Năm ấy, có đứa trẻ sinh ra từ xóm ngoại
đê (làng Hoàng Tân, xã Tây Sơn, Tiền
Hải). Cậu con trai lọt thỏm trong tay mẹ
Ngô Thị Đầm, lớn lên uống nước giếng cổ
làng, nghe chuyện thần thoại của làng. Cái
làng chuyên nấu rượu lậu, làm bánh “nháo”,
đêm nghe chuyện sóng vỗ quai đê lấn biển.
Thấp thoáng thấy bóng dáng Đại thần Nguyễn
Công Trứ đi bộ qua chiếc cầu Cau (cầu Các
Già) bắc từ làng Thư Điền sang làng biển
gặp người con gái cắt cỏ, để lại chuyện tình
diễm lệ đêm trăng
HƠI THỞ CHỮ NGHĨA
VÕ BÁ CƯỜNG
Năm ấy, có đứa trẻ sinh ra từ xóm ngoại đê (làng Hoàng Tân, xã Tây Sơn, Tiền Hải). Cậu con trai lọt thỏm trong tay mẹ Ngô Thị Đầm, lớn lên uống nước giếng cổ làng, nghe chuyện thần thoại của làng. Cái làng chuyên nấu rượu lậu, làm bánh “nháo”, đêm nghe chuyện sóng vỗ quai đê lấn biển. Thấp thoáng thấy bóng dáng Đại thần Nguyễn Công Trứ đi bộ qua chiếc cầu Cau (cầu Các Già) bắc từ làng Thư Điền sang làng biển gặp người con gái cắt cỏ, để lại chuyện tình diễm lệ đêm trăng. Sau này gặp lại nhau ở Tây Hồ. Nguyễn Công Trứ chưa nhớ ra người tình xưa, còn mơ màng trong tiếng cầm ca thì nàng đã đọc: “Giang sơn một gánh giữa đồng/ Thuyền quyên ứ hự anh hùng nhớ chăng?” Vị Đại thần tay đập quạt, tiếng đàn hát dừng hẳn, ông thốt lên “nhớ rồi. Nhớ rồi”. Nguyễn Công Trứ đã vời vào chiếu hát, đưa vào Trướng phủ ở cùng ông và ôn lại chuyện xưa… Mười bảy năm sau, cậu Tiền “còm” vái cha lạy mẹ hiếu kính rời xóm Ngoại Đê về Hà Nội học. Bước chân khỏi nhà, anh cố ngoái lại nhìn nhà ông nội, vẳng tiếng cối xay, tiếng giã gạo từ vảy nhà ra, ngẫm nghĩ về chiếc roi mây của cụ Chín dắt trên mái với những lời nghiêm huấn: “Lớn lên con phải giữ lấy đạo nhà”. Lời ông nội còn đó. Ông còn nói rõ chiếc roi dâu ngày xưa thường được các cụ quấn trong lụa trắng đặt cạnh người con trai lúc ngủ có ý “trừ tà” và mong cho con cái sau này hiển hách. Mẹ cụ Hoàng Diệu có lần quấn chiếc roi dâu trong tấm lụa trắng gửi ra Hà Thành cho con lúc giữ thành, ý nói “Con phải trung quân - Chăn dân”. Hoàng Diệu biết không giữ nổi thành, đành lấy khăn xô trắng thắt cổ tuẫn tiết… Hành trang về Hà Nội của Vũ Văn Tiền là tấm bằng giỏi văn (cấp 3 tỉnh) một vài cuốn sách, trong đó những cuốn văn học. Ngôi nhà ngoại đê cũ kỹ, chơ vơ chống chọi với gió sóng, với bóng dáng mẹ cơm đùm, cơm nắm tiễn con và lời dạy: “Con đi gắng mà học”. Đấy là cái hơi thở chữ nghĩa, hơi thở của cả nhà ta, dòng họ ta. Chỉ giữ được hơi thở chữ nghĩa mới sống được. Chuyện Nguyễn Công Trứ giúp dân giúp làng nằm lòng Tiền. Anh nghĩ sau này lớn lên liệu mình có thể được làm “hậu duệ” cháu chắt chút chít của cụ để lo miếng ăn cái mặc cho làng không? Vũ Văn Tiền bước chân trên đường hoa sữa Nguyễn Du, Hà Nội, trong đầu nghĩ thương cái xóm Ngoại Đê. Hình ảnh bố cầm chiếc mo cau quạt cho mẹ lúc ở bếp