Nhà văn Thái Tân đang ngồi chơi cờ tướng với ông Trần Tự dưới bóng mát của cây Ngũ Trái, thì bà Xuyến mang điện thoại ra đưa cho ông. Giọng bà ngọt như mía lùi, ấm như hơi thở: - Ông Tân ơi, có ai gọi điện cho ông đây này. - Thế hả bà… A lô, vâng, vâng…Tôi Thái Tân đây. A, ông Long đấy hả? Khỏe không ông bạn? Ông bảo sao? Ông về thăm vợ chồng tôi? Thế ông về đến đâu rồi? Cái gì? Xe của ông đang đỗ trước cổng nhà tôi rồi hả? Vâng! Tôi ra ngay đây. Vừa dứt một hồi trò chuyện qua điện thoại với nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Tự Long, nhà văn Thái Tân quay sang nói với người bạn láng giềng
DOANH NHÂN MIỀN QUÊ LÚA
Cao Bá Khoát
Nhà văn Thái Tân đang ngồi chơi cờ tướng với ông Trần Tự dưới bóng mát của cây Ngũ Trái, thì bà Xuyến mang điện thoại ra đưa cho ông. Giọng bà ngọt như mía lùi, ấm như hơi thở: - Ông Tân ơi, có ai gọi điện cho ông đây này. - Thế hả bà… A lô, vâng, vâng…Tôi Thái Tân đây. A, ông Long đấy hả? Khỏe không ông bạn? Ông bảo sao? Ông về thăm vợ chồng tôi? Thế ông về đến đâu rồi? Cái gì? Xe của ông đang đỗ trước cổng nhà tôi rồi hả? Vâng! Tôi ra ngay đây. Vừa dứt một hồi trò chuyện qua điện thoại với nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Tự Long, nhà văn Thái Tân quay sang nói với người bạn láng giềng: - Có lẽ phải nói lời xin lỗi ông Tự! Ông bạn tôi ở Hà Nội về chơi. Ta tạm gác ván cờ này lại đã, ông Tự nhé… - Không sao! Ông có khách quý mãi tận Thủ Đô về chơi, thế là quá vui. Vậy thì tôi xin phép ông bà… - Ấy không! Ông cứ ở lại đây, cùng vợ chồng tôi tiếp ông Long. Tuy là nghệ sĩ nhiếp ảnh nhưng ông bạn tôi lại rất thích trò chuyện với những người mê văn chương. Nói vậy với ông Tự, nhà văn Thái Tân quay ra nói với bà Xuyến: - Mình ơi! Ông Long về chơi, xe của ông ấy đang đậu trước cổng nhà ta, bà ra mời ông ấy vào…À, mà không! Để tôi ra mở cổng… Bà nhanh tay pha cho tôi bình nước chè xanh… Ông Long rất khoái uống nước chè xanh mình pha theo lối “cổ truyền”. Ông Tân vừa nói, vừa đi nhanh ra phía cổng. Ông Tự nhanh tay thu gom các quân cờ cho vào cái hộp sơn mài. Ông vui vẻ nói: - Chẳng riêng gì ông bạn thân của ông bà đâu; Tôi cũng rất khoái khi được uống chén nước chè xanh pha theo kiểu đặc biệt cổ truyền của bà đấy, bà Xuyến nhé. Người ta bảo: Chỉ có bà Xuyến, vợ nhà văn Thái Tân, mới có cách hãm chè xanh ngon như thế: Chè xanh hái từ vườn về, rửa sạch, thái nhỏ như thái rau diếp ăn ghém, cho vào bình sứ, chế nước sôi, ủ trong ấm giành, một lúc rót ra chén, nước chè vàng óng ánh, mùi thơm lan tỏa ngây ngất, uống một ngụm, mát đến tận lục phủ ngũ tạng. Nhà văn Thái Tân và nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Tự Long đã vào đến đầu sân. Vừa đi hai ông vừa chuyện trò rôm rả lắm. Bước vào nhà, chào bà Xuyến, bắt tay ông Tự xong, ông Long nói ngay với vợ chồng ông Tân: - Chuyến này về Thái Bình, trước hết là thăm ông bà, sau là tôi có nhời với bà Xuyến: “Bà cho tôi mượn ông ấy mươi ngày, được không bà Xuyến?”. Bà Xuyến cười xởi lởi: - Đi với ai thì tôi còn phải đắn đo, nhưng mà đi với ông Long thì tôi đồng ý ngay. Các ông muốn đi đâu, đi bao nhiêu ngày, tôi không í ới gì. Nhưng các ông định đi đâu vậy? - Thú thật với ông bà và ông Tự là: Tôi đang đi săn mấy bức ảnh đẹp, chụp chân dung các doanh nhân tiêu biểu, để tham gia một cuộc triển lãm lớn, tầm cỡ quốc gia. Cuộc triển lãm mang tên “Doanh nhân đất Việt”. Nghe đến đây, ông Trần Tự reo to: - Như thế là những tư tưởng lớn đã gặp nhau rồi nhé. Thật là tuyệt vời! Ông Tân vừa khoe với tôi là ông ấy đang đi thu thập tư liệu để tham gia cuộc thi viết về “Doanh nghiệp - Doanh nhân Thái Bình trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội” do Hội văn học nghệ thuật Thái Bình và Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh phát động. Chuyến này mà các vị phối kết hợp với nhau là rất hợp tình, hợp lí, tương đắc, tương phùng. Trần Tự tôi xin có lời chúc cả hai ông đạt được kết quả đúng như mong đợi. Chiếc Toyota Camry màu đen đỗ xịch trước một cái cổng hoành tráng. Nhà văn Thái Tân bước xuống xe, vươn vai, làm mấy động tác thư giãn, nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Tự Long vừa ra khỏi xe đã ngước mắt nhìn lên bầu trời phía trước. Nổi bật trên nền trời xanh trong là dòng chữ: “Công ty Cổ phần quốc tế Bảo Hưng”. Bằng thói quen nghề nghiệp, ông nghệ sĩ nhiếp ảnh chọn ngay những điểm