TRẦN NGỌC PHÚ VÀ GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC MÊ KÔNG
Ngày: 17/02/2022

TRẦN NGỌC PHÚ VÀ GIẢI THƯỞNG

VĂN HỌC MÊ KÔNG

CAO BÁ KHOÁT

Hàng năm, Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình và các chi hội tổ chức cho hội viên đi thực tế để nắm bắt tình hình, thu thập tư liệu, sáng tạo ra các tác phẩm có giá trị, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn học và nghệ thuật của đông đảo quần chúng nhân dân. Văn phòng Hội Văn học Nghệ thuật tổ chức cho anh chị em văn nghệ sĩ chi hội Văn học đi thực tế tại đảo Cát Bà (Quảng Ninh). Một chuyến đi kì thú và bổ ích. Các văn nghệ sĩ được đến thăm vườn quốc gia nguyên sinh, thăm động Trung Trang. Thú vị nhất là chuyến du lịch bằng tàu cao tốc trên vịnh Lan Hạ, một vùng vịnh đẹp nhất của huyện đảo Cát Bà. Trên tàu, các nhà thơ, nhà văn vui vẻ trò chuyện với nhau, đủ các thứ truyện trên trời, dưới biển. Họ đọc cho nhau nghe những bài thơ vừa sáng tác và họ tặng nhau những cuốn sách vừa được các nhà xuất bản cho ra mắt bạn đọc. Đặng Thành Văn, chi hội trưởng chi hội Văn học vui vẻ nói với mọi người: - Người Hải Phòng viết thơ về đảo Cát Bà, viết về vịnh Lan Hạ hay lắm. Còn chúng ta: Những văn nghệ sĩ của quê lúa Thái Bình đã đến đây, đã được nghe kể về vùng này, liệu có thi sỹ nào đã ứng khẩu thành thơ. Ai đã viết được bài nào về Lan Hạ, về Cát Bà thì đọc lên để mọi người thưởng thức. Tất cả đều im lặng, có nghĩa là các thi nhân còn đang suy nghĩ. Trong thâm tâm ai cũng muốn trong chuyến đi này, sẽ viết được một tác phẩm trình làng, in trong tạp chí văn nghệ của Hội. Một giọng nói vang lên ở phía đầu tàu: - Phú xin nói câu này, mong tất cả anh chị em thông cảm. Ngồi trên tàu cao tốc hôm nay, Phú thấy có rất nhiều nhà văn, nhà thơ của chi hội chúng ta, trong thời gian vừa qua, đã hăng hái tham gia cuộc thi viết về “Đất Thái Bình và Người Thái Bình”, nhiều nhà văn, nhà thơ đã được nhận những giải thưởng cao quý của tỉnh, chắc các anh, các chị đều đã manh nha trong đầu những vần thơ, những áng văn tuyệt diệu. Tôi hỏi ông Giang: - Ai vừa nói vậy? Trông vị này vừa lạ, lại vừa quen. Ông Giang cười hà hà, bảo rằng: “Hội viên mới toanh của chi hội ta đấy, ông chưa được nghe giới thiệu hả?” Nói với tôi như thế, rồi ông Giang quay ra nói to với mọi người: - Anh chị em ơi, ông bạn chí thân của tôi nêu ý kiến đề nghị tân hội viên của chi hội chúng ta, tự giới thiệu về mình, để anh chị em trong chi hội làm quen nhé. Trần Ngọc Phú với tác phong người lính, đã từng chinh chiến trên mọi chiến trường đứng lên dõng dạc nói: - Vâng, thưa các anh, các chị. Phú là hội viên mới toanh của Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình. Lần đầu tiên đi thực tế cùng anh chị em trong chi hội của chúng ta… Ngọc Phú xin được tự khai báo tiểu sử bản thân như sau: Họ tên đầy đủ là Trần Văn Phú, từ ngày lấy vợ, đổi chữ đệm thành