LỄ HỘI CỔ TRUYỀN MÙA XUÂN Ở THÁI BÌNH
Ngày: 17/01/2023
heo số liệu thống kê, Thái Bình là một trong những tỉnh, thành phố hiện còn duy trì được nhiều hội làng cổ truyền nhất cả nước. Đến năm 2021, toàn tỉnh còn duy trì được 585 hội làng, trong đó có 335 làng mở hội vào tiết xuân. Từ những ngày tết Nguyên đán đến cuối tháng ba, đầu tháng tư âm lịch, đi trên khắp các nẻo đường quê trong tỉnh thường thấy thấp thoáng bóng cờ hội của các làng. Hầu hết hội làng mùa xuân cổ truyền ở Thái Bình đều có khai hội, chính hội, dã hội, có những trò đua tài, giải trí thu hút cả người ngoài làng đến tham gia.

LỄ HỘI CỔ TRUYỀN MÙA XUÂN Ở THÁI BÌNH

                                                                                   NGUYỄN THANH

Theo số liệu thống kê, Thái Bình là một trong những tỉnh, thành phố hiện còn duy trì được nhiều hội làng cổ truyền nhất cả nước. Đến năm 2021, toàn tỉnh còn duy trì được 585 hội làng, trong đó có 335 làng mở hội vào tiết xuân. Từ những ngày tết Nguyên đán đến cuối tháng ba, đầu tháng tư âm lịch, đi trên khắp các nẻo đường quê trong tỉnh thường thấy thấp thoáng bóng cờ hội của các làng. Hầu hết hội làng mùa xuân cổ truyền ở Thái Bình đều có khai hội, chính hội, dã hội, có những trò đua tài, giải trí thu hút cả người ngoài làng đến tham gia. Trước Cách mạng Tháng 8 - 1945 Thái Bình có hơn 800 làng. Hầu hết các làng đều có hội theo tâm thức "thánh làng nào làng ấy thờ". Có làng một năm có ba bốn kỳ hội với sự lệ khác nhau nhưng hội xuân thường được xem là hội đua tài, giải trí với nhiều trò chơi, trò diễn. Giá trị văn hóa đặc sắc đáng chú ý trong hội xuân ở Thái Bình là còn duy trì được hơn 30 tục thi cổ truyền mang đậm sắc thái văn hóa nông nghiệp. Ngoài các tục thi trình nghề như dệt chiếu, dệt vải, xe đay, làm bánh, làm bún còn có các trò đua tài giải trí như vật cầu, vật ống, bơi chải, bắt chạch, bắt vịt, thả diều, pháo đất, kéo lửa nấu cơm... Thuở xưa những hội lớn ở Thái Bình là niềm vui say của khách trảy hội với quang cảnh "sáng rối tối chèo". Ngoài tính phổ biến "sáng rối tối chèo" của nhiều hội, mỗi hội lại có những tục thi riêng gắn với huyền thoại về sự tích, hành trạng của vị thần được thờ và những điệu múa dân gian gắn với nghi thức tín ngưỡng. Vào những năm gần đây, hội làng mùa xuân ở Thái Bình có tới gần 20 điệu múa dân gian được duy trì. Có những điệu múa mang tính phổ biến trong nhiều hội như múa trống trắc, múa sênh tiền mõ lộn, múa lân, múa phượng, múa tứ linh, múa cờ, múa rồng... còn có những điệu múa chỉ trong nghi thức tế thánh ở một số hội như múa quạt, múa đèn, múa dâng hương dâng hoa, múa chèo đò, múa kéo chữ. Có những điệu múa cổ chỉ gắn với nghi lễ trong một hội, gắn với truyền thuyết về vị thần của làng thờ. Ví dụ múa ông Đùng bà Đà ở hội làng Quang Lang (Thái Thuỵ); múa bệt ở hội làng Vọng Lỗ, múa bát dật ở hội làng Lộng Khê (Quỳnh Phụ); múa ếnh vồ, chèo chải cạn ở hội chùa Keo (Vũ Thư); múa giáo cờ giáo quạt ở hội làng Thượng Liệt (Đông Hưng)... Trong tháng giêng có hơn 50 hội làng ở Thái Bình còn duy trì được các trò chơi, các tục đua tài, thi khéo của người xưa trao truyền lại. Có những làng khai hội vui xuân ngay từ sáng ngày mồng một tết Nguyên đán và đến hết ngày mồng ba, mồng bốn mới dã hội. Xin nêu một số hội làng tiêu biểu ở Thái Bình được khai hội vào những ngày đầu xuân: - Ngày mồng 2 tết: du khách có thể đến với hội xuân làng Tống Vũ, xã Vũ Chính,  thành phố Thái