Vừa bước xuống xe, chợt nghe tiếng nhạc Lâm Thôn phát ra từ phòng tiệc của nhà hàng, khiến lòng tôi xốn xang bừng lên nỗi nhớ những năm tháng cùng đồng đội làm nghĩa vụ quốc tế trên đất Chùa Tháp. Tiếng trống bập bùng cuốn hút như giục giã tôi. Vội đưa chiếc ca-táp cho người giúp việc, bước nhanh vào phòng tiệc
THỨC LẠI MIỀN KÝ ỨC
TRẦN NGỌC PHÚ
Vừa bước xuống xe, chợt nghe tiếng nhạc Lâm Thôn phát ra từ phòng tiệc của nhà hàng, khiến lòng tôi xốn xang bừng lên nỗi nhớ những năm tháng cùng đồng đội làm nghĩa vụ quốc tế trên đất Chùa Tháp. Tiếng trống bập bùng cuốn hút như giục giã tôi. Vội đưa chiếc ca-táp cho người giúp việc, bước nhanh vào phòng tiệc. Trên sân khấu nhỏ trong phòng, trước mắt tôi là từng đôi nam nữ thanh niên, trẻ đẹp đang quấn nhau chuyển động theo vũ điệu. Có mấy cô gái trong trang phục dân tộc Khmer, đôi tay uốn cong, ánh mắt tình tứ, đong đưa thân hình theo điệu Lăm thôn, bản nhạc trữ tình truyền thống oh Svay chanty của dân Tộc Khmer. Tôi bước vào chào mọi người bằng tiếng Khmer: “Xôm-crup-tằng-ó-mứt Campuchia!”. Thấy có khách lạ vào lại biết tiếng Khmer. Một cháu thanh nữ trong nhóm trả lời tôi cũng bằng tiếng Khmer:- Xôm-crup-um! Rồi cả nhóm nam nữ đồng thanh chào tôi bằng tiếng Việt:- Chúng cháu chào bác ạ! Tôi hỏi các cháu:- Vậy mấy cháu là người Campuchia à?- Vâng ạ! Một cháu nhanh nhẹn trả lời và giới thiệu từng bạn trong nhóm, bạn này là người Campuchia, bạn này là người Lào, còn mấy bạn này là người Việt. Rồi cháu tự giới thiệu:-Tên cháu là Xà-ron, chúng cháu là sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Y - Dược Thái Bình - Đoạn, cháu hỏi lại tôi: - Ồ, mà sao bác biết tiếng Khmer ạ? Tôi nói với các cháu: “Bác trước đây là bộ đội tình nguyện đã tham gia chiến đấu giải phóng Campuchia hồi 1979”. Tôi hỏi lại cháu:- Vậy cháu quê tỉnh nào? Xà - ron nói:- Dạ! Cháu ở tỉnh Svây-riêng ạ!- Vậy à! Hồi tháng 3/1979, sau khi giải phóng thủ đô Phnômpênh, bác cùng đơn vị tiếp tục giải phóng một số tỉnh giáp biên giới Thái Lan. Tại căn cứ Ăm-leng của Khmer Đỏ thuộc tỉnh Công Pông Sư Pư, đơn vị bác đã cứu sống rất nhiều người tỉnh mình bị bọn Pôn-pốt đưa vào rừng giam cầm, kiểm soát. Những người này đã may mắn sống sót. - Ôi! Vậy à bác! Thế thì bác chính là một trong những ân nhân của gia đình cháu đây rồi! Ông bà cháu thường kể lại với chúng cháu là chính ông bà cháu cùng rất nhiều bà con trong phum đã được bộ đội Việt Nam (sau này lớn lên chúng cháu mới biết, đó là bộ đội Sư đoàn 341 quân tình nguyện) đã giải cứu ông bà và cả bố cháu lúc ấy còn nhỏ khỏi bàn tay bọn Pôn-pốt!- Đúng rồi. Chính bác là bộ đội Sư đoàn 341 đây! Không nén nổi xúc động, cô bé chạy lại ôm chầm lấy tôi, rồi cầm tay tôi lắc lắc, nói bằng tiếng Khmer: “O-cun-um! O-cun-um!”