Xuôi theo dòng sông Tiền, chúng tôi về
một vùng quê Nam Bộ. Những rặng dừa
xanh lô xô quả trĩu trịt trải dài đôi bờ.
Qua ngã ba sông, núi Thạch Động, Hòn Phụ
Tử, Hòn Đất hiện dần ra trước mặt. Miền đất
này từng sinh ra những người phụ nữ, chiến
công, tên tuổi của họ đã đi vào lịch sử. Trong
số những người đó, có chị Lê Thị Ràng, tức
chị Sứ trong tiểu thuyết Hòn Đất, tác phẩm nổi
tiếng của nhà văn Anh Đức. Và có một người
mẹ mà khi chúng tôi được gặp, được nghe
chuyện, cũng không thể tưởng tượng đất
nước mình lại có những người mẹ như thế.
BÀ MẸ GIẢ TRAI
MINH CHUYÊN
Xuôi theo dòng sông Tiền, chúng tôi về một vùng quê Nam Bộ. Những rặng dừa xanh lô xô quả trĩu trịt trải dài đôi bờ. Qua ngã ba sông, núi Thạch Động, Hòn Phụ Tử, Hòn Đất hiện dần ra trước mặt. Miền đất này từng sinh ra những người phụ nữ, chiến công, tên tuổi của họ đã đi vào lịch sử. Trong số những người đó, có chị Lê Thị Ràng, tức chị Sứ trong tiểu thuyết Hòn Đất, tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Anh Đức. Và có một người mẹ mà khi chúng tôi được gặp, được nghe chuyện, cũng không thể tưởng tượng đất nước mình lại có những người mẹ như thế. Đó là má Mười Mẫn, tức Trần Quang Mẫn. Cái tên rất cứng cỏi, giống như cuộc đời má vậy. Quê má ở Vĩnh Thạnh, huyện Rồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Năm nay má ngoài 70 tuổi, mắt vẫn tinh tường, khỏe mạnh. Má lam lũ từ nhỏ, sống giản dị, cần cù như bao bà má miền Nam khác. Mấy ai ngờ, trong cái bình dị của người mẹ ấy, lại chứa một tấm lòng yêu nước thiết tha, một ý chí vươn lên đến phi thường. Má kể: Vào những năm đầu kháng chiến, ngày ngày chứng kiến cảnh bà con cô bác bị quân giặc chém giết, sát hại dã man, xót đau, uất hận, Mẫn tình nguyện vào vệ quốc đoàn để đi chiến đấu giết giặc cứu nước, cứu dân làng. Nhưng khốn thay, ngày đó quân đội không tuyển con gái. Nhân đọc được một câu chuyện nói về bà Ngọc Linh đời nhà Trần cải trang thành nam nhi ra nhập quân sỹ, giúp Phạm Ngũ Lão đánh thắng giặc Nguyên, "thế là tôi liền nảy ý định, mình cũng giả trai để vào bộ đội", má nói. Năm ấy, Mẫn vừa tròn 18 tuổi, cô từ biệt cái làng Vĩnh Thạnh, trốn gia đình, lên rừng Thạch Động quyết chí tập luyện để ra đầu quân. Mẫn cắt tóc ngắn, đội mũ lệch, mặc quần áo con trai, tập đi, tập võ, tập chạy nhảy. Riêng để thay đổi giọng nói, má bảo: - Ở trong rừng, ngày ngày tôi tập hô, hét thật to. Hét cho cái âm thanh trong cuống họng bể ra, sau đó ồm ồm. Phải gần 3 tháng gào thét mới hết cái giọng ỏn ẻn con gái. Nhờ cái thân hình cao to, một lợi thế tạo “vỏ bọc” che mắt mọi người. Nhưng để có dáng vẻ người con trai, Mẫn đã tập phơi nắng hàng tháng trời. Phơi để làn da rám lại. Rồi