Văn Cao với tôi như một thần tượng. Tôi ngưỡng mộ ông suốt cuộc đời đầy sóng gió và thử thách.
Văn Cao với tôi như một thần tượng. Tôi ngưỡng mộ ông suốt cuộc đời đầy sóng gió và thử thách. Mỗi lúc gặp sự va quệt trước thời cuộc và số phận, tôi thường lấy gương ông soi sáng để mình gắng sức vượt qua những rào cản.
Ông là người đa tài, khiêm nhường, thấu đáo lẽ đời. Nhiều người gọi ông là Họa sĩ, Nhà thơ, Nhạc sĩ. Nhạc sĩ có lẽ hợp với ông hơn.
Ông vẫn nhận tác phẩm của mình còn mỏng quá ở các thể loại. Học hành chỉ được từng ấy...nên làm được thế nào, các bạn thương cho thế đó, để tác phẩm đăng kí vào thời gian.
Ông lớn lên ở thành phố Cảng, gắn bó với tiếng còi tàu bến Bính, những đứa trẻ lam lũ bới rác, móc cống ngõ chợ Cầu Rào, bên bờ sông Lấp.
Từ đấy, ông nhìn ra biển lớn. Qua kiếp phận con người phố Cảng, nhận ra nỗi đau nhân thế để xót thương và day dứt..
Là người tài hoa, nhưng cuộc đời ông hình như trống trải chẳng khác gì căn gác xép ông ở bị gió lùa bốn mặt.
Ra đường, ông thường lê bước chầm chậm trên con phố cổ Hà Thành. Thấp thoáng như tiếc một cái gì, trong nỗi buồn nhè nhẹ, se sắt, như gió đầu thu thổi về phía Ô Quan Chưởng. Hoặc ngọn gió đuổi theo cánh lá vàng vào lúc chiều tà phố Nguyễn Du.
Tôi gặp ông ở nhà nghệ sĩ nhiếp ảnh Trọng Pháo, số 96, đường Nguyễn Thị Minh Khai, Thành phố Thái Bình. Hồi ấy, sau đường Minh Khai là cánh đồng vời vợi xanh của dân có thổ Tiền Phong. Trong cuộc gặp ấy có cả Trần Dậu (họa sĩ), Văn Thao con lớn nhạc sĩ, cuối buổi có nhà báo Trọng Thắng nhập cuộc.
Thời gian chầm chậm đi đến hôm nay như cánh hoa tàn, như sắc lá phai, trí nhớ con người cũng thế, làm mờ dần những kỉ niệm xa xôi của tôi với ông, sự mờ nhạt ấy thật dịu nhẹ như ngọn rau “Tần” phố cũ thời nào mà nhà thơ Trần Huyền Trân đặt tên, đã trôi dạt về đâu? Ai nhớ ai quên tên ngọn rau muống lam lũ, nuôi sống con người.
Ông như một khách lãng du, bước chân ông cũng dò dẫm, dẫn nhập vào những giọt nước mắt và nụ cười của ai đó. Với thân phận con người đầy mưa gió trên đường phố. Sự tiếp nhận ấy có khi chỉ là cái bóng mơ hồ, vừa thoáng qua trong đầu. Hoặc nỗi khát khao nào đó của bè bạn văn chương nghệ thuật, mà chính ông cảm thấy họ chưa đạt được...Ông đang trăn trở điều gì trong nỗi bất hạnh của chúng sinh sau chiến tranh? Ông như vệt chói sáng trong rừng cây rậm. Ông đến nhà Trọng Pháo đẹp như một mối lương duyên, mùa thu cốm, hồng, họp mặt... khác gì hương sen chiêu gió ngào ngạt trong khoang thuyền cũ khiến cho lòng người càng khuya càng bát ngát trăng thu.
