NGƯỜI HÀNH KHẤT
Ngày: 17/01/2023
Chững chạc trong bộ thường phục và chiếc cặp da màu nâu, Việt thong thả từ trên xe bước xuống quãng đường tháng trước anh đã qua đây. Tim anh thổn thức đổ dồn nhịp đập. Sáng nay, trời ửng hồng. Núi đồi lồ lộ phơi ra bộ ngực mẩy, căng của nó. Dòng Lô Giang vời vợi màu xanh huyền ả

NGƯỜI HÀNH KHẤT 

                                                               Truyện ngắn NGUYỄN VĂN THỤC

Chững chạc trong bộ thường phục và chiếc cặp da màu nâu, Việt thong thả từ trên xe bước xuống quãng đường tháng trước anh đã qua đây. Tim anh thổn thức đổ dồn nhịp đập. Sáng nay, trời ửng hồng. Núi đồi lồ lộ phơi ra bộ ngực mẩy, căng của nó. Dòng Lô Giang vời vợi màu xanh huyền ảo. Việt quanh đi quẩn lại mấy lần trên quãng đường này, như để tìm một cái gì quý nhất của đời mình, đã cất giấu nơi đây. Trước mặt anh, ngay cạnh đường đi là một nấm mồ mới, chơ vơ, lạnh lẽo. Trên lấm mộ ấy, loáng thoáng có mấy chân hương xiêu vẹo. Bên cạnh có vài ba xấp tiền âm phủ màu xanh, được đặt dưới vài viên đá nhỏ. Anh giật mình hỏi ra mới biết: Đây là mộ một ông lão ăn mày chưa kịp vào an dưỡng đường, mới chết vài tuần qua! Ngày tháng phôi pha, kẻ qua người lại, nhặt đất đá đắp điếm cho ông. Có người làm thế vì thương cảm. Có người bắt chước để cầu phúc, cầu tài. Người ta nghĩ rằng bỏ ra một đống tiền âm phủ để mong thu về hàng chục triệu bạc dương gian!.... Việt không nghĩ thế, nhưng anh cũng ngồi xuống, thắp một nắm hương, đắp điếm mấy hòn đá vào mộ, lòng thầm nghĩ: phải chăng, ân nhân của mình là linh hồn đã khuất dưới mộ? Hay là người vẫn còn đang lận đận giữa chốn dương gian? Cụ ơi! Nếu cụ là người còn sống, bây giờ cụ ở đâu? Cháu đã trở lại đây và đang tìm cụ. Cụ là người bằng xương, bằng thịt hay chỉ là hình bóng cõi hư vô? Thân hình già nua, quắt queo của cụ vì nắng mưa, sương gió mà lòng cụ lại vằng vặc như ánh trăng rằm! vậy là nhân đức lại đẻ ra từ những cuộc đời bất hạnh! Có phải sau khi dốc lòng Minh họa: ĐỖ NHƯ ĐIỀM 36 VNTB 01(264) - 2023 TRUYỆN NGẮN đêm ấy, cụ lả đi và gục xuống trong sương giá giữa núi đồi này? Nếu thế, cháu còn làm sao đang tâm mà sống được? Bởi cháu, chính cháu đã đẩy thần chết về phía cụ mà đoạt lấy sự sống trên tay cụ đấy. Cụ ơi! Việt khóc. Việt thực sự khóc trước nấm mồ trơ trọi, như quên hẳn mình là một chàng trai gan góc, chưa từng biết khóc là gì! Trong tâm trí anh, buổi tối hôm về phép cách đây mới hơn một tháng, lại quằn quại diễn ra. Chiều ấy, đã hơn hai tiếng đồng hồ chờ đợi, lòng như lửa đốt, Việt xách chiếc cặp đứng dậy, lững thững bước đi trên vạt cỏ phủ trắng bụi đường. Mặt trời đỏ ối đang tụt nhanh khỏi những ngọn núi nhấp nhô bên kia sông chảy. Từng đàn chim thoi thóp bay về phía núi mờ xa. Mấy lần rồi, cứ nghe tiếng xe rì rì tới gần là lòng Việt lại xốn xang, hồi hộp. Anh bước vội ra lòng đường, rối rít vẫy tay. Chiếc xe khách phanh kít lại. Cửa mở ra. Việt mừng rỡ bước lên, thở phào nhẹ nhõm. Nhưng chưa kịp đứng vững ở bậc cửa ra vào, người phụ xe đã hỏi. Tiền? Việt thấy nhói lên trong lòng, mặt mũi đỏ bừng, giọng anh bối rối: - Tôi… tôi không may… xin các anh làm ơn… cho đi nhờ… tới thị xã, tôi sẽ… Không để Việt nói hết câu, người xế phụ cau mày, ẩy mạnh một cái. Mất đà, Việt loạng choạng rớt xuống đường! Việt chưa bao giờ thấy nhục nhã, ê chề và bức xúc như vậy. Nhưng sự đời là thế. Khi rỗng túi, chẳng có một xu, thì thượng đế cũng như kẻ ăn mày! Bất giấc, Việt thấy lòng mình dịu đi đôi phần. Anh lại thả từng bước nặng nề trên vạt cỏ. Phải! cứ đi rồi khắc đến. Có nhà văn nào đã nói như thế nhỉ? Việc chi phải bận tâm với người đời! Vả chăng, có phải ai cũng như gã phụ xe ấy. Biết đâu, chẳng gặp một tài xế nhân từ, một người nào quen biết, hoặc một mái