NÉT ĐẸP VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG CỦA TỤC ĐỐT CÂY ĐÌNH LIỆU Ở LÀNG LỘNG KHÊ XÃ AN KHÊ, HUYỆN QUỲNH PHỤ, TỈNH THÁI BÌNH
Ngày: 12/04/2022

NÉT ĐẸP VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG CỦA TỤC ĐỐT CÂY

ĐÌNH LIỆU Ở LÀNG LỘNG KHÊ XÃ AN KHÊ,

HUYỆN QUỲNH PHỤ, TỈNH THÁI BÌNH

                                                                                          ĐẶNG HÙNG

L àng Lộng Khê, xã An Khê từ xưa đã nổi tiếng là vùng đất cổ, một trong tứ cố cảnh “Đào Động, Lộng Khê, Tô Đê, A Sào” của huyện Quỳnh Phụ. Xã An Khê nằm sát sông Luộc, giáp ngã ba Chanh (làng Chanh). Con sông Luộc tách dòng từ đây (sông Hóa) rồi đổ ra cửa bể Đại Bàng Thụy Trường, Thái Thụy. Có thể nói đây cũng là ngã ba tam tỉnh của Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng. Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, An Khê thuộc tổng Đào Động, huyện Phụ Dực, phủ Thái Bình. Đền Lộng Khê (đền Nhống) thờ Thiền sư Dương Không Lộ và Đức Thánh Hưng Đạo Đại Vương nằm sát bên đường liên xã. Trước cửa đền có hồ rộng, liễu xanh buông rèm, phủ bóng trông rất đẹp. Đền được thiết kế theo kiểu “Tiền chữ Quốc, hậu chữ Công”. Xã An Khê hiện có hai di tích lịch sử cấp Quốc gia và hai di tích lịch sử cấp tỉnh tôn thờ các danh nhân của đất nước. Hiện trong đền Lộng Khê còn hàng chục đạo sắc phong của các triều đại, đặc biệt ở đây còn lưu truyền lễ hội đốt cây đình liệu để tưởng nhớ Đức Hưng Đạo Đại Vương khi người hành quân qua làng Lộng Khê, dừng chân ở đền thờ Thiền sư Không Lộ, trước khi vượt sông Hóa đi đánh trận Bạch Đằng. Theo thần sắc, thần phả, truyền thuyết trong nhân dân ở địa phương và tập tục lễ đốt cây đình liệu còn lưu truyền thì khi Hưng Đạo Vương đi đánh trận Bạch Đằng (trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ ba). Đêm ngày 24 tháng 3 âm lịch năm 1288, người hành quân qua làng Lộng Khê. Gặp lúc trời mưa to, Hưng Đạo Vương vào tránh mưa ở đền thờ Dương Không Lộ (Thiền sư là người đã giúp nhân dân địa phương khai hoang, trị thủy, chữa bệnh cho nhân dân, nên khi ông mất nhân dân Lộng Khê đã lập đền thờ để tưởng nhớ tới ngài). Theo truyền thuyết dân gian thì đêm ấy, Đức Thánh Không Lộ đã hiển linh báo mộng và nguyện âm phù cho Quốc Công Tiết Chế đánh thắng giặc Nguyên Mông. Vì thế sau chiến thắng Bạch Đằng, Hưng Đạo Vương đã tấu lên vua Trần Nhân Tông, nhà vua đã tặng phong cho Dương Không Lộ là: Nam Thiên Thánh Tổ, Lý triều Quốc sư, Anh linh Thượng đẳng thần. Sức cho dân làng sửa sang đền to đẹp như hiện nay. Trong đền Lộng Khê còn đôi câu đối cổ: “Trần thế âm phù thần báo mộng / Lý triều xuất hiện Phật Chấn linh”. Cũng theo thánh tích, thần tích của đền Lộng Khê thì đêm hôm đó, Hưng Đạo Vương truyền gọi dân làng đến đền Dương Không Lộ để nghe lệnh truyền. Trong đêm tối dân làng mỗi người một cây đuốc tụ tập tại sân đền để úy lạo ba quân và nghe lời truyền dạy của Hưng Đạo Vương. Nhiều bó đuốc đến từ nhiều hướng trong làng được tập trung lại thành một bó đuốc lớn trên sân đền vào tối ngày 24/3 âm lịch năm 1288. Từ đó hàng năm dân làng Lộng Khê thường tổ chức lễ hội từ VNTB 02(259) - 2022 31 TRAO ĐỔI - NGHIÊN CỨU - LÝ LUẬN ngày 22 đến ngày 24 tháng 3 âm và đốt cây đình liệu để tưởng nhớ tới Hưng Đạo Vương khi người dẫn quân qua làng. Tục đốt cây đình liệu có lẽ từ năm thứ 10 niên hiệu Trùng Hưng (1288) đời vua Trần Nhân Tông, hiện