Có người nói rằng nhà thơ Quang Khải sinh năm 1943. Nhưng theo Quang Khải thơ, văn tuyển tập và nhiều tác phẩm khác, do chính tác giả biên soạn, Quang Khải sinh ngày 14/10/1945 tại xã An Ninh, huyện Tiền Hải
Có người nói rằng nhà thơ Quang Khải sinh năm 1943. Nhưng theo Quang Khải thơ, văn tuyển tập và nhiều tác phẩm khác, do chính tác giả biên soạn, Quang Khải sinh ngày 14/10/1945 tại xã An Ninh, huyện Tiền Hải. Sinh ra và lớn lên ở Thái Bình, là hậu duệ đời thứ 6 của danh nhân Bùi Viện, người đã từng là sứ thần của triều đình nhà Nguyễn, người Việt Nam đầu tiên vượt trùng dương tới bang giao với nước Mỹ (tổng thống thứ 18 U. S Grant) nhằm canh tân đất nước và chống pháp xâm lược.
Bùi Quang Khải học cấp II trường huyện 1959 - 1961; cấp III khóa I trường Tiền Hải 1961 - 1964; tốt nghiệp Đại học thủy lợi 1971 công tác tại Bộ Thủy Lợi đến năm 1984; biên tập sách văn học nhà xuất bản Lao động từ 1985 đến 2006 nghỉ hưu; vào hội Nhà văn Việt Nam 1996. Quang Khải đã xuất bản 17 đầu sách thơ - văn có giá trị lớn; đoạt nhiều giải thưởng văn học Trung ương và địa phương. Ông là người con rất nặng lòng với đất mẹ, luôn gắn bó mật thiết với Tạp chí văn nghệ, Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình.
Tôi biết Bùi Quang Khải từ khi học lớp 6 ở trường Tán Thuật - Thanh Nê. Anh ở 6A thầy Nghiêm dạy văn. Tôi ở 6B thầy Đặng Hữu Trang dạy văn và chủ nhiệm. Ngay từ thuở ấy, tên tuổi Quang Khải với những bài văn hay, đã lay động khắp trường. Lên cấp III, tôi ở 10B, Quang Khải 10c, cùng được thầy Nguyễn Trọng Hùng, người Nghệ An dạy văn suốt ba năm liền. Văn bài Quang Khải ngày ấy, thường là điểm 4, điểm 5, rất hiếm khi anh bị tụt xuống điểm 3 (bấy giờ điểm 5 là bậc cao nhất). Thi thoảng, thầy Hùng lại đem những bài điểm 5 của Khải ra đọc cho cả lớp nghe. Ai cũng thích thú, cũng thấy trong mình lấp ló một niềm khát vọng văn chương.
“Bạn đội mưa tới lớp
Trượt chân ngã vẫn cười”
Đó là câu thơ của Khải ngày ấy được in lên báo tường, mà tôi vẫn nhớ tới tận bây giờ.
Sự nghiệp văn học của nhà thơ Quang Khải khá dày dặn, đằm thắm. Thơ ông không lên giọng, hấp tấp, ồn ào. Văn ông không vồ vập, cầu kỳ, hoa lá,… Rất chững chạc, lành hiền, trầm tĩnh nhưng sâu sắc và thấm đượm. Phảng phất nét buồn man mác như chính con người và cuộc đời ông vậy. Hàng trăm hàng nghìn bài thơ của ông, đều ẩn chứa những điều căn cốt ấy, song có lẽ bài thơ "vườn cũ" của ông đã phần nào nói lên những thăng trầm của cuộc đời ông.
Vườn Cũ
Khuya khoắt cổng gài im phắc ngõ
Trăng hắt vào sân, bóng ngã xoài
Nhà cũ, thôi giờ người khác ở
Vườn xưa nay đã vườn nhà ai.
Tự dưng ngùi ngùi hai mí ứa
Thương cha, nhớ mẹ vắng đâu rồi
Chừng hơi thở trong hơi lá thở
Trăng giọt tầu cau trăng đẫm vai.
Lòng sao hoang vắng tao tác gió
Thương người chăm quả hẫng hai tay
Lại mùa mít chín thơm rưng rức
Hương thấu trời sương nấm cỏ gầy.