dùng băng vải nịt chặt ngực cho hai vú ép sát vào người. Mẫn bỏ chữ Thị, thay chữ Quang. Trần Thị Mẫn thành Trần Quang Mẫn, rồi vào bộ đội. Những ngày đầu trong quân ngũ, quả là những thử thách nghiệt ngã. Mẫn rất lo lắng. Một cô gái dấu mình làm người lính xông pha ngoài mặt trận. Gian khổ, vất vả Mẫn không ngại, chỉ sợ một nỗi là những sinh hoạt thường ngày của người phụ nữ, nếu không khéo léo và ý tứ, rất dễ bị anh em đơn vị để ý. Nếu bị lộ, Mẫn sẽ không thực hiện được ước nguyện của mình. Thế là Mẫn phải cố gắng mọi lúc, mọi nơi. Vừa hành quân, tập kích, đánh địch vừa phải tự rèn để mọi sinh hoạt hoà nhập trong thế giới đàn ông. Mẫn tập uống rượu, tập hút thuốc, tập ngồi xổm đánh cờ v.v.. Mẫn học được bài thuốc cổ truyền, hàng tháng, sắp đến ngày kinh nguyệt, dùng lá răm dã nát, pha vào rượu, uống cầm ngay, không ảnh hưởng đến công tác và chiến đấu. Khó nhất là việc đi tiểu. Đơn vị đang hành quân, giải lao, anh em đứng tiểu, chẳng lẽ một mình, mình ngồi. Mẫn nảy ra sáng kiến dùng ống trúc cắt ngắn, bỏ vào túi quần, mỗi lần đi, cho vào, đứng tiểu như đàn ông vậy. Mẫn cùng đồng đội tham dự hết chiến dịch này đến chiến dịch khác. Nhờ mưu trí đánh địch và lập nhiều chiến công, Trần Quang Mẫn liên tiếp được cấp trên đề bạt. Từ chiến sỹ lên tiểu đội trưởng, trung đội trưởng và sau đó lên làm cán bộ chỉ huy đại đội. Bảy lần má Mẫn được tặng thưởng huân chương thì có tới 3 tấm là huân chương chiến công. Má tâm sự: Có những trận phục kích bị lộ, bọn địch bắn dữ lắm. Cả đơn vị ào lên phản kích. Tôi không sợ hy sinh mà chỉ lo mình bị thương thôi. Bị thương vào những “chỗ hiểm” của phụ nữ là anh em phát hiện ra mình. Rất may cả 4 lần dính đạn đều là vào tay, vào chân. (Má Mẫn hiện là thương binh 2/4). Có lần nơi đóng quân quá chật chội, quên mất không nhớ mình giả trai, Trần Quang Mẫn đã định ngủ chung với mấy chị dân công. Cô Võ Thị Liễu ngày ấy, sau này làm Chủ tịch liên đoàn lao động tỉnh Kiên Giang, nay đã nghỉ hưu tại thị xã Rạch Giá, kể lại: - Hôm đó gặp nhau, chị Mười tới bắt tay tụi tôi, tụi tôi toàn mười tám, hai mươi tuổi, nhút nhát không ai dám bắt tay chị. Chị Mẫn bảo: Tối nay tôi vô ngủ chung với mấy cô nhé. Tối đó tụi tôi sợ quá trời, không ai dám nằm ngoài, chỉ sợ chị Mười vô mùng. Những ngày ở Rồng Riềng, quê hương má Mẫn, chúng tôi còn được gặp ông Sáu Hưng, nguyên cán bộ trung đội, cùng đơn vị với má, sống ở ấp Tân Hưng Thạnh, ông cho biết: - Suốt 5 năm tôi sống bên chị Mẫn, không hay biết chị là gái giả trai. Từ ăn nói đến công việc, chị làm ào ào như nam giới vậy. Chỉ có một vài cá tính anh em trong đơn vị thường kêu là anh Mười không quần chúng, ít khi tắm chung với anh em. Những