Đang đi, tôi phải dừng lại, kéo chiếc áo
trùm lên tận cổ. Người tôi run lên từng
cơn như sốt rét. Cái lạnh theo luồng gió
bấc và mưa phùn như cào cấu, luồn qua áo
nâu vá mỏng mảnh lọt vào ngực. Mưa từng
đợt lả tả bay ngang xối xuống mặt. Tôi cầm
chặt tay bố, bố quàng tay vào cổ và vai tôi, cả
hai chân rón rén bước qua cầu Bo vào Thị xã
Thái Bình.
Thị xã trong ký ức
và thành phố Thái Bình hôm nay
Trần Chính
Đang đi, tôi phải dừng lại, kéo chiếc áo trùm lên tận cổ. Người tôi run lên từng cơn như sốt rét. Cái lạnh theo luồng gió bấc và mưa phùn như cào cấu, luồn qua áo nâu vá mỏng mảnh lọt vào ngực. Mưa từng đợt lả tả bay ngang xối xuống mặt. Tôi cầm chặt tay bố, bố quàng tay vào cổ và vai tôi, cả hai chân rón rén bước qua cầu Bo vào Thị xã Thái Bình. Trời chiều, gần cuối đông bầu trời vần vũ u ám. Từng đám mây đen nối nhau bay về hướng nam. Chân tay tôi rời rã mỏi mệt, đi hết nhịp cầu cuối cùng, nhìn thị xã mở ra trước mắt tôi. “Ồ. Đây là phố Lê Lợi.” Đường phố thênh thang, ánh đèn lấp lánh, người đi lại tấp nập, quần áo sặc sỡ, những người con gái áo dài chân đi guốc nện xuống nền xi măng lộp cộp. Buổi chiều ấy, tôi nhớ mãi, đó là ngày 20/12/1950. Lúc ấy, tôi mới tám tuổi, lần đầu tiên lạ lẫm nhìn thấy cái nơi ấy. Trước mắt tôi, thị xã Thái Bình với phố xá rộng, sạch sẽ, đường đá, vỉa hè, cống rãnh khang trang, khác hẳn thôn quê nơi tôi tản cư là cái làng Vị Thủy, Vị Dương, Cầu Sắt Thái Ninh. Đấy là khi, tôi mới ba tháng tuổi, bố mẹ tôi tản cư ở đó rồi từ vùng tự do này lại chuyển vào vùng tạm chiếm như nhiều gia đình ly hương thời loạn khác. Mẹ tôi gánh đôi sọt, một bên là chăn chiếu quần áo, một bên lủng củng nồi, cái niêu đất và mấy bát gạo. Bố dắt tay tôi, chị tôi cõng cô em gái, cả nhà đi mãi tới một cái hồ hai bên bờ là bãi tha ma hoang vắng. Cái hồ ấy sau này mới biết là hồ của ông Cai Vượng. Gần đấy là cái ao của cụ Cần, rồi cách thêm vài dãy ruộng là ra nghĩa địa Pháp, được xây tường bao bọc. Từ hồ ao cụ Cần, có con bờ đi qua, dẫn ra thẳng phố Hoàng Hoa Thám (bên bờ hồ thời ấy, dân mới đến định cư lập nên một cái miếu gọi là miếu Bờ Hồ, bây giờ vẫn còn ở phố Trần Hưng Đạo). Cuối hồ đi về phía Bắc là lò vôi của bà Đội Thủy. Bà đội Thủy, có chồng đi lính được lên chức đội, nên người ta gọi là lò vôi bà Đội Thủy. Đêm đầu tiên dừng lại ở bãi vắng, bố tôi hì hục làm một cái lán, gác tạm mấy cây tre, trên phủ những mảnh lá chuối khô, dưới nền là rạ. Cả nhà, ai nấy đều mệt, nên ngủ thấy rất ngon. Liền mấy ngày hôm sau đó, bố mẹ tôi chạy vạy gom góp dựng lên một gian nhà trát vách lợp rạ. Có mái nhà tạm an cư, hàng ngày mẹ tôi tìm ra chợ Bo buôn bán. Chợ gần đấy. Mẹ tôi bán những thứ lặt vặt kiếm ăn. Bố tôi thì đi tìm manh mối kiếm việc, làm nhà thuê cho những người mới đến định cư. Một sáng, vào ngày 27 tết, sau 7 ngày lên thị xã có một ông, sau này mới biết tên là ông Nguyễn Văn Chứ, trưởng khu Đề Thám, mang đến hai cái phiếu có đóng dấu đỏ. Ông đưa cho bố tôi một phiếu. Rồi, ông gọi. “Thằng nhỏ đâu”. Nghe gọi tên “thằng nhỏ,” lại nghe bố giục, tôi đang ở trong nhà ló ra, thưa: “Dạ cháu đây ạ.” Ông Chứ vui vẻ vỗ vai tôi bảo. “Cho cháu 2m kaki Mỹ nhé. Sáng mai, gia đình lên tòa tỉnh trưởng lĩnh gạo, còn cái giấy này ra chùa Trung lĩnh vải về may quần áo mặc Tết, nghe chưa.” Bố con tôi mừng quá. Sáng sớm hôm sau, bố dẫn tôi lên cổng tòa Tỉnh trưởng. Tôi lạ lùng ngắm những người mặc quần áo com lê trắng, họ bảo mọi người xếp hàng. Tôi nhỏ thó, đứng lọt vào hàng thứ năm, nên chỉ một lúc là được ưu tiên phát gạo. Gạo được cấp đã đóng sẵn vào cái túi cói, mỗi người một túi, ai đến lượt thì lấy đặt lên đầu đội về. Trên đường về, tôi thấy