CƯỜI TRONG NƯỚC MẮT
Ngày: 18/08/2023
Từ một doanh nghiệp, có nguy cơ sắp phá sản, gượng dậy, vươn lên, sản xuất có hiệu quả nộp ngân sách năm gần 100 tỷ đồng ở một tỉnh nghèo, nghệ nhân Trần Văn Sen nói: Ông và công ty của ông phải trải qua một chặng đường dài vật vã đến cùng cực

 

CƯỜI TRONG NƯỚC MẮT

(Tác phẩm đoạt giải C thể loại truyện ngắn, bút ký)

                                                                            MINH CHUYÊN

Từ một doanh nghiệp, có nguy cơ sắp phá sản, gượng dậy, vươn lên, sản xuất có hiệu quả nộp ngân sách năm gần 100 tỷ đồng ở một tỉnh nghèo, nghệ nhân Trần Văn Sen nói: Ông và công ty của ông phải trải qua một chặng đường dài vật vã đến cùng cực. Có lúc ông tưởng như mình đang bước chông chênh trên bờ vực thẳm. Chỉ cần chao đảo một chút là cả cuộc đời và sự nghiệp đổ sụp. Vậy mà, không ngờ, ông đã vượt qua được. Có được ngày công ty Hương Sen ngẩng cao đầu sánh vai cùng các nhà doanh nghiệp, đi trên con đường đổi mới, xây dựng đất nước, ông đã phải trả giá một cái giá nghiệt ngã. Cái giá không chỉ bằng nhẫn nhục nuốt vào lòng sự cay đắng mà cả nụ cười cũng phải dầm trong nước mắt. Cái giá thân phận cuộc đời của người chủ doanh nghiệp thời kỳ đầu mở cửa hội nhập. Nghệ nhân Trần Văn Sen đã bước vào tuổi xưa nay hiếm. Khuôn mặt ông luôn ngời lên niềm vui, nhưng vẫn phảng phất nét buồn sâu thẳm. Khuôn mặt nhân hậu, độ lượng và ánh mắt đầy nghị lực, phần nào nói lên năng nổ trong con người ông, con người không cam chịu nghèo đói, không chịu khuất phục khó khăn. Lắm lúc ông ví mình như con thuyền trôi trên sông, băng qua bao thác ghềnh. Con thuyền được xuất phát từ cái bến làng Mẹo Phương La. Phương La thuộc đất Hưng Hà tỉnh Thái Bình, là quê hương của Trần Văn Sen. Nơi ông đã lập doanh nghiệp dệt may tư nhân đầu tiên ở tỉnh lúa. Quan niệm tư nhân thời ấy nặng nề lắm, mấy ai dám gần gũi tư nhân. Vậy mà, ông đã làm được cái việc quốc doanh ở huyện ngày đó không làm được. Lo công ăn, việc làm ổn định cho hàng ngàn người và cứu họ thoát khỏi cảnh đói khát thời bao cấp. Ông được tôn vinh là người có bàn tay vàng, được nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân ngành dệt. Suốt hơn 20 năm cắm cúi với nghề dệt thủ công, ông vẫn nghèo, dân làng ông mới hết đói, chưa hết khó khăn. Không cam chịu, Trần Văn Sen quyết thay đổi số phận mình, thay đổi số phận con người nghèo quê ông. Ông bốc “đại bản doanh” lên thị xã Thái Bình tạo lập nghề mới. Sau nhiều năm vừa duy trì nghề dệt, vừa đi khảo sát, tìm đường, đi nghiên cứu học tập ở trong và ngoài nước. Công ty Hương Sen quyết định vay vốn ngân hàng, đầu tư nhập thiết bị công nghệ hiện đại nhất của Đức, thành lập nhà máy bia cao cấp Hương Sen. Khốn thay, nhà máy vừa xây xong, sản phẩm bia Hương Sen vừa ra đời thì “giông gió” nổi