Tháng 6, không của riêng ai, nhưng với tôi, những người làm báo không khỏi bâng khuâng khi nghĩ về nghề - một nghề đầy nhọc nhằn, khắc nghiệt, thậm chí không ít hiểm nguy nhưng cũng thật tự hào. Đó là "Nghề báo trong trái tim tôi".
Nghề báo trong trái tim tôi
PHAN HÀ
Tháng 6, không của riêng ai, nhưng với tôi, những người làm báo không khỏi bâng khuâng khi nghĩ về nghề - một nghề đầy nhọc nhằn, khắc nghiệt, thậm chí không ít hiểm nguy nhưng cũng thật tự hào. Đó là "Nghề báo trong trái tim tôi". Những ngày tháng 6, mang theo sắc đỏ rực cháy của những chùm phượng vĩ rợp khung trời, sắc tím thủy chung ngọt ngào của dãy bằng lăng lãng mạn cuối phố. Những tia nắng vàng rải trước hiên nhà, bầu trời trong văn vắt, lòng tôi lại bâng khuâng xao xuyến bồi hồi nhớ lại kỷ niệm xưa. Vốn là dân văn chính hiệu nhưng tôi “say” làm báo. Tôi còn nhớ như in, khi bước chân vào làng báo, tôi chẳng khác nào một cánh chim lạc đàn. Tôi đã từng rơi nước mắt khi lạc lõng, lúng túng giữa những miền đất xa lạ. Từng buồn da diết khi thấy mình ngơ ngác, đơn độc trong những cuộc hành trình dài. Từng băn khoăn, trăn trở cho một bài viết mà không biết bắt đầu từ đâu... Sự khắt khe của nghề có nhiều lúc tôi cảm thấy áp lực. Nhưng lòng “say” nghề đã ăn sâu vào máu thịt tôi từ lúc nào không hay. Và thế là từ lúc đó tôi đã nhận ra “Nghề báo trong trái tim tôi”. Những tháng năm xuôi ngược, cầm bút nặng trịch, như cày trên trang viết, tứ bài viết vừa được thắp lên, chỉ viết được vài dòng lại vụt tắt, cứ như thế, sự trải nghiệm trên những cung đường đi, những nơi tôi đến, những nhân vật tôi tiếp xúc, sự vụ tôi kiếm tìm, có lúc tắc đường không lối thoát, nhiều đêm không ngủ được, nghĩ suy xem ngày mai bài viết của mình phải bắt đầu từ đâu, có lúc bế tắc. Trong những khó khăn, tôi luôn nhận được những lời động viên từ thầy cô, bạn bè, anh chị đồng nghiệp đã giúp tôi nhanh chóng quên đi tất cả. Tôi mê cái cảm giác được: xách ba lô lên, đi và... cảm nhận! Những chuyến đi cho tôi những trải nghiệm thú vị trong cuộc sống, để “hiểu mình, hiểu đời”, biết cảm thông, sẻ chia và gần gũi hơn với những cảnh đời bất hạnh. Tháng 6, không của riêng ai, nhưng với tôi nói riêng, những người làm báo nói chung không khỏi bâng khuâng khi nghĩ về nghề - một nghề đầy nhọc nhằn, khắc nghiệt, thậm chí không ít hiểm nguy nhưng cũng thật tự hào. "Nghề báo trong trái tim tôi". Và cứ đến ngày này là trong lòng tôi lại bồi hồi cảm xúc nhớ về những kỷ niệm ngày đầu vào nghề với lòng nhiệt huyết muốn cống hiến và theo đuổi đam mê để mình trưởng thành và xứng đáng hơn nữa với danh hiệu nhà Báo. Nhớ lại những ngày đầu chập chững làm quen với nghề, đối với tôi, cái khó nhất vẫn là đề tài. Chỉ cần đề tài hay, mới mẻ, độc đáo thì sẽ được Ban biên tập phê duyệt để tiếp cận, phần còn lại là cách triển khai bài viết sao cho thời sự, hấp dẫn, sâu sắc và đầy đủ thông tin của phóng viên. Bắt đầu từ đây, tôi dần tìm tòi và học hỏi các anh chị đi trước, tích lũy cho mình những kinh nghiệm trên bước đường tìm kiếm thông tin để viết bài. Có thể nói đây thực sự là một cuộc trải nghiệm, là một hồi ức đẹp mỗi khi tôi nghĩ về. Đó là cả một hành trình nỗ lực, cố gắng không ngừng với tất cả niềm đam mê với nghề và nhiệt huyết tuổi trẻ. Báo chí trong cơ chế mở hiện nay, ngày kỷ niệm 98 năm ngày báo chí cách mạng việt nam (21/6/1925 - 21/6/2023) càng có nhiều tờ báo, tạp chí phát triển