Cảm ơn bác bưu tá, Nhân trở ra vườn với luống đất đang cuốc dở. Chiếc phong bì trong tay đựng cái tin không chỉ riêng Nhân phấp phỏng chờ đợi từ nửa tháng nay. Được bạn bè khen là gã trai có nhiều “ tố chất rắn” thế mà Nhân không khỏi run tay gỡ băng dính bì thư. Tờ giấy A4 đen đậm những con chữ. Dấu tròn son tươi đỏ. Và chữ ký bay bướm của người cầm cân nảy mực
LỰA CHỌN TRƯỚC BÌNH MINH
Truyện ngắn Trần Văn Thước
Cảm ơn bác bưu tá, Nhân trở ra vườn với luống đất đang cuốc dở. Chiếc phong bì trong tay đựng cái tin không chỉ riêng Nhân phấp phỏng chờ đợi từ nửa tháng nay. Được bạn bè khen là gã trai có nhiều “ tố chất rắn” thế mà Nhân không khỏi run tay gỡ băng dính bì thư. Tờ giấy A4 đen đậm những con chữ. Dấu tròn son tươi đỏ. Và chữ ký bay bướm của người cầm cân nảy mực. Hoàn toàn tin tưởng ở con mắt mình Nhân quyết không đọc lại tờ thông báo. Nhân gấp gọn bì thư cất vào túi áo. Coi như một kỷ niệm. Có tiếng bước chân vồi vội qua cổng. Mẹ vào chợ chiều đã về. Nhân bối rối với chợt lo lo. Từ xóm bờ sông vào làng duy nhất con đường trục đồng. Mẹ về chợ, bác bưu tá về làng. Biết đâu hai người gặp nhau trên đường. Biết đâu bác bưu tá vui vẻ: “Con trai vừa nhận thư công quyền đấy”. Thôi đành chịu lỗi chậm thưa với mẹ kết quả cuộc thi. Nhân dựa cuốc vào bờ dậu, rảo về sân. - Con mới cuốc được già nửa luống mẹ ạ. Mẹ Nhân đặt rổ xuống hè bếp, vui vẻ: - Nay không xong thì mai. Chợ phiên mồng năm mẹ mới đi mua hạt giống. Con ra bãi mà chơi. Lúc về qua mẹ nghe thấy tiếng reo hò rôm rả lắm. “Ôi mẹ...” Tiếng lòng Nhân vỡ òa. Nhân sắp sang tuổi hai lăm nhưng trong mắt mẹ vẫn là thằng cu Nhân bé bỏng, lon ton, vẫn được mẹ chăm lo, chỉ bảo cả từ việc đi chơi, tắm gội... Lúc này có ra bãi cũng không tâm trạng nào nhập cuộc bóng ban. Nhân gượng lời vui để chữa bớt lỗi với mẹ và cũng để an ủi mình: - Quân con thắng mãi rồi. Hôm nay cho chúng nó “ăn đủ” một bữa thua cuộc. Con cuốc cho xong, đất thêm một ngày nắng mẹ ạ. Chiếc cuốc trong tay Nhân bỗng như có ai đúc thêm chì. Vài nhát chệch choạc rồi Nhân cũng làm chủ được tay cuốc. Từng lát đất vồi vội lật mình nhấn chìm cỏ dại, tắm nắng chiều hôm. Tới tấp những nhát cuốc vô hình lật xới từng mảng ký ức. Với những người mẹ không có gì lớn lao hơn việc nuôi dạy con cái, trông mong chúng nó ngoan khỏe, trưởng thành. Những người mẹ đơn thân, lỡ dở thì nỗi vất vả, cực lòng và những trông mong còn nhiều lần hơn. Mẹ của Nhân là một người như thế. Một lần ngược sông Lăng đúng dịp hội đền Bà, xóm chài neo thuyền lên hội. Bố Nhân lên bờ rồi đi mãi từ ngày ấy. Năm ấy Nhân lên ba. Tiếng đồn cô gái nhà chài một con xinh đẹp