Cách đây chưa lâu, ở phía tây thành phố Thái Bình, bên bờ nam sông Vĩnh Trà, từ Quốc lộ 10 qua cầu Cống Trắng một chút trẽ tay phải, có một khu đất chi chít những hố bom, những hố bom liên tiếp những hố bom tạo thành một khu đầm nước đầy cỏ lác và trôi nổi những bè lục bình, rau muống hết năm này qua năm khác.
NHƯ CÓ PHÉP MÀU
(Tác phẩm đoạt giải Khuyến khích thể loại truyện ngắn, bút ký)
PHẠM MINH GIANG
Cách đây chưa lâu, ở phía tây thành phố Thái Bình, bên bờ nam sông Vĩnh Trà, từ Quốc lộ 10 qua cầu Cống Trắng một chút trẽ tay phải, có một khu đất chi chít những hố bom, những hố bom liên tiếp những hố bom tạo thành một khu đầm nước đầy cỏ lác và trôi nổi những bè lục bình, rau muống hết năm này qua năm khác. Ngay cạnh khu đầm nước đầy cỏ lác ấy là những xóm nghèo với xơ xác những mái nhà rạ dột nát, tường xây mười hoặc tường đất, những ngõ xóm ngoằn ngoèo lầy lội, tối tăm, những ao bèo nước đen đầy rác. Phía tây khu đất ấy là cái vườn ươm với những câu ca dao in đậm trên trang thơ châm của các báo “Thái Bình có cái vườn ươm/ Hoa đâu chẳng thấy, chỉ bươm bướm nhiều”. Bươm bướm là đàn gái gọi. Vườn ươm thời ấy là tụ điểm nóng về mại dâm trong thành phố. Ở nơi này từ những năm cuối thế kỷ hai mươi, đến lúc ấy vẫn còn đêm ngày rình rập cướp đi sự ấm êm hạnh phúc của nhiều gia đình, rình rập phá hoại cuộc sống yên bình của nhân dân. Ấy thế mà, chỉ sau một thời gian chưa lâu, chỉ chớp mắt một cái (vâng, hai mươi năm đối với lịch sử chỉ là chớp mắt), tất cả những gì cũ xấu ở nơi này giờ đây đã biến mất. Những hố bom chi chít, những khu đầm nước đầy cỏ lác, những căn nhà dột nát, những ngõ xóm ngoằn ngoèo đêm ngày ma túy, đầu gấu, đầu trâu rình rập, cái vườn ươm nhiều bươm bướm với những câu ca dao về “cánh bướm xập xè”... tất cả, tất cả đã biến mất, biến mất không còn tăm tích. Thay vào đó, như có phép màu, một trung tâm thương mại sầm uất với một chợ lớn đông khách nhất nhì thành phố, một khu đô thị mới khang trang với rạng rỡ những nụ cười của những cư dân văn hóa, một khu chung cư hấp dẫn, một tòa nhà Thành Công Plaza 18 tầng cao nhất thành phố đã hiện lên đứng hiên ngang giữa trời xanh mây trắng quê nhà. Người làm nên “phép màu” kỳ diệu ấy chính là Đảng bộ và nhân dân thành phố Thái Bình, là Đảng bộ và nhân dân Phường Quang Trung, trực tiếp là Công ty cổ phần tư vấn xây dựng (CPTVXD) Thành Công. Chúng tôi đến Công ty CPTVXD Thành Công vào một buổi sáng mùa đông nắng ấm. Ông Nguyễn Công Kỳ, Giám đốc Công ty niềm nở tiếp chúng tôi tại trụ sở tầng năm Trung tâm thương mại. Ông Nguyễn Công Kỳ sinh năm 1963 tại xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Sau hơn ba năm quân ngũ hoàn thành nhiệm vụ trở về, người lính trẻ Nguyễn Công Kỳ muốn được thử sức mình vào lĩnh vực kinh doanh và xây dựng. Được Nhà nước cho phép, được gia đình, bạn bè ủng hộ, Công ty CPTVXD Thành Công đã được thành lập. Bằng giọng nói chân thành cởi mở, ông kể cho chúng tôi nghe về thời kỳ đầu mới bước vào thương trường. Thương trường quyết liệt không kém gì chiến trường. Những khó khăn mà công ty gặp