NHƯ LÀ CỔ TÍCH
Ngày: 22/04/2024
Chợt vọng tiếng gà eo óc gáy xa xa. Phụng dụi mắt ngước nhìn đồng hồ treo tường. Mới hơn ba giờ sáng. Giây lát lưỡng lự Phụng ngồi lên mở cửa sổ phía vườn. Gió ào vào. Ánh trăng ào vào. Đêm thật “ngon lành”.

NHƯ LÀ CỔ TÍCH

                                                                                 Truyện ngắn TRẦN VĂN THƯỚC

Chợt vọng tiếng gà eo óc gáy xa xa. Phụng dụi mắt ngước nhìn đồng hồ treo tường. Mới hơn ba giờ sáng. Giây lát lưỡng lự Phụng ngồi lên mở cửa sổ phía vườn. Gió ào vào. Ánh trăng ào vào. Đêm thật “ngon lành”. Gió chính nam từng cơn nhè nhẹ như dỗ, như ru. Ánh trăng như soi, ngồi trong nhà nhìn rõ vạt rau cải cúc xanh mướt tít cuối vườn. Phụng mỉm cười với ý nghĩ vui vui. Nhà đài có gì sai sai. Trăng thế kia. Gió thế kia... Thế mà bản tin buổi chiều “dám” thông báo đêm nay trời trở gió, mưa rào, đề phòng giông lốc. Phụng bám tay vào song cửa hít một hơi đầy trăng gió rồi nằm lại. Cảm giác bứt rứt khiến anh thao thức càng cộm rộm thêm. Đếm dỗ mình đến số hàng nghìn vẫn không sao ngủ tiếp được, Phụng vùng dậy đi ra ngoài. Xuống sân được mấy bước Phụng sững lại, ngỡ ngàng. Hai cánh cổng mở toang. Ai mở cổng từ lúc nào? Vào có việc gì mà không đánh tiếng? Phụng rảo bước ra cổng. Tiếng kêu ứ nghẹn trong cổ họng. Bên cạnh cột cổng có chiếc nôi mây đậy tấm chăn xanh mỏng vén hở một góc. Định thần lại, Phụng ngồi xuống vén gọn tấm chăn. Trong lòng nôi là đứa bé trai đang ngủ. Nhờ ánh trăng Phụng nhận ra đứa bé này đã từng choàng tay ôm cổ, dụi môi vào vai, vào má anh. Phụng vội vàng bưng chiếc nôi vào trong nhà, bế đứa bé đặt lên giường. Anh định đánh thức nó nhưng lại thôi. Phụng ngồi dựa thành giường canh giấc cho đứa bé. Anh dần hồi tâm nhớ lại những sự việc liên quan đến đứa bé. Mấy hôm trước có cô gái đến chợ làng bán quần áo. Cùng với thùng hàng là chiếc nôi mây đặt đứa bé trai chừng ba tuổi. Ông quản chợ xếp cho mẹ con cô chỗ ngồi cạnh gốc cây gạo cửa chính. Cô gái duyên dáng, hàng nhiều mẫu đẹp. Đứa bé kháu khỉnh, hiếu động. Ba hôm trước Phụng vào chợ mua hạt rau giống. Trở ra, Phụng rẽ sang chỗ cây gạo mua chiếc khăn tắm. Đứa bé đang thổi bóng bay chạy ra dúi vào tay Phụng quả bóng đang thổi dở: “Thổi to cho cháu với”. Phụng thổi căng thêm quả bóng đứa bé đưa cho. Đứa bé chạy vào chỗ mẹ lấy thêm bóng chạy ra líu lo: “Mẹ bảo thổi thêm nữa...”. Phụng thổi căng ba quả bóng, kết thành chùm bóng bay ba màu xanh, hồng, tím rồi đưa cho đứa bé. Phụng đi được mấy bước, đứa bé chạy theo níu tay anh, phụng phịu định khóc. Phụng cúi xuống bế đứa bé lên. Như chỉ chờ có thế, đứa bé choàng cánh tay mũm mĩm ôm cổ, dụi môi vào vai, vào má anh. Đang buổi chợ đông bao nhiêu ánh mắt đổ dồn vào Phụng và đứa bé. Phụng bế đứa bé ra quầy tạp hóa mua cho nó mấy thứ đồ chơi rồi trở lại gốc gạo. Cô gái từ nãy nhìn như “chụp” lấy Phụng, vội đưa tay dụi mắt: “Bụi vào mắt em...”. Rồi cô đứng lên đón con, giọng nói nghèn nghẹn: “Cảm ơn anh”. Trời đang ra sáng. Phụng đánh thức đứa bé đến ba lần nó vẫn ngủ li bì. Linh cảm giấc ngủ không bình thường, Phụng chạy sang gọi hàng xóm. Đứa bé được đưa ngay xuống trạm xá làng. Anh bác sĩ đo thân nhiệt, huyết áp cho đứa bé xong, vui vẻ: “Mọi chỉ số đều rất tốt. Mẹ thằng bé này thật khéo lo xa. Nó được uống liều sirô an thần để khỏi quẫy đạp đổ nôi”. Chừng nửa tiếng đồng hồ sau đứa bé 3 VNTB 02(271) - 2024 TRUYỆN NGẮN vươn vai ngồi lên. Nó dụi mắt nhìn quanh, òa khóc. Mấy người đứng gần đưa tay đón bế, nó giãy nảy, gọi mẹ. Phụng bước đến bên giường chưa kịp đưa tay đón đứa bé đã nhao lại ôm choàng, úp mặt vào ngực anh khóc tức tưởi. Phụng đưa đứa bé về nhà. Anh chủ động làm thủ tục thông báo trẻ bị bỏ rơi. Gấp đôi thời gian quy định thông báo rộng rãi vẫn không có phản hồi. Phụng quyết định nhận nuôi đứa bé. Anh điện thoại báo tin cho chị gái. Vợ chồng chị, hai đứa cháu rất vui, hẹn sớm ra thăm hai bố con. Cụ trưởng họ đi nghỉ dưỡng sang đầu tháng mới về. Trong lúc chờ thông lệ họ, Phụng vấn ý người bạn cán bộ tư pháp xã về thủ tục nhận con nuôi. Người bạn ủng hộ ngay.- Mọi việc trong tầm tay tớ. Việc của cậu là bàn với Xuyến nhanh chóng viết thiếp mời, làm cỗ. Rồi bảo nhau “chiến chiến” thật lực vào. Dứt khoát bằng giờ sang năm cu bé phải có em bé. Đang ngồi nơi công sở Phụng không tiện kể chuyện riêng. Sau ngày Phụng đón đứa bé về khi chiều, khi tối Xuyến sang chơi luôn. Cô cháu vui vẻ đủ trò. Ai nhìn thấy cảnh ấy cũng khen: “Thật là trời cho...”. Một buổi tối, khi Phụng bàn việc nhận con nuôi thì Xuyến im lặng. Trước lúc ra về Xuyến nói trong làng cũng có người muốn nhận đứa bé. Việc làm thủ tục đưa trẻ bị bỏ rơi vào trung tâm xã hội cũng đơn giản. Vài tối không thấy cô sang đứa bé khóc đòi gặp. Phụng điện thoại mời, lần thì Xuyến kêu nhức đầu, lần thì bảo bận việc. Phụng hiểu Xuyến đang ngầm ép anh lựa chọn hoặc là mối tình đầu hoặc đứa bé bị bỏ rơi. Cho đến một đêm khuya. Xuyến gọi điện thoại nói: “Chúng mình cần nói với nhau cho hết nhẽ”. Cái nhẽ của Xuyến là cả làng biết hết rồi. Người ta đến chợ làng mượn việc bán hàng để dò la tung tích kẻ chạy làng. Phải như thế nào đứa bé mới quấn quýt như thế. Phải như thế nào cô ta mới dụi mắt giấu nước mắt. Cũng là người biết điều nên cô ta không hô hoán lên. Ở chợ cô ta hỏi thăm nhà anh thổi bóng bay, bảo để trả lại tiền thừa. Lúc về qua đầu ngõ cô ta giả vờ tuột xích xe để nhìn vào... Cứ vào tuổi đứa bé mà suy thì vừa khớp với thời gian vắng nhà hàng tháng trời... Qua cơn choáng váng, Phụng giải thích năm ấy vắng nhà là vào Đà Nẵng giúp chị gái làm nhà... Phụng chưa nói hết ý thì Xuyến “thôi ... thôi” rồi cúp máy. Ba hôm sau đứa bé hết sốt Phụng bế sang nhà Xuyến. Anh hy vọng bố mẹ cô không tin dư luận hiểu sai sự việc. Bố Xuyến không có nhà. Mẹ cô rào đầu: “ Anh cả gọi em nó lên thành phố để xin việc. Hai bố con đi từ sáng sớm hôm qua...”. Cú sốc mạnh bất ngờ nhưng Phụng chế ngự được. Đứa bé như cảm nhận được tình thế, mè nheo đòi về. Đêm ấy cánh tay bụ bẫm quàng cổ và tiếng ngủ ngon lành của đứa bé đã giúp Phụng vượt qua được những tính toán được mất. Chấm hết nhũng lời khen vun vào: “Hai đứa mày là một cặp trời sinh...”. Sáng mai xé tờ lịch treo tường Phụng ngó qua rồi vo tròn cho đứa bé bắn bi giấy. “Chấm com” mối tình đầu đúng ngày thứ ba của tuổi hai tư. Biết tin cụ trưởng họ đã về, buổi tối Phụng bế đứa bé sang nhà. Chờ đứa bé khoanh tay chào “cụ ạ”, bà trẻ đón bế ra sân chơi. Phụng đỡ bà trẻ việc pha chè.