Cuộc chơi nhà Trọng Pháo, giống như cuộc chơi với nhà điêu khắc Nguyễn Diên hay cuộc uống rượu nem Phùng với Tào Mạt. Kiểu chơi như ông khác gì với người tình đi trong rừng cổ tích.
Ông hơn những người xa xứ được ở lại Hải Phòng ngồi học ở trường Ngô Nam. Sau này đổi thành trường Ngô Quyền. Ngôi trường ấy có Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Văn Linh cùng học. Cha ông vốn là đốc công nhà máy nước Hải Phòng, Văn Cao lúc nhỏ học ở trường tiểu học Bomal. Sau lên học trường dòng SainfJosef. Năm 1938, mới 15 tuổi Văn Cao phải bỏ học. Hồi ở Hải Phòng, Văn Cao tham gia làm một tờ báo cùng các bạn trong lớp. Ông tự tay trình bày và biên tập thơ. Ông tham gia hướng đạo sinh và được mời đi dự hoạt động của tổ chức này ở Huế. Bố mất. Chị gái lấy chồng trong Nam ra chịu tang. Văn Cao theo chị vào Sài Gòn kiếm sống. Ở trong đó cũng khó khăn, ông trở ra Bắc khoảng đầu năm 1944. Lúc đó ông quyết định từ Hải Phòng lên Hà Nội.
Ông tự học vẽ, tập làm thơ và bắt đầu làm quen với nền âm nhạc từ thành phố Hoa Phượng Đỏ. Vì sớm tiếp xúc âm nhạc phương Tây, nên nhạc ông nặng chất trữ tình. Rồi ông tham gia nhóm “Đồng vọng” của Tô Vũ, tập sáng tác. Với tâm hồn lãng mạn, đẹp dù chưa được tắm mình qua ánh sáng cách mạng nhưng vẫn dạt dào nguồn cảm hứng yêu thương. Ở tuổi hoa niên. Ông đã có khúc ca trữ tình “Buồn Tàn Thu - Thiên Thai - Trương Chi - Suối Mơ”. Ai đã từng hát và nghe nhạc ông, đều được trở về thế giới mộng mơ. Nhạc phẩm ông nâng tâm hồn con người lên đến tận cùng sự lãng mạn, quên đi nỗi sầu ai, bi thảm...
Có lần tôi ngồi nghe nhạc phẩm ông trong phòng trà. Một ông bạn ghé tai bảo “Nhạc tiên đấy”...
Nhìn ông ngồi lặng lẽ trên chiếc ghế cũ nhà Trọng Pháo. Trên mặt tủ lọ gốm nhỏ, cắm mấy bông hoa sen loi thoi búp đỏ của bà sư từ chùa Tiền đưa lại. Tôi thầm trách “Con người tài năng như ông. Sao lại gặp nhiều điều bất hạnh đối xử không công bằng như vậy?”.
Lòng tôi dội lên một ước ao hiếm muộn “Giờ có một Văn Cao trẻ trung nhân hậu, đầy sự lãng mạn yêu thương ngồi gảy đàn cho chúng ta nghe có hay không”.
Ông là người tình trong “Khúc ca mùa xuân đầu tiên” Pháo bảo thế.
Rồi Pháo chạy vào phòng trong ôm đàn ghi ta ra hát “Từ nay người biết quê hương/ Từ nay người biết thương người/Từ nay người biết yêu người...”.
Phòng trà của Pháo hôm đó tự nhiên ấm áp. Trái tim mọi người muốn gần nhau hơn.
Pháo hát là gửi lại chút tình ai, cho mỗi người sống trong hoàn cảnh cách chia Nam - Bắc.
