NỖI NHỚ CÁT BÀ
Ngày: 17/01/2023
Tôi đã nhiều lần ra đảo Cát Bà, và mỗi lần, tôi thấy huyện đảo xinh đẹp này dường như vừa khoác lên mình một tấm áo mới. Chợ Cát Bà vẫn như xưa: trên là trời, dưới là đồ hải sản tươi sống. Hàng được bày bán từng dãy. Có những cửa hàng bề thế, với la liệt những bể xi măng, những thùng, chậu tôn to chứa đầy cá, tôm cua tươi sống; lại có cả những người bán nhỏ lẻ, cá tôm được bày tạm bợ trên chiếc mẹt, mảnh ni lông, chiếc chậu nhựa cũ mèm... Người dân đảo rất hi

NỖI NHỚ CÁT BÀ

                                                                                Nguyễn Đức Viên

Tôi đã nhiều lần ra đảo Cát Bà, và mỗi lần, tôi thấy huyện đảo xinh đẹp này dường như vừa khoác lên mình một tấm áo mới. Chợ Cát Bà vẫn như xưa: trên là trời, dưới là đồ hải sản tươi sống. Hàng được bày bán từng dãy. Có những cửa hàng bề thế, với la liệt những bể xi măng, những thùng, chậu tôn to chứa đầy cá, tôm cua tươi sống; lại có cả những người bán nhỏ lẻ, cá tôm được bày tạm bợ trên chiếc mẹt, mảnh ni lông, chiếc chậu nhựa cũ mèm... Người dân đảo rất hiếu khách. Họ đon đả mời chào. Họ hồ hởi giới thiệu cho mình hết những đồ này đến thức khác. Mùi hải sản mặn mòi, ngài ngái của biển cả, đã làm tôi vui vui, say say... Đang lơ ngơ ở dãy hàng khô, bỗng có tiếng gọi giật giọng của một phụ nữ: - Anh Đức Viên! Ôi! Sao ở một xứ sở xa lạ này, lại có ai biết đến tên mình mà réo đây! Một thiếu phụ da ngăm đen, đôi mắt lấp lánh. Sau mấy giây ngỡ ngàng, tôi nhận ra em qua nét cười thật duyên với chiếc răng khểnh quen thân. A! Hà phải không em! Hà đây chứ ai! Em hơi cúi mặt, giấu đi niềm cảm xúc. Thế là đã hai mươi tám năm, tận đến giờ phút này, tôi lại được nắm tay em - người bạn đồng nghiệp một thuở mà tôi từng mến yêu. Cuộc gặp gỡ đột ngột, khiến cả hai đều xúc động. Chúng tôi nói với nhau những câu chuyện không đầu, không cuối. Có những khi, câu chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng, bởi có khách mua hàng. Nhìn cách thức bán hàng rất thành thạo của em, tôi không khỏi ngạc nhiên, bởi hơn hai mươi năm trước, em vốn là một cô giáo Anh ngữ xinh đẹp, là niềm mơ ước của bao chàng trai hào hoa thời ấy. Nhưng vì duyên cớ gì, em lại trở thành người dân ở xứ đảo này! Không để tôi phải chờ lâu, Hà nhờ chị hàng bên bán hộ. Nàng rửa chân tay và chúng tôi rời khỏi khu chợ đông đúc, tanh nồng cá tôm, kiếm một tảng đá bên bờ biển. Hai đứa ngồi bên nhau như thể thời gian cách đây gần ba mươi năm mới chỉ là... hôm qua! Biển hôm nay lặng gió, nước biển dường như trong veo và xanh hơn - nó trong như tình bạn của chúng tôi! Vài cánh hải âu chấp chới gợi tâm trạng buồn. Nhưng lòng tôi buồn hơn, khi nghe Hà kể chuyện đời em: - Mẹ em mất rồi anh ạ! Thế là đã năm năm! Trước khi ra đi hai ngày, mẹ có nhắc tên anh. Mẹ còn nhớ buổi chiều năm ấy, anh nấu canh bánh đa Quỳnh Côi mời mẹ. Anh biết không, cái buổi