- Mời cụ xơi nước rồi cho cháu thưa chuyện.- Có chuyện gì cháu cứ nói. Chờ cụ trưởng thưởng xong nhấp trà, Phụng thưa:- Việc đón đứa bé về cháu đã thưa với cụ. Giờ xin cụ cho nó cái tên và nhập họ. Ngày mai cháu ra ủy ban làm thủ tục con nuôi. Cụ trưởng họ cho gọi bế đứa bé vào. Cụ đón nó cho ngồi vào lòng, vuốt tóc trán, cầm nhìn bàn tay đứa bé.- Ngay từ hôm cháu đón thằng bé về ta đã VNTB 02(271) - 2024 4 TRUYỆN NGẮN biết có việc hôm nay. Mái nhà nào, dòng họ nào cũng thèm có được đứa trẻ như thằng bé này. Đặt cho nó cái tên Đăng. Hoàng Minh Đăng. Mai là ngày hoàng đạo ta sẽ bảo bà trẻ sắp lễ. Hai bố con sang thắp hương trình tổ rồi đi lo việc chính quyền. Phụng nhắc con trai:- Minh Đăng dạ ơn cụ đi con. Cu Đăng nhìn bố, ngước lên nhìn cụ trưởng họ. Nó “Dạ cụ ạ” rồi đưa cả hai tay túm chòm râu bạc giật giật, cười tít. Minh họa: ĐỖ NHƯ ĐIỀM Làm cha làm mẹ dù đơn thân hay đủ cặp là được hưởng những niềm vui, vinh dự, cũng đương nhiên phải gồng gánh vô vàn lo toan, thử thách. Phụng đã sẵn sàng tâm thế trước khi nhận cu Đăng làm con. Anh có nguồn nội lực sinh tụ từ cuộc sống mồ côi từ năm mười hai tuổi. Nguồn nội lực vốn có ấy đang từng giờ, từng ngày được bổ sung từ nhiều nguồn vô hình và hữu hình. Từ niềm hãnh diện và tự tin vởi chức phận mới mẻ. Từ chính những câu hỏi tự thân: Tại sao người mẹ trẻ đẹp ấy lại bỏ rơi đứa con kháu khỉnh như thế? Đứa bé sẽ ra sao nếu không bỏ lại ở cổng nhà này?... Những lo lắng về những ngày mai gần, ngày mai xa của đứa con cũng là nguồn sinh nội lực dồi dào cho ông bố trai tân. Ngày mai... Ho, sốt, mọc răng... Ngày mai mẫu giáo bé, mẫu giáo lớn... lớp một, lớp hai... Ngày mai mai... Gánh lo toan những ngày mai ấy rõ ràng là nặng nề, là khôn lường bỗng trở nên nhẹ nhõm nhờ những rờ rỡ, rộn ràng hôm nay. Cu Đăng lon ton ra vườn, ra ngõ. Cu Đăng bi bô: Đăng chào bà ạ. Anh... chị ơi chơi với Đăng. Bố ơi... Đăng ị .... Bố ơi... tè quần ướt... Bố con Phụng trở thành mối quan tâm thường trực của xóm láng, họ mạc. Cu Đăng hết sốt chưa?. Nhớ ngày mai đưa thằng bé đi tiêm chủng... Có mớ tôm trứng thím rim nhạt cho cháu ăn dần. Cầm con lươn này về nấu cháo cho thằng cu... Cứ đi làm đi để em đón cháu đến lớp. A lô... Tớ đón cu Đăng về nhà rồi nhé... 5 VNTB 07(271) - 2024 TRUYỆN NGẮN Nhiều việc mua sắm cho con của Phụng bị “đánh chặn” tức thì. Bộ quần áo này cu Đăng mặc vừa đấy. Cặp sách của cháu em mua rồi. Bộ sách năm học mới đây... Bạn bè đi xa về đến chơi thế nào cũng nài: Đêm nay cho tớ ngủ với thằng cu... Ngày mai hai cô cháu mình đi chơi phố huyện nhé... Minh Đăng phổng phao, ra dáng hơn bạn bè cùng trang lứa. Những lời tấm tắc khen thằng bé này thông minh, lanh lợi là rất có lý. Lên năm tuổi cu Đăng đã có những câu hỏi oái oăm: Chó với mèo cùng dài đuôi mà sao không chơi với nhau? Cây kia hoa đỏ sao cây đứng bên cạnh lại hoa tím? Mẹ Đăng đi chơi ở đâu mà mãi chưa về? ... Nhiều câu hỏi khiến không chỉ ông bố tắc tị mà những ai được hỏi cũng chỉ có cách trả lời duy nhất là bế bổng thằng bé mà xoa đầu, thơm má. Tám, chín tuổi cu Đăng đã biết lên luống đất, chia rạch rắc hạt giống, tính chu kỳ lứa rau. Giúp bố đẩy xe phân ra đồng nó biết chọn điểm dừng