lên. Công ty Hương Sen bị cuốn vào áp lực dòng xoáy của các đoàn thanh tra, kiểm tra. Những đồn thổi, đố kỵ, ác độc liên tiếp trút lên đầu ông Tổng Giám đốc. Nguyên do chính bắt đầu từ chuyện, Trần Văn Sen vay gần 100 tỷ đồng xây nhà máy bia. Thời ấy, hơn mười năm trước một doanh nghiệp tư nhân vay được 100 tỷ ở một tỉnh nghèo như Thái Bình là chuyện “động trời”. Người đi vay thuộc loại mạnh bạo, dám nghĩ, dám làm. Người cho vay cũng phải “bạo gan” lắm. Thực ra khi đó giám đốc ngân hàng công thương Thái Bình Trần Văn Đôn cũng đã cân nhắc kỹ lưỡng và có tầm nhìn xa. Ông thuộc lớp người năng nổ, đổi mới, dám chịu trách nhiệm, chứ không phải hạng người “to gan” làm liều. Nhưng thời vận đã không ủng hộ ông. Những người phía “bên kia” tung tin đủ thứ xấu xa lắm “đánh gục” bia Hương Sen, để có cớ hạ bệ những người ủng hộ Hương Sen. Bên cạnh đó, những đồng nghiệp bia (ngày ấy trên đất Thái Bình có một số nhà máy bia) cạnh tranh quyết liệt để “dành đất” tồn tại. Khi đó từ quan tỉnh đến dân chúng rộ lên những chuyện đại loại: “ Ông nghệ nhân làng dệt biết đếch gì bia bọt mà cũng to te đòi làm bia”. Có người nói: “ Uống bia Hương Sen là uống hận đời mình, vừa hại thần kinh vừa triệt đường sinh nở. Một ông thợ dệt, biết máy mó gì đâu, lớ ngớ sang Đức, bị nó lừa, bán cho cỗ máy tậm tịt, về nấu, bia chả ra bia, đen như nước vối”. Khi đó nhà máy của công ty Hương Sen đang sản xuất một dây chuyền bia nâu, người ta bảo là nước vối. ác nhất là tin: Ông Sen vay gần 100 tỷ nói là xây dựng nhà máy bia cao cấp. Đấy chỉ là cái cớ. Nhập về ba cái máy phế phẩm đáng bao nhiêu. Quả này, ông ra rút tiền là để chuẩn bị đưa gia đình chuồn đi nước ngoài. Mấy lão lãnh đạo tỉnh được ông ta “đút” cho một tý, ký liều. Chỉ chết dân đen mình thôi. Cả cái lão Đôn Giám đốc Ngân hàng cũng bị ông ta lừa”. Nghe những lời xói xỉa độc địa, Trần Văn Sen đành nuốt đắng cay vào lòng. Có lúc trái tim quặn đau, ông phải ôm ngực và tự an ủi: Mình không lừa đảo, không chạy trốn rồi mọi người sẽ hiểu ra. Bia Hương Sen mới ra lò khách uống chưa quen. Dù bia cao cấp bán cũng khó. Người ta lại tung tin thất thiệt, khách uống bia ngày một vắng, hàng ế, nhiều mẻ bia không bán hết phải đổ đi. Giữa lúc ấy thật không may, nông dân Thái Bình lại “nổi dậy” biểu tình. Hàng nghìn người rầm rầm kéo lên huyện, lên tỉnh tố cáo cáo bộ địa phương nhũng nhiễu và tham ô. Hơn 270 cán bộ lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở bị xử lý. Nhiều người vào nhà đá, về vườn non. Lãnh đạo tỉnh những người ủng hộ công ty Hương Sen không còn ai trụ được. Giám đốc ngân hàng Công thương Thái Bình Trần Văn Đôn người nhiệt tình ủng hộ bia Hương Sen và trực tiếp cho công ty Hương Sen vay gần 100 tỷ đồng cũng bị bắt.Từ đó công ty Hương Sen chơ vơ giữa dòng xoáy dư luận, chao đảo trong