lan khắp vùng cửa sông Lăng. Có người đón đợi ở bến cá. Có người thuê thuyền áp theo. Mẹ Nhân không hy vọng có ngày bố Nhân trở lại nhưng cũng không còn niềm tin vào bước đi tiếp. Năm cơn bão Ni Na tàn phá vùng châu thổ, xóm chài tan tác. Năm con thuyền bị lũ cuốn trôi. Hơn hai chục con người may mắn thoát nạn. Làng Quảng giang tay cưu mang, dành cho những người dân xóm chài khu đất đẹp, vùng ruộng tốt. Năm ấy Nhân tròn bảy tuổi. Nhận phần đất hôm trước hôm sau mẹ vào trường xin cho Nhân đi học. Từ năm lớp một đến năm cuối cấp phổ thông rồi bốn năm đại học. Mẹ làm lụng, dành dụm lo cho Nhân không mấy thua kém bạn bè. Thi đại học Nhân đỗ tốp mười học viện nông nghiệp. Mẹ đọc tờ giấy báo nhập học nước mắt rưng rưng nhòe mấy hàng chữ. Hôm lên trường làm thủ tục nhập học, thầy trưởng phòng đào tạo xem đi xem lại tờ giấy báo. Nhân thưa với thầy nguyên nhân mấy hàng chữ bị nhòe. Thầy trưởng phòng không nén nổi xúc động, run run bàn tay ấp trên những hàng chữ: “Không có lời khuyên nào sâu sắc hơn những nốt nhòe này. Thầy tin em sẽ xứng đáng”. Ít hôm sau thầy gặp Nhân đưa cho bản phô tô giấy báo nhập học: “Thầy phô tô hai bản. Một bản của em. Một bản thầy xin giữ làm kỷ niệm”. Bốn năm miệt mài việc học Nhân tốt nghiệp học viện với tấm bằng loại giỏi. Trước ngày về quê Nhân lên chào thầy trưởng phòng và thưa với thầy việc đã quyết. Nhân về quê xin việc để được gần mẹ đang ở tuổi xế chiều chân dốc và có thể làm việc trả nghĩa mảnh đất cưu mang. Thầy trưởng phòng rất vui, hoàn toàn ủng hộ quyết định của chàng sinh viên bấy nay thầy tin yêu như đứa em trai. Tiếng cần giếng “kít... kít... kít...”. Nhân dừng tay cuốc nhìn về sân giếng. Không phải mẹ kéo nước rửa rau, vo gạo. Mẹ kéo nước đổ thêm cho đầy bể lọc để con trai tha hồ xả nước tắm gội. Phải như mọi khi Nhân sẽ ào ngay về giành lấy chiếc gầu. Nhưng hôm nay thì không thể. Nhân bặm môi vung cuốc. Giữa khoảnh khắc hai lát đất lật mình òa hiện một sớm mai. Đó là hôm trước ngày Nhân đi nộp hồ sơ dự tuyển công chức. Mẹ mở tủ đưa cho Nhân tờ phiếu tiết kiệm. Bốn năm trước có tờ phiếu mười một triệu mẹ rút hết cho Nhân sắm đồ dùng, nộp những khoản thu năm đầu đại học. Nhân đọc nhanh tờ phiếu mới. Sáu kỳ gửi thời hạn sáu tháng. Chưa tính lãi, số tiền gốc tròn ba mươi triệu. Nhân cất tờ phiếu vào tủ rồi nói với mẹ: “Nếu phải dùng tiền thì hai, ba chục tờ phiếu như thế may ra mới đủ. Mẹ không tin con sao”. Mẹ Nhân ngậm ngùi: “Sao mẹ lại không tin con. Nhưng thời buổi này... Mẹ lo lắm”. Mẹ gánh rau lên chợ phố. Nhân ra vườn, đi quanh bờ dậu, cầm dao, cầm cuốc đụng việc gì cũng chán. Cứ lượn lờ trước mặt Nhân tờ phiếu lúc xanh xanh hàng chữ mười một, lúc to đùng con số ba mươi... Nhân làm con tính nhẩm từng khoản thu của mẹ. Những lứa rau vườn nhà, số ki lô gam lúa của hai sào ruộng mùa thất mùa bát, con cua con cá những buổi đi mò đi tát... Ở trường về ngó vào chạn thức ăn lần nào Nhân cũng chỉ thấy lọ muối vừng, lọ ớt chỉ thiên dầm măng tre bờ dậu. Nước mắt Nhân ứa ra. “Mẹ ăn uống thế này con yên tâm sao được”. Mẹ dừng tay bó rau dí trán Nhân: “Cha tổ con lo bò trắng răng. Con cứ học cho giỏi. Mẹ còn đủ sức lội khắp đồng làng”. Buổi tối ra đến đầu ngõ Nhân bị cuốn vào cuộc lũ trẻ tranh cãi về pha bóng ban chiều. Cả chục ngón tay chen nhau chọc chọc, vạch vạch trên mặt ngõ. Như thế chỉ là việt vị... Như thế phải bị phạt đền... Chí chóe chán mấy chú cháu rồng rắn lên bờ đê. Lại chí chóe. Đoàn xà lan đang xuôi về kia chở đá hay sỏi. Nhân nhập cuộc đứng về phe đá. Quãng sông lượn gấp, luồng thủy phía bên này, chỉ cần mấy bước ngang bãi cạn là biết tàu thuyền chở gì. Nhân và đại diện phe sỏi vừa đi được mấy bước đã sững lại vì tiếng quát: “Quay lại”. Thì ra Bằng, thằng bạn cùng ngày “oe... oe’’ trên con thuyền đang ngược sông Lăng. Nhân đùa chọc thằng bạn: - Được em nào “hành” bây giờ mới tha? - Tớ vào làng có tí việc. Sang nhà ngồi với mẹ một lúc rồi ra đây. Nhân bảo bọn trẻ: - Sỏi với đá cùng chung một cụ tổ. Coi như huề. Giờ muồn muộn rồi. Quân ta, quân mình về đi ngủ. Ngày mai chú sẽ tặng cả hội chiếc diều cánh cốc trên tài con bướm của chú Bằng. Lũ trẻ đi mấy bước, Nhân ấn Bằng ngồi xuống bờ đê. - Vào làng có việc gì thế? Bằng châm điếu thuốc rồi mới nói: - Đội thợ xây anh Lương ký được hợp đồng bên tỉnh Nam. Tớ vào xin một suất “đợi mùa”. Việc của hắn thế nào rồi? Nhân thong thả nói ra việc đã rồi: - Chiều nay tớ nhận được thông báo. Xơi ngon vỏ chuối sân nhà. Bằng như quát lên: - Đừng đùa. Không thích nhưng Nhân vẫn châm điếu thuốc lá, rít một hơi dài. Đầu điếu thuốc đỏ như chực bùng lửa. - Ghế việc ấy có mười bốn người dự thi. Tớ và một người nữa đạt điểm tối đa. Người kia trúng tuyển nhờ điểm ưu tiên con em trong ngành. Bằng ném vèo điếu thuốc đang hút: - Nước ta thật sẵn chế độ ưu tiên. Con cái “nông văn dân” luôn luôn được ưu tiên tiêu chuẩn cầm cày, rải mạ. Mẹ biết việc này chưa? Nhân không đành giấu bạn: - Tớ vẫn giấu mẹ. Với việc này mẹ là người buồn nhất. Từ ngày lên bờ mười mấy năm trời mẹ không đi đâu quá phố huyện với gánh rau. Mùng sáu này mẹ với các bà hội quy đi hội đền Bà. Không đành để mẹ đi với nỗi buồn con cái. Bằng thở dài: - Hắn nghĩ thế cũng phải. Thua keo này bày keo khác. Cấm được buồn. Về đến đầu ngõ Nhân vỗ vai Bằng: - Cuối