SỰ BÌNH DỊ VÀ PHI THƯỜNG CỦA MỘT NGƯỜI ANH HÙNG
Ngày: 22/06/2023
Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Hạnh có tên khai sinh là Nguyễn Văn Tích, sinh năm 1939, tại làng Trà Vi, xã Vũ Công, huyện Kiến Xương. Có lẽ, hoàn cảnh sinh ra trong đói nghèo, lam lũ; lớn lên trong cơ cực, bần hàn ở một vùng quê giàu truyền thống cách mạng đã là một trong những tiền đề để Nguyễn Đức Hạnh trở thành một người anh hùng có cuộc đời bình dị và nghị lực phi thường.

SỰ BÌNH DỊ VÀ PHI THƯỜNG CỦA MỘT NGƯỜI ANH HÙNG

                                                                                              Nguyễn Thanh

Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Hạnh có tên khai sinh là Nguyễn Văn Tích, sinh năm 1939, tại làng Trà Vi, xã Vũ Công, huyện Kiến Xương. Có lẽ, hoàn cảnh sinh ra trong đói nghèo, lam lũ; lớn lên trong cơ cực, bần hàn ở một vùng quê giàu truyền thống cách mạng đã là một trong những tiền đề để Nguyễn Đức Hạnh trở thành một người anh hùng có cuộc đời bình dị và nghị lực phi thường. Trải qua gần ba phần tư thế kỷ, từ thuở mới chớm độ thanh xuân đến khi tuổi đã ngoài 80, ở mọi cương vị, người anh hùng này vẫn luôn hằng tâm, dốc sức, tận tụy hoàn thành các nhiệm vụ được cách mạng phân công. Mồ côi cha từ năm lên bốn, mười năm sau đó lại mồ côi mẹ, Nguyễn Đức Hạnh đã phải dầm mình trong những năm tháng của thời thơ ấu không cha mẹ, khổ hạnh, thiếu thốn đủ điều. Khi kháng chiến chống Pháp ập đến quê hương, cậu bé mồ côi cha mẹ này đã được đội du kích xã chọn cử làm liên lạc và ý chí cách mạng đã được nhen nhóm, luyện tôi từ ngày ấy. Vào những năm cuối của cuộc kháng chiến, Nguyễn Đức Hạnh đã nhiều lần trốn nhà, muốn được đi theo các bậc cha anh cầm súng diệt thù nhưng chí hướng đó không thành vì tuổi chưa đủ lớn. Tháng 3 năm 1959, khi ở quê có đợt khám tuyển nghĩa vụ quân sự đầu tiên, Nguyễn Đức Hạnh đã tình nguyện tham gia và trúng tuyển. Chưa đầy một năm sau đó được đơn vị chọn cử đi học lớp hạ sỹ quan và được kết nạp Đảng ngay trong năm đó. Sau khi tốt nghiệp, Nguyễn Đức Hạnh được cử đi làm chuyên gia quân sự cho nước bạn Lào tại tỉnh Sầm Nưa và cuộc đời chinh chiến của ông gắn liền với cách mạng giải phóng dân tộc của đất nước triệu voi từ ngày ấy. Những ngày đầu giúp quân đội nước bạn tiễu phỉ với muôn vàn gian khó hiểm nguy khôn xiết kể. Hoạt động bí mật trong lòng địch, đói khát triền miên, tiếng bản địa chưa biết, ranh giới giữa sự sống và cái chết vô cùng mong manh, Nguyễn Đức Hạnh đã tranh thủ tận dụng mọi cơ hội để học tiếng, học chữ Lào và từng bước hòa mình với bạn. Sau ba năm kề vai sát cánh chiến đấu cùng quân đội nước bạn Lào, tỉnh Sầm Nưa được giải phóng nhưng công tác tiễu phỉ để ổn định tình hình vẫn chưa hết cam go, ác liệt. Năm 1962, thực hiện Hiệp định Giơnevơ về Lào, Nguyễn Đức Hạnh được rút về nước để đào tạo sỹ quan tại trường sỹ quan Pháo Binh. Năm 1964, ra trường được giao nhiệm vụ làm đại đội trưởng sang giúp bạn chiến đấu ở mặt trận Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng. Do đã khá thạo về tiếng và biết sơ sơ về chữ Lào lại có sở trường về công tác dân vận, binh vận nên cuối năm 1965, Nguyễn Đức Hạnh được cử làm chính trị viên một đơn vị có biệt danh S3 với 65 cán bộ, chiến sỹ biệt động có nhiệm vụ vào sâu trong vùng địch hậu tại Viêng Chăn để hoạt động. Với nhiệm vụ đặc biệt này, đòi hỏi người chiến sỹ tình nguyện không những cần bản lĩnh, ý chí cao, thạo tiếng Lào Thum, Lào Xửng để giao tiếp mà còn phải am tường các phong tục tập quán của từng bộ tộc Lào mới có thể tồn tại, hoạt động được trong bối cảnh đầy cam go, mạo hiểm. Trong gần 10 năm, từ 1964 đến 1973, với cương vị chỉ huy một đơn vị chuyên gia quân sự làm nhiệm vụ giúp bạn Lào xây dựng cơ sở cách mạng ở ven đô Viêng Chăn, Nguyễn Đức Hạnh đã cùng đồng đội kiên trì bám đất, bám dân trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, nhiều khi thiếu lương thực phải ăn rau rừng, củ mài, củ nâu hàng tuần. Từ 1/1966 đến 10/1968, ông đã đóng giả dân Lào mang tên Vi Xay Văn Cha Lơn cùng tổ công tác vào sống hợp pháp ven thành phố Viêng Chăn, xây