Một cái quàng vai thân thiết từ đôi tay gầy yếu của Nhạc sĩ Văn Cao sang Pháo. Ông bảo Pháo “Hãy nhớ đi... Nhớ hoa sấu rụng, vỉa hè đường phố. Nhớ tiếng sâm cầm chiều thu trên mặt nước như in của Tây Hồ. Nhớ cái “làng lúa”, “làng hoa”... Phải biết trở về với quá khứ, của chiến tranh. Như các cụ xưa nhớ chiếu hát, canh chầu, phố cổ... có thế mới thấy giá trị sum họp một nhà. Bài đó ra đời vào mùa xuân 1976. Báo Sài Gòn giải phóng in nhưng không được quảng bá trên đài, trên sàn diễn. Buồn!...Năm 1977. Con gái Hương Hương đi Nga học. Nó mang sang Nga được các bạn Nga dịch và phát hành. Xuất bản xong con gái gửi về cho bố. Ca khúc đó vẫn xếp trong ngăn kéo.
Năm 1985 nghĩa là sau mười năm thống nhất. Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha cùng Văn Cao được lãnh đạo Bình Định mời vào sáng tác. Trước khi đi, phải in một thành tích sáng tác thơ, nhạc và chân dung ba người để giới thiệu. Kha và Tạo thì dễ rồi! Còn Văn Cao, Kha bảo “Cụ đã nổi tiếng cứ in Quốc ca cho cụ”. Văn Cao bảo “Ngày xưa mình đã viết ca khúc giục giã người ra trận đi giữ nước. Lúc đó mình ngồi trên ban công số nhà 45 Nguyễn Thượng Hiền. Trông ra thấy cảnh đời và người dân bị mất nước. Nốt nhạc đầu tiên ra đời. Nốt nhạc đưa đoàn quân ra đi cứu nước. Mình mong có ngày hòa bình họ trở lại quê nhà. Nay đất nước thống nhất, mình muốn bài hát “Mùa xuân đầu tiên” được quảng bá rộng rãi, để chào đón người lính ra đi năm ấy đã trở về với mẹ”.
Nguyễn Thụy Kha vỗ đùi sau khi anh đọc “Mùa xuân đầu tiên” cho đó là ý nghĩa rất hay. Rồi bài hát đó được hát ở Bình Định thời ấy ông Tô Đình Cơ là chủ tịch tỉnh, ông Đỗ Quang Thắng làm Bí thư. Hội trường biểu diễn sau tượng đài Quang Trung, sau Ủy ban Tỉnh trong cả không gian và thời gian rộng lớn. Tiếng vọng từ Bình Định cũng chưa đủ đến mọi miền đất nước, đến với người lính hai miền buông súng trở về với luống cày.
Năm 1990. Hội việt kiều Pháp về nước đặt Kha làm phim về Văn Cao, thu thanh bài hát đó do Quốc Đông hát. Phim ra đời. Nhạc phẩm vẫn rơi vào sự quên lãng. Đến năm 1993. Nhân dịp kỉ niệm gì đó? Nhạc phẩm được anh em đưa vào biểu diễn. Từ sàn diễn bằng cảm xúc thật sự mãnh liệt. Nghệ sĩ - Minh Hoa thuộc đoàn văn công Tổng cục Chính trị đã mang đến cho người nghe tình cảm yêu thương của con người sau cuộc chiến thật dữ dội. Sân khấu tắt ánh đèn, màn nhung khép lại. Vợ chồng Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn nán lại ngồi chơi với anh em văn nghệ. Đại tướng nói bài ca “Mùa xuân đầu tiên” có tầm nhân loại về tư tưởng. Vì từ nay “Từ nay người biết thương người/ Từ nay người biết yêu người...” đã nói với nhân loại biết giá trị của sự yêu thương sau khi bước qua cuộc chiến tranh. Họ rất cần hòa bình, hữu nghị. Sau cuộc ấy nhóm Tam ca áo trắng luôn trình diễn “Mùa xuân đầu tiên” ở khắp nơi.