tuần là xong việc vườn dậu. Sang đấy hắn xem có việc gì ới tớ sang ngay. Như đang chờ lời này Bằng gật đầu cái phắt: - Yên chí. Thế nào tớ cũng tìm được việc VNTB 03(266) - 2023 5 TRUYỆN NGẮN Minh họa: ĐỖ NHƯ ĐIỀM ngon lành cho hắn giải tỏa trận bại oái oăm. Hai tuần sau Nhân nhận được thư của Bằng. Mẹ đang xén rau sáng mai lên chợ phố. Nhân ra vườn đọc thư cho mẹ nghe. “... Việc ngon công đẹp lắm hắn ạ. Ông chủ đầu tư lớn, nâng cấp trang trại lên công ty. Ông chủ này hơn bọn mình một giáp tuổi. Sự học thì cũng ngang tầm hắn thôi. Ông bố quan hàng tỉnh về hưu, ông con thủ khoa đại học. A lê hấp. Phu tử chào phố về làng đấu thầu đất hoang lập trang trại. Chủ nhật ông chủ khao thợ. Xem chừng lão kết tớ, đến ngồi cùng mâm “dô dô bắc cạn” liên tằng. Tớ bảo em gốc con nhà sông nước, dốt cái sự học, cố được cái tấm bằng phổ thông rồi đi lính, rồi về “bộ nông văn din”. Nhưng thằng bạn em thì như thế... như thế... Và đang như thế. Sáng hôm sau ông chủ gặp tớ, hân hoan vỗ vai huynh đệ: “Cậu như thế này... Tôi biết bạn cậu như thế nào rồi. Phiền cậu chuyển lời mời của tôi đến bạn cậu, gặp nhau càng sớm càng tốt...”. Mẹ Nhân nghe như nuốt từng con trai. Gương mặt mẹ như trẻ lại cả chục tuổi, đôi mắt mẹ rân rấn nước: - Từ đây sang đấy hơn sáu chục cây số ngày nào cũng có xe khách chạy qua làng. Đi lối tắt còn gần được non nửa đường. Để ngày mai mẹ vào làng nhờ cụ trưởng họ chọn ngày giờ tốt thuận cho việc xuất hành. Xe liên tỉnh đón khách ở chân cầu sông Lăng lúc bốn giờ sáng. Nhân đi lối bờ đê. Qua gốc đa đầu xóm một quãng là đến quãng đê lượn hình yên ngựa. Đêm không trăng sao nhưng vòm trời cao sáng. Đi trên bờ đê nhìn rõ một bên là cánh đồng lúa đang vào thì con gái, một bên là vùng bãi nước hoang. Vùng bãi nước hoang trước là đồng cói của nông trường Bình Minh. Nông trường giải thể đồng cói thành bãi hoang. Vài năm sau xí nghiệp gạch ngói Tiền Phong được phép khai thác đất. Việc quản lý lỏng lẻo, khai thác vô tội vạ, thích đào thích khoét chỗ nào lúc nào cũng được. Cánh bãi mênh mông bốn mùa xanh mướt màu cói nhanh chóng biến thành vùng nước hoang. Nhân chậm bước lại, cảm giác như có ai níu kéo phía sau. Kỷ niệm một thuở mon men làm loãng dần háo hức cuộc hẹn. Nhân nhớ về những ngày nửa buổi đi học, nửa buổi đi cắt cói thuê. Một lần vừa cắt cói vừa đùa nhau Bằng bị lưỡi liềm xén vào ngón tay, máu chảy ròng ròng. Nhân bứt cỏ bờ đê nhai đắp vết đứt tay. Nhân nhìn quanh và hết sức ngạc nhiên, ngày ấy bứt nắm cỏ ngay chỗ này. Không còn dấu vết nhưng Nhân vẫn nhận ra chỗ ngày xa rồi ấy có cây vọng cách cao ngang đầu người, đan đan cành nhánh, bốn mùa xanh