ĐẶNG VĂN TOÀN NGƯỜI NÔNG DÂN THI SỸ
Ngày: 27/12/2023
quê lúa Thái Bình có một ông nông dân thi sỹ. Gọi vậy, như bà con dân làng, nghề chính của ông là trồng trọt, nghiệp phụ mới làm văn chương. Lúc nông nhàn, gác tay cày tay cuốc thì ông cầm cây bút, trang giấy sáng tác thơ, viết phê bình và viết sách triết học

ĐẶNG VĂN TOÀN NGƯỜI NÔNG DÂN THI SỸ

                                                                                                 ĐỖ TRỌNG KHƠI

Ở quê lúa Thái Bình có một ông nông dân thi sỹ. Gọi vậy, như bà con dân làng, nghề chính của ông là trồng trọt, nghiệp phụ mới làm văn chương. Lúc nông nhàn, gác tay cày tay cuốc thì ông cầm cây bút, trang giấy sáng tác thơ, viết phê bình và viết sách triết học. Đó là thi sỹ Đặng Văn Toàn. Thơ và phê bình thơ, hai loại tác phẩm này ông Toàn viết đều khá chắc tay. Thơ ông mộc mạc, sâu đằm, phê bình thì tinh tường, sắc sảo. Đây là công việc thường nhật của một hội viên Hội Văn học Nghệ thuật. Không có gì đặc biệt. Nhưng khi cuốn triết học "Vũ trụ và nhân sinh" của ông được nhà xuất bản Hội Nhà văn in, đã gây sự ngạc nhiên cho bạn bè văn nghệ. Cho hay trình văn hóa của ông phong phú, dầy dặn. Phẩm chất văn hóa làng quê đồng bằng Bắc Bộ hiện rõ trong các tác phẩm thơ ông. Qua gương ông Toàn, ngẫm về phẩm chất của con người xứ quê thuần nông, ngàn đời chuyên trồng cấy lúa nước mới thấy vẻ đẹp của văn hóa làng, văn minh sông khá riêng biệt, cần được nghiên cứu sâu rộng mới mong thấu đáo. Bài này tôi chỉ xin viết về thơ ông. Sáng tác thơ Đặng Văn Toàn chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu, tập "Chật lối Giêng Hai" được thể hiện bằng giọng kể. Ông kể những câu chuyện quanh ngôi làng của mình, nghiền ngẫm, suy xét để rồi đúc kết lấy nét đẹp có giá trị trong đó. Tự sự dung dị mà tinh tế. Bốn câu thơ Đề từ, làm một màn chào hỏi dẫn người thưởng thức vào không gian nghệ thuật thơ ông, thể hiện rõ chất giọng tự sự này: Cánh cò bay lả, cánh cò về đâu Mà câu hát mến thương người còn mãi Câu hát giấu sau mỗi mùa gặt hái Lại bay lên trong sắc hội làng. Bày tỏ về nghệ thuật làm thơ, ngòi bút ông cũng tìm đến hình ảnh rất quê là chiếc "nơm" để mà hình dung, so ví: Người vác nơm ra đồng úp cá Úp chỗ này nó quẫy chỗ kia Hồn thơ còn chập chờn hơn thế Mải đón lúc ban chiều, nó lại đến lúc đêm khuya. (Làm thơ) Một cách tạo hình quê mùa mà thành phép tắc thi ca, bó chặt chẽ trong khuôn thức bài tứ tuyệt. Chỉ người sinh ra, lớn lên trang trải đời mình với mọi nề nếp, phương thức sinh hoạt, lao động ở làng quê mới bắt được hình ảnh để tạo nên nét thi vị đó. Cảnh sắc không gian làng, cảnh phận người nông dân đi vào thơ Đặng Văn Toàn chân thực, thắm thiết. Vẫn những con người dãi nắng dầm sương, nhọc nhằn lấm láp, đơn sơ mộc mạc: "Quê ta lưỡi cuốc cũng quằn/ Chiếc đòn gánh cũng trĩu uằn thành cong", song những phận người ấy, cảnh tình ấy  được trình diễn với một vẻ bình dị, an nhiên, trang trọng: "Cổng chùa chiếc cánh xiêu xiêu/ Chiếc then cài lỏng vào chiều hương nhu…" (Làng tôi). Qua đó cho hay người quê trong thơ ông là con người của làng xưa cũng như nay, không mấy đổi thay, dù trải trăm năm hay ngàn năm họ vẫn bó bện đời mình với cây lúa, khóm tre, chiếc đòn gánh, chiếc nơm, cái cuốc, cái cổng làng, ao đình, nơi chú Tễu thường ra các tích trò, hát chèo: "Bao nhiêu vương triều hoang đổ/ Bao nhiêu thế kỷ qua rồi/ Ơ! chốn ao làng dân dã/ Tiếng cười bát ngát lên ngôi…" (Chú Tễu). Bài Đèn giời cũng trong tâm và cảnh ấy: Quên đi tháng ngày bận rộn Chuyện đời có lúc đầy vơi Đêm nay cả làng mơ mộng Ta thắp hồn lên với trời… Người ấy, cảnh sắc ấy đã phối hợp với nhau làm nên một cõi làng quê, một bản sắc, cốt cách văn hóa đủ tầm vóc hiện diện, đối thoại với đời: "Gánh mùa màng mẹ vừa cất xuống/ Gánh trống chèo đã chật lối giêng hai…" (Làng chèo). Hình ảnh người quê hiện diện trong thơ ông nghèo mà không hèn, dãi dầu sương nắng mà vẫn ung dung, tự tại, đơn sơ mộc mạc mà nền nếp gia phong: Một uy thế mở ra thiên hạ Một lệ làng khuôn phép vào đây Kẻ rinh rang võng điều lọng tía Kẻ đánh trâu ra ruộng cấy cày…" (Cổng làng) Và: Áo nâu giấu một tấm lòng Bờ tre giấu một nếp làng thân thương Cho đời còn chút vấn vương Cho tôi còn gốc quê hương mà về (Nếp xưa) Đây chính là phẩm chất văn hóa, một tư chất sống đã tạo nên chất giọng riêng cho thơ "Chật lối giêng hai". Ở Thái Bình có những giọng thơ tiêu biểu chất quê, như thơ Xuân Đam, Nguyễn Long. Mỗi người một vẻ. Nếu thấy lục bát Xuân Đam, những thi ảnh được sử dụng tựa chùm rễ cây bám sâu vào đồng đất và luôn trong tình trạng nguột chìm, đắm đuối: "Bấy lâu mới được lần rằm/ Anh thành trâu lấm về đằm dưới mương/ Làng quê tịch mịch khói sương / Mùi bùn ngai ngái còn vương tóc mềm…" (Rằm), hay, "Cầm lòng một bát cơm nâu/ Dưới chân nước cóng trên đầu mưa bay/ Mẹ tôi như nhánh mạ gầy…" (Tình mẹ). Thơ Nguyễn Long, câu chữ lại như được chiết xuất từ thân phận người thường dân, chân quê trong biến cải thời thế, nhằm khẳng định, tôn vinh vị thế người làng: "Quanh năm chân đất đầu trần/ Tác tao sau những vũ vẫn bão giông/ Khi làm cây mác cây chông/ Khi thành biển cả, khi không là gì/ Thấp cao nào có làm chi/ Ngàn năm cỏ vẫn xanh rì cỏ thôi…"(Thường Dân). Và, "Mảnh mai cây lúa cũ càng/ Mà làm cột trụ đỡ làng ngàn năm…" (Làng vào vụ gặt…) "Về quê chỉ một con đường/ Từ quê đi được chín phương đất trời" (Xuân sang…) vv. Thơ Đặng Văn Toàn khác hai giọng thơ trên, ở điểm thơ ông khai thác những vẻ đẹp tập tục, nếp sinh hoạt của người quê theo tuần tiết, hội hè, rồi đặt nó ngụ trang trọng bên một khung cảnh thiên nhiên hoa cỏ, mùa màng yên bình, tĩnh tại. Nền nếp trong ngôi làng dân gian ngàn năm này chỉ bị chuyển dịch, biến đổi khi nghệ thuật thơ ông ly hương, đi ra ngoài thiên hạ. Năm 2010 nhà thơ cho in tập thơ thứ 2, với tiêu đề "Đi ra thiên hạ". Cái tiêu đề đã nói rõ về  hướng tìm tòi: "Gió văn minh đã mở tung cánh cửa", khác với hướng cảm xúc vốn có trong không gian văn hóa