Đỗ Trọng Khơi sinh năm 1960, quê quán xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, hội viên Hội VHNT Thái Bình, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Đỗ Trọng Khơi sinh năm 1960, quê quán xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, hội viên Hội VHNT Thái Bình, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Đã xuất bản 13 tập thơ, 3 tập truyện ngắn, 2 tập tản văn, 1 tập bình thơ. Giải nhì thơ báo Văn nghệ, giải B, C tập truyện ngắn và thơ của Liên hiệp các VHNT Việt Nam. Giải A Lê Quý Đôn của UBND tỉnh Thái Bình, tặng thưởng truyện ngắn hay, tạp chí Nhà văn 2012, cùng 11 giải thưởng, tặng thưởng văn học của Trung ương và địa phương. “Tuyển thơ Đỗ Trọng Khơi” với 172 bài thơ tự do và 172 bài thơ lục bát, trong số hơn ba trăm bài thơ ấy có 81 bài thơ bốn câu.
Đọc thơ Đỗ Trọng Khơi như đi vào kỳ trận chữ nghĩa trong cõi người, cõi Thiền. Cần mẫn từng giây phút, chung sống với bệnh tật trên chiếc giường con, tự học, góp nhặt từng con chữ…trong bấy nhiêu năm để làm ra 20 đầu sách văn học có chất lượng thật đáng nể trọng nhà văn sinh ra từ quê hương danh nhân Kỳ đồng - Nguyễn Văn Cẩm. Mỗi câu thơ, mỗi bài thơ như sợi tơ rút tự lòng anh. Ngay từ đầu hành trình thơ Khơi đã mang phẩm chất chuyên nghiệp, cảm được lòng bạn đọc. PGS - TS, bác sĩ Hoàng Năng Trọng; Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi và một số bạn thân đã là những bà đỡ mát tay đầu tiên nâng bước gót sen thơ: “Trời đất bạn bè là thế đấy/ nếu không sao đi trọn bước đời!/ Đã bao lần tôi thốt lên như vậy/ bạn bè ơi, máu thịt của tôi ơi”… (Ơn cuộc sống).
Nhà thơ của “Con chim thiêng” bé nhỏ đi tìm “…mổ hạt dẻ ven đường” được sinh ra từ cái tổ trong lũy tre làng quê Văn Cẩm nghèo nàn, thuở đất nước chìm trong máu lửa can qua: “Giọt nắng cuối trời rơi xuống cánh chim xa/ …/Chất ấm nồng tan ở cuối trời/ người chinh phụ ấy/ tuổi đã ngoài năm mươi/ ngót ba mươi năm rồi/ nhìn chân trời/ đêm đêm mơ màng ôm giọt nắng/ Bà hy vọng/ vào con chim thiêng/ không nỡ bỏ đường trời” (Con chim thiêng vẫn bay - tr61). Bài thơ anh viết năm 1989 về người mẹ thân yêu của mình. Và “Bây giờ mùa thu cây thay màu lá/ ngoài biên nghe thấp thoáng bóng thù/ xòe tay che lá che biên ải/ con đi tìm thăm thẳm mộ cha” (Thưa cha - tr62) Khơi viết về người cha liệt sĩ kính yêu của mình đã hy sinh trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc.
Tuyển thơ mở đầu bằng bài mang tên Thơ: “Thân nhẹ/ làm bóng/ Tình nặng/ làm núi/ Rỗng không/ như lời” (Thơ - tr9) và kết thúc bằng bài cũng mang tên Thơ: “Máu thì đào, lệ thì trong/ mực đen giấy trắng cân đong sự đời/ mấy mươi năm sắp qua rồi/ kỳ cùng chưa nghĩa con người phù hoa” (Thơ - tr374). Sau là bài Đề từ: “Bao giờ người chất được/ hư, tĩnh…thành non cao/ thơ sẽ về ươm hạt/ trồng xanh vùng chiêm bao” (Đề từ - tr10). Ba bài thơ là ba nét chân dung thơ.