theo hướng tự chủ về mặt tài chính, khuyến khích phóng viên làm “kinh tế báo chí”, một khái niệm khá mới mẻ, phù hợp với xu thế thời đại nhưng không phải phóng viên nào cũng hiểu đúng và làm đúng. Làm báo thời công nghệ 4.0, tuy có nhiều điều kiện thuận lợi về phương tiện hiện đại, công nghệ thông tin nhưng cũng mang theo vô vàn áp lực và cám dỗ. Sự thương mại hóa trong báo chí đã tạo ra áp lực về chỉ tiêu, kinh tế, dẫn tới không ít phóng viên bị lung lay, không còn giữ được ngòi bút trong sáng và vô tình biến mình trở thành “công cụ” của một nhóm lợi ích cá nhân nào đó; hoặc có khi lạm dụng quyền lực thứ tư, biến mình thành một người khác, không còn là một nhà báo chân chính như ngày nào! Đó cũng là lý do vì sao ngày càng có nhiều phóng viên không giữ được đạo đức nghề nghiệp của mình… Với tôi, để có thể theo đuổi đam mê với nghề, tôi cũng trải qua không ít khó khăn, mặc dù luôn có lập trường và bản lĩnh chính trị tư tưởng vững vàng. Khi còn là sinh viên trường Báo chúng tôi luôn được các thầy cô giáo rèn cặp, “nhà báo không được thiên cây bút về bên tả, không được ngả cây bút về bên hữu” phải cầm bút thật chắc và thẳng, bút sắc, lòng trong, tâm sáng, tôi coi đó như kim chỉ nam để hành động, để làm nghề. Nghề báo đáng được trân trọng và nâng niu, bởi người làm nghề báo luôn phải đối mặt với không ít gian khổ, hiểm nguy để có một tác phẩm báo chí để đời, nhất là những tác phẩm ký sự, phóng sự điều tra, bóc trần những “mảng tối” của xã hội và lan toả những việc làm tốt đẹp. Sau này, dù chuyển công tác qua nhiều tờ báo, tạp chí khác nhau nhưng những kiến thức, bài học kinh nghiệm mà tôi chắt chiu được ở những tòa soạn mà tôi từng làm qua là vô cùng quý giá và trở thành tiền đề phát triển, thể nghiệm và khẳng định bản thân ở môi trường mới, môi trường mà hàng ngày tôi phải gom nhặt chắt chiu từng câu chữ. Tạp chí Văn nghệ Thái Bình, Cơ quan ngôn luận của Hội Văn học Nghệ thuật biên tập đăng tải những sáng tác nghiên cứu lý luận phê bình của hội viên, lĩnh vực nghệ thuật rộng, ngoài văn chương chữ nghĩa ra tôi còn phải học tập trau rồi, rèn luyện về nghệ thuật nhiếp ảnh, hội họa, mĩ thuật, âm nhạc, kiến trúc, sân khấu, nghiên cứu… Làm tạp chí văn học nghệ thuật tôi như người đi cày vỡ ải những thửa ruộng hoang, trên cánh đồng văn chương ngồn ngộn sự sống, ngày cày lấy cơm ăn, đêm về cày trên trang sách, tôi lặn ngụp đọc và viết, tôi học mót từng câu văn tứ thơ của các văn nghệ sĩ, những nhà văn nhà báo tên tuổi để bồi thêm cho mình vốn sống. Sự nhọc nhằn của người làm báo văn nghệ khó diễn tả bằng lời, vật chất vô giá mà trải qua gần 20 năm làm báo tạp chí văn nghệ đó là đời sống tinh thần vô cùng phong phú, luôn lạc quan và yêu đời, đôi lúc mệt mỏi tôi một nhà báo chân chính lại vịn vào câu thơ mà đứng dậy: "Nghề báo trong trái tim tôi". Làm báo với tôi không chỉ đơn thuần là một cái nghề để kiếm sống mà hơn thế, đó là cả một bầu trời ký ức tuổi thơ và là cả một niềm đam mê, khao khát được viết, được sống thỏa mãn, khát vọng và cống hiến Nhân kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023), tôi xin gửi tới đồng nghiệp là các nhà báo, phóng viên, biên tập viên, những người làm việc trong ngành truyền thông, báo chí lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công trong sự nghiệp. Luôn giữ được tư tưởng vững vàng để mang đến những tác phẩm xứng đáng là Báo chí Cách mạng Việt Nam.