tiện việc xả rải. Đứa con sớm khôn, sớm biết là niềm vui của các bậc cha mẹ. Đương nhiên là nguồn tiếp sức cho cha mẹ lo toan, bươn trải. Nhưng nhiều khi Phụng ngậm ngùi, cay mắt với ý nghĩ : Sớm biết, sớm khôn như thế phải chăng là hệ quả của việc đứa con biết thân biết phận. Thấm thoắt Minh Đăng đã sang tuổi mười lăm. Cuối năm lớp Chín thầy giáo chủ nhiệm khuyên Minh Đăng thi vào trường chuyên. Thầy rất tin tưởng trò sẽ đỗ điểm cao. Trường chuyên trên thành phố hầu hết học sinh phải ở nội trú. Minh Đăng thưa với thầy lý do không thi trường chuyên là không muốn xa bố, xa các bạn ở làng. Biết chuyện, Phụng phản đối việc không vâng lời thầy của con trai. Minh Đăng chỉ dãy lồng chim, chỉ ra vườn rau:- Buổi sáng con chỉ giả vờ dậy muộn một lúc là lũ chim đã réo váng tai. Bố bận việc đồng vườn rau dễ lỡ lứa, mối hàng quen họ lảng dần. Rồi ai cổ vũ bóng đá với bố chứ. Trước hôm đi thi vào lớp mười, Minh Đăng nói với bố:- Hai bố con mình phải làm cuộc thi đua bố ạ. Phụng ngạc nhiên:- Thi đua gì con? Minh Đăng thoáng đỏ mặt:- Con quyết tâm thi đạt điểm cao. Còn bố... Bố phải làm sao để các bạn con hết trêu bố hắn đẹp trai thế mà ế vợ. Hay là bố hắn làm sao ấy. Phụng điếng cả người, lúc sau mới nói nhát gừng với con trai:- Ờ ...ờ. Thì thi. Việc Minh Đăng bày trò thi đua ép khéo bố là việc luôn luôn của bạn bè, họ mạc... Chỉ vài tháng sau khi được làm bố, Phụng nhận được nhiều lời khuyên: “Mau tìm mẹ cho thằng bé đi”. Khi biết Phụng và Xuyến thực sự chia tay nhau có không ít những lời đánh tiếng vun vào đám này, đám kia. Có cả người chủ động ngỏ ý. Người của mối tình đầu bây giờ là bạn, mỗi lần về quê là đến nhà, hoặc qua điện thoại khuyên ép: “Anh không lấy vợ tức là không tha lỗi cho em...”. Phụng biết việc lấy vợ của anh không khó. Nhưng Phụng lo những điều có thể xảy ra dẫn đến cái sự “con chúng ta và con người ta...”. Phụng tin rằng việc Minh Đăng cho anh được làm bố là một cơ duyên không mấy ai được thụ hưởng. Chỉ thế thôi là Phụng thấy mình hạnh phúc, đủ đầy chẳng thua kém ai. Mối bận tâm lớn nhất của anh là chăm lo cho con trai học hành nên người tử tế. Xưa cũng như nay không hiếm những đàn ông, đàn bà an bài với cuộc sống đơn thân. Một hôm Phụng nhận được điện thoại của cô giáo chủ nhiệm lớp mười một. Cô giáo xin lỗi vì đang bận thao giảng không lên gặp trực tiếp phụ huynh. Vấn đề cô trao đổi là lực học VNTB 02(271) - 2024 6 TRUYỆN NGẮN của Minh Đăng có chiều hướng đi xuống và hiện tượng cán bộ đoàn, lớp trưởng thờ ơ với phong trào trường lớp. Cô giáo mong gia đình cùng nhà trường tìm hiểu, khắc phục nguyên nhân giúp Minh Đăng mau chóng lấy lại phong độ thủ khoa, cán bộ đoàn, lớp xuất sắc. Phụng nói lại với con trai nội dung cuộc nói chuyện với cô giáo chủ nhiệm. Anh dứt khoát quyết việc gia đình: - Từ mai bố toàn quyền việc nhà. Con chỉ việc tập trung vào việc học ,việc đoàn hội ở trường.- Không... không. Minh Đăng chen ngang lời bố - Mọi việc vẫn giữ nguyên nếp. Còn việc ở trường con xin lỗi bố. Con bị ám ảnh một giấc mơ bố ạ. Phụng giật mình lạnh toát cả người vì phỏng đoán con trai gặp giấc mơ không lành.- Con mơ thế nào?