ngắm thích hợp, thu vào ống kính của mình những hình ảnh mà ông ưng ý nhất. Vợ chồng Đào Đức Bảo và Phan Thị Châm ra tận tiền sảnh ngôi nhà ba tầng đón khách. Chiều qua, nhà văn Thái Tân đã điện thoại trước cho Tổng giám đốc Phan Thị Châm, nói rõ lí do, chương trình làm việc sáng nay. Tổng giám đốc Phan Thị Châm là ủy viên ban thường vụ Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Bình nên bà vui vẻ tạo mọi điều kiện cho các văn nghệ sĩ đến thăm và làm việc tại công ty. Nhà văn Thái Tân rất thân với vợ chồng Bảo Châm. Ông đã có khá nhiều bài viết về công ty cổ phần quốc tế Bảo Hưng, từ khi nó chỉ mới là cái “cửa hàng tự chọn” bé con con ở phố La Uyên, xã Minh Quang. Thái Tân thường tâm sự với đồng nghiệp: “Tôi rất khâm phục tài năng, nghị lực của cô gái họ Phan ở Tân Lập và chàng trai họ Đào ở Tân Phong. Trời sinh một cặp rất thông minh, biết đi lên từ đôi bàn tay trắng, dựng nên cơ nghiệp lớn. Một công ty nổi tiếng khắp trong Nam, ngoài Bắc, vươn ra đặt đại lí ở hơn hai mươi nước Á, Âu. Một gia đình hoàn hảo, vợ chồng tâm đầu ý hợp, con cháu phương trưởng, danh giá ít ai bằng”. Vũ Tự Long chăm chú nghe Tổng giám đốc Phan Thị Châm thuyết trình những hoạt động thường niên của công ty. Ông ghi chép vào cuốn sổ tay những số liệu sản phẩm làm ra hàng năm, doanh thu hàng quý và các khoản đóng góp của công ty với Nhà nước. Ông đặc biệt chú ý đến những sản phẩm, những khoản kinh phí đồ sộ mà công ty cổ phần quốc tế Bảo Hưng đã tham gia làm từ thiện. Đây là một công ty có bề dày thành tích trong sản xuất, kinh doanh, một công ty gương mẫu trong nhiệm vụ nộp ngân sách và đi đầu trong công tác từ thiện, tích cực hỗ trợ, cứu giúp những nơi bị thiên tai, những người gặp hoàn cảnh khó khăn, nhất là trong mấy năm chống chọi với đại dịch covid-19. Trước đây, nhà văn Thái Tân cứ nghĩ đơn giản là nghệ sĩ nhiếp ảnh chỉ cần chụp được những bức ảnh họ cho là đẹp, phong cảnh hài hòa, con người bình dị, nước ảnh rõ nét…Nhưng bây giờ, qua cách săn ảnh, cách săn tìm tư liệu của nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Tự Long, Thái Tân mới ngộ ra một điều: Phong cảnh đẹp là chưa đủ, chân dung con người rõ nét cũng chưa đủ... Nghệ sĩ nhiếp ảnh rất cần những con số thực tế, những con số biết nói, tô thắm thêm vẻ đẹp cho những bức ảnh mà họ đã lao tâm khổ tứ săn chụp được. Vũ Tự Long nói với vợ chồng Phan Thị Châm là mong muốn được gặp giám đốc Đào Đức Hưng. Tổng giám đốc Phan Thị Châm nói ngay: 36 VNTB 03(266) - 2023 - Cháu Hưng, con trai chúng tôi hôm nay đang họp Hội đồng nhân dân tỉnh. Là đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh nhiều khóa liên tục nên cháu không được phép vắng mặt. Ba ngày nữa xin mời các ông trở lại công ty, lúc đó ông sẽ có đầy đủ những điều ông mong muốn. Bắt tay nhau thật chặt, thể hiện lòng mến khách, Phan Thị Châm nói với nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Tự Long: - Những điều tôi nói lúc nãy có thể chưa đáp ứng yêu cầu của ông. Nếu cần biết thêm điều gì, ông cứ hỏi nhà văn Thái Tân, ông nhé. Khi đã yên vị trên xe, nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Tự Long mặc cả luôn với Thái Tân: “Tổng giám đốc Phan Thị Châm nói rồi đấy nhé. Có điều gì cần biết thêm, cứ gõ đầu ông Tân”. Nhà văn Thái Tân cự lại: - Nhưng mà tôi cứ thắc mắc hoài là cái nghề chụp ảnh của ông, cần gì nhiều tư liệu đến thế nhỉ? Tôi cứ tưởng đã có ảnh đẹp là có tất cả… - Ông nhầm. Một bức ảnh đẹp là bức ảnh có hồn, có đầy đủ lí lịch trích ngang. Càng đầy đủ, càng xúc tích. Không phải chụp được cái ảnh nào, chẳng biết xuất xứ của nó ra sao, bức ảnh đó đẹp ở khía cạnh nào…Trông ảnh mà chỉ thấy phong cảnh đẹp, người rõ nét thì: Vứt! Bức ảnh như thế không có giá trị nghệ thuật…Ảnh nghệ thuật và nhất là ảnh tham gia triển lãm tầm cỡ quốc gia, quốc tế phải là những bức ảnh… - Thôi được rồi, ông nói thế là tôi hiểu. Hồi trước đi xem triển lãm ảnh của một vị phó nháy, thấy nước ảnh đẹp, đường nét hoàn hảo, màu mè hoa cả mắt, tôi cứ nức nở khen. Bây giờ nghe ông giảng giải, tôi thấy mình tơ lơ mơ và ấu trĩ quá. Vũ Tự Long vỗ nhẹ lên vai Thái Tân, ông nói như rất thông cảm với người bạn rất thân: “Ông là người ngoại đạo, không hiểu sâu vào cái nghề của tôi là đúng. Một số người cũng cầm máy, cũng chụp ảnh, cũng vỗ ngực khoe với mọi người “Tôi là phóng viên ảnh của báo này, báo nọ đây”, nhưng họ chụp ảnh theo sở thích cá nhân, ngộ nhận rằng ảnh mình chụp là “độc nhất vô nhị”, bày ra để phô trương… Nhưng mà thôi, kệ họ ông Tân nhé. - Nhất trí! Ông cứ xem kĩ những điều mà ông đã thu lượm được ở công ty cổ phần quốc tế Bảo Hưng, cần thêm vấn đề gì, tôi xin cung cấp. - Ông hứa rồi đấy nhé. Đêm đó, nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Tự Long yêu cầu nhà văn Thái Tân phải cung cấp cho ông thật nhiều thông tin về gia đình Tổng giám đốc Phan Thị Châm. Gác chân lên đùi bạn, Thái Tân bắt đầu kể: Hơn 40 năm về trước, tại bến phà Tân Đệ có một quầy giải khát nho nhỏ của cô gái có cái tên bình dị mà duyên dáng: Phan Thị Châm. Châm xinh xắn, thông minh, tháo vát, nụ cười luôn thường trực trên đôi môi tươi tắn, luôn miệng mời chào khách bằng chất giọng nhỏ nhẹ, dễ thương, nên khách đến mua hàng rất đông. Có một thanh niên điển trai, tuấn tú, họ Đào tên là Bảo, người làng Ô Mễ, xã Tân Phong, mỗi khi qua phà sang Nam Định, đều không quên ghé qua quầy bánh kẹo của Châm. Mỗi lần gặp gỡ, họ chuyện trò rôm rả, thân thiện lắm. Ngày tháng trôi đi, hai người thân càng thêm thân và tình yêu chớm nở. Rồi họ nên vợ, nên chồng, cùng nhau sinh cơ lập nghiệp bằng cái nghề sản xuất bánh kẹo gia truyền. Ban đầu, Bảo và Châm chỉ dám mở một tổ sản xuất bánh kẹo nho nhỏ ở trong con ngõ hẻm, thuộc tiểu khu dân cư An Bình, thị trấn Vũ Thư. Một gian nhà đơn sơ của xóm Trung Hưng, xã Minh Quang, sát quốc lộ 10, được chọn để bày bán sản phẩm, đấy là cửa hàng tự chọn của Bảo và Châm, một cửa hàng tự chọn đầu tiên của miền quê lúa. Bảo bàn với vợ: “Vốn kinh doanh của mình còn hạn hẹp, nên trước hết là bán hàng do gia đình sản xuất và mở thêm đại lí bán sản phẩm cho hãng bia Đại Việt”. Với cái tính năng động, sáng tạo, với cái tài quản lí, kinh doanh và với nghị lực, ý chí dám nghĩ, dám làm, chỉ một thời gian ngắn, vợ chồng Bảo Châm đã mạnh dạn quyết định thành lập công ty, thuê thêm nhân viên và mở rộng quy mô sản xuất. Không ai có thể ngờ rằng: Từ một cái quán đơn sơ, nhỏ lẻ, vợ chồng Bảo, Châm đã tiến thêm một bước thành đại lí, rồi nâng lên thành công ty. Cô chủ quán bánh kẹo năm xưa đã trở thành bà chủ của công ty sản xuất bánh kẹo Đông Đô, với hàng trăm mặt hàng bình dân và cao cấp. Trong tay Châm lúc đó có hai xưởng sản xuất bánh kẹo, một quầy hàng tự chọn và hơn 20 đại lí lớn nhỏ ở 10 xã. Châm thường tâm sự với các bạn nghề: “Có lao vào làn sóng cơ chế thị trường, có sản xuất kinh doanh mới thấy hết những khó khăn, rủi ro trong nghề nghiệp”. Đã có lúc tưởng như mất trắng cả vốn lẫn lời, buồn lắm nhưng vợ chồng Bảo Châm vẫn vững vàng, không nản chí, không chịu bó tay. Khi có điều kiện, Bảo và Châm quyết định rất nhanh, đấu thầu những khu đất đắc địa để mở rộng quy mô sản xuất. Châm tuyển dụng nhiều lao động bổ sung cho các phân xưởng. Vừa tạo việc làm cho những lao động trẻ, mới rời ghế nhà trường, vừa góp phần cùng các cấp chính quyền giải quyết việc làm cho người lao động. Nhân viên của công ty rất mến cô chủ, vì Châm rất thương người lao động. Phan Thị Châm biết cách sử dụng người phù hợp với khả năng, năng lực của họ. Châm bảo: “Dụng nhân như dụng mộc”. Ở đây tuyệt nhiên không có giải phân cách giữa người làm công với bà chủ công ty. Người lao động sẵn sàng ủng hộ những ý tưởng mới mẻ của Châm, họ sẵn sàng giúp bà chủ trong mọi công việc và bảo quản hàng hóa không để thất thoát. Nghệ sỹ nhiếp ảnh Vũ Tự Long cứ mải mê nghe nhà văn Thái Tân kể về những đức tính cao đẹp của nữ doanh nhân Phan Thị Châm. Ông hỏi một câu xen ngang: - Chẳng lẽ giữa bà chủ với người làm thuê không bao giờ xảy ra chuyện gì xích mích? - Có chứ! Cũng có lúc vì quá căng thẳng với công việc và cũng do tính nóng nảy bột phát, nên Châm đã lớn tiếng quát nạt nhân viên; nhưng ngay sau đó, Châm chủ động làm lành, nhận hết lỗi về mình. Chính vì điều đó nên tình cảm giữa người làm công với chủ doanh nghiệp luôn đồng thuận. Đối với Châm, sức khỏe của người lao động luôn được đặt lên vị trí số một. Không bao giờ Châm thúc ép người lao động phải làm việc quá sức mình. Châm bàn với chồng và con: “Làm ra nhiều sản phẩm, thu nhập cao thì ông chủ, bà chủ nào chả thích. Nhưng bóc lột sức lực của người ta quá quắt, thì còn ai dám làm việc cho mình nữa?”