nhà sàn bên chân đồi… - Chú ơi! Xin chú làm phúc. Giúp ông cháu kẻ mồ côi! Việt giật mình quay lại. Một ông già lụp xụp chiếc nón mê, che gần kín mặt, sừng sững đứng ngang sau lưng anh, tay dắt đứa trẻ gầy nhom. Bàn tay nó xòe rộng trước mặt. Ông già lẩy bẩy như tàu lá héo. Đứa trẻ ngơ ngác như nai con lạc mẹ! - Vì quá bất ngờ, Việt chẳng biết xử trí ra sao. Theo thói quen anh giơ tay sờ hết túi áo, túi quần. Chợt nhớ ra, anh ngẩn người nhìn ông lão. - Cụ ơi! Trông cụ và em bé, cháu cũng… muốn giúp. Nhưng… nhưng thực tình cháu không còn một xu nào cả? Ánh mắt đứa bé như ngọn đèn phụt tắt. Nó rụt tay lại, toan bước đi. Nhưng người ông còn nán lại nhìn vào mặt Việt: Ừ! Chú nói đúng đấy. Những người sang trọng như chú, bây giờ có mấy ai để tiền trong túi mà đi du lịch đâu! Việt choáng váng, như bị xỉa một mũi dao vào tận ruột. Anh nhăn nhó giọng méo đi. - Cháu không nói dối đâu cụ ạ. Cháu mới bị móc túi mất hết tiền giấy tờ và vé xe. Vì thế bị tài xế đuổi xuống dọc đường, phải đón xe xin đi nhờ mấy lần mà không được! Ông già có vẻ lơ đãng: - Sao chú không nói khó với người ta?- Cháu có nói, nhưng bây giờ, lời lẽ nào thay được đồng tiền hả cụ? - Thế chú ở đâu, về đâu mà mà nên cơ sự ấy? - Cháu quê Thái Bình, đóng quân ở Vĩnh Phú, được phép tranh thủ về thăm nhà. Ông già ngạc nhiên: - Trông chú ăn vận như giám đốc, mà lại là bộ đội à? Kẻ cắp chắc nó thấy Sếp "xộp" nên mới hỏi thăm đấy thôi! Việt cười: - Ngày chủ nhật cháu vận thường phục cho tiện. Kẻ cắp nó chẳng cần biết "xộp" hay không đâu cụ ạ. Ông lão lại nhìn vào mắt Việt, rồi lại chợt nhớ ra điều gì. - Tôi bảo chú này: Cách đây hơn cây số, chỗ cây đa to bên đường phía trước kia kìa, còn một chuyến xe cuối cùng về xuôi. Chú nên rảo cẳng tới đó mà đi, chứ quanh quẩn ở đây qua đêm một mình không ổn đâu. Khu này toàn rừng rú, không có nhà dân, trộm cướp nhiều lắm. - Cảm ơn cụ! Cháu cũng muốn như thế nhưng…nhưng… - Ông già im lặng, thong thả luồn tay vào cạp quần, lôi ra chiếc túi vải con, lóng ngóng rút mấy đồng giấy bạc quăn tít như ngón tay: Đây…đây. Lão còn ít tiền chưa dùng đến. Giúp chú cái vé xe để về quê. Lão cũng dân Thái Bình mà. Rõ khổ! Bộ đội được về phép mấy ngày mà… Việt sững người nhìn ông lão ăn mày, rồi kêu lên: Ấy chết! cụ ơi! Cháu không dám lấy tiền của cụ đâu. Chẳng có biếu cụ thì chớ, chứ lấy tiền của cụ, hai ông cháu cụ biết sống bằng gì! Ông già bật ra tiếng cười và vỗ vào cạnh sườn: - Không phải lo! Không phải lo! Ông cháu tôi còn tiền. Không chết được đâu mà sợ. Mới lại lão và con bé này cũng sắp vào an dưỡng đường rồi. Chú cứ cầm lấy. Bộ đội với dân, đừng có khách khí làm gì! Rồi cụ nhét tiền vào túi áo Việt, ngoắt đi rảo bước. Đầu óc Việt quay cuồng, mắt hoa lên. Anh vội đuổi theo ông cháu người hành khất, nhưng vấp phải hòn đá. Anh ngồi thụp xuống ôm lấy bàn chân tóe máu. Khi đứng được dậy thì hai người ấy đã rẽ vào một hẻm núi rồi. Việt đứng ngây người. Tự nhiên từ khóe mắt ứa ra những giọt nước, từ từ lăn xuống gò má. Anh bàng hoàng ngỡ mình đang trong một giấc mơ. Chẳng lẽ trên đời lại có chuyện bất ngờ đến thế? Người ăn mày đi bố thí! Còn người nhận bố thí lại chính là… ta! Thì ra trên đời này vẫn không thiếu người tốt… Mà người tốt đầu tiên mình gặp lại là ông già hành khất! Trời đã tối hẳn. Việt ghé nhìn chiếc đồng hồ có dạ quang đeo tay. Bẩy giờ năm mươi tám phút. Anh chợt nhớ ra hôm nay là ngày 22 tháng 12. Mình được về phép đúng vào cái ngày không thể quên. Từ phía trước mặt, tự nhiên vang lên tiếng còi ô tô gọi khách. Việt hối hả chạy tới. Vừa hay, chiếc ô tô chuyển bánh. Anh ngoái nhìn phía sau. Màn đêm dày đặc đã nuốt chửng núi đồi. Bất giác Việt buột ra tiếng thở dài: Trời tối quá, đêm nay cụ già và cháu bé sẽ về đâu?