Ông Tạ Hiển tên thường gọi là Tạ Hởn,
sinh năm 1899, tại làng Hải Nhuận, xã
Đông Quý, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái
Bình. Sau này khi tham gia hoạt động cách
mạng ông có nhiều bí danh: Đồi (Già Đồi),
Chính (Chính già); Cầu, Vinh
TẠ HỞN (HIỂN) NGƯỜI CHIẾN SĨ CỘNG SẢN KIÊN CƯỜNG
ĐẶNG HÙNG
Ông Tạ Hiển tên thường gọi là Tạ Hởn, sinh năm 1899, tại làng Hải Nhuận, xã Đông Quý, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Sau này khi tham gia hoạt động cách mạng ông có nhiều bí danh: Đồi (Già Đồi), Chính (Chính già); Cầu, Vinh… Thân phụ là cụ Tạ Độ, một nhà nho có tinh thần yêu nước, tích cực ủng hộ phong trào Đông Kinh nghĩa thục. Vốn có tính hiếu học và ảnh hưởng tư tưởng yêu nước của người cha; nên sau khi thi đỗ khóa sinh chữ Hán; chàng thanh niên Tạ Hởn đã theo học chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp, với mục đích để đọc được các sách báo, nâng cao khả năng hiểu biết xã hội. Khoảng năm 1927 - 1928 Tạ Hởn được các ông Vũ Trọng, Chu Lâm, quê Trình Phố - Tuyên truyền giác ngộ tư tưởng cách mạng của Việt Nam cách mạng đồng chí Hội. Năm 1928 ông được giao nhiệm vụ đi "Vô sản hóa" ở mỏ than Hà Lầm tỉnh Quảng Yên (nay là tỉnh Quảng Ninh). Trước khi đi Tạ Hởn đã bán một số ruộng của gia đình để có tiền cùng ba người bạn trong làng là "ông Bùi Huy, Ngô Thảo, Ngô Trường đi mỏ than Hà Lầm. Trong quá trình ở Hà Lầm ông Hởn vẫn bí mật liên lạc với phong trào cách mạng ở quê hương. Khi cuộc biểu tình của nông dân Tiền Hải ngày 14/10/1930 diễn ra, ông bí mật về quê với ý định cùng hợp tác với các đồng chí ở tại cơ sở đấu tranh chống giặc… Cuộc biểu tình bị giặc Pháp và tay sai đàn áp, ông quay trở lại mỏ than Hà Lầm; nhưng bị mật thám Pháp theo dõi và bắt ngay trên tàu thủy tại cảng Hải Phòng. Năm 1931 tòa đề hình ở Hà Nội do bọn thực dân Pháp và tay sai dựng ra đã tuyên án phạt ông Tạ Hởn 15 năm tù giam và lưu đầy ra Côn Đảo. Ông Mai Đắc Bân bạn tù cùng ông Tạ Hởn (Hiển) ở Côn Đảo, (sống ở số 6 Ngọc Hà – Hà Nội) đã cho ông Tạ Ngọc Khoan biết: Ở Côn Đảo, ngoài khám chính trên Côn Đảo còn có nhiều khám giam tù nhân ở các đảo khác; ông Bân và ông Hởn bị giam ở đảo Hòn Cau. Tại đây chúng giam các ông cùng với các đảng viên quốc dân Đảng như ông Trần Huy Liệu, ông Nguyễn Bình (tên thật là Nguyễn Phương Thảo - quê tỉnh Hưng Yên); trong số những chiến sĩ cách mạng bị giam ở đó có những người cùng quê Tiền Hải hoặc ở các huyện khác trong tỉnh như các ông: Bùi Sính, Ngô Duy Phớn và ông Nguyễn Danh Đới, Nguyễn Kim Cương. Cùng bị giam còn có ông Mai Đắc Bân, Phạm Văn Đồng, Lê Thanh Nghị. Trong tù các chiến sĩ cách mạng đã thành lập chi bộ Đảng và được các ông Nguyễn Danh Đới, Phạm Văn Đồng giảng dạy về chủ nghĩa Mác – Lê nin…. Đầu tháng 5 năm 1936, mặt trận nhân dân (còn gọi là mặt trận bình dân Pháp) dành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử; thực dân Pháp ở Đông Dương buộc phải trả tự