NIỀM VINH HẠNH CỦA NGƯỜI CẦM BÚT
Ngày: 25/12/2023
Tôi là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Bình từ năm 1990, Niềm vinh hạnh lớn nhất của tôi là đã được tặng kỷ niệm chương văn học nghệ thuật Việt Nam và giải thưởng mang tên Nhà bác học Lê Quý Đôn. Trên 30 năm sinh hoạt trong chi hội văn học, tôi đã sáng tác được hàng trăm tác phẩm thơ, văn và đã xuất bản được 12 đầu sách.

NIỀM VINH HẠNH CỦA NGƯỜI CẦM BÚT

                                                                                                     CAO BÁ KHOÁT

Tôi là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Bình từ năm 1990, Niềm vinh hạnh lớn nhất của tôi là đã được tặng kỷ niệm chương văn học nghệ thuật Việt Nam và giải thưởng mang tên Nhà bác học Lê Quý Đôn. Trên 30 năm sinh hoạt trong chi hội văn học, tôi đã sáng tác được hàng trăm tác phẩm thơ, văn và đã xuất bản được 12 đầu sách. Những đầu sách được soạn thảo công phu, dày công biên tập, làm thủ tục để xin các nhà xuất bản cấp giấy phép in ấn, đã được bạn đọc niềm nở đón nhận. Một số đầu sách như: “Đẹp mãi những con người”, “Hồng Ngọc”, “Địa Linh”, “Hương sắc ngàn hoa” đã được trao nhiều giải thưởng… Đặc biệt là đã ba lần tôi được Ban Tuyên giáo Trung Ương và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình trao giải thưởng cho các tác phẩm xuất sắc viết về đề tài “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Ba lần đó là những dấu ấn ghi nhận công lao sáng tác và niềm vinh hạnh của người cầm bút. Vào năm 2005: Khi tôi đang là phóng viên của Đài Phát thanh Vũ Thư, hưởng ứng cuộc vận động viết gương “Người tốt việc tốt”, chào mừng Đại hội thi đua Toàn quốc, do Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức. Tôi viết tác phẩm “Nghệ nhân Trần Văn Sen” gửi dự thi. Ban tổ chức cuộc thi đã trao giải Nhất cho tôi về tác phẩm đó. Hôm lên Hà Nội nhận giải Nhất cuộc thi, lòng tôi cứ lâng lâng một niềm vui khó tả. Cùng thời điểm đó, tôi lại được nhận giải Nhì của cuộc thi “Cựu chiến binh Việt Nam vâng lời Bác dạy”, cuộc thi do đài Tiếng nói Việt Nam và Trung ương Hội cựu Chiến binh Việt Nam phối hợp tổ chức. Giải Nhì cho tác giả Cao Bá Khoát, với tác phẩm “Khát vọng của cựu chiến binh - bác sỹ Phạm Nhất Định”. Đó là niềm vinh hạnh thứ nhất. Mười năm sau: Hưởng ứng cuộc vận động “Sáng tác và quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật và báo chí về chủ đề: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” tôi xuất bản cuốn sách “Hồng Ngọc”. Sách do nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép in 1000 cuốn. Ngay sau khi nộp tác phẩm dự thi, tôi nhận được tin vui: “Hồng Ngọc" là tác phẩm văn học nghệ thuật duy nhất của Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình tặng Bằng khen, cùng ba tác phẩm báo chí của các phóng viên Đài Phát thanh Truyền hình Thái Bình. Được anh chị em đồng nghiệp động viên, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hằng, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh khuyến khích: "Bác là người có nhiều tư liệu về Bác Hồ và những tấm gương học tập, noi theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, bác nên cố gắng tham gia cuộc thi này”. Được nhiều người cổ vũ, tôi tiếp tục xuất bản cuốn truyện kí “Hương sắc ngàn hoa”, sách dày 370 trang, gồm 22 tấm gương tiêu biểu. Cả 22 truyện đều được bạn đọc đánh giá chất lượng cao. Tỉnh ủy Thái Bình nhất trí chọn cuốn “Hương sắc ngàn hoa” của tác giả Cao Bá Khoát, hội viên chi hội Văn học, Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình tham gia cuộc thi sáng tác, quảng bá các tác phẩm báo chí, văn học nghệ thuật viết về đề tài “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Ban Tuyên giáo Trung ương phát động. Được biết cuộc thi có rất nhiều tác giả tham gia, toàn là những cây