ÂM NHẠC THÁI BÌNH VỮNG BƯỚC TRƯỞNG THÀNH TỪ CỘI NGUỒN DÂN TỘC
Ngày: 30/08/2024
Thái Bình là một tỉnh thuộc đồng bằng châu thổ sông Hồng, có truyền thống văn hoá lâu đời với nhiều loại hình nghệ thuật dân tộc độc đáo mà tiêu biểu là nghệ thuật Chèo và Múa rối nước.

Thái Bình là một tỉnh thuộc đồng bằng châu thổ sông Hồng, có truyền thống văn hoá lâu đời với nhiều loại hình nghệ thuật dân tộc độc đáo mà tiêu biểu là nghệ thuật Chèo và Múa rối nước. Câu nói dân gian “Sáng rối, tối chèo”, hoặc “Ăn no rồi lại nằm khoèo/ Nghe giục trống chèo bế bụng đi xem” đã phản ánh khá rõ nét nếp sinh hoạt văn hoá của người dân quê lúa, đặc biệt là với các loại hình nghệ thuật truyền thống. Từ trong cái nôi nhiều tầng văn hoá của địa phương, các nhạc sĩ được thừa hưởng một di sản văn hoá dân gian đặc sắc của Thái Bình nói riêng, của khu vực đồng bằng Bắc bộ nói chung, để tìm tòi, khám phá, cắm rễ vào cội nguồn văn hóa dân gian mà thoả sức sáng tạo. Âm nhạc là loại hình nghệ thuật dùng âm thanh để biểu hiện những cảm xúc, những rung động thẩm mỹ của con người. Âm nhạc không phải là hiện tượng nhất thành bất biến, mà là sản phẩm của quá trình sáng tạo của người nghệ sĩ. Tác phẩm nghệ thuật từ chỗ được thai nghén đến khi hoàn thiện là một “hệ thống mở”, đòi hỏi có người cảm thụ. Sáng tác của người nghệ sĩ và cảm thụ của người  thưởng thức là hai mặt của một vấn đề, có mối quan hệ biện chứng. Điều này các nhạc sĩ Thái Bình thật hạnh phúc vì có một khách thể hưởng thụ nồng nhiệt đáng trân trọng. Khách thể ấy sẽ ghi nhận, đánh giá kết quả sáng tác và tác động trở lại với chủ thể nhằm khuyến khích chủ thể trong lao động sáng tạo. Chúng ta biết rằng: Nghệ thuật âm nhạc chỉ bắt đầu ở nơi nào người nhạc sĩ dùng trí tưởng tượng của mình để khái quát hoá thành những hình tượng độc đáo, một phong cách riêng biệt trong tác phẩm của họ. Nhận thức rõ điều đó, các nhạc sĩ Thái Bình đã ngày càng cắm rễ sâu vào cội nguồn văn hoá dân tộc để tìm tòi, khai thác và sáng tạo. Âm nhạc Thái Bình mang đậm chất chèo và những tinh hoa văn hóa dân gian vùng đồng bằng Bắc bộ, hình thành phong cách riêng và bản lĩnh sáng tạo của các nhạc sĩ. Từ đó âm nhạc của các nhạc sĩ Thái Bình ngày càng có sức lôi cuốn và đi vào lòng người như một tất yếu trong đời sống xã hội. Ngược dòng thời gian từ thập niên 60 của thế kỷ XX, Thái Bình đã có những sáng tác của các nhạc sỹ như: Hồ Thuỳ, Thái Dương… nhưng những sáng tác đó còn ở mức độ khiêm tốn tư chất hàn lâm trong tác phẩm. Những sáng tác đó mang nặng chất ngẫu hứng của tâm hồn người nghệ sĩ còn đang lang thang trên những chặng đường đầy chông gai của hành trình đến với bến bờ âm nhạc. Có nhà soạn nhạc đã từng nói: “Đúng nguyên tắc mà không hay, có nghĩa là sai. Ngược lại, không đúng nguyên tắc mà hay, có nghĩa là đúng”. Âm nhạc Thái Bình thời kỳ này ở vào trạng thái thứ hai, nghĩa là “Đúng” do “không đúng nguyên tắc mà hay”. Cái hay ở đây chính là tâm hồn của người nhạc sĩ, trách nhiệm của người nhạc sĩ trước cuộc sống mà họ đã thổi hồn vào tác phẩm một cách ngẫu hứng, nhiệt thành để viết nên những ca khúc với tư chất hồn nhiên, đậm màu sắc lãng mạn. Dẫu sao, những trái chín đầu mùa của niềm đam mê ấy cũng đáng được ghi nhận, bởi