chiều định mệnh đó, tự nhiên mẹ thèm ăn canh bánh đa. Em tìm bằng được loại bánh đó, nấu một lưng với cua, mẹ ăn ngon lành và vài tiếng sau, mẹ ra đi, nhẹ nhàng như người ta ngủ. Không gian như chùng xuống. Buồn! Ngoài kia, trên sóng, con hải âu lẻ bạn đang cố vươn đôi cánh lao đi để đuổi kịp đàn. Tôi trần tình: - Anh cũng rất nhớ mẹ, nhớ em, nhưng... - Vâng, anh à... cuộc đời nay đã khác nhiều rồi. Với chất giọng buồn buồn, em kể: Năm 1998, tốt nghiệp đại học ngoại ngữ Hà Nội, về quê xin việc. Em đã gõ cửa khắp mọi nơi. Em tới đâu, đều được trả lời bằng một câu: "hết biên chế". Em đành phải dạy hợp đồng và đợi đến lượt, như anh biết đấy. Nhưng nhà đã nghèo, lại không có lương, em không trụ nổi, em đành liều, bỏ việc ra cát bà làm phiên dịch cho một hãng lữ hành. Thân gái dặm trường, nên em nhắm mắt, tìm một chốn nương tựa, chứ có kịp yêu đâu! Chồng của em là một người dân bản địa. Lạy giời! Anh ấy hiền lành, tốt bụng và rất thương em. Là ngư dân trên một tàu đánh cá giã đôi, anh đi quanh năm suốt tháng. Và chúng em đã có một cậu con trai được 6 tuổi. Một buổi đi biển, gặp biến, bố của con em không bao giờ về nữa... Nói đến đây, Hà gục đầu xuống, toàn thân run rẩy, đổ sụp. Tôi vội vàng đỡ em vào lòng, tim tôi như có bàn tay nào đang bóp mạnh và dường như nó đang rỉ máu... Năm tháng qua đi, Hà thay đổi theo sự gian truân của cuộc bể dâu. Suối tóc dài, thẳng nhưng nhức như mun, đã bị nước và gió biển và những nỗi đau thương làm cho xơ cứng. Ánh mắt đen tròn lóng lánh ngày xưa phảng phất một nỗi u buồn... - Bây giờ em gắn bó với nghề buôn bán cá tôm nhỏ lẻ như tất cả chị em ở đây để đắp đổi quá ngày... - Thu nhập có ổn không em? - Khi nọ, khi kia anh à! Em hy vọng đời con em, nó sẽ bớt cực hơn... Chiều muộn, gió biển đã mạnh hơn. Mặt biển từ màu lam, chuyển dần sang màu tím ngát. Vài con hải âu vừa bay vừa cất tiếng kêu tạm biệt đất liền, trở về phía đảo xa... Chúng tôi bịn rịn tạm biệt nhau và không quên hẹn ngày gặp lại nhau ở Đảo Lòng Châu ngày mai. Sáng ngày 28/7/2022, đúng bảy giờ kém hai mươi, chúng tôi có mặt tại cầu tầu cao tốc “Bãi Cát Bèo”. Con tàu màu trắng của Ban quản lý rừng Quốc gia Cát Bà thực hiện chuyến đi thú vị này đang chờ đón chúng tôi. Chuyến đi hôm nay, đoàn chúng tôi có hai mươi người tham gia, gồm: năm kỹ sư thủy sản, năm thợ lặn chuyên nghiệp và năm người là chuyên gia Thủy sản Nha Trang. Họ thực hiện khám phá các loại san hô của biển Cát Bà. Riêng nhóm chúng tôi năm người, do Trung tá đồn phó nghiệp vụ Nguyễn ngọc Ban làm trưởng nhóm; đồng chí Lê Quang Tặng nguyên đồn trưởng đồn Biên Phòng Cát Bà; Đồng chí Lê Quang Vinh thiếu tá nguyên đội trưởng đội Trinh Sát đồn 48 Cửa Lân làm phó đoàn, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Trọng Đức và tôi. Tôi đang nhớn nhác tìm Hà. Kia rồi! Cô gái vận đồ bà ba đen, tươi giòn duyên dáng, chính là Hà. Cô vui vẻ trao cho