thẳm vòm lá. Cây vọng cách cao cao, mập mạp cành nhánh cho lũ trẻ gửi mũ áo trước khi ngụp lặn mò cua, bắt ốc. Cây um vòm xanh lá bốn mùa cho lũ trẻ xóm nghèo hái lá tắm gội. Mùi lá vọng cách thơm thơm không lẫn với bất kỳ thứ mùi thơm nào. Con gái con trai trang lứa mò lặn, tắm sông với Nhân giờ có đứa yên bề gia thất, có đứa đi xa, có mấy đứa như Bằng vừa xong việc cỏ nước mấy sào ruộng là rủ nhau đi tìm việc “đợi mùa”. Nhân bước xuống tận chân đê. Không gian tĩnh lặng. Nghe rất rõ tiếng sóng vỗ chân đê. Tiếng sóng nghèn nghẹn như lời trách cứ... Như lời khẩn cầu... Gió chợt mạnh. Một lưỡi sóng nhao lên ấp ướt bàn chân Nhân rồi chầm chậm lui tàn nhường cho lưỡi sóng mới như mạnh hơn, như níu kéo.... Nhân đi theo con sóng ra tận mép sông, lội dọc ngang cánh bãi. Ngày đang ra sáng. Nhân xốc túi rảo bước. Mỗi bước mỗi thêm gần với cây đa đầu xóm. Cây đa chín tầng tán như chiếc ô khổng lồ xanh thẳm đầy sức chở che. Mười mấy năm trước cây là chứng nhân một buổi tinh mơ dân xóm bờ sông ùa ra đón những con người vừa thoát cơn hồng thủy. Mỗi bước mỗi gần lại với bờ tre như bức tường xanh bao giữ xóm bờ sông. Mười mấy năm trước người xóm bờ sông chặt tre, hạ cây, đắp nền cho những con người lênh đênh sông nước được an cư bên dòng sông gắn bó từ thuở ông bà. Nhân về đến nhà đúng lúc mẹ đang xếp gánh rau đi chợ. Mẹ Nhân ngạc nhiên đến nỗi đánh rơi bó rau trên tay: - Sao về con? Nhân nhặt bó rau đặt vào gánh rồi cầm tay mẹ: - Con vừa tìm ra việc ngay trên đất làng. Mẹ phải cho con gánh rau lên chợ. Trên đường con kể mẹ nghe. Mẹ chuẩn bị tinh thần vỗ tay hoan hô con trai mẹ . Mẹ Nhân ngẫm nghĩ một lúc, đôi mắt mẹ sáng lên: - Hôm đi lễ hội đền Bà mẹ có xin quẻ cửa Đức Ông. Trong quẻ có câu: “Anh tài cất bước đi xa. Nửa đường ân nghĩa mặn mà níu chân”. Ngẫm ra lời cửa Ngài ứng với việc hôm nay. Nửa tháng gặp xã, gặp huyện Nhân được quyền sử dụng vùng bãi nước hoang. Nhân điện thoại gọi Bằng về. Hai giờ chiều, Bằng sang nhà đúng lúc Nhân đang soát lại bản dự án. Bằng vừa ngồi xuống ghế đã gắt lên: - Hắn buồn quá hóa lú từ lúc nào vậy? Nhân đặt bản dự án trước mặt Bằng: - Thì hắn cứ xem đi đã. Bằng chăm chú đọc bản dự án. Xong lần đọc thứ ba Bằng vươn tay củng đầu Nhân: - Thật không hổ danh thủ khoa. - Đừng vội thổi mũi tớ. Gọi hắn về là theo lời khuyên của cổ nhân “Ăn một mình đau tức. Làm một mình cực thân”. Có nghe lời cổ nhân không thì biến. Nhân xòe bàn tay. Bằng giơ cao cánh tay. Bàn tay trai tráng nói lời giao ước giòn như tiếng pháo. Tinh mơ Nhân và Bằng đã xách bó cọc tre, thước dây lội bãi nước hoang. Quãng giờ này nước sông Lăng ròng xuống mức thấp