THƯ CỦA LÃNH TỤ NGUYỄN ÁI QUỐC GỬI CÁC VỊ PHỤ LÃO.
Ngày: 01/07/2022
Sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài tìm đường cứu nước, đầu năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã về nước để trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, giải phóng đất nước, giành độc lập dân tộc.

Sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài tìm đường cứu nước, đầu năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã về nước để trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, giải phóng đất nước, giành độc lập dân tộc. Vào ngày 6/6/1941, tại hang Pác Bó (Cao Bằng), Người đã viết “Thư gửi đồng bào”, cũng vào dịp này Người viết bức thư bằng chữ Hán gửi phụ lão toàn quốc với tiêu đề: “Nguyễn Ái Quốc ký thư thị ái chư phụ lão 6/1941”. Nghĩa là “Thư Nguyễn Ái Quốc gửi các vị phụ lão tháng 6/1941”. Thư dài bốn trang do chính Bác viết bằng bút lông với nét chữ sắc sảo. Đây là bức thư đầu tiên và cũng là bức thư duy nhất được Bác viết bằng chữ Hán gửi cho người cao tuổi trong nước nhằm động viên tinh thần yêu nước và kêu gọi các cụ phụ lão tích cực tham gia cuộc kháng chiến hào hùng của nhân dân do Đảng và Bác lãnh đạo. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất thân từ một gia đình có bề dày truyền thống Nho học và Người đã sớm trở thành một thầy giáo Nho học ngay từ thời trai trẻ. Sau những năm bôn ba ở nhiều nước, mặc dù đã tự học và sử dụng thành thạo nhiều ngoại ngữ khác nhau nhưng chữ Hán vẫn là một sở trường mà Bác đã sử dụng khi cần đến. Tuy xa Tổ quốc mấy chục năm nhưng Bác vẫn biết rất rõ là vào thời điểm năm 1941, chưa nhiều người cao tuổi ở Việt Nam thông thạo chữ quốc ngữ và các bậc phụ lão từng kinh qua Nho học đang còn khá phổ biến, nên Người đã viết bức thư bằng chữ Hán để hiệu triệu các bậc phụ lão. Bức thư của Bác được viết theo lối văn biền ngẫu, vốn là một thế mạnh thường thấy trong văn chương chữ Hán, mang âm hưởng lời "Hịch tướng sỹ " của Trần Hưng Đạo hay "Bình Ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi. Bằng cả tầm cao trí tuệ và nghệ thuật văn chương uyên bác, bức thư của Bác đã có sức hấp dẫn khôn lường nhằm khơi dậy vai trò “cây cao bóng cả”, khích lệ các bậc phụ lão đứng lên gương mẫu cùng con cháu tham gia kháng chiến giành độc lập. Theo các nhà nghiên cứu văn học thì bức thư của Bác không chỉ là một lời hiệu triệu, một bài hịch kêu gọi cứu nước mà còn là một áng văn chương bất hủ. Trước tác chữ Hán này của Bác đã được đưa vào chương trình giảng dạy Hán Nôm ở bậc đại học. Đã có khá nhiều bản dịch bức thư chữ Hán của Bác sang tiếng Việt. Đương nhiên, như giới dịch thuật vẫn thường có câu: “Một bản dịch dù thành công đến mấy cũng chỉ là mặt trái của tấm thảm”. Phải đọc nguyên tác hoặc chí ít là đọc bản phiên âm chữ Hán mới thấy hết sự uyên bác về văn chương chữ Hán của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Xin được giới thiệu toàn văn bản phiên âm và dịch nghĩa bức thư này: Phiên âm: Nguyễn Ái Quốc ký thư thị ái chư phụ lão 6/1941. 