LẦN THỨ HAI, TỈNH THÁI BÌNH ĐÓN GIA ĐÌNH CHÍ SĨ YÊU NƯỚC KỲ ĐỒNG NGUYỄN VĂN CẨM VỀ THĂM QUÊ HƯƠNG
Ngày: 22/04/2024
Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm sinh năm 1875 tại làng Ngọc Đình, tổng Hà Lý, huyện Duyên Hà, phủ Tiên Hưng, tỉnh Hưng Yên (nay thuộc xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Từ nhỏ ông đã được thân phụ là cụ đồ Tỵ dạy chữ Hán.

LẦN THỨ HAI, TỈNH THÁI BÌNH ĐÓN GIA ĐÌNH CHÍ SĨ YÊU NƯỚC KỲ ĐỒNG NGUYỄN VĂN CẨM VỀ THĂM QUÊ HƯƠNG

BÙI THỊ HẢI YẾN

Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm sinh năm 1875 tại làng Ngọc Đình, tổng Hà Lý, huyện Duyên Hà, phủ Tiên Hưng, tỉnh Hưng Yên (nay thuộc xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Từ nhỏ ông đã được thân phụ là cụ đồ Tỵ dạy chữ Hán. Do tư chất thông minh nên mới tám tuổi Kỳ Đồng đã nổi danh khắp vùng là cậu bé thần kỳ có tài ứng đáp siêu phàm, được vua Tự Đức xuống chiếu “Cấp cho trẻ lạ ở Hưng Yên Nguyễn Văn Kỳ tức Cẩm mỗi tháng ba quan tiền, một phương gạo; áo quần mỗi thứ hai cái, một năm hai lần”. Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm lớn lên trong bối cảnh Thực dân Pháp nhiều lần đánh chiếm ra Bắc Kỳ; phong trào kháng Pháp diễn ra sôi nổi khắp nơi; hình ảnh người dân đói khổ, cơ cực, lầm than và sự đàn áp dã man của Thực dân Pháp đối với phong trào cách mạng ở khắp nơi đã có những ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần yêu nước và hun đúc lên ý chí quyết tâm đánh giặc của cậu bé Kỳ Đồng. Năm 1887, Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm mới 13 tuổi (kể cả tuổi mụ) đã tổ chức một đám rước khoảng 100 người khăn áo chỉnh tề, giương cờ hiệu “Thiên binh thần tướng” tiến về thành Nam Định. Đám rước bị binh lính nổ súng bắn, Kỳ Đồng và 7 người khác bị bắt giữ. Để tách Kỳ Đồng khỏi phong trào yêu nước ở Bắc kỳ, Thực dân Pháp đã tìm cách đưa Kỳ Đồng sang Algerie (khi đó đang thuộc Pháp) để học tập. Trong thời gian ở Algerie (1887 - 1896) Kỳ Đồng đã được tiếp xúc với vua Hàm Nghi và nhiều người yêu nước khác nên đã hiểu rõ bản chất xâm lược của chính quyền Thực dân Pháp. Trở về nước với tấm bằng tốt nghiệp Tú tài, Kỳ Đồng đã khéo léo từ chối những công việc mà thực dân Pháp giao, ông đề nghị người Pháp cho phép cùng người bạn là bác sĩ Gillard mộ dân lên khai khẩn đất hoang ở vùng Chợ Kỳ, Yên Thế (tỉnh Bắc Giang). Sau khi được chính quyền Thực dân Pháp chấp thuận, việc tuyển người lên Yên Thế của Kỳ Đồng đã nhanh chóng biến thành một phong trào di dân mạnh mẽ từ đồng bằng lên miền trung du; đồn điền Chợ Kỳ, Yên Thế được thành lập, bên trong có “thất diệu đồn điền” thực chất là các đồn binh, binh sĩ được luyện tập dưới hình thức “tập thể dục buổi sáng”, vũ khí chiến đấu được sản xuất dưới danh nghĩa là rèn nông cụ; tại đây Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm đã viết bản hiệu triệu khởi nghĩa “Bình Tây diệt Nguyễn” và được tuyên đọc trong Lễ tế cờ của nghĩa quân Mạc Đĩnh Phúc tại chùa Minh Khánh (nay thuộc xã Thanh Bình, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương). Ngày 21/9/1897, mật thám Pháp phát hiện người của Kỳ Đồng đang khẩn trương dỡ những kiện hàng dài trong đó có những nòng VNTB 02(271) - 2024 28 TRAO ĐỔI - NGHIÊN CỨU - LÝ LUẬN súng xếp chéo, chính quyền Thực dân Pháp cho người bí mật bắt Kỳ Đồng vào đêm 22 9-1897 tại căn cứ Chợ Kỳ và đưa lên chiếc thuyền máy chờ sẵn ở phủ Lạng Thương để chở xuống Hải Phòng rồi đưa lên một chuyến tàu đang chuẩn bị nhổ neo để đi thẳng vào Sài Gòn; toàn bộ tài sản và số tiền mặt 17.698 đồng Đông Dương thu được tại nhà Kỳ Đồng ở Chợ Kỳ, Yên Thế đều được xung vào công quỹ cho Ngân sách của Pháp ở Bắc kỳ. Đầu năm 1898, Thực dân Pháp đưa Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm đi đày ở đảo Tahichi thuộc quần đảo Polynesie ở Châu Đại Dương, sau đó lại đày tới quần đảo Maquiese rồi lại đưa về đảo Tahichi; ông mất ở đó vào ngày 17 tháng 7 năm 1929, khi mới 54 tuổi. Trong những năm tháng sống đày ải ở đảo Tahichi, Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm đã gặp gỡ rồi kết hôn với một người phụ nữ bản địa, ông bà có với nhau hai người con, một người con trai và một người con gái, người con gái mất sớm, người con trai lấy vợ, sinh được 11 người con, đến