NGƯỜI SUỐT ĐỜI LƯU GIỮ NHỮNG KÝ ỨC THỜI HOA LỬA
Ngày: 12/08/2022
Rời quân ngũ về với đời thường, dù đã ở “tuổi xưa nay hiếm” nhưng cựu chiến binh Nguyễn Văn Tích, thôn 3, xã Vũ Quý (Kiến Xương) vẫn trân trọng giữ gìn những kỷ vật, ký ức, kỷ niệm thời quân ngũ, nơi ông đã đóng góp vào công cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

NGƯỜI SUỐT ĐỜI LƯU GIỮ NHỮNG KÝ ỨC THỜI HOA LỬA

                                                                    PHI HẢI

 

Rời quân ngũ về với đời thường, dù đã ở “tuổi xưa nay hiếm” nhưng cựu chiến binh Nguyễn Văn Tích, thôn 3, xã Vũ Quý (Kiến Xương) vẫn trân trọng giữ gìn những kỷ vật, ký ức, kỷ niệm thời quân ngũ, nơi ông đã đóng góp vào công cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Những kỷ vật trong căn phòng được mệnh danh là “Phòng Hồ Chí Minh” như những nhân chứng lịch sử hào hùng được ông để trên tầng ba của căn nhà, nơi trưng bày trang trọng bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trên nền bức đại tự: “Không có gì quý hơn độc lập tự do" - lời Bác Hồ hiệu triệu quân và dân cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược năm 1966. Đây là cả cuộc đời tôi theo cách mạng và làm theo lời Bác Hồ dạy – người cựu chiến binh khẳng định. Mỗi khi có bạn bè, đồng đội hay khách đến thăm, người cựu chiến binh năm xưa lại hăng hái thoăn thoắt leo lên các bậc cầu thang dẫn lên tầng ba ngôi nhà rồi say sưa kể không biết mệt về lịch sử các kỷ vật. Ông tự hào về tấm bằng Huy hiệu 70 năm tuổi đảng, Huân chương Quân công hạng Ba được Đảng, Nhà nước trao tặng và xúc động rưng rưng trước tấm bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Nguyễn Mạnh Chiến - người con trai cả của ông hy sinh năm 1971 tại chiến trường miền Nam. Như người cựu chiến binh tâm sự về cả cuộc đời theo Đảng làm cách mạng, ông sinh ngày 3/2/1930, đúng ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1945, chàng thanh niên quê lúa gia nhập phong trào thanh niên phản đế rồi tham gia cướp chính quyền ở huyện Vũ Tiên (nay là huyện Vũ Thư) rồi vào du kích của xã Thường Kiệt (nay là xã Vũ Quý) tham gia bảo vệ buổi Lễ thành lập Tỉnh đội Dân quân Thái Bình ngày 20/4/1947 tổ chức tại khu nhà Séc, phủ Sóc, huyện Kiến Xương. Tháng 10 năm 1950, chàng trai quê lúa nhập ngũ và được biên chế vào Đại đội Đề Thám, một trong bốn đại đội đầu tiên của Tỉnh đội Dân quân Thái Bình. Sau đó được điều về Trung đoàn 50 trực thuộc Liên khu 3, tham gia chiến đấu đánh đồn, phá bốt, diệt tề, góp phần xây dựng lực lượng vũ trang cơ sở của tỉnh Thái Bình. Giữa năm 1953, anh Bộ đội Cụ Hồ cùng đồng đội hành quân vào Thanh Hóa huấn luyện làm lực lượng dự bị chiến lược trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Cuốn sách “Lịch sử Trung đoàn Tên lửa 263”, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phát hành năm 2006 được lưu giữ cẩn thận tại “viện bảo tàng gia đình” phản ánh chiến công oanh liệt của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn trong đó có những đóng góp xứng đáng của người cựu chiến binh Nguyễn Văn Tích với 294 trận đánh ác liệt, bắn rơi 67 máy bay, trong đó có 9 pháo đài bay B52 của Mỹ, được Nhà nước tuyên dương Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Sau khi hoà bình được lập lại ở miền Bắc, từ Lữ đoàn Pháo binh 368 người chiến sĩ Điện Biên được cử đi học tại Trung Quốc rồi được điều về Trung đoàn Pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô Hà Nội khi đế quốc Mỹ điên cuồng tiến hành chiến tranh đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân. Năm 1967 sau khi kết thúc khóa học kỹ thuật tên lửa ở Liên Xô, “người lính canh giữ bầu trời” được điều về Trung đoàn Tên lửa 263, giữ chức Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 56 bảo vệ bầu trời các tỉnh Quân khu 4. Một dấu ấn oanh liệt bảo vệ bầu trời miền Bắc xã hội chủ nghĩa là trận đánh ngày 22/11/1972, khi trên cương vị Trung đoàn phó, ông đã cùng kíp chiến đấu bắn rơi 2 máy bay B52 của Mỹ trên bầu trời khu vực huyện Đô Lương và huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Chính kinh nghiệm chiến đấu đó đã góp phần đánh thắng 12 ngày đêm trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không ở thủ đô Hà Nội năm 1972. Người lính tham gia chiến dịch “Lừng lẫy Điện Biên chấn động địa cầu”, sau trận “Điện Biên Phủ trên không” lại vinh dự tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh với chức Trung đoàn trưởng đơn vị bảo vệ trên không cho các cánh quân phía Bắc, Tây Bắc tiến vào giải phóng Sài Gòn, sau đó tiếp tục huấn luyện chiến đấu, xây dựng Trung đoàn Tên lửa 263 và xuất ngũ với cấp bậc trung tá. Ở tuổi 93 ông chia sẻ về gần 10 năm ở Trung đoàn Tên lửa 263 và nhớ như in về trận chiến đấu ngày 28/8/1969 trên cương vị Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 56, cùng kíp chiến đấu phóng một quả đạn, bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay không người lái nhãn hiệu 147s của Mỹ, được Bác Hồ gửi tặng lẵng hoa. Ông cũng không quên kỷ niệm khó phai mờ khi đơn vị được tham gia bảo vệ vùng trời khi Lãnh tụ Fidel Castro, Chủ tịch nước Cộng hòa Cu Ba vào thăm vùng giải phóng tỉnh Quảng Trị tháng 9/1973 và khi đơn vị được đại diện cho Binh chủng Tên lửa tham gia diễu binh mừng đại thắng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước tổ chức ngày 15/5/1975 tại thành phố mang tên Bác. Xuất ngũ nhưng người cựu chiến binh luôn tỏa sáng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ khi tham gia làm kinh tế gia đình, ông làm đủ mọi việc, từ đào ao, đóng gạch, lấp trũng, làm nhà, thậm chí bán hàng tạp hóa ở thị tứ phủ Sóc, đặc biệt là tham gia công tác xã hội. Việc của Đảng, của Hội ông đều tham gia nhiệt tình với trách nhiệm của một đảng viên, một hội viên Cựu chiến binh với nhiều việc làm thiện nguyện nêu gương sáng phẩm chất Bộ đội cụ Hồ.