bước ra. Bóng ông nội lững thững đi lại cuối sân luôn kể chuyện người khai hoang lập ấp. Rồi anh bước vào ngưỡng cửa trường Đại học Học viện Kỹ thuật Quân sự. Tốt nghiệp xong anh thi vào Đại học Kinh tế quốc dân. Bốn năm học tiếp theo, anh vượt qua bao rào cản. Với hai bằng đại học anh phấn đấu được bằng cả nội lực của mình. Ơn mẹ! Ngày ấy mẹ mời giáo sư Nam trường Bách Khoa dạy riêng cho anh. Trước giáo sư và những giờ học với kiến thức uyên thâm đã mở cho anh một chân trời mới. Vốn liếng tri thức anh có trong những trang sách hai trường Đại học. Những trang sách có chữ đọc mòn mắt, thủng giấy. Còn những trang sách không có chữ là “trường đời” anh chưa được lăn lóc. Muốn có miếng ăn, phải làm. Làm đâu chỉ ở chân tay. Làm ra tiền thu hoạch ít lắm. Nhưng nghĩ ra tiền, nhìn ra tiền mới khó. Nghĩ ra tiền thường được nhiều hơn. Nhưng phải giỏi, phải có kiến văn sâu sắc, phải có học. Đó gọi là tri thức… Ông trời như muốn giao trọng trách cho Vũ Văn Tiền. Trước hết làm khổ cái tâm, mệt cái chí… Muốn vậy phải kích động được cái tâm, kiên nhẫn cái tính của mình… Đấy là ý Khổng Tử dạy. Cái tâm Vũ Văn Tiền luôn bị kích động phải làm việc, phải tìm ra được cái mới. Nhiều lúc Tiền nghĩ từ cái “thấy” bằng mắt, đến cái “biết” là một việc, một khoảng cách xa vời vợi. Sự kích động đó đã dẫn anh vào làm việc ở một Công ty Bộ Nông nghiệp chuyên sản xuất bao bì. Anh kiên nhẫn lần mò, học hỏi từng việc người công nhân, tìm hiểu tâm tư họ. Vì đằng sau họ còn biết bao thân phận con người phải lo toan: Bố mẹ, con cái… Rồi học cách quản lý đầu ra, đầu vào… Con người mỗi vùng miền khác nhau. Anh quay vào miền Nam làm việc cũng ở Công ty bao bì. Một bước đi, cho anh một tầm suy nghĩ. Anh học được nhiều điều người dưới mình. Anh chưa bao giờ để “sĩ diện” chi phối suy nghĩ của mình. “Sĩ diện” là sự tự mãn, nó giết mình lúc nào ai hay? Lòng trong ruột sạch mới chứa được chữ. Một ngày nắng dội, mưa xoay, sống nơi đất khách quê người ngồi nhớ mẹ. Anh thèm một chiếc kẹo “Hải Châu”, nắng thế này mà có trong miệng. Nhớ ngày mẹ bán hàng cho Công ty công nghệ phẩm Huyện, lúc về mẹ cho anh em mỗi đứa chiếc kẹo lẻ vào ngày cuối tháng. Mẹ bảo “Đây là kẹo mẹ mua, mẹ không bốc trộm của công về cho các con, mẹ làm thế chỉ hỏng các con sau này”. Chuyện mẹ đơn giản quá! Hồi hộp quá! Mẹ dạy các con không được tắt téo của công. Ăn cắp là tội xấu nhất, các con có biết xấu hổ không? Hai chữ “tiết kiệm” luôn bỏ túi. Ngòi bút chì khi viết cũng cẩn thận đừng để gãy, khi gọt cũng thế. Chữ viết bằng chì có thể tẩy đi viết lại. Nhưng viết bút mực không xóa đi viết lại được. Các con biết làm ra tiền, lại biết tiết kiệm mới là con của mẹ. Mấy anh em tối nào cũng nghe ông nội đi từ đồng cói về hay lúc xay thóc ra cụ thường nghêu ngao “Tết đến không tiền vui chi Tết/ Xuân về hết gạo đón chi xuân”. Cụ bảo vì sao lại khổ thế? Vì không biết tiết kiệm. Ông giảng giải thêm. Cụ Doanh Điền Nguyễn Công Trứ nơi xóm ngoại đê ta thờ có hai cây đề to lắm. Cụ lo miếng ăn cái mặc cho dân cả vùng Sơn Nam Hạ. Cụ chua chát mà rằng “Thế thái nhân tình gớm ghiếc thay/ Lạt nồng coi chiếc túi vơi đầy…/ Tiền tài hai chữ son khuyên ngược/ Nhân nghĩa đôi đường nước chảy xuôi…” Đồng tiền không có “mùi” phải không các cháu? Chúng cháu thấy đấy, nó nằm trong két sắt thì an toàn. Nó “bốc mùi” lên, pháp luật ngó tới và cả nhân tâm của mình cũng tra khảo mình. Vì tiền mua được quyền và ngược lại. Đó là cái vòng oan nghiệt. Cả nhà ta bỏ chữ “kiệm” vào túi, cài kim băng thật kỹ, đời đời sau vẫn gắn kết được nhau… Nhớ chuyện xưa, ôn chuyện nay. Một kỷ niệm ở Công ty bao bì. Có người luống tuổi, chiều đến lọ mọ nhặt từng mảnh bìa cho vào bao. Miếng bìa ấy người công nhân khác thì đạp chân dẫm lên mà đi. Người công nhân này tích góp xong, vài hôm anh ta ôm tới nộp cho ông chủ để “tái chế”. Vũ Văn Tiền nghĩ sau này kiếm anh thủ kho giữ của cho mình cũng phải “cần kiệm” như tay này. Thực hiện câu “Người xa xứ, nâng niu người xa xứ”, dựa vào mọi người mà sống, nhường nhịn mà sống, dẫu biết mai mốt dù thất bát mình chịu cảnh lang thang cũng đành chứ không đùn đẩy cho ai. Người tứ xứ tin Vũ Văn Tiền, cùng nhau hùn vốn thành lập Công ty (ông Tạo, ông Hùng) ba tỷ vào năm 1993. Lớn lắm! Tiền cầm nắm, lại ngồi vị trí giữa. Bao nhiêu kiến thức học được trong sách vở lại ùa vào anh. Những ngày mưa thu, một mình khoác áo mưa đi thuê sách về đọc, đọc ở nhà, đọc ở thư viện, đọc ở dọc đường lúc đi công việc. Cái ngày làm Bí thư Đoàn thanh niên toàn trường có bạn bảo: “Anh đọc nhiều sách không sợ hỏng mắt à?” - Mắt hỏng sao sợ? Không đọc sách người ngu dốt, là cái hố chôn mình. Năm 1993, Công ty xuất nhập khẩu máy móc đầu tiên nước ta ra đời. Thành lập được Công ty anh đã vượt qua bao rào cản. Trong thâm tâm dù làm ăn khá giả đến đâu cũng phải giữ lấy chữ An. Kinh tế thị trường có người bỗng chốc giàu lên. “Đi đâu cũng dắt nhân tình đi theo”. Anh tự nhắc không thể làm ăn theo kiểu chộp giật xập xí xập ngầu. Phải giữ lấy đạo nhà. Hiểu được mình, vượt được mình mới khó. Không lấy đất cát của dân đút vào túi. Đừng coi tiền bạc như miếng chả chim đút vào miệng. Người đâu phải gỗ đá. Anh biết kiềm chế dục vọng. Vũ Văn Tiền đã làm được điều đó. Mười năm sau Tổng Công ty Tập đoàn Geleximco làm ăn như mở cờ. Nhưng anh cũng phải trải qua “gió Sở mưa Tần”. Trong niềm tâm sự của anh gửi cho người cha khuất bóng nói nhiều điều cay đắng. Có ai hiểu mồ hôi anh chảy trôi cả nước mắt mình đâu? Có ai đi cùng đường mà hiểu được nỗi khổ của Doanh nhân. Thơ anh viết đại ý có câu: “Có lúc dằn lòng một gói mỳ tôm/ Vội lao ra đầu phố và một cuốc