Ngọc Phú. Phú sinh năm Nhâm Thìn 1952. Trước khi nhập ngũ, Phú công tác tại Xí nghiệp đóng tàu Thái Bình. VNTB 01(258) - 2022 65 TRAO ĐỔI - NGHIÊN CỨU - LÝ LUẬN Tròn hai mươi tuổi, Phú tình nguyện gia nhập quân đội, được biên chế vào đại đội 5, Tiểu đoàn 817, Trung đoàn 8, Quân khu Tả Ngạn. Ba tháng sau, Phú được điều động đến đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 36B, Sư đoàn 308B. Tháng 1 năm 1973, Phú được đề bạt làm tiểu đội phó, Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 273, Sư đoàn 341, Quân khu 4. Tôi lên tiếng: - Ái chà chà, xem ra anh chàng này đánh đông, dẹp bắc ở nhiều đơn vị thế nhỉ? Ngọc Phú vẫn tiếp tục kê khai lí lịch với mọi người: “Chưa hết đâu ạ. Tháng 1 năm 1975, Phú được đề bạt làm trợ lí chính trị Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 273, Sư đoàn 341”. Đặng Thành Văn bổ sung: - Sư đoàn 341 được thành lập ngày 23 tháng 11 năm 1972. Sư đoàn trưởng là Đại tá Trần Văn Trân. Cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 341 tham gia đánh địch ở mặt trận miền Đông Nam bộ, cùng đơn vị bạn đánh giặc giải phóng Dầu Tiếng, Thủ Dầu Một, Nhơn Thành, Bình Long. Đánh địch trên đường 13 Sông Bé, sau đó tham gia trận Xuân Lộc, Long Khánh. Đánh tan rã địch ở chi khu Trảng Bom, Hố Nai, Biên Hòa. Rồi tiến vào giải phóng Sài Gòn. Tháng 7 năm 1977 sau khi hoàn thành nhiệm vụ quân quản tại Sài Gòn Gia Định, Sư đoàn 341 đóng quân ở tổng kho Long Bình. Tháng 9 năm 1977 đang chuẩn bị chuyển sang làm kinh tế thì đơn vị nhận được lệnh: “nhanh chóng nhận lại vũ khí, trang bị để lên bảo vệ biên giới Tây Nam”. Xe của đoàn 33 chở anh em đến Tây Ninh, qua Gò Dầu Hạ, lên cửa khẩu Mộc Bài. Trần Ngọc Phú tiếp lời: - Trước khi vào nhiệm vụ quan trọng này, cấp trên cử Phú về làm tiểu đội trưởng tiểu đội 7, đại đội 2. Đây là tiểu đoàn đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang trong chiến dịch lịch sử mang tên Bác. Tháng 5 năm 1978, Phú được thăng quân hàm chuẩn úy, là chính trị viên phó đại đội 1, tiểu đoàn 1, trung đoàn 273, sư đoàn 341 và đến tháng 3 năm 1979, Phú mang quân hàm thiếu úy rồi trung úy, trưởng tiểu ban dân địch vận của trung đoàn 273. Nhiệm vụ của cán bộ chiến sĩ sư đoàn 341 là trừng trị bọn Khơ Me đỏ, đồng thời giúp nước bạn thoát khỏi họa diệt chủng do bọn Pôn Pôt[1]Yêng Xa Ry gây ra. Mười một năm cầm súng đánh giặc. Năm 1983, Ngọc Phú xuất ngũ về xây dựng quê hương. Chi hội trưởng Đặng Thành Văn nói rõ thêm: - Thưa tất cả anh chị em, trung úy Trần Ngọc Phú đã có niềm vinh dự được tham gia chiến dịch lịch sử mang tên Bác, chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ. Đặc biệt là anh Phú đã trực tiếp cầm súng chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Chính vì vậy nên Ngọc Phú đã viết nên gần một nghìn trang hồi kí về cuộc chiến đấu vĩ đại đó. Những trang hồi kí của cựu chiến binh Trần Ngọc Phú đã được nhà