Tôi là người sinh ra sau chiến tranh, lớn lên bằng những bài học lịch sử. Thế hệ chúng tôi yêu Tổ quốc theo những bài học ông cha để lại qua những trang sách cộng thêm chút tính cách riêng của chính bản thân mỗi người
Tôi là người sinh ra sau chiến tranh, lớn lên bằng những bài học lịch sử. Thế hệ chúng tôi yêu Tổ quốc theo những bài học ông cha để lại qua những trang sách cộng thêm chút tính cách riêng của chính bản thân mỗi người. Mỗi người chọn cho mình một cách thể hiện tình yêu đó khác nhau. Nhà thơ Mỹ Larry Heinemann và nhà thơ nữ trẻ Đông Hà tại Hội thảo Diễn đàn văn học Việt - Mỹ Và với riêng tôi, tôi đã chọn cách thể hiện tình yêu Tổ quốc mình qua những bài dạy trên lớp cho học sinh cùng một cuộc sống bình dị vẫn diễn ra hằng ngày. Đó là thời thơ ấu được bước đi trên con đường làng ngập mùi hoa dại. Những năm tháng cả đất nước vừa bước ra khỏi chiến tranh, còn nhiều cơ cực những ký ức tuổi thơ vẫn còn lưu giữ những đám mây trắng bồng bềnh trôi trên bầu trời thơm ngát hương hoa. Những cánh đồng mùa chiêm lạnh tái ngắt vẫn thoang thoảng mùi rơm rạ mỗi chiều đông làm ấm lòng những đứa bé chăn trâu ngồi co ro nướng củ khoai làm niềm vui không thứ gì có thể đổi được.
Tình yêu Tổ quốc lớn lên trong tôi bằng những con đường tiếp bước qua tháng năm. Những chuyến xe đò lạch cạch chở tôi đi suốt chiều dài đất nước bằng sự nỗ lực rất lớn của chính mình trong thời gian đó đã giúp tôi ý thức được nhiều hơn về một khuôn mặt Mẹ đầy nếp nhăn. Nếu như trên trái đất này, ai đó đã từng tự hào cho rằng vẻ đẹp của người già nằm ở nếp nhăn, những nếp nhăn là quà tặng của đời, là những trải nghiệm đẹp về cuộc đời rất đáng sống này thì quả thật lúc đó tôi không thích. Mẹ tôi vẫn còn trẻ lắm, bà cùng cha tôi đã cùng nhau trải qua cuộc chiến vừa rồi để cuối cùng lại phải chia tay nhau cũng chỉ vì những hệ lụy của chiến tranh. Bà nhiều nếp nhăn khi tuổi đời còn đang rất trẻ, hẳn nhiên, tôi không cho đó là đẹp. Có khi, tôi còn căm ghét chiến tranh, điều mà cha mẹ tôi không bao giờ nhắc lại. Có chăng thi thoảng trong những câu chuyện của hai người, tôi chỉ nghe họ kể về những kỷ niệm vui và ấm áp từ đồng đội mình ngày trước. Mẹ tôi thường tiếc rẻ, các chàng trai hành quân qua làng mình ngày ấy trẻ và gương mặt sáng láng lạ lùng. Cha tôi vẫn giữ tấm hình cô giáo Liên có đôi mắt tròn xoe và hai bím tóc dày thả trên vai, khóe miệng cố mỉm cười. Tôi hỏi cha cô ấy bây giờ ở đâu, cha tôi chỉ im lặng. Tất nhiên tôi cũng lớn lên theo năm tháng. Bài học lịch sử trong rất nhiều trang sách giáo khoa chúng tôi đã trải qua. Chúng tôi được dạy kỹ càng về những bài học quý giá đó. Sau này, tôi học thêm bằng sự trải nghiệm về những điều không có trong sách vở. Bằng cách nào, tôi cũng càng thêm yêu Tổ quốc bên cạnh một nỗi đau riêng của gia đình sau những hệ lụy của chiến tranh. Dù rất hiểu những bài học về lịch sử, tôi vẫn không hiểu tại sao những người con gái con trai đang sống bình yên trong những căn nhà của mình, buộc phải vác ba lô trên vai ra đi, để khi trở về họ lại phải ngượng ngập nói với nhau những lời xin lỗi, mà theo cách quan sát của một đứa - con - nhân - chứng là tôi, không ai có lỗi trong chuyện này. Lỗi là do những người từ phía chiến tuyến bên kia. Để rồi khi thực sự lớn lên, tôi không an lòng bởi những câu hỏi đó. Ông ngoại tôi mất trong cuộc chiến chống Pháp. Cha mẹ tôi chia tay nhau để lên đường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Cả làng quê tôi đã một thời rút từng tấm ván sách nhà ra để lót đường cho những chuyến xe tiếp quân lương vũ khí vào chiến trường miền Nam sục sôi máu và lửa và nước mắt. Tôi và các em tôi đã sống một tuổi thơ thiếu thốn sau những ngày đất nước phải gồng mình gánh những di chứng chiến tranh để lại.