lúc vui đùa, bá vai, bá cổ anh là anh gỡ ra liền… Mãi sau này biết sự thật về chị, chúng tôi mới ngớ người ra. Chính sự giữ gìn kín đáo ấy, Mẫn đã phải sống và ứng xử với những tình huống khôn lường. Thật trớ trêu, Mẫn giống như chàng tiểu Kính Tâm gặp Thị Màu ngày trước. Đóng quân ở đâu cũng có những cô gái đem lòng yêu thương anh bộ đội Trần Quang Mẫn đẹp trai, vui tính. Má Mẫn dở những kỷ niệm còn lưu giữ được đưa cho chúng tôi xem, gồm những bức thư tình đã nhàu cũ và 2 tấm ảnh con gái đã ố vàng. Má bảo: Trong những năm ấy, má phải từ chối nhiều cô gái đến với má bằng tình cảm rất chân tình. Riêng 2 cô còn ảnh đây, vì quá say đắm má và cũng vì lý do khác nên không nỡ dứt bỏ. Một cô tên Yến ở thị trấn Hòn Đất, một cô là Lan ở bản Xa Nhi, Thạch Động. Lúc đầu má từ chối, cô khóc dữ lắm, bảo: nếu không lấy được nhau, cô sẽ tự tử. Má đành phải đồng ý để giữ không ảnh hưởng đến tình cảm quân dân và cũng để chứng tỏ mình. Vì có lúc có người cũng đã nghi ngờ má. Ông Nguyễn Văn Hợp nguyên trong Ban chỉ huy đại đội cùng Mẫn. Trò chuyện với chúng tôi về má Mười, ông bảo: - Lúc đầu phải nói chị Mười cải trang rất tốt. Ở với nhau hàng ngày, chúng tôi không ai hay biết. Sau này nghe tin đồn có một người tên là Mẫn hay Mãn gì đó giả trai đi bộ đội. Chúng tôi có đặt vấn đề gặng hỏi chị. Chị Mười chối liền. Chị bảo người tên là Mẫn, là Mãn có nhiều, không phải chị. Sau chị có người yêu là một cô gái rất xinh đẹp nên chúng tôi không nghi ngờ nữa. Hỏi về mối “tình ngang trái” ấy, má Mẫn tâm sự: - Ngày ấy, anh trung đoàn trưởng trung đoàn tôi cũng không hay tôi là gái giả trai, nên khi ông già - ba đẻ cô Lan đến đặt vấn đề nhờ đơn vị giúp đỡ, anh trung đoàn trưởng đã nhận lời đứng ra làm chủ hôn cho hai chúng tôi. Tôi hoảng quá, phải tìm mọi lý do mới tạm hoãn được. Vì nếu cưới nhau thì thật bất lợi cho tôi quá. Trong khi đó người yêu thực của Mẫn ở quê Vĩnh Thạnh là anh Nguyễn Hữu Bé đi lang thang khắp đó đây tìm Mẫn. Bé xót xa, buồn nhớ, chán nản. Rồi Nguyễn Hữu Bé vào bộ đội. Năm năm sau, khi nghe tin có một cô gái ở Rồng Riềng giả trai đi bộ đội. Bé lại đi tìm Mẫn. Tìm mãi Bé mới đến được nơi đóng quân của người yêu. Gặp người chỉ huy đơn vị tên là Mẫn, thấy nét mặt giông giống nét mặt cô Mẫn ngày xưa yêu mình, Bé đã mừng. Nhưng Mẫn lại dửng dưng xa lạ, coi Bé như người chưa quen biết. Vừa gặp nhau, Mẫn đã lảng tránh. Nhìn bước đi và phong thái kiểu đàn ông đĩnh đạc, Bé đâm ra thất vọng. Nhưng Bé vẫn không nản, chờ lúc vắng người, dò hỏi sự thật về Mẫn. Vừa nói, Mẫn gạt đi, chối liền và bảo: “Anh lầm, đơn vị này làm gì có gái giả trai là người yêu của anh”. Bé ngỡ mình lầm thật. Song cái nét mặt và ánh mắt