xuất bản tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh cấp giấy phép xuất bản liền một lúc ba tập. Cả ba tập sách đều mang tên: “Từ biên giới Tây Nam đến đất nước Chùa Tháp”. Trần Ngọc Phú hồ hởi nói với các nhà thơ, nhà văn: - Vâng, đọc sách và viết sách là niềm vui lớn nhất của Phú. Được kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật của tỉnh cũng là niềm vinh hạnh, niềm mơ ước lớn lao của người lính cầm bút. Hôm nay, Ngọc Phú xin tặng anh chị em có mặt trong chuyến đi lịch sử này, mỗi người một bộ sách ba tập… Mọi người đón nhận món quà tặng của người lính cầm bút. Sách in khá chững chạc, giấy tốt. Bìa sách có những tấm ảnh cây thốt nốt, tượng đài bộ đội Việt Nam và bộ đội Camphuchia sừng sững, oai phong, thắm tình hữu nghị…Trong các tập sách đều có ghim những bức ảnh màu minh họa cho từng giai đoạn, từng chi tiết… Tôi nhìn lướt qua những trang đầu của cả 66 VNTB 01(258) - 2022 TRAO ĐỔI - NGHIÊN CỨU - LÝ LUẬN ba tập hồi kí, lẩm nhẩm trong miệng: “Sách in dày dặn và rất đẹp. Mỗi tập trên dưới 300 trang. Trung tướng Lê Nam Phong, nguyên sư đoàn trưởng sư đoàn 7, nguyên Phó tham mưu trưởng mặt trận 719, tư lệnh quân đoàn 1 đã viết lời giới thiệu: Bộ hồi kí "Từ Biên giới Tây Nam đến đất chùa Tháp" của Trần Ngọc Phú thuật lại sự kiện diễn ra của sư đoàn bộ binh 341, từ khi nhận lệnh lên biên giới Tây Nam làm nhiệm vụ đánh đuổi bè lũ diệt chủng PônPôt-Yêng XaRy xua quân sang đốt phá làng mạc, tàn sát đồng bào ta ở dọc đường biên, tới lúc sang giúp nước bạn Campuchia đánh đổ bè lũ diệt chủng, lập lại hòa bình, ổn định và xây dựng đất nước. Chuỗi sự kiện quan trọng xảy ra trong thời gian rất dài ấy, được trần thuật với thể loại hồi kí, hồi ức của một người vốn là sỹ quan quân đội - đồng chí Trần Ngọc Phú (người trong cuộc) nên giá trị hiện thực của tác phẩm rất cao”. Ông Giang gật đầu thán phục: “Cả ba tập sách đều rất dày, để về nhà vừa đọc, vừa nghiền ngẫm. Bây giờ đề nghị tác giả Trần Ngọc Phú kể lại một vài kỉ niệm nhớ đời của anh trong suốt 11 năm tại ngũ cho mọi người nghe nhé”. Cô Hồng hưởng ứng ngay: - Đúng đó, ý kiến của nhà thơ Phạm Minh Giang rất trúng cái bụng của tất cả mọi người. Không gì vui bằng được nghe chính tác giả kể lại những kỉ niệm vui buồn trong những năm tháng cầm súng đánh giặc. Kể đi anh Phú. Đặng Thành Văn cũng tiếp sức: “Anh Phú kể đi, chỗ nào cần thiết thì Văn bổ sung”. Cô Hồng quay sang hỏi chi hội trưởng: - Thì ra Đặng Thành Văn đã có diễm phúc được đọc bản thảo trước chúng tôi. Đúng không? Có ai đó lên tiếng trả lời cô Hồng thay cho ông Văn: - Đặng Thành Văn và Trần Ngọc Phú đã có thời gian sống chung trong tiểu ban dân địch vận của trung đoàn 273. Tôi đã tranh thủ đọc được mấy trang đầu của tập 3 sách "Từ Biên giới Tây Nam đến đất chùa Tháp". Từ đó tôi biết rất rõ tình bạn chiến đấu giữa Đặng Thành Văn và Trần Ngọc Phú. Hay thật đấy! Đúng là