ÁNH TUYẾT “CÒN ĐANG ĐÀN BÀ”
Ngày: 19/08/2022
L âu nay cái tên Ánh Tuyết, một nhà thơ nữ ở quê lúa Thái Bình đã trở nên quen thuộc với độc giả bởi những bài thơ tình dào dạt, mê đắm và không kém phần dữ dội. Chỉ đọc tên một số tập thơ đã thấy chất nữ tính nổi trội, dám nói thẳng băng về những điều khó nói lâu nay: “Còn đang đàn bà”, “Đá nổi mây chìm”, “Bão tạt ngang” “Có thể là yêu”.

ÁNH TUYẾT “CÒN ĐANG ĐÀN BÀ”

                                                                                                              HẢI ĐƯỜNG

Lâu nay cái tên Ánh Tuyết, một nhà thơ nữ ở quê lúa Thái Bình đã trở nên quen thuộc với độc giả bởi những bài thơ tình dào dạt, mê đắm và không kém phần dữ dội. Chỉ đọc tên một số tập thơ đã thấy chất nữ tính nổi trội, dám nói thẳng băng về những điều khó nói lâu nay: “Còn đang đàn bà”, “Đá nổi mây chìm”, “Bão tạt ngang” “Có thể là yêu”. Hay những câu thơ như một sự phát hiện, một chớp sáng trong tình yêu, thậm chí là trong chuyện… chăn gối: “Quên thì buồn nhớ lại đau/Biết còn có một kiếp sau mà chờ”, “Người đàn bà cháy lên/Nồng nàn và vụng dại”, “Lửa đã cháy lên rồi… kệ anh đấy!Mà tro tàn chưa kịp tái sinh em”, “Bao năm dội nước than hồng, chả khao khát, chả ước mong điều gì”… Chạm tuổi bảy mươi, nhưng không chỉ người yêu thơ chị mà bạn văn, bạn cùng trang lứa vẫn thường “khen”, Tuyết “vẫn còn đang 28 VNTB 04(261) - 2022 TRAO ĐỔI - NGHIÊN CỨU - LÝ LUẬN đàn bà”. Thôi, chuyện nồng nàn, mặn ngọt, dữ dội, dịu êm than hồng, lửa lạnh… là chuyện của mênh mông cuộc đời, cuộc yêu, nhưng chỉ nói về văn chương thì Ánh Tuyết vẫn đang rạo rực, bứt phá. Đến nay chị đã in tám tập thơ, bảy tập truyện ngắn, tiểu thuyết và đang viết tiếp cuốn tiểu thuyết-tự truyện, cùng tập truyện dành cho thiếu nhi. Người đàn bà làm thơ lấy đâu ra thời gian để sáng tác khi cùng lúc chị phải đảm nhiệm nhiều sứ mệnh. Một cô giáo ở trường Cao đẳng sư phạm Thái Bình. Một người lãnh đạo Hội Văn học nghệ thuật tỉnh. Một Hội trưởng Hội Kiều học vùng quê mà Đại thi hào Nguyễn Du nương náu mười năm (thập tải phong trần). Nhưng trong số những cái “một” ấy, chị yêu nhất, say nhất, bùng nổ nhất vẫn là… một người viết. Một người viết đã đam mê và mạnh bước trên đường văn gần nửa thế kỷ. Riêng về thơ, đã định hình cái duyên mặn mòi của một cây bút đồng chiêm, mặn mà với lúa khoai, con tôm con cá, với những bữa cơm mùa gặt, “bát mắm tép chưng lát khế chua vàng/… ngồng cải kho nhừ thơm một nét quê hương”; những đêm ngủ ở làng xôn xao bến nước, lửa thơm tro trấu, sóng dậy gối chăn:“Đêm ở quê đàn bà yêu chồng nồng nàn hơn người thành phố”. Đã định hình cái xao động, nén chặt và bung phá của tình thơ-thơ tình dữ dội, thơ bùng lên cháy tận sức mình như than lửa: “Sẽ có ngày mẩu than thành lửa/ Lửa thiêu đốt anh không thể dập được