phải ban đầu không phải là ít. Nhưng với niềm đam mê và lòng quyết tâm của người lính, với tâm nguyện muốn góp sức mình làm giàu, làm đẹp cho quê hương đất nước, bản thân Nguyễn Công Kỳ và Công ty CPTVXD Thành Công đã dũng cảm “đánh thắng” những trận nhỏ, rồi “đánh thắng” những trận lớn hơn và thu được những thành công như ngày hôm nay. Công ty CPTVXD Thành Công được thành lập ngày 31/3/2003 theo quyết định của UBND tỉnh Thái Bình (đã đăng ký thay đổi lần thứ 8 ngày 13/8/2021), có đầy đủ tư cách pháp nhân, với số vốn điều lệ ban đầu 70 tỉ đồng, hoạt động theo 29 ngành nghề kinh doanh (tóm tắt là kinh doanh và xây dựng). Trong những năm qua, công ty đã thi công nhiều công trình lớn nhỏ, kết cấu từ đơn giản đến phức tạp, đạt chất lượng kỹ, mỹ thuật, giá thành hợp lý, được các chủ đầu tư và Sở chuyên ngành tín nhiệm, đánh giá cao. Những năm gần đây, công ty đã trưởng thành, phát triển trên thị trường trong tỉnh và ngoài tỉnh. Ông phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật của công ty cho chúng tôi biết thêm: Với 27 kỹ sư các loại, 2 kiến trúc sư, 10 cử nhân, 250 người thợ trong đó có 175 công nhân nề được biên chế thành 4 phòng ban, một đơn vị vận tải và năm đội xây lắp, Công ty CPTVXD Thành Công có đầy đủ năng lực, máy móc thiết bị, đội ngũ cán bộ kỹ thuật giàu kinh nghiệm và chuyên môn cao, đội ngũ công nhân lành nghề đã thực hiện và thực hiện thành công nhiều công trình trong đó có những công trình có tầm ảnh hưởng lâu dài đến đời sống kinh tế, văn hóa của nhân dân thành phố ta, tỉnh ta. Điển hình là các công trình:Trường mầm non Quỳnh Châu (Quỳnh Phụ), Hồng Giang (Đông Hưng); Trường Tiểu học Kỳ Bá, Quang Trung; Trường Trung học cơ sở Tân Lễ (Hưng Hà), Đông Hòa (Đông Hưng), Kỳ Bá (Thành phố; Trạm y tế Vũ Sơn (Kiến Xương); Trạm y tế Phường Quang Trung, Phường Phúc Khánh, Phường Trần Hưng Đạo; Trụ sở Ủy ban nhân dân Phường Quang Trung; Một số đoạn công trình đê biển. Đặc biệt, Công ty CPTVXD Thành Công đã xây dựng thành công những công trình lớn có tầm ảnh hưởng lâu dài đến đời sống kinh tế văn hóa và sức khỏe của nhân dân. Chúng tôi nhìn lên tường thấy treo nhiều Bằng khen, Giấy khen trong đó có nhiều Bằng khen, Giấy khen của Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân thành phố Thái Bình và Hiệp hội các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trao tặng Công ty CPTVXD Thành Công và doanh nhân Nguyễn Công Kỳ vì đã có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh và xây dựng, phát triển doanh nghiệp qua các năm. Riêng doanh nhân Nguyễn Công Kỳ còn được Học viện chính trị quốc gia HCM, Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Văn hóa TT&DL, Đài truyền hình Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cấp Giấy chứng nhận là Nhà lãnh đạo xuất sắc, Doanh nhân văn hóa, Doanh nhân làm theo lời Bác và Doanh nhân Vàng Việt Nam. Chúng tôi cũng được xem những tấm ảnh chụp đồng chí Phan Diễn, đồng chí Trương Quang Được và phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao tặng Kỷ niệm chương, Doanh nhân Việt Nam vàng