vui vui, chân muốn đi nhanh về khoe với mẹ. Chiều tôi lại ra chùa Trung, cũng len vào xếp hàng, cũng có những người mặc quần áo sọc trắng. Tôi đến muộn đứng ở giữa hàng. Nhưng, họ lại phát từ hai đầu dồn lại, đến lượt tôi thì cũng là người cuối cùng. Tôi cầm trên tay miếng vải kaki, màu vàng mịn, sướng quá, thế là Tết đến có gạo, có quần mới. Cứ thế, vào những Tết năm sau, ngoài gạo nhà tôi còn được phát một cặp bánh chưng và một hộp thị bò. Ở tạm bợ nhưng gia đình tôi cũng quen dần với cuộc sống Thị xã. Giữa năm 1951, để giúp bố mẹ kiếm ăn, tôi đi bán bánh mỳ. Lúc đầu tôi lấy bánh ở lò bánh mỳ Thiên Đức, bây giờ là Bảo hiểm xã hội tỉnh, sau lấy bánh mỳ ở lò Phúc Kiến, bây giờ gần rạp chiếu bóng Thống Nhất. Đi bán bánh, tôi phải dậy từ 3 giờ sáng để đến các lò, mua 15 bánh mỳ và 5 bánh sữa. Giá mua 7 xu, đem bán lấy 1 hào. Mỗi bận, tôi lấy 20 cái bánh cho vào chiếc bao đay rồi lại nhét vào cái bị cói có quai, khoác lên vai. Tôi vừa đi vừa rao: "Ai mua bánh sữa, bánh mỳ nóng giòn đây". Giọng tôi vang dài, loang trong bóng tối lúc tờ mờ sáng. Tôi bước thấp bước cao trong bóng nhập nhoạng, lần đến các hẻm phố trong thị xã. Đi từ ba giờ sáng, lúc bán hết bánh đã khoảng 8 giờ, ngước mắt nhìn, mặt trời đã nhô lên khỏi nóc nhà góc phố. Nghỉ ngơi ít phút, đến 10 giờ tôi lại đi cất kem để bán. Ngày ấy, nhà máy kem Ngân Hà đặt trên đất thành ủy cũ bây giờ. Hiện tại là UBND phường Lê Hồng Phong. Cạnh nhà làm kem có nhà chữa bệnh tư của bác sĩ Đỗ Đình Địch. Lúc đó cùng với nhà máy kem Ngân Hà, thị xã Thái Bình còn có hai nhà máy kem Hồng Bàng, Dân Chủ ở phố cầu Trượt, hiện nay là phố Phan Bội Châu. Bán kem rồi, lại có ngày tôi đi bán báo. Tôi nhớ, báo Giang Sơn, báo Tia Sáng phải lấy ở xưởng in Đa Minh cạnh nhà thờ Thiên chúa giáo. Gần như những người “nghiền đọc tin tức “đã quen tiếng rao của tôi: "Ai mua báo Giang sơn, báo Tia Sáng, tin tức báo mới đây!" Tôi còn chọn xướng lên vài tin tức giật gân để người đọc tìm mua. Mỗi sáng, bán báo xong, tôi lại bán bánh khoai, bánh nếp, lạc rang... Cứ thế, tôi nhọc nhằn kiếm sống và tự tìm sách vở để học. Mãi sau đó, bố tôi mới xin được cho tôi nhập trường, theo học ở trường tư thục Quốc Tuấn nằm trên phố Nguyễn Công Trứ. Thị xã Thái Bình thời tạm chiếm còn nhỏ, vẻn vẹn mới có một vài phố ngắn và hẹp, những phố ấy nối và bện gọn lấy nhau. Theo lịch sử thị xã Thái Bình hơn một trăm năm trước đây ngày 21/3/1890 thị xã Thái Bình mới chính thức được hình thành, cùng với việc tiến tới thành lập tỉnh, theo Nghị định của viên Toàn quyền Đông Dương. Do việc chống đỡ các cuộc nổi dậy của nhân dân ta nên năm năm sau ngày 04/2/1895 thị xã Thái Bình mới được thành lập, quyết định của viên Kinh lược Bắc Kỳ Hoàng Cao Khải, ghi: "Những làng Bồ Xuyên và Kỳ Bố, tổng Lạc Đạo phủ Kiến Xương tỉnh Thái Bình sát nhập vào thành phố Kiến Xương - tức phủ lỵ Kiến Xương đang đóng ở Kỳ Bá", ngoài hai làng trên tất cả các phố ở xung quanh thành sẽ cùng được lập lại để gọi là thành phố Thái Bình. Dân các làng Kỳ Bá - Bồ Xuyên sẽ phải gánh vác tất cả các tạp dịch như cư dân thành thị. Như vậy khi mới ra đời thị xã Thái Bình chỉ vẻn vẹn bao gồm dân cư hai làng nông nghiệp Bồ Xuyên, Kỳ Bá (trước đó hai làng này đều thuộc huyện Vũ Tiên). Thực tế từ khi thành lập đến trước năm 1945 quy mô nội thị có phát triển nhưng không được lớn. Ngày 26/10/1932 chính quyền thực dân Pháp có nghị định về việc điều chỉnh ba con đường chính trong thành phố cho thẳng hàng, từ những dãy phố đầu tiên dọc theo hữu ngạn sông Trà Lý, nằm phía Đông Bắc, gần phủ thành cũ của huyện lỵ Kiến Xương, thị xã Thái Bình mở rộng về phía Tây Nam cách phố An Tập nơi có lỵ sở