do cho các tù chính trị phạm. Khoảng tháng 8 năm 1936, ông Hởn (Hiển) từ nhà tù Côn Đảo cùng 6 bạn tù quê ở Tiền Hải trở về địa phương. Theo sách "Là người cộng sản" - (Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Thái Bình năm 1978, trang 92): "ngồi trên tàu ông Ngô Duy Phớn đã nhóm họp 6 người, 22 VNTB 04(261) - 2022 TRAO ĐỔI - NGHIÊN CỨU - LÝ LUẬN cùng trao đổi phương pháp củng cố phong trào cách mạng ở huyện Tiền Hải, đồng thời phân công mỗi người một việc"…. Sau khi trở về quê ông Tạ Hởn đã nhanh chóng chắp mối liên lạc và xây dựng các cơ sở cách mạng địa phương. Sách "Là người cộng sản" viết: "Ở Hải Nhuận đầu năm 1937, đồng chí Tạ Hiển sau khi ra khỏi nhà tù đế quốc (1936), trở về địa phương bắt liên lạc với các đồng chí hoạt động cũ như Tạ Cân, Tạ Văn để khôi phục lại phong trào…" (Sđd- trang 264). Sách "Những sự kiện lịch sử của tỉnh Đảng bộ Thái Bình 1930 – 1945" (Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Thái Bình) - trang 92 có viết: Khoảng đầu tháng 9 năm 1936, các đồng chí triệu tập cuộc họp ở nhà đồng chí Chu Lâm (Trình Phố) gồm có Trần Đức Quảng, Vũ Trọng, Chu Lân, Ngô Duy Phớn, Tạ Ngọc Hởn (Chính Già) bàn nhiệm vụ khẩn cấp nhanh chóng tổ chức củng cố Đảng. Sách "Lịch sử Đảng bộ Tiền Hải"- (NXB Chính trị Quốc gia HN) - 1998 - trang 44) có đoạn viết: "… Đầu năm 1937 chi bộ đầu tiên huyện Tiền Hải được thành lập… cũng trong thời kỳ này đồng chí Ngô Duy Phớn đã liên lạc với đồng chí Tạ Hởn ở Hải Nhuận. Lúc này ở Tiền Hải có 6 đảng viên, thành lập ở 2 chi bộ ở Nam và Bắc"… Sau cuộc họp ở nhà ông Chu Lâm, ông Tạ Hởn đã nhanh chóng tuyên truyền giác ngộ cho một số người ở trong xã và tổng Tân Định để kết nạp vào Đảng và thành lập chi bộ Đảng. Nhà ông Hởn được chọn làm cơ sở hoạt động của chi bộ ngoài ra còn xây dựng một số cơ sở bí mật để khi cần thì di chuyển đến nơi khác, tránh sự dòm ngó của bọn mật thám Pháp. Ông Tạ Hởn cùng ông Lương Văn Đài (Quê Thịnh Quang – Kiến Xương) được giao nhiệm vụ đi móc nối và xây dựng cơ sở tổ chức Đảng ở các huyện Thái Ninh, Thụy Anh, Kiến Xương … Khoảng từ năm 1937 - 1941, xứ ủy Bắc Kỳ chuyển về hoạt động ở huyện Tiền Hải. Cơ sở của xứ ủy thường di chuyển ở một số nơi: như nhà ông Nhận, (thôn Hoàng Môn), nhà ông Bình Làng Rưỡng Trực, tổng Tân Cơ (nay là xã Nam Thắng -Tiền Hải), nhà bà Tịch, ông Khải (ở làng Thủ Chính) và làng Năng Tĩnh, nhà ông Đoán (làng Tiểu Hoàng)… Xứ ủy phân công ông Hởn phụ trách bộ phận in các tài liệu. Xưởng in đặt tại nhà ông Đoán; bộ phận in ấn có các ông Nguyễn Thành (quê xã Bình Minh), ông Vũ Nhai (Vĩnh Ninh), viết chữ trên tấm đá để in; ông Lương Quang Chất, phụ trách công tác cảnh giới bảo vệ nơi in. Ông Tạ Hởn còn tổ chức tuyên truyền cho bà Phan Thị Chấn (Hồng), mở lớp dạy chữ cho chị em phụ nữ để tuyên truyền tinh thần yêu nước, thành lập hội Ái hữu để hoạt động cách mạng. Ngày 27/9/1940 nhân dân Bắc Sơn nổi dậy khởi nghĩa; tiếp đến