Tác phẩm hay là một khái niệm rất khó định nghĩa, câu hỏi thế nào là tác phẩm hay không dễ trả lời
Thế nào là một tác phẩm hay?
Tác phẩm hay là một khái niệm rất khó định nghĩa, câu hỏi thế nào là tác phẩm hay không dễ trả lời. Luôn có những quan điểm, cách đánh giá và nhìn nhận khác nhau về khái niệm tác phẩm hay. Cái thưng để đong đo sự hay của tác phẩm văn học không có chuẩn mực nhất định. Còn tuỳ thuộc vào những giá trị mà tác phẩm đạt được: Nội dung phản ánh những vấn đề lớn của thời đại, của dân tộc, số phận con người. Những vấn đề nóng hổi bức xúc của xã hội, một mảng nào đó của đời sống, của tâm tư tình cảm con người. Thậm chí chỉ là một lát cắt của cuộc sống, của số phận con người đang diễn ra muôn màu muôn vẻ. Những nội dung ấy dù to tát, dù khiêm tốn phải được truyền tải bằng một hình thức nghệ thuật đặc sắc độc đáo, thể hiện cái tài, năng lực sáng tạo của tác giả. Tác phẩm hay phải giúp ích gì cho cuộc sống, cho con người, nó tác động tích cực thế nào đến độc giả.
Ngoài ra tác phẩm hay còn tuỳ thuộc vào quan điểm nhận thức của mỗi cá nhân, mỗi thời đại, mỗi dân tộc. Có người quan niệm, tác phẩm hay phải do các tác giả đạt tới tầm Danh nhân văn hoá, nhà văn nhà thơ nổi tiếng của dân tộc, của thế giới sáng tạo ra. Kiểu như thế thì Việt Nam chỉ có tác phẩm của cụ Nguyễn Du & Nguyễn Trãi, và một vài người khác nữa đạt được tiêu chí hay. Vậy những tác phẩm đồ sộ nổi tiếng của nền văn học cổ đại, trung đại, hiện đại Việt Nam với rất nhiều tên tuổi lừng lững có thể gọi là hay? Và những tác phẩm rất nhiều thế hệ người Việt Nam yêu thích, say mê của các nhà văn các tác giả hiện đại.
Có người lấy tiêu chí tác phẩm hay phải đạt những giải thưởng cao trong các kì thi lớn. Những tác phẩm đạt giải Nô-ben, giải thưởng quốc tế, giải thưởng cao của nhà nước đương nhiên quá hay rồi. Nói thế thì cụ Nguyễn Du, Nguyễn Trãi tham gia thi gì đâu? còn những tác phẩm đoạt giải trong các kì thi sáng tác văn học hàng năm, vài năm do nhiều đơn vị, tổ chức phát động có được coi là tác phẩm hay?
Đơn giản nhất một tác phẩm được nhiều người yêu thích, tâm đắc đem ra bàn luận, thậm chí thuộc lòng, chép vào sổ tay, rồi rưng rưng thổn thức với tác phẩm và nức nở khen hay có được gọi là hay? Về tiêu chí này chắc chắn các nhà văn nhà thơ ngồi đây đều có được niềm tự hào ấy. Chí ít là một bài thơ, một tập truyện ngắn, hoặc nhiều hơn nữa đã đạt được tiêu chí hay.
Hội nhà văn Việt Nam khi lựa chọn kết nạp hội viên đã sàng lọc bầu chọn rất kĩ những tác giả có tài năng và có cống hiến. Chủ yếu là bình chọn qua các tác phẩm. Có người nói chỉ cần một truyện ngắn, một bài thơ hay đã đủ tiêu chuẩn để kết nạp vào Hội.
