Không gian Trường Sơn và những giai điệu tình yêu trong thơ Phạm Tiến Duật
Ngày: 19/11/2021
Trong thế giới những không gian nghệ thuật của thơ chống Mỹ cứu nước, Trường Sơn là mô hình tiêu biểu nhất

Trong thế giới những không gian nghệ thuật của thơ chống Mỹ cứu nước, Trường Sơn là mô hình tiêu biểu nhất. Đó vừa là không gian sử thi, lại vừa là không gian đời thường, vừa thơ mộng trữ tình lại vừa dữ dội khốc liệt. Từ cái nôi nghệ thuật rộng lớn đó, một thế hệ nhà thơ cầm súng đã thành danh: Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Hoàng Nhuận Cầm, Anh Ngọc, Vương Trọng… Trong số đó, Phạm Tiến Duật có thể nói là người đến với Trường Sơn sớm hơn cả. Đoạt giải Nhất thơ của Báo Văn nghệ 1969 - 1970 với cụm tác phẩm xuất sắc: Lửa đèn, Bài thơ về "tiểu đội xe không kính", Nhớ và Gửi em cô thanh niên xung phong, Phạm Tiến Duật thực sự là một hiện tượng nổi bật của đời sống thơ ca thời chiến tranh chống Mỹ, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến cộng đồng tiếp nhận lúc bấy giờ. Từ những thanh niên sinh viên đang ngồi trên giảng đường đến những người lính trẻ ở tiền phương, từ những chàng trai, cô gái nông thôn đang ngày đêm chắc tay cày tay súng đến những người công nhân tay búa tay súng,… dường như tất cả đều tìm thấy bóng dáng xúc cảm của mình, của thế hệ mình qua giai điệu ngân nga của hai câu thơ: Có lẽ nào anh lại mê em/ Một cô gái không nhìn rõ mặt. Không chỉ mang đến cho nền thơ chống Mỹ một kiểu diễn ngôn trữ tình và những tìm tòi đổi mới về thi pháp, Phạm Tiến Duật được coi là một tên tuổi sáng giá còn bởi nhà thơ bằng vốn sống phong phú và sự tươi trẻ của tâm hồn đã viết nên những bản tình ca bay bổng về thế hệ nam nữ thanh niên “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước…”. Nói cách khác, Phạm Tiến Duật đã nhìn một phần chiến tranh qua lăng kính của tình yêu tuổi trẻ, tình cảm lứa đôi. Chính đó là nội lực thôi thúc để ông trở thành một trong những nhà thơ đầu tiên dệt nên những mối tình trong sáng, tuyệt vời lãng mạn vượt lên mọi gian khổ hi sinh của chiến tranh. Một phần không gian Trường Sơn trong thơ Phạm Tiến Duật, vì thế, là không gian tình tự.

Trong thơ kháng chiến chống Pháp, đời sống tình cảm của người lính Vệ quốc quân chủ yếu được khám phá ở tình đồng đội, tình quân dân; tình yêu, những rung động mang sắc thái nam - nữ chỉ được diễn tả ở những thời khắc hiếm hoi và thường chìm vào tình đồng chí, những lúc. Kì hộ lưng nhau ngang bờ cát trắng/ Quờ chân tìm hơi ấm lúc đêm mưa/ Đằng nớ vợ chưa?/ Đằng nớ?/ Tớ còn chờ độc lập/ Cả lũ cười vang bên ruộng bắp/ Nhìn o thôn nữ cuối nương dâu (Nhớ - Hồng Nguyên); hoặc len lỏi, thấp thoáng trong tâm tư, hoài niệm của người lính mang dáng dấp tráng sĩ anh hùng: Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm (Tây Tiến - Quang Dũng). Dài hơi và ám ảnh hơn cả có lẽ là Núi Đôi của Vũ Cao và Màu tím hoa sim của Hữu Loan. “Em” trong những bài thơ này vẫn là “em du kích”, “em gái nhỏ hậu phương” ở phía sau chiến trường. Thơ chống Mỹ, đặc biệt là thời Phạm Tiến Duật - thập niên 60, 70 của thế kỉ XX - thế giới nhân vật luôn có sự hiện diện của cặp đôi nam nữ: anh chàng bộ đội và cô gái thanh niên xung phong. Họ là gương mặt tình yêu, là những nhân vật chính của đời sống chiến trường.