hao hao cô Mẫn ngày xưa trên gương mặt người chỉ huy cứ ám ảnh Bé hoài. Anh lại hy vọng. Hôm sau Bé ra bờ suối bí mật xem Mẫn tắm. Mẫn nhìn trước, nhìn sau rồi từ từ cởi tấm vải nịt ngực ra. Con suối chảy xiết, nước trong veo. Bé không tin sự thật trong mắt mình là ảo ảnh. Vừa giận lại vừa thương. Bé lại tự hào nữa. Tự hào về một người con gái quê hương mà Bé được yêu thương lại có tấm lòng yêu nước đến thế. Chờ Mẫn mặc quần áo xong, Bé tiến lại ôm chặt lấy Mẫn. Giọng anh nghèn nghẹn nói: - Em chỉ có thể giấu được cấp trên chứ không giấu được anh đâu. Sau phút giây bàng hoàng, Mẫn trấn tĩnh nhìn Bé rồi nói: - Anh hãy thông cảm và tha thứ cho em nghe. Em định sau này, sẽ xin lỗi ba má và anh. Nhớ lại những kỷ niệm ngày đó, Má Trần Quang Mẫn kể tiếp: Từ hôm ấy, anh Nguyễn Hữu Bé ở lại đơn vị của Mẫn để chuẩn bị lễ thành hôn. Còn Mẫn thì đi từ biệt cô gái yêu mình ở bản Xa Nhi - Thạch Động. Trên đường tới nhà Lan, Mẫn suy nghĩ mông lung. Lan yêu thương Mẫn đã hơn 4 năm rồi, tình cảm rất hồn nhiên, chân thật. Biết nói thế nào để Lan khỏi đau khổ. Vừa tới nhà Lan, cô đã mừng ríu rít. - Ôi anh Mẫn. Ba má và em cứ mong hoài. Anh về có lâu không? Sao hôm nay trông anh buồn thế. Có chuyện gì phải không anh? - Ừ, có chuyện. Mẫn nói. Ba má đâu rồi. - Ba má đi chợ. Có chuỵên gì vậy, anh kể cho em nghe đi. Nhưng phải chuyện vui đấy nghe. Mẫn ngồi nhìn Lan, lâu lâu mà chưa biết nên bắt đầu như thế nào. Đành phải lựa lời vòng vo: - Đời bộ đội nay đây mai đó, sống chết không lường, mà cứ bắt em chờ mãi thì tội quá Lan ạ. Lan đã linh cảm điều gì. Cô ngồi im lặng nghe. Mẫn tiếp: - Nếu có ai thương Lan, em đừng nên chờ đợi anh nữa. Đợi anh không hy vọng đâu. Lan ứa nước mắt rồi thút thít khóc. Một lát sau mới nói: - Chúng mình yêu nhau ngần ấy năm rồi, anh chẳng hiểu em gì hết. Bao giờ gặp nhau anh cũng chỉ muốn xa em. Hay bây giờ lên cấp lớn rồi, anh chê em chứ gì? - Không phải thế. Anh thương em mới chân tình khuyên em nên đi xây dựng gia đình, lấy anh không hạnh phúc đâu. - Em biết mà. Lúc nào anh cũng nói bộ đội nay đây mai đó, lấy nhau không hạnh phúc, để lấy cớ bỏ em đúng không? Mẫn im lặng. Lan tiếp: - Hạnh phúc hay không là ở chúng mình. Thương yêu nhau, dù có ngăn sông cách chợ, có phải xa nhau vẫn hạnh phúc. Nếu vì lý do anh ruồng bỏ em, em cũng chẳng thiết sống nữa. Rồi Lan ngồi khóc, Mẫn an ủi, dỗ dành thế nào cũng không nghe. Cuối cùng Mẫn phải thổ lộ rõ thân phận mình với Lan. Đưa Lan vô trong buồng rồi cởi áo cho Lan coi. Lan thảng thốt đến ngớ ra. Cô không thể tưởng tượng sự thật lại là thế. Sau một lát trấn tĩnh, câu đầu tiên Lan nói: - Em xin lỗi chị. Chị tha thứ cho em nghe. Em không ngờ chị