Nói chuyện tứ thơ
Ngày: 19/11/2021
Tứ thơ làm cho vấn đề của thơ sâu sắc, thâm thúy, tài hoa; nếu không thơ sẽ chẳng được người đời say mê, cuốn hút đến thế. lâu nay một số người vào vấn đề của thơ mà không biết tìm tứ để cho vấn đề nổi lên

Tứ thơ làm cho vấn đề của thơ sâu sắc, thâm thúy, tài hoa; nếu không thơ sẽ chẳng được người đời say mê, cuốn hút đến thế. lâu nay một số người vào vấn đề của thơ mà không biết tìm tứ để cho vấn đề nổi lên. Lấy thơ Hồ Xuân Hương làm ví dụ, vấn đề thân phận người phụ nữ trước kia, nhà thơ có nhiều bài và mỗi bài là một tứ thơ rõ lắm: Bánh trôi, quả mít, con ốc, cái quạt... Tứ nào ra tứ ấy.

Thơ, nhất là thơ ngắn, nhất thiết phải có tứ. Tôi được mời nói chuyện về tứ thơ và thơ Tứ tuyệt ở các câu lạc bộ Lê Quý Đôn, phường Trần Lãm, ở trường chuyên Lương Thế Vinh, trường  Đại học y... Mỗi buổi nói, tôi cũng được "nhuận miệng" ít nhất năm bát phở. Ăn cốt ở cái thực, văn chương cốt ở cái danh. Sau lần được giải thơ Tứ tuyệt, tôi cũng được chút danh. Các bạn yêu mến, thường đến nhờ tôi nói cho nghe về "mẹo" thơ Tứ tuyệt.. Tôi đọc và học, nhập tâm được nhiều, thỉnh thoảng cao hứng lại nói rất say về thơ tứ tuyệt.

Tìm hiểu tứ thơ, tôi thành người mê thơ ngắn và để tâm học ở thơ ngắn cách làm tứ, làm câu và các mẹo chữ. Đông, tây, kim cổ, ở đâu có thơ ngắn là tôi tìm đọc, cẩn thận ghi ghi, nhớ nhớ. Nhiều cuộc thi thơ ngắn được mở ra. Cuộc thi của tạp chí Tài hoa trẻ của ngành Giáo dục là quy mô nhất, thu hút được đông đảo người làm thơ cả nước tham gia.Người tổ chức là những nhà thơ, nhà giáo tâm huyết, vừa tạo sân chơi, vừa quảng bá cho một thể thơ cổ, đổi mới thành một thể Tứ tuyệt Việt Nam, không lẫn với thể Tuyệt cú Trung Hoa. Thơ bốn câu, nhưng viết theo mạch cũ thất ngôn tứ tuyệt, hoặc tự do, hoặc lục bát, bốn chữ, năm chữ, hay bao nhiêu chữ cũng được. Chuẩn bị "lều chõng" đi thi, tôi lục lại những kiến thức về thể thơ đặc biệt này. Theo một số nhận định của các cụ, thể bốn câu, các nhà thơ có thể gọi là tuyệt cú. Đây là thể thơ đã có đủ lề luật, khuôn mẫu cho cả nghìn xưa và mai sau, bộc lộ rõ nhất cá tính, bản lĩnh của nhà thơ, đợi một đời, một phút xuất thần nào đó mới viết được bốn câu. Đấy là nói thơ trời cho, còn ta muốn làm thơ tứ tuyệt phải kể đến: "Tuyệt cú, nói gần mà tình xa, hàm súc, không lộ làm quý" uyển chuyển, biến hóa ở câu thứ ba. Nếu câu ấy chuyển biến khéo thì câu thứ tư tự trôi đi như "thuyền gặp nước". Lý thuyết chỉ có vậy thôi mà làm được bốn câu ưng ý đã khó lắm. Những bài hay tuyệt đỉnh đã có, hay vừa vừa cũng nhiều. Các nhà thơ rất sợ thơ Tứ tuyệt, nhưng ai cũng muốn thử xem sức mình đến đâu? Thất bại bao lần mà vẫn cố công, lấy vỏ ngao tát biển là bệnh của người làm thơ. Nhưng nếu cứ sợ thì chẳng ai dám làm thơ tứ tuyệt.Thôi thì chưa đạt được mức tuyệt bút, mong các bạn cứ ghi lấy những nỗi niềm xao động, thiết tha, mỗi khi gặp điều thú vị, xúc động lòng ta. Các tập thơ Tứ tuyệt in riêng còn thưa, các tuyển tập Tứ tuyệt đồ sộ, tuyển thơ kim, cổ, đông, tây đã nhiều, tôi đọc và có ý nguyện, tự tuyển chọn cùng những bài đặc sắc để truyền lưu! nhưng bây giờ sức khoẻ có hạn, nhiều lần ao ước nếu có ai giúp đỡ, viết được một quyển thi thoại về thơ bốn câu này, là hạnh phúc để đời của tôi.