- Cách nay chừng hai tháng, ba đêm liền con mơ gặp cụ trưởng họ. Lần thứ nhất cụ dắt con ra chợ làng. Hai cụ cháu quanh quẩn bên gốc cây gạo đầu lối vào chợ rồi cụ dẫn con vào hàng tạp hóa mua đồ chơi. Lần thứ hai, cụ đưa con vào từ đường thắp hương rồi ra vườn cây. Lần thứ ba cụ gọi con vào phòng riêng. Cụ hỏi con việc nhà, việc học, bảo con mở tìm trang truyện Kiều đọc cho cụ nghe. Con đang đọc thì cụ bảo dừng. Cụ nhìn con một lúc, bỗng dưng thở dài. “Có việc ta dặn bố cháu đã mấy năm rồi mà vẫn chưa thành. Chắc bố cháu quên”. Cụ nói với con như thế rồi đi nhanh ra ngoài. Con đi ra theo, vừa cất tiếng gọi thì cụ khuất vào cây nhãn cổ thụ giữa vườn hương hỏa. Mấy lần con muốn hỏi bố việc cụ trưởng dặn lại nhưng lại ngại bố không tin mơ mộng. Phụng đang là kẻ chịu lỗi với cụ trưởng họ. Giấc mơ con trai kể lại vô hình chung xới lên nỗi buồn, tăng nặng cái lỗi của anh. Năm ấy cụ trưởng họ lâm bệnh, bác sĩ trạm xá làng đến thăm khám rồi giới thiệu lên tuyến trên. Phụng sang nhà cùng mọi người lo việc đưa cụ đi bệnh viện. Trước lúc ra xe cụ bảo mọi người ra ngoài, riêng Phụng được ở lại. Cụ mở cuốn sách cổ bìa cậy, lật tìm trang lẩm nhẩm đọc rồi dặn dò Phụng. Cuộc đời mẹ con Minh Đăng phải chịu một khúc quanh dài. Con người ta biết ăn biết ở ắt có phúc có phần. Vào những tháng nhuận của năm nhuận phải đi tìm mẹ cho con. Rồi ra gia đình đoàn viên, gia cảnh tươi sáng. Cụ trưởng khuất núi đã qua hai kỳ năm nhuận. Phụng vẫn đau đáu lời cụ dặn. Việc tìm kiếm biết là khó khăn nhưng sớm muộn cũng lần ra manh mối. Cản trở việc kiếm tìm chính là những điều Phụng lo xa. Người mẹ ấy bây giờ thế nào? Cuộc sống của con trai sẽ thế nào khi gặp lại người mẹ từng đem con bỏ chợ... Phụng sẽ sống sẽ ra sao đây?... Giữa chừng nỗi niềm day dứt bấy nay bừng phát Phụng chợt nhận ra một sự trùng lập lạ lùng. Bố con anh đang nói chuyện vào ngày đầu tháng nhuận của năm nhuận. Có gì huyền bí can dự vào chuyện này. Phụng nói với con trai:- Việc cụ trưởng giao cho bố là việc rất khó. Bố sẽ nói cho con biết sau. Giờ hai bố con ta cùng thi đua. Con phấn đấu lấy lại phong độ thủ khoa, cán bộ đoàn, lớp trưởng hàng đầu. Bố quyết tâm hoàn thành sớm việc cụ trưởng giao phó.- Con nhất trí. Minh Đăng đưa bàn tay cho bố. Phụng xiết chặt bàn tay con trai. Anh cảm nhận rất rõ một nguồn lực mạnh mẽ tràn sang từ bàn tay và ánh mắt đứa con. Người bạn giúp Phụng làm thủ tục khai sinh cho Minh Đăng giờ là chủ tịch xã. Phụng gặp bạn nói ra việc cụ trưởng họ dặn lại và giấc mơ ba đêm liền của con trai. Người bạn bực ra mặt:- Việc phải làm từ lâu sao dám để đến hôm 7 VNTB 07(271) - 2024 TRUYỆN NGẮN nay. Mười mươi là cậu sợ mất con. Sợ vớ sợ vẩn. Việc này phải làm gấp. Trước tiên là nhờ đài, báo phát thông tin tìm người. Ý định cậu nhắn thế nào? Phụng đã chuẩn bị sẵn việc này.- Tớ định nhắn tin thế này. Ngày, tháng, năm. Có người phụ nữ tầm tuổi... đến chợ làng Quảng bán quần áo. Trước khi đi có để lại một kỷ vật. Nếu còn nhớ và muốn nhận lại xin nhắn tin cho...