. Tôi hiểu cháu đang vô cùng xúc động nói lời cảm ơn. Rồi cháu nói về lòng biết ơn của gia đình cháu nói riêng và nhân dân Campuchia, dân tộc Khmer đối với bộ đội Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã giúp đỡ Campuchia giải phóng đất nước, cứu dân tộc Campuchia khỏi họa diệt chủng do bè lũ Pôn-pốt - Iêng-sa-ri gây ra, tình hữu nghị, sự đoàn kết chia ngọt sẻ bùi giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia. Mắt tôi nhòa lệ…Trong đầu tôi những hình ảnh của buổi chiều cuối tháng 3 năm 1979 ấy tại căn cứ Ăm Leng, hàng vạn người dân gầy gò đói rách bẩn thỉu đã được đơn vị chúng tôi cứu thoát khỏi căn cứ của bọn tàn quân Pôn Pốt tại tỉnh Công Pông Sư Pư. Rất nhiều lính Pôn Pốt đã buông súng trà trộn trong dân. Nhiều người đói lả không thể tự đi được. Trong tiếng súng các loại, tiếng pháo, tiếng đạn DKZ xé gió nổ ầm ầm, tiếng xe tăng của bọn tàn quân gầm rú điên loạn bắn về phía chúng tôi, rất nhiều bộ đội trúng đạn, rất nhiều người dân bị thương, chiến trường thật hỗn loạn vì ở vị trí này chúng đã cùng đường, nhưng chúng đang lợi dụng những điểm cao để bắn trả, ngăn chặn quân ta. Chúng tôi băng bó sơ cứu cho những người dân, nấu cháo cứu những người đói lả, phải nhường phần cơm nắm, lương khô cho họ, chỉ họ ra hướng đường cái để trở về quê hương. Còn chúng tôi vẫn tiếp tục truy quét vào tận rừng sâu núi thắm của căn cứ để tiêu diệt hết bọn quỷ dữ không còn tính người, chính chúng đã đưa dân tộc Khmer và đất nước Campuchia khốn khổ lụi tàn…Bỗng Xà-ron giơ tay hô to: “Việt Nam - Campuchia xa-ma-ki! Xa-ma-ki!”. Cả căn phòng cùng đồng thanh hô to: “Xa - ma -ki! Xa - ma - ki!”. Rồi Xà-ron nhún người chìa tay cho tôi:- Mời bác cùng Lâm Thôn ạ! Tôi bừng tỉnh, theo Xà-ron vào vòng nhảy, nhún chân, uốn tay múa theo điệu Lâm Thôn ma mị huyền bí… Chân tôi theo tiếng nhạc mà trong đầu tôi lần lượt hiện về những hình ảnh những năm tháng cùng đồng đội trải qua bao hiểm nguy, bao gian truân vất vả đổ máu hy sinh, sát cánh với lực lượng cách mạng Campuchia chiến đấu tiêu diệt bọn Khmer Đỏ khát máu, giải phóng nhân dân Campuchia, cứu giúp dân tộc Khmer và đất nước Ăng-ko thoát khỏi họa họa diệt chủng. Cảm xúc dâng trào, nước nắt tôi chảy dài trên gò má. Niềm vui bất ngờ thật cảm động khi thấy thế hệ các cháu đã sinh ra kế tiếp và trưởng thành. Hôm nay ngày 7/1/2019, kỷ niệm tròn 40 năm ngày đất nước Campuchia được giải phóng các cháu cùng nhau tổ chức ngày lễ lớn. Đất Nước Campuchia thật sự hồi sinh, những gian lao vất vả hy sinh cống hiến của những người lính tình nguyện đã được đền đáp.
TRẦN NGỌC PHÚ