cho Giám đốc Nguyễn Công Kỳ tại Hà Nội. Giám đốc Nguyễn Công Kỳ không phải là người nói giỏi, đặc biệt không thích nói hay về mình. Tuy nhiên, tất cả những việc mà Giám đốc Kỳ và Công ty CPTVXD Thành Công làm được trong những năm qua đã nói lên tất cả. Nếu không phải là người có tâm, có tài, có nhiệt huyết “muốn góp một chút công sức của mình để làm giàu, làm đẹp cho quê hương” thì không thể nào có được những thành công ấy. Giám đốc Nguyễn Công Kỳ tâm sự: Có được những thành công như hôm nay, ông đã cùng những cộng sự đắc lực và gần ba trăm cán bộ công nhân trong công ty của mình đã phải đổ bao nhiêu mồ hôi công sức (và cả nước mắt nữa) trong nắng lửa, mưa dầm, gió rít, lũ lụt, đã bao nhiêu phen phải vật lộn với những cơn bão bùng của trời đất, những cơn bão giá, những cơn bão của thương trường khắc nghiệt, đã đoàn kết một lòng, tập trung mọi nguồn lực về nhân tài, vật lực, cố gắng nắm bắt những thời cơ tốt nhất về thiên thời, địa lợi, nhân hòa, vận dụng triệt để chiến lược “tiến công, tiến công và tiến công” mới có thể vượt lên, vươn tới, mới có thể lập nên những thành công mới và giữ vững được những thành công đã đạt được như cái tên của mình. Là cán bộ chủ chốt ở cơ sở nhiều năm, tác giả bài viết này được biết Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Phường Quang Trung luôn luôn đánh giá cao và trân trọng những đóng góp tích cực, có hiệu quả của Công ty CPTVXD Thành Công nói chung (và của Giám đốc Nguyễn Công Kỳ nói riêng) đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa xã hội và nâng cao đời sống của nhân dân trong phường, trong thành phố. Giám đốc Nguyễn Công Kỳ dẫn chúng tôi đi thăm một số công trình lớn của Công ty. Đó là Trung tâm thương mại Thành công được đầu tư 70 tỉ đồng trong đó có Trung tâm thể dục thể thao ở tầng bốn của tòa nhà có phòng tập với không gian đẳng cấp năm sao hàng đầu Thái Bình thường xuyên thu hút hơn một ngàn hội viên tham gia. Đó là khu dân cư thấp tầng và cao tầng Thành Công được khởi công xây dựng năm 2016 và được đưa vào sử dụng tháng 11 năm 2022, với tổng mức đầu tư 115 tỉ đồng. Trong đó khu dân cư thấp tầng có 38 căn hộ, khu dân cư cao 18 tầng có 285 căn hộ, các căn có diện tích 52,8 m2; 72,3 m2; 73,0 m2; 75,5 m2 và 84,9 m2, mỗi căn có một đến hai phòng ngủ, có hệ thống hành lang giao thông thông thoáng, đảm bảo nguồn không gian trong lành đầy ánh sáng tự nhiên, có lợi nhất cho sức khỏe thể chất và tinh thần cho người dân. Trong những ngày cuối năm này, Giám đốc Nguyễn Công Kỳ cùng với cán bộ nhân viên công ty đang ngày đêm khẩn trương bàn giao căn hộ cho người dân. Hiện người dân đã nhận được gần hai trăm hộ. Cứ theo tiến độ này, thì từ nay đến cuối năm âm lịch, khu dân cư Thành Công sẽ tiếp nhận được hết gần 300 căn hộ. Hy vọng đây sẽ là một trong những tòa nhà cao nhất, đẹp nhất và đáng sống nhất trên quê lúa thân yêu của chúng ta. Chúng tôi đứng trước khu dân cư Thành Công mà nghe xung quanh mình một không khí tưng bừng náo nhiệt chưa từng thấy. Ngước mắt lên, chúng tôi chụp được những tấm hình nhà cao tầng Khu dân