nhất thuận cho việc khảo sát, định vị con đập nối hai đầu cung bờ đê bao gọn cánh bãi. Nhân căng dây thước đo chiều dài. Bằng cắm cọc định vị bề ngang con đập. Trở lên, gặp nhau ở điểm đê ngày nào có cây vọng cách Nhân nói ngay: - Chiều dài gần sát con số hắn đo bằng mắt. Bốn trăm linh năm mét. Những lần đi “đợi mùa” có việc xây cầu cống, kênh mương Bằng ít nhiều hiểu biết việc xây dựng. Nhẩm nhanh bài toán chi phí ban đầu Bằng không khỏi băn khoăn: - Kinh phí làm đập, bờ phân khu đã quá hai phần ba số tiền ký vay. Như thế tiền giống ban đầu, máy bơm, máy tạo khí, dụng cụ phụ trợ phải vay thêm một khoản lớn nữa. Nhân khoát tay phía bãi nước hoang: - Có người bảo chúng mình tự cưỡi lên lưng hổ. Phải cưỡi cho con “Hổ nước” này phi ra trò. Cơn áp thấp nhiệt đới đột ngột chuyển hướng tăng cấp thành cơn bão mạnh. Gió giật cấp mười hai. Mưa như nghiêng trời đổ nước. Thủy điện thượng nguồn bất ngờ xả lũ giữ đập. Nước sông Lăng dâng mấp mé mặt đê. Toàn vùng hạ lưu báo động trên cấp ba. Nhân và Bằng ở trong đội xung kích hộ đê. Ba giờ sáng. Điện thoại di động đổ chuông. Nhân nghe máy, tắt ngay, hô anh em đến điểm vừa báo nguy. Đoạn đê KM6+1 xuất hiện hai vết nứt, phát lộ luồng nước thẩm thấu qua thân đê. Đoạn đê mới bồi trúc nếu bị ục vỡ sẽ kéo theo ục vỡ toàn tuyến đê xung yếu. Cả một vùng quê rộng lớn sẽ chìm trong biển nước. Giải pháp tối ưu là kè cừ thân đê và thả bao cát. Tre và cát thì có nhưng điểm tập kết xa hơn cây số. Bão đã trở hướng cuồng cơn. Gió liên hồi gào thét. Dòng sông Lăng cuồng nộ như con thủy quái lao vào cuộc quyết đấu sinh tử. Nhân kéo Bằng đang thọc tay kiểm tra vết nứt thân đê, nói át tiếng gió: - Tre với bao cát chuẩn bị làm đập... Bằng hiểu ý Nhân gật đầu cái phắt. Nghe Nhân nói anh em xung kích có ý lưỡng lự. Bằng như gắt lên: - Tất cả theo tôi. Sáng mai bão ngàn. Tuyến đê xung yếu vững vàng trước mối hiểm nguy ngàn cân treo sợi tóc. Cả một vùng quê trù phú thoát cơn đại họa. Mười bốn tháng sau. Bằng vào qũy tín dụng thanh toán một khoản vay. Nhân làm sổ sách, rà lại hợp đồng với các hộ:” lúa - cá”. Năm ngoái, quãng nửa đêm, vừa ngớt cơn mưa Bằng đi đâu đó gần sáng mới về lôi thốc Nhân dậy. “ Tớ với hắn thật ngu lâu...”. Bằng một thôi một hồi như sợ có người cướp mất những ý nghĩ trong đầu. Suốt một dải đồng trũng chân đê chớm mưa là ngập úng, hai vụ lúa bấp bênh. Nếu kết hợp lúa, cá các chủ ruộng sẽ có thêm thu nhập, bớt phải đi “đợi mùa”. Hai thằng làm cuộc khảo sát rồi lập đề án trình chính quyền, họp bàn với các chủ ruộng. Bà con nghe ra ngay. Mấy bác cười khà khà: “ Xem ra chúng tao ngu lâu hơn chúng mày”. Vụ cá đầu