- Hay. Người bạn chặn lời Phụng. Tớ in lời cậu trong đầu rồi. Nhờ ai gặp đài báo, ai nhận tin phản hồi là việc của chúng tớ. Bố con cậu chỉ việc yên tâm chờ. Phụng hoàn toàn bị bất ngờ. Thông báo tìm người trên báo, đài phát thanh, truyền hình duy nhất một số điện thoại nhận phản hồi. Là số điện thoại của Xuyến Chi. Lên thành phố Xuyến đi học nghề, trở thành thợ tiện của nhà máy cơ khí quốc phòng. Ngoài giờ ca kíp phần lớn thời gian cô ở trong phòng tập tành làm thơ chép sổ tay. Một lần anh trai người bạn cùng phòng tập thể đến chơi. Tình cờ thấy cuốn sổ trên mặt bàn chàng cầm lên đọc. Anh chàng say thơ của cô thợ tiện đến mức phớt lờ tiếng quát: “Trả em đây” của cô chủ cuốn sổ. Những vần thơ của của cô thợ tiện đã hút hồn chàng sĩ quan tỉnh đội, lại có lợi thế quãng đường mười phút xe đạp nên chàng thường xuyên xuất hiện ở khu tập thể có phòng của em gái. Chàng sĩ quan nói với cô chủ cuốn sổ thơ: “Thơ em nhiều bài hay và lạ lắm. Em nên chọn gửi đăng báo. Anh không nói lấy lòng đâu”. Sau nhiều lần “bị” nghe những lời “anh không... em phải...”, Xuyến nói: “Em sẽ nghe lời anh với điều kiện ghép tên anh và em thành tên tác giả. Thành công cùng chia. Thất bại cùng vui”. Từ đấy thơ Xuyến Chi thường xuyên xuất hiện trên các báo, tạp chí văn nghệ. Sau lần giành giải thưởng cao cuộc thi thơ Xuyến Chi đi học lớp sáng tác, lý luận văn học. Ra trường cô trúng tuyển kỳ thi chọn biên tập viên ban văn nghệ của đài truyền hình khu vực. Trước cả khi thành danh nhà thơ, Xuyến Chi có một thành công lớn khiến những ai biết chuyện đều nể phục. Vượt lên nỗi ám ảnh và những điều này tiếng nọ Xuyến Chi và Phụng đã hoàn nguyên tình bạn như thuở chưa yêu. Bạn bè phán: “Nếu làm chồng Xuyến thì Phụng không được làm bố chàng trai ngoan giỏi. Nếu làm vợ Phụng thì Xuyến không thành nhà thơ Xuyến Chi và vồ được anh chồng lính có bằng thạc sĩ. Hai hắn hòa tỉ số Một Đều”. Xuyến Chi và Phụng đều cho là các bạn có lý. Tháng sáu nhuận đã đến những ngày áp chót. Thông báo tìm người phát đều trong khung giờ vàng vẫn chưa có tin nhắn lại. Cũng như bố, Minh Đăng không nguôi hy vọng. Một hôm đi học về Minh Đăng chạy ra vườn hỏi bố:- Bố ạ. Cô giáo và các bạn con cứ thắc mắc kỷ vật là vật gì. Sao tin nhắn không nói rõ. Phụng lặng người đi, buông cuốc, ôm chầm con trai:- Kỷ vật ... Là con trai của bố. Một buổi chiều có chiếc xe con đỗ đầu ngõ. Lúc ấy bố con Phụng ở ngoài vườn đang lên luống trồng rau. Nhanh bước qua cổng là Xuyến Chi và người phụ nữ tầm tuổi cô. Hai bố con Phụng rảo về. Vừa bước qua cổng vườn Phụng vội níu con trai dừng lại. Nhà thơ Xuyến Chi cầm tay người đi cùng, vui vẻ:- Cô đồng nát năm ngoái mua được món sách báo cũ về bán những một vốn tám chín lời. Người mua nhớ người bán nay lại tìm đến đây này. Người phụ nữ run run bước tới, mở túi xách lấy ra chùm ba quả bóng bay xẹp hơi đưa lên trước mặt bố con Phụng:- Anh... Em vẫn giữ được... từ ngày ấy. Phụng nhận ra ba quả bóng bay ba màu xanh, tím, hồng anh từng thổi căng và buộc VNTB 02(271) - 2024 8 TRUYỆN NGẮN chùm bằng sợi chỉ trắng. Phụng đón lấy chùm bóng bay đã mười mấy năm vẫn tươi màu rồi khẽ ẩy vai con trai:- Mẹ con đấy... Con trai. Minh Đăng nhìn bố ngập ngừng giây lát rồi nhào đến ôm chầm lấy mẹ. Tiếng gọi “ Mẹ” của đứa con chìm vào những tiếng nấc nghẹn của người mẹ. Sáng hôm sau Minh Đăng đưa mẹ đi chào xóm láng, họ mạc. Dân làng nhìn theo hai mẹ con, người đã biết rân rấn nước mắt kể cho người chưa biết. Người trông xinh đẹp, phúc