lại là…. Mẫn lau nước mắt cho Lan: - Em không có lỗi. Tại chị. Tại chiến tranh mà. Chị muốn đi giết giặc để trả thù cho đồng bào mình. Nhưng là phận gái, không được đi, nên chị đành phải làm vậy. Rồi hai chị em ôm nhau cùng khóc. Khóc cho vơi đi thân phận của mỗi người. Chúng tôi về ấp Xa Nhi - Thạch Động tỉnh Kiên Giang, rất may gặp được cô Lan ngày ấy, nay đã thành bà lão 72 tuổi. Bà cho biết: - Chuyện đó kỳ lắm. Bấy giờ tôi mê anh Mẫn đến mức chẳng nhận ra ảnh là phụ nữ. Tết vừa qua tôi gặp lại chị Mười Mẫn, nhớ lại chuyện cũ, hai chị em cứ nhìn nhau cười, cười chảy cả nước mắt! Bà Lan kể tiếp: - Sau khi từ hôn với tôi, Mẫn và Bé tổ chức đám cưới ngay tại đơn vị. Dân làng tới dự rất đông. Tôi cũng có mặt trong ngày vui ấy. Mọi người xúm xít vây quanh 3 người: Tôi, Mẫn và Bé. Vì tò mò, muốn được nhìn thấy những người trong mối tình ly kỳ lầm lỡ vừa chấm dứt. Đám cưới Mẫn và Bé được tổ chức rất long trọng. Cô dâu, chú rể cùng ăn vận quần áo bộ đội. Tóc Mẫn chưa kịp mọc dài nên có người nói vui: “Đám cưới, hai anh bộ đội lấy nhau”. Cưới nhau vừa tròn một năm, Mẫn sinh con trai đầu lòng. Niềm vui vừa tới cũng là lúc nỗi đau xé lòng ập đến. Sinh con được 23 ngày thì Nguyễn Hữu Bé hy sinh. Nén đau thương, Mẫn gửi đứa con còn thơ dại cho mẹ già và bà con xóm làng nuôi dùm rồi tiếp tục chỉ huy đơn vị chiến đấu đánh địch hết trận này đến trận khác. Năm 1954, sau khi rời quân đội, nhiều cán bộ miền Nam đi tập kết ra Bắc. Riêng Mẫn, tình nguyện ở lại bám trụ, hoạt động bí mật, chống địch phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ. Ngày ấy ở Kiên Giang có Lâm Quang Phòng, một tên ác ôn khét tiếng từng sát hại nhiều cán bộ cách mạng và những người dân vô tội. Mẫn được giao nhiệm vụ bí mật trừ khử tên Phòng. Ông Nguyễn Tấn Thanh, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Rạch Giá thời kỳ 1958 – 1962 cho biết: - Diệt tên cáo già này rất khó. Vì chúng bảo vệ hắn cẩn thận lắm. Chúng tôi giao việc này cho chị Mười Mẫn. Chị từng là bộ đội, có nhiều mưu trí dũng cảm. Nhưng lúc đầu cũng rất băn khoăn. Một cô gái vào giữa hang hùm, liệu có diệt được nó không? Điều băn khoăn ấy cũng là sự trăn trở của Mẫn khi nhận nhiệm vụ. Mẫn nghĩ cách, rồi nẩy ý định giả làm cô gái đi ở. Mái tóc cắt ngắn ngày “Làm trai” đã mọc dài, phủ kín vai, đem lại cái nét mềm mại, yểu điệu thời con gái của Mẫn. Nhờ một người quen môi giới, Mẫn được nhận vào làm người ở cho gia đình bà cô tên Phòng, nơi tên Phòng thỉnh thoảng thường qua lại. Một hôm Lâm Quang Phòng tổ chức giỗ cha tại nhà cô của hắn. Cơ hội đã đến. Trong lúc người phục vụ trong nhà mải nấu nướng tất bật, Mẫn thủ một con dao đã mài sắc vào góc nhà. Khi