đâu”. Bùng lên “như bão, như lũ, như thác” để rồi ru anh về những miền sáng dịu mênh mang, trong trẻo “Em neo lời thầm thì lên trăng/Trăng sáng lòng như trăng vậy”. Đã định hình một giọng thơ rung động với các chân trời xa ngái, cánh rừng không mỏi, từ núi non ra biển cả. Thơ Ánh Tuyết mượn tên đất tên làng để nói về cái đẹp tình người xứ sở, mượn cái ngoài ta để nói về cái đẹp, cái lặng trong ta. Câu thơ Tây Bắc riêng tặng chị: “Đèo cao đổ dốc chân rừng/Như câu nói dối giữa chừng bỏ quên”. Cơn khát Việt Trì là cơn khát của tình yêu ngày xa: “Nhà anh còn bưởi Đoan Hùng/Có hay cơn khát tận cùng đang sôi”. Cứ tự nhiên như than, như nước, như lửa, như anh Nô, Thị Màu mà nói những điều nóng lạnh của tâm hồn, trái tim. Ấy là cách thơ Ánh Tuyết. Là người đứng trên bục giảng, nhưng cô giáo không thích diễn đạt bằng những điều to tát, bài bản như phong cách, thi pháp sáng tạo, mà chỉ xem là một cách. Cái cách cảm, cách nghĩ để nói được những điều thật nhất, đúng với tâm trạng, với cảm xúc của mình nhất, cái cách để đến với mọi người,và mọi người cùng đồng sáng tạo. Tôi muốn nói kỹ hơn về tập thơ mới xuất bản Niềm tự trọng của những đóa hoa (NXB Hội Nhà văn, 2021), Ánh Tuyết vẫn tiếp tục mạch cảm xúc dồi dào, thăng hoa, cùng với sự kết lắng của vốn sống, vốn tri thức, viết nên những câu thơ, những bài thơ giàu chiêm nghiệm hơn, vẫn dạt dào, say đắm mà minh triết, tỉnh táo. Những đóa hoa biết tự trọng hay là minh triết của sắc màu và hương vị? Những đóa hoa vốn đã đẹp rồi thì cái cần hơn nó được đặt ở đâu, được trao vào tay ai, người nhận đón nó ra sao? Rất nhiều câu hỏi như thế. “Bình xưa hoa mới đã thay/ còn mong chi nỗi lắt lay trời chiều?”. Người nhận không muốn nhận. Người tặng, tặng vì tình thương yêu hay là vì một “nghĩa vụ”nào đấy. Tùy vào tâm trạng, hoàn cảnh mà hiểu về cái nỗi lắt lay ấy. Trong tập cũng có nhiều bài thơ gợi lên những câu hỏi tương tự. Tôi nghĩ, thơ như thế sẽ lắng đọng, sẽ không bị trượt đi là nhờ ở cái tứ, cái tư tưởng thẩm mĩ xuất hiện đồng thời cùng với trường cảm xúc dâng trào.  Mạch thơ xuyên thấm trong tập là tình yêu đôi lứa, từ lúc tóc xanh đến khi mây trắng trên đầu, thậm chí khi chỉ còn một người ở lại với cõi đời này. Từ lúc “đùa dai” buổi “hoa phượng dưới trời xanh” đến “Thị Màu đừng bỏ chiếu chèo”, “mời chồng về ăn tết”, “đám cưới hai liệt sĩ”… thơ giăng màn sương tâm tưởng, đánh thức bao nhiêu kỉ niệm, gợi nên bao hạnh phúc, khổ đau và cuối cùng là một niềm tin thánh thiện. Lâu nay những bài thơ tình hay, còn lại mãi, thường là những li biệt, xa cách, hi sinh, là nỗi nhớ nhung trong chờ đợi, như người yêu, người vợ ngóng đợi người thương yêu trong chiến tranh, “Ngõ chùa cháy đỏ những thân cau” (Núi Đôi - Vũ Cao), “Em níu giường níu chiếu đợi anh” (Nghe tiếng cuốc kêu-Hữu