Có ý kiến cho rằng: “Sau khi đất nước thống nhất, nhiều ca khúc ca ngợi mùa xuân thống nhất ra đời. Nó được vang lên một vài lần và nay tự nhiên ít xuất hiện. Chỉ có một “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao được lan truyền rộng rãi trong và ngoài nước. Vì nó độc đáo. Nó không bị lạc lõng giữa nhân dân, hoặc thu hẹp. Thế đấy! Trên đời này nhân dân biết chọn lọc, biết tin,biết yêu cái gì? và biết thờ ơ cái gì không chạm vào trái tim của họ.
Dân ta, một dân tộc trên bốn ngàn năm lịch sử, họ có cả kiến thức và kiến văn. Đâu sống trong trí lực tầm thường. Văn học nghệ thuật đến với nhân dân nhất thiết không thể thiếu ánh lửa.
Đến với “Mùa xuân đầu tiên”. Ông phải vượt qua hàng mấy chục ca khúc trữ tình bất tận (Thiên Thai - Trương Chi - Đàn Chim Việt - Trường ca sông Lô - Làng tôi - Ngày mùa..).
Chiến tranh, ông sáng tác phục vụ cho cuộc chiến, động viên nhân dân. Những nốt nhạc vẫn dạt dào yêu thương “Làng tôi xanh bóng tre/ Từng tiếng chuông ban chiều/ Tiếng chuông nhà thờ rung…”. Ấy là cái đêm 19/8 ở Ứng Hòa, Hòa Xá về rước vợ đi bộ lên Việt Bắc theo kháng chiến. Khi ngồi trên thuyền đêm nghe thấy tiếng chuông ở nhà thờ Chương Mỹ. “Làng tôi” từ cảm xúc ấy mà ra. Rồi "Ngày mùa” cũng vậy “Ngày mùa vui thôn trang/ Lúa reo như hát mừng/ Súng tì tay anh bắn/ Em ngừng liềm trông sang...".
Cuộc đi bộ lên Việt Bắc biết mấy gian truân. Dọc đường nhạc sĩ gặp một cái làng ven sông Lô giặc đốt trụi... Ông đứng lặng nhìn ngàn lau thổi. Nước mắt chảy vào trong lặng đi. Để những dòng nhạc “Trường ca sông Lô” như lời ca bất tận tuôn chảy “Sông Lô nuôi dân thiên thu đã hòa mạch máu bao người/ Sông xuôi quanh co về, hòa mạch cùng với xuôi…”.
Với tư cách ý thức lớn lao của người công dân, tình yêu quê hương, đất nước bỏng cháy ông đã đi vào cuộc kháng chiến và ông cứ đi mãi, đi mãi, hòa cùng dân tộc cùng nhân dân. Đến ngày 30/4/1975 ông về. Cụ bà chạy ra ôm lấy ông sau bao năm xa cách. Cũng chỉ để lặng đi. Vì Văn Cao đang viết, đang nghĩ...những dòng nhạc mới “Mùa xuân đầu tiên” cho nhân loại.
Trọng Pháo đã bê được bình rượu “Kin Lao” cổ ngỗng chú Hưng từ Nam Định mang sang. Nhìn bình rượu, Văn Cao nói “Lần này về Thái Bình. Anh chỉ ngồi với chú được một tiếng vì còn có anh Huy Cận đang chờ ở nhà khách ủy ban Tỉnh”. Pháo cười “Anh chỉ đùa”. Ông ngồi duỗi chân, với bộ mặt an nhiên, khẽ cắn miếng ổi vùng Sa Cát. Hương vị của làng Bo đậu ngay trên đầu môi quyện lấy rượu Kin Lao. Chưng cất từ nếp cái hoa vàng vùng đất Nghĩa Hưng Nam Định với thứ men đặc biệt làm mềm môi.
Nguyệt Ánh hát “Huyền thoại về mẹ” của Trịnh Công Sơn. Tiếng hát chầm chậm nhẹ như bụi mưa xuân, thấm vào không gian nhà Pháo. Pháo hát theo “Đêm trong đèn ngồi nhớ lại/Từng câu chuyện ngày xưa”. Rồi Trung Hiếu con út của Pháo, giờ là nghệ sĩ nhân dân. Lúc đó còn bé lắm hát đệm theo bố “Mẹ về đứng dưới mưa/ Che đàn con nằm ngủ/ Canh từng bước chân thù/ Mẹ ngồi dưới cơn mưa...”