Nhưng có lẽ đau đớn hơn cả là trên những số phận con người đi ra từ chiến tranh. Thậm chí cả nếp nghĩ bị hằn sâu một cuộc sống thời chiến tranh vẫn tồn tại dai dẳng trong mỗi cái giật mình trong giấc ngủ của những người lính bước ra khỏi cuộc chiến. Khi còn bé, tôi không thích tất cả những người Mỹ. Trong nhận thức của một bé con lúc ấy, người Mỹ đơn giản chỉ là kẻ thù. Kẻ thù của chính cuộc sống chúng tôi. Bây giờ đã cách một quãng khá xa cho cái trí óc non nớt đó, tôi đã mỉm cười thân thiện với rất nhiều những người bạn đến từ xứ sở cờ hoa. Có nhiều lần, tôi đã từng ngồi uống rượu với một người bạn già đến từ nơi đó. Người bạn già đã từng tham chiến ở Việt Nam, khó khăn lắm ông ta mới có thể quay trở lại nơi đây, hằng chiều ngồi bên một cái quán nhỏ vệ đường Nguyễn Tri Phương, im lặng uống từng cốc rượu đế nhỏ, thi thoảng ký họa một vài bức tranh vu vơ. Thuở ấy chúng tôi không có nhiều chuyện để nói, nhưng vẫn thường ngồi với nhau như một sự cần thiết. Cho đến một hôm đang ngồi bên vệ đường như thường ngày, người đàn ông này đã đứng dậy rảo bước ra đường, nhặt một chiếc lá cờ đỏ sao vàng của ai đó vô tình làm rơi xuống lòng đường xe cộ tấp nập. Có lẽ là cờ này vừa được tham dự một cuộc mít tinh. Tôi đã thấy nó rơi từ lúc nãy, nhưng hành động của người bạn già này khiến tôi xấu hổ trong một ám ảnh khôn nguôi. Lúc này tôi đã tìm ra được một cách gọi tên riêng cho mỗi đơn vị con người cá nhân đến từ nước Mỹ. Phải cụ thể cho mỗi XYZ chứ không phải là Acmerican nói chung nữa. Những trang sách triết luận đã giúp tôi tìm ra những câu trả lời cho mọi thắc mắc tồn tại từ thế giới ấu thơ xưa kia. Câu thơ Nguyễn Du đọc được trong một đêm khuya nào đó đôi lúc trở lại bất chợt “Thịt da ai cũng là người”. Vâng, dù khác biệt màu da, sắc tộc, văn hóa, tôn giáo, lịch sử, địa lý... vô vàn tỉ tỉ những điều gì đi chăng nữa, thì chúng ta cùng chung nhau một thứ, đó là dòng máu đỏ. Đã mang dòng máu đỏ trong người, nghĩa là đều biết đau đớn cả về tinh thần lẫn thể xác. Đã đến lúc tôi biết mình không nên tìm cách cắt nghĩa chiến tranh, điều này hãy để sự thật trong veo hiện ra giữa những trang sử. Nhân loại có triệu triệu cặp mắt, thấu điểm sâu nhất sẽ thu lại thành cái nhìn chung, nhân loại tất nhiên có nhiều lắm các thế hệ nối tiếp, bản thân một thế hệ chưa hẳn đã đưa ra lời phán quyết đúng cuối cùng duy nhất được. Tôi biết đã đến lúc quá khứ với những câu hỏi dằng dai trong tôi nên chấm dứt thì hơn. Để mở ra một trang tiếp theo đầy tươi mới. Dù vậy, tôi vẫn không ngừng đọc những trang sách mà ở đó những tháng năm trải dài qua cuộc chiến vẫn sống tươi rói như ngày mới qua.
