Lời thu đã chín
Ngày: 19/11/2021
Đỗ Lâm Hà là bút danh, còn tên thật của ông là Đỗ Ngọc Cầu. Hành trình văn chương của Đỗ Lâm Hà đi từ thơ đến lý luận phê bình

Đỗ Lâm Hà là bút danh, còn tên thật của ông là Đỗ Ngọc Cầu. Hành trình văn chương của Đỗ Lâm Hà đi từ thơ đến lý luận phê bình. Là sự lao động say mê không mệt mỏi với con chữ, với ý, với tứ. Trong không khí “trăm hoa đua nở, cả nước làm thơ”, chưa bao giờ “mặt trận thơ ca” nở rộ như hiện nay. Thật đáng yêu ông trân quý tất cả các tác phẩm của các tác giả trong và ngoài tỉnh gửi biếu, tặng. Cần mẫn và cẩn trọng, ông đọc hàng ngàn trang sách, trang thơ, gạn đục, khơi trong, viết lời bình, giới thiệu, quảng bá, tìm ra những bụi vàng lấp lánh văn chương để viết nên những tác phẩm phê bình, giới thiệu, nhiều công phu và thành công.

Đỗ Lâm Hà viết nhiều về lý luận phê bình, giới thiệu. Điểm xuất phát ban đầu của Đỗ Lâm Hà là thơ. Thơ đến với ông như máu thịt, như hơi thở, êm dịu và khắc khoải, luôn thao thức với đời, với mỗi số phận con người. Ở ông là một tâm hồn đa cảm, giàu nhân văn, nhân ái. Sau những tập thơ: “Ngõ chung hương bưởi”, “Giọt nắng hương cây,”“ Nắng hoa cau” và ba tập lý luận phê bình, giới thiệu tác phẩm: “Trang văn vời vợi bên đèn” tập nào cũng đầy đặn và công phu, để lại nhiều dấu ấn trên trang viết. Giờ đây ông lại trở về với thơ, tập “Lời thu” với 106 bài thơ và một số bài viết của bạn bè dành cho tác phẩm của ông, đã làm nên một thi tập khá chững chạc.

Phải công nhận sự sung sức của cây bút Đỗ Lâm Hà, trong khoảng mười lăm năm trở lại đây, ông đẻ sòn sòn những đứa con tinh thần. Nói như nhà thơ Xuân Diệu “đẻ trứng này tôi còn trứng khác”. Lăn lộn và say mê văn chương đã giúp ông cho ra lò nhiều thi phẩm, đáng để chúng ta phải suy ngẫm và học tập. Nhìn vào dung lượng tác phẩm của Đỗ Lâm Hà, ta thấy được sự làm việc miệt mài chăm chỉ, và nghiêm túc. Người thơ Đỗ Lâm Hà luôn đau đáu, khắc khoải nỗi niềm văn bút, trước trang giấy, ngọn đèn, rỏ chữ, nhả câu… vời vợi nỗi niềm. Điều này cũng được ông đúc lại trong sáu chữ “Trang văn vời vợi bên đèn”. Ngay ở bìa cuốn “Lời thu” cũng vẽ hình chiếc chao đèn, khoảng trời, và cái cây hình tượng như ngọn bút, như sự xanh tươi của thi tác, hay nói đúng hơn là sự xanh tươi của tâm hồn ông. Người đọc yêu quý và càng trân trọng hơn khi biết ông đã vượt ngưỡng cái tuổi “cổ lai hy” mà vẫn giữ được phong độ sáng tác, một điều đáng ghi nhận thành công của cây bút này.

Lao động nghệ thuật là thứ lao động khổ sai, nhất là lao động chữ. Có bậc thi bá từng nói đấy là “phu chữ”; ai hời hợt với quan điểm này khó có cơ bứt lên được. Người thơ Đỗ Lâm Hà cũng nhận ra điều ấy, thao thức, cô đơn và khắc khoải:

 “Đêm đêm thương cả bốn mùa

 Lòng ta còn khuyết trăng chưa kịp tròn

 Cô đơn rót cạn đêm mòn.