Thỉnh). Còn thơ tình hay và lạ thì ta gặp ở Ánh Tuyết. Hai liệt sĩ được hai nhà, hai họ tổ chức lễ cưới thì lạ quá! Đám rước dâu là đám rước hai di ảnh về một nhà:“Hai bát hương hai chốn/ Giờ về chung một bình”. Thương quá! Xót xa quá! Lạ đến bất ngờ, đến tận cùng xa lạ, đó là hiện thực. Nhưng hiện thực ấy kìm nén, vụt hiện và cháy lên một mặc khải, một chân lý thì chỉ có thơ làm được. Cô dâu chú rể sẽ sống mãi hạnh phúc bên nhau. Hai liệt sĩ là sợi dây nối liền hai họ, hai quê và lớn lao hơn là tình yêu con người, tình yêu đất nước. Những hố bom sâu trong chiến tranh sẽ dần được lấp đầy. Ta hiểu thêm một lần sự thủy chung ở đây dữ dội và lớn lao. Bài thơ “Mời chồng về ăn Tết” lại trong một tâm trạng khác. Với em, anh chỉ đi xa đâu đó ít ngày, ít tháng, dài hơn là ít năm. Em và các con vẫn đợi: “Sống giao thừa chẳng có nhà/ Rượu nồng hoa thắm xót xa … đợi người”. Cái Tết hoa đào, bánh chưng và kỉ niệm vẫn mãi vương vấn, ngọt ngào, thi vị. Thì ra chẳng có sự âm dương hai ngả nào, khi lòng yêu thương vẫn luôn có nhau, bên nhau. Day dứt, khát khao, vươn tới. Nguồn mạch thơ ấy khi là những vỉa chìm, khi hiển lộ, khi thăng hoa trong thơ. Có thể nhắc đến một số bài trong tập, đọc xong rồi vẫn ám ảnh mãi: Niềm tự trọng của những đóa hoa, Mời chồng về ăn Tết, Đám cưới hai liệt sĩ, Cỗ của người âm, Gửi chàng Chiêu Hổ, Chợ tình Khau Vai, Ta còn con chữ gửi trên cuộc đời… Trong các bài thơ ấy chất chứa những suy tư, mãnh liệt đấy mà gói ghém trong những câu chữ bình dị, chỉn chu của một nhà sư phạm: “Lá xanh đã bọc mấy lần vẫn hương”(Hương thầm). Rồi những lời nhắn gửi, những mong ước nhỏ bé mà vang động, vươn xa: “Học sen học cả cách tàn của sen” (Sen tàn). Đến những bất ngờ mà ngẫm ra lại thấy thuận tự nhiên, hợp lẽ đời: “Hoa có nói gì đâu mà hoa cứ hương” (Lặng lẽ). Và sự nhạy cảm, sự biết buồn khi cần phải buồn, để rồi đứng dậy: “Đêm nghe tiếng mõ giật mình/ Thời A còng Phật cũng đành bó tay” (Chùa thời @). Bạn văn Thái Bình thường nói về Ánh Tuyết: thi sĩ của làng quê, dân dã, nâu sồng, thi sĩ của tình yêu. Cái tạng của chị, cái cách của chị chính là một bút pháp đã chín, đã ổn định. Đó là một mặt mạnh. Như một người đã lặng lẽ đi qua những con đường làng, qua bao nhiêu đèo dốc, bây giờ thênh thang đường lớn. Bây giờ đường lớn lại có những vật chướng ngại không dễ thấy. Đó là sự quen thuộc, sự đồng phục của thơ, nhất là thơ tình yêu. Ánh Tuyết thấy rõ điều đó và cách đi của chị là chầm chậm, từng bước vững chãi, tìm ra nơi đặt bàn chân đúng thật mình. Không lặp lại mình có khi lại là điều khó nhất trong sáng tác. Mừng tập thơ mới của chị. Mừng cho “niềm tự trọng” của Hoa và của Thơ. Sau rất nhiều giông bão cuộc đời, mừng cho người đàn bà thơ vẫn nồng nàn yêu và sinh nở những đứa con trong tột cùng hạnh phúc./.