Để có tác phẩm hay thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Yếu tố hàng đầu phải là tài năng của người cầm bút. Không có năng khiếu thiên bẩm về văn học không thể sáng tạo ra những tác phẩm văn học hay. Nhà văn nhà thơ phải có cá tính, có cái riêng của mình. Sáng tạo văn học là đi trên con đường độc đạo, không giống ai, không trùng lặp với ai. Tiếp đến mới là các yếu tố học hành, trau dồi vốn sống, kiến thức về mọi lĩnh vực, niềm đam mê sáng tạo, hoàn cảnh điều kiện môi trường sống.
Yêu cầu của cuộc sống, của bạn đọc là phải có những tác phẩm hay. Tối thiểu phải đi vào lòng người, được mọi người đón nhận yêu thích, tác phẩm tác động mạnh mẽ vào tâm hồn, nhận thức của người đọc, góp phần xây dựng cuộc sống mỗi ngày một tốt đẹp hơn lên.
Đích và giải pháp để có tác phẩm hay!
Rõ ràng viết hay là cái đích vô cùng cần thiết của sáng tạo. Người cầm bút nào cũng hiểu rõ điều đó và gắng vươn tới đích đó. Tuy nhiên để có tác phẩm hay, càng hay càng tốt, càng nhiều càng tốt thì không dễ chút nào.
Muốn có tác phẩm hay thì nhà văn phải có tài. Maksim gorky nói: “Nếu không có năng khiếu văn học tốt nhất nên bỏ viết văn”.
Lẽ đương nhiên đã đi theo con đường sáng tạo văn chương thì phải có năng khiếu. Năng khiếu đều là thiên bẩm. Giống như người ca sĩ, chí ít phải có giọng hát hay, giọng trời phú sau đó mới nói tới yếu tố khác. Năng khiếu gồm nhiều yếu tố, năng lực cảm thụ, tư duy văn học, khả năng sử dụng các thủ pháp nghệ thuật, vốn từ ngữ và khả năng sử dụng ngôn ngữ dân tộc, khả năng tưởng tượng hư cấu, xây dựng cốt truyện, xây dựng nhân vật, lập tứ, bố cục cho một tác phẩm…
Tài năng rất cần được rèn giũa, tu luyện học tập bồi đắp.
Tiêu chuẩn quan trọng thứ hai là tâm của người cầm bút. Nguyễn Du đã nói "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.” Nhà văn phải có tấm lòng yêu thương, đồng cảm với nhân dân, trách nhiệm với số phận con người và cuộc đời. Đó là thái độ đúng đắn, nói thẳng, nói thật, dũng cảm bênh vực chân lý lẽ phải cho dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. “Nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối, không thể là ánh trăng lừa dối. Nghệ thuật phải là tiếng đau khổ thoát ra từ những kiếp lầm than” - Nam Cao. Chekhov cho rằng “Có thể lừa dối trong tình yêu, trong chính trị, trong y học nhưng không thể lừa dối trong nghệ thuật”.
Muốn có tác phẩm hay nhà văn phải có vốn sống phong phú. Không thể ngồi trong phòng điều hoà kín rồi tưởng tượng và viết về những người chiến sỹ, công an, những người lao động làm việc dưới cái nắng gần 40 độ để tả họ, hư cấu về sự lao động, cống hiến hết mình của họ. Một người chưa bao giờ lên Hà Giang, cột cờ Lũng Cú, vào thăm các bản của người dân tộc giữa mùa đông rét dưới 0 độ không thể viết đúng viết hay về những cuộc sống của chiến sỹ biên phòng và người dân miền núi phía Bắc.
Vốn sống, vốn kiến thức học ở nhà trường chưa đủ mà phải học suốt đời ở trường đời. Sự đi, sự học của nhà văn cần thiết vô cùng. Đi nhiều hiểu biết nhiều, có vốn để viết. Học từ chính mình, học từ bạn viết, học trong dân gian, học ở các nhà trường. Có khi, một chuyến đi may mắn tìm được một từ địa phương rất lạ, một câu chuyện chưa từng nghe: vội vàng ghi chép, một ngày nào đó nó trở lên có ích với nhà văn.
