thái Bình, tổng Đặng Xá có 18 làng, trong đó có các làng: Phú Đường, Ngọc Đường, Thái Đường, đến năm 1895 tổng Đặng Xá đổi tên là tổng Thái Đường). Nhiều làng trong tỉnh, như làng Thâm Động, huyện Duyên Hà và làng Tô Xuyên TRAO ĐỔI - NGHIÊN CỨU - LÝ LUẬN VNTB 02(259) - 2022 7 TRAO ĐỔI - NGHIÊN CỨU - LÝ LUẬN huyện Phụ Dực, cũng cho rằng chính làng mình mới có vinh dự là nơi đã sản sinh ra Trần Thủ Độ, nhưng chắc chắn rằng địa điểm lịch sử này nằm ở Đặng Xá, vì ở đây còn có ba cái mộ đất gọi là "Tam Thai" và đằng sau các mộ đất này cũng có những mộ đất thấp gọi là "Ngôi sao". Những ngôi mộ này do Pièrre Pasquies Phó sứ Thái Bình phát hiện ra, đều được sắp xếp để hình thành chữ vương; về mé bên phải, dưới cái đồi còn có chiếc quan tài của ông tổ nhà Trần. Chính phủ An Nam cho rằng đây mới đúng là nguyên quán của nhà Trần, nên trước đây đã ban cho làng này 60 quan tiền dùng vào việc tế lễ các vị vua Trần tại đền làng". Tiếp đó là những trang viết về vai trò của Trần Thủ Độ trong sự ra đời của vương triều Trần, nhà Trần với công cuộc kháng chiến chống quân Nguyên và quân Chiêm Thành, trong đó có sự kiện:"Dưới thời Trần Dụ Tông, quân Chiêm Thành trong một cuộc phản công đã tiến đến tận Thái Bình và xâm nhập vào huyện Hưng Nhân…Trong một cuộc giao chiến với quân An Nam ở gần Hưng Nhân (Thái Bình), Chế Bồng Nga đã bị một phát đại bác bắn chết tươi ở mạn chiến thuyền, từ đó nước An Nam thoát được nạn quân Chiêm Thành". Hẳn là, cách ngày nay hơn 80 năm, học giả người Pháp này phải tham khảo nhiều nguồn sử liệu đông, tây, kim, cổ có liên quan đến lịch sử vùng đất Thái Bình nên đã viết khá tường tận về Trần Thủ Độ và quê quán của vương triều Trần với một tinh thần trân trọng. Mấy thập niên qua, vị thế và nhân cách của danh nhân Trần Thủ Độ trong lịch sử nước nhà cũng như quê hương Thái Bình của ông với sự nghiệp nhà Trần đã được làm sáng tỏ hơn qua các cuộc hội thảo khoa học cùng nhiều nguồn sử sách mang tính chính thống. Ở những chương tiếp theo, sách Chú thích về tỉnh Thái Bình đã đề cập đến nhiều sự kiện lịch sử Thái Bình đáng chú ý kể từ khi người Pháp đến (1873) trong đó có chương viết về sự kiện thành lập tỉnh Thái Bình. Ở chương này, tác giả đã thống kê được toàn bộ đơn vị hành chính của tỉnh Thái Bình ở thời điểm đó gồm 3 khu phố của thị xã Thái Bình, 3 phủ, 9 huyện, 95 tổng, 832 làng. Riêng về thị xã Thái Bình, tác giả đã ghi lại được những thông tin có giá trị: “Khi thành lập tỉnh, năm 1890, tỉnh lỵ đặt tại phủ lỵ Kiến Xương, bên bờ sông Trà Lý. Phủ lỵ hồi đó gồm 1 thành xây hình 4 góc, có hào phòng thủ bao quanh. Dọc theo các hào chỉ có 1 con đường phố hai bên có nhà bằng đất hoặc phên trát vôi, lợp tranh với khoảng chừng hơn 300 dân. Các công sở mọc lên nhanh chóng ngay bên bờ sông Trà Lý. (Tòa sứ được xây dựng từ năm 1895). Một đường phố rộng, đường Juyn - lơ Pi - kê (Juynles Piquet) nối liền thành với sông. Các nhà buôn Hoa kiều đến lập nghiệp ngay tại thành phố mới. Những ngôi nhà bằng gạch và có gác được xây dựng nhanh chóng ở các làng Kỳ Bá và Bồ Xuyên, sáp nhập vào thị trấn Thái Bình theo quyết định ngày 4 tháng 2 năm 1895 của quan Kinh lược, do quan Thống sứ Bắc Kỳ thông qua. Do thị trấn ngày càng mở rộng nên quan Thống sứ Bắc Kỳ đã ký nghị định ngày 7 tháng 12 năm 1895, chuyển thị trấn thành thị xã. Theo cuộc điều tra dân số tháng 7 năm 1931, thị xã Thái Bình có 5.117 dân, trong đó có 407 Hoa kiều và 61 người Âu hoặc đồng hóa”. Các chương còn lại của cuốn sách này viết về dân số, các công trình lịch sử và nghệ thuật, tôn giáo, y tế, giáo dục, canh nông, kỹ nghệ và thương mại, địa chính, thú y, chăn nuôi, thuế và ngân sách, những công trình về cơ sở hạ tầng đã được xây dựng... Đáng chú ý là khi viết về dân số của tỉnh Thái Bình, tác giả đã có phần viết mang tên khái quát về nhân chủng học. Ở phần viết này tác giả đã khái quát một cách khá tinh tế về tính cần cù, chịu đựng nặng