nó đã khích lệ, động viên những người bạn tri âm sát cánh bên nhau, vững bước trên hành trình đầy gian khổ để đi tìm ngôn ngữ mới huyền diệu hơn phục vụ cho đời. Âm nhạc Thái Bình được coi là có tầm chuyên nghiệp kể từ thập niên cuối của thế kỷ XX. Trừ một số thành phố lớn trực thuộc Trung ương, âm nhạc Thái Bình có thể tự hào so với các đồng nghiệp trong khu vực Đồng bằng Bắc bộ. Số lượng nhạc sĩ của chi hội tại thời điểm này đứng thứ ba sau Hải Phòng, và Quảng Ninh. Chi hội nhạc sĩ Thái Bình hiện nay gồm 13 nhạc sĩ, trong đó có 7 nhạc sĩ sáng tác và 6 nhạc sĩ biểu diễn và đào tạo. Gia tài của các nhạc sĩ Thái Bình cũng phong phú, đa dạng với nhiều thể loại như: Giao hưởng, nhạc cho múa, cho sân khấu, lễ hội, những tác phẩm hoà tấu nhạc cụ dân tộc và riêng mảng ca khúc chiếm khoảng 80% gia tài âm nhạc với nhiều phong cách, hình thức và thể loại khác nhau, làm nên diện mạo âm nhạc một vùng quê thấm đẫm chất dân gian vùng đồng bằng Bắc bộ. Nói đến âm nhạc Thái Bình là nói đến mảng ca khúc, vì ca khúc chiếm khoảng 80% gia tài âm nhạc của các nhạc sĩ Thái Bình. Mảng ca khúc trong những năm qua, nhất là những năm đầu của thế kỷ XXI là một sự trưởng thành vượt bậc, đáng ghi nhận. Ca khúc của các nhạc sĩ Thái Bình đa phong cách, đa hình thức và thể loại, được nhào nặn nhuần nhuyễn từ chất liệu dân gian, kết hợp với tính bác học của âm nhạc hiện đại, với các hình thức phổ biến như: 1 đoạn đơn, 2 đoạn đơn… Lời ca đậm chất chèo, chất thơ để sáng tạo nên những tác phẩm trẻ trung, hồn nhiên, tươi tắn, được người nghe nồng nhiệt đón nhận. Nhiều ca khúc của các nhạc sĩ đã đoạt giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam và nhiều cuộc thi sáng tác của các Bộ, Ngành TW phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức. Điều đó đã đánh dấu sự trưởng thành của âm nhạc Thái Bình, ghi nhận tính chuyên nghiệp trong mảng sáng tác ca khúc của một chi hội âm nhạc ở địa phương. Vẫn biết thế mạnh ấy đôi khi lại là điểm yếu trong cách nhìn tổng quan về hoạt động âm nhạc. Một nền âm nhạc phát triển mạnh hay yếu phải được đánh giá thông qua mảng khí nhạc. Đây chính là hạn chế của hoạt động âm nhạc ở Thái Bình, nhưng hạn chế này  không chỉ riêng có của Thái Bình mà là hạn chế chung, phổ biến ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Một thực tế hiển nhiên hiện nay là số đông các nhạc sĩ vẫn lấy sáng tác ca khúc làm chủ đạo, tôn thờ chủ nghĩa “ Lấy nghề nuôi nghiệp, lấy ngắn nuôi dài”. Trong phong trào sáng tác ca khúc hiện nay không riêng gì ở Thái Bình nhất là sáng tác của các nhạc sĩ trẻ còn thiếu vắng những tác phẩm đề cập tới những vấn đề lớn lao của đất nước, có xu hướng chạy theo những đề tài nhỏ nhặt, hạ thấp chức năng giáo dục, nhấn mạnh một chiều chức năng giải trí, thậm chí chiều theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng …Âm nhạc của họ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những luồng âm nhạc không chính thống, làm mất đi thẩm mỹ trong sáng, lành mạnh của công chúng yêu ca nhạc. Trong những năm qua, Hội Nhạc sĩ đã có nhiều cuộc hội thảo về âm nhạc như: “Ca khúc với công cuộc đổi mới đất nuớc”(2002); “ Âm nhạc truyền thống trong đời sống hiện nay” (2003); “Ca khúc, tác giả trẻ trong thời kỳ đổi mới đất nước” (2006) và những năm gần đây rất nhiều cuộc Hội thảo, nhiều trại sáng tác trong đó có những trại sáng tác dành riêng cho thiếu nhi… để kịp thời uốn nắn, định hướng sáng tác, nhằm xây dựng nền ca khúc cách mạng Việt Nam phát triển rực rỡ, lành mạnh, mang đậm bản sắc dân tộc. Thấm nhuần quan điểm ”Nghệ thuật vị nhân sinh”, “Văn nghệ không chỉ là nơi cuộc sống hiện hình mà văn nghệ phải chiếu sáng cuộc sống”, các nhạc sĩ Thái Bình đã hòa mình vào thực tế sống động của đời sống xã hội để tìm tòi, khám phá, khai thác vốn quý văn hóa dân gian ở địa phương để sáng tạo nên những tác phẩm có giá trị nội dung và nghệ thuật. Mảng ca khúc của các nhạc sĩ Thái Bình không có những tác phẩm có biểu hiện chiều theo thị hiếu tầm thường hoặc lai căng mất gốc. Ca khúc của các nhạc sĩ Thái Bình thể hiện khá rõ nét bản sắc văn hoá vùng, bởi họ được sinh ra và trưởng thành từ cái nôi của nền văn minh sông Hồng với những nét đặc trưng của văn hoá vùng đồng bằng Bắc bộ. Cái nôi ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn các nhạc sĩ và họ đã trưởng thành mỗi người một vẻ, một phong cách, cùng nhau góp sức xây dựng và phát triển âm nhạc Thái Bình trong thời kỳ đổi mới với những thành tựu tuy còn khiêm tốn nhưng thật đáng trân trọng. Chi hội nhạc sĩ Thái Bình luôn hưởng ứng nhiệt thành các cuộc phát động sáng tác của Hội nhạc sĩ Việt Nam, của các Bộ, Ngành Trung ương cùng các cuộc phát động sáng tác của các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong những năm gần đây, Hội VHNT Thái Bình đã chủ động phối hợp với các ngành, các cấp trong tỉnh phát động nhiều cuộc vận động sáng tác VHNT, tổ chức nhiều đợt đi thâm nhập thực tế, mở nhiều trại sáng tác cho hội viên, đặc biệt gần đây nhất là cuộc phát động sáng tác VHNT với chủ đề “Doanh nghiệp, doanh nhân Thái Bình trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội” đã mang lại hiệu quả rõ nét về ảnh hưởng của âm nhạc nói riêng, của VHNT nói chung trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Cùng với sự trưởng thành của các thế hệ hội viên lớp trước, những năm gần đây chi hội Nhạc sĩ Thái Bình cùng với chi hội Âm nhạc và Múa ở địa phương đã được Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội VHNT tỉnh quan tâm tạo điều kiện trong mọi hoạt động và phát triển thêm nhiều hội viên mới ở các mảng sáng tác, biểu diễn và đào tạo. Chúng ta có quyền kỳ vọng vào các nhạc sĩ thế hệ kế tiếp sẽ tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa dân tộc kết hợp với tinh hoa văn hóa nhân loại để tạo ra những màu sắc mới, một diện mạo mới cho âm nhạc ở Thái Bình, làm cho âm nhạc luôn đồng hành cùng sự nghiệp đổi mới, trở thành một bộ phận không thể tách rời trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội. Với niềm tin ấy, hy vọng trong thời gian tới, âm nhạc Thái Bình sẽ có nhiều nét khởi sắc với những bước phát triển mới, vững vàng hơn, tự tin hơn, chuyên nghiệp hơn, từng bước khắc phục những hạn chế để âm nhạc Thái Bình phát triển xứng tầm trong thời kỳ đổi mới của quê hương, đất nước, đáp ứng nhu cầu thưởng thức âm nhạc của quần chúng nhân dân, góp phần tích cực vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

MAI CÁCH