TAM ĐẢO THỊ TRẤN MỜ SƯƠNG
Ngày: 01/07/2022
Kỉ niệm ùa về… Cách đây đã lâu lắm rồi những năm 1960, gia đình tôi lên khai hoang ở tỉnh Vĩnh Phúc. Bố mẹ tôi làm nhà định cư ở dưới chân núi Tam Đảo cách thị xã Vĩnh yên khoảng 9km, cạnh đường quốc lộ lên Tam Đảo

TAM ĐẢO THỊ TRẤN MỜ SƯƠNG

                                                                                             LÊ MẠNH HÙNG

Kỉ niệm ùa về… Cách đây đã lâu lắm rồi những năm 1960, gia đình tôi lên khai hoang ở tỉnh Vĩnh Phúc. Bố mẹ tôi làm nhà định cư ở dưới chân núi Tam Đảo cách thị xã Vĩnh yên khoảng 9km, cạnh đường quốc lộ lên Tam Đảo (lúc ấy, chỉ có 2 ngôi nhà của người khai hoang và vài ba ngôi nhà của dân địa phương). Đó là, xã Hợp Châu, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc khi xưa, và nay là thị trấn Hợp Châu, huyện lỵ của huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Cách đây 20 năm, anh em chúng tôi có dịp lên Tam Đảo tìm lại dấu vết xưa, đã gặp gỡ những người dân ở đây, ngắm lại nền móng của ngôi nhà xưa, tuổi thơ đã ở, và bây giờ nơi này đã đông đúc mái nhà mới so với năm 1960. Tôi bâng khuâng nghĩ về những kỉ niệm xa… Hồi ấy, cha tôi khai hoang vỡ đất, còn mẹ tôi tần tảo cứ sáng sớm quẩy gánh hàng hóa lên Tam Đảo bán hàng, chiều tối mới về… Ngày nào cũng thế, nghĩ lại thấy thương mẹ nhọc nhằn, sinh nhai, kiếm sống… Một thời vất vả vì chồng vì con. Còn hôm nay đoàn xe của Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình đang hướng về Tam Đảo. Tôi căng mắt tìm lại mảnh đất nơi có tuổi thơ ở đó, nhưng xã Hợp Châu khi xưa giờ đã đổi thành thị trấn Hợp Châu – huyện lỵ của huyện Tam Đảo. Một thị trấn trong thời kỳ đổi mới. Kỷ niệm xưa giờ chỉ còn là dấu tích, tôi bâng khuâng khó tả. Trong những ngày đi thực tế sáng tác… Các họa sĩ của Chi hội Mỹ thuật đã thật sự làm rung động trái tim tôi vì sự ngưỡng mộ tài năng, đam mê nghệ thuật. Nào là giá vé, nào bút mực… Trên vai trĩu nặng các dụng cụ hành nghề, các họa sĩ thuê phương tiện để xuống núi, chăm chỉ, miệt mài lao động… Tranh thủ từng giây phút đằm mình dưới nắng gió của đại ngàn, mồ hôi ướt đầm lưng áo để phác thảo lên những bức họa tuyệt vời… Về phong cảnh thiên nhiên của đất trời Tam Đảo. Đó là: "Hồ xạ Hương" – Một trong những điểm đến của các họa sĩ. Người ta ví "Hồ Xạ Hương" là một thiên đường xanh quyến rũ, mặt hồ trong xanh, phẳng lặng đẹp như một nàng tiên đang say giấc nồng… Những bức họa ấy đã khiến bao du khách ngẩn ngơ, tần ngần say đắm… Đang miên man rảo bước… Đâu đây hình dung ra tiếng của gió thượng ngàn, của thông reo, của ngàn lau vẫy gọi… Thì bỗng gặp các nghệ sĩ Nhiếp ảnh của Hội cũng đang cùng máy ảnh đuổi theo mây trắng trời bồng bềnh… Trên vai các nhiếp ảnh gia là ba lô, là máy ảnh… Chờ đợi những khoảnh khắc đẹp nhất để thu vào ống kính. Một sáng bình minh, một chiều hoàng hôn chìm trong sương mờ đỉnh núi, một áng mây bay, hay một dải sương mờ ảo, một ánh mắt xao xuyến của một cô sơn nữ… Lòng say mê lao động khiến các nghệ sĩ quên cả giờ giấc nghỉ ngơi… Theo chân các nhiếp ảnh gia để khám phá thêm về vẻ đẹp của con người và thiên nhiên quyến rũ nơi đây… Thiên