KHÚC TRÁNG CA THÁNG BẢY
Ngày: 18/08/2023
Chiến tranh đã lùi xa, những ký ức về một thời binh lửa vẫn còn đó là những năm tháng cả nước lên đường chống giặc ngoại xâm, những chiến công hiển hách, cùng với hy sinh mất mát to lớn như một khúc tráng ca bất tử tô thắm trang sử hào hùng thôi thúc hoài bão giải phóng dân tộc, khát vọng hòa bình cho đất nước “nở hoa độc lập, kết trái tự do” đã lắng sâu vào tâm thức bao thế hệ Việt Nam không thể nào quên.

KHÚC TRÁNG CA THÁNG BẢY

LẠI TÂY DƯƠNG

Chiến tranh đã lùi xa, những ký ức về một thời binh lửa vẫn còn đó là những năm tháng cả nước lên đường chống giặc ngoại xâm, những chiến công hiển hách, cùng với hy sinh mất mát to lớn như một khúc tráng ca bất tử tô thắm trang sử hào hùng thôi thúc hoài bão giải phóng dân tộc, khát vọng hòa bình cho đất nước “nở hoa độc lập, kết trái tự do” đã lắng sâu vào tâm thức bao thế hệ Việt Nam không thể nào quên. Trong tháng bảy chúng tôi có dịp cùng đi với đoàn đại biểu thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Thái Bình do đồng chí Hoàng Văn Thành, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, đồng chí Đinh Gia Dũng, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch UBND thành phố Thái Bình cùng các đồng chí Lãnh đạo trong đoàn. Chuyến đi dâng hương tri ân các anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ ở Miền Trung Quảng Trị, nhân kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023). Vượt qua 700km đường trường, thời tiết cực kỳ khắc nghiệt, nắng nóng, cộng thêm những đợt gió lào từ bên tây Trường Sơn thổi sang đẩy nhiệt độ lên cao bốn bề như nung như nấu. Bấy nhiêu nắng gió, bao nhiêu vất vả nhọc nhằn phút chốc tưởng chừng tan biến, thay vào đó là niềm xúc động nhớ thương bồi hồi, cùng với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” gương mẫu thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, UBND tỉnh, thành phố Thái Bình phối hợp chặt chẽ các cấp, các ngành đã có nhiều việc làm tri ân hiệu quả trong công tác chăm sóc, ổn định đời sống sức khỏe cho thương bệnh binh nặng trên địa bàn, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, thăm hỏi, chăm sóc, động viên gia đình liệt sĩ, thực hiện đầy đủ, chế độ chính sách người có công với cách mạng, xây nhà tình nghĩa, xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, chăm sóc trẻ em bị nhiễm chất độc da cam điôxin, hồi hương hài cốt liệt sĩ… Thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên của Đảng bộ và nhân dân thành phố Thái Bình. Điểm thăm viếng đầu tiên của chúng tôi là khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn, địa danh này có vị trí đặc biệt quan trọng, với diện tích gần 22 ha thuộc địa phận xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, có đường quốc lộ chiến lược 15A đi qua mảnh đất huyền thoại này là yết hầu của tuyến đường huyết mạch vận chuyển khí tài, nhu yếu phẩm, lương thực thuốc men chi viện cung cấp cho tiền tuyến lớn đánh thắng quân thù, chúng tôi bồi hồi xúc động chen lẫn khâm phục tự hào trước những tấm gương chiến đấu quả cảm, hy sinh quên mình của 13 chiến sĩ “Tiểu đội thép” lực lượng thanh niên xung phong đã dâng trọn tuổi xuân cho Tổ quốc, Truông Bồn đã trở thành “địa chỉ đỏ” nêu cao truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước nồng nàn giáo dục các thế hệ hôm nay và mai sau. Chia tay Truông Bồn, chúng tôi hành hương đến Anh Sơn - một huyện miền núi phía tây của tỉnh Nghệ An, với diện tích 6,8ha là nơi yên nghỉ của 10.367 phần mộ, hài cốt của liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam và các chuyên gia (chỉ có 3.500 phần mộ có tên tuổi, quê quán rõ ràng) chúng tôi kính cẩn đặt vòng hoa thắp hương trên những ngôi mộ thẳng tắp tĩnh lặng trang nghiêm, đọc bài thơ ‘Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh” được khắc trên bia đá tại nghĩa trang của nhà báo Văn Hiền đã gây xúc động dâng trào, suy ngẫm về cuộc đời hữu hạn những bất biến trước vô vàn biến động. Chúng tôi cùng cầu nguyện cho hương hồn các anh hùng liệt sỹ đã trở về đất mẹ yên giấc ngàn thu. Tiếp tục cuộc hành trình, chúng tôi đến Quảng Trị, mảnh đất một thời từng là chiến trường hết sức ác liệt khi xưa, chúng tôi có dịp tận mắt chứng kiến sự hồi sinh kỳ diệu, tốc độ phát triển kinh tế, xã hội nhanh chóng đáng khâm phục, bức tranh toàn cảnh diện mạo quê hương ngày càng thay da, đổi thịt, đời sống của cán bộ nhân dân không ngừng được cải thiện và từng bước nâng cao, càng