huyện Vũ Tiên. Thị xã Thái Bình cơ bản vẫn gồm ba khu phố chính: phố đệ nhất, phố đệ nhị, phố đệ tam. Nhằm ghi dấu công lao của một số viên quan thực dân từng trị nhậm ở Thái Bình, mỗi đường phố lại đặt kèm theo một cái tên tây như phố Duy-pích-kê (Duynpicque), phố Đờ-mi-ri-ben (Demiribel), và phố Hác-mănggờ-rút-xô (Harmandransseau). Nhưng dân thị xã chỉ quen gọi tên các phố này một cách giản dị: phố Đền Mẫu, vì phố chạy qua cửa một ngôi đền thờ mẫu (nằm trên đường Lê Lợi nay đối diện với Sở Lao động thương binh xã hội) và phố Vọng Cung, vì có nhà vọng cung (nằm trên đường Lê Lợi đối diện với phố Nguyễn Thái Học ngày nay - nơi tổ chức tế lễ nhân các kỳ sóc vọng hàng năm của quan lại Nam triều; ngoài ra còn có phố Giá Nứa vì tiếp giáp với sông Trà Lý nơi buôn bán nhiều đồ gỗ và tre nứa (nay là đoạn Lý Thường Kiệt, đầu sông Bồ Xuyên). Diện mạo của thị xã Thái Bình từng bước được thay đổi gắn với yêu cầu củng cố bộ máy cai trị của thực dân Pháp, các khu nhà tầng kiên cố, dinh thự, công sở mọc lên, nhưng dân thường kể cả thương nhân người Hoa, người Việt rất ít người ở khu nhà tầng lớn. Những trại lính khố xanh, Tòa công sứ, Phó sứ, Dinh Tuần phủ, Bố chánh, Sở Hiến binh (sở cẩm), nhà Đoan, Tòa án, Kho bạc, Nhà thương, nhà Dưỡng tế, nhà thờ Thiên chúa giáo, thánh thất Tin lành dần mọc lên và sau đó, năm 1920 đến năm 1930, là các dinh thự công sở mới như dinh Tổng đốc, sở Công chính, sở Thương chính, sở Canh nông (Túc mễ cục), sở Thú y, ty Địa chính và Nông phố ngân hàng. Sau đó người Pháp cho xây dựng trường học dạy tiếng Pháp thay thế cho chương trình chữ nho như trường tiểu học Kiêm Bị Mi-nôm (Minault) và trường tiểu học Môn-guy-lơ (Monguillot) riêng trường Mô-đê còn gọi là trường mẫu dạy chương trình lên tới bậc Cao đẳng tiểu học (vào khoảng năm 1928), dành riêng cho con cái quan chức người Tây và một số quan chức giàu có người Việt. Về giải trí lúc đó thị xã có hai rạp chiếu phim kiêm rạp hát, rạp Tập thiện và rạp O-đêon (Odeon) và hai câu lạc bộ gọi là Séc-tây, dành cho người Tây và hội trí thẻ dục (gọi là séc-ta dành cho công chức người Việt). Về giao thông, hầu hết các đường nội thị chỉ là đường đất hoặc rải đá. Năm 1935 con đường từ Nam Định qua thị xã đi Hải Phòng mới rải đá và láng nhựa. Cùng năm đó có cầu bắc qua sông Trà Lý (gọi là cầu Bo sau gọi là cầu Độc Lập). Trước đó năm 1931 hàng vạn người được huy động cho việc đào con sông tên là Ba-ri (sông Vĩnh Trà) dài trên 10km nối sông Trà Lý đến bến Tân Đệ (sông Hồng). Về sản xuất Công nghiệp tiểu thủ công, Pháp chủ yếu đầu tư sản xuất nhỏ như đóng sửa chữa tàu cùng với xây dựng nhà máy rượu cho hãng Phông-ten xây dựng năm 1942, buôn bán thì nhỏ lẻ. Nằm gần bờ sông Trà Lý cùng các cửa hàng cửa hiệu bán dọc theo đường phố chính đủ loại như tạp hóa, sách báo, hiệu may, hàng cơm, sửa chữa đồng hồ, thuốc bắc... đã tạo thành không khí khá nhộn nhịp của thị xã lúc bấy giờ. Sau khi thị xã Thái Bình bị tạm chiếm thì phố Lê Lợi bấy giờ nối từ cầu Bo cũ xuống. Phố có tòa tỉnh trưởng, nằm giữa hai phố Phan Đình Phùng và Lý Thường Kiệt. Năm 1954, hòa bình lập lại, ty Giáo dục lấy tòa nhà này làm trụ sở, bây giờ là quảng trường 14/10 (trước tượng đài Nguyễn Đức Cảnh). Lúc ấy, phía trước tòa tỉnh trưởng là một bãi vắng chạy dài sang tới Nhà thương viện trợ Mỹ. Sau hòa bình lập lại, nơi đây là cửa hàng Bách hóa tổng hợp, sau là bưu điện tỉnh. Đất ấy, giờ nhập vào khu quảng trường rộng lớn. Từ Cầu Bo đi thẳng xuống phố Lê Lợi, bây giờ là nhà bảo tàng tỉnh. Ngày 29/6/1954 khi quân Pháp rút khỏi thị xã đã đánh mìn sập 2 nhịp. Hòa bình lập lại, ngành giao thông tỉnh VĂN XUÔI 52 VNTB 01(264) - 2023 