xe ôm…/ Khiêng tủi nhục anh lao vào bàn tiệc/ Cùng với bạn bè…” Rồi anh kêu lên. Tôi biết: “Có chiều ba mươi Tết anh cắm xe, cắm cả ngôi nhà trả hết nợ nần, lương thưởng cho anh em”. Vì đằng sau họ biết bao cha già, mẹ héo, con thơ, cái quấn. Ai đã gặp Vũ Văn Tiền đều thấy ở anh một con người giản dị, luôn có năng lượng mạnh truyền đến mọi người, một ý tưởng đẹp, một công việc đầy sức hấp dẫn. Cán bộ Công ty gặp được ông chủ rồi. Từ phòng Tổng giám đốc bước ra với một gương mặt hấp dẫn vui vẻ, bởi được tiếp nguồn năng lượng mới trong tư duy làm ăn, có văn hóa. Anh nói với anh em tư duy phải nhìn xa, tranh thủ thời gian làm việc. Chúng ta có thể làm ra tiền, nhưng không có thêm thời gian sống. Làm việc - Tri thức - Học hỏi làm cho anh em khiêm tốn chứ không kiêu ngạo. Vũ Văn Tiền luôn nhìn xã hội bằng những tư duy mới, thế mà anh bảo anh chạy hết vận tốc cũng không kịp xã hội thay đổi. Anh tiên phong nhập khâu lắp ráp các thiết bị Yamaha. Trong lúc nhiều người còn đang ngơ ngác nhìn nó thì tiền bạc đã vào đầy kho. Thủ tướng Võ Văn Kiệt phát hiện trong anh có đức tính “sống thiệt” nên khuyến khích anh làm, giúp anh có được mấy chục giấy phép con của các Bộ. Những người giúp việc anh nói với tôi: “Anh có trí nhớ tuyệt vời. Giao việc tháng này, tháng sau ngồi lại với nhau kiểm tra công việc anh vẫn nguyên vẹn nói lại ý tưởng tháng trước”. Dưới anh biết bao cán bộ Tổng Công ty, rồi Công ty vệ tinh cả nước. Cán bộ gặp anh một lần, sau gặp lại anh vẫn gọi cái tên thân thiện mẹ cha họ đặt cho thì ai mà chả sướng. Tưởng như người ruột thịt của mình luôn nhớ tới mình. Tổng Công ty Geleximco kinh doanh nhiều lĩnh vực: bất động sản, ngân hàng, khách sạn, xây dựng, nhà máy nhiệt điện, nhà máy xi măng, kiến tạo các con đường giao thông chiến lược liên tỉnh. Anh đồng hành với bao ông chủ doanh nghiệp khác xây dựng đất Việt trở thành một trung tâm Văn hóa, một Thủ đô hòa bình. Những dinh thự, khách sạn, công sở, công ty anh xây dựng tạo ra những vòm nhà lấp lóa dưới tán cây xanh thêm vẻ đẹp cho đất nước, giữ vững nền văn hiến bốn nghìn năm lịch sử. Tôi không hiểu mọi lĩnh vực anh làm. Nghe người ta kể, nghĩ mà sợ. Một anh bạn của Vũ Văn Tiền cùng anh tháp tùng các vị nguyên thủ quốc gia đi nước ngoài mỗi năm đôi chuyến quả quyết với tôi rằng: “Tiền kiên định, làm việc gì cũng làm tới cùng, đi tới đích”. Tiền tâm sự: “Làm ăn thương trường là phải có cạnh tranh, nhưng cạnh tranh không nghĩa là chộp giật lẫn nhau, mà sòng phẳng - bình đẳng - văn hóa”. Người hiểu biết là thế nào? Người có kinh tế chưa hẳn là người có tri thức. Có tri thức chưa chắc là người có trí tuệ. Có trí tuệ là có đủ mọi thứ văn hóa - kinh tế. Văn hóa là cội nguồn của dân tộc. Khi lên phi trường, những vị khác cố gắng xuất hiện để ra mắt. Họ khúm núm với nụ cười vẻ cầu “tiền bạc”, hoặc xin xỏ ban ơn. Tiền còm, hay gọi Tiền “xộc xệch” chọn chỗ ngồi khoang cuối, nằm duỗi chân đọc sách. Với đức tính của anh đã mời gọi tôi vào nhà. Gặp nhau ở 64 Nguyễn Lương Bằng, có mặt anh Bùi Sỹ Tiếu Ủy viên Trung ương Đảng. Năm ấy 2003, ngọn gió đổi mới đã thổi thốc tháo vào mỗi căn nhà, cánh đồng, làng xóm. Con người ta vẻ văn minh hơn, có người hợm hĩnh hơn. Nhẫn đeo tay, cổ thắt caravat. Còn anh vẫn nụ cười hiền, quần áo tươm tất nhưng không khoe khoang. Người quê, vẫn nói giọng quê. Anh như bông hoa dong đỏ cuối vườn mẹ. Chúng tôi nói chuyện quê hương, chuyện làm ăn thời đổi mới. Sau nói chuyện anh Độ vị tướng nam chinh bắc chiến tay bút, tay súng. Quê Tướng Độ và quê anh Tiền sát nhau, rành nhau lắm. Anh Tiền còn nhớ mái nhà lợp cói mẹ anh Độ ở Tây Giang. Có lần chị Nguyễn Thị Định Phó Tổng tư lệnh miền ra thăm bảo: “Phải sửa lại cái nhà mẹ ở…” Anh trả lời: “Cứ để thế mới ra nhà của mẹ, đập cói đan bị nuôi con đi làm cách mạng”. Sáng hôm sau anh cùng tôi đến nhà anh Lê Khả Phiêu để tranh thủ việc viết cuốn sách về Tướng Độ và cứ thế, không biết bao cuộc anh cùng tôi gặp nhau ở Hà Nội. Thực sự anh đã thắp cho tôi một ngọn nến. Đôi lúc anh hối thúc tôi làm gấp, làm tới, đã có anh bên cạnh cùng đồng hành nâng đỡ cho tác phẩm. Những chuyến tôi cùng Đại tá Trần Thắng con Tướng Độ bay vào chỉ huy miền, lên chiến khu Đ để tìm nhân chứng ghi chép tỉ mỉ tài liệu, không phải không có sự giúp đỡ đầy nhiệt huyết của anh Vũ Văn Tiền. Anh Điện nhắc cháu Vũ Văn Mạnh, phụ trách khu vực miền Nam của anh giúp đỡ tôi trong lúc tôi tá túc tại Sài Gòn. Ngoài đại diện Viện kiểm sát tối cao của anh Hà Mạnh Trí, giờ lại có thêm chỗ anh Tiền giúp đỡ. Bước chân tôi vững hơn, tự tin hơn. Cho đến một ngày tôi nhận được điện của Thủ tướng Võ Văn Kiệt “Đến số 2 Lê Duẩn gặp Thủ tướng”. Cháu Mạnh đã đã đưa tôi đến đó… và tôi được lưu ở nhà Nguyên Thủ tướng… Lúc ra sách, tôi không hề đặt vấn đề tiền bạc in ấn đối với anh. Biết kẻ không đồng xu dính túi đang lo lắng, anh gọi tôi tới nói góp kinh phí in sách và cùng ra tay phát hành sách Tướng Độ. Anh đã thổi hồn vào chữ nghĩa của tôi để nâng tầm tư tưởng cuốn sách. Thời ấy có được người như anh hiếm lắm. Sau thời gian tôi được tạm trú chân ở nhà riêng Thủ tướng bên bờ sông Sài Gòn, về đến nhà vài hôm đã thấy cháu Vượng nhân viên của anh Tiền bay từ Sài Gòn ra mang cho tôi bài viết của Thủ tướng “Mấy ý kiến về việc xuất bản tập sách Tướng Độ”. Hôm anh tặng tôi chai rượu Amalách “đen” nằm trên chiếc cần cẩu, thi thoảng Văn Hữu đến rót một chén đãi. Mọi người đều hỏi sao có rượu quý thế. Tôi bảo của anh Tiền tặng. Thế là chuyện anh Vũ Văn Tiền quanh chiếu rượu nhà tôi được vang lên. Rồi một đêm chúng tôi trèo lên chiếc xe tải về Tiền Hải. Huy Tầm tập nói giọng