tên Phòng đang đứng khoe khoang việc nó “nhổ cỏ” rừng U Minh với mấy tên bạn về ăn giỗ. Má Mẫn nói: Tôi nghe mà nóng mặt lên. Vừa lúc nó quay vào, tôi vớ con dao xô tới, liền chém tên Phòng. Má tiếp: - Nó ngoái lại, tôi xọc liền một nhát dao vào bao tử nó. Nó né tránh. Tôi lao vào chém tiếp bốn, năm nhát nữa. Nhưng vì nó mặc quần áo quá dầy nên chỉ bị thương nặng chứ không chết. Thế là bọn lính xô tới. Hôm sau trên trang nhất báo chí ở Sài Gòn tới tấp đưa tin. Nào “cô gái đi ở chém chủ nhà”. Nào “ Nữ thần hạ sát Lâm tướng quân”vv… Từ đó Trần Quang Mẫn bị địch bắt, bị tra khảo đủ mọi cực hình. Chúng đưa Mẫn qua nhiều nhà lao. Cuối cùng là nhà tù Phú lợi. Tại phòng giam “ Kỷ luật” nơi nhốt những tù nhân nữ, chúng gọi là “cứng cổ”. Căn phòng có chừng hơn 10 thước vuông, chúng xích chân tới 70 người. Trong số đó có Trần Quang Mẫn và Bùi Việt Nga. Bà Bùi Việt Nga hiện là cán bộ lão thành cách mạng quận 3 thành phố Hồ Chí Minh. Kể với chúng tôi về cuộc đời Mười Mẫn, bà Nga nói: - Người tù đánh cai ngục là chuyện xưa nay hiếm. Nhưng để bảo vệ chị em tù, chị Mẫn liều mạng không sợ gì hết. Bà Nga nói tiếp: - Một hôm thằng trung sỹ vệ bắt chúng tôi chào cờ, hô khẩu hiệu đả đảo cộng sản. Chúng tôi im lặng, nó xấn vào bạt tai từng người. Chị Mẫn đứng dậy nhanh chân đá thốc vào hạ bộ nó, nó ngã lăn ra. Bà tiếp: - Trời ơi, nó trói chị ấy, đánh chị ấy trước mặt chúng tôi dữ lắm. Chị ấy không quan tâm đến đau mà chị ấy lại đếm. Thằng trung sỹ đánh chị Mẫn 50 roi rồi, bảo còn 10 roi nữa 32 VNTB 05(262) - 2022 VĂN XUÔI đánh tiếp. Chị ấy quát: mấy ông ăn gian, đánh người ta 50 roi rồi lại nói còn 40 rồi. Không đánh nữa. Nhưng thằng trung sỹ đâu có tha. Nó đánh tiếp. Mấy hôm sau chị khỏe lên, thằng trung sỹ đến, bất thần chị đẩy nó ngã ngửa, dùng cùi tay thụi mạng sườn nó đủ 10 thoi. Nó căm tức lột quần áo chị Mẫn, đánh chị ộc cả máu mồm. Một người đàn bà từng giả trai ra trận, từng đóng vai cô gái đi ở để chém tên ác ôn thì mọi cực hình tra tấn cũng không đè bẹp được chí khí đấu tranh của Mẫn. Ngày 15 tháng 7 năm 1993, Má Trần Quang Mẫn cùng tôi vào thăm nhà lao Phú Lợi, nơi nhiều năm má bị giam cầm ở đây. Nơi hàng ngàn tù nhân bị sát hại đã hoá thân vào đất. Trong các phòng giam chỉ còn những bức tượng người, do ban di tích nhà tù dựng lại để tưởng nhớ. Tới phòng giam số 7 (phòng kỷ luật) nơi trước kia bọn địch thường xuyên “nhốt” bảy chục chị em tù phạm trong một diện tích rất nhỏ. Nay có 7 bức tượng phụ nữ tượng trưng. Có tượng nằm nghiêng, tượng ngồi, tượng cúi trầm ngâm, tượng đứng thẳng. Mỗi bức tượng mỗi vẻ, nhưng tất cả đều toát lên một ý chí kiêu hùng. Mỗi lần vào thăm nhà lao Phú Lợi, má Mẫn thường mang