Thái Bình đã kịp thời dựng lên chiếc cầu treo cho nhân dân đi lại. Bây giờ, khi xây cầu Bo mới, cầu được chuyển về phía phố Hai Bà Trưng. Tuyến phố này còn có Phố Khách, bây giờ là UBND tỉnh và Thanh tra tỉnh, dân cư khá đông đúc, khoảng trên 70 hộ với gần 200 khẩu. Thời đó, ngoài những gia đình bán thuốc Bắc và hàng tạp hóa còn có hiệu bánh Cao Lâu “Vạn Phát Tường” nổi tiếng ngon nhất trên đất phố. Phía trong phố ấy có miếu thờ thành hoàng bản địa, do “người Khách” lập lên, có ngõ nhỏ đi vào, nhiều người đi đâu hay làm gì đều vào đây dâng lễ thắp hương xin lộc. Tương truyền, phố Lê Lợi thời ấy có đền Mẫu, rất linh thiêng. Đền có cung bên trong, ngoài hành lang rộng để ngày hội cho mọi người về đây tập trung tế lễ. Đền Mẫu mở hội vào tháng 3 âm lịch hàng năm. Ngày hội, người kéo về dự lễ rất đông. Kiệu được rước đi quanh thị xã, từ phố Lê Lợi, Trần Hưng Đạo qua dọc phố Hai Bà Trưng. Những năm hòa bình, đất nước thống nhất, đền Mẫu bị phá bỏ. Những bức tượng được chuyển vào Chùa Bồ để lấy chỗ xây trường cấp II mang tên “Lê Hồng Phong” của thị xã. Tôi nhớ phố Lê Lợi còn có Ty công an của Pháp, hiện nay gần khu Ngân hàng Ngoại Thương, nơi đó có đền (gọi là đền Công An). Bên phải đền ấy có đồn cảnh binh. Trong đồn cũng có cái đền nhỏ, dân quen gọi là “đền cảnh binh.” Khu ấy, bây giờ là Trụ sở Chi cục dân số kế hoạch hóa gia đình. Hai nơi này, vào mồng một, hôm rằm trước đây, dân đến lễ khá đông. Phố Lê Lợi còn có nhà thờ Tin Lành và “đền ông Chủng” do dân khu vực thị xã lập nên. Đền nằm ở góc vườn hoa Chéo, bây giờ là vườn hoa mới, nằm sát “Đài phát thanh truyền hình” cũ của tỉnh. Ở vườn hoa ấy, có cái “giếng do dân tự xây” nước rất trong. Xung quanh giếng trồng toàn cây sấu. Bây giờ chỗ đó là Thư viện tỉnh và Đền thờ các liệt sĩ tỉnh, nằm trong khuôn viên gắn với vườn hoa. Trước kia, còn có phố Nguyễn Khuyến, thông từ phố Lê Lợi sang phố Hai Bà Trưng. Bây giờ không còn. Đền thờ các liệt sĩ và thư viện tỉnh đã nằm trên mảnh đất được san phẳng. Dọc tuyến phố Lê Lợi, xưa kia, còn có chợ Bo cũ. Cổng trước của chợ là ngõ Vọng Cung, ngõ của cổng chính. Ngõ phụ là khu trường mẫu giáo phường Đề Thám. Cổng hậu của chợ cũ mở ra phố Hoàng Hoa Thám. Cái ngõ nhỏ ấy bây giờ vẫn còn. Nhiều người nghèo ở xóm Bờ hồ thời trước thường ra đây bán muối, bán lạc luộc, khoai sọ luộc. Khi mới hòa bình, thị xã lấy chợ Bo cũ làm công ty Vật tư Nông nghiệp rồi chuyển thành “trường cấp II Chuyên.” Bây giờ đó là mẫu giáo phường Đề Thám. Liền tuyến đường, thời gian Pháp chiếm đóng thị xã, có đồn An Tập. Đồn An Tập bị Việt Minh tấn công nhiều trận dữ dội và quyết liệt. Tại đây, giặc Pháp bị bắt, bị tiêu diệt và bị thương khá nhiều. Sau đồn An Tập, có đền “Tân Lợi.” Đền do ông Lợi, dân thị xã, tự xây. Đền được dựng lên từ sự quyên góp công của những người chuyên giết mổ và buôn bán thịt lợn. Hòa bình thời gian dài, nơi đây được xây dựng làm “Khách sạn số 2”. Sau đó, bến ô tô cũ cạnh rạp hát Vĩnh Trà được chuyển về đất này. Rồi đến thời bến ô tô lại được chuyển đi, nhường chỗ cho khu nhà văn hóa Công đoàn tỉnh được xây dựng. Bây giờ khu siêu thị mang tên “Vincom,” bề thế, đẹp đẽ đã mọc trùm lên những dấu vết xưa cũ ấy. Ở Thái Bình, trước đây, phố Hai Bà Trưng chỉ gọi là phố Trưng Trắc. Sau đó được đổi thành tên gọi hoàn chỉnh là phố Hai Bà Trưng. Phố Hai Bà Trưng song song với phố Lê Lợi. Phố cũng bắt đầu từ bờ sông Trà Lý. Trước đây dân ở phố này nghèo, chỉ có cái “nhà Vân Đình” là to nhất. Bên trái từ đầu cầu Bo mới bây giờ vào thị xã, lúc tạm chiếm nơi đây chưa có cầu. Ngay đầu cầu, trước đây là Nhà thương viện trợ Mỹ. Hòa bình lập lại, công trình này được lấy làm nhà