làng, thơ đi đến với văn minh hiện đại hơn, nhân loại hơn. Đi ra thiên hạ được mở đầu bằng bài Nguồn cội, nhắc nhớ về bọc trứng Âu Cơ, dòng giống tiên rồng như một bản quy ước giao kết tình đồng tộc trước phút đầu hội nhập. Một tiến trình được chuẩn bị công phu: Cùng nở ra từ bọc trứng Anh em con cháu tiên rồng Cùng uống nước nguồn Nghĩa Lĩnh Chung nghe một tiếng trống đồng. Đây là một cuộc thoát ly với ngôi làng cổ tích, dù nó đẹp đẽ, nền nếp và không kém phần uy phong. Và cho dù trong ngôi làng đó, nhà thơ cùng thơ mình đã trải nghiệm, lưu bao ký ức thân thương, tuy vậy, nơi này vẫn cứ là một không phần nhỏ bé, nó chưa phải là thiên hạ với đầy đủ ý nghĩa hiện sinh, hiện đại, như nhận thức: "Mãi loanh quanh luẩn quẩn/ Tự mình yêu lấy mình/ Anh bỗng thành cổ tích/ Trong cái làng dân gian…" (Cổ tích). Vì vậy, việc ly hương để đi ra với thiên hạ là đã chín mùi, là cần thiết. Trong hệ thống nhận thức và cảm xúc thơ hướng ra thiên hạ, với thời đại mới đem đến cho thơ Đặng Văn Toàn đa đề tài và biên độ cảm xúc rộng mở hơn: Nghe vần đã ríu rít câu Hồn hoa lau đã lao xao với đời Hôm qua Thơ nói cùng tôi: Quê hương mình ở cuối trời mùa thu. (Quê thơ) Quê của thơ xưa vốn chỉ quanh quẩn ở làng, nay đã thấy thơ còn có ở tận cuối trời mùa thu kia. Trong một nhận thức mới mẻ khác, nhà thơ cảm nhận thấy hồn vía câu chữ thơ có thể còn ở xa hơn thế nữa, bài Lối khác: "Kẻ đến được hôm nay/ người ngày mai ngày mốt/ lối khác/ Còn nhiều lối khác/ - Nó ở đâu? - Ở chỗ vô cùng", hi vọng từ điểm "vô cùng" đó sẽ đem lại những giá trị khác cho thơ, và vì vậy người thi sỹ mới phải ra đi, dù cho: "Đi, đi ra thiên hạ/ Dẫu có về trắng tay". Hành trình thơ Đặng Văn Toàn "Đi ra thiên hạ" từ độ 2010, đến nay, vẫn trong cuộc tìm đường ấy, năm 2019, tới "Cõi yêu thương" với những suy nghiệm về sự sống - chết, lẽ mất - còn, và tư tưởng, cảm xúc này đã chi phối hoàn toàn không gian nghệ thuật. Tập Cõi yêu thương được mở đầu bằng những câu lục bát: Trăm năm dẫu chả là gì Cũng vừa vằn vặn tới khi bạc đầu Đã không tính được cõi sau Sao bằng tính hết cho nhau cõi này! (Cõi này) Chữ "cõi này", "cõi sau" trong văn cảnh này đồng nghĩa chữ "kiếp" trong quan niệm Phật giáo. Chữ trong thơ Đặng Văn Toàn, đó đây dù có mang màu sắc tôn giáo, song nghĩa chữ thường không nhằm thể hiện ý duy tâm. Đặng Văn Toàn là người sống thực tế. Ông làm triết học và lý thuyết triết học ông nương theo là duy vật, trọng thực chứng, kể cả khi đề cập tới các vấn đề, hiện tượng đời sống trong không gian tôn giáo. Nên vậy, nghệ thuật thơ ông dù ở nơi lễ hội đình chùa, dù dụng chữ "sắc, không" thì nó vẫn thành ra câu thơ thể hiện cái có - không trong ý niệm tinh thần, thế này: "Bởi tin nên cố giữ gìn/ Không thành có - Có trăm nghìn lại không" (Chân trời). "cố giữ gìn", một biểu hiện rất lý tính. Bài "Nhận", thêm biểu  lộ tư tưởng duy lý đó: Nào tôi đã bao giờ được sống Lần này mới là lần đầu tiên… Vâng, có lẽ, chỉ một lần… có lẽ Chốn tử sinh hãy cứ tử sinh Mọi hệ lụy thế nào xin nhận hết Không chối từ, không đùn lại kiếp sau… Cho hay, chữ "kiếp" chữ "hồn" trong "Cõi yêu thương" là dấu vết ngôn ngữ mà thơ bắt buộc phải vay mượn, không thể chối từ, bởi ở chốn làng quê, nơi mà người thi sỹ đang nương thân là một không gian được bao bọc, che đỡ bằng tín ngưỡng tôn giáo; và bởi nhận thức khoa học có tính quyết định luận cho tư tưởng sống, tư duy nghệ thuật Đặng Văn Toàn: "Cái khoảng tận cùng mà khoa học chưa đuổi tới ấy, và cũng không bao giờ có thể đuổi tới, là khoảng mờ mịt, mông lung, tối tăm. Trong khi tư duy khoa học chưa sáng tỏ, thì tư duy cảm tính, tâm lý, bản năng con người ùa vào giải thích, diễn đạt…theo hướng tùy tiện, dễ dãi, hoặc thậm chí bí ẩn, huyễn hoặc, tạo cái lý của vô lý trong màn sương u u minh minh, chợp chơn, mờ ảo… Đó là góc tâm linh của mê tín và tín ngưỡng" (Vũ trụ và nhân sinh). Tới đây, có thể tạm đi đến kết luận: Khởi từ "Chật lối giêng hai", từ không gian văn hóa làng, với những bài thơ đặc sắc: Chú Tễu, Đèn giời, Làng tôi, Cổng làng, Nếp xưa; rồi Đi ra thiên hạ tới Cõi yêu thương, nghệ thuật thơ Đặng Văn Toàn đã có được có mất. Trong "Chật lối giêng hai" là không gian cảm xúc, cảm tính hồn nhiên, đã mang lại cho thơ ông những câu chữ giàu cảm giác, trực giác. Tới "Đi ra thiên hạ", và "Cõi yêu thương" thơ chuyển sang triết lý, quan tâm sâu tới các vấn đề hiện thực xã hội. Ở mảng thơ này yếu tố cảm giác, cảm tính bắt buộc phải nhường chỗ cho lôgic lý tính, trực quan, để tiếp cận đến những phần sống cơ giới, văn minh hiện đại đang diễn ra. Thơ ấy bớt đi phẩm tính văn hóa làng để thích nghi và tạo dựng đời sống văn minh đô thị. Từ điểm nhìn này cho thấy rõ cái được, cái mất của thơ Đặng Văn Toàn. Và phải chăng, đi tiếp hướng bút pháp này, thơ ông đã chạm tới điểm… dừng? Yếu tố lý tính, trọng khoa học thực tiễn đã trở nên một rào cản, khiến cho những câu thơ giàu cảm giác, trực giác vốn là yếu tố đặc sắc của nghệ thuật thơ Việt xưa nay, và cũng là một nét đẹp khá quyến rũ của thơ "Chật lối giêng hai", đã vơi khuyết dần ở chặng đường thơ Đi ra thiên hạ. Hành trình tri thức của một con người, thậm chí của một nền văn hóa thường thấy sự ra đi để trở lại. Dạng vinh quy bái tổ, sinh ký tử quy. Trở về để tìm lại cái chân thân, cái bản lai diện mục của mình. Trong cuộc hiện sinh và hiến sinh, đi để nạp hiện thực, nạp cái văn minh khoa học cho văn hóa làng thêm chất lượng, nạp cái Có để làm đầy cái Không. Từ góc nhìn này, đã thấy thơ Đặng Văn Toàn thấp thoáng nét câu chữ cho sự trở lại đó. Bài "Người ơi", thật nhiều trăn trở với những câu hỏi căn cốt, dồn dập. Hỏi/ đáp. Tưởng đã là câu đáp, hóa ra lại vẫn đấy câu hỏi tiếp theo: - Sống xong rồi sẽ đi đâu?- Trăm phương nghìn lối ai cầu mà chi?- Sống xong rồi sẽ làm gì?- Trời ơi đã biết chi chi đâu mà? Từng đã thấy cuộc đi ra thiên hạ là cần thiết, thì nay, cuộc trở về trong cõi yêu thương và hi vọng còn xa hơn thế, cũng là một chín mùi, cần thiết không kém?