Sức hấp dẫn của thơ Phạm Tiến Duật không chỉ ở sự mới mẻ trong cách thức lựa chọn góc độ tiếp cận hiện thực, ở cấu tứ, giọng điệu: Không có kính không phải vì xe không có kính/ Bom dập, bom rung kính vỡ đi rồi/ Ung dung buồng lái ta ngồi/ Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng (Bài thơ về tiểu đội xe không kính) hoặc Cái vết thương xoàng mà đưa viện/ Hàng còn chờ đó tiếng xe reo/ Nằm ngửa nhớ trăng nằm nghiêng nhớ bến/ Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo (Nhớ)… thể hiện cả một trình độ kĩ thuật chắc tay, mà còn ở sự trẻ trung, tươi tắn của những chàng trai cô gái – những nguyên mẫu đời thường đã hồn nhiên đi vào trang thơ, trở thành những biểu tượng rạng rỡ cho vẻ đẹp và sức sống tình yêu của tuổi trẻ thời đại chống Mỹ.

Hiện lên giữa khung cảnh “bụi mù trời mùa hanh, nước trắng khe mùa lũ” là những “người đẹp Trường Sơn” đáng yêu, duyên dáng từ gương mặt đến nụ cười, từ mái tóc đến giọng nói. Họ là kiểu nhân vật trữ tình luôn tồn tại bên cạnh cái tôi chủ thể, là đối tượng để nhà thơ trao gửi tâm tư, tình cảm. Có thể nói, sự có mặt của họ với những vẻ đẹp nữ tính đã góp phần “cân bằng giới tính”, khiến đời sống của người lính ở chiến trường thêm phần ý nghĩa. Vì lẽ đó, từ một cung đường sau loạt bom thù và trong một đêm tối mọi thứ đều “mờ mờ nhân ảnh”, chỉ qua giọng nói, tiếng cười, cô thanh niên xung phong đã gieo vào tâm hồn chàng trai (với ngôi giao tiếp là anh) những xao động êm ái, trong trẻo mà không kém phần sâu sắc. Cách nói năng và kiểu tương tư đó, đến thơ chống Mỹ, qua Phạm Tiến Duật, chúng ta mới được thưởng thức: Có lẽ nào anh lại mê em/ Một cô gái không nhìn rõ mặt/ Đại đội thanh niên đi lấp hố bom/ Áo em hình như trắng nhất (Gửi em cô thanh niên xung phong). Từ nỗi nhớ mơ hồ, bâng khuâng, xao xuyến, cảm xúc của chàng lính đa tình trong câu chuyện càng trở nên nồng nàn, khắc khoải hơn và hiển thị lên văn bản bằng những câu hỏi và điệp khúc dồn dập: Anh đã tìm em rất lâu, rất lâu/ Anh đã đi rất nhiều, rất nhiều…/ Ở đâu? Em tinh nghịch của anh…/ Thương em, thương em, thương em biết mấy (Gửi em cô thanh niên xung phong).

Cái tôi trữ tình trong thơ Phạm Tiến Duật thuở ấy thường xưng danh bằng ngôi thứ nhất (tôi hoặc anh, nhưng ngôi anh chiếm tỉ lệ cao hơn). Dù xưng danh theo kiểu nào thì đó vẫn là cái tôi thông minh, yêu đời, vui nhộn. Thơ của ông thường được lập tứ một cách độc đáo, các ý được liên kết trên nền một câu chuyện nhỏ (ngay cả những bài thơ mang dáng dấp tứ tuyệt như Nhớ). Nhiều bài còn được mở đầu bằng kể việc nhưng luôn có sự hài hoà, nhuần nhuyễn giữa miêu tả và biểu hiện, nội tâm và ngoại cảnh. Với cái nhìn hiện thực sắc sảo kết hợp với độ nhạy cảm, rạo rực của tâm hồn, Phạm Tiến Duật dễ “chớp” được những khoảnh khắc đời thường bằng một “camera” hóm hỉnh, tinh nghịch: Giữa đường gặp một cô gái/ Tôi nghĩ cô này xinh đây/ Đồng chí lái phụ hớn hở/ Đồng chí lái chính cau mày (Đồng chí lái chính, lái phụ và tôi).