Nghe xong Văn Cao cất tiếng nhẹ mà ấm “Nói như nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, một người bạn già của anh, Trịnh Công Sơn viết dễ như lấy chữ từ trong túi ra”.
Tôi sốt sắng “Trịnh Công Sơn trong đèn ngồi nhớ lại. Còn anh “Tiến về Hà Nội” như một tiên đoán lịch sử”.
Ông cười hiền, mắt nhìn xa xăm.
Năm ấy, mình cùng Văn Thao đưa bà ấy về sơ tán ở phố Đống Năm - Thái Bình cùng một số anh em văn nghệ sĩ. Bài “Tiến về Hà Nội” được nhạc sĩ Tạ Phước, bố Tạ Bôn, chỉ huy dàn dựng một đêm diễn hoàn chỉnh ở phố Đống Năm. Có lẽ nhân dân phố Đống là người đầu tiên được thụ hưởng nhạc phẩm đó và cảm nhận được không khí giải phóng Hà Nội mà mình tiên đoán từ năm 1949. Âm nhạc nói lên tất cả, nó sâu và rộng, rất cao lại hay. Nó kêu gọi trái tim mọi người xích lại gần nhau hơn. Và đúng thế. Năm 1954 đoàn quân ta từ Việt Bắc tiến về Hà Nội. Nhân dân cả nước mới thấm câu “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân ta tiến về”.
Áp tết từ Đống Năm mình cùng vợ con về Việt Bắc. Còn một tốp Phạm Duy, họa sĩ Phạm Văn Đôn, số văn nghệ sĩ có tên tuổi chia nhau vào Cống Thần - Thanh Hóa, mình bị tấn công mọi phía, thoáng có phút buồn bực, lúng túng... đố kị lẫn nhau, tung ném bao lời “thị phi” vào mình. Họ biết “Tiến quân ca” đã hòa cùng máu thịt của nhân dân, của dân tộc nên “Tiến quân ca” đã có lúc phải đứng trước những thử thách không đáng có.
Ông như cây ăng ten nhỏ, khẽ rung lên như đang tiếp nhận điều gì mới mẻ của xã hội. Không! Đó là cái rung nhẹ của nỗi đau trong con người gầy yếu.
Đầu ông hơi cúi xuống. Tóc phủ kín vai ông vừa nói với bạn bè như vừa tâm sự với chính mình... Cuộc đời nhỏ mọn của Văn Cao đã nhiều lần suýt chết. Lần bị tàu Tưởng bắt. Bước vào phòng giam tưởng chẳng bao giờ ra được. Sẽ chết gục ở đây? Lần bị chảy máu dạ dày trên đường đi chiến dịch Tây Bắc, được Nguyễn Tuân đưa đến bệnh viện dã chiến Mai Châu (Sơn La) để mổ. Lần bị phục kích ở suối khi lên Việt Bắc nhận công tác.
Những lần như thế làm cho con người ông càng dày dặn hơn, kiên định hơn.
Ông xả thân cho cách mạng, đâu nghĩ cho riêng mình. Chỉ có gác hai căn nhà 108 Yết Kiêu, cùng vợ con đã chứng kiến tất cả.
Nhưng mọi sự bất hạnh lại đến với căn nhà mốc thếch, cũ kĩ nơi ông kiên nhẫn ngồi bên chén rượu. Mắt hướng vào khoảng trời xanh nhỏ qua ô cửa. Nhiều tối ông quên bật đèn. Nhìn chiếc piano hỏng, cùng chiếc giường đơn, mấy chiếc ghế, chỉ có cũ đi, mòn đi, già đi như đời vợ chồng Văn Cao. Nó lạc lõng trong sự đổi mới của xã hội, đang hòa vào đường phố.