. Thành danh trên thương trường, Bảo và Châm đặc biệt coi trọng chữ tín… Lại có thêm một câu hỏi cắt ngang của Vũ Tự Long: - Giám đốc Đào Đức Hưng là người thế nào? - Đào Đức Hưng là con trai trưởng của Đào Đức Bảo và Phan Thị Châm. Hưng sinh năm 1986, đã tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Úc. Năm 2013, Hưng được bố mẹ giao cho làm giám đốc điều hành công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu bánh kẹo Bảo Hưng. Từ ngày được giao trọng trách, Hưng cùng ban giám đốc bàn bạc, mạnh dạn vận dụng thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh. Tuổi trẻ tài cao, có kiến thức vững vàng, Hưng đã cùng bố mẹ và cán bộ nhân viên công ty nâng mức doanh thu tăng gấp ba bốn lần so với trước. Tại địa điểm sản xuất mới xây dựng, trên lô đất tám nghìn mét vuông, công ty đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng đổi mới trang thiết bị, các dây chuyền hiện đại được lắp đặt, đi vào hoạt động ổn định, công nhân được tuyển dụng nhiều thêm, sản phẩm của công ty cổ phần quốc tế Bảo Hưng đã có mặt trên các đại lí 63 tỉnh thành trong nước và 20 nước trên thế giới. Có thể khẳng định tên tuổi của Công ty cổ phần quốc tế Bảo Hưng đã và đang nổi danh ngang hàng với các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước. Lòng nhân ái của gia đình Đào Đức Bảo, Phan Thị Châm, Đào Đức Hưng đã được rất nhiều cơ quan báo chí nêu gương. Tại lễ tôn vinh thương hiệu Việt Nam tin dùng năm 2015, công ty cổ phần quốc tế Bảo Hưng vinh dự được đại diện vụ Báo chí - Xuất bản và đại diện báo Người Tiêu Dùng trao cúp vàng. Giám đốc Đào Đức Hưng được tôn vinh là “Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc”. Cũng trong năm 2015, Đào Đức Hưng được kết nạp vào Đảng và trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kì 2016-2021, Đào Đức Hưng trúng cử đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh với số phiếu rất cao, nhiệm kì 2021-2026 cũng vậy. Nhiều lần trả lời phóng viên truyền hình, Đào Đức Hưng đều nói: “Yếu tố quan trọng để công ty cổ phần quốc tế Bảo Hưng có thương hiệu nổi tiếng là chất lượng sản phẩm. Để có được sản phẩm tốt, khâu quan trọng nhất là không ngừng đổi mới trang thiết bị máy móc hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực để nâng cao trình độ tay nghề, áp dụng quản lí chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 2000-2005. Công ty cổ phần quốc tế Bảo Hưng luôn chú trọng khâu nhập nguyên liệu đầu vào, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, định lượng giá thành hợp lí. Sự hài lòng của khách hàng là thành công lớn nhất của công ty chúng tôi”. Ngừng một chút, nhà văn Thái Tân hỏi nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Tự Long: “Tôi có tật xấu là rất tham lam, đã nói là như bắn liên thanh, nói một thôi, một hồi, liệu ông có đưa hết tất cả vào tác phẩm của ông được không? Nghệ sỹ nhiếp ảnh Vũ Tự Long cười sảng khoái: - Nghe nhiều, biết sâu, đấy là điều rất cần cho người cầm bút và cả người cầm máy nữa. Đến lúc viết, tôi vận dụng theo cách viết của những nhà văn gạo cội: “Nghĩ nhiều, viết ít”. Chắt lọc được những gì tinh túy nhất, tôi sẽ đưa vào tác phẩm. Cũng như ông viết văn đó: Viết về doanh nghiệp, doanh nhân, không đi sâu vào cách làm ăn, cách bắt tiền đẻ ra tiền, mà ông viết về cái tâm, cái tầm nhìn của chủ doanh nghiệp. Những chuyện mà ông vừa kể cho tôi nghe về cái tâm của vợ chồng tổng giám đốc Phan Thị Châm và giám đốc Đào Đức Hưng rất tuyệt. Không thừa một li, một lai nào đâu ông bạn quý của tôi ạ. Cả hai ông nghệ sĩ đều chìm sâu vào giấc ngủ êm đềm. Sáng hôm sau vừa tỉnh giấc, nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Tự Long đã hỏi luôn: - Hôm nay hai ta đi đâu đây ông Tân? - Chúng ta sẽ đến gặp một giám đốc trẻ tài năng. Ngồi trên xe, tôi sẽ kể cho ông nghe những điều thú vị về Đỗ Duy Hùng. Chiếc Toyota Camry lướt nhẹ như mũi tên trượt trên con đường vành đai thành phố. Giọng Thái Tân êm ấm hòa trong tiếng máy nổ nhè nhẹ của con xe: - Đỗ Duy Hùng sinh ra và lớn lên tại xã Hiệp Hòa, nơi có niềm vinh dự được đón Bác về thăm và nói chuyện với cán bộ, nhân dân Thái Bình đầu xuân 1967. Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Hùng tình nguyện lên đường nhập ngũ. Hùng được biên chế vào tiểu đoàn 2, trung đoàn 131, binh chủng hải quân. Ba năm trong quân ngũ, Hùng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ các cấp chỉ huy giao. Tháng ba năm 1991, Hùng xuất ngũ về với đời thường. Hiệp Hòa quê của Đỗ Duy Hùng là miền quê thuần nông, nghề nghiệp chính là làm ruộng. Trong khi lao động trên các cánh đồng, Hùng thấy cây trồng bị sâu bệnh phá hoại ghê gớm, năng suất giảm nghiêm trọng. Đỗ Duy Hùng bàn với anh chị em cùng trang lứa, quyết định thành lập tổ sản xuất bình bơm thuốc trừ sâu. Hùng khăn gói lên đường, tầm sư học đạo. Mặc dù có những khó khăn, với bản chất và nghị lực của người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam, tự hào là người con của quê hương 5 tấn, trong tim Hùng luôn vang lên lời căn dặn ân cần của Bác: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, có chí ắt làm nên”. Hùng cùng anh chị em đã vượt qua mọi thử thách, từng bước gặt hái những chiến công. Ba năm làm nên thương hiệu, bình bơm thuốc trừ sâu mang nhãn hiệu Hoa Sen, của tổ sản xuất do Đỗ Duy Hùng làm tổ trưởng, đã có mặt trên khắp 63 tỉnh thành trong cả nước. Đặc biệt là sản phẩm bình bơm thuốc trừ sâu của Hùng đã đẩy lùi các sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ Trung Quốc. Một người lính trẻ giàu nghị lực, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đã nâng cấp từ một tổ sản xuất nhỏ bé, chuyên sản xuất bình bơm thuốc trừ sâu, thành công ty trách nhiệm hữu hạn phát triển công nghiệp, đa dạng ngành nghề sản xuất, với mục tiêu giải quyết việc làm cho người lao động, có thu nhập ổn định, đóng góp tài chính ngày càng nhiều cho ngân sách Nhà nước. Nói đến đây, Thái Tân quay qua hỏi Vũ Tự Long: - Tôi nói thế, ông không ghi chép gì, tai nọ lọt sang tai kia, ông nhớ làm sao nổi? - Tôi có cách lưu trữ tư liệu riêng của tôi rồi. Phương tiện hiện đại, việc chi mà phải hí hoáy ghi chép cho mệt. Thôi, ông cứ kể tiếp đi. Hiện nay Đỗ Duy Hùng lãnh đạo công ty phát triển công nghiệp ra sao? - Ông nghe tiếp nhé. Bốn lĩnh vực chính mà công ty của Hùng đang đảm nhiệm là: Tham gia đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp và các khu dân cư. Xây dựng các công trình điện cao, trung, hạ áp. Sản xuất và kinh doanh vật tư thiết bị điện. Sản xuất thiết bị phun thuốc trừ sâu, phục vụ nông nghiệp. Giám đốc Đỗ Duy Hùng đã vững tay chèo lái vượt mọi khó khăn, duy trì và phát triển sản xuất. - Công ty trách nhiệm hữu hạn phát triển công nghiệp của Hùng có đông công nhân không? Trình độ tay nghề của họ ra sao? - Một trăm mười lao động, trong đó có đến 50% đạt trình độ đại học và cao đẳng, trung cấp nghề. Hai mươi sáu lao động có chứng chỉ công nhân kĩ thuật, thợ lành nghề từ bậc 5 trở lên. Đội ngũ kĩ sư và công nhân giàu kinh nghiệm trong các lĩnh vực truyền thống là sản xuất máy phun thuốc trừ sâu và xây dựng các công trình đường dây, trạm biến áp được tăng cường. Công nghệ sản xuất máy phun thuốc trừ sâu được thực hiện trên máy ép phun hiện đại nhất của Nhật Bản. Chất lượng sản phẩm cao, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn Việt Nam và không ảnh hưởng đến môi trường. Công ty của giám đốc Hùng đã mở 40 đại lí trên các tỉnh thành. Doanh thu năm sau cao hơn năm trước từ 15% đến 20%. Đặc biệt là trong quá trình cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới, công ty của Hùng đã trúng thầu dự án chống quá tải lưới điện nông thôn. Hùng đã chỉ đạo xây dựng hàng trăm ki lô mét đường dây trung hạ thế và hơn một trăm trạm biến áp tại công ty điện lực Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định, Nghệ An. Hàng năm doanh thu đều vượt kế hoạch, nộp ngân sách vượt chỉ tiêu giao. Chiếc xe rẽ quẹo vào con đường nhánh, Thái Tân chỉ tay về phía trước: - Đại bản doanh của giám đốc Đỗ Duy Hùng ngay trước mặt. Đến đó, vào phòng truyền thống, ông sẽ bị choáng ngợp bởi một rừng cờ thưởng, bằng khen của các cấp các ngành từ Trung ương đến địa phương. Đỗ Duy Hùng tiếp 2 ông nghệ sĩ tại phòng khách của công ty. Khuôn mặt tươi trẻ, đầy nghị lực, giọng nói chân tình, cởi mở, đã cuốn hút tâm trí nghệ sĩ nhiếp ảnh. “Một giám đốc trẻ năng động, sáng tạo, một người lính đa tài, ở đâu và lúc nào cũng giữ vững phẩm chất bộ đội Cụ Hồ. Lần đầu gặp gỡ mà mình đã thấy rất mến Đỗ Duy Hùng”. Vừa xem lại những hình ảnh mới thu thập được, Vũ Tự Long nói với mọi người điều đó. Theo hướng dẫn của Thái Tân, tài xế cho xe tiến thẳng vào thôn Hội của xã Minh Khai. Vũ Tự Long hỏi Thái Tân: “Đây là đâu vậy ông Tân?” - Đây là thôn Hội, xã Minh Khai…Đến thôn Hội tôi sẽ giới thiệu với ông một doanh nhân trẻ, đẹp trai và