Giáo sư Trần Văn Giàu viết. Chỉ riêng cái
tên "Sáu Dân" đã nói lên cốt cách của
nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt. "Sáu
Dân" vậy đó. Một thủ tướng nói ít làm nhiều
gần dân, mến dân “chơi được”.
"CHÚ SÁU DÂN" VỚI VĂN NGHỆ SĨ, TRÍ THỨC
VÕ BÁ CƯỜNG
Giáo sư Trần Văn Giàu viết. Chỉ riêng cái tên "Sáu Dân" đã nói lên cốt cách của nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt. "Sáu Dân" vậy đó. Một thủ tướng nói ít làm nhiều gần dân, mến dân “chơi được”. Vâng! Tôi thích hai từ “chơi được” của giáo sư. Vì chú Sáu Dân là người Phương Nam “Phương Nam nhuốm khóc tình tri kỉ”. Ông có nhiều kỉ niệm lăn lóc với văn nghệ sĩ, trí thức khó quên: “người Phương Nam như ngày xưa áo tơi, dòng Hàm Giang cuồn cuộn sóng không lời, đêm sâu đôi ẩm tràn chung rượu, rượu say tim bốc đến tận trời” Chú Sáu là người như vậy đó, nên mới “chơi được” với giới trí thức, văn nghệ sĩ. Tôi nghĩ: “Dù ở cương vị chót vót đến đâu, mà giới tri thức “chơi được”, "chịu được”, tiếp nhận được tư tưởng, tình cảm ánh sáng của họ, rồi sử dụng họ. Người đó có tầm văn hóa, có trí thức lớn mới thu hút được “sóng”, phát trí tuệ, lôi cuốn họ đeo bám mình phục vụ cho cách mạng. Nghĩ tới văn nghệ sĩ trí thức. Tôi có liên tưởng đến Bác Hồ những ngày đầu cách mạng dựng nước đã lôi kéo biết bao trí thức từ nước ngoài về phục vụ cách mạng như Giáo sư: Đặng văn Ngữ, Trần Đại Nghĩa, Lương Định Của, nhà triết học Trần Đức Thảo và giáo sư Nguyễn Khắc Niêm. Ngày ấy giáo sư Nguyễn Khắc Niêm đã nêu ra "Tứ tôn châm": Tôn tộc đại quy/Tôn lộc đại nguy/Tôn tài đại thịnh/ Tôn nịnh đại suy. Vì sao giới trí thức theo Bác về nước để chịu cái đói, cái rét ở chiến khu Việt Bắc, cho đến ngày cuối đời phục vụ cách mạng. Vì Bác có tầm văn hóa lớn, biết yêu thương đùm bọc kẻ sĩ. Viết tới đây, tôi không thể nào quên được những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu trong bài thơ "Sáng tháng năm" “Bác kêu con đến bên bàn/ Bác ngồi Bác viết nhà sàn đơn sơ/Con bồ câu trắng ngây thơ/Nó đi tìm thóc quanh bồ công văn/Lát rồi chim nhé chim ăn/ Bác Hồ còn bận khách văn đến nhà". Là thủ tướng đầu tiên của nước. Nhà văn hóa Phạm Văn Đồng cũng hiểu được trí thức. Thủ tướng vượt qua biết bao rào cản, để có một quyết định khó khăn nhất đưa được Đặng Thái Sơn, đi học ở Liên Xô. Nếu không nhân loại đã mất đi một nhân tài pianô. Thủ tướng Võ Văn Kiệt có cái gì phảng phất tư chất người có tầm văn hóa, là học trò của Bác “Thứ thiệt”. Tôi cùng với nhà văn Minh Chuyên khi đi làm phim ông Cố Vấn, đã ngồi nghe anh Trần Trọng Tân là phó bí thư Thành ủy - thành phố Hồ Chí Minh nói chuyện những “xe nào” của Thủ tướng để cứu đói dân. Trong đó có chuyện đối với kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, người tạo nên biểu tượng Dinh Độc Lập cho Sài Gòn. Bữa đó trong chuyến chuyên cơ bay đi nước ngoài Thủ tướng Võ Văn Kiệt quay lại nhìn thấy kiến trúc sư ngồi khoang sau. Ông Sáu đã yêu cầu phi hành đoàn