Tằm bao đêm nữa vuông tròn kén tơ”.

                                            (Những đêm)

 Hay: “Thi nhân chia những đêm gầy

Trái tim chia cõi tình này cho sau.”

                                                   (Chia)

Rồi: “Trang văn vời vợi bên đèn

Tình dâng ngọn bút lửa nhen trang đời

 lá cứ rụng

 Chiều cứ rơi

  Vốn riêng còn chút vàng mười thời gian”…    

                                               (Thời gian).

Và luôn luôn trăn trở:

“Muốn làm một chút gì đây

Mùa  xuân có đợi mà cây vẫn chờ”.  

                                         (Không đề 1)

Trách nhiệm công dân ấy, đương nhiên tìm đến những thân phận những con người yếu thế, thua thiệt. Đất nước những năm chiến tranh, sự hy sinh to lớn về người và của, những nàng vọng phu hiện đại cứ thấp thoáng đâu đó:

 “Chiến tranh đã dứt lâu rồi

  Ngày xuân chộn rộn

 Chị ngồi lặng thinh” .        (Vọng Phu )

Trong nỗi đau cả nước không trừ riêng ai, nỗi đau mất mát ấy lại chính là người con trai của ông hy sinh trên chiến trường miền Nam. Ngày hòa bình ông đưa thi hài con về quê, nỗi đau nén lại “Lá vàng chạm gió thầm thì cội đau”. đọc lên thấy nhói con tim:

“Tuổi bảy mươi ẵm con thơ

Ấp vào lồng ngực bây giờ mới tin

Vẫn còn thổn thức con tim

Từng giờ mở túi lần tìm gói xương

Nâng tay nhè nhẹ nương nương.

Để con yên giấc trên đường về quê”.

                                            (Tìm Con).

 Sự hy sinh ấy được người cha và xã hội tôn vinh, khẳng định “ Con đi vì một sơn hà…con đi”. Đến thành cổ Quảng Trị, Đỗ Lâm Hà thấu hiểu hơn công lao, sự hy sinh to lớn của những anh hùng, liệt sĩ. Chúng ta, những người đang sống còn nặng nợ rất nhiều:

 “Kiếp này ơn trả chưa xong

 Thôi đành di chúc... còn mong đáp đền”.

                              (Tháng tư Thành Cổ)

Chiến tranh là thế, trong hòa bình xây dựng đất nước, những người nông dân luôn là những người yếu thế, thua thiệt. Ông viết về “Mưa đá Sa Pa”, trận mưa đá đã quét sạch những gì là thành quả lao động của người dân miền sơn cước rồi ông động viên họ:

 “Thôi đừng trách ai cả

Chỉ tại cái ông trời

 Mưa đá rồi sẽ tạnh

 Còn gốc còn lên chồi”.

                                  (Mưa đá Sa Pa)

Rồi ông lên tiếng, rồi ông đòi hỏi những gì có thể làm được tốt hơn cho người  nông dân chất phác cần cù:

“ Hãy công bằng với lúa

Mong những mùa thâm canh

Lúa là cây đẹp nhất

Trong muôn loài cỏ cây”.  

                       (lúa xuân khai bút)

Một lần tình cờ tôi được nghe câu chuyện Đỗ Lâm Hà lên vùng sơn cước nơi thủ đô gió ngàn Việt Bắc, Đỗ Lâm Hà thấy cái “nôi” của cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, vùng kháng chiến nhân dân còn nghèo quá, ông đã viết mấy vần thơ tặng đồng chí Bí thư huyện ủy Bắc Sơn, có đụng chạm đến sự trách móc, phê phán nhẹ nhàng. Tặng thơ rồi, người thơ vẫn còn băn khoăn, thắc thỏm, e ngại đồng chí bí thư huyện ủy giận. Trong đó có câu:

“Đọc thơ xin chớ giận hờn

Quê hương đổi mới nhưng còn nghèo xơ

Trời ơi nào có ai ngờ

Bắc Sơn đợi đến bao giờ nữa đây?”                                        

Không ngờ nhờ chính bài thơ ấy, ông bí thư huyện ủy không những không giận mà còn trăn trở thâu đêm nghĩ ngợi phải làm gì cho quê hương, cho huyện mình khởi sắc, bứt lên. Ngày hôm sau bằng sự bừng tỉnh, và lòng dũng cảm, ông đã bàn lại với thường vụ huyện ủy viết lại toàn bộ nghị quyết. Bỏ hết những công trình xây dựng ủy ban, nhà khách tốn kém đầy hình thức. Và rồi Bắc Sơn có được điện, trường, trạm khang trang. Mọi dich vụ vận chuyển, buôn bán giao thương trở nên sầm uất. Người dân đã giàu lên, bộ mặt vùng cao đã thay da đổi thịt nhanh chóng. Tôi có hỏi ông về chuyện này, ông bảo: “ đấy là giây phút hạnh phúc nhất trong đời cầm bút của tôi”.

Đối với Đỗ Lâm Hà, theo cảm nhận những gì ông viết, quanh ông đều có thể là thơ. Ở đâu, đi đâu ông cũng có thơ, địa danh nào ông đến cũng để lại chí ít thì dăm ba câu, nhưng thường là một vài bài thơ. Khi thì ngẫu hứng Kỳ cùng, khi Đại Lải, khi lên Tam Đảo dự trại sáng tác:

“Ta lên Tam Đảo với người

 Tình trong đá núi bên trời phù vân

 Nghìn năm đã được một lần

Nghìn năm sau nữa có phần ta chăng”.

                                              (Tam Đảo)

Đi nhiều, trải nghiệm nhiều, ông nhận ra được điều quan thiết trong cuộc sống gần như chân lý:

“Lỏng lơi được vận

 Nắm chặt ăn mày

 Ai sớm sự nghiệp

 Ai chiều trắng tay”.

                                  (Bàn tay)

Thơ Đỗ Lâm Hà giàu suy nghĩ và trăn trở, trong “cái thế mạnh” đi nhiều viết nhiều đôi khi nếu không làm chủ được cảm xúc thì dễ “lỏng lơi” buông thả. Bởi vậy mà đó đây có câu, có bài câu chữ, ý niềm chưa thoát, chưa đắc địa, tứ thơ còn dàn trải; không nhiều những câu như:

 “Tôi tin phía ấy chiều tà

 Để mai sớm dậy canh gà rạng đông”….

                               (Ngày xuân gặp bạn)

“Cô đơn rót cạn đêm mòn

 Tằm bao đêm nữa vuông tròn kén tơ”…  

                                         (Những đêm)

 "Người thì bắt bẻ cây non

 Ta mong cổ thụ mang hồn nguyên sinh".

                                       (Lời cây cảnh)…

Lá cứ rụng

chiều cứ rơi

vốn riêng còn chút vàng mười thời gian”…

                                                   (Lời thu)

 Những câu thơ như thế dễ đi vào lòng người và nó “đóng dấu” vào thơ Đỗ Lâm Hà không dễ quên được. “Lời Thu”, lời của chữ thơ, tiếng thơ, cảm xúc thơ Đỗ Lâm Hà đang ở vào độ chín như trái thu mọng ngọt nỗi niềm nhân ái.  

Sự say mê lao động nghệ thuật ở người thơ Đỗ Lâm Hà đã đem lại một vốn liếng thi phẩm khá “nặng tay” ở cả hai thể loại thơ và lý luận phê bình,  giới thiệu. Phần lý luận phê bình, giới thiệu, theo cảm nhận của tôi nổi trội hơn phần thơ. Ở cái tuổi “xưa nay hiếm” thì lý luận phê bình phát huy tốt hơn thơ.. nó đòi hỏi độ dày kinh nghiệm “ gừng càng già càng cay”. Nhưng với thơ thì thường ngược lại.

Đặng Thành Văn