Đây là công việc của một người giảng dạy môn Ngữ văn trong nhà trường, cũng là một niềm yêu thích của tôi. Tôi đọc bằng cách giản dị và bình tâm", như cách dùng từ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Để yêu thêm Tổ quốc mình bằng sự kính phục và cảm kích những người trẻ tuổi bằng lớp thanh niên chúng tôi bây giờ, trẻ hơn tôi bây giờ rất nhiều, đã sẵn sàng lên đường theo lời hiệu triệu của Tổ quốc... không ngần ngại, không toan tính, không âu lo, không gợn chút riêng tư nào cả... cho chúng tôi có cuộc sống như hôm này. Nhưng tất cả đó, cũng chỉ là những hiểu biết của tôi về sự ngã xuống của những con người trong chiến tranh một phía. Phía bên kia, bằng sự hỉ xả được thừa hưởng từ cái vị tha, tôi không còn hờn giận họ nữa. Nhưng dửng dưng. Cho đến khi tôi bắt gặp rải rác trên các tờ báo, các tạp chí, trong câu chuyện của những người bạn văn chương lớn tuổi đáng kính... về sự hoạt động của một trung tâm của những nhà văn cựu binh Mỹ đang cố tìm mọi cách để xóa lành vết thương từ cuộc chiến tranh này đã khiến tôi quan tâm. Tuy nhiên, tất cả cũng chỉ là sự quan tâm thường tình, bởi đã có lúc tôi nghĩ: những con người đó, họ sám hối để lấn át những ám ảnh tâm lý về những hành động không đúng của họ từ cuộc chiến tranh kia. Trong chừng mực nào đó, những hành động của họ chỉ là sự trấn an tâm lý của những con người giàu có và đầy đủ. Còn đất nước chúng tôi vẫn đang đầy dẫy những nỗi đau mà bản thân một đứa trẻ sinh ra và lớn lên sau chiến tranh vẫn còn sờ, nắm, chạm vào hằng ngày thì sự sám hối kia như một món hàng xa xỉ.
Tôi sẽ còn tiếp tục nghĩ thế, nếu như không đọc tiếp những bài viết của chính những nhà văn, nhà thơ này được đăng tải lần lượt trên tạp chí Sông Hương. Ở đó, tôi bắt gặp những cái nhìn đồng cảm từ những tâm hồn hướng sâu về thế giới nội tâm của con người với cách nhìn rất thực, rất cuộc đời. Họ đã vượt qua những trở ngại của bản thân để xin một tấm vé quay trở lại nơi này, viết về mảnh đất quê hương xứ sở của những con người họ đã từng gây nên sự tổn thương rất lớn. Tôi nghĩ, với hành động này, họ đã chấp nhận làm người thua cuộc lần thứ hai trước chúng ta - chúng tôi để trả món nợ tâm hồn mà quá khứ vô tình họ lỡ gây ra. Hành động này của họ xứng đáng được chúng tôi ghi nhận. Để rồi từ đó, miệt mài hai mươi năm, những con người ấy đã tận tụy từng con chữ, từng ki lô mét giới hạn của biên tuyến, họ nhẫn nại vượt qua từng chút từng chút một để đến một ngày, chúng ta cùng ngồi lại, nghẹn ngào bắt tay nhau, nhìn vào mắt nhau, chảy nước mắt mà rằng: tại sao lại phải đến bây giờ mới có thể như thế này? Tại sao? Chúng tôi và họ - đều là những con người đúng nghĩa, chung nhau về một hệ cấu tạo đứng về mặt sinh học, biết căm giận, biết hối lỗi, biết tha thứ, biết yêu thương... đã có thể trao nhau những cái ôm thật bình dị nhưng đầy ý nghĩa để có lúc nào đó cũng nói lên hai chữ “chúng ta”, không phải “chúng tôi và họ” xa cách đầy ngần ngại nữa. Nhà văn Tô Nhuận Vỹ đã giật cái tít rất thẳng, trực diện cho bài tham luận của mình ở “Diễn đàn văn học Việt - Mỹ.