4 VNTB 03(260) - 2022 Hô hiệu lương biểu đoàn kết chí ca bạch đầu giới. Quốc gia nhiệm vụ, ngô bối phụ lão chi trách, kỳ thậm đại yên. Quốc gia chi hưng, phụ lão phù chi. Quốc gia chi tồn, phụ lão trợ chi. Quốc gia chi vong, phụ lão cứu chi. Quốc gia chi suy, phụ lão vãn chi. Quốc gia hưng vong tồn suy, phụ lão giai hữu trọng đại chi kiên đảm dã. Hán thất chi suy, hữu Thương Sơn tứ hạo chi ưu. Tấn triều chi thịnh, hữu Trúc Lâm thất hiền chi lạc. Ngã quốc gia chi ưu, phụ lão cộng phân kỳ ưu. Ngã quốc gia chi lạc, phụ lão cộng phân kỳ lạc. Ngã quốc tiền triều, Nguyên nhung tứ ngược, Minh lỗ xâm cương, Trần Hưng Đạo, Lê Thái Tổ cấp triệu chư phụ lão mưu đồ khôi phục dĩ đề kháng xâm lăng. Thượng hạ đồng tâm, nhân dân nhất trí, anh hùng sự nghiệp hiển hách đương thời, hào kiệt thanh danh quang vinh hậu thế, diệc do đương thời phụ lão chi hô hiệu dã, cổ vũ dã, khích lệ dĩ thành chi dã. Tự tòng Pháp nhân xâm lược ngã tam kỳ, thuỷ nhi trọc ngã hải tân, cận hải chi ba đào diệc nộ, kế nhi chiếm ngã phong cương, thâm sơn chi thảo mộc giai cừu. Do thị nhân nhân, chí sĩ, hữu tâm can giả, hữu chí khí giả, tiếp tích nhi khởi. Hà Tĩnh chi Phan Đình Phùng, Bắc Giang chi Hoàng Hoa Thám cập Bắc Sơn, Đô Lương, Nam Kỳ khởi nghĩa liệt liệt oanh oanh, khí vô số chi đầu ngạch dĩ báo quốc thù dữ vô số chi tâm huyết dĩ tẩy quốc hận; tiền hậu cứu quốc chi nghĩa cử diệc do đương thời chi phụ lão cấu tạo yên, bồi thực yên, tẩm nhuận yên. Hiện kim tự pháp khốc tàn chi hoạn hạ, hựu gia nhật bản bạo ngược nhất tằng, sát hại nhân dân, chiếm cứ canh điền, tịch thu thực cốc. Ô hô! Tổ quốc trầm luân, đồng bào đồ thán, tứ cố thương mang, phủ tâm tự vấn, phụ lão kỳ hữu tâm hồ! Kỳ hữu ái quốc nhiệt thành hồ! Tuy phát bạch nhãn hoa,thủ nủy túc quyện, nhưng nhất ngôn kỳ ảnh hưởng khả dĩ hưng bang, nhất động kỳ ảnh hưởng khả dĩ sát tặc. Thoát mộc lý dĩ la bạo ngược chi đầu, huy trúc trượng dĩ kích hung kiêu chi hĩnh. Đối ư gia đình, đối ư tổ quốc phụ lão hữu trọng trách chi tôn; đối ư lân lý, đối ư tộc đảng, phụ lão hữu tín nhiệm chi trọng. Phụ lão hô chi, nhi nhân dân ứng chi, phụ lão hành chi nhân dân tòng chi. Hô đương hô chi thanh, hành đương hành chi sự, hữu tài giả xuất tài, hữu lực giả xuất lực, liễm phong thành cụ, tụ yên thành vân. Ngã toàn quốc đồng bào đương kiều thủ nhi vọng ư phụ lão dã. Dịch nghĩa: “Thư Nguyễn Ái Quốc gửi các vị phụ lão tháng 6/1941. Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão. Trách nhiệm của các vị phụ lão chúng ta đối với nhiệm vụ đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão giúp dập. Nước bị mất phụ lão cứu. Nước suy sụp phụ lão phù trì. Nước nhà hưng, suy, tồn, vong; phụ lão đều gánh trách nhiệm rất nặng nề. Nhà Hán suy, bốn cụ già ở Thương Sơn phải lo. Nhà Tấn thịnh thì bảy người hiền ở Trúc Lâm được vui. Nước nhà lo các cụ đều cùng phải lo. Nước nhà vui các cụ đều cùng được vui. Bọn giặc Nguyên hung bạo, giặc Minh ngang ngược xâm phạm bờ cõi, các triều đại trước như Trần Hưng