còn lưu truyền cho tới tận ngày nay ở làng Lộng Khê. Lễ đốt cây đình liệu là niềm tự hào của nhân dân xã An Khê trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Xét theo Hán học thì hai chữ đình liệu trong Tiểu Nhã Kinh Thi có ghi: - Bó đuốc chưa đốt gọi là “tiêu”. - Bó đuốc đốt lên, cầm trên tay gọi là “chúc” - “trúc” - Cây đuốc lớn được dựng lên từ mặt đất mà đốt gọi là “đình liệu”. Bóng đuốc cây đình liệu còn là sự tượng trưng cho lòng trung trinh trong sáng của người quân tử, người con hiếu thảo, bầy tôi trung với triều đình, quê hương, đất nước. Theo các cụ già trong làng kể lại thì tục đốt cây đình liệu ở Lộng Khê được truyền từ đời này qua đời khác. Cây đình liệu cao hay thấp tùy thuộc vào điều kiện kinh tế và sự đóng góp của dân làng. Nhưng chí ít một cây đình liệu đốt trong lễ hội phải cao từ 10 mét trở lên, có đường kính dưới chân là một mét. Tục rước đuốc và rước cây đình liệu có mối liên hệ biện chứng với nhau. Hay nói cách khác là việc hình thành lên cây đình liệu được khởi nguồn từ rước đuốc theo một nghi thức lễ hội chặt chẽ mang tính tượng trưng, tính nghệ thuật hóa, tạo nên sự uy nghiêm linh thiêng, thành kính đối với các bậc tiền nhân, đồng thời cũng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thông qua đó thể hiện rõ sự cộng cảm tâm linh giữa con người với các bậc thần linh. Biểu hiện sự tập trung, tinh thần đoàn kết gắn bó của cộng đồng dân cư với nhau, tạo nên sức mạnh tổng hợp, vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, xây dựng xã hội trong sạch vững mạnh. Việc tổ chức lễ hội tưởng nhớ Đức Thánh Hưng Đạo Vương và chiến thắng Bạch Đằng, từ xưa tới nay vẫn được dân làng Lộng Khê duy trì. Lễ hội hàng năm to hay nhỏ tùy theo điều kiện kinh tế của địa phương. Đặc biệt từ năm 1988 đến nay, lễ hội đền làng Lộng Khê luôn là điểm thu hút đông đảo nhân dân trong vùng, quý khách thập phương cùng du khách trong và ngoài nước đến tham quan dự hội và nghiên cứu tìm hiểu. Từ năm 2001 đến nay kinh tế ngày càng phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao vì thế việc làm cây đình liệu được thể hiện với kỹ thuật hoàn hảo hơn xưa. Nếu như vào các năm 2001 đến 2003, cây đình liệu có chiều cao là 11 mét, đường kính gốc là 1 mét thì từ 2005 đến 2007 chiều cao của cây đình liệu đã lên tới 15,5 mét và đường kính đưới chân rộng tới 1,32 mét. Đặc biệt năm 2004 cây đình liệu được cả làng tập trung (những năm khác cây đình liệu thường được phân cho từng thôn đảm trách – xã An Khê có 5 thôn); nên chiều cao của cây đình liệu tới mức kỷ lục 16, 5 mét và đường kính dưới chân đạt 1,4 mét. Vật liệu để làm cây đình liệu bao gồm: - Tre thanh bè loại to dài 7 mét: 130 cây - Tre loại nhỏ dài 5 mét: 300 cây - Tre làm lạt buộc: 25 cây - Nứa rừng 600 cây - Gỗ các loại: 3,5 tạ. Thông thường những năm gần đây cây đình liệu có chiều cao 15 mét, đường kính dưới gốc 1,32 mét. Đường kính trên ngọn 0,8 mét. Trọng lượng từ 3 đến 3,5 tấn. Việc dựng cây đình liệu thường làm cách đền Lộng Khê khoảng gần 200 mét đến 2000 mét (tùy theo khoảng cách của từng thôn tới đền). Khởi công từ ngày 13 đến 17 tháng 3 âm. Sau khi bó xong các cây tre, nứa, gỗ thành một bó đuốc lớn, người ta cài pháo hoa, pháo thăng thiên, pháo lệnh thành nhiều lớp ở bìa của cây đuốc, dùng sơn 32 VNTB 02(259) - 2022 TRAO ĐỔI - NGHIÊN CỨU - LÝ LUẬN ta vẽ hình rồng chầu mặt nguyệt họa tiết hoa