tôi một gói muối, xin lộc từ đền thánh, để chúng tôi thả xuống biển cầu xin sự may mắn, an lành cho chuyến đi. Cầm gói muối từ tay người bạn cũ xứ đảo, lòng tôi rưng rưng xúc động, mãi lâu sau tôi mới nói lời cảm ơn. Chưa kịp hẹn thì bóng nón trắng của em đã khuất vào một nhóm các bà, các cô - những người đàn bà lam lũ, mặn mòi tốt bụng. Đúng bảy giờ, chiếc xuồng hai mươi chỗ, tốc độ cao, rời bến. Chúng tôi lần lượt xuống tàu, mỗi người được sử dụng một áo phao cứu trợ. Tàu nổ máy, rẽ sóng ra khơi, với tốc độ hơn hai mươi sức ngựa, chúng tôi ai cũng phấn chấn. Kẻ đọc thơ, người dương máy ảnh. Và tôi, không hiểu sao tôi lại cứ nhìn ra  khoảng không của đại dương mênh mông và nhớ đến đôi vài run rẩy của Hà... Tàu đưa chúng tôi đến cửa eo giữa hai vách đảo, tôi đã nói với bác thuyền trưởng dừng tàu để lên mũi, thả muối và cầu nguyện. Nắng bắt đầu sáng lóa. Con tàu như một con mãnh thú, chồm đè lên sóng, nó muốn khoe với đại dương về sức mạnh cường tráng của nó. Trước mắt chúng tôi, những chấm màu xanh đậm nổi bồng bềnh trên mặt biển. - Long châu đây rồi! Long Châu là quần đảo gồm trên dưới ba mươi hòn đảo, nằm rải rác tựa hồ như được một bàn tay phóng khoáng của một vị thần khổng lồ thích đùa nghịch, vào một ngày đẹp trời, ngài cầm nắm đất đá quăng loạn xạ trên mặt biển, tạo ra một quần thể đảo xinh đẹp, lộng lẫy như chốn bồng lai. Đảo to nhất với diện tích hơn một kilômét vuông, với vẻ đẹp hoành tráng được tạo nên bởi những triền núi đá tai mèo trơ xám, tựa hồ như chất thổ nơi thung lũng đá Hà Giang. Ở đây, có cái khó là nước ngọt quý hiếm như vàng trắng. Về mùa mưa, người dân đảo tìm đủ cách tích nước trời. Mùa khô, đợi thuyền của dân qua vượt dốc dài thăm thẳm, trườn qua núi, xuống mua từng can. Bởi thế, nước trên đảo Long Châu được sử dụng triệt để qua nhiều chức năng: tắm rửa xong, giữ lại tưới cây. Nước khan như vậy, nên cây cỏ ở đây cũng có sức sống dẻo dai và chất lượng kỳ lạ. Có lẽ do vậy mà cây thuốc ở đây được liệt loại quý hiếm vào bậc nhất cả nước. Sự độc đáo của Long Châu còn phải kể đến vài ba thứ nữa là rắn độc và sấm sét. Ở Long Châu có rất nhiều loại rắn độc. Trong số đó, nổi danh nhất là rắn lục nâu, lục xanh. Còn nhớ, lần ra đảo thứ nhất, đoàn nhà báo chúng tôi ngủ lại đêm. Anh em trên đảo rất lo lắng và liên tục dặn: đêm xuống, dù vội đến đâu cũng nên soi đèn để tránh rắn. Chuyện kể rằng: bác Vũ Văn Lợi, công nhân trông đèn đã gần vào tuổi “lục thập”, ba mươi năm trước bị rắn cắn, may kịp sơ cứu, rồi đưa vào bệnh viện trong bờ chữa chạy, hàng năm mới qua khỏi hiểm nguy. Sét Long Châu thì khỏi phải nói. Nó nổi tiếng nguy hiểm, có lẽ được xếp vào hàng “thượng hạng" trên thế giới. Trong cơn mưa bão, trời Long Châu mịt mùng, liên tục bị xé nát bằng những vệt sét liên hồi kỳ trận. Người trên đảo hai tay bịt chặt tai mà vẫn không khỏi ính tai, nhức buốt vì những chuỗi sét kinh hoàng giã