Nhìn lại và phát triển là “Cầu nối giữa hai bờ đối nghịch”. Quả thực, đã có lúc tôi đã đặt mình vào phía đối nghịch với tất cả những người đó. Như hầu hết quan niệm của những người dân Việt Nam thời kỳ hậu chiến. Nhưng chiến tranh có những trò chơi khốc liệt của nó, có những người bị cuốn vào trò chơi đó như một sự tình cờ định mệnh thì cuộc đời vẫn còn có chung cái tên nữa là nhân loại. Nhân loại vẫn còn chung nhau một khái niệm Nhân Văn cao cả. Văn chương đảm nhiệm sứ mệnh này, tìm ra những giá trị nhân văn để làm cầu nối những chiến tuyến đôi khi vô tình bị đẩy đến cực đối lập. Và phải đến lúc được đọc lại những trang viết của nhiều nhà văn, nhà thơ đương thời như Hữu Thỉnh, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Duy, Đỗ Chu... tôi mới nhận thấy rằng, tự lúc nào, bằng sự nhẫn nại, các nhà văn, nhà thơ của William Joiner Center đã tự nguyện đứng về hàng ngũ của chúng tôi, những con người Việt Nam. để đi đến một minh chứng cuối cùng, minh chứng của lòng yêu chuộng hòa bình. Lãnh sứ mạng lớn lao, những con người bình thường đã bằng trái tim nhỏ bé nhưng không một lúc nào ngừng lại, đập những nhịp đập chung với nỗi đau hậu chiến của dân tộc Việt Nam.
Lúc này, tôi quý trọng những nhà văn, nhà thơ đến từ Trung tâm William Joiner đã lặn lội tìm ra những cách thức riêng dù nhỏ bé để kêu gọi lòng yêu chuộng hòa bình thế giới qua những trang viết của họ. Đặc biệt, tôi yêu quý ông Bruce Weigl, người mà tôi có dịp đọc khá kỹ về tập thơ After the Rain Stopped Pounding. Qua những gì ông viết và những gì ông làm với cô bé, tôi hiểu việc ông nhận nuôi một đứa trẻ Việt không đơn thuần là bưng nó đi như một cây con sang trồng chỗ đất mới, mà ông đã hiểu cô con gái nuôi đó chính là một cây lúa - ông bứng đi trồng và đem luôn những nét văn hóa nguồn cội làm nguồn dinh dưỡng cho em, để sau này khi lớn lên, em trở lại vẫn là một người con Việt. Để cái gốc dân Việt luôn là niềm tự hào trong mỗi con người dù đi bất cứ nơi đâu. Tôi nhớ Bruce Weigh đã từng nói trong diễn đàn: “Nghịch lý của đời tôi luôn là việc chiến tranh đã cướp đi tuổi trẻ của tôi, làm tổn thương tâm hồn tôi vĩnh viễn, nhưng cùng lúc đó nó đã dành tặng tôi Việt Nam với tất cả sự bí ẩn và huy hoàng của nó. Tôi không biết tại sao tôi không phải là người Việt Nam”. Lúc này tôi muốn nói với ông rằng, không cần thiết phải tiếc nuối vì ông (và những ai muốn) không phải là người Việt Nam, một khi tất cả chúng ta đã cùng nhau tìm ra tiếng nói chung nhân ái, chúng ta đã cùng đứng với nhau về một phía, thì Tổ quốc của mỗi người sẽ trở thành đất Mẹ chung thiêng liêng và cao cả sẵn lòng đón nhận những tấm lòng của những ai muốn trú ngụ nơi đây.
Đông Hà