cư Thành Công đang lung linh, lung linh tỏa sáng giữa đất trời quê hương thanh bình. Giám đốc Nguyễn Công Kỳ và các cán bộ của ông còn dẫn chúng tôi tới tham quan hai chợ lớn do công ty xây dựng. Đó là hai công trình lớn có tầm ảnh hưởng lâu dài đến đời sống kinh tế, văn hóa của nhân dân Thái Bình. Chợ Kỳ Bá được xây dựng năm 2013 trên vị trí đắc địa nằm trên nút giao thông giữa đường Lý Bôn và đường Đinh Tiên Hoàng, xây dựng theo tiêu chuẩn chợ loại hai, với tổng mức đầu tư 68 tỉ đồng với 62 căn ki-ốt bán hàng độc lập ba tầng và 150 quầy bán hàng, đảm bảo cho gần ba trăm hộ kinh doanh thuận lợi. Chợ Kỳ Bá là một trong những chợ lớn của thành phố. Chợ Quang Trung có trên 300 ki-ôt, trong đó trên 200 quầy vải vóc, quần áo, trên 30 quầy giầy dép, hàng chục quầy bánh kẹo thuốc lá, hàng chục quầy tạp hóa, văn phòng phẩm, hàng chục quầy dụng cụ gia đình, đồ tôn sắt, đồ nhựa, ba bốn chục hàng thức ăn chín và bún bánh, ba bốn chục hàng thịt lợn, thịt bò, năm sáu chục hàng tôm tươi, cá tươi, năm sáu chục hàng trái cây, năm sáu chục hàng rau tươi, hoa tươi... và nhiều quầy dịch vụ khác... Chợ Quang Trung được xây dựng gần các Trung tâm Y tế lớn là Bệnh viện Đa Khoa, Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện chất lượng cao, Trung tâm dịch tễ tỉnh, cũng là trung tâm của các trường Đại học, Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp trong tỉnh. Vì thế, có “hàng trăm người bán, hàng vạn người mua” ở chợ Quang Trung hằng ngày. Nhất là thời kỳ trường Đại học Thái Bình chưa chuyển về Tân Bình và nhất là những dịp ngày lễ, ngày tết nguyên đán. Những ngày ấy, chuyện tắc đường ở các ngả vào chợ hàng tiếng đồng hồ thường diễn ra. Phải nói rằng những ngày lễ, ngày tết, chợ Quang Trung đông vui như những ngày hội lớn. Ông Nguyễn Công Hiệu, Trưởng ban quản lý chợ cùng đi với chúng tôi cho biết: Sau khi có chủ trương của trên và kế hoạch của Công ty, Ban Giám đốc Công ty và Ban quản lý chợ đã tiến hành nhiều bước khá là khó khăn phức tạp, từ tuyên truyền vận động người dân nhượng đất ruộng cho Nhà nước, từng bước giải quyết ổn thỏa về giá đền bù, giải phóng mặt bằng, thực hiện quy hoạch, lo tiền vốn, nhân lực, thiết kế, thi công, giải quyết các mối quan hệ thỏa đáng rồi mới bắt tay vào xây dựng. Được sự ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình nhiều mặt của cấp ủy Đảng, Chính quyền và nhân dân phường Quang Trung, đặc biệt là sự phối kết hợp chặt chẽ và tốt đẹp giữa công ty, ban quản lý chợ và cán bộ, nhân dân các tổ dân phố 38, 47, 48, 49, 50, chợ Quang Trung đã được khởi công xây dựng ngày 21/12/2007, khánh thành năm 2009, với tổng diện tích 8.513 m2. Ông Nguyễn Công Hiệu vui mừng nói thêm: chợ Quang Trung có nguồn hàng hóa rất phong phú từ nhiều nơi trong tỉnh, trong nước đổ về. Đó là chim, thu, nụ, đé, là cá mực, cá nục, cá cơm, cá khoai, là tôm sú, tôm rảo, tôm càng, là cua, cáy, ghẹ, ngao, don, vọp, là nước mắm thượng hạng và các mặt hàng hải sản khác từ miền biển Thái Thụy, Tiền Hải đưa lên. Đó là cá sông, tôm sông, cá hồ, tôm hồ, là chạch