Ông sinh năm 1942, tại làng Cậy, xã Long Xuyên huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Nhà văn Trần Chính, một trong những cán bộ kinh qua nhiều vị trí công tác đảng cũng như chính quyền của Thị xã Thái Bình xưa và thành phố Thái Bình ngày hôm nay
Ông sinh năm 1942, tại làng Cậy, xã Long Xuyên huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Nhà văn Trần Chính, một trong những cán bộ kinh qua nhiều vị trí công tác đảng cũng như chính quyền của Thị xã Thái Bình xưa và thành phố Thái Bình ngày hôm nay. Ông khởi sự văn chương bắt đầu từ thơ, ông đến với thơ như sự ngẫu nhiên nhưng lại bền bỉ và gan ruột. Nói như nhà văn Đức Hậu, Nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình, Trưởng Chi hội nhà văn Việt Nam tại Thái Bình “Trần Chính là một cây bút âm thầm và lặng lẽ, ông lặng lẽ đọc, lặng lẽ viết và bền bỉ sống, chiêm nghiệm sự xoay vần của con tạo trong cõi người”. Ở tuổi 83 ông rời cõi tạm về với tổ tiên để lại nỗi tiếc thương vô hạn trong lòng con cháu, anh em bạn bè, xóm làng khu phố. Ông ra đi, mái nhà chung của Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình thế là từ nay vắng bóng, một người chú, người anh, người bạn văn ôn tồn nồng hậu giản dị, bóng hình ông còn nguyên vẹn, vẫn chiếc xe đạp Thống Nhất ông ào vào phòng Văn gặp các bạn Văn đàm đạo chuyện văn chương, tâm sự những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Nhận được tin ông đi xa, tôi cứ ngỡ không phải, vì mới gần đây thôi Trần Chính còn đạp xe đến thăm tôi, ông đi và đến đều lặng lẽ như chính con người mực thước của ông. Cho đến lúc này, trước khói hương, trước vòng quay của tạo hoá, tôi vẫn không muốn tin nó là sự thật. Ông bị bệnh đã lâu, nhưng nghị lực và tự tin, lí chí đã giúp ông ở bên các con cháu đến ngày hôm nay. Một trong những lý do giúp ông đi qua những năm tháng bệnh tật và cả sự cô đơn là văn chương. Văn chương đã mang lại cho ông sức mạnh tinh thần, ông vịn vào câu thơ, câu văn để sống và viết. Ông vừa xuất bản tuyển tập hơn 1200 trang, ông nuôi dưỡng ấp ủ bao nhiêu năm, chắt ra từ những tháng ngày vật lộn cùng những trang văn vời vợi. Có thể nói đó là sự tích luỹ từ những năm tháng vắt kiệt sức mình để sáng tác, ban ngày đi làm để đảm bảo cuộc sống gia đình, nuôi các con trưởng thành có nhiều đóng góp, cống hiến to lớn cho xã hội. Đêm về ông miệt mài se con chữ. Gia tài văn chương của ông gồm 01 tuyển tập, 15 tập thơ, tập truyện ngắn, 01 tập bút ký. Hai lần ông được vinh dự nhận giải thưởng văn học nghệ thuật mang tên Nhà bác học Lê Quý Đôn, 02 Bằng khen của Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Bình và rất nhiều giải thưởng của trung ương và địa phương. Tôi biết hơn về ông qua những tác phẩm, văn xuôi và thơ, chỉ đơn giản là để biết thêm về một người văn - đời văn! Càng “đi tìm” Trần Chính tôi càng ''ngã ngửa'', thán phục bởi hành trình và những thành tựu của ông với văn chương. Có lần ông tâm sự: “Viết văn là một việc đòi hỏi rất nhiều trí lực. Nhà văn đích thực dù gắng gỏi, nỗ lực đến đâu cũng không dám nghĩ là đủ. Với Trần Chính, cái trí lực ấy cần chắt chiu, hơn rất nhiều lần so với những người bình thường. Tác phẩm của ông chưa đạt đến mức phi thường nhưng suốt 60 năm qua, hành trình viết của ông, những trang văn chân thực, đẹp đẽ, nhân văn, nhân bản, luôn hướng ánh sáng về cộng đồng và từng phận người, đủ để độc giả cảm mến, trân trọng, biết ơn những nỗ lực, cống hiến của một nhà văn người con ưu tú của làng Cậy.
PHAN HÀ