cho Ngô Viết Thụ lên ngồi cùng khoang Thủ tướng. Nguyên tắc không thể thỏa mãn yêu cầu của Chú Sáu. Chú Sáu lại đòi xuống ngồi cùng khoang với kiến trúc sư Thụ để nói chuyện về văn học nghệ thuật. Hồi ra Hạ Long, Chú Sáu cùng ông Thụ đi ngắm Vịnh, tự tay Chú Sáu mài mực cho kiến trúc sư vẽ cảnh “Hạ Long xanh”. Nhà báo Lý Chiến Thắng coi đó là “Chất ngọc Võ Văn Kiệt” vì ông đến với họ bằng tâm hồn nghệ sĩ. Trong chuyến chuyên cơ bay từ Cần Thơ - Hà Nội vào lúc 14h55 ngày 23/11/2022 có rất nhiều chính khách về Hà Nội. Tôi được vinh dự mời vào dự Lễ kỷ niệm 100 năm của Thủ tướng cùng chuyến ra, khi hành khách ngồi ổn định. Tôi loáng thoáng nghe được câu. “Dân tộc mình ước ao có một thủ tướng như Võ Văn Kiệt". Tôi bâng khuâng trong cảm xúc người “thắp lửa” Võ Văn Kiệt cho dân tộc đã nói “Chức quyền cao, chưa phải là sự nghiệp. Trái lại có người mất hết chức quyền mà sự nghiệp vẫn lớn”. Tầm văn hóa trí thức Chú Sáu lớn vậy nguyên Tổng Biên Tập báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh viết. Võ Văn kiệt có duyên với trí thức, văn nghệ sĩ nên được anh em quý mến, gần gũi, bất kể sự khác biệt tuổi tác và môi trường đào tạo. Mỗi chuyến đi của Chú Sáu, có rất nhiều văn nghệ sĩ muốn theo để học hỏi như: Thép Mới, Trần Long Ẩn (nhạc sĩ), Trầm Hương. Mỗi người đi theo Chú Sáu đều nhận ra tâm tính chú kín đáo, dịu nhẹ, gần gũi. Người như Chú Sáu gần dân, yêu dân, trọng dân. Thế hệ văn nghệ sĩ trẻ đã hòa vào đoàn quân đi khai hoang trong đó có: Đông Thức, Trần Ngọc Châu, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Nhật Ánh, Bùi Nguyên, Trường Kiên, Tiếng Thu, những nhà văn, nhà trí thức cũ ấy sau này đã trở thành “Người nổi tiếng”, có nhiều tác phẩm để lại trong lòng công chúng. Họ khoác áo thanh niên xung phong để tiếp nhận hơi thở mới của thời đại. Hôm đó bằng những câu nói tự đáy lòng ông mở đầu bài diễn văn “các em yêu quý!” chỉ có bằng ấy chữ thôi lớp trí thức xã hội cũ đã dấn thân vào cuộc đời mới, gắn bó với cách mạng. Họ đã đến với cách mạng qua hình ảnh thân thương. Đỗ Trung Quân đã có bài thơ: “quê hương là chùm khế ngọt/cho con trèo hái mỗi ngày/Quê hương là đường đi học/ Con về rợp bướm vàng bay/Quê hương là con diều biếc/Tuổi tho con thả trên đồng/Quê hương là con đò nhỏ/Êm đềm khua nước ven sông… Quê hương nếu ai không nhớ sẽ không lớn để thành người. Bài thơ ra đời nhạc sĩ Giáp Văn Thạch phổ nhạc hát khắp thành phố rồi lan rộng ra cả nước. Ông Kiệt thường nói muốn xây dựng dân giàu nước mạnh cần đến rất nhiều tài năng, lương tri và nhiệt huyết. Cái đó không thể nói chung chung, nó nằm trong mỗi con người cụ thể, phải được khơi gợi, thật sự tôn trọng tài năng phẩm chất của họ… Chú Sáu Dân rất bận, nhưng ông có thể ngồi nghe nhạc Trịnh những ca khúc “Em còn nhớ hay em đã quên”. Rồi ông thốt lên theo phong cách Võ Văn Kiệt. Bài hát của Sơn đã thổi vào trái tim người, giữ chân người ta ở lại, khiến người ta ray rứt với quê hương. Ông nhiều lần, khen bài ca ấy. Những kỉ niệm xa xưa về thành phố, ai chả nhớ một thời yêu đương, một thời mơ mộng, khêu gợi được những mộng tưởng êm đềm nhớ đến Sài Gòn. Như thế nghĩa là Sơn vẫn còn tồn tại, âm nhạc gây được cảm xúc dấy lên, như một cơn lốc. Sài Gòn đã yêu Trịnh Công Sơn, với chất giọng của Khánh Ly nhẹ như thở, không uốn éo làm duyên. Nhưng tiếng hát đã làm nên sinh khí người Sài Gòn. Hồi đó Sài Gòn trong các tiệm đêm, người nghe còn được lắng lại. Khúc ca huyền thoại về mẹ của Trịnh, đó là những bà mẹ yêu nước, nồng nàn hết lòng vì dân. "Đêm chong đèn ngồi nhớ lại, từng câu chuyện ngày xưa, mẹ về đứng dưới mưa, cho đàn con nằm ngủ, canh từng bước quân thù, mẹ ngồi dưới cơn mưa…" Nghe xong người Sài Gòn như được lắng lại, ôm quần áo, giỏ xách lên bờ không vượt biên nữa. Sức mạnh văn học nghệ thuật vô biên vô lượng. Thế đó. Mà có người vì không hiểu, hay không đủ tầm đã quay lưng với nó. Những năm đó, nhạc sĩ Trần Long Ẩn đeo bám ông đi nhà máy điện Trị An, khi nhìn thấy mái tóc trắng của Sáu Dân thấp thoáng trong rừng vẹt. Từ cảm xúc ấy đã viết “một rừng cây, một đời người”. Rồi khúc ca Trị An âm vang mùa xuân của Tôn Thất Lập cũng vang lên. Hôm gặp gỡ số nhà báo, số cán bộ tuyên huấn, sau khi trao đổi công việc xong, ông có nói với cánh báo giới rằng “tài năng của các văn nghệ sĩ là riêng biệt, sự sáng tạo của họ được công chúng công nhận cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm trân trọng họ”. Ông hay dùng cụm từ “rủ rê”. Hồi làm đường dây 500kw làm đường Hồ Chí Minh, ông kéo Nguyễn Duy, Nguyễn Quang Sáng, Trần Long Ẩn, Tôn Thất Lập theo ông và bảo: Không bài diễn văn nào khi khai mạc các công trình lớn hoặc các nghị quyết thay thế được các bút kí, các bài thơ, các ca khúc tha thiết cháy bỏng lôi cuốn lòng người. Nói đến Nguyễn Duy. Đầu thập kỷ 90, tôi mới được gặp ở Sài Gòn. Tay tôi cắp chai rượu “ẵm nách”, rượu đó ngày đó quý hiếm. Gặp được nhau ở quán. Duy đưa tôi về nhà ăn tiết canh vịt, uống rượu. Vui… hè! Trong lúc nhâm nhi chén rượu “Hồ Trường” Duy kể tôi nghe nhiều chuyến cùng anh Nguyễn Quang Sáng, Trần Long Ẩn, Tôn Thất Lập và một số nghệ sĩ khác được Chú Sáu “rủ rê” đi khảo sát đường dây 500kw. Duy kể ngày đầu giải phóng, đã mạnh tay viết bài thơ “Đánh thức tiềm lực”. Đây là bài thơ chính luận, sâu sắc, nhiều câu như mũi kim châm vào da thịt người nghe đau nhói. Bài thơ chỉ ra nhiều yếu điểm, số nhà lãnh đạo không ưa gì. Nguyễn Duy gặp được Chú Sáu, đọc cho chú nghe, chú ngồi lặng phắc, suy nghĩ, rồi gật gù bảo: “Đắng” nhưng chịu được. Duy lo rồi Chú Sáu sẽ xử mình sao đây? Chờ đợi sự ra roi của chú. Không ngờ ít ngày sau bài thơ “Đánh thức tiềm lực” được Chú Sáu cho in trên tờ Tuổi trẻ rất trang trọng. Duy cười vang, mắt anh hơi nhím lại. Thơ Duy tôi thuộc nhiều bài. Từ hơi ấm ổ rơm, đến “Cây tre”… Trước mắt tôi anh trở thành một thi sĩ tài hoa giữa đất Sài Gòn, chuyện Duy kể tiếp ngày đầu giải phóng đã cùng Phạm