Thơ bốn câu và nói chung là thơ ngắn, là thế mạnh của thơ phương Đông. Các cụ ta xưa học ở Kinh Thi, ở thơ Đường Trung Hoa để hình thành và làm phong phú thêm thơ Việt. Học mót lại của các cụ, cũng còn chán vạn điều hay. Sau đỉnh cao thơ Đường, sang đến thơ Tống, thơ Thanh, cũng có nhiều điều học được. Tôi tình cờ đọc được câu thơ Tống:

"Châm chử xao tàn thâm hạng nguyệt

Ngô đồng diệu lạc cố viên thu".

(Tiếng chày đập vải xao động, làm tan bóng trăng xóm vắng. Cây ngô đồng từ nơi xa, đã rụng hết mùa thu rơi vườn cũ).

  Tôi ngứa tay dịch thành thơ Việt:

  "Chày vải khua tàn trăng xóm vắng

Ngô đồng, thu rụng lá vườn xưa".

Tôi đem thơ dịch hỏi nhà nghiên cứu Hán - Nôm Nguyễn Tiến Đoàn giờ người đã về với gió trăng, ông khen là tạm được. Tôi khoe thêm câu thơ thanh:

"Lâu đài oanh điệp xuân huyên tảo

Ca võ giang san nguyệt trụy trì".

(Lâu đài có oanh bướm nên ngày xuân vui thôn xóm. Ca múa khắp nước non khiến bóng trăng rụng chậm) .

Tôi lại không sợ súng dịch tiếp:

"Lầu xuân oanh bướm vui thôn xóm

Ca múa trăng rơi chậm khắp nơi".

Bác Tiến Đoàn cười vang: "Cậu cũng không điếc lắm đâu!"

Tôi mò sang cả tứ tuyệt Italia:

"Tôi cần sống để hiểu vì sao phải sống

Tôi làm thơ để hiểu vì sao mình làm thơ".

Tôi muốn sống để hiểu vì sao mình chọn nghề cầm bút.

  Tôi làm thơ để hiểu vì sao tôi sống cõi đời này.

Bài thơ giúp tôi nhận ra: Thơ phương Tây nặng về bày tỏ, giảng giải, phân tích, không thâm thúy, kín nhẽ như thơ phương Đông.

Ở phương Đông thơ bốn câu chưa phải là ngắn nhất, ta còn thấy thơ hai câu Việt Nam, sau này bác Lê Đạt gọi là thơ Hai câu, nhại theo thơ Hai-Ku Nhật Bản và Sizo Hàn Quốc. Bác Lê Đạt cho rằng: Thơ bốn câu chỉ hay ở hai câu cuối, bỏ hai câu đầu sẽ có thơ hai câu cô đúc hơn. Các loại thơ này thường chỉ khoảng 14 âm tiết. Bằng một cặp lục bát, hay một cặp thất ngôn. Anh Nguyễn Khôi trao đổi: Thơ tiền chiến còn có loại một câu của Thao Thao:

- Bể mịt mùng, cát vàng nhạt. Trăng soi

- Một tiếng quẫy, im lìm. Bờ bụi tối

- Sông nước mờ. Hơi sương. Chấm lửa buồn

- Trời nước lặng. Mơ hồ. Cá đớp trăng.