máy xay (nên có phố Máy xay), bây giờ là khu dân cư với một số cơ quan làm việc và nơi họp chợ. Thời kháng chiến chống Pháp, trong hai trận càn “Con trâu” và trận càn “Trái quýt,” bọn Pháp thường đóng Sở chỉ huy ở gần bệnh viện. Một lần, du kích ta đã nhằm ban đêm, bất ngờ tổ chức đánh trận tập kích vào tận sào huyệt, tiêu diệt và tóm gọn bọn chúng. Tuyến phố này thời Pháp có rạp xi nê, sau hòa bình lấy làm phòng Công Thương, để cấp giấy kinh doanh cho những người buôn bán tiểu thương. Sau này chỗ đó thành rạp hát Vĩnh Trà, và bây giờ là Trung tâm văn hóa của tỉnh. Cạnh chỗ ấy là bến ô tô mà sau chuyển ra ngã tư An Tập. Thời ấy, bên cạnh bến ô tô, có quán bánh cuốn Minh Hương nổi tiếng ngon, thu hút khá nhiều khách. Dọc Phố Hai Bà Trưng còn có đền Hai Bà Trưng. Trong đền trước đây có cái hồ nhỏ, và cây đa to tỏa bóng khuôn viên rộng, sau bị thu hẹp và cái hồ lấp đi, lấy đất chia cho dân. Thư viện Thị xã có thời lập trên khuôn viên ấy. Thời tạm chiếm, đền Hai Bà Trưng thường mở hội, dân khắp nơi kéo về đây dự lễ rất đông. Lễ hội vui, có nhiều trò chơi dân gian. Phố Hai Bà Trưng còn có khu cư ngụ của tỉnh trưởng Vi Văn Định và nhà Nghị Luận. Hòa bình lập lại, khu ấy thành ty Thương nghiệp, rồi sau UBND thị xã từng lấy nơi ấy làm trụ sở. Bây giờ đất ấy là khu vực của công an tỉnh. Cạnh đấy trước kia có sân bay, đường băng xuất phát từ ngã tư phố, mỗi khi có máy bay ba càng xuống là có lính canh ở hai đầu phố Hai Bà Trưng và phố Lê Lợi. Năm 1954, khi hòa bình, khu sân bay này được xây dựng thành sân vận động và Ty khai hoang. Năm 1958 Bác Hồ về thăm Thái Bình. Bác đã nói chuyện với cán bộ và nhân dân Thái Bình tại đây. Buổi ấy, do người đông, lại chen lấn nhau, tường bị đổ làm một số người bị thương. Phố Nguyễn Thái Học có cầu Kỳ Bá, bây giờ là cầu Công An, có cái lò quay thịt lợn ngon nổi tiếng nhất thời ấy. Người nghèo thường ra đây xếp hàng mua nước lòng lợn (nước xuýt) về chan cơm ăn. Bây giờ chỗ đó là Trung tâm huấn luyện thể dục thể thao của tỉnh. Ở đấy bấy giờ còn có đền Trần, do bà Nghị Luận quản lý. Thời tạm chiếm phố Hai Bà Trưng còn có cái hồ cạnh sân bay, bọn Pháp đặt ở đây nhiều cỗ đại bác để bắn xuống các vùng nông thôn (bây giờ đất trận địa thành trung tâm thi đấu thể thao của tỉnh). Từ phố Hai Bà Trưng đi thẳng qua ngã tư sang phố Quang Trung, có thời gọi là phố 30 tháng 6 (Hiện nay có cửa hàng ăn mang tên “cửa hàng 30/6”). Phố Quang Trung đi thẳng đến Cống trắng, qua đấy ra cầu Phúc Khánh. Từ Cống trắng đi dọc bờ sông Vĩnh Trà vào phía thị xã, gặp cây Cầu Đổ (cầu qua sông Vĩnh Trà, công ty Thị chính đặt vào năm cái cống bị mưa cuốn đi nên gọi là Cầu Đổ - giờ là cầu Ngô Văn Sở). Phố Trần Hưng Đạo bắt đầu từ phố Lý Thường Kiệt, đi qua nhà thờ, cạnh nhà thờ có nhà in Đa Minh. Thời tạm chiếm đây là phố cụt bắt đầu từ nhà thờ đến phố Hoàng Hoa Thám, hai bên đường là bãi vắng, cỏ cây mọc um tùm, cạnh nhà thờ còn có khu Dục Anh của các bà sơ, nơi nuôi trẻ mồ côi. Trên tuyến phố này xưa có ngôi nhà mái bằng của ông Khoa. Bọn Pháp lấy nhà này làm nơi cứu thương, nhất là sau những trận càn mang về đây nhiều lính chết và bị thương. Từ nhà ông Khoa đi ra sân bay qua phố Hoàng Hoa Thám rất gần. Bọn lính Pháp tử trận thường mang xác ra nghĩa trang (phố Lê Lợi) để chôn. Nhà ông Khoa sau này thành trụ sở Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh. Phố Trần Hưng Đạo bây giờ được mở rộng lên tận phố Kỳ Đồng (đi một đoạn lên phía Bắc có cầu Kỳ Đồng đó là sông Đoàn Túc cũ). Về một số các tuyến đường ngang Thị xã xưa kia. Gần bờ sông Trà Lý có phố Phan Đình Phùng, bây giờ nằm trong quảng trường VĂN XUÔI 54 VNTB 01(264) - 2023 14/10 