nhiên Tam Đảo đẹp huyền ảo mộng mơ say đắm. Đêm buông thị trấn Tam Đảo, lung linh ánh đèn mờ ảo trong sương. Trái tim tôi lại hồi hộp nghe tiếng đàn, tiếng hát vút cao, say sưa trong trẻo… Trong các ca khúc mới của các nhạc sỹ trẻ các bạn đàn, các bạn hát say mê… Một bài thơ vừa viết, lời thơ ngọt ngào, ca từ về một cuộc hẹn hò nơi phố núi… Cứ vang lên thôi thúc lòng người. Đó là bài thơ: "Hẹn hò phố Núi" của một nữ nhạc sĩ trẻ duy nhất trong đoàn Thái Bình. Nữ nhạc sĩ ấy sáng tác thơ, phổ nhạc thơ của mình và tự trình bày ca khúc do mình sáng tác…. "Mênh mang, mênh mang bay giữa đất trời Tam Đảo", khiến du khách ngỡ ngàng, đắm chìm trong ca khúc "Hẹn hò phố Núi". Còn các nhạc sĩ trẻ là những thầy giáo, mỗi nhạc sĩ cũng có 2 đến 3 sáng tác mới. Những nốt nhạc mới, những ca khúc mới, những bản tình ca sẽ âm vang mãi… Đặc biệt khi cả một nhóm nhạc sĩ đã ưu ái phổ nhạc cho bài thơ tôi viết "Sương trắng miền Tam Đảo" và các nghệ sĩ đã hát với cả tấm lòng mình, với nét nhạc vui tươi, trong sáng, ngọt ngào, lãng mạn, đam mê đầy hứng khởi. Khi đã nói đến các bức họa, những tấm ảnh, những bản nhạc… mà không nói đến những áng thơ, áng văn thì thật là thiếu sót… Trong 18 văn nghệ sĩ dự trại sáng tác lần này thì có đến 7 hội viên là những tác giả sáng tác văn, thơ, truyện, ký… của Chi hội Văn học. Đây cũng là những cây bút giàu nội lực và niềm đam mê sáng tác. Các tác giả băng suối, lội đèo đi tìm cảm hứng sáng tác qua những chuyến cọ sát địa đạo: Thiền viện Tây Thiên; Đền bà Chúa Thượng Ngàn; Nhà thờ Đá Cổ; Cổng Trời; Cầu Mây; Thác Bạc; Hồ Xạ Hương; Quán Gió và vào thăm vườn Quốc gia Tam Đảo theo người kiểm lâm dẫn đường, chúng tôi vào sâu trong rừng bắt gặp những loài cây quý, những bông hoa ngọt ngào hương sắc… Cũng thấy dịu lòng. Hoặc gặp những cô gái Sán Dìu với những mặt hàng đặc sản Su Su, những cô gái chăm chỉ nướng ngô, nướng khoai chào khách, những ánh mắt lung linh cuốn hút… Khiến các nhà thơ không khỏi xao lòng… Và từ đó tác phẩm mới ra đời… 7 ngày ở trại sáng tác văn học nghệ thuật Tam Đảo thời gian trôi thật nhanh, những đam mê sáng tác văn học nghệ thuật, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, các nhà biên kịch truyền hình… Cũng đang ấp ủ những dự án sáng tác mới. Trong 7 ngày ấy, chia tay lòng đầy lưu luyến cảm phục, ngưỡng mộ và trân quý. 7 ngày thôi, 18 tác giả với 60 tác phẩm mới trình làng đó là thành quả của lao động và sáng tạo. Cuộc gặp gỡ giữa đất trời núi rừng Tam Đảo của các hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình đi trại sáng tác lần này, hội tụ một nguồn năng lượng dồi dào. Đó là ngọn lửa của đam mê lao động nghệ thuật, chính nguồn năng lượng ấy đã tạo nên sức mạnh, tình yêu, niềm tin và thành công. Ngọn lửa của đam mê đã tạo ra cảm xúc, thăng hoa, sáng tạo và tỏa sáng. Những tác phẩm gặt hái được là những viên đá quý vừa được khai thác là mồ hôi, là lao động nghệ thuật. Những viên đá quý còn thô ráp ấy cần được chăm chút mài gọt nhiều hơn nữa, để cho những viên đá đó sớm trở lên lung linh, tỏa sáng và đóng góp vào vườn hoa nghệ thuật của tỉnh nhà và đất nước. 

LÊ MẠNH HÙNG