TÂY BẮC - BÙI VIỆT PHƯƠNG
Ngày: 01/07/2022
Núi như lộc mọc tràn theo điệu khắp Một mùa ban mải trắng dọc sông Đà Hay áo cóm trời dệt canh ngực noọng Giục anh tìm vào ở rể chiềng ta.

TÂY BẮC 

                                                                                BÙI VIỆT PHƯƠNG

Núi như lộc mọc tràn theo điệu khắp Một mùa ban mải trắng dọc sông Đà Hay áo cóm trời dệt canh ngực noọng Giục anh tìm vào ở rể chiềng ta. Bản em ở cheo leo chiều Àn Mạ Gió Lào khua khô khốc mõ trâu về Anh gánh trăng tưới lại mùa con gái Nghe tiếng mầm trong khe khẽ thịt da. Em trồng bông ở lưng chừng Khau Tú Dệt cho người thương áo mới vượt Pha Đin Đuổi giặc đi rồi anh về trong đám hỏi Em lạc trong áo cưới... đợi anh tìm. Lời bình: Cảm xúc thơ bắt đầu từ cảnh sắc thiên nhiên nguyên sơ hoang dã mà tươi đẹp rực rỡ đến mê hồn: Núi như lộc mọc tràn theo điệu khắp Một mùa ban mải trắng dọc sông Đà Để rồi sau đấy, cứ miên man tràn chảy, thấp thoáng qua bóng dáng con người, cuộc sống hết sức nhẹ nhàng, hết sức sinh động, tươi vui... Tây Bắc là cả một vùng mênh mông đồi núi. Cũng như bao vùng miền khác trên khắp đất nước ta, con người, cuộc sống nơi đây không thể không có những phẩm chất, đặc sắc riêng biệt. Không gian địa lý mênh mông đồi núi ấy sẽ góp phần tạo ra và nuôi dưỡng những phong tục tập quán, làm nên tâm hồn Tây Bắc, văn hóa Tây Bắc. Đó là cái nghĩ, cái nói rất cụ thể, rất lạ, rất hồn nhiên mà vô cùng tình tứ, khôn ngoan: Hay áo cóm trời dệt canh ngực noọng Giục anh tìm vào ở rể chiềng ta. Rồi tiếp nữa ở khổ cuối: Em trồng bông ở lưng chừng Khau Tú Dệt cho người thương áo mới vượt Pha Đin Tả cảnh mà không dừng lại với cảnh. Tình người, tình yêu chìm lặn, ký thác ở trong đó. Thơ lắng vào tâm tư sâu nặng và gợi mở về những năm tháng xa xăm nào đó, tức gợi về một khoảng thời gian đã qua, một quãng lịch sử rất đáng tự hào. Ta nhận thấy thế bởi địa danh Pha Đin đi liền mấy chữ "Đuổi giặc đi rồi" thì thời gian bài thơ không chỉ đóng khung trong hiện tại, không chỉ là mùa xuân trước mắt. Nó còn là một khoảng, một quãng khá xa đủ độ lùi, đủ bề dày để Tây Bắc có một Điện Biên lịch sử, một truyền thống lễ hội và những sinh hoạt, tập tục dân gian rộn rã vui tươi... Mà sao bốn chữ "Đuổi giặc đi rồi" nghe nhẹ nhõm, bình thản đến thế? Đó có phải là phẩm chất tạo ra tư thế của người Tây Bắc và rộng ra nữa của dân tộc ta, đất nước ta? Và đó cũng chính là tác giả với giọng thơ, tư duy thơ trực cảm vốn làm nên tạng thơ, kiểu thơ nhẹ nhàng, hiền lành trong thơ Bùi Việt Phương bấy lâu nay. Đọc đến đây, bất chợt nhớ đến ca khúc "Tình ca Tây Bắc" nổi tiếng của Bùi Hạnh Cẩn mấy chục năm về trước. Cả hai tác phẩm nghệ thuật này đều chan hòa, say đắm một thiên nhiên Tây Bắc khoáng đãng, rực rỡ sắc màu, một tình người Tây Bắc đằm thắm, trong sáng, tin yêu... Nhưng "Tình ca Tây Bắc" có chút dễ dãi nghiêng về ngợi ca, lãng mạn, lý tưởng... Còn bài thơ "Tây Bắc" chỉ miên man trong thực tại, thậm chí nghiêng về cởi mởi, phồn thực, sinh sôi... Anh gánh trăng tưới lại mùa con gái Nghe tiếng mầm trong khe khẽ thịt da. Một thời đại đã đi qua. Một quãng cách dài về cảm xúc nghệ thuật, về tư tưởng sáng tác. Bởi một cách cảm, cách nghĩ, cách nói gần gũi với tự nhiên như là chính tự nhiên nó thế, vốn thế... 

ĐẶNG VĂN TOÀN