Tự nhiên ông càng thương người vợ chung thủy, hiểu ông, chia sẻ đắng cay trong bao cơn hoạn nạn. Bà chắn mọi tai họa cho ông qua mọi kiếp nạn. Ông tự thương mình gầy quá, yếu quá. Đôi lúc nhớ tiếng đàn phải dùng “cùi” tay ấn phím vì những ngón nhỏ đâu đủ sức...Tự nhiên ông nghe như ai nói vọng từ ngoài cửa vào “Em thương anh gày quá! Không biết còn bao nhiêu cân? Liệu còn điều gì bất hạnh nữa đến với anh?”. Đó là tiếng của người vợ hiền. Không đấy là tiếng của nhân dân cần lao đường phố đang vọng vào với người viết Quốc ca như thể tâm sự chia sẻ...
Nghèo ông chịu được, chứ không chịu được nhục. Đó là danh dự và cũng là thái độ của kẻ sĩ.
Cái nghèo chẳng lúc nào buông tha người nghệ sĩ. Nhưng có ai vì nghèo mà không vẽ, không viết, không làm nhạc.
Hai mươi năm không được sáng tác nhạc. Ông quay ra vẽ tranh để đổi lấy rượu uống. Toan, màu vẽ, chạy vạy tính toán từng tí một, đâu có tiền mua. Dưới tranh chỉ kí một chữ “Văn” còn cái tên “Cao” cũng biến đi đâu mất...
Thật là “Mưa trong trắng/ tiếng nhỏ đều đều/ Bến mờ mịt mấy mái lều bơ vơ/ Thuyền về nằm ngủ trong mưa/ Trên con sông vắng lập lờ bóng trăng”... Đấy là tâm trạng ông buồn trong lúc gặp thời cuộc khó khăn nhất.
Buồn như Thăng Long hoài cổ. Phảng phất đó đây hạt mưa xuân, chiều muộn. Cầm bút vẽ Hà Nội nhưng không theo Phố Phái. Văn Cao ngồi vẽ phố Nguyễn Du. Chính cái phố mang tên nhà đại thi hào cho ông nhiều điều nghĩ suy thời cuộc. Sáng tác trước kia Văn Cao nói đến cờ Hồng. Sau khi ông ngược đường đi Bắc. Thế là thái độ dứt khoát rồi! Nhạc phẩm ông dám viết hai chữ “Việt Minh”. Viết cờ đỏ sao vàng. Đó là thời kì chuyển mạnh về tư tưởng.
Nói đến “buồn” sao lại không nhớ đến “Buồn tàn thu”. Ông viết năm 16 tuổi. Hà Nội hồi đó không ai dám hát. Rồi một hôm trên đường vào khu 4, ông nghe thấy Thái Thanh hát trên đài Sài Gòn. Ông bảo đồng chí bộ đội cho mình nghe hết bài ca đó. Nghe xong ông khóc. Nước mắt cứ thế rơi, ông đưa tay móc trong túi ra bao thuốc lá “mãi lộ” cho đồng chí bộ đội.
Nói về “tình” Phạm Duy có nhiều hơn. Ông chỉ có một Nghiêm Thúy Băng. Ngoài ra ông chỉ có tình với núi sông, đất nước. Tình của ông là tình mộng mơ. Sao có tình khác được...
Tay cầm được quả táo đỏ. Đó là Nghiêm Thúy Băng để cùng nhau đi hết cuộc đời đói no, vinh nhục.
Quả táo đỏ sinh ra lớn lên gia đình tư sản, con cụ Nghiêm Xuân Huyến. Cụ là chủ báo Bắc Kỳ Thể thao. Sau làm chủ báo “Con ong”. Rồi làm chủ nhà in Rạng Đông. Một tư sản nổi tiếng thời đó.