nhọc trong lao động, thanh đạm trong ăn uống: “Với tầm vóc nhỏ bé, trông bề ngoài yếu ớt, người dân Thái 8 VNTB 02(259) - 2022 TRAO ĐỔI - NGHIÊN CỨU - LÝ LUẬN Bình có sức chịu đựng mệt nhọc và có khả năng gánh vác những công việc nặng nhọc. Họ sống định cư và làm nghề nông. Tuy nằm sát biển, nhưng tỉnh chỉ có một số rất ít ngư dân chuyên nghiệp. Người dân Thái Bình ăn uống thanh đạm với gạo, rau, cá, gà, vịt, thịt nhất là thịt lợn, tất cả có thêm nước mắm làm gia vị. Ở nông thôn, gạo thường độn ngô, khoai lang và nước mắm thì thường được thay bằng tương. Họ không chê rượu, nhưng họ uống có chừng mực. Một điều người ta thấy là tại xứ An Nam rất hiếm người say rượu”. Về tinh thần quật khởi đấu tranh chống áp bức cường quyền của người Thái Bình đã được tác giả lý giải bằng quan điểm của một học giả thực dân và đi đến kết luận cực đoan: "Có thể nói rằng tư tưởng trả thù và thích kiện cáo là đặc điểm nổi bật nhất của người dân tỉnh Thái Bình". Ở chương kết luận, lẽ ra phải viết những điều tổng luận về các lĩnh vực đã khảo cứu được ở tỉnh Thái Bình thì tác giả cuốn sách này lại viết để tụng ca công lao của các quan cai trị, trong đó chủ yếu để “tỏ lòng kính trọng đặc biệt đối với công lao” của Công sứ Bari. Tác giả viết: “Ông Bari đã hiểu rằng tại một tỉnh dân số quá đông và nghèo khổ, nhiệm vụ đầu tiên của Nhà nước là đảm bảo cho dân có gạo ăn hàng ngày. Vì mục đích ấy, tất cả cố gắng của ông đều nhằm thực hiện dần dần một chương trình thủy lợi để tăng diện tích gieo trồng và năng suất của đất ruộng. Chương trình ấy đến nay đã được thực hiện một phần. Khi nào xong hoàn toàn, tỉnh sẽ có sản lượng hàng năm khoảng 400.000 tấn thóc và một hệ thống dẫn nước đầy đủ có thể dùng làm mẫu mực cho những tỉnh khác về mặt này. Nhưng, nếu như dưới sự quản lý của mình, ông Bari đã thực hiện một cách rộng rãi điều mà người ta gọi là “chính sách cái bụng”, ông ta vẫn không quên rằng ở một tỉnh có một triệu dân, có một vấn đề khác mang tầm quan trọng có lẽ còn chính yếu hơn đó là việc bảo vệ trật tự trị an. Không có trật tự trị an không thể nào có tiến bộ được. Nhằm mục đích ấy, ông đã xây cất tại mỗi phủ và huyện một lô cốt để cho các quan lại cùng nhân viên của mình cảm thấy được yên ổn hoàn toàn nếu như có xảy ra một vụ đánh chiếm như kiểu Phụ Dực năm 1930. Mặt khác, ông cũng đã lập ra một đội lính cơ của tỉnh, có khả năng tăng cường việc kiểm soát các làng xã của nội địa. Số lính này đi khắp nơi và bất kỳ giờ nào bằng xe đạp, làm cho người dân quê có cảm tưởng rằng việc canh gác chẳng có lúc nào ngừng. Kết quả rõ rệt nhất của sáng kiến này là tình hình trộm cắp và cướp bóc giảm đi nhiều lần. Cuối cùng, về chính sách đối với người bản xứ, hơn bất kỳ chính sách nào khác, ông Bari đã hoàn toàn thành công khi ông áp dụng không phải là những công thức trống rỗng gọi là “chính sách đồng hóa” hay là “chính sách hợp tác” mà chỉ đơn giản áp dụng chính sách thu phục nhân tâm. Nói được tiếng địa phương và hiểu biết tường tận phong tục người bản xứ, ông đã đến với những người dân quê và những người dân quê đã đến với ông đông lắm để bày tỏ thành thực nguyện vọng và thỉnh cầu của mình mà chẳng bao giờ ông từ chối không xem xét. Dưới sự thôi thúc của ông, các quan lại, tổng lý, tất những người có ít quyền hành đều luôn gắng sức và ông đã dấy lên được một không khí thi đua vô cùng có lợi cho tỉnh…”. Nếu loại trừ những phần nhìn nhận đánh giá các sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử theo quan điểm của một học giả thực dân thì cuốn sách Chú thích về tỉnh Thái Bình đã cung cấp một khối lượng tư liệu đáng quý về nhiều lĩnh vực đời sống, kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Bình trong những thập niên đầu thế kỷ XX. Trong chừng mực nào đó tác phẩm này cũng có thể giúp người đọc có cách nhìn đa chiều hơn về sự kiện thành lập tỉnh Thái Bình và mưu mô cai trị của người Pháp./.

NGUYỄN THANH