văn ở trên thân cây đình liệu. Sáng 18 tháng 3 toàn thể dân làng nô nức rước cây đình liệu về đền thờ Đức Thánh Trần, có giàn bát âm và trống ngũ lôi phụ họa, tạo nên khí thế vui tươi sôi nổi trong ngày lễ hội. Trong đêm mở hội ngày 23 tháng 3 âm, dân làng thường chọn từ 400 đến 500 thanh niên (trai chưa vợ, gái chưa chồng) cầm trên tay bó đuốc nhỏ rước quanh các thôn trong làng, sau đó mới rước đuốc về khu di tích thờ Đức Thánh Trần (đây là việc làm tưởng nhớ khi Hưng Đạo Vương cho gọi dân làng tới nghe chỉ dụ và đêm 24 tháng 3 khi người hành quân và nghỉ đêm ở làng Lộng Khê. Bên cạnh việc rước đốt cây đình liệu thì đêm 23 tháng 3 âm, dân làng tổ chức các trò vui và có hội hát đúm (hát giao duyên). Đặc biệt là trình diễn điệu múa bát giật với việc tham gia của hơn một 100 người. Bản chất của điệu múa bát giật mô phỏng, mang tính ước lệ về hoạt động tôn giáo và sự kính trọng của dân làng đối với thần linh. Đồng thời cũng mô phỏng diễn xướng lại các cuộc chiến đấu của cha ông trong chiến tranh bảo vệ độc lập dân tộc, học tập và lao động sản xuất xây dựng quê hương. Múa bát giật bao gồm nhiều lớp múa, thông thường được quy định: - Thiên tử 8 hàng, mỗi hàng 8 người. - Chư hầu 48 người - Dân thường 16 người. Đây là điệu múa dân gian, pha phong cách múa cung đình, thường chỉ tổ chức trong dịp lễ hội hàng năm. Bao gồm các lớp múa sau: - Lớp múa bổ đồn (bao vây đồn) - Lớp múa bát môn: bày trận tám cửa để dụ địch vào đánh (diễn tả hình ảnh quân Trần phục binh đánh giặc). - Lớp múa bát giác: bao vây xung quanh quân địch - Lớp múa hoa hồi: nở hoa mừng chiến thắng. - Lớp múa tiên: các nàng tiên xuống trần vui múa hát mừng chiến thắng - Lớp múa xoáy ốc (vặn hình con ốc) thể hiện sự gắn bó đoàn kết quân dân đánh giặc và đón mừng quân thắng trận trở về. - Lớp múa lễ thi hương (thể hiện sự chăm chỉ học tập của nhân dân trong làng) - Lớp múa lễ tạ (vinh quy bái tổ sau khi thi hương đã đỗ đạt). Thông thường trang phục trong múa bát giật: Nữ thường mặc áo tứ thân, nam mặc quần thụng xanh, bó chẽn, có thắt dây màu đỏ hoặc vàng… Đạo cụ thường có trống lớn, trống đế, mõ, thanh la… Sau mỗi lớp múa thường có các bài hát dân gian xen kẽ các điệu múa. Ai đã từng đến Lộng Khê, An Khê tham dự lễ hội và xem đốt cây đình liệu chắc hẳn không bao giờ quên những hình ảnh, ấn tượng đẹp mắt trong đêm múa bát giật và cảnh đốt cây đình liệu trang nghiêm trong tiếng pháo nổ, tiếng hò reo của dân làng và du khách. Thật là một lễ hội văn hóa dân gian hiếm có được dân làng Lộng Khê lưu giữ 700 - 800 năm nay. Lễ hội truyền thống ở đền Lộng Khê là một hoạt động văn hóa tinh thần, tôn vinh công đức của các vị tiền nhân mở làng, lập ấp, khai hoang, trị thủy, đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc. Đây là một tập tục văn hóa đẹp, vì thế chúng ta cần triệt để khai thác, bảo lưu và phát huy giá trị tinh thần của lễ hội. Đó cũng là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của ông cha ta từ ngàn xưa truyền lại. Nó khắc sâu được tính sáng tạo trong lao động sản xuất, tình yêu quê hương đất nước, tình đoàn kết gắn bó giữa các cộng đồng dân cư và tình làng nghĩa xóm của các vùng thôn quê. Đó là mối quan hệ ứng xử giữa cá nhân với cá nhân; giữa cá nhân với cộng đồng. Góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước đẹp giàu, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. 

ĐẶNG HÙNG