Bác Hồ cho mọi người nghe. Xe lắc lư một lúc trên đoạn đường ổ gà ra đầm tôm. Đến ngã ba Ông Tượng, Huy Tầm mới cho tôi hay xe này anh Tiền mua cho đoàn chèo. Anh mê tiếng hát chèo hơn ai hết. Có lúc ngồi cùng chiếu gõ nhịp hát theo anh em. Rồi anh bỏ tiền nuôi tiếng hát bằng cách anh em đạt Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân, anh về tận nơi trao quà động viên anh em. Huy Tầm còn nói nghe đâu lúc ốm nằm trên giường bệnh, để chống chọi với cơn đau anh Tiền luôn mở băng dân ca chèo nghe cho khuây khỏa. Tôi bảo “Đúng là hát nuôi phần hồn”. Ai biết đôi cánh của con chim đại bàng trên bầu trời thi ca không mỏi, luôn dang rộng cho giới văn nghệ. Chiếc xe tải gồng mình đi về nông thôn mang chèo xuống làng. Đêm nào cũng đi, tháng nào cũng diễn. “Giữa hai vụ lúa là đêm hát chèo”. Ông Chủ nhiệm các hợp tác xã gặt xong chèo kéo anh em diễn viên về. Có diễn viên đùa với lãnh đạo hợp tác xã muối Thái Thụy “Ông Tiền chở gánh hát chúng tôi về xã, diễn xong mong bà cho đoàn mấy thúng hành thúng muối nuôi nhau”. Vũ Văn Tiền lãng đãng như cánh mây vân du trong dòng sông thi ca. Các công trình văn hóa dù ở đâu anh không biết thì thôi, biết là góp công góp sức. Hồi tôi làm tượng Văn Cao - Nguyễn Du - Lê Quý Đôn, Tào Mạt. Anh Phan Diễn - anh Nguyễn Ngọc Trìu - anh Đoàn Duy Thành cùng các vị tướng tá về dự khai mạc. Anh Tiền bỏ việc chạy từ Hà Nội về xem cuộc ra mắt tượng các danh nhân. Đêm đó ngồi lại với cánh diễn viên đoàn chèo hát một canh giờ. Vũ Văn Tiền không cao giọng. Anh là người bình thường như hạt cát ngoài biển Đồng Châu. Anh khác với những ông doanh nghiệp tôi thoáng gặp ở trên màn hình nhỏ. Hôm có việc tôi về Thụy Liên, Thái Thụy, Thái Bình. Vượt qua mấy bờ cỏ ướt, dậu hoa bìm bìm, tôi tới được bia lưu niệm được tạc từ đá dáng người phụ nữ đứng hơi nghiêng, cao hơn 5m với dòng chữ chạm khắc “Bến không chồng”. Đây là tên tác phẩm văn học của nhà văn Dương Hướng đã chuyển thành phim. Bến ấy có nhiều người con ra đi giữ nước không ngày trở lại, để lại khoảng trống giữa người con trai con gái, để lại những đứa con côi, những phụ nữ góa chồng. Tôi như nhìn thấy nàng vọng phu hiện về, nghĩ đến những câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm “Nước có giặc, người con trai đi đánh giặc, người vợ ở nhà nuôi cái cùng con… Có người trở thành anh hùng”. Chắc chắn “Bến không chồng” có bao người mẹ trở thành anh hùng. Bia lưu niệm thay chúng ta tố cáo tội ác chiến tranh, cất cao tiếng nói đòi cuộc sống yên lành. Sau này tôi mới vỡ lẽ có nguồn kinh phí hỗ trợ của Vũ Văn Tiền mới dựng được. Nếu Dương Hướng không nói, đố ai biết được cái đẹp của Vũ Văn Tiền đồng hành cùng nhà văn dựng tác phẩm “Bến không chồng”. Bàn chân anh Tiền lặng lẽ đi vào chiều sâu văn hóa như người phụ nữ “Quanh năm buôn bán