và Bảo tàng tỉnh và có thêm phố Trần Quang Khải giáp bờ sông Trà Lý. Hòa bình năm 1954, khách sạn cầu Bo được xây dựng, bây giờ thành khách sạn Sông Trà. Phố Lý Thường Kiệt trước đây nối từ sau Trụ sở Tỉnh ủy cũ từ cống Bồ Xuyên đến cầu Kiến Xương. Bây giờ mở rộng đến xã Vũ Chính. Cầu Kiến Xương qua sông Kỳ Bá, sau đổi thành sông Vĩnh Trà. Cầu Lý Thường Kiệt và cầu Trắng nằm trên đường Hoàng Văn Thái. Trên tuyến phố này thời gian tạm chiếm và sau hòa bình năm 1954. dân cư ở khá đông, nhiều hàng quán buôn bán tấp nập, nhất là khi có chợ Bo còn ở bên bờ sông Trà Lý, nơi đây còn có rạp hát cải lương Sông Hồng. Thời tạm chiếm có khu nhà in Đa Minh (bây giờ là tỉnh ủy mới), có bệnh viện Pháp và phòng Nhì, nơi chuyên tra tấn cán bộ ta. Trong đó còn có sân tennis dành cho lính và sĩ quan Pháp. Phía bên kia tỉnh ủy cũ có đền quan lớn, và căng Bo. Năm 1952 - 1953 Pháp mở trận càn Trái quýt và Con trâu, bắt cán bộ và nhân dân về đây giam khá đông. Căng Bo lúc đó lầy lội sau những trận mưa, mái trên bọn chúng chỉ lợp tạm những cây tre lá và bạt màu, hàng nghìn người phải khổ sở đầm đìa trên những vũng bùn, đói và khát. Nhân dân thị xã tiếp tế bằng cơm nắm và khăn tay, quần áo tẩm nước ném vào, nhiều người nháo nhào giơ tay hứng đỡ, quần áo ướt đầm và đầy bùn. Hòa bình lập lại, nơi đó thành chợ Bo và sau thành xí nghiệp bê tông đúc sẵn. Liền kề chỗ ấy trước đây có cái ngõ nhỏ bây giờ thành ra phố Trần Hưng Đạo giáp quảng trường của tỉnh. Tuyến phố Phan Chu Chinh cũ giờ đổi thành phố Lê Quý Đôn, bắt đầu từ phố Trần Thủ Độ, kéo dài đến xã Trần Lãm và Vũ Chính. Trước đây phố này chỉ kéo từ phố Hai Bà Trưng đến chợ Bo bây giờ. (Chợ Bo thời tạm chiếm ở ngõ Vọng Cung - Đề Thám. Năm 1954 ở bờ sông Trà Lý, sau tỉnh ủy cũ. Thời Mỹ đánh phá miền bắc, chợ Bo sơ tán ra Nấm Bo Quang Trung, rồi về phố Trần Hưng Đạo, có một thời ra sông vĩnh trà, gọi là chợ rặng dừa và hiện nay Chợ Bo nằm trên phố Lê Quý Đôn). Trên phố Lê Quý Đôn có cầu Cộng Lực, trước đây là cống Hàn Lâm, thời tạm chiếm bên cạnh có nhà máy phát điện của Pháp cung cấp điện cho phố Lê Lợi, Trưng Trắc và một số cơ quan đầu não của Pháp. Sau hòa bình khu vực đó có Hợp tác xã bóng đèn, rồi từ năm 1957 - 1975 có Hợp tác xã Cộng Lực, nên chiếc cầu ở đó bây giờ gọi là cầu Cộng Lực. Chùa Chung thị xã (là Hải Kim Tự) trước đây có tên là Hải Lăng (thôn Chung) nằm trên phố Lê Quý Đôn, vào ngày hội mọi người về tế lễ khá đông. Thời tạm chiếm, vào những ngày tết nguyên đán, trung thu, rằm tháng 7 nhà chùa thường phát gạo, quần áo, bánh kẹo, bánh chưng cho người nghèo. Chùa Chung có khuôn viên đẹp, có cây đa to tỏa bóng rộng mát. Ngày 10 tháng 9 năm 1968 chùa Trung bị máy bay Mỹ ném bom tan nát chỉ còn cái tháp chuông. Có thời chùa được lấy làm nhà trẻ, bây giờ mới được tu bổ lại. Phố Lê Quý Đôn bây giờ chạy dài xuống Trần Lãm - Vũ Chính, có cầu Lê Quý Đôn 1 và cầu 03/02 (sông 03/02). Tuyến phố Lý Bôn trước đây chỉ bắt đầu từ bến ô tô mới đến phố An Tập. Thời tạm chiếm gọi là phố An Tập có nhà hát Cô Đầu (gọi là phố Cô Đầu). Phố Lý Bôn bây giờ chạy dài về phía bắc lên tận Mễ, về phía Nam xuống đến xã Vũ Chính, có cầu Gốc mít (cây mít của ông Lê Quang Huy (Nuôi) trồng ngay đầu cầu, thường gọi là cầu gốc mít). Phía bắc qua ngã tư có cầu Quyết Tiến (sông Đoan Túc). Trước đây chỉ có cái cống nhỏ gọi là cống Đoan Túc, Hợp tác xã dệt nhuộm Quyết Tiến xây dựng ở đây. Một thời xa, nơi đây có nhiều cánh đồng bỏ hoang, nhiều người nghèo ra đây trồng khoai, trồng rau để kiếm sống. Trên phố này, bến ô tô mới chuyển từ nhà văn hóa công đoàn ra (khu khách sạn Dầu khí, siêu thị Vincom, hiện nay.) Hai bên phố này, VĂN