xuống như bom tấn. Ti-vi rút khỏi ổ cắm vẫn không tránh khỏi sét đánh đen thui qua cảm ứng. Như bù lại sự thiệt thòi về đận khan hiếm nước ngọt và nhiều rắn độc... thiên nhiên đã bù lại cho Long Châu món đặc sản tuyệt chiêu, đó là thịt dê rừng. Đó trên triền đá hiểm trở, mọc toàn cây thuốc, nên giống sơn dương nơi này được ăn lá thuốc, chúng cực khỏe và đẹp. Người đi săn kể lại: khi chúng bị đạn săn bắn thủng bụng, vẫn lao vun vút trên những triền đá lởm chởm như chổng ngược, ngoạn mục như... phim hoạt hình. Độ ngọt, thơm, béo ngậy... của thịt dê núi, ai đã thưởng thức một lần thì nhớ suốt đời. Đảo Long Châu đã có từ hàng ngàn năm, nhưng hòn đảo này bắt đầu quen thuộc với người đất liền khi người Pháp xây nên ngọn hải đăng, mà dân đi biển quá yêu gọi là “mắt ngọc Long Châu”. Tên tiếng Pháp để gọi hòn đảo tuyệt đẹp này là Archipen des Fai Tsi long hay Griffes du Đragon. Hải đăng Long Châu cùng với hải đăng Hòn Dấu, đã được người dân đi biển nơi đây nhớ vào quy luật đèn sáng “Long Châu nháy một Hòn Dấu nháy hai” đấy là khi đèn biển Long Châu nháy một lần thì phía trong bờ ngọn đèn biển. Hòn Dấu đáp lại nơi xa hai lần cùng với hải đăng Kê Gà là ba ngọn hải đăng cổ nhất Việt Nam ta đến nay đều trên một trăm tuổi. Hơn mười một thập kỷ qua, đèn biển Long Châu vẫn ngạo nghễ trên mặt biển Đông, soi đường cho hàng vạn con tàu, thuyền hàng thế kỉ nay ra vào biển vịnh Bắc Bộ, bất chấp mọi sự khắc nghiệt của thiên nhiên, sừng sững vượt qua sự mài mòn của thời gian, đằng đẵng “bỏ qua” hàng nghìn trận bão, hơn ba trăm trận đánh phá của không lực Mỹ với hàng vạn tấn bom đạn trút xuống, để trở thành một trong những biểu tượng của ý chí tồn tại của xứ Việt này. Trạm trưởng Trạm đèn dân sự, thuộc ngạch hàng hải là Nguyễn Mạnh Hùng dẫn chúng tôi ra thăm mộ liệt sĩ Cao Quang Viên, công nhân đèn đã anh dũng hy sinh trong trận đánh bom của Mỹ vào năm 1967. Rồi anh dẫn chúng tôi lên nhà đèn theo cầu thang xoáy trôn ốc có tới gần hai trăm bậc. Với vẻ thành thạo và am hiểu nghề, Hùng cho chúng tôi biết: Đèn biển Long Châu bây giờ thuộc loại đèn PRV hai bốn hoạt động được bằng pin mặt trời do nước Anh sản xuất. Gọn nhẹ hơn so với đèn của Pháp, nhưng cái bệ người Pháp xây vẫn còn tồn tại, vì người ta muốn tạo so sánh cho sự tiến bộ kỹ thuật, của nhân loại và cũng là chứng tích của một thời. Cũng như vết tường đá phía Đông nhà đèn bị rốc két Mỹ bắn, vẫn để nguyên xem như “vết đạn thành cửa Bắc”, tại nhà đèn Long Châu. Với tôi, hôm nay, ngoài sự quan tâm rất chu đáo của các chiến sĩ quân hàm xanh đồn Biên phòng Cát Bà, tôi còn thấy được sự ân cần của em Hà khi em trao cho tôi một gói muối biển là vững lòng khi ra nơi đảo xa nắng gió này. Chia tay cán bộ chiến sĩ trạm kiểm soát bộ đội biên phòng và các cán bộ nhân viên trạm đèn biển Long Châu, chúng tôi thật sự xúc động về những việc làm của các anh trên đảo đá tai mèo này.