hậu thế mà đến là cơ khổ... Con đường lớn mở qua làng. Nhiều người được đền bù số tiền lớn. Có tiền, người ta đua nhau xây cất, sắm sanh, chơi bời. Trong số những người ấy có bạn của chồng Lanh. Không chịu thua kém bạn bè, chồng Lanh vay tiền làm vốn nhập hội buôn gỗ. Anh ta đi, vài ba tháng về qua nhà đưa tiền đủ cho Lanh trả lãi mấy ngõ vay lãi cao. Một lần anh ta về lấy sổ đỏ đi cắm vay tiếp món tiền lớn. Lanh gàn thì anh ta nói: “Cả hội chuyển sang buôn đất. Chỉ chuyến này là ăn đủ cả đời con cháu”. Chừng hai tháng sau có người đàn ông trạc tuổi năm mươi, phong độ lịch lãm đến nhà. Ông ta nói là bạn làm ăn với chồng Lanh. Và để Lanh tin ông ta mở điện thoại cho Lanh nói chuyện với chồng. Chồng cô vui vẻ nói rằng anh ấy là tổng giám đốc, là siêu đại gia, tiện đường đi công việc ghé thăm nhà vài ngày. Anh ta nói đi nói lại rằng phải đón tiếp chu đáo... Rằng đang bận công việc vài ngày nữa sẽ về đón đại gia, đưa hai mẹ con đi du lịch. Đến khuya Lanh bế con vào buồng, người đàn ông theo ngay sau, nhanh tay gài then cửa. Ông ta nói: “Chồng em nợ anh món tiền rất lớn nếu nói ra em không tin nổi đâu. Chuyện nợ nần hãy gác lại. Anh về đây là để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của em. Không ai khác ngoài em giúp được chồng xóa sạch nợ nần, lại có một khoản thu lớn đủ cho vợ chồng xây nhà, sắm sanh như ý...”. Là cô gái thông minh Lanh hiểu ra ngay sự việc và làm chủ được tình thế. “Anh mới đi xa về cần nghỉ ngơi. Em đang kỳ con gái chưa thể chiều anh được. Xin khất anh hai ngày nữa...”. Gã đàn ông tinh quái bắt Lanh nói lại để ghi âm vào điện thoại. Trước khi ra khỏi buồng hắn sấn sổ ôm Lanh hôn hít, sờ soạng, chỉ chịu buông tay khi đứa trẻ khóc thét lên. Đêm hôm sau chờ cho gã đàn ông ngủ say Lanh bế con ra ngoài, chốt chặt các cửa rồi châm lửa đốt nhà. Mái nhà lợp cói bắt lửa bừng bừng. Không muốn gia đình liên lụy Lanh bế con đi thật xa. Hơn hai năm phiêu bạt Lanh đến chợ làng Quảng. Sau khi tìm được nơi trộm gửi con Lanh đến đồn công an tự thú. Sau một thời gian điều tra những người liên quan phải hầu tòa. Gã ông chủ kia được người đến cứu hỏa lôi ra khỏi đám cháy. Gã thoát chết nhưng di chứng vết bỏng trông gã như con quỷ. Không ai có thể ngờ cuộc mưu sinh đã biến gã chồng Lanh thành một kẻ lưu manh lọc lõi. Tại phiên tòa hắn khai ông chủ và vợ có tư tình từ lâu. Ông chủ thường giao cho hắn những việc phải đi xa nhiều ngày để có thời gian tằng tịu. Việc đốt nhà là vợ hắn trả thù việc đòi tiền nhiều nhưng ông chủ trả không đúng như đòi hỏi. Ông chủ kia bị gã chồng Lanh sai đàn em khống chế nên phải công nhận có việc trao đổi tiền bạc và thân xác. Công lý đã bị chi phối thành ra lập lờ. Tòa án tuyên Lanh phạm tội cố sát không thành, phải chịu án tám năm tù. Ở trong tù nhờ cải tạo tốt Lanh được hai lần giảm án và hưởng ân xá sau sáu năm tù. Ra tù Lanh về quê định vài ngày sau sẽ đi tìm con. Việc đi tìm con vấp phải rất nhiều ngáng trở. Việc con gái lâm vòng lao lý đã khiến bố mẹ cô suy sụp. Chỉ nửa tháng sau ngày Lanh về nhà bố cô qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo. Dân làng bảo ông bố chờ đứa con oan uổng trở về mới yên 9 VNTB 07(271) - 2024 TRUYỆN NGẮN lòng nhắm mắt xuôi tay. Chưa đầy ba tháng sau mẹ đi chợ bán rau lúc về bị đắm đò ngang giữa dòng nước xiết. Đứa em trai đã có vợ chờ ngày cưới bị nhà gái đem trả lễ vì không muốn con gái làm dâu nhà có kẻ đi tù vì tội bán thân lấy tiền. Sau ngày giỗ đầu mẹ Lanh bàn với em trai việc đi tìm con. Em trai Lanh chỉ về phía trường học: “Tìm đón về thì chị em mình phải đi khỏi làng ngay...”