quả đất tròn, đôi bạn khi xưa cầm súng chung chiến hào diệt Pôn Pốt, nay lại cầm bút viết văn, sinh hoạt chung trong chi hội văn học của Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình. Tuyệt vời và trên cả tuyệt vời. Đặng Thành Văn nói với anh chị em: - Hồi đó tôi là chính trị viên đại đội 4, được điều động lên bổ sung cho tiểu ban dân địch vận của trung đoàn, nghe tin anh Phú, người Thái Bình cũng được điều về đây. Tôi mừng lắm. Chủ nhiệm chính trị Đặng Văn Lưa nói với mọi người: “Ông Văn và ông Phú sẽ là hai người đầu tiên thành lập tiểu ban dân địch vận”. Trần Ngọc Phú rất vui kể lại: - Anh Đặng Thành Văn và tôi cùng quê Thái Bình, cùng trạc tuổi với nhau, nhập ngũ cùng một đợt và đã có thời gian cùng ở tiểu đoàn 1. Bây giờ lại về cùng một ban, thật thú vị xiết bao. Tôi thường mắc võng kề bên võng của anh Văn để tiện chuyện trò tâm sự. Chúng tôi coi trung úy Đặng Thành Văn là nhà thơ của đơn vị. Tôi thuộc rất nhiều thơ của anh Văn, xin đọc một bài mà tôi tâm đắc nhất để mọi người nghe. Đây là bài thơ đã in trên tờ tin của sư đoàn 341: “Em ơi, em có biết Tim hồng anh đang say Những chiều hè mây bay Dãy Trường Sơn hùng vỹ Anh lên đường đánh Mỹ Em ở lại hậu phương…” Cô Hồng hỏi luôn: “Giữa hai vị …có kỉ niệm nào sâu sắc nhớ đời không?” Trần Ngọc Phú nói như kể chuyện: - Bữa đó, tôi ngồi ăn cơm cạnh anh Văn. Cơm nắm ăn với ruốc bông. Tiếng súng hướng tiểu đoàn 7 vẫn rộ lên, nhưng không ồ ạt như trước đó. Tôi vừa đứng lên đi “tháo nước trong lòng”, quay về thì thấy anh Văn VNTB 01(258) - 2022 67 TRAO ĐỔI - NGHIÊN CỨU - LÝ LUẬN kêu to: “Ôi, tôi bị trúng đạn rồi…ông Phú ơi, tôi bị thương rồi”. Hai tay anh Văn ôm lấy đùi, máu đang tuôn ra, thấm qua lần vải. Tôi vội lấy cuộn băng, băng vết thương cho anh. Y tá đơn vị đến sơ cứu, tiêm thuốc kháng sinh chống nhiễm trùng và chuyển anh về trạm phẫu phía sau. Đặng Thành Văn đập nhẹ lên vai Phú bảo rằng: - Chuyện đó có gì đâu mà kể mãi. Đời lính anh nào mà chẳng đôi ba lần dính đạn. Phú kể cho anh chị em nghe chuyện đánh trận Cây Me ấy. Trần Ngọc Phú vui vẻ kể luôn: - Thưa các anh, các chị. Trong hàng trăm kỉ niệm mà Ngọc Phú đã ghi lại trong ba tập sách, có một số kỉ niệm mà không bao giờ Ngọc Phú lãng quên. Phú sẽ kể để mọi người nghe. Chúng ta đã nắm được ý đồ của bọn Pôn Pốt là chuẩn bị dồn quân tấn công sang huyện Bến Cầu, làm bàn đạp đánh chiếm Tây Ninh. Trận đầu vô cùng cam go và ác liệt. Bọn Pôn Pốt xua quân sang chiếm khu vực Cây Me, xã Long Khánh. Trận đánh bọn Pôn Pốt lần này do Trung đoàn Phó Lê Tiến Hạt chỉ huy…Anh Lê Tiến Hạt là người Kiến Xương. Sau ba giờ chiến đấu, ta đã đánh tan tác trung đoàn 182 của giặc. Chúng tháo chạy về đất Campuchia và ở đó lính PônPốt thường xuyên dùng súng cối bắn sang đất Việt để thăm dò và khiêu khích. Bọn Pôn Pốt xảo quyệt và ngu ngốc. Chúng không biết ý chí kiên cường, tinh thần dũng cảm của người lính