Cụ Huyến là bạn thân của Trần Huy Liệu, là nhà cách mạng nên mới in truyền đơn giúp ông Liệu.
Sau khi bị lộ. Cơ sở in bị vỡ, nó đào được cái hầm chứa máy in báo ở gần Hồ Sen. Vì thế cụ Huyến bị giặc bắn chết. Cụ nằm xuống trước 3 ngày cách mạng tháng Tám thành công.
Văn Cao đến với Nghiêm Thúy Băng mối tình như lòng sông chảy nặng phù sa, chẳng sợ mưa rơi. Một chút gì thi sĩ, một chút lãng mạn của Thiên Thai, một chút gì chuyển động của cô gái thanh tân Hà Thành thời đầu cách mạng, qua những ngày làm báo Độc lập in ở nhà cụ Huyến.
Nguyễn Thành Lê là người đã nhìn ra mối tình đó. Nó như rặng tầm xuân trước nhà nở ra thơm ngát. Khác chi đào hồng, đào nụ hé nở lúc chớm xuân về. Anh Lê nói với cụ Trịnh Thị Loan người sinh ra Nghiêm Thúy Băng rằng: “Văn Cao năm nay mới 24 tuổi. Một thanh niên mới hòa nhập vào cách mạng. Xem ra anh là người có tài, một cán bộ tốt. Nếu cụ xem được gả Thúy Băng cho Văn Cao”.
Cụ Loan người Cự Đà. Tính tình cẩn trọng, kín đáo, khác gì Văn Cao cẩn trọng nhặt từng con chữ đưa lên mặt báo.
Một buổi tối cụ ướm lời hỏi con gái chuyện tơ duyên khó nói...Thúy Băng xem ra “đường tình” dường đã xiêu xiêu. Hai người tay này vin cành mận, tay kia níu cành hồng. Đủ năm. Văn Cao, cậu lính mới bước vào buồng nhỏ Thúy Băng.
Ngày tổ chức Văn Cao tròn 25 tuổi. Thúy Băng mười bảy. Cưới nhau chưa kịp sảy giường giũ chiếu vài hôm đã phải đi theo tổ chức. Ông đã trở thành người của Đảng. Do anh Lê Đức Thọ rèn cặp đào tạo. Văn Cao đứng dưới cờ Đảng cùng ngày cùng giờ kết nạp với cụ Ngô Tất Tố và nhà văn Kim Lân.
Thúy Băng nhiều lần nói “Tôi không phải là đảng viên. Lấy chồng có Đảng. Tôi phải cố gắng giữ lấy đạo, lấy đời và đạo người Cộng sản nữa. Mặc dù anh luôn xa nhà, có năm đi Liên Xô - Trung Quốc suốt mấy tháng liền nhưng vợ chồng vẫn tắm chung một dòng sông”.
Năm 1948 có cháu đầu là Văn Thao, đẻ ở Vĩnh Chân, Hiệp Hòa, Phú Thọ. Nơi có dòng sông Lô chảy xiết, tình cảm vợ chồng như mít chín, trám thơm, cùng chung đón ngọn gió từ cánh đồng Vĩnh Chân thổi về và thưởng cái nắng trung du thơm mùi mật “sắn”.
Ốm quá! Những năm treo bút, được Nguyễn Tuân gọi đùa là "vua" mà ông Tuân cũng chẳng giải thích tại sao gán cho biệt danh đó?
Đã là con người, ai không phải vượt qua mọi trầm luân của thời cuộc. Nó xô đẩy mình theo, mình phải chịu. Trong cuộc vận động có lúc gặp được sự tươi mát như buổi sáng nắng xuân, có khi oi bức như chợ chiều. Hỗn tạp, phiền phức… Nhưng người nghệ sĩ là chiến sĩ, phải có tinh thần đứng dậy. Không được gục ngã. Đó là bản lĩnh về nghị lực của kẻ sĩ. Văn Cao đã làm tròn được nhiệm vụ đó.