đa tài. Chàng trai đó là Nguyễn Văn Thương. Xe dừng bánh trước một phân xưởng mộc ngay sát mé đường trục xã. Sản phẩm trưng bày trong nhà xưởng toàn là đồ thờ tự. Nhiều nhất là tượng Phật, đại tự, hoành phi, câu đối. Cái nào cũng được chạm khắc rất tinh xảo, hoàn hảo và sơn son thiếp vàng, trông rất vui mắt. Đây là xưởng mộc của Nguyễn Văn Thương. Thương được cha mẹ cho ăn học đến nơi, đến chốn. Hết phổ thông trung học, Thương theo học cao đẳng kinh tế, tốt nghiệp đỗ bằng ưu. Nhưng đến khi mang hồ sơ đi xin việc thì chẳng cơ quan nhà nước nào tiếp nhận. Buồn lắm, Thương nghĩ: Làng mình vốn có nghề chạm khắc gỗ truyền thống nổi tiếng khắp vùng. Người của số làng lân cận đến theo học nghề của các cụ rất đông. Bản thân Thương cũng nửa ngày đi học, nửa ngày theo các bác thợ cả đi làm ở các đình, chùa, vừa làm vừa học. Nguyễn Văn Thương thường tự nhủ lòng rằng: “Mình là đảng viên, lại là con trai ông phó chủ tịch xã, mình phải có trách nhiệm giữ nghề và mở rộng ngành nghề cùng chính quyền địa phương giải quyết đủ việc làm cho người lao động, nhất là việc làm cho cánh thanh niên vừa rời ghế nhà trường”. Thương bàn với bố và cánh thanh niên cùng trang lứa, mở một phân xưởng chạm khắc gỗ mỹ thuật ngay tại khuôn viên nhà mình. Ban đầu, mọi công việc đều thao tác theo kiểu thủ công vì Thương không đủ tiền mua máy móc. Từ việc cưa, cắt, đẽo đục, sơ chế gỗ và chạm khắc, đều dựa vào đôi tay và sức lực của con người. Bố mẹ Thương thương cánh trẻ lắm, họ tìm mọi cách vay vốn, mua sắm máy móc và bàn với cánh trẻ thực hiện phương án làm thuê cho các cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ lớn, từ đó học hỏi thêm kinh nghiệm, kĩ năng, kĩ xảo. Trời ban cho Thương trí thông minh, bố mẹ truyền cho con cái zen khéo tay và tính tình ham học. Năm tháng qua đi, Thương đã trở thành một người thợ chạm khắc gỗ tài giỏi, có tay nghề điêu luyện. “Hữu xạ tự nhiên hương”. Rất nhiều khách hàng từ Hà Nội, Hà Nam, Nghệ An, Phú Thọ tìm đến thôn Hội, đặt Nguyễn Văn Thương làm hoành phi, câu đối, cửa võng và tượng Phật. Thương vinh dự được tuyển chọn đi trang trí nội thất chùa và đài tưởng niệm Bác Hồ ở đảo Trường Sa Lớn. Từ năm 2010, Nguyễn Văn Thương mở xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ thuật ngay cạnh đường trục xã chuyên làm hoành phi, câu đối và tượng Phật. Và 5 năm sau, Thương tiếp tục mở thêm xưởng thứ hai trên khu đất 8000 mét vuông, ngay trước cửa đình Hội. Cơ sở 2 là nơi chuyên làm chùa gỗ, nhà gỗ cho khách hàng. Thấy nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Tự Long cứ mải mê thu vào ống kính những hình ảnh đẹp nhất, cần thiết nhất, Thương vui vẻ nói với nhà văn Thái Tân: - Số gỗ này mới được tập kết về đây hôm đầu tháng. Hơn một trăm cây gỗ quý, đủ để thi công ngôi nhà tổ của chùa Phúc Minh. Thượng tọa Thích Thanh Hòa đã thiết kế mẫu hình ngôi nhà gỗ nhiều gian, hoàn toàn bằng gỗ, ngôi nhà có đến 100 cây cột lớn, ước tính phải dùng đến 300 mét khối gỗ… Vũ Tự Long không rời mắt khỏi những cây cột ngôi chùa gỗ đã được sơ chế. Có cây cột đã được chạm khắc hoa văn rồng mây uốn lượn. Tự Long đã thu vào ống kính của mình những hình ảnh tuyệt vời nhất, miệng ông không ngớt khen ngợi cha con người tạc tượng: - Hổ phụ sinh hổ tử. Cha nào, con nấy, đúng là hoàn hảo, trên cả tuyệt vời. Đứng trên đất Minh Khai, ngắm cánh đồng lúa xanh trải dài mát mắt, nhà văn Thái Tân nhớ lại một buổi trưa hè cách đây mấy năm, tại tư gia của nhà văn Minh Chuyên, ông trò chuyện thân mật với nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo và anh hùng lao động Trần Mạnh Báo, chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc công ty cổ phần tập đoàn Thái Bình Seed. Như đoán được những suy nghĩ đang diễn ra trong đầu Thái Tân, nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Tự Long đường đột hỏi: “Trong số các doanh nhân của quê lúa Thái Bình có hai người anh hùng lao động, đúng không ông Tân?” - Chuẩn không cần chỉnh. Anh hùng lao động Trần Văn Sen thì đã có nhiều người viết. Một ngày gần đây, khi tôi và ông đến gặp chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thái Bình Đỗ Văn Vẻ, ông sẽ được tiếp kiến nghệ nhân anh hùng lao động Trần Văn Sen. Còn về anh hùng lao động Trần Mạnh Báo thì… - Thì ông sẽ kể thật chi tiết mọi chuyện về anh hùng lao động Trần Mạnh Báo cho tôi nghe chứ? - Không! Tôi không kể