Thơ Đỗ Trọng Khơi hư - hư đến hư vô, còn thật - thật như cốt tủy, cỏ cây, như hạt gạo củ khoai, như đất, như làng…, lãng mạn có, tượng trưng có, siêu thực có, cổ thi có, hiện đại có. Đặc trưng thơ Khơi là tính định đề triết luận, mang đậm phẩm chất thơ truyền thống Việt Nam và đã mở màn canh tân sớm cho thơ Thái Bình. Ví như: “Có cái gì đó sẽ đi qua đây/ tôi linh cảm thấy/ một cái gì đó mảnh mai/ có lẽ vậy/ Và cũng có thể một cái gì đó vĩ đại/ như sự chuyển giao của sắc màu…" (Linh cảm - tr55); Hay: "Tin vào hoa, hay tin vào người trồng hoa?/ - Tin vào hoa!/ Tin vào hoa hay tin vào đất nuôi hoa?/ - Tin vào đất!/ Một thì tin vào kết quả/ một thì tin vào cội nguồn/ soi trước tấm gương đời vậy” (Ở vườn nhà - tr171). Đằng sau những chữ thơ là thế sự tình đời, là lối nhìn vào bản chất sự vật. Hành trình thơ rút từ sợi tơ lòng ấy đã quét lên một vệt sáng led - “Thương hiệu” thơ. Độc đáo và đặc sắc.
Bìa “Tuyển thơ Đỗ Trọng Khơi” do hoa sỹ Văn Sáng vẽ - Trên mặt hồ sen non xanh, một nét lá sen hứng ánh trời trong dịu (bìa 1), bóng lá sen in xuống gương mặt hồ yên tĩnh (bìa 4). Và hình chiếc lá sen được cách điệu như một vòng tròn - số O, tượng hình chữ "Không". Rất phật tính và tinh tế. Ngắm hình bìa sách, khiến tôi liên tưởng đến câu thơ của cụ Tản Đà thi sĩ: “Lá sen tàn tạ trong đầm / Nặng mang giọt lệ âm thầm khóc hoa”. Ngoài triết lý nhân văn, thơ Khơi còn tâm niệm “Mà về thăm thẳm tâm linh/ lặng nghe tĩnh vắng xóa hình dáng ta/ Mà về hóa giữa dư ba/ trùng trùng sương lá mùa sa kín lòng/ Thân một bến, tâm một dòng/ một bầu nửa thực nửa không thu bày” (Cầm thu - tr226), đượm một màu Thiền: “Cầm hư ảnh vào đời chơi/ mới hay cái cõi không lời thật sâu/ rằng nơi vô sắc bặt màu/ điều thiêng quý, vết thương đau thật lòng” (Cõi không lời - tr348). Nếu bạn đọc biết hoàn cảnh sống trên bến đời nghiệt ngã của Đỗ Trọng Khơi mới càng trân trọng cái chất xám trong thơ của anh - Trí tuệ, uyên bác, nhân văn đã hiện diện trên giấy trắng mực đen, tựa như bóng chữ dưới chân cầu Âu Lâu của Lê Đạt - “Chữ làm nên nhà thơ” (Lê Đạt). Sức tự học, sức đọc “thiên kinh vạn quyển”, sức nghe nhìn trên sóng điện tử, sức tư duy cảm nhận, sức viết của Khơi ghê gớm lắm, mấy chục năm qua chỉ diễn ra trên một chiếc giường con.
Có thể nói, mối lương duyên ngàn dặm Đỗ Trọng Khơi - Đỗ Thu Oanh cũng do duyên thơ dẫn mối. Cô thủ thư từ thư viện tỉnh Bạc Liêu đã vượt "bao con suối, cánh rừng" để về quê lúa Thái Bình yêu và làm vợ hiền nhà thơ, sinh cho anh hai cháu trai Lập Sơn và Lập Thành tuấn tú khôi ngô: “Anh thầm thì bên bụng em cùng con, ngày thai con đầy bảy tháng tuổi/ anh nói khẽ, em không nghe thấy đâu nhưng con thì nghe thấy/ em chợt bảo: Con đạp mạnh, anh này…/ Đó! Đó chính là con tỏ bày với điều anh ước đấy!” (Bên em cùng con – tr192). Rồi “yên bình và yên tĩnh/ Vô vi và thanh tịnh/ Lập Sơn”, và đến Lập Thành “Tĩnh thì sáng/ Động thì tối/ Thế gian này” (Cho con trai - tr193). Nhà thơ nay đã có “Quê riêng một xứ Sơn Thành/ trăng in vành vạnh, sóng lành lặn trôi/ đôi tay mười ngọn tháp lời/ nước non mười ngón rong chơi mơ màng…” (Cứ y như vậy, thế gian - tr353). Đây chính là niềm hạnh phúc nhất đến với đời riêng của anh.