tiên đã cho thu nhập hơn cấy lúa, không chủ ruộng nào phải đi tìm việc đợi mùa. Xế chiều Bằng về huơ trước mặt Nhân hai chiếc phong bì khổ lớn. - Gặp trên đường bác bưu tá nhờ chuyển cho hắn. Bảo là thư đóng dấu khẩn. Chưa cần bóc đọc cũng biết là trát gọi hầu tòa. Nhân dẹp sổ sách ra góc bàn: - Đưa tớ đọc xem thằng nào được đi tù trước. Nhân ngồi lặng người đi. Thông báo của thanh tra sở nội vụ kín hai trang giấy A4. Ba tháng trước sở thực hiện thanh tra ba kỳ thi tuyển công chức các cấp. Người đích thực trúng tuyển đã không được tuyển dụng. Người đạt điểm tối đa là có bài lót trước đã phải nghỉ việc chờ xử lý cùng ê kíp. Tờ thứ hai là quyết định tuyển dụng của phòng nông nghiệp huyện. Ngày nhận việc đã rất gần. Bằng đón hai tờ giấy từ tay Nhân. Đọc xong hai tờ thông báo Bằng như reo lên: - Quá tuyệt vời. Sao hắn không khiếu nại ngay từ ngày ấy. Nhân vẫn chưa làm chủ được tâm trạng. - Thì... là ... Tớ tin tưởng hội đồng toàn những người có ghế to, thẻ đỏ. Bằng đập đập cả hai bì thư lên đầu Nhân làm nhịp: - Thì tin này. Thiên hạ khối người chết đứng “ Từ Hải” vì niềm tin rồi. Về báo tin cho mẹ vui. Về ngay. Đêm khuya, đoán chừng Bằng đã ngủ say Nhân lẹ mở cửa đi ra. Nhân thong thả đi quanh khu trại. Mới ngày nào sau cơn bão lớn hai thằng chưa biết tính sao thì dân làng đã chung tay tính hộ. Nhà có tre chặt tre. Mấy chủ cửa hàng vật liệu cho thuyền cát áp bờ. Người giúp công... Con đập hoàn thành sớm hơn dự kiến cả tuần lễ. Hơn một năm qua trại cá Nhân Bằng từng bước triển khai kỹ thuật tiên tiến, nhiều điểm vượt trội những cơ sở cùng ngành trong tỉnh. Trại có khu ương nuôi cá giống, khu nuôi cá thịt riêng từng chủng loại. Hệ thống máy bơm, máy tạo khí hiện đại mác “Made in” Việt Nam, khang trang nhà tiếp khách, nhà nghỉ cho người làm. - Ú...Òa. Nhân giật mình, kịp trấn tĩnh củng đầu Bằng: - Thằng khỉ. Hắn hô to tí nữa thì tớ xuống đầm với cá. Bằng nhìn nhanh đồng hồ tay: - Còn đắn đo đến bao giờ nữa. Sắp đến giờ hẹn rồi. Trừ khi hắn lên quan to đi xa hoặc giả biết bay. Còn không thì bắt đầu từ hôm nay ngày nào hắn cũng đi qua đây. Mau về ăn cơm mẹ thật no vào. Đóng bộ thật oách vào. Ngày đầu tiên đến công sở phải thật oách phong độ trai làng. Sáng nay... Như sáng hôm qua... Như nhiều buổi sáng đã qua. Nhân thong thả chạy xe trên con đường trục xóm bờ sông cao vút bờ tre, qua cây đa đầu xóm một quãng Nhân rẽ vào trại cá chừng nửa tiếng trao đổi công việc với anh em. Trở lên thong dong một quãng đê trước khi rẽ sang đường đến cơ quan. Sớm mai nào Nhân cũng có cảm giác như bay bay giữa một bên là cánh đồng mênh mông, một bên là mênh mang sông bãi.