vòng quay cuộc đời. Lãnh đạo tỉnh mới lên thay nhiều người không muốn dây vào công ty tư nhân. Có người coi đây là cái cục tồn đọng, đã ngầm chỉ đạo, bán nhà máy, hoàn nợ, để xoa dịu dư luận. Cách tháo gỡ duy nhất lúc này là vốn. Vốn để mua bổ xung thiết bị, mua nguyên liệu sản xuất. Cần lắm, nhưng không vay đâu được. Giám đốc ngân hàng công thương tỉnh mới lên thay giám đốc cũ, dù có muốn ủng hộ ông cũng đang nằm trong vòng ngắm chỉ đạo của cấp trên. Nghệ nhân Trần Văn Sen bảo: “ Tôi lên ngân hàng tỉnh trình bày xin được vay vốn, ông giám đốc bảo: ông bán nhà máy bia của ông đi rồi về với cái nghề dệt cũ. Tôi thấy nhục quá, vẫn cố nén và từ tốn trình bày: Thưa giám đốc... Ông ấy chặn ngay, thưa gửi gì. Tôi sẽ không cho ông vay một xu đâu”. Phải cứu nhà máy sao đây? Cả 100 tỷ đổ vào xây dựng, nhập thiết bị. Giờ không vay được vốn mua nguyên liệu sản xuất, nhà máy như một khối thép lạnh nằm im. Trong khi lãi vay ngân hàng mỗi tháng đẻ ra hơn nửa tỷ đồng, gộp lại, nợ càng chồng chất. Các đoàn thanh tra từ trung ương đến tỉnh thay nhau vào “mở cửa” nhà máy tìm dấu vết tiêu cực trong đầu tư. Công nhân nhà máy không còn việc làm, nhìn nhau ngao ngán. Tổng giám đốc Trần Văn Sen kể: “Một hôm tôi cố sức trèo lên nấc thang cao nhất của cái téc ủ bia nhìn xuống. Tôi có cảm giác một cái vực thẳm hun hút dưới chân nhà máy. Tôi rùng mình, mồ hôi trán vã ra”. Phải làm gì để nhà máy không lọt vào tay kẻ khác. Một buổi tối, Trần Văn Sen vào trình bày với một vị lãnh đạo tỉnh. Ông nói: “ Tôi mong tỉnh cho nhà máy của tôi thêm thời gian và cơ hội. Tôi hy vọng khi có vốn, nhà máy phát triển, chúng tôi sẽ nộp ngân hàng mỗi năm ít nhất cũng bằng 50% nông dân Thái Bình nộp thuế nông nghiệp”. Ông lãnh đạo tỉnh tròn mắt:- Nhiều thế kia à. Nhưng... tỉnh không chờ cái hy vọng ông trình bày đâu, mà chờ một trăm tỷ đồng ông trả tỉnh. Nếu ông không thu xếp được thì... Trần Văn Sen rùng mình nghĩ tới những gì sắp xảy ra. Chẳng lẽ bao tiền của, công sức đổ vào, vật vã hàng mấy năm trời, giờ trắng tay ư? Nếu không thu xếp được.... Nhà máy cả đồng tiền đấy, nhưng bán giá ép nợ, được đáng bao nhiêu? Nếu không thu xếp được ông phải vào nhà kín nuôi muỗi ư? Giữa lúc cùng đường, nghệ nhân Trần Văn Sen và phó Tổng Giám đốc Đỗ Văn Vẻ cắp cặp lên kêu ngân hàng công thương Việt Nam. Lên mấy lần, chánh phó tổng giám đốc đều đi công tác vắng, có hôm bận họp không gặp được. Vào gặp Chủ tịch hội đồng quản trị, có lẽ vì đã nghe Thái Bình “lên tấu” chủ tịch hội đồng quản trị tỏ vẻ lạnh nhạt, thờ ơ, không muốn nghe. Trần Văn Sen vẫn khẩn khoản xin gặp. Nhưng vừa nói chưa hết câu: “Ông không cần báo cáo. Sự thể công ty Hương Sen thế nào, ngân hàng công thương Thái Bình đã báo cáo chúng tôi cả rồi”. Nghe vậy, Trần Văn Sen bủn rủn, nhưng không nản lòng, ông tiếp tục