Cụ Hồ…Trước đây, có ý kiến đánh giá quân đội PônPốt chỉ là đội quân nhỏ lẻ, vũ khí thô sơ, trình độ tác chiến không cao. Có ý kiến cho rằng đây là cuộc xung đột nhỏ lẻ ở nơi biên giới. Qua một thời gian đánh trận, chúng ta thấy nhận định đó không đúng. Khi địch ồ ạt tấn công sang đất ta, chúng ta khẳng định: “Đây là cuộc chiến tranh xâm lược, do tập đoàn phản động Pôn Pốt gây ra và phía ta: những người lính cụ Hồ là cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc”. Khẳng định điều đó là rất chính xác. Trong tâm trí mỗi người lính, lúc nào cũng vâng theo lời dạy của Bác Hồ: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Trận đấu cam go và vô cùng quyết liệt. Bọn địch bố phòng ở Chi Phu, Chuôi Vồ, Rừng Sở rất kiên cố, có nhiều lớp chốt, chằng chịt giao thông hào và các điểm hỏa lực. Đúng giờ G, các loại pháo của trung đoàn 55; gồm 6 khẩu pháo 105 ly, 4 khẩu 85ly, 4 khẩu 130ly của lữ đoàn 24, hai khẩu 175 ly “Vua chiến trường”, trên xe tự hành của lính Hải quân ở Mộc Bài, ở Tốc Xé đồng loạt khai hỏa, bắn phá các mục tiêu. Sáu chiếc xe tăng T54, T39 cùng bộ binh tiến dọc đường số một. Hướng làng Tiên Thuận, Tốc Xé có 10 xe bọc thép M113 đánh tạt sườn, từ hướng Tây Bắc sang Pavets1. Đặng Thành Văn bổ sung: - Trước giờ xuất phát, chỉ huy xuống từng trung đội, đại đội để động viên tinh thần chiến đấu của chiến sỹ. Hội phụ nữ và nhân dân huyện Bến Cầu đến động viên, tặng thực phẩm, bánh trái cho anh em. Tất cả đều quyết tâm: “Kiên quyết quét sạch bè lũ xâm lược Pôn Pốt ra khỏi đất đai của Tổ Quốc”. Đúng 4 giờ ngày 23 tháng 10 năm 1977: Ba phát pháo hiệu vụt lên trời! Các loại pháo thi nhau nổ dồn dập. Nghe Đặng Thành Văn và Trần Ngọc Phú kể, chúng tôi hình dung ra một trận đánh vô cùng ác liệt. Tiếng súng vang lên khắp chiến tuyến. Đủ mọi loại súng tập trung đẩy lùi đối phương về phía sau. Tiếng la ó của những tên lính Pôn Pốt bị trúng đạn. Ngọc Phú bảo: Đây là trận đầu đánh Pôn Pốt. Sau khi các đơn vị tấn công các mục tiêu, hoàn thành đúng như kế hoạch, chỉ huy ra lệnh cho đơn vị rút quân và thu dọn chiến trường. Anh em vận tải được mùa chiến lợi phẩm. Trận đầu ta hoàn toàn chiến thắng! Cô Hồng thở phào nhẹ nhõm: - Trận đầu đã cam go và ác liệt như thế, 68 VNTB 01(258) - 2022 TRAO ĐỔI - NGHIÊN CỨU - LÝ LUẬN chắc chắn những trận tiếp theo còn dữ dội hơn nữa… Trần Ngọc Phú nói tiếp: - Sau chiến thắng oanh liệt của trận đầu, chúng tôi chưa kịp xả hơi thì liên lạc đại đội chạy đến thông báo lệnh của tiểu đoàn: “Tất cả các tay súng chống tăng B40, B41, DKZ75, DKZ82 của các đơn vị tập trung lên điểm M gần đường 241, sẵn sàng chiến đấu! Trận này do cán bộ tiểu đoàn trực tiếp chỉ huy. Ta phát hiện có rất nhiều xe tăng đang tiến từ hướng Tây Bắc về theo đường 241”. Tình hình gay go phức tạp rồi đây. Tất cả đều chuẩn bị sẵn sàng cho trận chiến khốc liệt sắp xảy ra. Ai cũng băn khoăn: “Tại sao bọn