Bình với nhiều trò đua tài cổ truyền mà sôi động nhất là các trò chơi đu và thi nấu cơm với nhiều việc phải tiến hành đồng thời như giã gạo, sàng sẩy, mò trứng, bắt vịt, leo cây chuối lấy lửa, nấu cơm cần… - Ngày mồng 4 tết: có tới mấy chục làng trong tỉnh khai hội. Đáng chú ý là hội chùa Keo, huyện Vũ Thư với các cuộc đua tài giải trí mang đậm sắc thái của cư dân nông nghiệp. Hội làng La Vân, xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Phụ cũng là một hội xuân thu hút nhiều du khách với nhiều trò dân gian đặc sắc. Đáng chú ý là tục trình nghề tứ dân (Sĩ - Nông - Công - Thương) đáng được coi là một hội trình nghề độc đáo nhất trong các lễ hội trình nghề vốn có ở Thái Bình. - Ngày mồng 5 tháng giêng: khai hội làng Dương Xá, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà với nhiều nghi thức cổ nhớ về cội nguồn của nhà Trần, trong đó có tục tế cá, thi cá. Hội đình Tống Thỏ xã Đông Mỹ, huyện Đông Hưng với các nghi thức rước công đồng, rước văn, tế, lễ cùng các trò cờ tướng, đánh gậy, tứ linh, thả đèn trời. - Ngày mồng 6 tháng giêng: nhiều làng trong tỉnh khai hội với những hội lớn như: hội Lạng, xã Song Lãng, huyện Vũ Thư. Ngoài nghi thức rước, tế với những lễ thức cổ còn có nhiều trò đua tài, thi khéo mà đặc sắc nhất là tục thi cỗ chay hàng giáp đến nay vẫn được duy trì bền vững. Hội làng Hới, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà với tục thờ trạng nguyên Phạm Đôn Lễ (thế kỷ XV) từng đi sứ sang Trung Quốc học hỏi được kỹ thuật dệt chiếu gon về cải tiến kỹ thuật mở mang nghề dệt của làng, được dân gian tôn vinh là Trạng Chiếu. Hội có nhiều trò chơi, trò diễn và tục trình nghề dệt chiếu cuốn hút du khách nhiều vùng, đặc biệt là thợ dệt chiếu các làng về tế tổ nghề và xem thi dệt. - Ngày mồng bảy tháng giêng: hội làng Tài Giá, xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Phụ, có tục múa kéo chữ và nhiều trò chơi dân gian khác. Hiện nay, múa kéo chữ được duy trì ở nhiều hội làng thuộc huyện Quỳnh Phụ nhưng múa kéo chữ ở hội làng Tài Giá và làng La Vân thường được tổ chức công phu, bài bản. - Ngày mồng 8 tháng giêng: hội đền Hét, làng Bích Du, xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy với nhiều nghi thức rước tế, nhiều trò đua tài, giải trí mang sắc thái riêng của cư dân miền biển như đi khoeo, vật đô, vật lão, kéo co, vật cầu. Hội làng Bích Đoài, xã Thái Nguyên, huyện Thái Thụy. Từ cổ xưa, hội làng Bích Đoài có sức cuốn hút du khách ở các làng lân cận, các xới vật trong vùng về tham gia. Những ngày hội diễn ra có nhiều trò cờ người, tổ tôm điếm, đi cầu kiều… - Ngày mồng 9 tháng giêng: hội chùa Múa, xã Minh Khai, huyện Vũ Thư với một đám rước độc đáo, hiếm thấy trong các hội làng ở Thái Bình. Tại sân đình kiệu vừa đặt lên vai các trai làng là quay tít. Trên đường rước từ đình ra chùa, kiệu không qua cầu mà băng xuống sông quay tít hàng tiếng đồng hồ, mặc cho thời tiết đầu giêng rét giá. - Ngày mồng 10 tháng giêng: trong tỉnh có tới hàng chục làng khai hội, mà hội làng Thượng Liệt, xã Đông Tân, huyện Đông Hưng là một trong những hội xuân độc đáo gắn với tục múa Giáo cờ giáo quạt, từng được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước tìm về khảo sát và đánh giá cao. Hội đền Thuận Nghĩa, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy. Trong hội thường có tục hầu bóng, hát văn. Xưa và nay thường cuốn hút các giá đồng các tỉnh ngoài đổ về. Có tục đua trải thu hút sự tham