Hình tượng tác giả trong thơ Phạm Tiến Duật thời chống Mỹ không hẳn là đồng nhất nhưng thường được đặt ở vị trí phát ngôn, có chung điểm nhìn với những chàng “lính măng tơ”, ra trận với trái tim háo hức, nhiều khao khát và căng tràn sức trẻ. Chỉ có người trong cuộc, người cùng thế hệ có chung những “vùng sóng giao thoa” mới cảm hiểu và chia sẻ, thậm chí là mới có thể “đọc nhanh”, “đọc đúng vị” nét bồng bột, ngây thơ và rất đáng yêu qua cách làm quen và điệu bộ vui vui của chàng lính trẻ: Cái cậu trẻ măng cất tiếng hát/ Khi biết trong hầm có cô bé đang nghe (Vầng trăng và những quầng lửa), cũng như triết lí riêng rất dễ thương mang màu sắc duy mĩ của tuổi trẻ, của những chàng trai - theo cách nói dân gian là - chỉ “yêu bằng mắt”: Nghe em hát mà anh buồn cười/ Nhịp với phách xem chừng sai cả/ Mồ hôi em ướt đầm trên má/ Anh với mọi người nhìn nhau khen hay/ Khu rừng già âm u tàu bay/ Các chiến sĩ nhìn em đăm đắm/ Mũ sắt lấm, áo ngoài cũng lấm/ Mỗi khi cười bóng dáng cứ lung linh/ Có lẽ vì khuôn mặt em xinh/ Nên giọng hát nhoè đi không nhớ nữa…/ Đốt lòng nhau cứ gì phải lửa… (Nghe em hát trong rừng).

Những câu thơ giản dị, chân thật đã phác hoạ nên bức tranh cảm động về những năm tháng chiến tranh. Nhưng sâu xa hơn đó là cái nhìn ít nhiều mang đặc tính giới. “Giữa một vùng đất khô rang” thì “em bỗng đến như dòng sông đầy nước”. Vẻ đẹp tươi tắn của những người con gái đã làm dịu đi cái khốc liệt của chiến tranh; đời sống chiến trường, theo đó cũng thơ mộng và đáng yêu hơn. Thanh sắc của những người đẹp luôn trở đi trở lại trong thơ Phạm Tiến Duật. Đó có thể là một gương mặt “hồng hồng xinh quen”, “một tiếng cười giòn”, một giọng nói “nghe buồn cười đáo để”… Và cái cao cả, cái anh hùng nhiều khi thẩm thấu vào cái bình thường, song tồn cùng nếp sinh hoạt thường nhật. Không gian chiến tranh tưởng như thơm tho hơn bởi trong một tương phản, đối lập gay gắt, nhà thơ vẫn cảm nhận đủ đầy sức quyến rũ và sự thăng hoa của bản sắc nữ: Dẫu hố bom kề bên còn bay mùi khét/ Tóc lá sả đâu đó vẫn bay hương (Lửa đèn).

Điểm nổi bật nhất của bản chất nữ và ý thức phái tính là thích làm đẹp và được khen là đẹp. Đó là “mã thông điệp” đặc trưng nhất mà giới nữ “đối thoại” với một nửa thế giới còn lại và rộng hơn là với cuộc đời. Bằng sự thấu hiểu, ái mộ của người nam, Phạm Tiến Duật đã nhận ra vẻ đẹp nữ giới, một cái gì rất tự nhiên dung dị nhưng đủ sức lay động lòng người: Cái buồng lái là buồng con gái/ Vẫn cành hoa mềm mại cài ngang (Niềm tin có thật).

Trong số những bản tình ca thời chống Mỹ, Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây không chỉ tiêu biểu cho phong cách thơ Phạm Tiến Duật mà còn cho cả nền thơ trẻ chống Mỹ cứu nước, từ cảm hứng đến giọng điệu. Lời thơ được cất lên từ đôi cánh lãng mạn, giàu nhiệt huyết và phơi phới niềm vui, dìu dặt, tha thiết: Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn/ Hai đứa ở hai đầu xa thẳm/ Đường ra trận mùa này đẹp lắm/ Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây.

Không phải nhà thơ chưa “nếm mật nằm gai” cùng rừng, trái lại ông là người của Binh đoàn 559 - Binh đoàn Trường Sơn - đến với rừng và gửi lại rừng một phần đời trai trẻ: Đi trong rừng hong hanh tháng nắng/ Ở với rừng dai dẳng tuần mưa/ Sống với rừng cái tuổi say sưa/ Những vùng rừng dài hàng ngàn cây số (Đi trong rừng). Nhưng bằng một góc tiếp cận hiện thực gần gũi, Phạm Tiến Duật đã “nhào nặn” không gian cây cao bóng cả, hoang sơ, hùng vĩ thành một không gian gần gũi, thân thiện hơn. Điều đó cắt nghĩa vì sao trong cái vô tận của không - thời gian, đi qua “những vùng rừng không dân”, ông là người sớm phát hiện ra những “vùng làng” với một vài chi tiết chọn lọc, thân thiết với đời sống người Việt chốn thôn quê: Cũng vương tóc rối chân gà/ Cũng tiếng chó sủa chiều tà sau cây/ Cũng quần áo ướt phơi dây/ Cũng gàu múc nước, ô hay cũng làng (Vùng làng).