PônPốt lại dùng xe tăng, thiết giáp đánh đêm với mình?” Có một người lính trẻ đến cạnh Phú hỏi rằng: “Anh Phú ơi, nếu xe tăng của lũ Pôn Pốt vào đây, em sẽ nhảy lên xe, tương lựu đạn vào trong xe như anh hùng Cù Chính Lan”. Phú bảo người chiến sĩ đó: “Em ngây thơ quá, em đã học cách nhảy lên xe tăng, xe bọc thép bao giờ chưa?” Người lính trẻ ngập ngừng giây lát rồi nói luôn: “Mặc dù em mới chỉ học lăn lê, bò toài và bắn súng AK, nhưng nếu cần em vẫn nhảy lên xe tăng của chúng”. Phú bảo: “Đánh xe tăng không dễ như các em tưởng tượng và không như các em xem phim đâu. Các anh phải tập mãi mới nhảy lên xe được đấy”. Đang nói chuyện với người lính trẻ thì anh Trụ đến. Anh Trụ bảo: “Bây giờ Ngọc Phú cho liên lạc đi các trung đội xem số súng, đạn M72 còn bao nhiêu và hội ý chỉ huy để bàn cách đánh”. Chuông điện thoại vang lên . Anh Trụ nghe điện thoại và thông báo với anh em: “Như vậy là đã 7 ngày chúng ta làm chủ từ biên giới tới khu vực sông Ba Sa, đánh thắng nhiều trận và truy quét, tiêu diệt nhiều tên địch. Chiến thắng của quân đội ta làm cho Pôn Pốt của chúng vô cùng cay cú..” Cô Hồng hỏi xoáy Ngọc Phú: - Suốt 11 năm trong quân ngũ, bảo vệ biên giới Tây Nam, anh Phú có để ý đến cô gái Cămpuchia nào không đấy? Ông Giang cũng đệm thêm: - Đúng đúng, mối tình đầu của Phú thế nào, kể cho anh chị em nghe đi… Trần Ngọc Phú có vẻ ngần ngại, Đặng Thành Văn thấy thế, cứu nguy ngay: - Chuyện mối tình đầu của Trần Ngọc Phú…Phú đã viết trong ba tập hồi kí. Nếu bắt Phú kể ra đây, e rằng đến tết sang năm cũng chưa hết được. Xin các vị để cho Phú khất đến khi khác nhé. Tôi bảo: - Hôm nay, chuyến đi thăm vịnh Lan Hạ, trên đảo Cát Bà, được nghe Ngọc Phú kể chuyện rất hay, các nhà văn, nhà thơ sẽ viết được nhiều bài, đấy mới là chuyến đi bổ ích. Nhưng cho tôi hỏi câu này nữa nhé: “Sau khi xuất ngũ, Ngọc Phú có khi nào thăm lại chiến trường xưa? Có gặp lại anh em đồng đội? Trần Ngọc Phú vui vẻ trả lời tôi: - Đã là người chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam, năm nào chúng tôi cũng tổ chức những chuyến đi thăm lại chiến trường. Thắp hương cho các đồng chí đã anh dũng hy sinh. Còn về đồng đội, những người đã một thời sống chết bên nhau thì thường xuyên điện thoại cho nhau hỏi thăm tình hình. Đặng Thành Văn nói với anh chị em: - Xin vui vẻ thông báo với anh chị em: Hiện nay đang có 2 tin vui, rất vui. Một là Trung úy Trần Ngọc Phú của chúng ta hiện nay là giám đốc của hai doanh nghiệp lớn. Những người lính của Cụ Hồ, ở đâu cũng lập công xuất sắc, ở đâu cũng làm nên những chiến tích diệu kì. Tin vui thứ hai là: Bộ sách ba tập hồi kí của Trần Ngọc Phú mang tên “Từ biên giới Tây Nam đến đất nước Chùa Tháp” đã đoạt giải thưởng văn học sông Mê Kông lần thứ 11, giải thưởng danh giá của hiệp hội sáu nước có chung dòng Mê Kông. Một ngày không xa, Trần Ngọc Phú sẽ sang Phnôm Pênh nhận giải.  

CAO BÁ KHOÁT