thấu hiểu hơn giá trị của độc lập, tự do, cuộc chiến nào dù có khác nhau, sớm hay muộn đều phải kết thúc theo quy luật tất yếu, những di họa nặng nề của chiến tranh để lại không thể khắc phục một sớm, một chiều. Nỗi đau mất mát hy sinh mà hệ quả như một vết thương không bao giờ lành hẳn, 58 năm đã đi qua mà chạm vào vẫn tiếp tục chảy máu vẫn rưng rưng bàng hoàng khiến người vô tâm nhất cũng không thể vô tình. Cách thành phố Đông Hà chừng 6km là nghĩa trang liệt sĩ đường 9, nơi yên nghỉ vĩnh hằng của các anh hùng liệt sĩ ngay trên những ngọn đồi lộng gió, tổng diện tích là 13,1 ha, tượng đài kỷ niệm cùng các hạng mục phụ trợ được xây dựng rất công phu hoành tráng, đến nay nghĩa trang đã quy tập được hơn 11000 liệt sỹ hầu hết là bộ đội chủ lực hy sinh tại mặt trận phía Tây và làm nghĩa vụ quốc tế tại chiến trường Lào. Chúng tôi kính cẩn đặt vòng hoa tưởng nhớ tri ân các anh hùng liệt sĩ, và tiếp tục cuộc hành trình gần 30km đến xã Vĩnh Trường, huyện Gia Linh, đây là nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn nơi yên nghỉ vĩnh hằng của 10263 anh hùng liệt sỹ, tổng diện tích là 39,8ha, (Thái Bình có 678 phần mộ) công trình này do Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên – nguyên tư lệnh đoàn 559 đích thân chọn địa điểm, chỉ đạo thiết kế thi công. Những kỷ niệm bi tráng tưởng đã đi vào tâm thức, giờ có dịp lại dào dạt dội về, vẫn tượng đài uy nghiêm, trầm mặc, cây đề chim tha hạt về trồng giờ đã lớn, bỗng xòe tán rộng xum xuê xanh mát khoảng trời phía sau, những  ngôi mộ thẳng hàng ẩn chứa bao huyền thoại vẫn lặng lẽ như chờ lệnh tấn công. Không thương cảm bùi ngùi sao được khi có rất nhiều thân nhân liệt sỹ, và những người lính năm xưa lặn lội từ khắp miền về đây thăm viếng người thân và đồng đội, càng cảm nhận nỗi đau mất mát kéo dài đằng đẵng mà dân tộc ta đã trải qua. Tại đây, chúng tôi may mắn được dự khâm lễ hoàn công tôn tạo chỉnh trang nhà bia phụng thờ liệt sĩ, quan tâm chăm sóc đảm bảo thẩm mỹ từng ngôi mộ, thể hiện tình cảm, trách nhiệm và đạo lý tốt đẹp của Đảng bộ và nhân dân Thái Bình. Điều đặc biệt và ngẫu nhiên tại nơi này chúng tôi tình cờ gặp đoàn Nhà văn hóa thiếu nhi Thái Bình tham gia Liên hoan nghệ thuật khu vực phía Bắc tại Quảng Trị hướng về ngày kỷ niệm Thương binh, Liệt sĩ đã được chọn 1 trong 7 tiết mục xuất sắc để công diễn trong đêm bế mạc. Rời nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, chúng tôi đến khu vực Thành Cổ Quảng Trị, "chứng nhân lịch sử” mùa hè đỏ lửa 1972’ của cuộc đọ sức quyết liệt 81 ngày đêm giữa ta và địch, bom đạn giặc trút xuống mảnh đất 18,56 ha có sức công phá bằng 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống hai thành phố Hirosima và Nakasaki của Nhật Bản trong thế chiến thứ II, cỗ máy chiến tranh khổng lồ, chiếc cối xay thịt đã được vận hành đến mức tối đa nhưng sắt thép bạo tàn không thể khuất phục được ý chí dũng cảm gan góc, khí phách quật cường, sức sống mãnh liệt các chiến sĩ Việt Nam mà thành cổ Quảng Trị là biểu tượng sinh động nhất, rõ nét nhất, khâm phục xen lẫn tự hào, chúng tôi được xem bức ảnh “Nụ cười chiến thắng” của nghệ sỹ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính, phóng viên chiến trường ghi lại khoảnh khắc hiếm hoi của chiến sĩ Lê Xuân Chinh cùng đồng đội nghỉ giải lao giữa hai trận đánh được xem bức thư gửi gia đình và người vợ mới cưới là chị Đặng Thị Xơ quê xã Lê Lợi (Kiến Xương) vợ của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, cả hai chiến sỹ này đều là người Thái Bình. Trong tĩnh lặng êm đềm, hoàng hôn chảy tím dòng Thạch Hãn, bất chợt câu thơ của tác giả cựu chiến binh Lê Bá Dương vụt đến thổn thức trong tôi: Đò lên Thạch Hãn, ơi! Chèo nhẹ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm Có tuổi đôi mươi thành sóng nước Vỗ yên bờ mãi ngàn năm. Điểm thăm viếng sau cùng của chúng tôi là khu di tích lịch sử ngã ba Đồng Lộc, tọa độ lửa, tọa độ huyền thoại lẫy lừng, nơi 10 Cô gái TNXP đã dũng cảm hy sinh, giữ mạch máu giao thông thông suốt. Vâng! Máu xương của các anh hùng liệt sĩ đã hòa vào trường tồn sông núi, sự hy sinh cao cả của những người con ưu tú mãi mãi là tấm gương cho hậu thế noi theo, khói hương ơi! Lay thật khẽ, dòng người ơi!, bước thật nhẹ để đừng khuấy động giấc ngủ thiêng liêng ngàn năm của các chị, các anh. Những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống giữ trọn lời thề “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”.

LẠI TÂY DƯƠNG