XUÔI VNTB 01(264) - 2023 55 trước đó có nhà máy miến nên gọi là cầu Máy Miến, cầu Lương Thực của Ty lương thực và Cục dự trữ quốc gia A17 và có cầu Trần Phú, nằm trên đường Trần Phú mới. Chạy dài lên Nhân Thanh, Tiền Phong, có UBND phường Tiền Phong, có cầu Báng, có bánh chưng bà Ốc ngon nổi tiếng trên đất ấy. Phố Minh Khai là tuyến mới được mở. Nơi đây xưa là những cánh đồng và bãi hoang, mồ mả chuyển đi, lập thành khu dân cư mới. Ngoài những địa danh trong thị xã thời tạm chiếm và trong thời kỳ Mỹ bắn phá miền Bắc, trên đất thị xã còn có các địa danh khác như: chùa Bồ Xuyên, chùa Tiền Phong và đình Bo thuộc phường Kỳ Bá. Đặc biệt chùa Tiền bây giờ là chùa Thánh Long (Thánh Long Tự - Kỳ Bá). Thời tạm chiếm nơi đây lính Bảo Hoàng thường canh coi, chúng đã xây ở đây một cái chòi cao để canh gác. Hàng ngày, cứ đến 21 giờ tối là chúng thổi kèn, thiết quân luật, ai đi đêm phải đem theo đèn chai hoặc đèn hoa kỳ nhỏ. Trong đền chùa Tiền, có cái giếng rất trong, tương truyền rất thiêng, nhân dân thường ra đây lấy nước về ăn uống. Thời Mỹ đánh phá miền bắc từ 1965 - 1972 thị ủy và UBND thị xã sơ tán về đây để làm việc, rồi từ chùa Tiền ra hầm An Tập. Thời gian ấy, có ông Đặng Trịnh, Bí thư Thị ủy và ông Phạm Đình Thuyên - Chủ tịch UBND thị xã, bà Vũ Thị Hồi - Phó chủ tịch, ông Phạm Văn Nhung, phó Chủ tịch, ông Trần Văn Toại - trưởng phòng Nông nghiệp và ba cán bộ ở đây vừa làm công tác vận động sản xuất nông nghiệp và thường trực phòng không. Hầm An Tập cũ bây giờ vẫn còn. Trong thị xã còn có hầm làm việc của các đồng chí thường trực tỉnh ủy (Nằm sau Sở Nông nghiệp cũ. Dân vùng này quen gọi là hầm ông Đông thuộc tổ 14 phường Trần Hưng Đạo bây giờ). Thời tạm chiếm, bọn Pháp có xây nhiều lô cốt trong thị xã, nhất là các tuyến phố quan trọng như Trần Hưng Đạo, ngã tư An Tập, bờ sông Trà Lý và cầu Bo. Bây giờ, chỉ còn lại hai cái, một cái nằm sát cầu Máy Miến, có gia đình lấy lô cốt ấy làm quán cà phê, lấy tên “Quán cà phê Lô Cốt.” Tại nơi đặt quán cà-phê này, có lần bọn Pháp đuổi bắt du kích trốn từ nghĩa địa Pháp ra. Bọn chúng đánh đập rất dã man. Hiện trên đất thị xã còn một lô cốt thứ hai trên bờ sông Trà Lý, gần xóm Đồng Lôi - Kỳ Bá. Những di tích ấy là nhân chứng thời Pháp chiếm đóng Thị xã Thái Bình. Thị xã, có địa danh Nấm Bo thuộc phường Quang Trung. Tương truyền nơi đây là tiền đồn hải khẩu của tướng quân Trần Lãm. Sau năm 1975, Nấm Bo bị phá bỏ để xây dựng trường Công an rồi trạm xá công an, bây giờ là khu dân cư. Xa, cách Nấm Bo khoảng 500m về phía đông bắc là Giếng Sen, giếng nước ngọt, rất trong của tiền đồn tướng quân Trần Lãm, sau bị san lấp, xây trường Tiểu học Quang Trung. Xóm Hòa Bình (tổ 38 phường Quang Trung) nằm cạnh đó. Trước đây thuộc xã Trần Lãm, có đền Đôi Bà, trước cổng đền có cây đa cổ thụ. Trên bờ sông Vĩnh Trà gần cầu Gốc Mít đi vào phía chùa Tiền, thời tạm chiếm là nhà tế bần, nơi đây nuôi dưỡng những người vô gia cư. Bờ sông ấy, có thời làm chợ tạm Kỳ Bá (sau trường Đại học Y Thái Bình). Đi vào Phố Quang Trung là cống Trắng. Xưa, cống Trắng nhỏ, xây cuốn có hai chữ đề (cống Trắng) bằng chữ hán. Qua cống Trắng vào phía trong có nghĩa địa Tàu do những người ở phố khách Lê Lợi lập nên. Nghĩa địa là những bãi tha ma rộng mênh mông chạy dài, thời tạm chiếm hoang vắng. Đứng nơi đây có cảm giác rợn người. Cách Cống Trắng khoảng 700 mét về phía Tây Nam là Cầu Đen, tiếp giáp với xã Vũ Phúc. Thời Mỹ đánh phá thị xã, dân sơ tán ra đây ở khá đông. Đặc biệt những năm 1965 - 1972 UBND thị xã sơ tán về xã Vũ Phúc và Phú Xuân để làm việc. Những địa danh trên đất thị xã Thái Bình xưa, là những dấu tích, chứng kiến và gắn chặt với đất