Các bạn trẻ hôm nay không hay ngay từ thời thơ mới, các nhà thơ vẫn còn mong mới hơn. Nghĩ ra bao nhiêu lối cách tân, ồn ào hơn cả các bạn sau này. Thơ một câu, thậm chí có cả thơ một chữ. Nhà thơ Phùng Quán kể rằng: Những ngày đi câu cá, có một bạn câu thích làm thơ ngắn, đặc biệt là thơ một chữ. Bài thơ "Yêu" có một chữ: "Mệt". Bài thơ "Vợ chồng" có một chữ "Xong"! Cách tân về hình thức thì mệt lắm và chẳng khi nào mới cách tân xong. Các bác Lê Đạt, Phùng Cung ... bao giờ mới làm nổi một trào lưu! Trở lại với thơ 4 câu, tôi muốn nói tới những bài thơ được giải của một cuộc thi. Những bài được giải cao, Ban giám khảo chọn là chính xác.Trước hết về hình thức, rõ ràng Tứ tuyệt ra Tứ tuyệt. Nội dung, ý tứ, câu chữ... đều có thể cho ta thưởng ngoạn, rung đùi. Nhưng so với Tứ tuyệt của người xưa, những bài được giải, khi bắt vào một đề tài nào đó về thiên nhiên, con người, phần chuyển sang ý nghĩa xã hội, tư tưởng chưa được khơi sâu. Chắc chắn ban giám khảo cũng biết điều đó. Nhưng ngoài yêu cầu về thơ, còn những yêu cầu khác, hài hòa sao đây?

Các bạn thơ, kể cả các bạn già và bạn trẻ yêu cầu tôi nói đôi lời về kết cấu của một bài Tứ tuyệt. Tôi bảo không thể theo bác Lê Đạt bỏ hai câu đầu. Tuy chỉ là hai câu mở, dẫn người đọc vào không gian thơ, giúp người đọc dự cảm được đề thơ và tứ thơ. Câu một phải tự nhiên, nhưng kín đáo, đừng để lộ dụng ý. Câu hai hé lộ thêm một chút, cho không khí bài thơ sâu hơn. Câu ba là câu chuyển tạo tiền đề cho câu bốn, thông báo sẽ có tứ mới lạ sắp hiện ra ở câu kết. Câu kết đóng lại để nâng cao, nhưng không phải là đóng kín, thơ được mở ra để tứ bay lên. Có một nhà thơ từng ví câu kết như một cái công tắc điện, thiếu nó cả bài thơ tối om. Bật công tắc lên, cả bài thơ bừng sáng.Tôi ví dụ một bài thất ngôn bát cú, có tứ hay, câu hay, có thể tách ra làm mấy tuyệt. Tôi chọn bài "Chiều xuân" của ông Quách Tấn để làm mẫu:

Chim mang về tổ bóng hoàng hôn

Vàng lửng lơ non biếc đọng cồn

Cành gió hương xao hoa tỉ muội

Đồi sương sóng lượn cỏ vương tôn                                                        

Khói mây quanh quẩn, hồi chuông vọng

Trời biển nôn nao tiếng địch dồn

Thưởng cảnh ông câu tình tự quá!

Thuyền con chở nguyệt đến cô đơn.

Bài thơ trích trong tập thơ Đường Luật, có tên là "Mùa cổ điển", Quách Tấn cùng lớp với các nhà thơ Bình Định như Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Chế Lan Viên, Yến Lan. Thơ Mới đang thắng thế, thịnh hành, Quách Tấn vẫn làm thơ cũ và ngang nhiên trình làng hai tập thơ cổ: "Một tấm lòng" và "Mùa cổ điển", như một cách chơi ngang, thách thức dư luận. Khuôn khổ, cách thức là Đường Thi, nhưng tâm hồn, ý tứ và câu chữ lại khá mới, nên được dư luận đánh giá cao.

Lão tướng Tản Đà viết bài khen, các tiểu tử Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên cũng trầm trồ động viên. Tôi làm một bài text, yêu cầu các "đồ đệ" thử xem, bài "Chiều xuân" có thể tách ra được mấy bài tứ tuyệt hoàn chỉnh. Đầu tiên là tách 4 câu đầu một bài, bốn câu cuối là bài hai, hai câu đầu và hai câu cuối là bài ba, bốn câu giữa là bài bốn. Tách xong, đọc cũng nhận xét thơ Quách Tấn hay quá.