lươn, cua, ốc, hến, trai, cua đồng từ những sông ngòi, ao hồ, đồng bãi ở miền Vũ Thư, Kiến Xương, Đông Hưng, Quỳnh Phụ... mang đến. Đó là vải vóc lụa là, áo khăn từ Phương La, làng Mẹo và các làng ở Hưng Hà. Là dưa hấu, dưa gang, dưa lê, là tỏi hành từ các cánh đồng Thụy - Thái. Là gà ngon và trứng gà Vũ Tiến, Tân Lập, Vũ Vân, Vũ Chính... Là chè làng Mét, là thuốc lào làng Giành, Thái Thụy, Vĩnh Bảo, là rau sạch Tân Lập, Vũ Vân, Bách Thuận... Là bún Vũ Hội, bánh đa Quỳnh Côi, bánh cốm Thanh Hương, bánh cáy làng Nguyễn, Là bánh giò Vũ Phúc, bánh đúc Song An, bánh gai Đại Đồng, Tường An, bánh dầy giò Lịch Động, bánh chưng cầu Báng... Rồi mít dai Song Lãng, mít mật Hòa Bình, là dao An Tiêm, hái liềm Ô Mễ, lá sứ Hải Dương, gốm Bát Tràng, là hoa tươi Thuận Vy, Tống Văn, Tống Vũ... Hình như chỉ nghe tên “Quang Trung”, nhiều của ngon vật lạ từ nhiều miền đất nước cứ rủ nhạu về nơi này mỗi ngày một đông. Này nhé: Chuối Đại Hoàng Rồng vàng xứ Đông Cam Cao Phong Nhãn lồng Hưng Yên Chè Thái Nguyên Sầu riêng Nam Bộ Quế, hồi Nghĩa Lộ Táo mèo Sơn La Cá ngựa Khánh Hòa Cua ra Cồn Cỏ... Hình như là Thứ gì cũng có Ở chợ Quang Trung... Thế rồi, sáng nào cũng như sáng nào, nồi cá kho từ làng Vũ Đại cũng kịp bay sang làm thơm lừng một góc chợ Quang Trung. Ngào ngạt nhất là hàng ăn. Hàng bánh cuốn nóng, bún cá, bún thịt, bún cua, bún chân giò (nhất là bún chân giò bà Thúy) sáng nào cũng đông khách. Nhưng tấp nập nhất có lẽ lại là hàng tôm cá. Cá trắm, cá chép, cá trôi, cá mè, cá quả, cá rô... cứ bơi lội tung tăng trong những thuyền sơn, thúng sơn, thùng tôn, chậu nhựa. Khách ưng con nào cứ việc chỉ để người bán bắt lên. Cua cáy bò lạo xạo trong rổ, trong chậu, tôm tép nhảy lao xao trong mẹt, trong sàng. Thế rồi những lời mời chào đon đả, những đôi mắt sáng, những nụ cười tươi... tất cả đã làm sáng lên một góc chợ vào những ngày trời mưa, làm ấm lên một góc chợ vào những ngày trời lạnh giá. Những ai không được một lần đi chợ chắc chắn không thể hiểu được câu nói “mồm mép như tép nhảy” là thế nào. Vâng, cá tươi, tôm tép tươi ở mẹt ở sàng càng để đến trưa thì càng nhanh bị ươn, bị chết. Người bán phải đon đả mời chào, phải “mồm mép như tép nhảy” mới mong không bị ươn, bị ế. Chớ có mà “già kén, kẹn hom”, có mà lỗ chổng chơ ra đấy. Thế rồi đến hàng thịt, hàng mỡ, hàng lòng. Các cô hàng thịt, cô nào người cũng chắc lẳn, khỏe khoắn. Cô nào cũng tay dao, tay thớt, sẵn sàng thái, chặt nhưng miệng cô nào cũng tươi như hoa và giọng nói cô nào cũng ngọt như mía... Người ta vẫn bảo chanh chua đanh đá như hàng cá, hàng thịt. Nhưng đã nhiều năm rồi, và hôm nay nữa, chúng tôi thấy, hàng cá hàng thịt chợ Quang Trung này vui lắm. Đã mua thì lần nào cũng được thêm lên một miếng. Mà không mua thì cũng được tặng một nụ cười... Chúng tôi đến hàng trái cây. Nhãn, táo, hồng, lê, chuối tây Đại hoàng, chuối lùn trứng cuốc, rồi cam vàng, thị vàng, na thơm mở mắt. Những cô hàng trái cây cô nào má cũng hây hây như màu trái chín. Rồi hàng rau tươi. Những cô hàng rau sạch phải dậy từ ba giờ sáng hái rau xếp lên quang. Gánh rau kĩu kịt trên