CA TRÙ Ở THÁI BÌNH
Ngày: 22/04/2024
Ca trù hay còn gọi là hát ả đào, hát cô đầu,hát nhà trò, hát nhà tơ…là hình thức ca múa nhạc tổng hợp vừa mang tính bác học vừa mang tính dân gian độc đáo. Từ xa xưa ca trù đã được coi là một hiện tượng văn hoá hết sức đặc biệt, có tác động mạnh mẽ tới đời sống xã hội người Việt

CA TRÙ Ở THÁI BÌNH

NGUYỄN THANH

Ca trù hay còn gọi là hát ả đào, hát cô đầu,hát nhà trò, hát nhà tơ…là hình thức ca múa nhạc tổng hợp vừa mang tính bác học vừa mang tính dân gian độc đáo. Từ xa xưa ca trù đã được coi là một hiện tượng văn hoá hết sức đặc biệt, có tác động mạnh mẽ tới đời sống xã hội người Việt. Thuở xưa, các đào nương (người hát) đều gọi chung là ả đào, các quản giáp gọi là kép. Nhiều cuộc thi hát ả đào có giải thưởng thường được tổ chức ở các vùng quê trong cả nước nhân dịp hội hè, tế tự. Để khích lệ các đào nương trong các cuộc thi, những người tổ chức đã định ra lệ thưởng tiền khi đào nương đang trình diễn. Số tiền thưởng được ghi rõ mệnh giá trên một thẻ tre, thẻ tre đó gọi là trù. Từ những cuộc thi có thưởng trù cho nên lối hát này có tên gọi là hát ca trù. Tỉnh Thái Bình vốn từng được coi là miền quê hội tụ các sắc thái văn hoá của người Việt, ngoài các loại hình nghệ thuật tiêu biểu như chèo, rối nước còn có truyền thống hát ca trù từ rất sớm. Đầu năm 2006, chúng tôi đã phát hiện được một cuốn sách Hán Nôm ở đền Đồng Xâm (Kiến Xương), trong đó có chép các bài ca trù tế thánh. Cuốn sách cổ này ghi chép thần tích và các bài văn tế, văn khấn của đền. Ngoài những tư liệu mang tính tạp ghi thì đáng quan tâm hơn cả là sách chép 8 bài ca trù tế Thánh và một bài ca trù tế tổ nghề ca công. Tám bài ca trù có lời hát khác nhau nhưng cùng chung một quy cách. Mỗi bài 16 câu. Sáu câu mở đầu ngợi ca công đức của Triệu Vũ Đế và hoàng hậu, năm câu giữa phô diễn lòng thành kính, năm câu cuối mang nội dung chúc hỗ, cầu chúc xóm làng yên ấm, quốc thái dân an, mùa màng bội thu… Theo truyền ngôn thì hội đền Đồng Xâm thuở xưa thường duy trì tục chầu cử. Các nhà nghiên cứu cho rằng tục chầu cử có thể hiểu là những nơi có ca trù cử những đào nương hát hay, những kép đàn giỏi về hát chầu thánh. Cuốn sách này là một cổ vật minh chứng cho tục hát ca trù trong hội đền Đồng Xâm có từ cổ xưa. Tương truyền Hoàng hậu Trình Thị vợ vua Triệu Vũ đế (Triệu Đà) người làng Đồng Xâm vốn là tổ nghề ca công. Dưới đây là phiên âm dịch nghĩa hai trong số những bài ca trù được chép trong cuốn sách nói trên: Phiên âm Xướng ca đệ nhất trù văn Thông minh duệ tri Thục thận huy nhu Nguyệt phủ hoành nhi thất quận Hán hùng tịnh thế Đào mộng khiếu nhi lục cung nghi biểu Chu hậu đồng phù Cổ lệ thức tuân Tư thích thu sơ chi tiết Xướng ca kỳ phúc Diên khai đệ nhất chi trù Triển kiền thành nhi cao minh mạo đạt Nguyện giám lâm nhi khải trạch đàm phu Canh tạc hà trì Lão nhưỡng đồng dao thuận tắc Quản huyền tự lạc Xuân đài thọ vực hi du. Dịch nghĩa lời hát Bài ca trù thứ nhát Thông minh sáng suốt Hiền dịu nhẹ nhàng VNTB 02(271) - 2024 23 TRAO ĐỔI - NGHIÊN CỨU - LÝ LUẬN Nguyệt phủ vung lên, khai nền bảy quận Sánh cùng nhà Hán Giấc mộng làm Hoàng hậu cung phi Giống như Chu hậu Lệ cổ tuân theo Nay vừa gặp tiết đầu thu Xướng ca cầu phúc Giải chiếu hát một bài ca trù Tỏ lòng thành để đất trời thấu hiểu Xin sáng soi cho ân trạch thấm nhuần Tự cày ruộng ăn, tự đào giếng uống Chẳng bận chi đến việc quân vương Trẻ già cùng hát, sáo đàn tự vui Đài xuân cõi thọ vui chơi. Phiên âm Ca công tế tổ sư văn Sơn xuyên dục tú Hà hải chung linh Hiếu vũ danh ca Hệ hưu hệ tính Thanh phong minh nguyệt Thành sắc thành thanh Thăng giáng tật từ Túc dĩ ngu nhân chi nhĩ mục Thanh nhàn hoà lạc Túc dĩ ngu nhân chi tính tình Đương thế tưởng kỳ phong thái Vạn đại ngưỡng kỳ đức hinh Tư nhân nhân tiết Liêu triển vi thành Nguyện kỳ giám cách Tích dĩ an ninh Gia sắt hộ cầm Di đãng nhi huyền ca tự lạc Đồng dao lão nhưỡng Hi du nhi vũ đạo thăng bình. Dịch nghĩa lời hát Tế tổ nghề ca công Nước non gấm vóc Sông biển linh thiêng Lấy múa cùng ca Yên hoà tâm tính Trăng thanh gió mát Thành sắc thành thanh Trầm bổng du dương Cho người người vui tai sương mắt Thanh nhàn cùng vui Để người người thư thái tâm tình Đương thế tưởng nhớ phong thái Muôn thuở ngưỡng vọng tiếng thơm Nhân tiết lệ về Mở lòng thành kính Cúi xin chứng giám Ban cho an lành Nhà nhà chung vui Mênh mang khúc nhạc tiếng đàn Trẻ già cùng hát ca Vui chơi theo vũ đạo thăng bình. Bài Tế tổ nghề ca công cùng với tám bài ca trù tế Thánh ở Đồng Xâm đã được đưa vào Hồ sơ quốc gia để trình UNESCO ghi danh Ca trù là kiệt tác văn hoá phi vật thể của nhân loại. Ngày 1/10/2009, UNESCO đã công nhận ca trù của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Thái Bình là một trong 16 tỉnh được UNESCO cấp bằng di sản ca trù. Nói đến Thái Bình không thể không nhắc đến Nguyễn Công Trứ, nhà Doanh điền sứ đã có công khai khẩn mở mang đất đai lập ra huyện Tiền Hải đồng thời cũng là một danh sĩ có nhiều đóng góp vào quá trình phát triển nghệ thuật ca trù ở Việt Nam và đã để lại di sản ca trù ở Thái Bình với nhiều làng ca trù nổi tiếng. Theo khảo sát bước đầu thì sau hoà bình lập lại (1954) ở Thái Bình có khoảng trên 50 đào nương, kép đàn chuyên hành nghề ca trù tập trung ở phố An Tập (nay thuộc thành phố Thái Bình).Những làng có người hành nghề này thường theo các giáo phường ca trù ở tỉnh ngoài kiếm sống. Những năm trước đây, nhiều nghệ nhân cao niên ở các giáo phường ca trù thuộc Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương… VNTB 02(271) - 2024 24 TRAO ĐỔI - NGHIÊN CỨU - LÝ LUẬN còn nhắc tên các đào nương, kép đàn quê Thái Bình. Những người này chỉ về hát ở hội làng mình khi có tổ chức hát ca trù. Trong hương ước cổ của nhiều làng xã ở Thái Bình có ghi rõ lệ hát ca trù khi làng mở hội. Đình làng Hoàng Quan thuộc xã Đông Phương huyện Đông Hưng thờ Thành hoàng làng là tổ nghề hát, dân làng vẫn gọi là bà Đầu. Thuở trước, làng Hoàng Quan vốn có truyền thống về nghề hát ca trù. Tác giả Phạm Nguyên Hợp đã viết trong Tiên Hưng phủ chí: "Người làm nghề ca hát