Tác phẩm hay phải mới lạ có sự sáng tạo độc đáo của nhà văn, thể hiện cái riêng không giống ai. Vậy có thể hỏi: làm thơ lục bát thì đổi mới sáng tạo thế nào được đây? Người ta cũng đã đổi mới đủ kiểu cách tân đủ kiểu, “Chẻ đôi câu thơ, chặt đôi câu thơ, cho vào nồi lẩu thơ”… cách đó chỉ thấy thương, khổ cho lục bát mềm mại. Đồng Đức Bốn có bẻ, có chặt đâu mà bao nhiêu người nhớ: "Chăn trâu cắt cỏ trên đồng/ Rạ rơm thì ít gió đông thì nhiều/ Mải mê với một con diều/ Củ khoai nướng để cả chiều thành tro”
Vấn đề đặt ra, không thể không đổi mới, cách tân, sáng tạo, tìm tòi một lối đi riêng. Nhưng đổi mới sáng tạo đến đâu để có hiệu quả hay thì nhà văn phải điều tiết ngòi bút của mình!
Còn rất nhiều điều phải bàn xung quanh chuyện tác phẩm hay và giải pháp. Giải pháp của các giải pháp là chính sự chuyển động của nhà văn. Nhà văn phải có sự dấn thân cho tác phẩm. Đại văn hào Leptonxtoi cho rằng “Nhà văn khi chấm ngòi bút vào lọ mực phải để máu mình trong đó”. Thực tế cho thấy, những tác phẩm hay đều được viết ra từ chính những trải nghiệm những bi kịch của chính tác giả, là kết tinh cao trào cảm xúc của tác giả, sự trải lòng hoá thân của tác giả với cuộc sống. Bản thân người chỉ là bậc đàn em, cũng đã thử sức ở các thể loại như làm thơ, viết truyện ngắn, truyện thiếu nhi, viết kí và làm các tuyển tập. Chút ít kinh nghiệm cho thấy: Cứ ở vào thời điểm khốn khó nhất, đau khổ bế tắc nhất của cuộc đời như: Mất người thân, bị phản bội, bệnh tật, tai hoạ, khi ấy mất hết niềm tin, chỉ vật vã đau muốn chết đi cho xong.May thay! cứu cánh là trang viết, vừa khóc vừa viết. Những câu chữ sinh nở từ nỗi đau đó đều lấy được sự đồng cảm của mọi người.“ Chỉ mong tìm được chốn riêng/ Mình ta thôi! Với một miền tháng ba/ Lẽ nào chưa hết đàn bà/ bồi hồi ngực áo làn da phập phồng/ Dường như sâu thẳm cõi lòng/ Hòn than, chỉ chực cháy bùng …hòn than/ Hình như bao nỗi đa đoan/ Cứ như là của trời ban riêng mình/ Bao nhiêu là những vô tình/ Rạn vai gánh nặng mưu sinh kiếp người/ Tay chai dáng cứng mất rồi!/ Nhớ ra đã có một thời giòn xinh/ ước chi trở lại là mình/ Để ta lại được giòn xinh dịu dàng/ Ngại ngùng..e ấp điệu đàng/ Hình như ta vẫn còn đang đàn bà…(Còn đang đàn bà - thơ Ánh Tuyết). Những bài: Người thứ ba, viếng người tình của chồng, Mưa đắng, Bão tạt ngang, Lời của Tấm, Lời ru từ ngã ba Đồng Lộc, Nén nhang tháng bảy ra nghĩa trang mời chồng về ăn tết, Linh cảm của tôi đều được viết ra từ sự dấn thân trải lòng và nhận được nhiều sự đồng cảm chia sẻ, ngợi khen của bạn đọc.