theo một chiếc khăn bông, một nắm hương trầm. Chiếc khăn má dùng để lau bụi và “ rửa mặt” cho các bức tượng ở phòng giam. Má bảo: tượng tuy là ảo ảnh, nhưng là hiện thân của những người bạn tù khốn khổ, sống chết kiên trung một thời bên má. Tôi múc nước giúp má Mẫn. Má quỳ chân, ngồi lom khom lần lượt lau bụi cho các bức tượng người. Má gượng nhẹ, tận tình như lau rửa cho người thân vậy. Mồ hôi má túa ra, đôi tay luôn cần mẫn. Nhìn má, bất giác tôi cảm thấy tinh thần người đàn bà trong má thật vĩ đại. Lau xong các bức tượng, má Mẫn đưa tôi ra thắp hương tại Đài tưởng niệm Bồng Phu. Đài đặt giữa trung tâm nhà lao, gồm một bức tượng người đàn ông bằng đá, một tay cắp người phụ nữ tù đã tắt thở, một tay giơ lên trời cao, miệng há to như thể đọc lời nguyền: Mối thù Phú Lợi muôn đời, muôn kiếp không quên. Năm 1969, má Trần Quang Mẫn cùng đoàn đại biểu anh hùng quân giải phóng miền Nam đi thăm các nước xã hội chủ nghĩa. Má đã gặp bà Du-xia, anh hùng quân đội Liên Xô. Người cũng từng giả trai đi chiến đấu chống phát xít Đức. Má Trần Quang Mẫn và Du- xia đã kết nghĩa chị em. Hai người mẹ, một tấm lòng, họ bồi hồi kể lại những kỷ niệm khó quên về một thời yêu nước, một thời cùng chí nam nhi. Hiện nay má Trần Quang Mẫn sinh sống tại một căn nhà nhỏ ở quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh. Chiến tranh đã cướp mất của má những gì thiêng liêng nhất. Chồng hy sinh. Mười bảy năm sau, người con trai độc nhất là Nguyễn Quốc Hưng tình nguyện vào bộ đội chống Mỹ và cũng lại anh dũng hy sinh tại chiến trường. Thế là má mất cả hai người ruột thịt: chồng và con. Năm 1995, Nhà nước phong tặng má danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” Đơn vị cũng đã làm văn bản đề nghị : Tuyên dương anh hùng lực lượng vũ trang cho má. Má Trần Quang Mẫn chỉ còn người con nuôi duy nhất là Nguyễn Ngọc Hân, Hân được má đón về nuôi trong một hoàn cảnh rất đặc biệt. Năm 1973, trong một chuyến công tác, má qua bến đò sông Tiền, nơi vừa xảy ra một trận oanh kích. Giữa cảnh khói bom mịt mù, xác người ngổn ngang. Má chạy đến bên một người phụ nữ bụng chửa, đã tắt thở. Đặt tay lên, thấy cái thai trong bụng còn động đậy, bằng linh cảm của người mẹ, má rút con dao găm đeo bên hông, rạch vào bụng người thiếu phụ rồi lôi ra một đứa trẻ. Đứa trẻ sinh ra trong trận bom ấy, má đem về chăm sóc, nuôi dưỡng và đặt tên là Nguyễn Ngọc Hân. Ngọc Hân trưởng thành, lập gia đình, đã có con, là nơi nương tựa những năm cuối đời của má. Cho đến bây giờ, nhiều người dân Kiên Giang vẫn mong có dịp được gặp Má Mười, được tận mặt nhìn thấy má. Một người mẹ có thực mà lòng yêu nước đã hun đúc thành một người mẹ huyền thoại đáng yêu.