và người thị xã trong ký ức sâu đậm của những người từng sống, gắn bó với đất này. Ngoảnh nhìn về quãng dài quá khứ, thời tạm chiếm và sau hòa bình năm 1954 số dân mới có một vạn ba, cũng như thời Mỹ Bắn phá miền Bắc, kỷ niệm xa xưa ấy đã trôi theo dòng chảy của bao nhiêu biến đổi. Thị xã xưa, nay đã đổi mới quá nhiều. Những con phố dài, rộng khác lạ, thẳng tắp hướng tới một thành phố giàu đẹp và phồn vinh với trên hai mươi mốt vạn dân. Những khu công nghiệp, và cụm công nghiệp thu hút hàng vạn lao động làm giàu cho thành phố, cơ sở hạ tầng phát triển nhanh không còn cảnh úng lụt. Nhiều khu đô thị mới được mở rộng đến các xã phường đẹp và khang trang, hệ thống thương mại dịch vụ mở mang, các siêu thị phát triển mạnh, hệ thống cây xanh được trồng mới tạo nên một không gian thành phố xanh, sạch, đẹp, đường thoáng mát, đêm về ánh điện lung linh. Công tác an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững, văn hóa xã hội phát triển, đời sống nhân dân ngày một nâng cao. Viết về Thị xã Thái Bình xưa và Thành phố hôm nay, trong một lần cảm hứng, tôi đã ghi lại vài hình ảnh đổi thay trong bài thơ lục bát : Sông xanh một thoáng Vĩnh Trà Ơ hay mới gặp sao mà đã yêu Tay vim ngọn gió cánh diều Con đường Kỳ Bá nói điều nhớ mong Vâng. Những đường phố xưa ấy, từ cầu Bo rồi qua Lê Lợi, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, qua cầu Quyết Tiến, cầu Máy Miến, Cầu Nề rồi sang phố Minh Khai, phố Lê Quý Đôn, phố Lý Bôn, Lý Thường Kiệt. Rồi, xóm Bờ hồ, phố Hoàng Hoa Thám, lò vôi bà Đội Thủy, sông Đoan Túc cánh đồng và sông Kỳ Bá ... Mỗi lần qua những địa danh ấy, những hoài niệm, kỷ niệm đời tôi lại phút chốc hiện về. Không ít lần, tôi đã đứng lặng, ngắm nhìn những ngôi nhà, lối phố, thả lòng cùng ngọn gió, chùm mây. Mắt hướng theo những ngôi nhà cao tầng khu chung cư, khu công nghiệp cứ san sát mọc lên với mỗi đêm về, thành phố Thái Bình lại rực rỡ trong ánh điện, lung linh tỏa sáng. Câu thơ tôi lại tự nhiên lóe lên như một vệt loang dài: Rẽ ngang một chút đường gần Sông Bồ Xuyên gửi lặng thầm với ai Quả tình, đất và người thị xã Thái Bình đã trải qua những năm tháng dài vật lộn quằn quại để có một thành phố trẻ như hôm nay. Thành phố của tâm tình, của ngẫm suy và rung cảm: Đêm mòn đếm hạt sương mai Phố phường trăn trở thức hoài thâu canh Có tới nửa thế kỷ đời người, tôi đã đi cùng Thái Bình trên khắp dải đất nhỏ xưa kia của thị xã, để bây giờ, ngay trên bước chân mình, tôi lại đang bước giữa những cung đường rộng dài, thênh thang của một thành phố mới. Từ phố Trần Quang Diệu, nơi tôi gắn chặt đời mình. Phố xưa là cánh đồng. Lúa khoai xanh ngát. Những tháng năm khói lửa. Hai lần giặc Mỹ ném bom. Trong hy sinh gian khổ vượt lên. Người mọi miền về đây xây tổ ấm. Những ngôi nhà cao tầng. Những ngõ dài sâu thẳm. Những câu chuyện vui sau bữa cơm chiều. Trẻ chơi khăng đánh bóng thả diều. Đêm trăng tỏ tiếng ru hời xa vọng. Mùa xuân về áo cô dâu đỏ thắm. Thêm niềm vui một đứa trẻ ra đời. Thầm xót thương người mãi mãi đi xa. Rồi, “Ai bác sĩ, kỹ sư. Ai nhà văn nhà báo. Ai gắn mình đời thợ...” Như sắc hoa trong mảnh vườn nho nhỏ. Rất lặng thầm mà xao động, mà diết da, câu chuyện kể : “phố tôi.” Từ thành phố trẻ đang giàu lên, đẹp lên như những ngày mới hôm nay đang tràn về, đang đổi thay cuộc sống muôn người, trong đó có tôi. Dẫu vẫn còn ẩn dấu không ít những toan lo khuất lấp, gian lao và buồn vui đâu đó... Giống như, vầng trăng mờ đi, rồi tỏ, đường gập ghềnh hằn vết gió mưa, để ngày mai sẽ thức dậy một mặt trời ấm nắng... Tôi viết gửi người thân yêu câu thơ trong niềm vui hò hẹn: Em về Cống Trắng chờ anh Bến xuân giăng sợi tơ mành hẹn nhau.