cầu khẩn xin được nói những điều gan ruột với vị “thủ lĩnh” cao nhất của ngân hàng công thương. Trước sự kiên nhẫn khẩn cầu và sức truyền cảm từ khuôn mặt nhân hậu, chân thành vẻ đau khổ, ông Chủ tịch Hội đồng quản trị đồng ý nghe Giám đốc Trần Văn Sen trình bày. Ông Sen bảo: Nghe xong, ông chủ tịch đầu gật gật. Hình như ông đã cảm nhận thấy điều bất thường từ Thái Bình “tấu lên” so với Hương Sen báo cáo, hoàn toàn trái ngược nhau. Với nhạy cảm của người lãnh đạo, ông quyết định trực tiếp về làm việc với Thái Bình và kiểm tra công ty bia Hương Sen. Không ngờ chuyến vi hành thực tế, chủ tịch hội đồng quản trị ngân hàng công thương Việt Nam đã cứu một doanh nghiệp thoát cảnh suýt rơi xuống “vực thẳm”. Sau khi làm việc với lãnh đạo tỉnh và khảo sát thực trạng nhà máy sản xuất bia cao cấp Hương Sen, ông chủ tịch đã chỉ đạo ngân hàng công thương Thái Bình không ép công ty Hương Sen bán đấu giá nhà máy mà tiếp tục cho vay vốn để phát triển sản xuất. Gần 2 năm trời xoay sở, cầu cứu để cố níu nhà máy không sụp đổ, cũng là gần 2 năm cán bộ nhân viên công ty vật vã với đồng vốn tự có ít ỏi, quyết không để nhà máy chết. Ông Sen bảo, bước đầu vượt qua được “đại hoạ” ông chỉ mang ơn ngân hàng, ông còn biết ơn những cán bộ nhân viên của công ty Hương Sen đã dốc lòng, dốc sức vì sự tồn tại của nhà máy. Trong lúc hoạn nạn nhất thì mọi người bó bện bên nhau, làm ngày, làm đêm bỏ tiền nhà mình góp với công ty, vay lãi suất cao để có tiền mua nguyên liệu, chạy vạy khắp nơi, chào bán từng can bia để nhà máy vượt qua hoạn nạn. Dần dần cơn bi cực đã vượt qua.... Chặng đường từ sản phẩm bia Beyker Hương Sen đến bia Đại Việt là một bước phát triển đáng kể. Bài học sống còn rút ra được, ông Sen bảo: Có hai điều cốt lõi không thể không coi trọng. Một là nội lực và niềm tin. Trong lúc hoạn nạn, nếu anh chỉ đi kêu cứu mà không có niềm tin và nội lực vượt lên thì đi kêu cũng chưa chắc đã cứu được. Hai là sử dụng nguồn vốn vay phải hiệu quả, phải thận trọng như người sờ tay vào lửa. Sự chân thật trong cách làm ăn và nội lực của chính mình sẽ tạo được niềm tin để người tin mình, ủng hộ mình. Bài học đó đã giúp ông không đánh mất nhà máy. Ông Sen tâm sự: Thời kỳ đầu mở cửa, hội nhập, làm doanh nghiệp tư nhân như hoàn cảnh ông, giữ được nhà máy là cuộc hành trình cực kỳ gian khó. Nhưng để nuôi nhà máy sống, có sức phát triển đi lên cái khó cũng không kém. Thế nên việc sử dụng đồng vốn với ông là một kỷ cương. Cho đến hôm nay sở dĩ Bia Đại Việt có sự vươn mình, đạt hiệu quả cao là do kỷ cương dùng vốn của ông rất hiệu lực. Ông bảo khi ngân hàng quay lại cho vay tiếp, nhà máy có lãi, vừa trả nợ, vừa dành dụm, cùng với nguồn vốn huy động từ nội lực, ông quyết định đầu tư vào 4 vấn đề cốt lõi. Thứ nhất: đầu tư con người, dành hàng trăm triệu đồng đào