ở mom sông/ Nuôi đủ năm con với một chồng” không một lời than thở. Anh Tiền nuôi tiếng hát chèo, nuôi hồn thiêng tiếng trống, tiếng trống tiễn người ra trận giữ nước giữ làng, tiếng trống quai đê lấn biển, tiếng trống bắt nhịp cho tiếng hát. Anh đã làm theo lời dạy của “Người đi tìm hình của nước”. Nếu có một doanh nhân nào đầu tư vào mom sông Vị dựng tượng người vợ cụ Tú, chẳng phải là giữ lấy cái tiết hạnh người phụ nữ hay sao? Mới đó thôi, các cháu đội bóng chuyền nữ quây quanh anh cùng đoàn nhà văn Việt Nam, trong đó có thần đồng Trần Đăng Khoa, Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Nguyễn Bình Phương. Ba ông trùm trò của giới văn chương ăn cơm mồng khoai nấu tôm, tôm rảo trạo trên bếp còn nóng. Hai món ấy ăn no cũng được. Cuối bữa chúng tôi ăn thêm xới cơm gạo làng ngoại đê, cá rô đồng kho tương. Ăn miếng cơm cuối nồi, gỡ miếng cá, tôi học được cách tiếp khách của anh. Rau nhà, cá nhà, gạo nhà lẫn trong khói bếp mẹ. Cơm ngon vừa thổi vừa ăn. Ông Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - Phó Chủ tịch Hội đồng nhà văn Á Phi thốt lên rằng “Tuyệt! Đúng là miếng ăn mẹ nấu từ xưa nay mới trở lại”. Buông đũa, một cháu vận động viên nữ thổ lộ “Mấy năm rồi, ông bầu Vũ Văn Tiền đều tài trợ khá nhiều tiền cho đội bóng đến hôm nay”. Thì ra thế! Anh Tiền xoay người bảo “Đồng tiền nó là thứ ngoại thân. Kiếm được phải biết tiêu, tiêu sao cho đúng mới là khó”. Thể dục thể thao đâu chỉ nhìn vào nó bằng cơ bắp, phải nhìn nó ở tinh thần đoàn kết dân tộc, nhìn vào màu cờ sắc áo mới thấy sự hấp dẫn của nó trên sân bãi. Khách về Tây Sơn Tiền Hải khi ngồi dưới gốc cây bồ đề mấy trăm tuổi nơi đền thờ Nguyễn Công Trứ đều nói với nhau. Năm nào cũng vậy, anh Tiền cùng đi với các cháu mặc áo cũ, quần cộc, mưa bấc vào lớp, đến chỗ thầy Hiệu trưởng để tìm cách cấp ít kinh phí tu sửa trường, lo học bổng cho các cháu, giúp kẻ khó khăn, nâng chân em học giỏi. Mấy mươi năm rồi anh vẫn làm việc đó. Bàn chân anh nhiều lần đặt lên thềm gạch. Anh không “hú” lên một tiếng, nói một câu ở cổng trường để mọi người nghe. Nhưng em nào em nấy cứ muốn túm áo anh mời anh ở lại. Anh nhìn vào những gương mặt trẻ, những con mắt xanh như lá cây, đẹp như hoa mướp đang bay phấn cầu ao. Cần gì ở anh? Nó cần có cuốn sách, ngòi bút để học. Anh không tiếc nó. Chữ “Nhân” là người, có hai nét dựa vào nhau. Người đi trước đỡ người đi sau, người đi sau dựa người đi trước. Như thế mới là người có “Nhân”. Từ ngày đó anh nhận làm đàn anh bọn trẻ. Thế thôi! Đến thằng Bờm ngày xưa “Gia tài mo quạt cầm tay/ Làm nên gió mát xưa nay có Bờm/ Sống cùng tiếng hát nhân gian/ Mặc ai chê dại, trách gàn chẳng lo”. Nghèo như Bờm còn biết lấy gió mát trăng thanh cho mọi người. Năm nay ông Tiền tuổi ngoài lục tuần. Ông lọt vào chiếu văn chương, ông không viết