Văn nghệ sĩ thường là người nhạy cảm. Sớm bắt được những tín hiệu mới như cánh chim báo bão. Tư duy của Văn Cao thuộc loại có “tầm” để lý giải được nhiều vấn đề trong cuộc sống, gửi vào tác phẩm của mình.
Những sáng tác của ông dù ở trong thể loại nào cũng được sự đồng tình của nhân dân. Nó dẫn dắt người nghe, người xem, người đọc đến được thế giới trí tuệ bằng lối suy nghĩ nhân ái và sâu sắc...
Đêm ấy! Văn Cao ngồi nhà Trọng Pháo tới một giờ khuya. Không phải một tiếng như anh nói.
Cuộc rượu sang trọng là do thái độ ứng xử khiêm nhường của ông đối với văn nghệ sĩ lớp dưới. Còn vật chất không xứng với hạt bụi của xã hội. Những người tài danh như ông đâu dễ để ý đến vật chất, đến sự tầm thường hàng ngày ông gặp. Có thế ông mới sống nổi?
Từ Trọng Pháo - Nguyệt Ánh - Trọng Hiếu - Trọng Thắng - Trần Dậu, họ lấy đức độ, tình cảm của con người để nuôi dưỡng tinh thần Văn Cao. Một Văn Cao tài năng, một Văn Cao nhân hậu. Thế đấy! Mà có lúc chân dung ông mờ đi, bởi một màn sương dày đặc bao phủ. Gần sáng rồi Văn Cao mới dò dẫn về tới cổng nhà khách UBND tỉnh. Bên phải là Trọng Pháo, Trần Dậu, bên trái là Trọng Thắng và Trọng Hiếu. Cổng nhà khách đã đóng Trọng Thắng liền bảo bác Văn Cao bám vào vai cháu đu lên trụ cổng. Rồi Trọng Thắng trèo tường vượt rào, cõng anh Văn Cao xuống dò dẫm vào nhà khách chỗ anh Cù Huy Cận đang chờ.
Ngồi viết đôi dòng về ông thấy quá khứ về ông sống lại và tìm thấy trong ông nhiều điều thú vị mới mẻ. Đấy là tâm hồn và sự xót đau đầy sức mạnh của kẻ sĩ.
Ông thật sự là người bình thường cần lao của xã hội, là người mà nhân dân yêu mến, nên lúc ông nằm xuống, nhiều nơi nhân dân đã đề nghị đặt tên đường Văn Cao. Chẳng phải một Hải Phòng còn Huế - Đà Nẵng - Hà Nội - Tuyên Quang. Xã Liên Minh huyện Vụ Bản còn xây trường đặt tên ông. Nhiều nhà điêu khắc, họa sĩ tạc dựng chân dung ông. Vừa để tưởng nhớ, vừa để chiêm nghiệm cuộc đời ông. Trong đó có tôi được nhà điêu khắc Trần Thức đã dựng tượng Văn Cao, cao hơn 1,42m trong sân tượng nhà mình.
Cứ mỗi sớm mai. Bình minh thức dậy, hàng triệu triệu người dân Việt Nam lắng nghe từng bước chân kiêu hãnh của những người lính tung lá cờ Tổ Quốc tung bay lên, hòa theo lời hát Quốc ca của Văn Cao trên truyền hình. Ngoài khơi dọc từ Sa Vĩ đến Hà Tiên. Những hòn đảo nhỏ cũng vang lên Tiến Quân ca của người lính, cổ vũ họ luôn chắc tay súng giữ non sông đất nước yên lành.
Tên ông gắn liền với Quốc Ca, dẫn dắt dân tộc ta đi lên xã hội mới, kịp với thời đại văn minh của loài người.
Đấy mới chính là Văn Cao. Một thi sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ tài năng của nước Việt.
Võ Bá Cường