Hồi cách mạng tháng Tám mới thành công, Bác Hồ nêu lên ba nhiệm vụ cấp bách cho toàn Đảng toàn dân ta: chống giặc đói, chống giặc dốt và giặc ngoại xâm. Rồi Bác theo dõi, động viên những nơi, những người làm tốt nhiệm vụ trên.
THÁI BÌNH ĐƯỢC BÁC HỒ KHUYẾN HỌC
BÚT NGỮ
Hồi cách mạng tháng Tám mới thành công, Bác Hồ nêu lên ba nhiệm vụ cấp bách cho toàn Đảng toàn dân ta: chống giặc đói, chống giặc dốt và giặc ngoại xâm. Rồi Bác theo dõi, động viên những nơi, những người làm tốt nhiệm vụ trên. Với việc chống dốt, Bác khuyến khích học bình dân học vụ. Với tỉnh Thái Bình, Bác đã khuyến học kịp thời và có sức cổ vũ mạnh mẽ. Ngày 6/9/1947, sau một kỳ thi, ba làng An Bài (Phụ Dực), Duyên Trang (Tiên Hưng), Nhâm Lang (Hưng Nhân) đã thanh toán nạn mù chữ. Bác Hồ gửi thư khen. Trong thư gửi đồng bào Duyên Trang, Bác viết có ðoạn: “Về văn hóa, đó là một cuộc đại thắng lợi của nhân dân ta, nhất là đồng bào làng ta. Tôi rất sung sướng thay mặt Chính phủ gửi lời khen ngợi ðồng bào toàn xã…”. Rồi Bác căn dặn: “Việc học hành là vô cùng quan trọng, học nhiều, biết càng nhiều càng tốt. Vậy tôi khuyên đồng bào xã ta gắng học thêm… Đồng thời tôi khuyên đồng bào các xã xung quanh phải theo gương vẻ vang Duyên Trang gắng sức học hành…” Tháng 6/1948, khi đoàn đại biểu Chính phủ đi kiểm tra về báo cáo: huyện Quỳnh Côi đã thoát nạn mù chữ, Bác liền có thư khen và khuyên nhủ: “Đồng bào cố gắng học thêm nữa cho tiến bộ thêm nữa”. Ngày 20/3/1949, khi Thái Bình được công nhận là một trong hai tỉnh thanh toán nạn mù chữ đầu tiên trong cả nước, Bác gửi thư khen và tặng một cuốn sổ vàng. Trong ba năm liền, Bác bận bao nhiêu việc lớn của cả nước, nhưng vẫn quan tâm khuyến học đối với những làng và huyện tỉnh ở Thái Bình. Hơn nữa, Bác còn mở rộng đối tượng và hình thức khuyến học. Ở Quỳnh Côi có một cụ già và một phụ nữ thi đỗ đầu, Bác gửi thư động viên. Ở Duyên Trang, trong thư khen đồng bào, Bác còn “cảm ơn các vị phụ lão, thân hào đã ra sức giúp đỡ cán bộ bình dân học vụ hoặc dạy dân học”. Cụ Phạm Thị Trang, 70 tuổi ở làng Hội Khê (Vũ Tiên) sức yếu vẫn vận động chín người mù chữ đi học; cho mượn nhà để mở lớp học; cho con dâu ra dạy học. Nhà cụ có tám người vừa học vừa tham gia diệt dốt. Em Nguyễn Lùn ở huyện Đông Quan, tám tuổi, vừa học vừa dạy hai thanh niên cạnh nhà biết chữ. Được tin trên, Bác tặng huy hiệu cho cụ Trang và em Lùn. Những việc Bác làm để khuyến học ở Thái Bình khiến chúng ta suy ngẫm, làm theo và mở rộng, đẩy mạnh hơn trong phong trào khuyến học ngày nay. Những việc làm của Bác còn khiến chúng ta nhớ lại Thái Bình xưa đã có các danh nhân chăm lo khuyến học. Thời Lê, ở làng Phúc Khê (nay thuộc huyện Thái Thụy) có hai anh em ông Quách Đình Bảo và Quách Hữu Nghiêm. Ông anh đỗ Thám Hoa, ông em đỗ Hoàng Giáp, đều làm quan to và đều có việc làm khuyến học. Quách Đình Bảo đề cao những gương học giỏi, đỗ đại khoa. Ông xin vua Thánh Tông cho dựng bia đá, khắc tên các vị trạng nguyên, tiến sĩ đặt tại văn miếu. Vua khen phải. Đình Bảo đã biên soạn danh sách các vị đỗ đại khoa từ thời vua Lê Thái Tông đến lúc này. Việc dựng bia đã tuyên dương được các vị đỗ cao và khuyến khích học trò chăm học. Việc ấy đã được đời sau làm tiếp, gọi là “bia Tiến sĩ”. Những tấm bia đó ngày nay là di sản văn hóa quý giá. Để khuyến học, Quách Đình Bảo còn phát giác tệ các quan phủ hạt chiếm sách