Tuyển thơ được kết cấu không tuyến tính thời gian, không theo đề tài mà sắp đặt theo thể loại: từ thơ tự do bốn câu, tiếp đến thơ tự do, và lục bát phần cuối sách. Dòng thơ có lúc đầy vơi, lúc lở bồi, lúc êm đềm trong xanh, lúc au đỏ phù sa cuộn sóng… trong phép lập tứ tạo câu đã cấu thành nên một dòng sông thơ vắt riêng trên lục địa, không hợp lưu pha tạp, chỉ tự nguồn tâm tưởng chảy ra: “Sông suối nước bao nhiêu/ rừng xanh cây biếc lá?/ Đầu nguồn hỏi bấy nhiêu/ mà cuối nguồn biển cả?” (Nguồn - tr12). “Sông kia chỉ một dòng trôi/ khi êm đềm lúc cuộn trôi thác ghềnh/ vơi đầy nước vẫn long lanh/ vẫn mê mải với mát lành phù sa” (Sông - tr32). Từ “Những mái tranh làng đang ngủ sâu/ cầm canh gà gác nhịp đôi câu/ âm thanh lem lém châm màu sắc/ trăng dạt chân sông, nắng thắp cầu” (Âm thanh - tr13) và đến đề tài rộng lớn thiêng liêng: “Tổ quốc nơi đâu cũng có mồ lính trận/ đất đai thành xương máu kết liền thân/ chút bụi vương, cánh hoa tàn rụng xuống/ cũng chạm tới thương sâu một cõi tinh thần!” (Tổ quốc - tr16).
Đỗ Trọng Khơi đã dày công ươm chuốt sợi tơ nhuốm sắc màu văn hiến thi thư từ Đại Việt đến đương đại Việt Nam để xâu chuỗi lại những trang thơ của mình. Khơi tự xem mình là một Phật tử, nhiều bạn đọc bầu thơ Khơi là thơ Thiền. Nhà thơ đã đưa những khái niệm “Sắc”, “Không” “Vô”, “Tĩnh”, “Nhân quả”, “Ngộ”, “Đốn ngộ”…của Phật giáo vào trang thơ. Nếu đem giải phẫu “Tuyển thơ Đỗ Trọng Khơi” thấy cõi lòng thơ ấy còn nhiều vương víu trần đời, chưa dễ thiền đâu: “Mắt nhòe ướt, dù ta đâu có khóc/ lệ xưa giờ hóa đá ngây si/…/!” (Trước hư vô – tr214) và “Cõi không không dấu đường/ đường trần thì nhiều vô kể/…/Con vẫn phải kiên nhẫn tìm đường cho mình trên mặt đất!” (Thư cùng đức phật - tr215).
Tuyển thơ có nhiều bài về cỏ. Một loài cây nhỏ bé lại có sức sống trường tồn mãnh liệt, phủ kín mặt hành tinh, làm nền non xanh môi trường sinh thái cho loài người và muôn vật. Ấy vậy mà “Bị xéo dày, bị lãng quên, đủ nỗi/ cỏ y như thân phận một con người/ Ai cũng biết cỏ nhỏ nhoi bình dị/ mà chôn vùi bao cơ sự xưa nay/ Ai cũng biết, thảy mọi điều, sau rốt/ lậy cỏ mà xanh trước ánh ngày” (Cỏ à - tr178). Nhưng rồi cỏ cũng tự biết mình là ai ở thế gian này “Mỗi ngày một tí tị ti/ một năm cao đúng bằng khi lụi tàn/ xem trời không quá một gang/ cỏ tràn mặt đất mấy ngàn lần hoa” (Cỏ - tr355). Trái lại cỏ cũng là thầy ta “Tuổi tên này nọ biết làm chi/ thêm một nét nhòe đi một nét/ học cỏ hoa hèn, chim tránh rét/ giấu mình bôi xóa giấc trưa nay” (Ngủ trưa tr1).
