“Nàng Bân may áo cho chồng May ba tháng ròng mới trọn cổ tay” Đó là câu chuyện của ngày xửa ngày xưa, mà mỗi khi nghe mẹ kể chuyện tôi lại nằm lim dim đôi mắt rồi ngủ đi lúc nào không hay. Và tôi cứ lớn lên trong vòng tay của mẹ tôi cứ loay hoay tìm kiếm một nàng Bân trong muôn vàn những người mà tôi quen biết.
“Nàng Bân may áo cho chồng May ba tháng ròng mới trọn cổ tay” Đó là câu chuyện của ngày xửa ngày xưa, mà mỗi khi nghe mẹ kể chuyện tôi lại nằm lim dim đôi mắt rồi ngủ đi lúc nào không hay. Và tôi cứ lớn lên trong vòng tay của mẹ tôi cứ loay hoay tìm kiếm một nàng Bân trong muôn vàn những người mà tôi quen biết. Cuộc tìm kiếm ấy cứ thể đi mãi đi mãi trong 60 mươi năm cuộc đời, tôi vẫn hy vọng sẽ tìm được một người phụ nữ với sự vụng về của đôi bàn tay, sự vụng về ấy đã được mẹ tôi khắc họa trong câu chuyện kể của bà. Thế rồi một hôm tôi gặp được một nàng Bân trong đời thường, nhưng người ấy không hề giống trong câu chuyện Ngày xửa ngày xưa ấy. Để bạn biết người đan áo len có thật trong những người bạn tôi quen và đây “Câu chuyện người đan áo”. “Tôi yêu những sợi len từ bé. Có lẽ từ hồi học vỡ lòng (giờ là mẫu giáo). Sợi len ngày ấy được lấy từ tấm chăn chiên đã cũ, dỡ ra rồi nối lại thành sợi. Người đầu tiên cầm tay tôi đan những mũi đan đầu tiên là bà nội. Bà cũng là người vót cho tôi những chiếc que đan đầu tiên. Góc vườn nhà bà trồng mấy khóm tre. Những trưa hè bà mắc võng vừa đưa kẽo kẹt vừa kể chuyện vừa đọc cho tôi nghe những câu tục ngữ, ru tôi ngủ bằng những khúc ca dao. Cây tre già bà chặt để khô rồi vót nan đan rổ rá, vót tăm. Bà chọn khúc đẹp nhất để vót que đan cho tôi. Những mảnh len bé xíu vài chục mũi được hình thành từ bàn tay non nớt. Rồi bà dạy tôi đan túi rút. Cứ đan một mũi nhắc ra một mũi thành một cái túi xinh xinh đựng mấy đồng xu, vài hào lẻ. Những năm tôi học cấp một là những năm cuộc chiến tranh diễn ra thật ác liệt. Chúng tôi đội mũ rơm tới trường, đang học thì còi báo động rú liên hồi cả lũ trẻ con lại líu ríu chui vào đường hầm. Vậy mà kì lạ thay những chiếc que đan bé xíu với những sợi len từ chăn chiên vẫn còn nguyên trong cặp cói của tôi. Năm 1979 tôi được đi trại hè quốc tế ở Rumani. Từ trại hè trở về Thủ đô các cô chú đại sứ quán cho chúng tôi vào siêu thị để mua quà về nước. Một cô bé nhà quê sống trong một đất nước luôn có chiến tranh nghèo nàn lạc hậu vào trong siêu thị choáng ngợp với các loại hàng hóa. Nhưng cái làm tôi yêu thích nhất chính là gian hàng len. Tôi mê mẩn với sắc màu của những cuộn len. Và tôi quyết định mua một kg len màu đỏ chót. Tôi vào học cấp 3. Những cuộn len đỏ chót lại theo tôi đến trường. Giờ ra chơi các bạn tung tăng chơi ngoài sân, đá cầu đá bóng, nhảy dây thì thì tôi cặm cụi với những cuộn len. Hình ảnh của tôi lọt vào mắt của cô Lan Hương. Cô người Hà Nội dáng người cao, giọng nói thật nhẹ nhàng. Tôi học tiếng Nga còn cô dạy tiếng Pháp. Tôi không học cô nhưng tôi mê bộ sưu tập áo len của cô. Có đến vài chục chiếc, mỗi cái một kiểu. Ngày ấy khoảng cách giữa thầy cô và học sinh xa lắm. Mê những chiếc áo len của cô nhưng không dám mon men đến gần cô. Thấy tôi lụi cụi đan len cô chủ động hỏi han và bảo có thích học đan không cô dạy. Tôi như mở cờ trong bụng. Cô ở khu tập thể. Buổi trưa cô rủ tôi ở trường nấu cơm cho tôi ăn. Những họa tiết len đầu tiên có lẽ bắt đầu từ đấy. Cô ân cần chỉ bảo tôi từng đường đan, thiết kế cho tôi những mẫu đan. Đến tận bây giờ hình ảnh đầy yêu thương dịu dàng của cô khi uốn nắn cho tôi từ cách cầm kim vẫn còn in đậm trong trái tim tôi. Câu chuyện về len có lẽ cũng nên bắt đầu từ những sợi len. Sợi len đầu tiên tôi cầm trong tay chính là sợi tháo ra từ chiếc chăn chiên. Năm 1975 đất nước thống