công làm của tư. Ông xin vua cho kiểm soát, thu hồi các sách đó, dùng để dạy học và cho học trò ở Quốc Tử Giám đọc. Ông còn khuyến học bằng cách dạy tốt; đọc quyển, chấm bài trung thực, chống gian lận trong thi cử. Bản thân ông ra sức thực hành, được vua giao đọc quyển nhiều khoa thi Hội… Noi gương anh, Quách Hữu Nghiêm cũng ra sức khuyến học qua các khâu: dạy tốt, chấm bài trung thực… Ông còn gần gũi và xem xét đời sống học trò ở Quốc Tử Giám, đề đạt việc điều chỉnh tiền lương cho họ hợp lý hơn, nhằm khuyến khích học tốt. Ông còn xin vua cho thay đổi chế độ bổ sung quan chức sau thi cử để khuyến khích sự học. Đời sau ghi nhận hai ông họ Quách làm nhiều việc hay giúp nước, nổi nhất là khuyến học, đào tạo và sử dụng nhân tài. Thời Nguyễn, ở làng Động Trung (nay thuộc huyện Kiến Xương) có Nguyễn Mậu Kiến. Ông đỗ khoa hoàng từ (tương đương hoàng giáp) được giao chức án sát. Ông có nhiều công tích, nổi trội là việc khuyến học. Thân phụ ông để lại nhiều ruộng tư, ông đem ra làm binh điền nuôi quân chống Pháp. Phần đáng kể góp làm học điền, hoa lợi dùng xây trường học, mời các danh sư đến dạy. Học trò gồm con em trong địa phương và mấy tỉnh lân cận (Hải Dương, Thanh Hóa). Những trò nghèo học giỏi được ông nuôi cơm, cho giấy bút. Thư viện của ông nhiều sách quý cho học trò đọc. Nhà ông còn có nhóm thầy tu thư và gần hai chục thợ khắc chữ, liên tục mười năm được hơn mười vạn bản khắc, in sách giáo khoa phát không cho học trò… Chất lượng học tập nhờ vậy được đảm bảo. Học trò nơi đây có những người thi đỗ tú tài, cử nhân đến Phó bảng… Sĩ phu đương thời ca ngợi ông về việc khuyến học: “Thư bảo bách niên phù thế giáo” (Sách quý trong nhà ông còn góp vào nền giáo dục trăm năm sau). Thái Bình còn những di vật khảo cổ và lịch sử thành văn, ghi nhận là vùng đất cổ, có chiến tích chống giặc ngoại xâm từ thời Hai Bà Trưng. Đây là nơi hải giác thiên nhai (góc bể chân trời), nhưng có truyền thống vượt khó, hoc giỏi, sản sinh ra những nhân tài tiêu biểu của quốc gia, như Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ, Bảng nhãn Lê Quý Đôn… Có 111 vị là ông trạng, ông nghè. Chưa thống kê được những ông cử ông tú… Đây không hoàn toàn nhờ “Địa linh” nên “Nhân kiệt”, mà chủ yếu là do sự “Cần công” của những thầy dạy giỏi, và sự “Khổ học” của những học trò chăm chỉ. Trong truyền thống chung đó có truyền thống khuyến học. Sự khuyến học không chỉ khuôn vào những lời khuyên “Ấu nhi học, tráng nhi hành” (bé chăm học để lớn mà làm). Hoặc lời phán xét có phần bất túc “Vạn ban giai hạ phẩm, duy hữu độc thư cao” (mọi thứ việc đều thấp, chỉ có đọc sách là cao). Sự khuyến học được biểu hiện bằng nhiều hình thức, với những đối tượng khác nhau, nhằm đích chung là cổ vũ, thúc đẩy “dạy tốt và học tốt”. Ngày nay, nước ta đang có một Hội Khuyến học rộng lớn. Hội được sự ủng hộ của toàn dân, bởi mọi người, mọi gia đình đều có con cháu đang học tập trong các nhà trường; bởi nhiều người đã ra làm việc nhưng vẫn còn ham học. Mục đích cuối cùng của khuyến học là tạo ra phong trào rộng lớn mang tính toàn dân, để dân trí ngày càng cao, nhân tài ngày càng nảy nở, đất nước ngày càng mạnh giàu. Và để thực hiện lời khuyên của Bác Hồ với các cháu học sinh: “Dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai cùng các cường quốc năm châu hay không, chính nhờ phần lớn ở công học tập của các cháu”.