Một cơ may khác cũng tạo duyên cớ để viết ra cái gì đó tạm hài lòng, ví như một cú huých, bỗng dưng người viết gặp một sự kiện gì để không thể ngăn lòng mà say mê cuồng dại, kiểu“ Yêu anh! Yêu anh biển rộng thế có là gì”. hoặc gặp một sự kiện, một nhân vật vô cùng đặc biệt ấn tượng, thế là viết. Sáng tạo khi lòng thăng hoa dào dạt, rồi được bạn đọc chấp nhận yêu thích cổ vũ, hạnh phúc lắm. Chính mình cũng bất ngờ vì những phút thăng hoa nhập đồng ấy.
Tác phẩm hay phải tự đáy lòng người viết những cảm xúc tuôn trào. Để trả nợ với làng quê, tôi đã về quê, nằm ngủ trong gian nhà của ngày còn con gái, có cửa sổ cho ánh trăng lọt vào, lắng nghe mọi âm thanh của làng khi đêm về để có những câu “Đêm ướp hương cau, hương thiên lý hương nhài/ Bầy dế tấu kèn rỉ rả vườn khoai/ Chú vàng ủng oẳng sủa bóng trăng,sủa mãi/ Lũ mèo gọi bạn tình thiết tha man dại/ Người mẹ trẻ ru con giọng ngái ngủ khê nồng” Từ không gian bình yên, cảm nhận những âm thanh nhịp thở đời thường của làng khi đêm xuống tôi thấy niềm hạnh phúc bình dị của người quê: “Đêm ở quê đàn bà yêu chồng nồng nàn hơn người thành phố”… (Đêm ngủ ở làng).
Để viết về mùa xuân, diễn tả đến tận cùng sức xuân, hồn xuân tôi chạy ra cánh đồng làng vào giữa mùa xuân, thu hết vào lòng mình niềm tươi trẻ thanh tân của xuân: “Đồng làng mỡ màng non tơ quá/ Lúa dậy thì bầng bầng hớn hở/ Ngọn thài lài mơn mởn sức xuân/ Cây đơm lộc nhung chồi biếc thanh tân/ …Em gái má hồng làm cỏ lúa / Ngực căng tròn môi mọng như hoa/ Là vô cùng thương mến ôi tháng ba/ Sợi nắng non rót pha lê tràn mặt đất/ Con ễnh ương phồng bụng gọi bạn tình khao khát/ Én đôi rộn ràng cuống quýt giữa trời xuân” (Tháng ba thương mến - Ánh Tuyết). Tôi vào chùa, và thấy một cô gái trẻ đi lễ chùa, sức trẻ, sức xuân từ cô gái làm xao động cả một miền tĩnh lặng. Không cầm lòng được tôi viết: “Mắt sắc thế !Còn đong đưa đến thế/ Áo nâu sát eo thon khoe vồng ngực căng tròn/ Nắng non, gió xuân ghẹo trêu hoa lá/ Cửa thiền chòng chành chóng mặt… áo nâu non/ Chẳng có luật nào cấm lên chùa/ Thị Màu xưa đã từng yêu chú tiểu/ Cũng chẳng một lần sân chùa giông bão/ Ối nâu sồng đắm trong mắt lá khoai/…Là đang mùa xuân đấy người ơi! Làm xao động cả một miền tĩnh lặng? Dập dìu đua chen về dâng hương cửa Phật/ Có rất nhiều Thị Màu... lúng liếng mắt lá khoai…” (Hồn Xuân - Ánh Tuyết).
Tôi chỉ biết là tôi rất thăng hoa hạnh phúc khi viết những câu thơ trên. Nhiều bạn đọc yêu thích bày tỏ sự thích thú: “Chất xuân trong những câu thơ của chị thật tràn đầy, mơn mởn non tơ, dào dạt thật đáng yêu”. Tôi thấy hạnh phúc khi được bạn đọc ngợi khen, vẫn biết mình còn phải cố gắng nhiều hơn nữa.
Ánh Tuyết