Đạo, Lê Thái Tổ gấp rút triệu tập các vị phụ lão bàn tính việc khôi phục đất nước để chống xâm lăng; trên dưới đồng lòng, nhân dân nhất trí, sự nghiệp anh hùng rạng rỡ đương thời, thanh danh hào kiệt vẻ vang hậu thế. Đó cũng là nhờ phụ lão kêu gọi cổ vũ, khích lệ cho đuợc hoàn thành. Từ khi bọn Pháp xâm lược ba kỳ của ta, thoạt đầu chúng quấy đục bờ biển của ta, sóng ven biển cũng đều nổi giận; tiếp đó chúng xâm chiếm bờ cõi của ta, cỏ cây chốn rừng sâu cũng căm hờn. Cho nên những bậc nhân nhân, chí sĩ, những người có tâm can, có chí khí đều nối tiếp nhau vùng dậy. Như ông Phan Đình Phùng ở Hà Tĩnh, ông Hoàng Hoa Thám ở Bắc Giang, tiếp đến những cuộc khởi nghĩa ở Bắc Sơn, Đô Lương, Nam Kỳ vô cùng oanh liệt, biết bao đầu rơi để báo thù nước, dốc biết bao tâm huyết để rửa thù nhà. Những hành động nghĩa cử cứu nước từ trước đến sau đều do phụ lão đương thời gây dựng lên, vun đắp nên, nhuần tưới lên. Hiện nay sau ách tàn khốc của thực dân Pháp ta lại chịu thêm một tầng bạo ngược của Nhật Bản. Chúng giết hại nhân dân, chiếm cứ ruộng đất, tịch thu ngũ cốc. Than ôi! Tổ quốc chìm đắm, đồng bào lầm than, bốn bề mờ mịt, vuốt ngực tự hỏi: Phụ lão có lòng nhiệt thành chăng? Có lòng ái quốc chăng? Dẫu rằng tóc bạc mắt hoa, tay run chân mỏi, nhưng một lời nói của phụ lão có ảnh hưởng đến hưng bang, một hành động của phụ lão có ảnh hưởng đến việc giết giặc. Rút guốc mộc để ném vào đầu bọn bạo ngược, giơ gậy trúc để đánh vào chân bọn hung ác. Đối với gia đình, Tổ quốc, phụ lão có trọng trách là bậc tôn trưởng, đối với làng xóm bà con, phụ lão có sự tín nhiệm lớn lao. Phụ lão hô, nhân dân ứng. Phụ lão làm, nhân dân theo. Hô điều nên hô, làm việc nên làm. Người có của xuất của, người có sức dốc sức, góp gió thành bão, tụ hơi thành mây. Đồng bào cả nước ta đang ngẩng cao đầu mà trông chờ các bậc phụ lão”. Vào thời điểm ấy, hưởng ứng lời kêu gọi trong thư của Bác, phụ lão khắp ba miền Bắc, Trung, Nam đã nhất tề hăng hái tham gia sự nghiệp kháng chiến cứu quốc chống Pháp Nhật do Đảng và Bác Hồ lãnh đạo. Khi Mặt trận Việt Minh được thành lập thì hội phụ lão cứu quốc ra đời cùng với các đoàn thể khác như hội phụ nữ cứu quốc, thanh niên cứu quốc, nông dân cứu quốc…tạo thành một phong trào lớn mạnh rộng khắp cả nước để đi tới Cách mạng tháng Tám năm 1945 và Tổng khởi nghĩa giành độc lập non sông, khai mở ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vào ngày 2/9/1945. Thấm nhuần quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của người cao tuổi với sự phát triển xã hội, trải các chặng đường cách mạng tiếp theo, Đảng và Nhà nước ta ngày càng kiện toàn các chủ trương, chính sách để người cao tuổi Việt Nam phát huy tốt trách nhiệm trọng đại vốn có như Người đã khẳng định trong thư gửi các vị phụ lão toàn quốc tháng 6/1941. Theo đề nghị của Hội người cao tuổi Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định 772/QĐ-TTg ngày 26/3/2006 công nhận ngày 6/6 hàng năm là "Ngày truyền thống người cao tuổi Việt Nam". 

NGUYỄN THANH