NHIẾP ẢNH GIA PHỤC ANH
(NỐI NGHIỆP ÔNG CHA RẠNG DANH NGHỀ LÀM ẢNH)
CAO BÁ KHOÁT
Chiếc xe Toyota Fuzota bon bon trên đường 39, thẳng tiến đến thị trấn Diêm Điền. Ngồi thoải mái trên xe, tôi sực nhớ tới lời nói của một ông nhà văn mà tôi vô cùng trân quý: “Đến Diêm Điền, nên đến nhà hàng Ngôi Sao, chủ nhà hàng sang trọng đó là Thúy Hằng, vợ nhiếp ảnh gia Phục Anh. Phục Anh là một nghệ sỹ nhiếp ảnh đa tài, con nhà nòi. Ông thân sinh ra Phục Anh là chi hội trưởng chi hội nhiếp ảnh Việt Nam tại Thanh Hóa. Đến Ngôi Sao, ông sẽ thu lượm được rất nhiều tư liệu có giá trị về gia đình Phục Anh”. Đây rồi, nhà hàng Ngôi Sao và hiệu ảnh kĩ thuật số Phương Anh đã hiện ra trước mắt chúng tôi. Phục Anh ra tận cổng đón khách, anh dẫn chúng tôi đi thăm quan phong cảnh nhà hàng. Một cái bể cá cảnh xinh xắn, bốn cái bể nuôi cá song vững chắc, một vườn bonsai với rất nhiều cây quý dáng đẹp, mát mắt. Toàn bộ khu nhà hàng khá rộng, khoảng hơn một ngàn mét vuông, tiếp giáp với quảng trường lớn và trụ sở trung tâm văn hóa thể thao huyện Thái Thụy. Ngay cạnh nhà hàng ăn uống “Ngôi Sao” là tiệm ảnh kĩ thuật số và áo cưới Phương Anh (Phục Anh lấy tên của con gái lớn làm tên tiệm ảnh kĩ thuật số). Trước mặt nhà hàng Ngôi Sao là đoạn đường đôi của khu 1 thị trấn Diêm Điền. “Một nhà hàng ở vào khu đất rất đắc địa”. Khi đã yên vị trong gian nhà khách, tôi choáng ngợp bởi rất nhiều bằng khen, giấy chứng nhận và phần thưởng mà nghệ sĩ nhiếp ảnh Phục Anh đã nhận được trong gần hai mươi năm cầm máy. Phục Anh là con người kín kẽ, anh không muốn khoe thành tích của mình, nhưng với kinh nghiệm của hơn 40 năm làm báo chuyên nghiệp, tôi đã moi được khá nhiều tư liệu quý. Nguyễn Phục Anh sinh ngày 10 tháng Tám năm 1977, tại một gia đình có nghề làm ảnh truyền thống ở Thọ Xuân, Thanh Hóa. Phục Anh rất tự hào vì quê hương anh là nơi phát tích của hai triều đại nhà Lê (Lê Lợi và Lê Hoàn). Cụ nội của Anh là Nguyễn Khắc Khoan, cụ là một trong những người mang nghề ảnh về đất Thanh Hóa. Rất nhiều hiệu ảnh ở Thanh Hóa thời bấy giờ là con cháu và học trò của cụ. Ông nội của Phục Anh là nhà báo Nguyễn Sang, phóng viên ảnh của báo Nhân Dân. Bố đẻ của Phục Anh là chi hội trưởng chi hội nhiếp ảnh Việt Nam tại Thanh Hóa. Đến đời Phục Anh, tham gia hội văn học nghệ thuật Thái Bình năm 2012, được bàu là chi hội trưởng chi hội nhiếp ảnh, Anh còn là hội viên hội nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam và là hội viên liên đoàn nhiếp ảnh thế giới FIAP, với tước hiệu AIAP . Duyên cớ nào dẫn dắt Phục Anh từ Thọ Xuân, Thanh Hóa đến Diêm Điền? Mặc dù cả gia đình đã ba đời làm nghề ảnh, nhưng Phục Anh lại xin thi vào đại học bách khoa Hà Nội (chuyên ngành kĩ thuật). Tốt nghiệp Đại học, Phục Anh về công tác tại cảng Hải Phòng 2 năm. Khi thấy Thái Bình phát triển mạnh nghề tàu biển, Phục Anh xin chuyển công tác về cảng Diêm Điền, Thái Thụy, Thái Bình. Trong những năm tháng công tác tại Diêm Điền, Phục Anh thường xuyên đến các danh lam thắng cảnh của miền biển nơi đây, Anh vào các hiệu ảnh ở Diêm Điền, làm quen với bác Khánh, bác Thúy. Vợ chồng bác Khánh là chủ một hiệu ảnh nổi tiếng ở vùng này. Sau đó, Phục Anh làm quen với ông Nguyễn Mạnh Thắng, một người rất đam mê nghệ thuật, nhất là văn hóa, thể thao. Nhà ông Thắng có cô con gái tên xinh đẹp, là Nguyễn Thúy Hằng. Thúy Hằng sinh năm 1980, duyên dáng nết na, có đôi bàn tay biết chế biến đặc sản biển thành những món ăn hấp dẫn. Mới đầu thì quen nhau, sau đó là tình yêu nẩy nở và Phục Anh, Thúy Hằng đã tổ chức lễ cưới tại Thanh Hóa vào năm 2006. Con đầu lòng của Anh, Hằng được đặt tên là Phương Anh. Thúy Hằng tâm sự: “Gia đình Hằng có đến năm đời chuyên nghề làm ảnh. Một gia đình có nghề ảnh gia truyền lâu năm trên đất Thái