MỘT NHÀ LÃNH ĐẠO VĂN HÓA XUẤT SẮC
Ngày: 30/08/2024
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một trí tuệ lớn, tài năng lớn của cách mạng Việt Nam, nhà tư tưởng, nhà văn hóa, ngọn cờ lý luận của Đảng, người học trò xuất sắc không ngừng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, sống trọn cuộc đời vì nước, vì dân..

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một trí tuệ lớn, tài năng lớn của cách mạng Việt Nam, nhà tư tưởng, nhà văn hóa, ngọn cờ lý luận của Đảng, người học trò xuất sắc không ngừng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, sống trọn cuộc đời vì nước, vì dân...

Trên đây là khẳng định của Đại tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam trong bài viết "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân" được Thông tấn xã Việt Nam công bố ngày 19 - 7 - 2024 trên các phương tiện truyền thông của Đảng và Nhà nước ta. Hơn nửa thế kỷ tham gia cách mạng, dù ở cương vị nào, nhà báo, nhà giáo, nhà lý luận chính trị và nhà lãnh đạo cấp cao Nguyễn Phú Trọng cũng luôn luôn thể hiện một nhân cách văn hóa, coi “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”. Ông thực sự là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực về đạo đức cách mạng trong sáng. Trong công tác cũng như sinh hoạt thường ngày, ông luôn sống giản dị, chân thành, tận tâm với công việc và thân ái với mọi người… Bởi vậy, ông được cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân kính trọng, tín nhiệm, tin tưởng và yêu quý, được bạn bè quốc tế trân trọng và đánh giá cao. Sau khi Bộ Chính trị thông báo về tình hình sức khỏe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mặc dù đã được chuẩn bị về mặt tinh thần, nhưng khi được tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, quân và dân cả nước vẫn hết sức bàng hoàng thương tiếc. Báo chí và mạng xã hội chia sẻ những hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của ông; bên cạnh những bức ảnh hoạt động công vụ trong nước và quốc tế, là những hình ảnh ông hòa đồng gần gũi với đồng chí, đồng bào, khiêm cung và trọng thị: Một cựu chiến binh được Tổng Bí thư khoác vai ngồi hàn huyên trước bậu cửa; một cụ ông người dân tộc cùng nắm tay ông trong điệu dân vũ nơi bản làng Tây Nguyên; một bé gái thích thú được bế bổng trong tay vị Tổng Bí thư tóc bạc; một lá thư chúc tết cô giáo thời phổ thông với những dòng tái bút: “Em vẫn giữ mãi những kỷ niệm sâu sắc, không bao giờ phai mờ trong những năm tháng được cô dạy dỗ”; một cuốn sách đề tặng thầy giáo thời đại học với chữ ký chân phương và dòng lạc khoản “Người học trò nhỏ của thầy”; một vòng hoa khiêm nhường xuất hiện trong lễ tang một giáo sư nổi tiếng, với dòng chữ ngắn gọn “Học trò Nguyễn Phú Trọng kính viếng Thầy”; một bức thư gửi Tạp chí Văn nghệ Quân đội và các nhà văn Quân đội nhân dịp Xuân Nhâm Thìn 2012, với lời chúc “xứng đáng với danh hiệu Nhà văn Chiến sĩ, góp phần nuôi dưỡng và xây dựng những giá trị văn hóa Bộ đội Cụ Hồ”... Đặc biệt là những kỷ niệm, những câu chuyện, những nhận xét... của các đồng chí, đồng môn, đồng nghiệp, của các văn nghệ sĩ và bà con làng xóm kể về ông. Nhân dân xã Đông Hội quê ông (huyện Đông Anh - Hà Nội) nhắc mãi câu nói của ông với bà con dân làng: “Về đây tôi chỉ là con em trong làng...”. Các thế hệ học sinh trường phổ thông Cấp 3 Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội) bồi hồi nhớ lại lần ông về hội trường, khi chụp ảnh mọi người mời ông là Chủ tịch Quốc hội lên hàng trước, nhưng ông xin được đứng hàng sau để không che lấp thầy, cô và các anh chị lớp trước. Các cựu sinh viên trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây, nhớ mãi lần ông đến hội khóa bằng xe máy cá nhân và nói rằng “Xin cho em, cho tôi bỏ mọi chức tước bên ngoài căn phòng này. Em đến đây mãi mãi là học trò của các thầy các cô ngày nào. Tôi đến đây mãi mãi là bạn học của các bạn”... Các nhà báo trong nước và quốc tế còn nhớ mãi những lần ông phát biểu nhậm chức, dù ở cương vị nào, trong từng lời nói của ông đều thể hiện rõ sự khiêm tốn, chân thành và cốt cách cao quý của một người cộng sản chân chính. Tháng 6 - 2006, Bí thư thành ủy Hà Nội Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Chủ tịch Quốc hội khóa XI. Ông phát biểu cảm ơn Quốc hội đã tin cậy giao cho ông trọng trách và bày tỏ: “Với cá nhân tôi, chuyển sang lĩnh vực công tác mới, chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn. Tôi tự thấy mình còn nhiều hạn chế, cả về kiến thức và kinh nghiệm. Vì vậy, tôi mong nhận được sự giúp đỡ tích cực của các vị đại biểu Quốc hội; sự cộng tác chặt chẽ của các đồng chí trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội; sự phối hợp thường xuyên của các cơ quan, tổ chức hữu quan; sự quan tâm ủng hộ của cử tri và nhân dân cả nước...”