thì xã Phú Hậu huyện Duyên Hà; các xã Mỹ Thịnh, Duyên Tục huyện Thần Khê; Phúc Hải, Quan Hà huyện Hưng Nhân là những nơi có nhiều người làm nghề ca hát, trong số đó thì hai xã Mỹ Thịnh, Phú Hậu tinh chuyên về môn nghệ thuật hát ả đào. Đào kép ở hai xã ấy bao giờ cũng đặc chiếm hạng nhất. Từ xưa những người làm nghề này thường sinh hoạt theo từng khu giới (giáo phường). Mỗi giáo phường có khoán lệ riêng, mãi mãi gìn giữ tuân theo những quy tắc đã nêu trong khoán lệ đó. Hàng năm các giáo phường thay phiên nhau sửa soạn lo liệu, lễ cúng tổ sư nghề hát, gọi là lễ tế tổ. Lễ tế làm vào tháng chạp cuối năm, ngày thì tùy theo sự thuận tiện mà định. Đến ngày đó người làm nghề ca kỹ ở các khu vực trong cùng một giáo phường đều đến yết lễ. Rồi đó người trong từng khu vực cùng nhau tính toán sổ sách để biết trong năm ấy thu được bao nhiêu các khoản tiền đi hát cho cả làng (gọi là đình môn tiền) và tiền đi hát cho các tư gia. Tổng số tiền đó đem chia cấp thỏa đáng theo những điều quy định trong khoán lệ. Kể từ đời Lê đã có quy ước thành thể lệ như vậy, đến nay vẫn tuân theo không thay đổi". Sau năm 1954 tục hát ca trù không còn duy trì, đến nay phần đông nghệ nhân ca trù ở Thái Bình đã qua đời mà không có người nối dõi. Một số không hành nghề nhưng đi theo con cháu đi sinh sống ở tỉnh ngoài. Có người được trọng dụng khi hành nghề ở tỉnh ngoài như trường hợp nghệ nhân Lê Thị Thanh Vân sinh năm 1926, quê làng Dương Liễu nay thuộc xã Bình Định huyện Kiến Xương từng một thời là nghệ nhân ca trù tài hoa bậc nhất của thành phố Hồ Chí Minh. Thực hiện chương trình bảo lưu nghệ thuật truyền thống, đầu năm 2007, Sở Văn hoá Thông tin đã mở lớp đào tạo, mời các nghệ nhân từ các giáo phường ngoài tỉnh và các chuyên gia ở trung ương về truyền nghề ca trù. Sau hai tháng đào tạo, hơn 40 học viên theo học ở độ tuổi tử 20 đến 50 thuộc nhiều thành phần khác nhau đã sử dụng thành thạo 5 khổ phách cơ bản và 5 làn điệu ca trù, sau đó có hai ca nương và hai kép đàn từ lớp đào tạo này đã đi dự liên hoan ca trù toàn quốc đều giành được huy chương Bạc. Tháng 12- 2007, tiếp tục mở một lớp truyền nghề ca trù tại xã Bình Định huyện Kiến Xương. Đây là một xã có nghề ca trù truyền thống. Sau hơn một tháng, gần 40 học viên đã nắm vững cách sử dụng 5 khổ phách và một số làn điệu cơ bản. Tiếp đó đã mở lớp ca trù ở xã Hồng Thái huyện Kiến Xương nơi có tục Chầu cử trong hội đền Đồng Xâm. Tiếc thay, nghệ thuật trình diễn ca trù ở các địa phương trong tỉnh và ở đền Đồng Xâm dường như những năm gần đây lại tiếp tục bị quên lãng dần. Riêng với đền Đồng Xâm, xưa và nay thường đón nhiều lượt khách tìm đến để chiêm ngưỡng một di tích có quy mô kiến trúc hoành tráng vào bậc nhất ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, được thoả mãn nhu cầu lễ Thánh, được tham quan và mua đồ lưu niệm của làng nghề chạm bạc…Nếu tục hát ca trù chầu cử được khôi phục ở Đồng Xâm thì hẳn là điểm du lịch này sẽ còn có sức hấp dẫn bội phần đối với du khách trong và ngoài nước./.

NGUYỄN THANH