Bình”. Cụ nội của Thúy Hằng là một trong những người có tay nghề cao, có kinh nghiệm giỏi, cụ và mấy anh em ruột thịt chung lưng, đấu sức mở các hiệu ảnh đầu tiên trên đất Diêm Điền. Một vài cụ từ dòng họ Nguyễn Diêm Điền chuyển cư sang Tiên Hưng, định cư ở đó và cho ra đời các hiệu ảnh nghệ thuật. Bố vợ của Phục Anh tuy rất đam mê nghệ thuật, rất say ca hát và thể thao, nhưng ông không nối nghề làm ảnh của các bậc tiền nhân. Hiện tại, vợ chồng Phục Anh có trong tay một nhà hàng ăn uống mang biển hiệu “Ngôi Sao”, ngoài ra họ còn có thêm cửa hàng cho thuê áo cưới và hiệu “Ảnh kĩ thuật số Phương Anh”. Đây là nơi tác nghiệp của nhiếp ảnh gia Phục Anh. Bé gái lớn của Phục Anh- Thúy Hằng, học sinh phổ thông trung học rất ngoan, bước đầu được bố mẹ cho tiếp xúc với nghề ảnh gia truyền. Phương Anh thường xuyên đi cùng bố, học cách chọn góc độ, học cách tạo dáng, cách bố cục một bức ảnh, cách potosoop… Những ngày nghỉ Phương Anh được bố cho mang máy đi chụp ảnh cho trường, cho lớp, cho bạn bè… Nói về thành tích của Phục Anh thì trước hết phải kể đến các tác phẩm tiêu biểu nhất như Hội xuân làng tôi; Laborius; DinosaurbackboneTaXua; Em bé H’ Mong; H’Mong ba by, Tràng An vào hội. Các tác phẩm đoạt giải cao gồm có: Huy chương đồng liên hoan ảnh nghệ thuật đồng bằng sông Hồng năm 2019. Từ năm 2009 đến 2020 Phục Anh có 27 tác phẩm được chọn trưng bày triển lãm ảnh nghệ thuật đồng bằng sông Hồng. Đây là một thành tích mà không phải ai cầm máy cũng đạt được điều đó. Từ 2011 đến năm 2013, nghệ sỹ nhiếp ảnh Phục Anh có 2 tác phẩm được trưng bày trong cuộc thi ảnh quốc tế tại Việt Nam, Năm 2013, Phục Anh đoạt giải nhì triển lãm ảnh Mỹ thuật Thái Bình. Năm 2017, đoạt giải nhất cuộc thi kịch bản thông tin, triển lãm và ảnh nghệ thuật Thái Bình. Vinh dự cho Phục Anh là năm 2012, được tặng bằng danh dự của liên đoàn nhiếp ảnh thế giới FIAP tại cuộc thi ảnh nghệ thuật Hà Lan và tại vương quốc Bỉ. Bằng danh dự của liên đoàn nhiếp ảnh Hoa Kì PSA tại cuộc thi ảnh nghệ thuật Indonesia, bằng danh dự của liên đoàn nhiếp ảnh thế giới FIAP tại cuộc thi ảnh nghệ thuật tại Ấn Độ. Phục Anh đã đoạt giải nhất giải thưởng Văn học nghệ thuật mang tên nhà bác học Lê Quý Đôn giai đoạn 2007-2012 cùng rất nhiều bằng khen của Hội nhiếp ảnh Việt Nam và các cấp, các ngành Trung ương và địa phương. Một kỉ niệm khắc sâu vào tâm khảm của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phục Anh là: Anh đăng kí tham gia cuộc thi ảnh nghệ thuật đồng bằng sông Hồng năm 2012, vẫn biết đây là cuộc thi rất khó, có thể nói là khó nhất thế giới. Việt Nam là một quốc gia có nền nghệ thuật nhiếp ảnh rất cao. Cuộc thi đón nhận 17.000 bức ảnh của 1516 tác giả tham gia. Đây là một cuộc thi hội tụ những nghệ sĩ nhiếp ảnh tầm cỡ quốc gia, những bức ảnh có chất lượng cao nhất, nhiều tác giả đã tham gia các cuộc thi quốc tế, đã đoạt nhiều giải vàng, phần thưởng lớn. Ban tổ chức đã chọn được 250 bức ảnh để trao giải và trưng bày triển lãm, Thái Bình có 2 tác giả được trao giải là Phục Anh và Duy Đông. Niềm vinh hạnh lớn cho 2 tác giả, cho văn học nghệ thuật Thái Bình và tỉnh Thái Bình. Mới đây, Phục Anh được trao giải khuyến khích cho bức ảnh” Cho dòng điện chảy ngày mai”. Phục Anh say sưa kể: “Trong một chuyến đi săn ảnh, Phục Anh đến thăm trang trại nuôi lợn công nghiệp của một hội viên đang sinh hoạt trong chi hội nhiếp ảnh. Đây là trang trại của doanh nhân Nhâm Xuân Tiến, nguyên phóng viên kì cựu của đài phát thanh truyền hình Thái Bình. Thấy công nhân đang lắp đặt tấm pin mặt trời trên mái nhà, Anh đã chọn góc độ, chỉnh ánh sáng và chụp được những tấm ảnh rất đạt yêu cầu. Tấm ảnh đó đã được trao giải khuyến khích trong liên hoan ảnh nghệ thuật toàn quốc tại miền quê quan họ Bắc Ninh”.