. Ngày 19/1/2011 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng được Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI bầu làm Tổng Bí thư. Trong cuộc họp báo do ông chủ trì ngay sau đó, một nhà báo nước ngoài đặt câu hỏi: “Với cương vị mới, Tổng Bí thư sẽ thăm nước nào đầu tiên?”. Ông chia sẻ: “Nói thật, tôi vừa nhậm chức Tổng Bí thư xong, nghe các bạn gọi “Tổng Bí thư” tôi còn chưa quen tai, thấy ngượng quá, chưa kịp nghĩ đến việc đi đâu. Chắc sau này phải đi, còn đi đâu thì Ban Đối ngoại, Bộ Ngoại giao chuẩn bị. Hơn nữa, người ta có mời thì mới đi...”. Nhỏ nhẹ, khiêm nhường, chân tình là thế, nhưng ngay từ thời trai trẻ, ông đã nổi tiếng là người kiên định và nhất quán. Khó có ai hay điều gì có thể lay chuyển được ý chí và tâm niệm của ông. Một đồng nghiệp của ông hồi ở Tạp chí Công sản nhận xét: “Nhà báo Nguyễn Phú Trọng có tố chất của một nhà lãnh đạo. Đặc biệt là ông rất coi trọng công tác nghiên cứu và học tập lý luận. Ông sống gương mẫu, có tư duy sắc bén, nghiêm túc, cách làm việc khoa học, hiệu quả. Nhưng dù công việc có áp lực đến đâu, ông cũng hòa nhã, không nóng nảy bao giờ”. Tố chất ấy kết hợp với quá trình rèn luyện, tu dưỡng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã đưa ông trở thành một nhà lãnh đạo xuất sắc của đất nước trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển; trong bối cảnh thế giới đầy biến động, bất trắc và thách thức Bằng tư duy lý luận sắc bén, thực tiễn phong phú và phẩm chất của một nhà văn hóa uyên thâm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường xuyên quan tâm lĩnh vực văn hóa và có những chỉ đạo toàn diện và sâu sắc về xây dựng và phát triển văn hóa. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định rõ: “Phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Quyết tâm chính trị trên đây của Đảng ta đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện khá sâu sắc và toàn diện trong tác phẩm Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xuất bản nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2024) và 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024). Đây là tác phẩm hệ thống hoá sự chỉ đạo của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Cuốn sách là cẩm nang giúp các ngành, các cấp, các địa phương, cán bộ, đảng viên và nhân dân xác định rõ quan điểm, mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ phát triển văn hoá trong thời kỳ mới. Đặc biệt, thông qua các bài viết, bài phát biểu và những bức thư gửi nhân dịp các sự kiện văn hóa được tổ chức, đã thể hiện sự quan tâm của đồng chí Tổng Bí thư đối với việc xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hoá Việt Nam với các yếu tố truyền thống và hiện đại, bản sắc và hội nhập; tạo nguồn lực nội sinh và huy động sức mạnh của văn hoá, con người Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Có thể nói, đây là một đóng góp quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, góp phần hoàn thiện hệ thống lý luận và cơ sở thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên xã hội chủ nghĩa của nước ta; thể hiện bước trưởng thành, phát triển về tư duy lý luận và năng lực lãnh đạo thực tiễn của Đảng ta đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc. Phẩm chất văn hóa của nhà lãnh đạo Nguyễn Phú Trọng bắt nguồn từ đạo lý “Thương người như thể thương thân”, từ phép tắc “Trên kính dưới nhường”, từ lối sống “Giấy rách phải giữ lấy lề”; từ cốt cách của kẻ sĩ “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”. Những phẩm chất truyền thống ấy thấm đẫm trong ông, khi bắt gặp lý tưởng của Đảng và được chiếu rọi bằng những tấm gương mẫu mực của Bác Hồ và các vị cách mạng tiền bối, càng tỏa sáng trong ông. Hằng ngày, dù ở cương vị nào, người đảng viên Nguyễn Phú Trọng cũng tự răn mình giữ gìn tứ đức “cần, kiệm, liêm, chính” mà sinh thời Bác Hồ luôn nhắc nhở. Bởi vậy, cuộc đấu tranh phòng chống các căn bệnh tham nhũng, quan liêu, thoái hoá, biến chất... mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được mệnh danh là “người đốt lò vĩ đại”, thực chất là cuộc đấu tranh xây dựng và sàng lọc con người; sàng lọc, loại bỏ những yếu tố phản văn hoá và bảo vệ, nuôi dưỡng những giá trị văn hoá đích thực. Trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng vì sự sống còn của Đảng, của chế độ và tương lai đất nước, không ít kẻ đã ngã lòng, đã sống hai mặt, đã phản bội niềm tin của Đảng và nhân dân, nhưng ông thì không. Ông đã làm hết sức mình vì quyết tâm xây dựng và chỉnh đốn Đảng, để Đảng ta thực sự “là đạo đức, văn minh” như Bác Hồ đã dạy. Đó chính là Văn hóa Đảng; Văn hóa chính trị; Văn hóa lãnh đạo mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một tấm gương tiêu biểu, sáng ngời! 5

MAI NAM THẮNG