gia của cư dân đi biển… Sang tháng hai âm lịch, số lượng hội xuân trong tỉnh cũng không kém tháng giêng nhưng lại có một số hội rất đặc sắc, đáng được xếp vào danh mục trong từ điển lễ hội của Việt Nam như: hội làng An Cố, xã Thụy An, huyện Thái Thụy khai hội ngày 10 tháng 2 tại ngôi đình còn giữ nguyên được nét kiến trúc thời Lê (đầu thế kỷ XVI) với nghệ thuật chạm khắc cổ kính, được xếp vào loại kiến trúc cổ nhất hiện còn trên đất Thái Bình. Hội làng Đông Linh, xã An Bài, huyện Quỳnh Phụ mở vào trung tuần tháng 2 với nhiều trò chơi, trò diễn dân gian như múa kéo chữ, vật võ, cờ người… Đặc biệt là tục gói chiếc bánh chưng nặng chừng hơn 70 kg, vốn xa xưa đã đi vào câu phương ngôn “cây xôi làng Lày, bánh dày làng Lý, bánh chưng làng Nghìn”. Trong kho tàng dân gian của người Việt có câu: "Tháng giêng là tháng ăn chơi, tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè". Hội của các làng được mở vào tháng ba thường là hội lớn thu hút khách xa gần. Làng Lộng Khê, xã An Khê, huyện Quỳnh Phụ khai hội từ ngày 21 tháng 3 và kéo dài đến hết ngày 1 tháng 4 mới dã hội với các trò chơi, trò diễn đặc sắc như đốt cây đình liệu, múa kéo chữ, đặc biệt là tục múa bát dật hiếm thấy trong các lễ hội ở châu thổ Bắc Bộ. Đền Hệ, xã Thụy Ninh, huyện Thái Thụy là một ngôi đền lớn vào bậc nhất của huyện Thụy Anh xưa nằm ven đê sông Hóa. Vì là đền thờ ở ven sông nên dân vạn chài thường tìm về lễ bái, hầu bóng. Từ cổ xưa lễ hội đền Hệ được mở theo sự lệ chính vào các ngày 10 - 11 - 12 tháng 3 và mang tính hội vùng. Ngoài thực hành nghi lễ hát văn, hầu bóng còn các trò hát chèo, múa rối nước, vật võ. Miếu Hai Thôn, xã Xuân Hòa, huyện Vũ Thư mở hội vào từ ngày 10 đến 13 tháng 3 quy tụ nhân dân các làng lân cận, mang tính hội vùng. Ngoài sự lệ mang tính quốc tế, hội miếu Hai Thôn có các trò vật võ, tổ tôm, hát chèo, chọi gà. Đền Cửa Lân, xã Đông Minh, huyện Tiền Hải mở hội vào 10 - 12 tháng 3 với các nghi thức rước nước, hầu bóng, hát văn có các giá đồng và các đoàn tế nhiều nơi đổ về. Làng Phụng Công, xã Quỳnh Hội, huyện Quỳnh Phụ khai hội vào ngày 15 tháng 3 với tục múa kéo chữ, tương truyền có xuất xứ từ thời Trần, gắn với hình thức luyện binh của các tướng lĩnh nhà Trần trên vùng đất này. Đền Tân La (Tiên La), xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà, khai hội vào ngày 16, chính hội vào ngày 18 tháng 3. Những năm gần đây thường khai hội vào ngày 10 tháng 3. Là một trong những hội duy trì nghi thức thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu lớn nhất Việt Nam. Làng An Lão (Sáo Đền), xã Song An, huyện Vũ Thư mở hội xuân vào hạ tuần tháng 3 hàng năm với tục thi diều sáo, thi bắt chạch, thi nấu cơm, hát chèo, vật, võ… Hội làng Vọng Lỗ, xã An Vũ, huyện Quỳnh Phụ duy trì từ ngày 30 đến hết tháng 3 với tục múa Bệt đuổi hổ được dân làng sùng tín và duy trì nghiêm cẩn. Đền Đồng Xâm, xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương khai hội vào ngày 1 tháng 4, thường có nhiều lễ thức, nhiều trò chơi, trò diễn, đua tài như đấu roi, đấu vật, hát chèo, hát ca trù, đua chải… Cho đến nay, nhiều người vẫn quan niệm thế mạnh của du lịch Thái Bình là du lịch văn hóa. Hội làng mùa xuân của các làng trong tỉnh là một điểm nhấn của du lịch văn hoá. Việc giới thiệu và quảng bá nét đẹp, nét hay trong từng lễ hội theo niên lịch là cần thiết để phát triển ngành du lịch vốn đang chưa phát triển tương xứng với tiềm năng ở Thái Bình./.