dựng được 14 cơ sở cách mạng ở ven sông Nậm Ngừm. Đặc biệt, trong tháng 7/1967, Nguyễn Đức Hạnh đã mạo hiểm chỉ huy tổ 6 người cùng một số quần chúng tốt chủ động tiến công thị trấn Na Hạng, diệt 5 tên ác ôn, thu 4 súng. Tháng 11/968, cùng tổ mở rộng phạm vi võ trang tuyên truyền sang ven đường số 10, diệt 20 tên nguỵ Lào, xây dựng cơ sở cách mạng ở 8 bản. Năm 1970, chỉ huy tổ cải trang vào sống hợp pháp vùng ven Viêng Chăn. Tháng 10/1971, địch càn ven sông Nam Lực, ông đã cho dân kịp sơ tán, còn mình ở lại chỉ huy du kích diệt gần 100 tên địch. Chiến công nối tiếp chiến công, hoạt động của tổ chuyên gia quân sự do Nguyễn Đức Hạnh chỉ huy đã làm cho bọn phỉ Vàng Pao và quân ngụy Lào nhiều phen thất điên bát đảo. Chúng điên cuồng dùng trực thăng đánh bom phát quang và rải chất độc phá hủy cây rừng kết hợp với việc mở các cuộc càn quét vùng đồng bằng để tìm diệt nhưng vô hiệu. Nắm rõ nguồn tin có một cán bộ Việt mang tên Lào là Vi Xay Văn Cha Lơn đang có ảnh hưởng lớn với cách mạng Lào ở vùng ven đô Viêng Chăn, kẻ địch đã treo thưởng 8 vạn kíp cho ai lấy được đầu người này. Do mưu trí phi thường và được những người dân Lào tin yêu che chở nên Nguyễn Đức Hạnh - Vi Xay Văn Cha Lơn vẫn ung dung hoạt động. Do những thành tích cống hiến cho cách mạng Lào nên Nguyễn Đức Hạnh đã được Nhà nước Lào tặng Huân chương Ít - xa - la hạng Nhất và đến ngày 31/12/1973 đã được Nhà nước ta phong tặng danh hiệu anh hùng LLVTND. Khi về nước dự lễ phong tặng danh hiệu anh hùng, Nguyễn Đức Hạnh về thăm nhà thì được tin vô cùng đau buồn là người vợ hiền đã qua đời vì bệnh nặng, hai đứa con thơ dại đang được người chị ruột của ông tuổi đã cao, đau yếu triền miên phải nuôi nấng. Trong tình thế ngặt nghèo tưởng chừng không còn cách nào khắc phục được thì một người nữ cựu cán bộ TNXP từ Thanh Hóa tìm đường ra gặp Nguyễn Đức Hạnh, tự nguyện làm phận sự của vợ kế. Vì hoàn cảnh túng thiếu lại phải đang phụng dưỡng bố mẹ già nên bà đã xin được đưa hai con của chồng về Thanh Hóa chăm nom. Cảnh gia thất đang éo le là vậy nhưng sau ít ngày ở quê, trước yêu cầu cấp bách của đơn vị cần phải có sự chỉ huy bằng tất cả kinh nghiệm dạn dày của mình, Nguyễn Đức Hạnh đã tạm gác tình nhà để trở lại đất bạn tiếp tục chiến đấu cho đến ngày cách mạng Lào toàn thắng. Sau 14 năm lăn lộn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một chuyên gia quân sự trên đất bạn Lào trở về nước, anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Hạnh được đi học văn hóa hai năm để đào tạo phát triển. Vì hoàn cảnh gia đình nên khi học xong ông đã xin về công tác tại Ban quân sự huyện Kiến Xương, ít lâu sau được đề bạt làm chỉ huy trưởng. Năm 1985, được điều động và bổ nhiệm Phó chỉ huy trưởng rồi làm Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, đến tháng 2/1997, nghỉ hưu với quân hàm đại tá. Hơn hai mươi năm qua, dù đã được nghỉ hưu nhưng Nguyễn Đức Hạnh vẫn ngày đêm miệt mài tham gia lãnh đạo các hội như hội Cựu chiến binh, hội Nạn nhân chất độc da cam đioxin (CĐDC), hội Hữu nghị Việt - Lào của tỉnh. Với hội CĐDC tỉnh Thái Bình, anh hùng Nguyễn Đức Hạnh chủ tịch hội là người xây móng đắp nền và đã có gần 20 năm tận tâm cống hiến, tạo lập cơ sở vật chất, lề lối hoạt động. Mỗi dịp đi thăm hỏi, tặng quà các nạn nhân ông thường dành một phần tiền của mình để tặng những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và ấn tượng sâu đậm nhất là những thành quả vận động toàn xã hội chăm lo giúp đỡ nạn nhân CĐDC bằng nhiều hình thức khác nhau. Với cương vị chủ tich hội Hữu Nghị Việt - Lào bằng uy tín đặc biệt của mình với cán bộ và nhân dân các bộ tộc Lào, người anh hùng trưởng thành từ đất bạn đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp củng cố, mở rộng các hoạt động đối ngoại nhân dân hai nước Việt - Lào. Đến nay, ông có hàng chục con nuôi người Lào vốn là sinh viên đại học Y Dược Thái Bình. Một số người học xong về nước công tác khi lập gia đình đã mời ông sang dự đám cưới và ông quan niệm rằng đó là một trong những niềm hạnh phúc, là điểm cộng của cuộc đời đã đến với mình trong hành trình cho đi, nhận lại./.