bút nổi tiếng trong cả nước như nhà báo Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng lí luận phê bình Trung ương với tuyệt tác “Nợ nước non”, NSND Nguyễn Thanh Vân (Hãng phim truyện Việt Nam) với tác phẩm phim truyện điện ảnh “Bình Minh đỏ”, nhà văn Trịnh Quang Phú, (Hội nhà văn Việt Nam, kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu…. Mười ba hội đồng sơ khảo chuyên ngành Báo chí, Điện ảnh, Kiến trúc, Múa, Mỹ thuật, Âm nhạc, Nhiếp ảnh, Sân khấu, Văn học, Văn nghệ Dân gian, nghệ thuật của các dân tộc thiểu số và chuyên ngành xuất bản của Trung ương đã nhận được 1292 tác phẩm, 48 hồ sơ thành tích quảng bá của các tập thể cá nhân. Trong đó có 279 tác phẩm báo chí, 163 tác phẩm văn học, 135 tác phẩm văn nghệ dân gian, 110 tác phẩm Mỹ thuật, 115 tác phẩm và ấn phẩm chuyên ngành xuất bản. Các hội đồng giám khảo đã chọn 238 công trình, tác phẩm vào vòng chung khảo. Hội đồng chung khảo đã nhất trí cao trao một giải đặc biệt cho nhóm tác giả chuyên ngành Mỹ thuật với tác phẩm bức tranh tròn Panorama, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (chất liệu Acrylic) của công ty TNHH bảo tồn di sản văn hóa Thành phố Hà Nội. Mười một giải A, 55 giải B, 89 giải C và 82 giải Khuyến khích. Rất vui là Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình đã có tác phẩm “Bác luôn quan tâm đến thiếu niên nhi đồng vùng cao biên giới” của họa sỹ Đỗ Như Điềm (chuyên ngành Mỹ thuật) đoạt giải C, 5 giải Khuyến khích được trao cho các tác phẩm: Tập truyện kí chân dung “Hương sắc ngàn hoa” của tác giả Cao Bá Khoát (chi hội văn học), Phim tư liệu “Học và làm theo Bác ở trường THPT Đông Hưng Hà” của nhóm tác giả Vũ Hà - Đào Cường - Tố Quyên (đài PTTH Thái Bình), Tranh cổ động: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” của họa sỹ Cao Tuấn Việt, tranh lụa “Tình quân dân” của họa sỹ Trần Thị Thanh Hòa và bức tranh ghép gốm “Chân dung huyền thoại Chủ tịch Hồ Chí Minh” của tác giả Hoàng Công Tản (chuyên ngành Mỹ thuật) Vinh dự cho cá nhân tôi cũng là niềm vui chung của những người làm văn học nghệ thuật ở quê lúa Thái Bình đã có tên trong danh sách được nhận giải thưởng sáng tác quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2023”. Càng vui hơn là bản thân tôi một người cầm bút ở tỉnh lẻ đã ba lần được nhận giải thưởng do Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình trao tặng. Nhân lễ kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình, Tỉnh ủy tổ chức Lễ kỷ niệm trọng thể và trao giải thưởng cho các tập thể, cá nhân được nhận giải. Buổi Lễ long trọng và nghiêm trang, có đại diện của trung ương, lãnh đạo tỉnh và hàng nghìn đại biểu các ngành, lãnh đạo các huyện và một số xã có thành tích cao trong đợt thi đua do tỉnh phát động. Tôi cùng các nhà báo của đài phát thanh truyền hình tỉnh và các họa sỹ Đỗ Như Điềm, Hoàng Công Tản, Cao Tuấn Việt, Trần Thị Thanh Hòa bước ra sân khấu nhận giải. Sau khi nhận bằng chứng nhận do đồng chí Phó Ban Tuyên giáo Trung ương và bó hoa tươi thắm do đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy tặng, bước về chỗ ngồi, tôi nhận được khá nhiều tin nhắn chúc mừng. Điều đó chứng tỏ buổi truyền hình trực tiếp lễ Kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình và lễ trao giải được các đảng bộ, chi bộ bố trí cho đảng viên cơ sở theo dõi rất sát. Chương trình truyền hình trực tiếp đã thành công tốt đẹp, ngoài ra tôi còn được nhận rất nhiều giải thưởng từ các cuộc thi "Tìm hiểu lịch sử Đảng bộ Thái Bình, Đảng bộ Vũ Thư, Bác Hồ với Thái Bình, Đất và Người Thái Bình" cùng các cuộc thi do Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình phối hợp với các ngành, các doanh nghiệp tổ chức. Từ thành công và vinh dự, tôi sẽ tiếp tục sáng tác về chủ đề: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.