tạo thợ để nâng cao tay nghề. Đào tạo tại trong nước và ngoài nước để họ sử dụng thành thạo thiết bị công nghệ bia hiện đại. Đầu tư mua bổ sung thiết bị hiện đại để lắp đặt đồng bộ dây chuyền hiện đại. Đầu tư nguyên liệu tốt để sản xuất. Đầu tư mạng lưới tiếp thị và đại lý trong cả nước. Ông tin, có nguyên liệu tốt, thiết bị hiện đại, con người có trình độ kỹ thuật cao, nhất định chất lượng bia sẽ chất lượng cao. Và thực tế đã trả lời. Sản phẩm bia Hương Sen, bia Đại Việt đều đạt chất lượng cao, tiêu thụ trên thị trường khắp cả nước. Từ sản xuất một triệu lít/ năm nay lên tới 40 triệu lít trên năm. Và chắc chắn sẽ còn vượt xa hơn nữa. Năm 2000 bia Hương Sen đạt giải thưởng Sao vàng đất Việt đến nay đã dành được 14 huy chương vàng bạc từ chất lượng sản phẩm. Hiệu quả và lợi nhuận đã tạo nên vị thế xứng đáng, là công ty đứng đầu trong ngành công nghiệp Thái Bình. Năm sau nộp ngân sách cao hơn năm trước. Năm 2005 công ty Hương Sen nộp thuế 70 tỷ đồng, bằng 50% số thuế thu được từ các ngành sản xuất kinh doanh công thương nghiệp dịch vụ của cả tỉnh Thái Bình. Tổng giám đốc Trần Văn Sen cho biết, năm 2006 công ty Hương Sen phấn đấu nộp ngân sách non 100 tỷ và những năm sau đó sẽ phấn đấu có doanh thu và nộp ngân sách cao hơn nữa. Thấy được kết quả không ngờ đó, một vị lãnh đạo Thái Bình tâm sự cùng chúng tôi: “Nếu ngày ấy cứ chỉ đạo ép Hương Sen phá sản, bán bỏ nhà máy thì đâu chỉ Hương Sen sụp đổ, đâu chỉ ngân hàng mất 100 tỷ đồng, mà cái mất lớn nhất là Thái Bình mất nguồn thu mỗi năm hàng mấy trăm tỷ đồng từ nhà máy này. Một cái mất lớn nữa là hàng nghìn lao động mất việc làm, mất thu nhập. Và có thể dẫn đến mất an ninh trật tự và mất cả niềm tin như Thái Bình đã từng xảy ra, đó là cái mất vô giá”. Năm 2005 chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc, nghệ nhân Trần Văn Sen được cơ sở và hội đồng thi đua tỉnh thông báo cho làm hồ sơ, thủ tục để xét đề nghị nhà nước tuyên dương anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Ông từ tốn không làm, nhưng cũng rất vui. Ông bảo, hôm ấy, ông cười mà nước mắt cứ dàn ra. Trần Văn Sen được bầu làm đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình. Được nhà nước tặng thưởng huân chương lao động. Cái được của cá nhân Trần Văn Sen tuy không lớn, nhưng ông bảo cái ông giữ được không để mất đã quá lớn rồi. Cái không mất chính là cái được lớn nhất của cuộc đời ông… Hơn 10 năm sau, một sự phát triển và tỏa sáng không mấy ai ngờ tới. Riêng phần nộp ngân sách, mỗi năm Tập đoàn Hương Sen đóng góp từ 500 đến hơn 700 tỷ đồng, là điều chưa từng có trên đất Thái Bình. Chủ tịch Tập đoàn, nghệ nhân Trần Văn Sen trở thành người anh hùng lao động tiêu biểu thời kỳ đổi mới. Thế mới biết: Đức, tâm, tài, trí một thời Ông Sen dâng hiến cho đờì vẹn nguyên.

MINH CHUYÊN