mà tôi cho ông đọc bài báo “Trò chuyện với người anh hùng” của đại tá Nguyễn Văn Hán, Chủ tịch hội cựu chiến binh tỉnh, đăng trên báo Đảng. Đại tá Nguyễn Văn Hán đã viết rất kĩ về người anh hùng cựu chiến binh Trần Mạnh Báo. Đang nói như bắn liên thanh bỗng dưng nhà văn Thái Tân yêu cầu lái xe dừng lại. Trước mắt mọi người là ngôi nhà năm tầng của trung tâm dưỡng lão An Thái. Đây là doanh nghiệp chăm sóc người cao tuổi của giám đốc Phạm Quỳnh Vân, con gái nhà báo lão thành Phạm Chiêm. Nhà văn Thái Tân nói với nghệ sỹ nhiếp ảnh Vũ Tự Long: “Khởi nghiệp dưỡng lão khu vực tư nhân không dễ dàng ở một tỉnh lẻ đầy bỡ ngỡ, khó khăn. Phải là người có tâm, có đức, có nhiệt huyết, vì sự nghiệp cao cả thiêng liêng như vợ chồng nhà giáo nhân dân Phạm Ngọc Khái và Phạm Quỳnh Vân, bên cạnh họ có cả một đội ngũ chuyên nghiệp, có tầm nhìn xa, có tư duy nhân văn, một trung tâm có quy mô bề thế khang trang, ích nước, lợi nhà đang trên đà vươn tới những thành công tốt đẹp”. Nghệ sĩ nhiếp ảnh vào ngôi nhà ba tầng, trò chuyện thân mật với vợ chồng giám đốc trung tâm dưỡng lão An Thái. Ông khẳng định: “Đây là một mô hình doanh nghiệp rất mới mẻ, đem lại lợi ích rất lớn cho đất nước. Phải là những người có đức tâm trong sáng, có tầm nhìn xa, trông rộng mới nghĩ ra sáng kiến vừa ích nước, vừa lợi nhà như thế này”. Vũ Tự Long đã ghi âm và thu vào ống kính của mình khá nhiều chân dung những người được trung tâm chăm lo sức khỏe và cả tâm tư, nguyện vọng, lời cảm ơn của các bậc cao niên đang được điều dưỡng tại trung tâm dưỡng lão An Thái. 42 VNTB 03(266) - 2023 Còn rất nhiều việc phải làm, còn rất nhiều nơi phải đến, thời gian có hạn nên Thái Tân và Vũ Tự Long đành phải tạm thời chia tay những chủ nhân doanh nghiệp dưỡng lão. Nhà văn Thái Tân đã điện thoại hẹn gặp chủ tịch hội doanh nghiệp Thái Bình vào sáng ngày mai. Đêm nay, lại một đêm mất ngủ, mất ngủ nhưng rất vui. Nhà văn Thái Tân giới thiệu với nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Tự Long một số gương mặt doanh nhân mà ông từng quen biết. Đó là Vũ Cẩm Tú, người làng Nhân Thanh, phường Tiền Phong, thành phố Thái Bình,. Đó là Bùi Sỹ Tới, người làng Mỹ Đình, xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà, theo cha mẹ lên khai hoang vùng kinh tế mới tại xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Vũ Tự Long vô cùng khoan khoái, nói với Thái Tân: - Doanh nhân quê lúa Thái Bình nhiều người tài giỏi lắm. Từ những người cao tuổi như anh hùng lao động Trần Văn Sen, Trần Mạnh Báo, Đào Đức Bảo, Phan Thị Châm đến những doanh nhân trẻ như Đào Đức Hưng, Đỗ Duy Hùng, Nguyễn Văn Thương, những người xa quê như Vũ Cẩm Tú, Bùi Sỹ Tới… Tất cả đều xứng danh người của quê hương 5 tấn, quê hương nhà bác học Lê Quý Đôn… Xe Toyota Camry dừng bánh trước cửa trụ sở Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Bình. Chủ tịch Đỗ Văn Vẻ niềm nở bắt tay hai nghệ sĩ. Vị chủ tịch thoạt nhìn đã mến, tính tình cởi mở và quý khách, ông Vẻ tặng các nghệ sĩ tập tài liệu viết về doanh nghiệp, doanh nhân Thái Bình. Ông nói: “Tại lễ kỉ niệm ngày doanh nhân Việt Nam tháng 10 năm 2021, ông Nguyễn khắc Thận, phó bí thư tỉnh ủy, chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh đã phát biểu: “Thời gian qua, nhất là 9 tháng năm 2021, cộng đồng doanh nghiệp Thái Bình đã thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa phòng dịch, vừa duy trì sản xuất kinh doanh, góp phần tích cực cho sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Nộp ngân sách nhà nước 5.100 tỷ đồng; Hơn 1.000 doanh nghiệp được thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh lên trên 7.730 doanh nghiệp. Hơn 920 chi nhánh và văn phòng đại diện, với tổng số vốn đăng kí gần 97.530 tỷ đồng. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, vì cuộc sống cộng đồng. Riêng trong dịp Tết Tân Sửu 2021 các doanh nghiệp đã trao 33.500 xuất quà tặng các hộ nghèo, gia đình chính sách xã hội, với trị giá 13,4 tỷ đồng. Gần đây, một trăm doanh nghiệp đã ủng hộ 6 tỷ đồng để hiệp hội doanh nghiệp tỉnh mua tặng vật tư sinh phẩm phục vụ công tác xét nghiệm sàng lọc Covid – 19, xe vận chuyển bệnh nhân, xây kho lạnh để bảo quản văc-xin, thiết bị y tế cho lực lượng tuyến đầu chống dịch. Ngắm bức ảnh phóng to treo trên tường, nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Tự Long nêu ra một số câu hỏi và ông Đỗ Văn Vẻ nói ngay: “Đây là ảnh chụp khi hiệp hội doanh nghiệp Thái Bình trao quà tặng quỹ vì người nghèo, nạn nhân chất độc da cam, hội bảo trợ người khuyết tật, quỹ bảo trợ quyền trẻ em… Tổng số tiền khoảng 90 triệu đồng. Còn đây là những bức ảnh chụp lễ trao thưởng cho 20 tập thể, 10 cá nhân được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong phong trào thi đua “Doanh nghiệp, doanh nhân Thái bình thực hiện mục tiêu kép . Sáu tập thể và 12 cá nhân được Chủ tịch phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam tặng bằng khen. Hai tập thể và 5 cá nhân vinh dự được Chủ tịch Ủy ban trung ương hội doanh nhân trẻ Việt Nam tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc năm 2021. Lật mở tập tài liệu mà ông chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp Thái Bình vừa tặng, nhà văn Thái Tân chăm chú đọc bài diễn văn k niệm ngày doanh nhân Việt Nam. Ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thái Bình viết: “Các doanh nghiệp của tỉnh Thái Bình hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, vốn ít, công nghệ lạc hậu, sức cạnh tranh thấp vì thế còn có những khó khăn nhất định trong sản xuất kinh doanh và trong đầu tư phát triển. Tuy nhiên với nỗ lực vượt khó vươn lên, cùng với sự đồng hành của hội doanh nghiệp tỉnh, sự quan tâm sâu sát trong lãnh đạo chỉ đạo của các cấp lãnh đạo trong tỉnh nên các doanh nghiệp từng bước có sự ổn định, phát triển. Hàng năm các doanh nghiệp của Thái Bình tạo việc làm mới và thu nhập ổn định cho hơn 33.000 lao động của địa phương. Chỉ tính riêng từ năm 2017 đến hết tháng 6 năm 2019, các doanh nghiệp trong tỉnh đã nộp ngân sách trên 12.000 tỷ đồng. Bên cạnh việc sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp ở Thái Bình cũng tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, chia sẻ với cộng đồng xã hội. Bằng nhiều hoạt động thiết thực, mỗi năm cộng đồng doanh nghiệp ở Thái Bình đóng góp hàng chục tỷ đồng vào các quỹ an sinh xã hội, ủng hộ cho các chương trình từ thiện, xây nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, mua quà tặng các hộ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn….Ghi nhận những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Thái Bình nói riêng và của đất nước nói chung. Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Bình 5 năm qua đã tặng thưởng trên 600 các danh hiệu: Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; Huân chương Lao động các hạng; Bằng khen cho các tập thể, cá nhân, doanh nghiệp, doanh nhân Thái Bình”. Một ngày trước khi chia tay nhau để về Hà Nội, nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Tự Long và nhà văn Thái Tân ngồi nhâm nhi với nhau mấy lon bia dưới tán cây Ngũ Quả. Bữa tiệc đơn sơ chỉ có bia và cá mực khô, có thêm sự hiện diện của ông Trần Tự, người bạn mê cờ tướng. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Tự Long vui vẻ giãi bày: - Thưa với hai ông và bà Xuyến, chuyến về Thái Bình lần này của tôi thật hữu ích, được vợ chồng nhà văn Thái Tân giúp sức, được lời cổ vũ của ông Trần Tự hôm đầu tiên xuất phát, được đến những doanh nghiệp, gặp những doanh nhân của quê lúa Thái Bình, nhất là được tiếp kiến ông Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, tôi là người hạnh phúc nhất. Nhờ ông Tân chuyển lời cảm ơn của tôi đến những người anh hùng, những doanh nhân thành đạt, ông Đỗ Văn Vẻ, chúc các doanh nghiệp quê lúa Thái Bình thực hiện thắng lợi những điều gợi mở của ông Nguyễn Khắc Thận, phó bí thư tỉnh ủy, chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình tại lễ phát động thi đua đầu xuân Nhâm Dần 2022: “Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong năm 2022, tôi đề nghị cộng đồng doanh nghiệp Thái Bình đoàn kết, khơi dậy sức sáng tạo và khát vọng phát triển; quan tâm, chăm lo về vật chất, tinh thần cho công nhân, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp. Xây dựng đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, nâng cao năng lực kinh doanh và quản trị doanh nghiệp; tăng cường nghiên cứu nắm bắt xu hướng phát triển của thị trường trong nước và quốc tế để chủ động hội nhập. Tôi cũng mong muốn các doanh nghiệp tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến, đầu tư mạnh mẽ vào Khu kinh tế Thái Bình, biến nơi đây trở thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của Thái Bình”.