đôi vai tròn. Các cô “bán cái tươi non” cho người và nhận về những đồng bạc lẻ nhưng trong lòng vẫn vui là vì “Trưa rồi hết gánh rau to/ em tôi chiếc bóng tròn vo trên đường”... Đã hơn mười năm kể từ ngày thành lập chợ, nhưng chợ Quang Trung là một trong những ngôi chợ yên bình đông vui nhất trên quê hương Thái Bình. Từ khắp các miền quê trong tỉnh (và cả trong nước), mỗi người một niềm vui. Sáng nào cũng như sáng nào, trăm người, nghìn người ai nấy gánh niềm vui về chợ. “Niềm vui chẳng ai thừa/ Nhưng được cùng trao đổi/ Để những gì tươi mới/ Cứ ngời ngời sáng lên...” Trăm người bán, vạn người mua” ở nơi này đã trở thành những người bạn. Không có một vụ mất trộm mất cắp nào. Không có một vụ mất an ninh trật tự nào. Không có một vụ mất an toàn thực phẩm nào. Không có một vụ cháy nổ và mất an toàn về điện. Ma túy, mại dâm, và các tệ nạn xã hội đã dần dần vắng bóng ở nơi đây. Trưa rồi nhưng chợ Quang Trung vẫn còn nhộn nhịp. Chợ Quang Trung không có phiên, không có chợ sáng, chợ chiều. Mà ngày nào cũng là phiên, buổi sáng cũng là phiên, buổi chiều cũng là phiên. Bất cứ ta cần thứ gì từ nhẫn vàng, tủ lạnh, ti vi đến cái kim, cái đinh ốc, cái chổi quét nhà, từ cá mú thịt thà đến đồng quà tấm bánh, bất cứ lúc nào cần thứ gì ta chỉ cần chạy ra chợ là có ngay. Các cụ nhà ta từ xưa đã có câu “nhất cận thị”. Gần chợ là mua bán được thuận tiện, mất thời gian ít nhất mà vẫn được hưởng nhiều lợi ích, có nhiều thời gian tự do để chăm sóc cho mình và người thân của mình. “Cận thị” (gần chợ) là một trong những tiêu chí hàng đầu tạo điều kiện cho con người sung sướng. Các cụ nhà ta từ xưa cũng đã nói “an cư lạc nghiệp”. Chỗ ở chắc chắn, đẹp đẽ ở một môi trường trong lành là điều kiện đầu tiên cho con người mưu sinh tốt nhất, cho con người sống khỏe, sống vui và trường thọ. Người chăm lo cho một bộ phận không nhỏ người dân ở thành phố ta được “an cư lạc nghiệp” và “cận thị” như nói ở trên chính là Công ty CPTVXD Thành Công và ông Nguyễn Công Kỳ, một người lính, một doanh nhân có tâm, có tài đáng quý. Chia tay với ông Nguyễn Công Kỳ và Nguyễn Công Hiệu ra về, chúng tôi nói vui với nhau là: ai đó cứ đi tìm kiếm nơi nào đáng sống nhất Việt Nam ư? Ở đây chứ ở nơi nào nữa? Chính ở nơi chi chít những hố bom xưa kia (như có phép màu) đã hiện lên một trung tâm thương mại sầm uất, một tòa nhà 18 tầng, một trong những tòa nhà cao nhất tỉnh, một khụ đô thị khang trang đầy đủ tiện ích, với môi trường trong lành và một ngôi chợ đông vui như ngày hội... Chính ở nơi này... Chính ở nơi này... Chứ ở nơi đâu? Xưa kia giặc Mỹ đã gieo xuống nơi này. Nhưng, chúng ta, những con người được sinh ra từ mảnh đất của người anh hùng Nguyễn Đức Cảnh, những con người mang trong mình dòng máu Lạc Hồng (trong đó có doanh nhân Nguyễn Công Kỳ, có chúng ta) đang ngày ngày gieo xuống nơi này những hạt giống của sự sống, của ấm no, hạnh phúc đáng sống nhất ở trên đời. Những hạt giống này chắc chắn và sẽ ngày ngày sinh sôi, nảy nở thành cây, thành rừng xanh tốt và đơm hoa thơm, kết trái lành trên quê hương thân yêu của chúng ta.