nay hậu duệ của Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm ở Tahichi đã truyền được 05 đời. Năm 2004, hai người cháu nội, hai người chắt nội và một người cháu dâu của Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm đã về thăm quê cha, đất tổ và thắp hương trên phần mộ tổ tiên. Trong vòng tay thân thiết của dân làng và bà con dòng họ Nguyễn Văn, ông Van Cam Charles cháu nội Kỳ Đồng đã nói về việc thôi thúc tìm về nguồn cội “Đây là tiếng gọi của máu, máu của ông tôi đang chảy trong huyết quản của tôi”. Sau chuyến hồi hương, gia đình chí sĩ yêu nước Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm đã đề đạt với Chính phủ Việt Nam về việc đưa hài cốt cụ Kỳ Đồng về nước; ngày 14/8/2018, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 7702/ VPCP-HTQT giao Bộ Ngoại giao báo cáo Ban Bí thư xin chủ trương về việc tiếp nhận hài cốt cụ Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm về nước an táng tại huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang … Ngày 26 tháng 2 năm 2024, đoàn thân nhân gia đình chí sĩ yêu nước Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm về thăm quê hương lần thứ 2; đoàn có 14 người trong đó 11 người là hậu duệ của cụ Kỳ đồng, gồm: Van Cam Charles – cháu nội – hậu duệ đời thứ 2, Van Cam Jean - Paul, Van Cam Warren, Van Cam Miri – hậu duệ đời thứ 3, Van Cam Moeani, Van Cam Ambre, Van Cam Sacha, Van Cam Killian, Van Cam Heitirae - thế hệ thứ tư và hai bé Van Cam Takihei, Van Cam Tahaki - thế hệ thứ 5. Tại cuộc nói chuyện với cán bộ và nhân dân xã Văn Cẩm ở đình Ngọc Liễn, ông Van Cam Charles – cháu nội của cụ Kỳ Đồng nói: Thuở nhỏ, tôi thường được nghe mẹ kể về việc cụ tôi – cụ bà đồ Tỵ đã từng viết thư cho chính quyền Pháp ở Việt Nam yêu cầu “Trả lại con cho tôi”, còn ông nội tôi chí sĩ yêu nước Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm trong suốt những năm tháng bị đày ải ở đảo Tahichi, chiều nào cũng ra bờ biển đứng nhìn về phương Nam nơi có quê hương Việt Nam yêu dấu của người và người chỉ có một di nguyện duy nhất là cuối cùng sẽ được về yên nghỉ tại quê hương, đất nước của mình”. Ông Van Cam Charles nói “Đây là mong muốn của ông nội tôi, anh em chúng tôi và các cháu bằng mọi cách sẽ thực hiện mong muốn này cho ông”, chúng tôi yêu quý ông nội, yêu đất nước của ông tôi, yêu dân tộc Việt Nam, tất cả mọi người trong gia đình chúng tôi đều lấy tên VAN CAM của ông để nhắc nhau nhớ về nguồn cội; gia đình chúng tôi cảm ơn Chính phủ Việt Nam và chính quyền các cấp đã tạo điều kiện, hỗ trợ để gia đình chúng tôi được về thăm quê hương lần thứ hai”. Trao đổi với đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình, Ủy ban 29 VNTB 02(271) - 2024 TRAO ĐỔI - NGHIÊN CỨU - LÝ LUẬN nhân dân huyện Hưng Hà, Ủy ban nhân dân xã Văn Cẩm, đại diện cháu chắt của cụ Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm ở Tahichi và dòng họ Nguyễn Văn ở làng Ngọc Liễn, bà Phạm Thị Thu Hương, Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu tổng hợp, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, nói: Ngày 17 tháng 7 năm 2024 là tròn 95 năm ngày mất của chí sĩ yêu nước Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm, Bộ Ngoại giao đang đẩy nhanh tiến độ làm việc với Chính phủ Pháp ở Tahichi để kịp đưa hài cốt của cụ về an táng của Việt Nam nhân kỷ niệm 95 năm ngày mất của cụ … Buổi trưa hôm đó, Ủy ban nhân dân huyện Hưng Hà mời đoàn cán bộ của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao và đoàn thân nhân gia đình chí sĩ yêu nước Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm ở Tahichi ăn tết “muộn” ở nhà ăn trong Văn phòng Ủy ban nhân dân huyện, bữa cơm có bánh chưng, giò xào, dưa cải muối, canh mọc… chúng tôi giới thiệu “Đây là món ăn truyền thống trong mâm cỗ tết của người Việt Nam”, những món ăn mà chắc chắn cụ Kỳ Đồng rất nhớ trong những năm tháng phải sống xa quê hương, đất nước … tất cả mọi người vừa ăn vừa nói chuyện vừa rưng rưng nhớ về Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm - một người con ưu tú của vùng đất Hưng Hà, Thái Bình. Chúng tôi lưu luyến chia tay và hẹn gặp lại khi đón di cốt của cụ Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm về với đất mẹ quê hương

BÙI THỊ HẢI YẾN