ngày 23/11/1940, Nam Kỳ khởi nghĩa. Hai sự kiện này đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần yêu nước của nhân dân cả nước, trong đó có nhân dân Thái Bình. Tháng 12/1940 Tỉnh ủy Thái Bình triệu tập đại hội đại biểu tỉnh lần thứ nhất. Hội nghị họp tại nhà bà Đước, thôn Kênh Son, huyện Kiến Xương từ ngày 22 - 23/12/1940. Ông Hoàng Quốc Việt thay mặt Trung ương và xứ ủy Bắc Kỳ tới dự Đại hội. Chi bộ Hải Nhuận đã cử ông Nguyễn Trung Khuyến và ông Tạ Hởn đi dự đại hội. Sách "Lịch sử Đảng bộ huyện Kiến Xương" (1927 -1954) - NXB Chính trị quốc gia Hà Nội" - tr.184-185 có viết: "…Tháng 12 năm 1940, Tỉnh ủy triệu tập Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất tại trại Kênh Son, có 35 đại biểu về dự. Đồng chí Hoàng Quốc Việt thay mặt Trung ương và xứ ủy Bắc Kỳ dự Đại hội… Các đại biểu thảo luận sôi nổi các chương trình của Đại hội và nhiệt liệt hưởng ứng Nam Kỳ khởi nghĩa. Cụ thể là phát triển lực lượng vũ trang, tổ chức nhiều cuộc biểu tình, tiến tới tổng biểu tình… Các đại biểu đều tán thành chủ trương khởi nghĩa; chỉ có đồng chí Tạ Hởn (Hiển) đại biểu Tiền Hải, quê ở Hải Nhuận là không tán thành vì cho rằng chúng ta chưa đủ điều kiện khách quan, chủ quan, lực lượng chưa đủ. Nhưng trong không khí phấn khởi sôi nổi đó không có ai chú ý đến ý kiến này. Sau này qua thực tế ý kiến của đồng chí Tạ Hởn phân tích tình hình là có cơ sở …" - (Sđd). Sau đại hội tỉnh đảng bộ họp ở làng Kênh Son, địch đánh hơi được nên đã vây ráp lùng sục, truy tìm các cán bộ cốt cán của Đảng tại tỉnh Thái Bình. Vì thế ban lãnh đạo Tỉnh ủy đã chuyển đến cơ sở mới tại làng Hú, xã Hòa Tiến (Hưng Hà - Thái Bình). Tại đây ông Tạ Hởn được phân công phụ trách công tác dân vận và kết hợp với xây dựng lực lượng bán võ trang. Sách "Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Hòa Tiến" (1930 - 2010) - NXBVHTT - 2014 viết: "… cuối năm 1940 sau cuộc biểu tình lớn ở Mả Bụt, xã Vũ Lăng, huyện Tiền Hải; địch tăng cường khủng bố trên địa bàn toàn tỉnh. Sau đại hội đại biểu Đảng bộ toàn tỉnh ngày 22/12/1940 tại làng Kênh Son, huyện Kiến Xương; đồng chí Bí thư Tỉnh ủy (Nguyễn Năng An) và đồng chí Già Đồi (Tạ Hởn) đã trực tiếp về xem xét và củng cố phong trào cách mạng ở Hưng Nhân…" (Sđd-tr.36). Căn cứ vào các tài liệu và hồi ký cách mạng "Nắng Hưng Yên" cho thấy vào khoảng thời gian cuối năm 1940, đầu năm 1941 đồng chí Tạ Hởn đã về xây dựng phong trào ở huyện Hưng Nhân (Hưng Hà). Cũng trong thời gian này, Già Đồi (Tạ Hởn) đã tuyên truyền giác ngộ tinh thần cách mạng cho đồng chí Nguyễn Thị Hưng (sau bà là vợ của Thiếu tướng Trần Tử Bình). "Năm 1942… trong cuộc họp tại nhà ông Quyên, đồng chí Già Đồi (Tạ Hởn) đã giao nhiệm vụ cụ thể cho 3 đồng chí: Trùy, Bảy, đồng chí Tiến lấy miếu Quán Son làm địa điểm tập trung, tuyên truyền đường lối cách mạng cho quần chúng. Vào tháng 3/1942 đồng chí Hưng đã diễn thuyết trước hơn 1000 quần chúng để tuyên truyền, củng cố phát triển các hội bán vũ trang (Sđd- tr.39). Do yêu cầu của công tác tổ chức và để thuận tiện cho việc chỉ đạo các địa phương, thời gian này xứ ủy Bắc Kỳ đã chỉ đạo chia thành nhiều Liên theo ký hiệu A, B, C… Khi đó Liên C được thành lập gồm các tỉnh: Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Hòa Bình. Xứ ủy Bắc Kỳ điều động ông Tạ Hởn về công tác phụ trách các huyện: Duy Tiên, Kim Bảng, Thanh Liêm (Hà Nam), Lương Sơn (Hòa Bình), Gia Viễn (Ninh Bình). Cơ sở chính của Liên C đóng tại nhà ông Lộc ở làng Cổ Viễn, huyện Bình Lục, Hà Nam. Khi ông đi công tác ở huyện Duy Tiên thì ở cơ sở tại gia đình ông Trần Quyết (sau này ông Quyết nguyên là thứ trưởng Bộ Công an). Theo ông Lương Văn Đài kể lại: Ông Tạ Hởn rất có kinh nghiệm trong công tác dân vận, luôn tìm mọi cơ hội để tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, vạch mặt tội ác của bọn giặc bán nước và cướp nước. Ông Tạ Hiển đã tuyên truyền thuyết phục được chánh tổng, lý trưởng của làng Cổ Viễn, vì thế giữ được an toàn lâu dài cho cơ sở Liên C hoạt động và ăn nghỉ tại đó mà kẻ địch không hề hay biết. Công tác ở Liên C một thời gian ông được Trung ương điều động đi phụ trách đội bảo vệ của Trung ương ở ATK tại làng Vạn Phúc, Hà Đông và có thời kỳ ở nhà bà Hai Vẽ tại làng Phú Gia - Hà Nội. Trong một lần đưa cán bộ của Trung ương đi công tác, khi trở về cơ sở thì ông bị mật thám Pháp đón lõng và bắt vì có người trong tổ chức đã phản bội chỉ điểm cho giặc. Bọn thực dân Pháp xét xử và kết án ông, chúng định đầy ra Côn Đảo, nhưng vì thời gian này xảy ra đại chiến thế giới lần thứ hai, quân đồng minh đã ném bom phá cầu Đò Nèn tại Hà Trung (Thanh Hóa), nên ông bị giam ở nhà tù Hỏa Lò - Hà Nội. Theo bà Nguyễn Thị Mỹ (làng Ngoại Đê) và bà Trần Thị Kim Chung (Thư Điền - Tây Giang) cùng bị giam với ông ở nhà tù Hỏa Lò kể lại: "Ông bị bắt đưa vào nhà tù, bọn coi ngục đã tra tấn ông rất dã man, nhưng ông cắn răng chịu đòn mà không hề khai báo các cơ sở hoạt động bí mật của ta. Bọn giặc dùng roi hoặc búa sắt đánh vào khắp người ông, nên người ông bị sưng phù, khi chúng đưa ông về buồng giam, bạn tù phải dùng dao rạch, xé quần áo bị máu thấm ra đã kết chặt với thân người, sau đó mới dùng nước lau cho ông và thay quần áo khác". Ngày 09/3/1945, Nhật đảo chính Pháp; chớp thời cơ Trung ương Đảng chỉ thị: Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta. Xứ ủy Bắc Kỳ và Thành ủy Hà Nội đã liên hệ bố trí một số tù chính trị ở nhà tù Hỏa Lò mau chóng tìm mọi cách để vượt ngục nhằm bổ sung lực lượng lãnh đạo phong trào cách mạng, tiến tới tổng khởi nghĩa. Ngày 10/3/1945 ông Trần Đăng Ninh và một số tù chính trị tìm cách trốn ra ngoài theo đường cống ngầm thoát nước ở Thành phố, trong số đó có ông Trần Tử Bình, ông Tạ Hởn. Ông Trần Tử Bình và ông Tạ Hởn được xứ ủy chỉ đạo ở lại Hà Nội để cùng xây dựng lực lượng vũ trang; chuẩn bị cho ngày tổng khởi nghĩa khi thời cơ chín muồi. Sau khi cách mạng tháng 8 năm 1945 thắng lợi. Cuối năm 1945 xứ ủy phân công ông về Thái Bình tham gia lãnh đạo tổng tuyển cử bầu đại biểu quốc hội ngày 06/01/1946. Theo lời kể của ông Trần Dương Hưu (nguyên cán bộ Viện Kiểm sát – quê ở Nam Đồng, xã Nam Thắng, Tiền Hải): Khi ông Tạ Hởn về theo dõi tình hình bầu cử ở thôn Nam Đồng ngày 06/1/1946; lúc đó một số đối tượng tìm mọi cách phá cuộc bầu cử; điển hình là tên Bình Ly (trước đi lính Pháp về) - tỏ thái độ quấy phá. Ông Tạ Hởn đã nghiêm khắc cảnh cáo nên tên Ly và đồng bọn đã không dám quậy phá nữa. Sau tổng tuyển cử, theo yêu cầu cần tăng cường cán bộ ở địa phương, ông đề nghị cấp trên cho được về công tác tại huyện Tiền Hải; Huyện ủy đã phân công ông trực tiếp làm trưởng ban trinh sát của huyện. Lúc đó ở huyện có một đội cảnh vệ làm nhiệm vụ bảo vệ cơ quan huyện và thị sát nắm tình hình ở các xã ven biển. Ông cùng anh em đi thị sát và có nhiều lần cùng cán bộ huyện đi xây dựng tổ chức Đảng và chính quyền ở các xã trong huyện. Theo lời kể của ông Nguyễn Văn (nguyên mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Thái Bình): Trong thời kỳ công tác tại huyện Tiền Hải ông Tạ Hởn được huyện ủy phân công mở lớp giảng dạy lý luận chủ nghĩa Mác – Lê nin và tổ chức kết nạp đảng viên mới. Lớp đảng viên mới năm 1946 là các ông: Nguyễn Ngọc Trìu, Phạm Ngọc Kinh (Tây Giang); ông Nguyễn Văn, ông Vũ Văn Hiệp…. Năm 1947 thực dân Pháp chiếm đóng Nam Định, chúng thường dùng ca nô, tàu chiến sang đánh chiếm một số xã ven sông của huyện Thư Trì. Tỉnh ủy đã điều ông về làm Bí thư huyện ủy huyện Thư Trì; tại đây ông cùng lãnh đạo Huyện củng cố, xây dựng lực lượng vũ trang ở các xã để sẵn sàng chống trả quân Pháp và tay sai khi chúng vượt sông tràn sang cướp phá. Cuối năm 1947 ông được điều động đi công tác ở Văn phòng Trung ương Đảng. Lúc đó Trung ương Đảng và Chính phủ đã rời lên Việt Bắc xây dựng căn cứ để chiến đấu lâu dài với giặc Pháp. Trung ương đã nhận thấy nhu cầu lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác rất cần thiết cho chiến khu Việt Bắc nên Trung ương đã quyết định thành lập một số trạm trung chuyển ở các địa phương thu mua lương thực, thực phẩm ở các tỉnh đồng bằng để chuyển lên chiến khu. Ông được điều động về phụ trách trạm thu mua ở Duy Tiên - Hà Nam. Ở đây một thời gian, đến cuối năm 1949 giặc Pháp chuẩn bị chiếm đóng Thái Bình, lúc đó ban lãnh đạo Tỉnh ủy Thái Bình đề nghị với Trung ương tăng cường cán bộ cho tỉnh; ông Hiển đã được Trung ương đồng ý điều động và tăng cường cho Tỉnh. ông được lãnh đạo tỉnh tăng cường cho huyện Tiền Hải. Năm 1950 thực dân Pháp tấn công Tiền Hải, chúng đóng đồn bốt, dựa vào lực lượng bọn phản động ở các nhà thờ công giáo chúng tiến hành lùng sục bắt bớ các cán bộ, bộ đội và du kích của ta. Đến giữa năm 1951 ông Hởn (Hiển) được Tỉnh ủy Thái Bình và khu Tả Ngạn cùng với các ông Nguyễn Công Phú (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình) và ông Đỗ Gia Phúc (Nguyên Chủ tịch mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thái Bình) - giao cho 3 ông xây dựng các ATK của tỉnh và khu Tả Ngạn để lãnh đạo của khu và của tỉnh đến đó làm việc được an toàn. Ngày 09/10/1951 giặc Pháp mở trận càn Mandurine (Trái Quýt) vào ba huyện Tiên Hưng - Duyên Hà - Hưng Nhân là vùng tự do của ta lúc đó. Thời gian này ông Hởn (Hiển) phải sống trong vòng vây của giặc. Để bảo vệ cán bộ, tổ chức đã bố trí làm tạm một cái lều nhỏ ở giữa cánh đồng để giấu ông. Vì phải sống nhiều ngày ở nơi trống trải, vắng vẻ, mưa gió, rét mướt, thiếu thốn cực khổ và tuổi lại cao cùng với hậu quả bị giặc hai lần bắt tù đầy tra tấn nên ông đã mắc bệnh nặng. Cấp trên đã cho chuyển ông vào Thanh Hóa để điều trị tại bệnh viện Liên khu 3 (khi đó đóng ở Thanh Hóa). Trong quá trình điều trị bệnh tại đây ông đã tham gia công tác ở trại giam của Liên khu 3. Do tuổi cao, bệnh nặng, ông đã trút hơi thở cuối cùng cuối năm 1953 tại một nhà dân ở thôn Đông Quang, xã Yên Hưng, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa (theo giấy báo tử của ông Mai Đắc Bân gửi về gia đình). Vì có công lao to lớn trong quá trình hoạt động cách mạng của ông nên cấp trên đã cử ông Bùi Kỷ lúc đó là chủ tịch mặt trận liên Việt quân khu 3 đến dự lễ truy điệu. Ông Tạ Hởn (Hiển) là một chiến sĩ cách mạng kiên trung, đầy khí phách anh hùng, luôn luôn vì sự nghiệp cao quý của Đảng, của dân tộc, tận trung với công việc và rất sáng tạo, kiên quyết, không khi nào chùn bước trước khó khăn nguy hiểm, khi được Đảng, Chính phủ giao nhiệm vụ. Năm 1946, gia đình ông đã được tặng một huy hiệu (đồng tiền vàng) để ghi nhận công lao trong quá trình hoạt động trước cách mạng tháng 8 năm 1945. - Tổng kết thành tích trong 9 năm chống thực dân Pháp đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương kháng chiến Hạng Nhì. Ngày 30/8/1965 gia đình ông đã được Thủ tướng chính phủ Phạm Văn Đồng tặng bằng "Có công với nước". Ngày 01/7/2003 Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trần Đức Lương đã truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì cho ông Tạ Hởn. Ngày 03/2/2004 Chi bộ Đảng và nhân dân thôn Hải Nhuận đã tổ chức lễ đặc biệt rước tấm Huân chương Độc lập từ Hội trường UBND xã Đông Quý mà Đảng và Nhà nước đã truy tặng cho ông Tạ Hởn về đình làng Hải Nhuận để làm lễ dâng hương tưởng niệm. Sau buổi lễ dâng hương tưởng niệm, ban lãnh đạo của làng và nhân dân cùng gia đình đã quyết định mang bát hương của ông vào thờ tại đình làng Hải Nhuận (tại hậu cung của đình) – (trước đó nơi đây đã có thờ Thần Hoàng và các vị Tiên công của làng); Để tỏ lòng ái mộ và tri ân ông, cũng là niềm tự hào của người dân trên mảnh đất làng Hải Nhuận nơi đã sản sinh ra một chiến sĩ cách mạng kiên trung, cống hiến cả cuộc đời vì sự nghiệp cao cả của Đảng, của dân tộc, góp phần đem lại nền độc lập tự do cho Tổ quốc.