Đấy là Tứ tuyệt cổ điển của "Mùa cổ điển". Bây giờ thử đọc tứ tuyệt của "Trung cổ điển" xem sao? Tôi chọn thơ của bác Sao Mai, hội viên sáng lập của Hội Nhà văn Việt Nam. Ngày còn học Phổ thông Trung học, tôi đã nghe tiểu thuyết "Nhìn xuống" của bác. Năm 1954, bác có tập phóng sự "Trại di cư Pagod Hải Phòng", viết về nạn cưỡng ép đồng bào công giáo miền Bắc, di cư vào miền Nam. Phóng sự viết chưa kỹ lắm, nhưng kịp thời giáo dục cho bà con ta không nghe theo luận điệu tuyên truyền của địch, bỏ nhà, bỏ cửa đi theo cái gọi là "thế giới tự do". Sao Mai nổi tiếng từ đây và dĩ nhiên có mặt ở Đại hội thành lập Hội Nhà văn Việt Nam tháng 4/1957. Sao Mai còn có tiểu thuyết "Thôn Bầu thắc mắc", viết về sửa sai sau cải cách ruộng đất và một tập thơ in chung với Lê Đạt với bài thơ "Trưa quê" của ông, tôi chọn để cho anh em văn nghệ sĩ tập tành:      

                         

                Trưa quê

 

 Trưa ấy quê nhà, mây trắng bay

Đường trưa hun hút bóng vai gầy

Người trong trưa quạnh nhìn không nói

Mắt trẻ trưa làng xanh ánh cây.

Trưa xóm đầu thôn trưa như không

Trưa về gờn gợn cỏ may đồng

Trưa nào xa quá gà đương gáy

Ngang hơi gà xưa trưa quê sông.

 

Từ độ người đi biết trưa quê

Thương giàn mướp nhỏ hoa chưa về

Vàng hoa trưa ấy còn bay phấn

Thơm đến trưa này trưa mướp quê.  

 Bài thơ có ba khổ, nếu tách ra làm ba tuyệt, ta có ba bài tứ tuyệt, đặt liền nhau, cùng với nhau, của nhau. Đứng riêng, mỗi tuyệt một đẹp. Đứng cùng nhau, tuyệt nọ làm đẹp thêm tuyệt kia, tuyệt cú và có dáng tuyệt phẩm. Ba bài tứ tuyệt làm đã khó, làm ba bài tứ tuyệt thành một bài tuyệt cú càng khó hơn. Bài thơ hay mà lại nhẹ nhàng như không, chữ nghĩa dân dã, bình dị, cái duyên đáng yêu, cái tình đáng quý. Chất liệu để làm nên "Trưa quê" rất "Trưa Việt" và "Quê Việt". Trưa và quê của Nguyễn Khuyến (quê Sao Mai cách quê Yên Đổ chưa đầy mười cây số).

Tôi bình 12 câu thơ thì 11 câu có chữ "trưa" riêng câu thứ 10 "Thương giàn mướp nhỏ hoa chưa về" "chưa" chơi chữ đồng âm, giàn mướp chưa có hoa như người đi chưa về. Chữ "thương"ở đầu câu, không phải chỉ thương giàn mướp chưa có hoa, mà rõ ràng là "thương" ai đó, nhưng không phải là thương mẹ, thương em, mà là thương nhà thơ từ độ xa quê, giờ mới gặp lại, một trưa quê, vàng phấn hoa bay, vương vất đến trưa này.

Các bạn của tôi mê quá, tôi đã tiếp lửa cho nhiều người thẩm thơ và làm thơ hay hơn. Nhưng trong những người làm thơ mà không có "Nhân", mà lại muốn có thơ hay thì họa có trời sập. Mười ba tông đồ của chúa, còn có một tên Juda. "Học tài thi phận", Không có tài mà thi lại đỗ, lại có thẻ của "Hội làm thơ" là chuyện của cuộc đời. Thi phận còn một nghĩa nữa là phận của người làm thơ, của thi ca, chứ không phải phận của người đi thi.

"Mỗi người làm thơ đều có số phận của mình". Câu nói định mệnh này của một nhà thơ, trước tôi vẫn nhớ tên, mà bây giờ lẩn thẩn lại quên.  

Lương Hữu