nhất một dòng len Vĩnh Thịnh được chập từ 2 sợi mảnh bắt đầu xuất hiện. Dòng len này được yêu thích trong thời gian khá dài. Len Hải Phòng cũng có mặt trên thị trường nhưng không nhiều lắm. Một thời gian sau là sự xuất hiện các dòng len Trung Quốc đa dạng sắc màu, mẫu mã, từ rẻ đến đắt. Còn bây giờ trên các gian hàng điện tử các dòng len nhập khẩu vô cùng phong phú đa dạng. Len của Đức, Pháp…. Dòng len được yêu thích nhất là len của Thổ Nhĩ Kỳ. Có rất nhiều những hãng len Laloso, Alize, Gazzal,YarnArt...màu sắc của len khiến tôi mê mẩn. Trong suy nghĩ của tôi len chỉ đủ 7 màu của sắc cầu vồng. Nhưng không phải. Chỉ có một màu thôi đã có khoảng vài chục mã với độ đậm nhạt khác nhau. Chất liệu len cũng thật đa dạng. Có những len rất đắt tiền. Đó là loại len lông cừu được nhuộm tay. Có những sợi len mảnh mai nhẹ một áng mây với những sắc màu vô cùng ngọt ngào. Nhưng lại có những sợi len to đùng. Đặc biệt các cuộn len được chỉ dẫn các số liệu về cỡ kim đan, kim móc, các dòng len đan chiều dài chiều ngang… Ngày xưa nàng Bân đan áo cho chồng để mặc mùa đông. Còn bây giờ các dòng sợi hè mát rượi với đầy đủ sắc màu có thể làm thỏa lòng các nàng Bân hiện đại có thể cần mẫn quanh năm để gửi yêu thương đến một ai đó. Và những chiếc kim đan. Ngày xưa những chiếc kim đan được vót từ tre rồi được các bà các mẹ đánh bóng. Kích cỡ kim đan chỉ ang áng. Sau đó kim đan được bày bán với các chất liệu tre, gỗ, kim loại, kim dây để đan vòng. Bây giờ thế giới của kim đan khiến các chị em mê mẩn với các dòng kim xuất xứ từ Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn độ, với các kích cỡ, chất liệu khác nhau. Nhưng để sở hữu những bộ kim đan ấy cũng khiến chị em phải nhìn vào ví tiền của mình. Đan một chiếc áo len. Nghe có vẻ đơn giản. Nhưng hình như không phải như vậy. Từ một cặp kim đan, một sợi len mong manh bạn đan thành một chiếc áo. Bạn phải chọn len, chọn màu, chọn kim đan, thiết kế. Tôi ghét sự nhàm chán nên những chiếc áo của tôi mấy trăm chiếc là mấy trăm kiểu khác nhau. Đặc biệt tôi thích đan váy và áo khoác chùng. Lúc đầu những chiếc áo được đan từ dưới gấu lên thành mảnh rồi khâu ráp lại. Bây giờ tôi đã học được cách đan từ trên cổ áo xuống không cần khâu. Tôi cảm ơn thế giới phẳng cho tôi sự hiểu biết. Các bà già người Nga đã cho tôi những bài học về thiết kế, về cách đan. Việc đan len đem lại cho tôi niềm vui. Khi không có tiền để mua áo ấm cho con thì những chiếc áo len đẹp do tay mẹ đan đem lại sự ấm áp và sự tự tin cho chàng sinh viên cao 1,8m của tôi. Tôi tự tạo nên những sắc màu của riêng mình. Câu chuyện về chiếc áo len dạy cho tôi nhiều bài học. Đó là sự biết ơn. Tôi biết ơn bà nội, người đã dạy tôi cầm chiếc que đan đầu tiên do bà nội vót từ cây tre vườn nhà. Tôi cảm ơn cô giáo Lan Hương đã dạy tôi những bài học đan len và cho tôi những ấm áp yêu thương. Đan len dạy cho tôi sự cần mẫn, kiên trì. Đan len dạy cho tôi sự học hỏi, sự sáng tạo bất chấp tuổi tác. Hàng ngày tôi vẫn đan len. Đan xuyên mùa không chờ ông trời thương nàng Bân nữa. Tôi thưởng thức ly cafê và đan len bên cửa sổ. Tôi yêu câu thơ chị Minh Hằng gửi tặng khi nhìn tôi đan áo. Người đàn bà vẫn lặng lẽ ngồi đan Không để ý những cuộn len quay tròn nhảy múa Những chiếc lá rơi qua khung cửa Thời gian trôi… Sáng nay gió đông về, Gương mặt ai đẹp thế?! Trong chiếc áo nàng đang ủ hồng đôi má thanh xuân. Những chiếc áo len mùa hè được đan từ sợi coton, linen.. mềm mượt mát mẻ. Những chiếc áo ấm được đan những sợi len đa dạng chất liệu và màu sắc nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, Mỹ…Hy vọng mặc chiếc áo len do tôi đan bạn sẽ hút mọi ánh nhìn. Và đặc biệt nó là chiếc áo duy nhất trên thế giới”
ĐỨC VIÊN