“Anh” và “em” trong Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây là hai trong số người người lớp lớp những cư dân - chiến sĩ Trường Sơn. Họ ngày đêm vật lộn với mưa bom bão đạn của quân thù, mưa ngàn thác lũ của thiên nhiên để sống, chiến đấu và yêu, hoàn thành nhiệm vụ với Tổ quốc và trọn vẹn với tuổi xuân của mình. Cuộc sống đó đã vào thơ qua những “chất liệu thường”, nhưng chính tình yêu nồng nàn của tuổi trẻ đã thi vị hoá, biến mọi thứ bao bọc xung quanh đời sống đôi lứa trở nên hữu tình hơn. Thay vì những xù xì, gân guốc của hiện thực chiến trường là sự mượt mà, đằm thắm: Trường Sơn Tây anh đi, thương em/ Bên ấy mưa nhiều con đường gánh gạo/ Muỗi bay rừng già cho dài tay áo/ Hết rau rồi, em có lấy măng không?/ Còn em thương bên Tây anh mùa đông/ Nước khe cạn bướm bay lèn đá/ Biết lòng anh say miền đất lạ/ Chắc em lại lo, đường chắn bom thù (Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây).

Những vật vô tri như mưa, nắng, suối, khe, măng, rau, cái gạt nước, cái nhành cây… đều cùng tham dự vào diễn biến tình yêu và trở thành hệ sinh thái vừa nuôi dưỡng, vừa biểu thị dòng cảm xúc tha thiết nhớ nhung của đôi lứa đang yêu. Cảnh vật cũng như thấu hiểu mọi nỗi tâm tư, tình cảm của con người: Anh lên xe, trời đổ cơn mưa/ Cái gạt nước xua đi nỗi nhớ/ Em xuống núi nắng về rực rỡ/ Cái nhành cây gạt mối riêng tư (Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây).

Trong nỗ lực cách tân để tìm kiếm những cách cảm, cách nói mới phù hợp với xu thế vận động và khả năng chiếm lĩnh hiện thực của thơ ca thời đại chống Mỹ, Phạm Tiến Duật đã rất thành công. Thơ ông có sự kết hợp giữa lí tưởng và hiện thực, giữa cái riêng cá nhân và cái chung cộng đồng. Đó là sự lựa chọn phù hợp với quỹ đạo vận động của thơ viết về chiến tranh cách mạng, về thời đại chống Mỹ cứu nước. Chính vì vậy, nhân vật trữ tình trong thơ Phạm Tiến Duật luôn được đặt trong một phông nền rộng lớn là đồng đội, là tập thể. Những da diết riêng tư không tách rời hơi thở và nhịp sống của cả một thế hệ. Sắc thái trữ tình hoà vào âm hưởng sử thi cuồn cuộn: Từ nơi em gửi đến nơi anh/ Những binh đoàn nối nhau ra tiền tuyến/ Như tình yêu nối lời vô tận/ Đông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn (Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây). Bài thơ là sự đánh dấu một chặng đường thơ Phạm Tiến Duật: sôi nổi, trẻ trung, lạc quan, yêu đời. Bằng nhiệt tâm của người cầm bút, ông lưu giữ trong sáng tác của mình một không gian Trường Sơn kì vĩ với cả hai cánh Đông - Tây, những gương mặt, bóng dáng thân thương và đời sống tình cảm trong trẻo, nồng nàn của những cô thanh niên xung phong “ba sẵn sàng xanh áo” cùng những “anh bộ đội áo màu xanh”. Phạm Tiến Duật, vì vậy, được coi là người lĩnh xướng của dàn đồng ca thơ chống Mỹ trước 1975: chất giọng cao, vang ngân và khoẻ khoắn. Hình như duy có một lần, trong một cuộc chia tay ngậm ngùi, lưu luyến, bịn rịn, nhà thơ đã để cho nhân vật trữ tình có những phút yếu đuối, giọng thơ trầm hơn, buồn vui lẫn lộn: Thôi em, đừng bẻ đốt ngón tay/ Nước mắt dễ lây mà rừng thì lặng quá/ Anh biết rồi bao nhiêu vất vả/ Tháng năm rồi cùng nhau đi qua/ Lũng thì thẳm mà rừng thì sâu/ Để hun hút nhớ nhau biền biệt… (Cô bộ đội ấy đi rồi). Và dĩ nhiên là về sau, với độ lùi thời gian, nhìn nhận lại những chấn thương của cuộc chiến tàn khốc, cũng như nhiều cây bút cùng thế hệ, Phạm Tiến Duật đã viết về chiến tranh bằng một tâm thế khác. Giữa hai chiều thời gian quá khứ và hiện tại là dấu hiệu mờ nhoè giữa không gian vật thể và không gian tâm tưởng. Không gian Trường Sơn dẫu đã “hoá thạch” thành một miền kí ức sâu thẳm, nhưng nó luôn trỗi dậy trong tận cùng nỗi buồn thương của nhà thơ sau mỗi lần gặp lại những “em gái thanh niên xung phong”, những “cô bộ đội” thuở nào. Vẫn lối viết thiên về đặc tả chi tiết theo đúng phong cách Phạm Tiến Duật nhưng có sức ám ảnh và gợi niềm cảm thương, xa xót: Em nhìn tôi khuôn mặt vẫn hơi gầy/ Tôi nhìn em nước da như thuở trước/ Bếp tập thể đậu kho và rau luộc/ Em gắp cho tôi bằng đũa cau rừng (Áo của hôm nào, người của hôm nay). Những mất mát, hi sinh vô giá của những người con gái năm xưa đi mở đường, tiếp đạn, chuyển gạo… góp sức làm nên khúc khải hoàn ca, đại thắng mùa xuân cho đất nước thực sự là món nợ chung mà dân tộc không thể và không bao giờ trả nổi. Là người trong cuộc, Phạm Tiến Duật thấu hiểu điều đó hơn ai hết. Chính vì vậy, trở đi trở lại trong trường ca "Tiếng bom và tiếng chuông chùa" hình ảnh kép: cô gái Trường Sơn và sư thầy trong mạch liên tưởng vừa tương đồng, vừa đối lập:

Có lẽ nào tiếng chuông chùa lại gợi tiếng bom

Có lẽ nào khói hương thơm lại gợi khói súng một thuở

Nhưng sư thầy đang ngồi đó

Cô thanh niên xung phong tuổi trẻ ngày nào

(Tiếng bom và tiếng chuông chùa)

Trong một đàm đạo về nghề, Phạm Tiến Duật đã nói: “Tôi không quy định nhịp thơ. Nhịp đời thế nào thì nhịp thơ tôi thế ấy”. Điều đó cắt nghĩa vì sao thơ ông lại có hai cung “thăng” và “trầm” khác nhau ở hai đoạn đời trong và sau chiến tranh. Từ tư duy hướng ngoại chuyển sang tư duy hướng nội, từ cảm hứng sử thi, cộng đồng sang cảm hứng thế sự, đời tư, thơ Phạm Tiến Duật chuyển từ điệu thơ khoẻ khoắn, lạc quan, yêu đời, vui sống sang nhịp giọng trầm buồn, đượm sắc thái tự vấn, ưu tư, trăn trở…

Trải qua nửa thế kỉ cầm bút, bên cạnh những thể loại cùng những hoạt động nghệ thuật đa dạng khác, Phạm Tiến Duật đã để lại nhiều sáng tác thơ giá trị, trong đó nổi bật nhất là hai tập" Vầng trăng quầng lửa (thơ, 1970) và Tiếng bom và tiếng chuông chùa (trường ca, 1997). Hành trình và thành tựu thơ ca của ông gắn với những con đường, những cánh rừng Trường Sơn. Đi qua chiến tranh, đi qua tuổi trẻ, đi qua “những vùng rừng không dân”, Phạm Tiến Duật đã thổi hồn vào cây lá và xây cất không gian Trường Sơn thành ngôi nhà của tình yêu với những lời gửi trao, hò hẹn, đợi chờ… Chính ông là người đã “dắt tay” những cô em thanh niên xung phong, những nữ chiến sĩ vào thơ để trẻ hoá, lãng mạn hoá thế giới nhân vật, để họ sống với tư cách là “người đẹp của rừng, người yêu của lính” một cách hồn nhiên, tình tứ. Giữa không khí nóng bỏng sục sôi của cuộc chiến, tình yêu đôi lứa, đặc biệt là những mối tình sáng tươi, trong trẻo nảy sinh nơi bom rơi đạn nổ của chiến tranh thực sự là dòng suối trong xanh, tắm mát và nuôi dưỡng tinh thần người chiến sĩ, cho họ những hương vị ngọt ngào để thêm sức mạnh chiến đấu và chiến thắng. Qua những câu chuyện tình xúc động, có sức lan toả, Phạm Tiến Duật đã thắp sáng ngọn lửa lí tưởng và vẻ đẹp sáng ngời của người lính thời chống Mỹ. Những giai điệu tình yêu được cất lên giữa không gian Trường Sơn trong thơ Phạm Tiến Duật ngày ấy sẽ là những bài ca “đi cùng năm tháng”.

Lý Hoài Thu