Tiến Duật đến nhà mẹ Trịnh Công Sơn, được mẹ cưng chiều coi Duy và Duật như những đứa con ở “rừng” về. Vở kịch “tôi và chúng ta” của Lưu Quang Vũ ở Hà Nội không được hoan nghênh, và xuýt nữa lại xảy ra ở Sài Gòn, vì nội dung chỉ trích thói quan liêu, kể cả, trù úm người tốt của số cán bộ thoái hóa. Sáu Dân là người trực tiếp cùng lãnh đạo Hội Sân Khấu Sài Gòn là nhà viết kịch Lê Duy Hạnh ngồi duyệt, Rồi ông chỉ đạo cho diễn vở này, ông sẽ chịu trách nhiệm nếu có sự phê phán từ đâu đó. Sát người, sát việc, chí tình, chí lí là thế. Tác phong ấy bây giờ thành của hiếm, của hiếm ấy khiến nhiều người nhớ ông, thương ông. Nói đến Phùng Há, tôi không quên được cuộc thoại của nhà văn Sơn Nam. Ông Kiệt thấy nhà tôi mưa dột không ở được, ông cho thợ đến sửa, ông còn cho tôi 5 đồng để uống rượu. Đối với tôi, không phải không nhận được những phần lộc của Chú Sáu Dân. Trong thời gian tôi viết chuyện Tướng Độ, không phải không có sự lườm nguýt của số người, có kẻ ra mặt, có kẻ tầm thường ném đá giấu tay, sau khi được anh Vũ Huyên thư ký Đại Tướng Võ Nguyên Giáp điện vô cho Chú Sáu. Một buổi sáng, tôi đang lang thang uống cà phê tại đường Nguyễn Văn Trỗi, Sài Gòn. Bất thần nhận được điện thoại của anh Trịnh thư kí của Thủ tướng. Chú Sáu Dân muốn gặp anh. Tôi áp sát điện thoại vào tai, hồi hộp lắng nghe. Giọng chú vang lên, 14h ngày 30/4 có mặt ở số 02 Lê Duẩn, văn phòng Trung ương ở Sài Gòn. Lê Duẩn, nhấn cao giọng nhưng rất mềm. Tôi nghe chưa rõ liền hỏi lại “Thưa Thủ tướng ở đâu ạ?” Số 02 Lê Duẩn. Đúng giờ tôi có mặt, nhưng trễ 5 phút bởi tắc xe vì sửa đường. Anh Trịnh đứng cổng chờ, cúi đầu lễ phép thưa lý do tôi đến trễ. Anh Trịnh mời tôi chuyển xe về nhà riêng Thủ Tướng trên bờ sông Sài Gòn. Tới đó đã thấy Chú Sáu ngồi ở quán “Nghinh Phong” (đón gió) với hai cốc cà phê đá dăm thứ thiệt. Chú Sáu, chỉ tay ghế cho tôi ngồi, tức thì tôi nín một hơi dài cốc cà phê đá cho đã… Bình tĩnh lại tôi lôi cuốn Trần Độ còn dạng bản thảo cho ông đọc. Ông chăm chú đọc kỹ lưỡng từng trang. Sau gấp sách lại nhỏ nhẹ: Nhà văn có quyền viết sự thật, nhưng đừng bình theo ý nghĩ chủ quan của mình. Chẳng may gặp phải điều gì sẽ gặp “tai nạn” trong sự “húy kị” chống này, chống nọ… Những ngày lưu lại gần Chú Sáu ở Sài Gòn, tôi nhận thức ra nhiều điều. Chú Sáu không chỉ “xé rào” về kinh tế mà chú còn dám “xé rào” cho văn học nghệ thuật. Điều ấy mấy ai làm được. Khi sách Tướng Độ của tôi được NXB Quân Đội cho in. Chính Chú Sáu đã mời họa sĩ Anh Thơ thiết kế bìa sách bằng tư tưởng hiếm có trong giai đoạn bắt đầu đổi mới. Và chú đã viết bài giới thiệu. "… Anh Trần Độ là người lạc quan, pha lẫn tính cách nghệ sĩ, anh thông minh và có bộ nhớ rất cừ, anh có một thứ vui thư giãn say mê, đó là chụp hình, đêm về tự tráng, tự rửa phim, in hình". Sách ra rồi, Chú Sáu gặp anh Thơ, hai tay nâng cuốn sách Tướng Độ, chụp tấm hình lớn gửi cho tôi. V Đâu phải ai cũng làm được việc đó! Người ta thường gọi là dấu ấn Võ Văn Kiệt - hiện tượng Võ Văn Kiệt bởi ông biết kính dân, yêu dân, thân dân, gần dân, tin dân, nên đã tạo cho ông một phong cách của kẻ sĩ. Gặp bất cứ đối tượng nào, ông cũng rủ rỉ, khơi gợi tranh thủ để tìm được tấm lòng son sắc của người ta đối với Tổ quốc. Ông không hề “ra lệnh” cho ai, quát nạt ai, ở ông luôn toát ra sự trìu mến. Ông dùng tình cảm, chữ nghĩa văn chương để thay đổi lòng người. Khác chi Nguyễn Trãi dùng chiến dịch “Tâm Công” phá tan 29 vạn quân Minh sang nước ta, tự rút về nước. Giặc rút vi thần ngồi viết “Bình Ngô Đại Cáo". Bất chiến tự nhiên thành gươm đao không thay đổi được thế cuộc, chỉ có chữ nghĩa văn chương mới thay đổi đ ược lòng người. Sáu Dân cũng đi vào lòng người, lấy tình thương yêu mà thuyết phục con người. Ông được mệnh danh là nhà kiến trúc cho thời đại đổi mới. Khi ông về nghỉ hưu, ông đã làm đơn trả hết lại tài sản nhà nước, kể cả khu biệt thự bờ sông Sài Gòn tôi từng tá túc. Người ta bảo giờ giá trị bằng mấy ngàn cây vàng đó…Cưỡi mây về trời ông về quê với bà con Vũng Liêm. Hồi nhà văn Nguyễn Khải mất người ta bàn thảo nâng lên đặt xuống không biết bao ngày, rằng để nhà văn vào nghĩa trang thành phố, không có sự đồng thuận cao. Được tin này, ông xót lòng với sự đối xử của một số người với nhà văn lớn. Ông lên tiếng “Tôi nhường phần đất của tôi cho nhà văn Nguyễn Khải”. Những ai đã từng được theo Chú Sáu đều biết chú còn có cái tên “lục lạc” của ai đặt cho chú ngày ở rừng. Bà Sáu Trung anh hùng lực lượng vũ trang là giao liên bí mật khu ủy T4. Trực tiếp huấn luyện cho Phạm Chí Dũng (Võ Dũng) con trai lớn của ông Kiệt, cách đi lại trong lòng địch để được về quân khu 9. Dũng hi sinh ở đó. Sau chiến tranh bà Sáu trung sống vò võ cô đơn trong căn nhà nhỏ đường Hòa Hảo Quận 10. Chú Sáu không một chút an lòng khi thấy nữ đồng chí bỏ tuổi xuân đi làm cách mạng. Ông nói “nhà nước có thể cấp một căn nhà, nhưng không thể cấp hơi ấm trong căn nhà đó ...”Ông đã chủ động đưa con trai ông Phạm Chí Dũng trước tên hiếu dân đến ở nhà bà Sáu, để con đi học cho gần, phần trông nom bà Sáu Trung. Tình người chú Sáu sâu đậm thế. Sáu Dân đã để lại trong lòng dân nhiều trang viết, nhưng có nhiều trang sách không có chữ đó là cuộc đời của ông. Tôi cũng như nhiều văn nghệ sĩ, được vinh dự ngồi cạnh ông, gần ông để tiếp nhận thứ ánh sáng kì diệu. Mấy ai có được? Gần ông như nghe thấy nhịp đập trái tim ông hướng về dân. Trước dân ông không hề “tỏ ra”, dù là “tỏ ra’ khiêm tốn. Khi viết những dòng này, tôi thường nghĩ “Cát bụi đừng cho lẫn tính thiêng”. Quả vậy, không một hạt bụi bẩn nào bám vào được quần áo râu tóc ngài Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông là người “Tĩnh” để đi xa. Tinh thần ông trong như tuyết trắng, ẩn chứa trong cây mai khóm trúc. Đúng như Nguyễn Du xưa đã viết “Mai cốt cách, tuyết tinh thần”. Nhân dịp kỷ niệm 100 trăm năm ngày sinh ông. Tôi viết mấy dòng coi như nén tâm hương dâng người nơi cao xanh.