. Lanh hiểu ý em trai. Gã đàn ông từng là chồng Lanh bây giờ là đại gia. Gã mua thêm đất hàng xóm xây biệt thự ba tầng, mở cửa hàng cầm đồ. Trường học cách đấy vài trăm mét, đến trường là phải đi qua nhà gã. Lanh hiểu ý em trai, đã gửi được vào nơi tin tưởng thì gắng chờ vài năm nữa cho thằng bé lớn khôn nhận thức việc đời. Lanh đành chiều ý em trai nhưng dứt khoát chưa cho em biết nơi mình trộm gửi con. Ít lâu sau em trai Lanh được người bạn thân xin cho đi học lớp vận hành máy bơm nông nghiệp. Từ đấy mỗi năm vài ba lần Lanh lại đóng vai người đi mua đồng nát đi cả trăm cây số đến làng Quảng. Lần nào Lanh cũng nhìn thấy con trai lúc trên đường, khi vào ngõ xóm hỏi mua đồng nát. Lần nào Lanh cũng phải cầm lòng để không òa khóc gọi con. Chạp tháng tám, lo cưới vợ cho em trai xong Lanh nói cho các em biết nơi gửi con và định ngày trở lại nơi ấy. Ba ngày trước chuyến đi thì Lanh nghe được tin nhắn... Nhà thơ Xuyến Chi với Phụng và tôi là bạn thân từ thuở học trò lớp một. Trong dịp về hội làng trước khi đi Xuyến Chi nói với tôi:- Mình định viết một câu chuyện về bố con người yêu cũ. Hắn phải cung cấp thêm tư liệu. Tôi kìm được tiếng reo và động tác suýt ôm chầm cô bạn.- Việc rất nên làm ngay. Tớ có dữ liệu đủ cho nhà thơ viết cả pho tiểu thuyết. Vài tháng không thấy vợ chồng Xuyến Chi về quê. Cũng không thấy sách báo gửi tặng. Tôi điện thoại lên hỏi. Xuyến Chi nói ngay:- Vừa viết xong đoạn kết mới sực nhớ bỏ sót mấy chi tiết quan trọng. Tôi chặn lời Xuyến Chi:- Quên gì thì quên. Dứt khoát câu chuyện không thể thiếu ba việc quan trọng. Việc thứ nhất mẹ Minh Đăng tìm gặp nhà thơ. Việc thứ hai nhà thơ xoay sở xin cho cựu tù nhân về trường mầm non ở làng. Việc thứ ba vợ chồng nhà thơ tác thành cuộc hôn nhân cho mẹ Minh Đăng. Một lúc im lặng Xuyến Chi nói:- Ba chi tiết thật nặng ký. Mình sẽ để dành. Giờ nghe mình đọc đoạn kết nhé. Minh Đăng thi đỗ tốp mười đại học Bách khoa. Bố mẹ cậu tổ chức bữa cơm liên hoan. Đang cùng con trai lau bát đĩa mẹ Lanh bảo ra vườn hái lá chanh. Lâu lâu chưa thấy mẹ trở vào Minh Đăng đi ra vườn. Vừa bước qua cổng vườn Minh Đăng vội lùi bước. Phía cuối vườn mẹ Lanh đang ăn khế, trong tay cầm chùm ba quả còn xanh. Minh Đăng chạy về với bố ngồi trên hiên đang chặt thịt gà.- Con chúc mừng bố. Bố Phụng dừng tay dao nhìn con trai:- Chúc mừng gì con? Minh Đăng ghé sát tai bố:- Mẹ con đang ăn khế. Chúc mừng thế ạ. Minh Đăng chạy ra vườn đứng nghiêm trước mặt mẹ.- Con chúc mừng mẹ. Mẹ Lanh nuốt nhanh miếng khế: - Chúc mừng việc gì con?- Chúc mừng việc sang năm nghỉ hè về con được bế em bé. Rất nhanh Minh Đăng choàng tay ôm cổ, úp mặt lên bờ vai mẹ rồi chạy về sân đón các bạn đang ríu ran qua cổng. Lanh nhìn theo con trai, nước mắt ứa ra. Những giọt nước mắt long lanh minh chứng cho câu chuyện đẹp như cổ tích.

TRẦN VĂN THƯỚC