Quê mẹ từ giờ không còn mẹ
Con đi biền biệt nắng sương đầy
Cúi đầu ngoảnh lại nơi vườn cũ
Ngóng ngõ thôi còn có gió may!
Đó là một chiều tác giả về thăm quê, khi ngôi nhà và mảnh vườn đã phải bán cho người khác. Những kỷ vật thân thương ấy, đã bao năm gắn bó với tuổi thơ, nay không còn là của mình nữa, thì một bức tranh xám xịt lập tức hiện ra: nhớ ngôi nhà xưa, mảnh vườn cũ, không sao chịu nổi, chẳng đủ can đảm nhìn lại nó vào ban ngày. Giữa đêm khuya khoắt, không gian im phắc, cổng gài khóa chặt… anh mới len lén trở về "thăm trộm" cái tổ ấm xưa kia, nơi chôn nhau, cắt rốn của mình! Ôi! Cái khung cảnh trớ trêu, não nề đến tàn nhẫn ấy, thể nào, chẳng cứa nát trái tim Quang Khải, khiến Khải "ngã xoài", chứ bóng biếc gì đâu!
Thì ra, khi đã mất chủ quyền, thì còn lại trong ta chỉ là hẫng hụt, đớn đau, chua xót… và những lời ai oán, kêu thương thật não lòng:
Tự dưng ngùi ngùi hai mi ứa
Thương cha nhớ mẹ vắng đâu rồi
Chừng hơi thở trong hơi lá thở
Trăng giọt tầu cau trăng đẫm vai.
Nhắc đến cha mẹ lúc này, tôi ngỡ rằng : Chẳng phải Quang Khải chỉ nhớ tới công lao của người sinh thành dưỡng dục mình, như thường vẫn có trong anh. Mà đây, thực sự là tiếng kêu cứu gấp gáp, giống như tiếng gọi cha mẹ của những đứa trẻ khi bị người đời bắt nạt! Vì thế, lá mới thở chẳng ra hơi.
Trăng mới nhỏ giọt khóc! khóc nhiều, nhiều đến mức ướt đẫm cả vai. Thực ra trăng có khóc đâu. Nhà thơ Quang Khải khóc đấy! Ông khóc vì quá yêu thương. Thương con người; yêu làng xóm, quê hương, xứ sở… Cách mượn cảnh nói tình như thế, thực đúng là:
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ!
Hình như cảm thấy vẫn chưa trút đủ lòng mình, tác giả lại thốt lên:
Lòng sao hoang vắng tao tác gió
Thương người chăm quả hẫng hai tay
Lại mùa mít chín thơm rưng rức
Hương thấu trời sương nấm cỏ gầy.
Quang Khải không có ý chọn theo "mốt": nhặt nhạnh con chữ chạy rông, rồi lắp ghép lại một cách "bí hiểm" để cho thơ "ú òa" bạn đọc. Để được gọi là cái "mới" cái lạ trong thơ! ông có nét riêng: rất Quang Khải. Ấy là chững chạc, thâm thúy, kết hợp giữa truyền thống với sáng tạo tân tiến của mình, để dựng nên hồn cốt cho thơ. Đọc khổ thơ trên, cả bài "vườn cũ" hay toàn bộ thơ Quang Khải ta đều thấy chữ nghĩa tu từ, phương pháp thiết kế tác phẩm, lượng chứa hồn cốt của nó, ngồn ngộn hiện ra như vậy. Đó thực sự là cái "mới" cái "lạ" trong thơ mà đông đảo bạn đọc xưa nay vẫn khát khao tìm kiếm. Quang Khải kết thúc "vườn cũ" bài thơ đầy cảm khái bằng hai câu:
Cúi đầu ngoảnh lại nơi vườn cũ
Ngóng ngõ thôi còn… có gió may!
Khiến lòng ta xót xa đến gai người, đến cháy bỏng ruột gan. Người viết bài này ngậm ngùi mãi, khi vấp phải những từ "ngóng ngõ", "gió may". Sao mà cô đơn, lạnh lẽo thế? Nghĩ mà chạnh lòng cho bạn, một nhà thơ thanh khiết, bần hàn. Vậy là ông đã ra đi để lại trong tôi nỗi ngậm ngùi thương nhớ.
Nguyễn Văn Thục