THI SĨ, NHÀ GIÁO LƯƠNG HỮU VỚI NGÔI NHÀ VĂN NGHỆ THÁI BÌNH
Ngày: 30/08/2024
Tôi về Hội Văn nghệ công tác năm 2016. Được chị Phan Thị Hà, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Thái Bình nói với tôi là hội viên của Hội có nhiều bác tuổi cao, nộp bài qua email, hay đi vào Văn phòng Hội khó khăn, em tranh thủ chạy vào nhà các bác lấy bài về để đăng Tạp chí

Tôi về Hội Văn nghệ công tác năm 2016. Được chị Phan Thị Hà, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Thái Bình nói với tôi là hội viên của Hội có nhiều bác tuổi cao, nộp bài qua email, hay đi vào Văn phòng Hội khó khăn, em tranh thủ chạy vào nhà các bác lấy bài về để đăng Tạp chí. Và tôi được đảm nhiệm trọng trách là cứ đến số Tạp chí vào nhà mấy bác. Trong đó bác Lương Hữu cũng đã 80 tuổi, ở cái tuổi thượng thọ, việc đi lại khó khăn. Mỗi lần vào nhà bác Lương Hữu, bác lại ôn tồn hỏi chuyện và động viên tôi, bác bảo làm văn chương khó lắm nhưng đã mang cái nghiệp vào thân thì tự hào và hạnh phúc lắm cháu ạ. Mỗi lần đến gặp bác, hai bác cháu thường ngồi trò chuyện, đó là những câu chuyện về thời cuộc, cuộc sống, về những năm tháng xuôi ngược của bác trong nghề giáo và cả chuyện hữu duyên bác đến văn chương. Và bác luôn động viên tôi trong công việc và cuộc sống, bác hướng dẫn tôi cách đọc, cảm thụ tác phẩm để phục vụ công tác biên tập tạp chí. Bác vẫn thế, luôn giản dị và ấm áp, bác giúp được người khác điều gì là hết lòng. Trong sự nghiệp văn chương, bác sáng tác được nhiều thể loại, truyện ngắn, phê bình lý luận văn học và thơ. Đó là các tập truyện ngắn “Ngọn lửa”, “Cặp bánh chưng nhân ngọt”; tập lý luận phê bình “Bằng cứ văn chương” (tập 1, 2), “Sông Bo hành khúc”; tập thơ “Mùa mây ai nhớ”, “Sông chảy dòng đôi”, “Cái quay bóng sẫm”, “Báo chương mấy độ”. Đặc biệt thơ của bác được chọn in trong các tuyển tập: Nghìn năm thơ tứ tuyệt, Nghìn câu thơ tài hoa; Lục bát Việt Nam; Thầy giáo và Nhà trường… Bằng niềm đam mê, tâm huyết, miệt mài trong sáng tác, bác đã 02 lần đạt giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Bình mang tên Nhà bác học Lê Quý Đôn và được Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam. Nhà thơ Kim Chuông, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Thái Bình đã viết về bác với niềm kính trọng, mến yêu: “Nhà thơ Lương Hữu, người tôi tin, mê “người thơ” này ở phút mới mẻ, tươi xanh. Là người làm công tác biên tập, theo dõi phong trào sáng tác trong lĩnh vực văn học, có tới trên ba mươi năm làm bạn đồng hành, lúc nào tôi cũng gặp trong hiện diện, trong xác lập, trong ngôi thứ: “Lương Hữu luôn là một trong đôi ba “thi sĩ ít ỏi,” đứng đầu đội ngũ những người làm thơ hiện đang sống và viết trên mảnh đất quê nhà.” Hôm nay, khi tôi ngồi viết những dòng chữ này, trong lòng vẫn rưng rưng khi bác đã rời xa mái nhà văn nghệ Thái Bình, nhưng trong tâm khảm của tôi và các bác, các cô, chú hội viên của Hội vẫn còn in đậm hình ảnh của bác Lương Hữu một thi sĩ, một nhà giáo giàu yêu thương, nhân ái, luôn chân thành, hướng thiện, tâm huyết với sự nghiệp văn học nghệ thuật tỉnh nhà và các tác phẩm của bác vẫn còn nguyên vẹn, sống mãi với thời gian.

NGUYỄN THẾ