Nhà thơ gom từng giây từng khắc dồn vào trang thơ. Thơ về bốn mùa, về ngày tháng năm, về ban mai, hoàng hôn… tất cả đa mang một tình thơ yêu người, yêu cây cỏ thiên nhiên, yêu cuộc sống và yêu cái đẹp. Đọc những trang thơ nơi phạm trù thời gian ấy của Khơi bao hàm tính triết học, cõi nhân sinh, thúc giục ta bước cho kịp thời gian, nếu không sẽ ân hận muộn màng muôn sự của một đời “Màu lá còn xanh lắm/ mặc sương đông bám quanh/ chợt ngày lên áp ngọn/ khi tiếng chim rời cành” (Hiên sớm - tr11). Từ “Khúc ca ban mai” (tr194) “Phút giây giờ ngày tháng năm/ nu na nu nống đã rằng ngàn thu/ ngày nay - ngày sau - ngày xưa/ bao giờ ngày chả dậy từ…ban mai” đến “Khúc ca ban chiều” (tr202) “Từ chấm nắng đầu tiên bắt đầu nguội đi/ bắt đầu nhàn nhạt sắc/ và chân trời gần gặn lại tầm tay/…/ Làng ơi, thì là và mà/ một bụng chữ cũng chẳng qua chữ Cười/ í a… mẹ đất cha trời/ đông đàn dài lũ loài người dung dăng…/ Gót chiều kéo nắng lên… trăng”. Ngoài sự thôi thúc sự sống có ích đầy ý nghĩa ấy, thơ về thời gian của anh còn ẩn bao nhiêu cái đẹp của tâm hồn nhà thơ “Chỉ một tiếng động nhỏ/ là tan mất hơi thu/ xin người, nếu mở cửa/ nhớ nhẹ nhàng như chưa…/ Cứ mặc tôi với thu/ hai đứa – im nín thít/ cõi hồn và da thịt/ đang tan đi từng giờ” (Thu mong manh - tr98). Cái đẹp của mùa thu “Đã tràn ngân nỗi mong manh/ tiếng chim đầy khoảng ngày xanh sang mùa/ Vàng như tự nắng tự mưa/ tự lòng đất tự trời xưa nhuốm về” (Thu sang - tr229) nên thi sĩ ước mơ “Năm đơm đã chín trái ngày/ cầm thu chói rực bàn tay cội cành” (Cầm thu - tr226). Với 22 bài thơ về mùa thu được chọn vào tuyển, cho hay Thu đã góp phần không nhỏ tạo nên diện mạo thơ Đỗ Trọng Khơi.
Tuyển tập có một mảng đặc sắc gồm 81 bài thơ 4 câu. Thơ được kiến tạo lên từ chất liệu âm thanh, ánh sáng, sắc màu, hương vị, nóng, lạnh… mà nhà thơ nghe, nhìn, cảm nhận bằng tâm tưởng đến vi diệu chiết ra từ tự sự tâm hồn mình. Trong ấy còn xuất hiện những câu thơ đắng đót, suy ngẫm về niềm đau nhân thế. Thơ Khơi thấm được cái hữu hạn đời người, khát vọng cái trường tồn môi sinh, cái giản dị khiêm nhường, nhân ái, tình yêu còn mãi, cái đua chen đố kỵ sẽ qua mau. Ví như: “Lịm vào hơi thở thời gian/ hoa tàn, lá rụng, sương lan kín trời/ không gian không một vết lời/ khuya ngân thoảng một tiếng cười con mơ” (Khuya - tr354”; Hay như:“Màn ảo sương sao phủ lạnh thềm/ gió nồm run rẩy thổi lòng đêm/ trời khi vạn vật mờ nhân ảnh/ một đóa hương khuya bỗng cựa mình” (Đêm quỳnh nở - tr21); Thêm một nét thơ tưởng mảnh mai mà đầy sức sống: “Kết màu cội, rút sắc cành/ cất lên những ngọn âm thanh bời bời/ đưa khoảng không vào cuộc chơi/ mà sao cái giọng cái nhời nhẹ tênh” (Tiếng chim xuân - tr353).
Thơ khắc họa về Ức Trai "tâm thượng quang khuê tảo”, tình thì da diết mà ý thì quyết liệt: “Không đủ linh, lặng im như đá/ không đủ tình, lặng lẽ thơm hương/ Không đủ ác làm đường gươm sắc/ Lòng dâng thơ cướp một pháp trường” (Cảm tác - tr16).
Thơ Đỗ Trọng Khơi lấy sự kiện tâm hồn để nuôi thơ. Tự sự mà lãng mạn, thế sự lại sáng ý kín tình, đa thanh sắc, đa đề tài, thể loại đã tôn thơ truyền thống Việt Nam lên bậc thơ sang trọng để đi vào thế giới phẳng của hiện đại hôm nay.
Tôi xin mượn thơ "Đến thăm anh" của nhà văn-dịch giả Nguyễn Bích Lan tặng Khơi, khép lại trang viết này: “Gió có theo và nắng có theo/ Đến phòng anh khít một hàng ghế đứng/ Em hư ảo chỉ mùa thu mới thực/ Em đi rồi thu ở lại với anh”. Thu ở lại với anh, viết vậy là Lan đã điểm trúng mạch hồn thơ Khơi vậy.
Đỗ Lâm Hà