vẽ được. Ông lấy hơi thở sức sống của đồng tiền nuôi con chữ. Tiếng Việt - Hồn Việt ông đi theo nó, cắm sâu vào lớp trẻ. Ông không nói “trợ cấp”, “tài trợ”, “giúp đỡ” mà ông dùng từ “đồng hành” với Hội nhà văn Việt Nam để những cây bút trẻ có xung lực mới đi vào Văn học. Đây là việc lâu dài, việc khó thì ông phải lặn lội như bà vợ cụ Tú kiếm tiền nuôi lớp người làm văn chương. Giờ đây, trong cuộc sống có nhiều biến động, trong lời nói không phải không có kẻ nói “cong”, nhưng với tôi chỉ có một Vũ Văn Tiền đã là hình ảnh đẹp cho người cầm bút. Hôm 16/6/2022, tại Đà Nẵng có cuộc khai mạc Hội nghị viết văn trẻ có sự tham dự của đại diện Chính phủ. Từ Hà Nội anh đã truyền tình cảm của mình vào cho những người viết văn trẻ cả nước. Anh đã hà hơi tiếp sức sang họ nghị lực sáng tạo. Cuộc chơi văn chương như ngọn gió muôn đời anh không để tắt, anh thường nói với anh em: “Văn chương là mảnh đất lưu giữ bóng hình của cuộc đời”. Anh là người không có danh trong chốn văn chương, nhưng không hổ danh trong chốn sang trọng ấy. Lúc về quê, khi ngồi thuyền ra biển anh vui mồm đọc “Thị rụng bị cho bà, bà về làm quà cho cháu bà chẳng ăn đâu”. Hương thơm cuộc đời anh cũng muốn dành cho trang sách, cho hơi thở câu chữ. Buổi sáng đó 3/6/2022, tôi đứng sát mép nước ngắm đôi thiên nga bơi dưới hồ nước rộng. Trước mặt tôi là hòn đá lớp, hình bầu dục tròn trặn, được dựng trên bệ. Hòn đá vẻ kiêu dũng, khí tiết lăng tằng, tạc khắc câu ngạn ngữ “Sắc đẹp là hoa, còn đạo đức là quả của cuộc đời” (ngạn ngữ Mỹ). Ông chủ Vũ Văn Tiền chơi thế đó, chẳng cần có “Mao Tôn Cương” lên tiếng cũng rõ cái “chí”, cái “hạnh” của ông chủ nhà Vũ Văn Tiền. Mỗi khi về quê, chiều đến anh thường ra thăm đền cụ Doanh Điền, ngửa mặt nhìn bóng hai cây bồ đề cao vòi vọi, cành lá chờm ra bốn mặt. Lúc ấy anh nghĩ cụ Doanh Điền đang bay trên đó. Anh chỉ là cái lá rụng dưới chân cụ. Nhìn thi nhân Nguyễn Công Trứ có lúc làm đến Đại thần, có khi cách chức xuống thứ dân không một lời than thở. Có người không hiểu còn nói cụ có tội đàn áp cuộc khởi nghĩa Phan Bá Vành. Kẻ thiển nghĩ này khác chẳng qua cụ làm theo lệnh triều đình, sai đúng ở Vua tôi thời ấy. Nhưng nhờ có cuộc dẹp loạn ấy cụ mới vỡ lẽ họ là ai? Là người nông dân không có tấc đất trong tay phải đứng dậy. Đều là dân áo vải cần miếng ăn, nên sau đó cụ ra sức khai điền lập ấp. Cụ là một thi nhân để lại nền ca trù bác học Việt Nam. Làm quan, làm dân, thời làm dân của cụ nhiều hơn. Lúc chết cụ phải thốt lên: “Kiếp sau xin chớ làm người/ Làm cây thông đứng giữa trời mà reo/ Trên rừng vách đá cheo leo/ Ai mà chịu rét thì trèo với thông”. Chơi với cụ đâu dễ. Vũ Văn Tiền cũng dân ngoại đê, bỏ tiền góp công xây đền thờ cụ, đào hố dựng bia lưu niệm cụ. Cũng là lưu danh tiền nhân mở đất, lưu danh một thi nhân nước Việt.