Cứ sắp Tết là lòng lại nôn nao âm thầm
thương nhớ. Nhớ gì nhiều lúc cũng chả
rõ ràng, mỗi năm một điều gì đấy, mỗi
ngày lại bâng khuâng. Mà có những nỗi niềm
chẳng liên quan gì đến Tết cả, chỉ là ngày
tháng đi về vui có, buồn có, nuối tiếc, xa xăm,..
Nơi tuổi thơ tôi, là một vùng quê trù phú,
mỗi năm ba vụ cấy cày như trong câu thơ của
Tố Hữu: "Chiêm mùa cờ đỏ ven đê/Sớm hôm
tiếng trống đi về trong thôn”
TẾT VỀ THƯƠNG NHỚ
Phạm Hoài Ngọc
Cứ sắp Tết là lòng lại nôn nao âm thầm thương nhớ. Nhớ gì nhiều lúc cũng chả rõ ràng, mỗi năm một điều gì đấy, mỗi ngày lại bâng khuâng. Mà có những nỗi niềm chẳng liên quan gì đến Tết cả, chỉ là ngày tháng đi về vui có, buồn có, nuối tiếc, xa xăm,.. Nơi tuổi thơ tôi, là một vùng quê trù phú, mỗi năm ba vụ cấy cày như trong câu thơ của Tố Hữu: "Chiêm mùa cờ đỏ ven đê/Sớm hôm tiếng trống đi về trong thôn”. Nhà tôi ở một gian rưỡi mái lá, tường nhứng trát rơm quấn bùn thuộc khu tập thể bệnh viện Tiên Hưng trên địa bàn xã Lô Giang cạnh dòng sông Tiên Hưng, bên kia là xã Minh Tân trù phú. Hồi đó trong con mắt tuổi thơ tôi con sông rộng lắm, thuyền bè qua lại nhiều, nhiều hơn bây giờ, có lẽ bởi ngày đó phương tiện cơ giới đường bộ còn ít, tôi nhớ khi ô tô chạy qua chúng tôi còn ra xem như một sự kiện lạ. Những năm ấy, những chiếc bè gỗ, bè tre nứa từ thượng nguồn xuôi về, trên bờ người kéo, dưới bè người đẩy theo nhịp dô hò vất vả, cảnh tượng như một bức tranh sơn dầu kỳ vĩ và sinh động. Những chiếc thuyền buồm căng no gió thủy thủ an nhàn nghỉ ngơi, nhưng khi ngược nước sào cong như mảnh trăng liềm ẩn đầy nặng nhọc. Sau này khi đọc thơ của Chế Lan Viên thấy cảm giác “Chưa về Tuyên Hóa ăn măng trúc/Hãy đến sông Hồng ngắm nứa xuôi” ám ảnh và thân quen như nhà thơ viết về cảnh tượng quê mình. Ngày đó lũ trẻ chúng tôi chỉ học nửa ngày, nửa ngày tự do chơi bời, nói như bây giờ là lêu lổng cũng đúng, thế mà chả hư hỏng gì, có lẽ lúc đó thời chiến người ta dồn tâm dồn sức vào những việc lớn lao, con người trong nhân quần thân ái, gắn bó, tương trợ, cái xấu, cái ác không có chỗ dung thân nên con trẻ cũng chả sợ bị nhiễm xấu, nhiễm ác. Với tôi kỷ niệm về Tết xa nhất còn nhớ được là khoảng đôi, ba tháng trước tết bố tôi đã bắt đầu trồng những luống thược dược, luống cúc chờ hoa nở dịp xuân về. Tôi nhớ những cánh thược dược trắng bông nở như tổ ong muỗi, những đóa thược dược cánh sen khi có mưa trĩu nặng căng đầy sức sống. Năm thì cúc vàng, năm may mắn mua được giống từ Hà Nội lại là những khóm cúc đại đóa kiêu sa, hàm tiếu. Thế là đã náo nức đợi chờ, thế là đã tràn đầy không khí tết. Đến khoảng 29, 30 gì đó thêm một cành mơ, cành mận cắm vào chiếc lọ lục bình men rạn, một bức tranh ngũ quả treo lên thì coi như cái Tết tinh thần được cho là đủ đầy và ngầm thoảng tự hào, hãnh diện. Chả phải như bây giờ hoa Đà Lạt, hoa Tây, hoa Tàu tràn ngập, cây bưởi, cây cam bon sai, ngũ thế, quái thế lạ mắt nhà nhà đua nhau mua sắm. Sau này ở tuổi ngũ thập, Tết về nhớ Mẹ tôi viết: “Chợ hoa ngày Tết tôi đi Mua thương nhớ cõi xuân thì thuở xưa Cái ngày tôi tuổi còn thưa Cái ngày mẹ gội nắng mưa dãi dầu Nay tôi tóc cũng phai màu Mẹ thì đã hết sở cầu chân mây Cành sương mai trắng đong đầy Bâng khuâng nhớ dáng hao gầy thuở xưa!” (Bâng khuâng nhớ dáng hao gầy) Ngẫm lại với tôi kể cũng lạ, nghĩ về Tết, nhớ Tết lại vẩn vơ những chuyện xửa xưa, chuyện ngày thơ bé, lại nhớ về nếp nhà nhỏ, nhớ người Mẹ nhiều vất vả đã vội đi xa khi chúng tôi chớm tuổi trưởng thành. Với tôi Tết về, nhớ Mẹ nhiều hơn cũng bởi mẹ tôi ra đi vào những ngày cuối năm giáp Tết, cái Tết đầu tiên của đời nhà giáo, tưởng rằng sẽ được mừng tuổi Mẹ, ngờ đâu lại khóc mẹ về nơi góc biển chân trời: Dù chẳng được vẫn muốn cầu/ Bữa cơm dành chỗ biết đâu mẹ về. Mà cũng hẳn thôi, lòng người dường ai cũng thế, mỗi khi Tết đến Xuân về, việc công, việc tư xếp lại, thắp nén nhang thơm lòng rưng rưng xúc cảm nghĩ về những gian nan, vất vả, những người thân yêu không còn nữa mà ai hoài nhung nhớ, xót thương. Nhớ về xưa, nghĩ về sau vào lúc trên những cành khẳng khiu đã qua mùa mưa sa nắng lửa, mùa sương giá bão bùng đang nhú lên, thắp lên những mầm xanh hy vọng thì quy luật tự nhiên ấy cũng muốn vận vào lòng người, vận vào đời sống xã hội con người như lời tự nhủ, tự tin cho một năm mới sẽ nhiều hoa tươi quả ngọt. Năm Quý Mão đang tới, trong niềm thiêng liêng giao mùa của đất trời, lòng người bâng khuâng vời vợi, tôi lại muốn: “Thưa với Mẹ bây giờ con đã lớn/ Đã vợ, đã con như Mẹ vẫn mong chờ/Con vẫn sống theo nếp nhàMẹ đấy/Mẹ hãy yên lòng. Mẹ yêu quý của con!”